Vay nóng Tima

Truyện:Sân Không Vắng Vẻ Tàn Xuân - Chương 03

Sân Không Vắng Vẻ Tàn Xuân
Trọn bộ 21 chương
Chương 03
Như lần gặp đầu tiên
0.00
(0 votes)


Chương (1-21)

Siêu sale Shopee


Đến lập xuân, Lâm Lang mới dần khỏe lại. Mấy ngày gần đây trong cung lại đang bận rộn chuẩn bị cho cuộc đi săn. Ngọc Trợ thấy Lâm Lang ngày càng tươi tắn hơn, có thể làm việc như trước nên cực kì vui mừng nói: "Hoàng thượng muốn xuất cung đi săn, phòng giặt đồ chúng ta cũng phải đi theo hầu hạ. Ngươi khỏe lại làm ta yên tâm rồi." Vì Lâm Lang làm việc cẩn thận chu toàn nên Ngọc Trợ liền đến gặp tổng quản, đem tên nàng ghi vào danh sách cung nữ đi theo hầu hạ.

Sau khi Lâm Lang vào cung, chưa từng bước ra ngoài cho nên lần này vừa vui vừa than thở. Vui chính là trong lúc ngẫu nhiên nhìn qua rèm xe ra ngoài, phố xá thành quách vẫn như xưa, than thở là vì Thiên tử đi tuần, chín thành đều giới nghiêm, phố phường do nha môn bộ binh thống lĩnh, cùng với quân tiên phong, kỵ binh, hộ quân, do ngự tiền đại thần phụ trách dẫn đầu dẹp đường. Mỗi chỗ ngự giá (xe có vua ngồi) đi qua, trên đường đều treo bạt màu vàng, do ba cánh quân bảo vệ. Đừng nói những kẻ rảnh rỗi, chỉ sợ đến một con chuột cũng bị dọa chạy xa mười dặm.

Đường đi tắc nghẽn, xa xa chỉ thấy cả đoàn xe nối tiếp nhau, quanh co khúc khuỷu, hàng ngũ dài hơn mười dặm.

Thật ra nàng mới tiến cung chưa lâu, chỉ nghe nói kỷ luật quân binh nghiêm khắc, nay mới tận mắt thấy thiên binh vạn mã, tiếng chân đều đặn, bánh xe vang lộc cộc, đến ngay một tiếng ho khan cũng không có.

Đến chiều hạ trại, lều trại cũng san sát nối tiếp nhau, ngọn lửa hừng hực tỏa ra từ đuốc thông sáng như ban ngày. Mấy ngày liền ánh trăng đều bị những ngọn đuốc này làm cho lu mờ ảm đạm. Trên bình nguyên mênh mông, trăng trên cao, đêm yên tĩnh, chỉ nghe thấy tiếng củi cháy trong đống lửa "ba ba tách tách" liên hồi. Lúc binh sĩ trực ở các lều trại đi tuần vòng quanh, áo giáp sắt leng keng va chạm, cái bóng đen của binh sĩ chiếu lên lều bạt, trông y như người khổng lồ.

Lâm Lang dựa theo ánh đèn sửa xong chiếc áo choàng màu xanh lam, có thêu hình hai con rồng uốn vào nhau thì chợt nghe xa xa có tiếng thổn thức, có người đang thổi kèn. Ở nơi hoang vu này âm thanh đó cứ ngân nga vang vọng, quanh quẩn lên xuống không ngừng.

Ngọc Trợ "ồ" một tiếng: "Ai thổi kèn thế?" Lâm Lang lắng tai nghe kĩ, chỉ thấy tiếng kèn kia xao động, phảng phất như có âm thanh kim loại chen vào. Người thổi kèn khuất phục trăm ngàn hùng binh, có rất nhiều đất đai. Nàng liền đoán: "Nhất định là một vị đại tướng quân thống lĩnh quân đội đang thổi kèn."

Đợi đến đoạn cuối, âm thanh của chiếc kèn lại càng mãnh liệt, véo von rồi dừng lại, dư âm mỏng manh sắp đứt, giống như ánh trăng kia, đi thẳng vào lòng người. Ngọc Trợ cảm thán: "Thổi thật hay, khiến người ta còn muốn nghe tiếp nữa. Lâm Lang, không phải ngươi biết thổi tiêu sao, thổi một khúc nghe xem."

Nàng đáp: "Nô tì không thổi được đâu, chỉ biết qua loa mà thôi, không dám thổi cho người khác."

Ngọc Trợ cười: "Cũng đâu phải trong cung đâu, chỉ có mấy người chúng ta, ngươi cũng không cần phải giấu. Ta biết ngươi luôn mang theo mình chiếc tiêu, hôm nay ngươi không thể không thổi một khúc."

Lần này phòng giặt đồ đi theo hầu hạ khoảng hơn mười người, đều là cung nữ tuổi còn trẻ, mà ngoài lều trại quy củ không chặt, sớm đã muốn gây chuyện. Nghe được câu này của Ngọc Trợ, không khỏi chờ mong, mồm năm miệng mười vây quanh Lâm Lang khiến nàng không chịu nổi sự huyên náo ầm ĩ này, đành phải rút ra cây tiêu ra: "Được rồi, mọi người đã muốn nghe thì ta cũng xin thổi một khúc, nhưng mà đã nói trước rồi nhé, nếu như nghe xong đến ba tháng sau cũng không nuốt trôi miếng thịt thì ta cũng mặc kệ đó."

Nàng trầm ngâm một lát, đoạn cầm cây tiêu lên, thổi một khúc "Tiểu trùng sơn"

Xuân đến cổng thành xanh cây cỏ

Vài cánh mai hồng chưa nở nhẹ rơi

Một ấm trà xanh vương ít cặn

Uống một chén, tỉnh trong giấc mộng.

Hoa ngả bóng lên cửa lớn

Trăng soi lên mành thưa, hoàng hôn thật đẹp!

Hai năm ba bận phụ mùa xuân

Xuân năm nay nhất định phải tận hưởng.

Ngọc Trợ không hiểu nhạc lý, chỉ thấy tiếng tiêu trong trẻo lạnh lùng, nhẹ nhàng nhưng bi thương động lòng người. Nghe trong đêm yên tĩnh, như kể như khóc, tiếng tiêu quanh quẩn vương vấn, như đem theo ánh trăng, thanh lệ khó nói nên lời. Một khúc tiêu vừa thổi xong, trong lều vẫn im lặng như cũ.

Một lúc lâu sau Ngọc Trợ mới cười nói: "Ta chẳng nói được là chỗ nào hay, nhưng mà sau một lúc lâu mà vẫn cảm thấy tiếng tiêu kia cứ như đang quanh quẩn bên tai."

Lâm Lang cười đáp: "Cô cô quá khen rồi." Một lời còn chưa nói xong, chợt nghe tiếng kèn nọ từ xa lại vọng tới.

"Tiếng kèn lại thổi đến rồi, chắc có ý phụ xướng cùng chúng ta." Ngọc Trợ bảo.

Lần này thổi là khúc "Nguyệt xuất". Khúc này thường nghe từ đàn cầm, Lâm Lang chưa từng nghe ai dùng kèn thổi lên bao giờ. Âm thanh phát ra từ kèn vốn lanh lảnh, thổi khúc nhạc xưa lại đem theo một luồng gió mới, khiến người ta có cảm giác hoàn toàn mới mẻ.

Thế nhưng giai điệu trong tiếng kèn kia lại dứt khoát, ngang ngược, hoàn toàn không có ý tứ đau buồn than thở như trong ca từ, ngược lại còn có ba phần thong dong. Kèn kia thổi xong khúc "Nguyệt xuất" thì ngừng một lúc lâu rồi lại bắt đầu thổi lại từ đầu.

Cuối cùng Lâm Lang không chịu được nữa liền đem tiêu hợp xướng. Một tiêu một kèn cùng nhau diễn tấu. Tưởng chừng hai âm thanh trái ngược nhau nhưng lại phối hợp rất nhịp nhàng ăn ý. Một khúc nhạc hòa quyện giữa tiếng kèn lạnh lùng dứt khoát với tiếng tiêu quanh quẩn lưu luyến không thôi.

Tuy mấy cung nữ không hiểu nhạc lý cho lắm nhưng nghe lại thấy rất hay, tò mò đoán xem người thổi kèn kia là ai thế rồi lại bùng lên náo nhiệt, ai ai cũng tranh nhau đoán mà không hề để ý đến cửa lều đã được vén lên, theo đó là mấy người vây quanh một người cùng tiến vào.

Những người trong lều bạt quay về phía cửa, chỉ thấy người đi đầu phong thái hiên ngang, khoảng 26, 27 tuổi. Trên đầu đội một chiếc mũ lông màu đen có thêu hai chữ "Vạn thọ" bằng chỉ đỏ. Người ấy nhìn quanh quất, ánh mắt sắc bén, nhìn qua một lượt tất cả những người trong lều. Các cung nữ không ngờ lại có một vị khách không mời mà đến. Nhìn thân phận của người này thì chẳng phải quan cũng không phải binh, hoàn toàn không biết vì sao trong đoàn hộ tống ngự giá lần này lại có dạng người đó, không khỏi hoảng hốt bất động.

Duy chỉ có Lâm Lang nhẹ nhàng bước tới, hành lễ nói: "Nô tì khấu kiến Dụ vương gia, Vương gia vạn phúc kim an!"

Lúc này mọi người trong lều mới bừng tỉnh, vội vội vàng vàng quỳ xuống dập đầu thỉnh an.

Phúc Toàn vẫy vẫy tay cho qua, ý bảo miễn lễ: "Người vừa rồi thổi tiêu là ai?" Lâm Lang nhỏ giọng đáp: "Là nô tì."

Phúc Toàn "ồ" một tiếng rồi hỏi: "Ngươi có biết ta?" Tuy hắn hay ra vào cung đình nhưng theo quy định thì không thể vô cớ gặp gỡ cung nữ hậu cung được. Hắn mặc thường phục cho nên cung nữ trong lều mới không biết, không ngờ nàng kia lại biết được thân phận của hắn. Lâm Lang đáp: "Nô tì chưa từng có phúc được gặp Vương gia." Phúc Toàn ngạc nhiên: "Vậy tại sao ngươi lại biết..."

"Áo gấm của Vương gia chắc chắn là được Hoàng thượng ban thưởng." Lâm Lang khẽ đáp.

Phúc Toàn cúi đầu nhìn, chỉ thấy cổ tay áo có hơi lộ ra lớp lông chồn tía sáng mượt, theo lệ chỉ có y phục Hoàng đế mới được dùng lông chồn tía. Cho dù thân phận cao quý như thân vương, đại thần cũng không thể đi quá giới hạn. Hắn không ngờ là mình lộ ra sơ hở, không khỏi cười: "Đúng, đúng là do Hoàng thượng ban thưởng." Trong lòng thầm tán thưởng cung nữ này nhanh nhẹn cẩn trọng. Nhìn nàng đứng nghiêm túc nơi đó, ánh mắt hướng xuống, mặt mày hoàn toàn không phải kiểu xinh đẹp tuyệt trần, thế nhưng, dưới ánh đèn, mặt mày trắng mịn như ngọc. Phúc Toàn nhẹ nhàng khen ngợi:"Vừa rồi ngươi thổi tiêu rất hay."

Lâm Lang đáp: "Chỉ là ngày nhỏ nô tì từng được học qua một ít, nhất thời to gan tùy tiện thổi lên, đã làm bẩn tai Vương gia rồi, xin Vương gia thứ tội."

"Không cần quá khiêm tốn, tối nay trăng đẹp như vậy, thích hợp nghe tiếng tiêu, ngươi lại thổi thêm một khúc đi."

Lâm Lang nghĩ một chút rồi đành thổi một khúc "Cửu vực". Ca từ của khúc "Cửu vực" này vốn là ca ngợi Chu Công. Chu Công là nhi tử Văn Vương, đệ đệ của Vũ Vương. Từ nhỏ đã hiếu thuận hơn người, khi Vũ Vương yên vị thì lại lấy sự trung thành ra phò trợ Vũ Vương. Nàng lấy khúc này ra đáp lại lệnh vương lại là vô cùng thích hợp, không những ca tụng Phúc Toàn, mà còn khen ngợi hai vị thánh hiền văn võ song toàn là Tiên đế và Hoàng đế bây giờ. Phúc Toàn nghe xong, không thể không cười: "Ngươi từng được học hành sao?"

"Chỉ là học được đôi ba chữ mà thôi." Nàng đáp.

Phúc Toàn gật gật đầu, nhìn chung quanh, bất giác hỏi: "Các ngươi làm nhiệm vụ gì?"

Lúc này Ngọc Trợ mới kính cẩn đáp: "Bẩm Vương gia, chúng nô tài thuộc phòng giặt đồ."

Phúc Toàn "ừ" một tiếng, chợt nghe tiếng lều bạt khẽ động, một tiểu thái giám bước vào, thấy Phúc Toàn liền vui mừng thỉnh an: "Hóa ra Vương gia ở đây, làm nô tài tìm mãi... Vạn Tuế Gia đang tìm Vương gia đấy ạ."

Phúc Toàn nghe xong vội dẫn đám người đi. Đợi hắn đi khỏi thì lều bạt mới ồn ào trở lại. Ngọc Trợ vuốt vuốt ngực, hít một hơi sâu: "Thật là dọa chết ta, không ngờ đúng là Dụ vương gia. Lâm Lang, may mà ngươi lanh lợi."

Lâm Lang đáp: "Cô cô từng trải, chuyện gì cũng đã kinh qua, chỉ là chúng ta ở trong cung, trước giờ chưa từng gặp người bên ngoài nên cô cô mới nhất thời không nghĩ đến mà thôi."

Ngọc Trợ đi đến bên cửa lều nhìn sắc trời rồi nói: "Đi trải chăn đi, ngày mai còn phải dậy hầu hạ từ sớm."

Các cung nữ đáp một tiếng "vâng", ba bốn người đi trải chăn, dọn dẹp xong rồi đi ngủ.

Chỗ của Lâm Lang vừa vặn ở bên sườn Ngọc Trợ. Nàng trằn trọc một lúc lâu, khó ngủ. Chỉ nghe tiếng loạt xoạt bên ngoài lều, hình như đã quá canh bai. Trong lều yên tĩnh, nghe rõ tiếng ngáy nhẹ của từng người. Ai ai cũng ngủ say sưa cả rồi, nàng không nén nổi tiếng thở dài khẽ khàng. Ngọc Trợ nghe thấy liền hỏi nhỏ: "Còn chưa ngủ sao?"

Lâm Lang vội áy náy đáp: "Nô tì có bệnh lạ giường, nhất định là đã đánh thức cô cô rồi."

"Ta cũng thế, thay đổi chỗ là ngủ không yên giấc."

Ngừng một lát rồi tiếng nhỏ như tiếng muỗi lại vang lên: "Xem tình hình hôm nay thì Dụ vương gia có chút xúc động, sau này chắc ngươi có chỗ dựa rồi."

Trong bóng đêm nàng cảm thấy hai gò má nóng bừng. Một lúc lâu sau lại nói như muỗi: "Cô cô, người lại nói đùa." Ngọc Trợ nhỏ giọng đáp: "Ngươi biết ta không nói đùa, Dụ vương gia là huynh trưởng của Hoàng thượng, sắc phong thân vương. Nếu như Vương gia mở miệng nói một tiếng với Hoàng thượng hoặc Thái hậu thì ngươi cũng thoát ra được rồi."

Lâm Lang chẳng nói năng gì, qua một lúc mới đáp: "Cô cô, người cũng biết con nào có phúc phận lớn vậy."

Ngọc Trợ cũng lặng im, lại cách một lúc mới nhẹ nhàng nói: "Nói thật thì... nếu như Dụ vương gia thật sự mở miệng xin Hoàng thượng cho ngươi đi thì ta cũng thấy oan ức thay ngươi, vận số của ngươi còn tiến xa hơn nữa."

Tiếng cô cô cực thấp, sau khi nàng kinh ngạc hoảng hốt một lúc, cuối cùng chỉ đành đáp: "Cô cô nói như vậy... đến trong mộng Lâm Lang cũng không dám mơ đến."

Mấy ngày gần đây Ngọc Trợ rất hay buột miệng, trong lòng ngược lại lại thấy yên tâm, vẫn là tiếng thì thầm bên tai: "Thật ra mấy năm nay ta ở trong cung, cô đơn lại gặp được ngươi, làm ta cảm thấy ai cũng có cái số riêng. Cô cô cũng đã già, nếu như thật sự có ngày đó cũng coi như cô cô này đã không nhìn lầm."

Lâm Lang cầm lấy tay cô cô, đáp: "Cô cô nói khiến người ta phát sợ, Lâm Lang làm gì có phúc khí lớn như vậy. Cô cô đừng nói những lời tổn thọ đó nữa."

Ngọc Trợ vỗ vỗ nhẹ lên mình nàng, chỉ nói: "Ngủ thôi."

Ngày thứ hai lại là một ngày thời tiết nắng đẹp. Vì xuất cung đi săn bắn nên mọi việc đều được giản lược. Lâm Lang thấy quần áo vẫn chưa giặt xong liền tiện tay cầm đi giặt giũ. Tháng ba mùa xuân, hương cỏ nồng nồng, lại pha tạp hương hoa dại, một đường đi đánh động đám bướm, đàn chim. Bốn, năm cung nữ nâng giỏ quần áo lớn, người giặt người giũ bên bờ sông ồn ã, nước bắn lên tung tóe.

Lâm Lang vừa đập mấy đập bỗng "ai da" một tiếng, nàng vốn không quen giặt giũ bên sông, không để ý nên khiến giày thấm nước bị ướt, dưới chân lành lạnh, nước đã ngấm vào chân rồi. Nhìn thấy mấy cung nữ kia vẫn đang đứng dẫm dẫm ở chỗ nước nông, nàng cười hỏi: "Tuy là mùa xuân nhưng lội nước các tỷ không thấy lạnh sao?"

Một cung nữ đáp: "Một lúc là quen thôi, ngược lại lại thấy hay ho nữa, muội cũng qua đây thử xem."

Lâm Lang thấy làn nước xanh ngọc, trong veo thấy đáy, bản thân vẫn có vài phần nhát gan, cười cười bảo: "Muội cứ thấy sợ sợ... nước chảy xiết như thế..."

Cung nữ bên cạnh bật cười: "Nước nông như vậy cũng chẳng cuốn nổi muội đâu."

Nàng chỉ lắc đầu: "Không được, muội không dám đâu."

Đang lúc cười nói an nhàn bỗng thấy một tiểu cung nữ thở hổn hển chạy đến từ phía cánh rừng phía xa: "Lâm Lang tỷ tỷ, mau, mau... Ngọc cô cô gọi tỷ quay về."

Nàng giật mình, chiếc áo lụa trong tay trôi theo dòng nước, nàng liền vội nhoài người giữ lại. Đem giỏ quần áo với cái dùi đập cho cung nữ nọ rồi theo tiểu cung nữ quay về lều trại.

Bước vào thấy Vân Sơ đang ngồi bên trong, nàng cười hỏi: "Muội cũng đoán tỷ tỷ cũng theo đoàn lần này, nhưng không ngờ tỷ sao lại qua thăm chỗ muội?"

Theo qui định thì những người hầu hạ ngự tiền không thể tùy ý đi lại. Vân Sơ lộ vẻ lo lắng, đưa nàng xem một chiếc áo. Lâm Lang nhìn chiếc áo gấm có hoa văn rồng liền biết là áo vua, trên phía vai áo lại rách ra khoảng một tấc. Vân Sơ kể: "Hôm nay lúc Vạn Tuế Gia đang đi, chiếc áo vướng vào một cành cây rồi rách thành như thế. Mà đợt này đi thì những người thêu giỏi đều để lại trong cung mất rồi."

Ngọc Trợ đứng một bên bảo: "Lâm Lang, xưa nay ngươi thêu thùa rất khéo, xem xem có thể vá lại được không?"

Lâm Lang đáp: "Cô cô có lời phân phó lẽ ra nên nỗ lực thử một lần, nhưng đây là áo của Hoàng thượng, nô tì sợ làm hỏng mất lại liên lụy tới cô cô cùng Vân Sơ tỷ tỷ."

"Lần này đi không ngờ thời tiết lại ấm áp vậy, chỉ mang theo ba chiếc áo. Không chừng buổi tối Vạn Tuế Gia sẽ muốn thay, quay về kinh lấy thì không kịp, Tứ Chấp Khố đang lo lắng như kiến trên chảo lửa, tỷ cũng bận bịu tìm người vá, tiện đưa tới chỗ cô cô cho muội xem. Tỷ biết muội có khả năng, dù sao cũng cứ thử đi."

Lâm Lang nghe tỷ tỷ nói vậy liền nhìn kĩ lần nữa, cầm cái khung thêu ra trải lên, chỉnh lại sợi ngang sợi dọc, lại tỉ mỉ nhìn một hồi: "Bây giờ lấy đâu ra chỉ vàng thẫm đây?"

Ngọc Trợ nói: "Ta thấy chỗ ngươi có chỉ màu vàng đó."

"Chỉ sợ vá lên không được giống hoàn toàn, hoa văn trên áo gấm này lại không phải màu vàng thẫm, sợ là may vào không hợp."

Trên mặt Vân Sơ lộ rõ vẻ lo lắng sốt ruột, Lâm Lang ngẫm nghĩ: "Muội cứ vá lên đã, rồi xem xem có cách nào nữa không." Lại nhìn Vân Sơ nói tiếp: "May vá cũng không phải việc một lúc là xong được, tỷ tỷ cứ quay về đi đã, lát nữa vá xong rồi sẽ phái người đến đưa cho tỷ."

Vốn dĩ Vân Sơ cũng không dám ở lại lâu nên nghe nàng nói như vậy liền cáo từ.

Trên chiếc áo gấm này thì một sợi chỉ cũng không thể khâu nhầm, Lâm Lang xâu chỉ rồi chầm chậm khâu vá, nối sợi ngang rồi lại nối sợi dọc. Dần dà cũng qua hai canh giờ, vá xong vết rách chỉ thấy chỗ đậm chỗ nhạt, muốn giấu cũng không giấu được.

Ngọc Trợ thở dài một tiếng: "Cũng chỉ có thể làm đến vậy."

Nàng nghĩ nghĩ một lát rồi lại cầm kim lên. Ở chỗ bị rách thêu lên hoa văn tứ hợp như ý. Ngọc Trợ thấy nàng thêu được một nửa mới vỗ tay vội khen tuyệt vời, đợi đến lúc thêu xong thì chỗ rách may mắn được che hoàn toàn.

Lâm Lang cười bảo: "Phía vai bên kia cũng phải thêu một đóa thì mới giấu được."

Đợi đến khi thêu hoa văn bên vai áo còn lại xong, nhấc áo lên ngắm nghía quả nhiên không chê vào đâu được, cứ như mới vậy. Ngọc Trợ không kìm được vui mừng, rồi sai người mang áo đi.

Sắc trời đã gần tối, mấy canh giờ vừa qua Lâm Lang chỉ ăn qua loa mấy cái bánh, bây giờ xong việc rồi nàng mới thấy đói bụng. Ngọc Trợ bảo: "Giờ chẳng còn ai đến, điểm tâm cũng không có, ta đi gọi bọn họ làm cho ngươi ít đồ ăn."

Nàng vội nói: "Không phiền cô cô, dù gì chân tay nô tì cũng tê cứng cả rồi, muốn đi đi lại lại một lúc, tiện qua bếp xem còn gì có thể ăn không."

Lúc xuất cung thế này quy tắc có phần lơi lỏng, Ngọc Trợ gật đầu: "Cũng được, ngươi đến đó ăn luôn cho nóng."

Ai ngờ được khi nàng đến nhà bếp thì trời cũng đã tối, trong bếp cũng chỉ còn vài cái bánh. Lâm Lang cầm lấy ra ngoài lều, nàng ngẩng đầu lên thấy một vầng ráng chiều, màu xanh lam của bầu trời trông như thủy tinh trong suốt. Từng ngôi sao dần dần xuất hiện phía xa. Nàng tham lam ngắm cảnh ráng chiều, chân men theo đường đi đến bờ sông bước tới.

Hoàng hôn tứ phía, nước sông sóng sánh. Trong gió đậm mùi thơm ngát của cỏ cây hoa lá. Một lát sau trăng lên. Thấp thấp dưới chạc cây, ánh trăng trắng nhạt, như bao trùm lên cảnh vật một lớp lụa vàng nhạt mỏng manh.

Nàng ăn xong bánh, đi xuống dưới sông rửa tay. Vừa chạm vào nước thì chiếc khăn dắt lỏng lẻo bên sườn rơi xuống, nháy mắt trôi theo dòng nước. Khăn nhẹ nên nước rất nhanh đã cuốn nó đi mất. Nàng chẳng kịp nghĩ nhiều, nhấc chân rồi lao vào trong làn nước, lội nước với lấy chiếc khăn. Nước tuy nông nhưng chảy rất xiết, nàng đuổi theo hơn trăm bước, sông uốn khúc, một chạc cây khô nằm ngang mặt nước giữ lại chiếc khăn của nàng khiến nó không bị sóng nước cuốn trôi. Nàng bước tới nhặt khăn, vừa mới không để ý mái tóc mượt mà liền bung ra, lại vướng vào chạc cây nọ khiến nàng bận bịu đứng gỡ.

Lúc này mới thấy dưới chân lành lạnh trơn trơn, tuy lạnh nhưng lại có một cảm giác mới mẻ độc đáo. Dòng nước không ngừng mơn man bàn chân nàng, mềm mại, ngưa ngứa. Nàng thích thú ngồi luôn xuống chạc cây, vắt khô chiếc khăn vắt lên bên cạnh. Bên bờ sông đều là lau sậy mới lên. Ánh trăng sáng nhẹ chiếu lên đám lau sậy lại càng sáng hơn, gió thổi qua chúng mang đến tiếng rì rào nho nhỏ.

Tóc đã vấn lên lại thấy rối, nàng gỡ xuống vấn lại. Ánh trăng tuyệt đẹp, láp lánh như tuyết, như khói như sương. Nàng nhớ lúc mình còn nhỏ, bài "Du xa ca" ma ma hay hát, tay thắt bím tóc, miệng ngâm nga nhẹ nhàng:

Du du trát, ba bố trát, sói đến rồi, hổ đến rồi, ngựa nhảy tường tới rồi.

Du du trát, ba bố trát, tiểu a ca, mau ngủ thôi, a mã xuất mã chinh phạt rồi...

Mới hát được hai câu bỗng nghe thấy tiếng lá xào xạc, rõ ràng là có người đang đi về hướng này, nàng bị dọa vội vàng vấn tóc đứng lên, không dám quay lại nhìn mà chỉ thốt lên hỏi: "Ai đó?" Chỉ sợ là sói hoang hay dã thú đến. Nàng sợ hãi, tim đập thình thịch, mắt liếc trộm sang, thấy trong mặt nước thanh khiết dưới ánh trăng có hiện lên hình ảnh của một người. Người đó hỏi: "Ngươi là ai? Đây là đại doanh hành tại*, ngươi là kẻ nào?", là giọng nam nhân trẻ tuổi.

* Hành tại: Chỗ ở tạm thời của vua lúc vi hành

Lâm Lang thấy hắn hỏi vặn như vậy liền đoán là thị vệ đi tuần, nàng đáp: "Nô tì là cung nữ theo đoàn hộ tống." Trong lòng lại sợ sẽ bị trách phạt, thế nhưng đợi một hồi lâu cũng không thấy người nọ mở lời. Cuối cùng nàng đành to gan nhìn trộm một cái, thấy màu đỏ thẫm của chiếc áo gấm, lại chẳng phải trang phục của thị vệ. Ngẩng đầu nhìn lên, dưới ánh trăng sáng, người nọ đứng giữa bụi lau như một cành lau cứng cáp đứng đón gió. Mặt mũi chính trực ngay thẳng, ánh mắt lại cực kì dịu dàng, chỉ nghe thấy hắn hỏi: "Ngươi đứng trong nước không thấy lạnh sao?"

Mặt nàng bỗng đỏ bừng, vội cúi thấp đầu, thấy chân mình thấp thoáng dưới làn nước xanh trong lại càng lúng túng hơn. Nàng muốn mau mau lên bờ, không ngờ đá cuội chỗ gần bờ sông trơn nhẵn khiến nàng lảo đảo một hồi, suýt nữa ngã nhào, may là người nọ nhanh mắt kéo lấy khuỷu tay nàng, nàng mới đứng vững.

Nàng vốn dĩ đã rất ngượng ngùng rồi, gót chân của con gái tộc Mãn không thể tùy tiện cho người khác thấy được. Nàng thất lễ với nam nhân xa lạ này xấu hổ đến mức vành tai cũng đỏ ửng nóng như thiêu như đốt, chỉ đành nhẹ giọng nói: "Cảm phiền người quay mặt đi để tiểu nhân còn đi giày."

Hắn run lên một chút rồi xoay người. Nàng đi giày xong liền lặng lẽ thỉnh an hắn từ phía sau lưng coi như đáp tạ, rồi yên lặng đi theo bờ sông trở về. Lâm Lang lặng lẽ bước đi, còn nam nhân kia đứng ở đó không nghe thấy tiếng nàng, cũng ngại không quay người lại. Chỉ thấy tiếng nước róc rách, gió thổi quanh người, thổi vào thân cây, lá cây vang lên tiếng xào xạc. Hắn đứng một lúc lâu, cuối cùng cũng không kiên nhẫn được nữa đành quay người lại, lại thấy mỗi trăng sáng như nước, lau sậy dập dờn mà chẳng còn ai cả.

Hắn hơi lưỡng lự, xong vỗ vỗ hai tay vào nhau hai tiếng "ba, ba". Sau thân cây xuất hiện hai tên thị vệ, khom người hành lễ với hắn. Hắn chỉ vào chiếc khăn lụa trắng trên chạc cây hỏi: "Đó là cái gì?"

Một tên thị vệ trả lời: "Nô tài đi xem." Nói rồi đi lui xuống, tới bờ sông nghiêng người với lấy chiếc khăn đem dâng bằng hai tay tới trước mặt hắn: "Chủ nhân, là một chiếc khăn vuông."

Hắn cầm lấy. Chiếc khăn lụa trắng còn đang ẩm ướt, mang theo hơi nước của con sông đượm mùi thơm. Chỉ vàng nhạt thêu trên hoa văn tứ hợp như ý, trông cực kì thanh nhã.

Lâm Lang đã về đến lều nhưng tim vẫn đập thình thịch. Không biết người nọ là ai, vừa rồi quá lúng túng nên không kịp nhìn thấy manh mối gì y phục của hắn ta. Nàng thầm đoán là vương công đại thần hộ tống đi săn, bản thân mình nhất định đã tùy tiện bước vào vùng đóng quân hành dinh rồi, tâm trạng không ngừng lo lắng bất an.

Người Ngọc Trợ phái đi đưa áo đã quay trở lại, bẩm rằng: "Vân Sơ cô nương nói đa tạ không ngớt, Lương Am Đạt cũng cực kì vui mừng, bảo hôm khác sẽ đến cảm tạ cô cô."

Ngọc Trợ cười nói: "Không cần đa tạ ta, tạ sự khéo léo của Lâm Lang là được rồi." Vừa cúi đầu liền nhìn thấy giày của Lâm Lang, "ai da" một tiếng: "Sao lại ướt thành thế này?" Lúc này Lâm Lang mới nhớ ra, thuận miệng đáp: "Nô tì đi rửa tay ở bờ sông không cẩn thận nên bị ướt.", nói xong vội đi thay đôi giày ướt ra.

Hôm sau, lúc nàng đang là quần áo trong lều thì nghe thấy tiếng Vân Sơ hỏi bên ngoài: "Ngọc cô cô có trong này không? Lương Am Đạt tới thăm cô cô đây."

Ngọc Trợ ra tiếp đón, thỉnh an xong cười bảo: "Am Đạt thật quá coi trọng Ngọc Trợ rồi."

Lương Cửu Công chỉ cười cười: "Ngọc cô cô khách khí." Lại đưa mắt nhìn tứ phía: "Người vá chiếc áo hôm qua không biết là vị cô nương nào?"

Ngọc Trợ vội gọi Lâm Lang ra chào. Nàng đang định cúi người thỉnh an thì Lương Cửu Công liền nhanh nhẹn nâng nàng dậy: "Cô nương không cần đa lễ, may mà có sự khéo léo của cô nương nên chúng tôi mới không bị trách phạt. Hôm nay Vạn Tuế Gia nhìn thấy chiếc áo còn hỏi là ai đã vá lại."

Vân Sơ đứng ở một bên, cười dịu dàng. Ngọc Trợ gọi người đi pha trà, Vân Sơ lặng lẽ nói với nàng: "Lương Am Đạt lần này thật sự rất vui mừng nên mới cố tình đến gặp muội đó."

Chung quy vẫn là đông người, không tiện nói nhiều, dịu dàng đứng cạnh Lâm Lang nắm chặt tay nàng, vẻ mặt đầy vui vẻ. Lương Cửu Công lại khen thêm vài câu rồi mới đi.

*****

Hắn quay về đến ngự doanh, tiểu thái giám đứng bên ngoài cửa lều nhỏ giọng báo: "Lương công công về rồi sao? Vương gia và Nạp Lan đại nhân đang tiếp chuyện Hoàng thượng ở bên trong." Lương Cửu Công gật đầu một cái, khẽ bước vào trong lều.

Cả một cái lều lớn đều lót da dê bên dưới, bước lên không một tiếng động. Hoàng đế ngồi ở giữa, thần sắc thảnh thơi. Dụ vương gia cười nói với Nạp Lan Tính Đức: "Dung Nhược, người thổi tiêu tối hôm trước quả thật là nữ nhân. Chúng ta đánh cuộc thua rồi, ngươi muốn tặng vật gì thì cứ nói ra."

Nạp Lan cười mỉm bảo: "Dung Nhược không dám."

Hoàng đế cười nói: "Hôm đó nghe thấy tiếng tiêu du dương, uyển chuyển, ngươi nói nhất định là nữ nhân, Trẫm cũng cho rằng như thế. Chỉ là Phúc Toàn không tin, cứ muốn đánh cược với ngươi, bây giờ thua đến tâm phục khẩu phục rồi."

Phúc Toàn đáp: "Hoàng thượng anh minh." Hướng Dung Nhược cười cười: "Ta nhận thua, tiễn Phật tiễn đến Tây phương (ý nói đã làm thì làm đến cùng, trọn vẹn), theo ta thấy tối đó ngươi rất thích người này, hay là ta thay ngươi cầu Hoàng thượng, xin Hoàng thượng ban nàng cho ngươi? Nhất cử lưỡng tiện, cũng coi như là giúp Hoàng thượng đi."

Tình cảm giữa Hoàng đế và huynh trưởng xưa nay rất thân thiết, lúc này cười bảo: "Ngươi muốn hắn cảm kích ngươi thì nói thẳng ra, sao còn đẩy sang Trẫm?"

Phúc Toàn đáp: "Hoàng thượng chẳng phải hay bảo: "Dung Nhược - Kiêm Điệp tình thâm, tiếc là không được dài lâu, thật khiến người ta thở dài buồn bã." Nữ tử kia tuy chỉ là cung nữ nhưng tài mạo có thể sánh đôi với Dung Nhược. Nô tài thay Hoàng thượng tác thành nên đoạn giai thoại này, hiển nhiên là vi quân phân ưu* rồi."

* Lo nghĩ, suy nghĩ thay vua

Nạp Lan đáp: "Đã là người trong hậu cung thì thần không dám vượt quá bổn phận."

Hoàng đế nói: "Bồng Sơn không xa, Lá đỏ đề thơ*... thời xưa đều là giai thoại, ngươi có thể so với Tống Tử Kinh, lẽ nào đến sự độ lượng của Triệu Trinh** Trẫm cũng không có?"

- -----------

* Một nam tử thả chiếc lá đỏ có viết bài thơ bên trên bề mặt xuống sông, cung nữ ở trong cung lượm được, không biết thơ của ai nhưng cũng viết lại một bài trên chiếc lá đỏ khác, thả xuống mặt nước. Sau này hai người lấy nhau mới biết phu quân/ thê tử của mình giữ chiếc lá còn lại.

** Chỉ Tống Nhân Tông Triệu Trinh, hoàng đế đời thứ tư thời Tống

- -----------

Phúc Toàn bật cười: "Hoàng thượng tấm lòng thuần hậu, tất nhiên là hơn xa Tống Nhân Tông. Tuy nhiên ngọn nguồn của mấy chuyện xưa này thần lại chẳng biết rõ." Hắn thông thạo bắn cung cưỡi ngựa, đối với những chuyện thời cổ lại biết không nhiều. Hoàng đế hiểu rõ vị huynh trưởng này nên hướng đến Nạp Lan bảo: "Dung Nhược, Dụ thân vương đang kiểm tra ngươi đấy, ngươi giải thích cho vương gia nghe xem."

Nạp Lan đáp một tiếng "vâng" rồi nói:

"Tống Kỳ tự Tử Kinh cùng huynh trưởng là Tống Tường đều có tên hiệu, người thời gọi là Đại Tống, Tiểu Tống. Một này nọ Tử Kinh đi trên phố phồn hoa vừa hay gặp ngự giá đi qua, trong đoàn xe có một cung nữ vén rèm nhìn trộm Tử Kinh bảo: "Chắc đây là Tiểu Tống."

Sau khi Tử Kinh về đến nhà liền viết bài Giá cô thiên, lời là:

Gặp xe ngựa chạm trổ hoa văn trên đường

Có tiếng vén rèm đau thương

Chẳng là phượng để vỗ cánh bay

Hai trái tim đã đập chung một nhịp.

Trong cung dát vàng, trong lồng nạm ngọc

Xe như nước chảy, ngựa phi rồng bay

Chỉ hận Bồng Sơn xa ngút

Trùng trùng điệp điệp xa xách cõi tiên.

Lời viết xong, kinh thành lưu truyền, truyền đến tận trong cung. Sau khi Nhân Tông nghe được, biết những lời này có nguồn gốc của nó, liền hỏi cung nữ: "Là ai gọi "Tiểu Tống"?"

Người cung nữ nọ mới thuật lại cho Nhân Tông nghe. Nhân Tông lại triệu Tử Kinh vào hỏi, Tử Kinh liền bẩm báo sự tình. Nhân Tông nói: "Bồng Sơn* không xa." Rồi ban cung nữ kia cho Tử Kinh lấy về làm thê tử."

* Bồng Sơn ám chỉ tiên sơn, cõi tiên

Giọng kể của Dung Nhược trầm bổng du dương, Phúc Toàn nghe xong cảm thấy thật vui vẻ: "Câu chuyện này đúng là một đoạn giai thoại, đêm trước Hoàng thượng thổi kèn cũng vừa khéo tạo nên giai thoại."

Hoàng đế cười bảo: "Đoạn giai thoại này của chúng ta suy cho cùng vẫn có điểm chưa hoàn mỹ lắm. Đêm đó đáng lẽ nên là Dung Nhược thổi mới coi là một câu chuyện đẹp."

Giữa lúc quân thần đang nói cười, ngu thốt* chạy đến báo quân cánh giữa đã bao vây xong xuôi cả rồi, xin di giá đi xem.

* Ngu thốt: chỉ những binh sĩ đảm nhiệm việc siết vòng vây và dồn thú

Hoàng đế nghe bẩm xong liền đứng dậy thay y phục, Nạp Lan dẫn đầu đội thị vệ ngự tiền. Hoàng đế lệnh cho hắn phi ngựa đến xem tình hình trước.

Phúc Toàn đứng một bên, thấy thái giám giúp Hoàng đế khoác áo giáp, Hoàng đế quay đầu lại gặp Lương Cửu Công đang dâng chiếc mũ lên, tiện hỏi: "Tìm được chưa?" Lương Cửu Công đáp: "Bẩm Hoàng thượng, nô tài đã tìm thấy người vá y phục rồi, hóa ra là cung nữ ở phòng giặt đồ. Hoàng thượng không có sai bảo gì nên nô tài cũng không dám làm kinh động nàng ta, chỉ hỏi được họ nàng là Vệ."

Hoàng đế bảo: "Trẫm thấy nàng rất khéo tay nên tiện hỏi một câu, sau này bảo nàng đến hầu hạ việc thêu thùa đi."

Lương Cửu Công "vâng" một tiếng. Hoàng đế lại quay sang Phúc Toàn: "Cung nữ thổi tiêu kia Trẫm muốn tác thành cho Dung Nhược. Ngươi vừa bảo là làm việc ở cung nào?"

Phúc Toàn nghe xong vài lời bẩm báo của Lương Cửu Công không khỏi suy nghĩ một lúc. Ngẩng đầu nhìn thấy cung nữ dâng y phục của Hoàng đế lên, nhanh trí đáp: "Cung nữ đó làm ở Tứ Chấp Khố."

Hoàng đế sai bảo: "Vậy chuyện này giao cho ngươi đi. Đừng khiến Dung Nhược thiệt thòi."

"Hoàng thượng yên tâm."

Hoàng đế gật gật đầu, quay mặt ra ý, thái giám Kính Sự phòng liền cao giọng hô: "Khởi giá!"Tảng sáng đại thần phụ trách việc bao vây dẫn binh lính tinh nhuệ của Bát Kỳ*, Hổ Thương doanh (đội hỗ trợ vây săn), và các đội xạ thủ đến sau vòng vây khoảng 20 dặm, sau đó lúc xa lúc gần lùa lũ thú hoang dã chạy vào khu trung tâm vòng vây. Bắt đầu từ lớp thứ nhất phía ngoài vòng vây, phục sẵn bởi binh sĩ Hổ Thương và xạ thủ, lại phục thêm một tầng nữa, tầng này chuyên bắn những con thú chạy từ trong vòng vây ra. Những con thú đã bị vây bên trong thì không thể bắn.

* Bát Kỳ: một chế độ tổ chức quân sự thời cổ, đặc trưng của Bát Kỳ là mỗi đơn vị được phân biệt bằng một lá cờ khác nhau, tổng cộng có tám lá cờ cơ bản

Hoàng đế cưỡi ngựa từ ngự doanh tới, dẫn theo chư vị đại thần, thị vệ cùng xạ thủ tuỳ tùng và các doanh Hổ Thương. Nghìn người vạn ngựa, cờ lớn màu vàng ở phía trước, cận thần thị vệ hộ tống theo lệ đều mặc áo màu vàng nhạt. Dưới ánh nắng mặt trời, màu vàng óng ả sáng chói cả một vùng.

Đến trước đội quân cánh giữa tầm nửa dặm thì ngự giá dừng lại. Nạp Lan từ lúc cưỡi ngựa đến đây đều đi cạnh ngự giá, hiện giờ hắn đang nhìn về hướng bên trong vòng vây. Hoàng đế thấy hai cánh quân cờ trắng, cờ đỏ bao vây hai bên trái, phải của vòng vây siết chặt đến hai ba dặm liền ra lệnh: "Tản ra phía tây."

Ngự tiền thị vệ cao giọng truyền chỉ: "Hoàng thượng có chỉ, tản ra phía tây." Lại thêm một tiếng ngựa phi qua: "Có chỉ, tản ra phía tây..." Xa xa truyền tới những câu y hệt chỉ là thanh âm đã giảm dần, giống như âm thanh vọng lại vậy. Ý chỉ này của Hoàng đế chính là thánh ân đặc biệt cho phép mở ra một hướng của vòng vây. Nếu như dã thú chạy thoát ra từ hướng đó thì binh lính bao vây bên ngoài cũng không được bắn.

Trong vòng vây, sói hoang, lợn rừng chạy toán loạn, trốn chui trốn lủi. Hoàng đế cầm ngự cung lên, chiếc cung có nước sơn đỏ sẫm, dây cung màu vàng, lúc này có một mũi tên đuôi gắn lông vũ được đặt lên nó.

Dây cung phát ra một tiếng xoạt, một tiễn bắn ra trúng ngay chú hươu đang hoang mang tháo chạy, khiến nó chết ngay tại chỗ. Binh sĩ hô to ầm ĩ: "Vạn tuế!" Tiếng hô ầm ầm như sấm rền.

Lúc này cuộc săn bắn mới bắt đầu, nháy mắt đã thấy tên bay như châu chấu, lớp lớp đan xen dày đặc như mưa rào. Hoàng đế dừng ngựa tại chỗ xem các vương công đại thân và binh sĩ rượt đuổi dã thú. Đây cũng được coi là một cuộc thi bắn cung cho nên từ vương công đại thần trở xuống, ai ai cũng cố gắng anh dũng xông lên.

Phúc Toàn từ bảy, tám tuổi đã theo hoàng đế Thuận Trị xuất cung đi săn, thành thạo bắn cung cưỡi ngựa, ở giữa khu săn tất nhiên giống như cá gặp nước. Hắn cưỡi trên con ngựa hảo hạng phi như bay, không ngừng hò hét. Không lâu sau, tên thị vệ theo sát hắn đã chở đầy những con thú trên lưng ngựa. Lúc này Phúc Toàn mới quay lại, nhíu mày nói: "Phiền phức, giữ lại tai thôi." Thị vệ vâng lời, cắt tai của mấy con thú kia xuống, kiểm tra số lượng thú đã săn được.

Nạp Lan là ngự tiền thị vệ, ghìm ngựa đi sau ngự giá, bên hông gắn cờ vàng thêu hình rồng phần phật đón gió. Trong bãi săn người hét ngựa hí, cờ bay phấp phới, tiếng hò, tiếng ngựa phi qua lại. Tay hắn cầm chắc roi ngựa. Bởi vì ngự tiền thị vệ không được đeo đao kiếm, nên ở hông hắn chỉ dắt một bó tiễn, khoảng hơn mười chiếc có gắn lông trắng ở đuôi.

Hoàng đế nói: "Dung Nhược, ngươi cũng lên đi."

Nạp Lan lập tức khom mình hành lễ: "Nô tài tuân chỉ."

Hắn phi ngựa vào vòng vây xuyên qua đội xạ thủ, đội kỵ mã, rút tiễn rồi giương cung lên, bắn liên tục ba phát đều trúng đích, không phí phạm một chiếc tiễn nào. Hoàng đế từ xa xa quan sát cũng không thể không khen một tiếng "Hay!". Theo đó, các thị vệ cũng không ngừng hô "hay, hay", tiếng hô hào vang dội tứ phía. Nạp Lan ghìm ngựa quay lại, nhảy xuống ngựa rồi hành lễ, đem con mồi vừa săn được dâng lên ngự tiền, lại lui về sau làm ngự tiền thị vệ như cũ.

Sau một ngày bao vây khắp nơi, hoàng hôn đã nhuộm đỏ khung cảnh. Nạp Lan phi ngựa về đại doanh, Phúc Toàn thúc ngựa đến bên trái hắn, nhỏ giọng cười bảo: "Dung Nhược, lần này Hoàng thượng làm thật đó, đã phân phó ta tác thành ngươi và người cung nữ kia."

Dung Nhược bất ngờ buông lỏng dây cương, tay run run. Tâm trạng phiền loạn không không chế nổi, hắn cực lực cố bình tĩnh lại, trên mặt không hiện ra cảm xúc gì. May mà Phúc Toàn không để ý đến, vẫn cười cười: "Hoàng thượng đã coi trọng ngươi như vậy, ta đây cũng phải làm tốt vai trò bà mối thôi."

Dung Nhược đáp: "Thánh ân mênh mông, thẹn không dám nhận. Vương gia lại vất vả vì Dung Nhược như vậy, Dung Nhược thật sự không dám nhận."

"Chẳng qua ta chỉ là thuận nước đẩy thuyền mà thôi, Hoàng thượng có bảo không được để ngươi chịu thiệt, tất nhiên ta sẽ thành thật không khách khí nữa." Phúc Toàn ngừng một lát lại nói: "Ta đã sai người đi điều tra cả rồi, cung nữ thổi tiêu kia là nữ nhân nhà Pha Nhĩ Bồn, gia môn hóa ra lại không thấp bé chút nào. Nói ra không chừng ngươi lại biết, nàng ấy là họ hàng của Vinh Tần. Ta nghe nói nàng ấy có dung mạo xinh đẹp, phong thái tao nhã, còn là do Hoàng thượng ban thưởng nữa, lệnh tôn đại nhân chắc hẳn là cực kì vừa ý."

Còn chưa nói hết đã thấy chiếc roi ngựa tết từ lụa hồng trong tay Nạp Lan rơi phịch xuống đất. Nạp Lan định thần, thúc ngựa quay lại, khom người nhặt lên chiếc roi.

Phúc Toàn cười trêu: "Bằng nấy tuổi rồi, nghe đến việc cưới vợ còn bối rối đến thế này sao?"

"Vương gia nói đùa rồi. Long ân này của Hoàng thượng hạ thấp cung nữ hậu cung, triều ta vốn chưa từng có tiền lệ. Dung Nhược quả thật không dám nhận, xin Vương gia ở trước mặt Hoàng thượng chối từ giúp nô tài."

Phúc Toàn nghe hắn tuy ban đầu có ý khước từ, nhưng đến giờ ngữ khí đã kiên định, biểu lộ sự từ chối hoàn toàn. Trong lòng cảm thấy kì lạ, chỉ là không thể hiểu nổi. Hắn cùng Nạp Lan thân thiết nên hắn mới toàn tâm toàn ý giúp Nạp Lan tính toán. Trước đó vì nghe được mấy lời bẩm báo của Lương Cửu Công nên biết Lâm Lang đã không thể lấy được. Hai ngày nay hắn đặc biệt phái người lặng lẽ đi thăm dò, nghe nói nữ nhi của đại thần Pha Nhĩ Bồn đang làm ở Tứ Chấp Khố. Pha Nhĩ Bồn là cháu đích tôn của Phí Anh Lạc, kế thừa tước vị nhất đẳng, tuy ở trong triều không có nhiều quyền thế nhưng tước vị hiển hách. Không ngờ hắn một lòng lo liệu, Nạp Lan lại kiên quyết từ chối không nhận.

Phúc Toàn đang muốn khuyên bảo, thấy Nạp Lan chỉ nhìn về phía núi xa, ánh tà dương trùm xuống từ phía tây, màu vàng kim chiếu lên mặt hắn. Tướng mạo hắn vốn thanh tú, ánh mắt, lông mày hiện lên vẻ lãnh đạm. Phúc Toàn không nhịn được bảo: "Dung Nhược, sao ta thấy ngươi sống không vui vẻ gì?"

Nạp Lan sợ hãi, phục hồi tinh thần đáp: "Vương gia vì sao lại nói như vậy?"

Phúc Toàn thở dài: "Ai da, chắc hẳn là ngươi nhớ đến phu nhân, ngươi là người nặng tình cho nên ngay cả Hoàng thượng cũng phải than thở thay ngươi." Lại ngừng một lát rồi tiếp: "Tối nay tìm việc gì vui vui thôi, ta đi thúc giục Hoàng thượng, chúng ta thi cưỡi ngựa, thế nào?"

Quả nhiên Dung Nhược tươi cười: "Lẽ nào Vương gia thua vẫn chưa phục sao?"

Phúc Toàn cầm chắc roi mây, cười lớn: "Ai bảo lần trước ta thua chứ? Chỉ là ta không thắng thôi, lần này chúng ta thi tiếp."

Dung Nhược giơ tay lên che ánh sáng cho đỡ chói, nhíu mắt nhìn những lá cờ vàng phấp phới phía xa, bảo: "Chúng ta đã lùi xa đến vậy."

"Vừa hay lần này nên thi một chút, hai ta bắt đầu từ đây, ai đến ngự giá trước coi như người đó thắng." Phúc Toàn nói xong không đợi Dung Nhược đáp, hai đùi đã húc mạnh vào bụng ngựa, hô lên một tiếng. Con ngựa liền phi bốn vó như bay. Dung Nhược cũng vội vàng vung roi phi ngựa đuổi theo. Thị vệ của Phúc Toàn cùng thân binh tùy tùng ầm ĩ hò hét rồi lao theo sát cạnh. Tiếng vó hơn chục con ngựa dồn dập, bụi cuộn mù mịt trên con đường nhỏ vừa bị chúng dày xéo phi qua.


Meow! Sen Ơi Đừng Sợ
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Chương (1-21)