Lần đầu gặp mặt
← Ch.30 | Ch.32 → |
Giữa thu, Hữu An năm đầu tiên.
Lương Nguyên Kính lần thứ hai thi rớt kỳ thi Hương. Năm đó chàng chưa đầy mười lăm, lần trước thi cách đây hai năm, kết quả đường huynh thi chung của chàng trúng cử, năm thứ hai lên kinh dự thi Hội.
Chỉ có chàng đạt thứ hạng ngoài 200, khiến mọi người xung quanh chê cười chàng, trở thành ‘Thương Trọng Vĩnh’ [1] nổi tiếng khắp thành Dương Châu.
[1] Thương Trọng Vĩnh là thần đồng nhưng đã biến thành một người bình thường vì cha không cho đi học mà chỉ lợi dụng ông trở thành công cụ kiếm tiền. Câu chuyện này nhằm nhấn mạnh sự quan trọng của việc học hành.
Từ nhỏ Lương Nguyên Kính đã được làng trên xóm dưới xem là ‘thần đồng’. Tương truyền vào lễ thôi nôi của chàng, trong nhiều món đồ như cân, sách kinh, kim chỉ, răng lược, túi thơm, chàng đã chính xác bắt lấy cây bút lông sói Hồ Châu.
Khách khứa dự lễ thấy vậy, sôi nổi cười chắp tay chúc mừng Lương phụ: “Người này không phải vật trong ai, ngày sau ắt sẽ mặc áo tím đeo túi vàng. ”
Chỉ có quan viên tam phẩm trở lên của quốc triều mới mặc áo tím đeo bội ngư vàng, nói chàng ‘mặc áo tím đeo túi vàng’, là chúc chàng sau này làm tể tướng, rạng danh gia đình, là Trạng Nguyên tương lai.
Lương phụ cũng đặt nhiều kỳ vọng vào chàng, con nối dõi của ông không nhiều, dưới gối có ba đứa con gái, tới năm 40 tuổi rồi mới sinh được con trai duy nhất là Lương Nguyên Kính.
Lương gia nguyên quán ở Ôn Huyện, thời Ngụy Tấn, từng là ‘Lương thị Hà Nam’ danh tiếng lớn, nhiều thế hệ con cháu trong nhà làm quan.
Sau này dời nam, toàn bộ gia tộc Lương thị di dời đến Dương Châu. Từ đó về sau dần dần tách khỏi quyền lực, trải qua Ngũ Đại Thuỳ Đường biến động, con cháu đời sau cũng dần dần xuống dốc.
Chẳng qua vẫn là danh gia vọng tộc nhà cao cửa rộng, lại cắm rễ ở Dương Châu nhiều năm. Tới đời Lương Nguyên Kính, Lương thị đã phát triển thành một gia tộc lớn mạnh, phức tạp. Trong nhà ai nấy đều đọc sách thánh hiền, lấy thi cử làm vinh dự, là vọng tộc trăm năm, là thư hương thế gia.
Lương Nguyên Kính ba tuổi đã bắt đầu học chữ, Lương phụ đã mời nhiều thầy giỏi về dạy. Chàng cũng không phụ lòng kỳ vọng của cha, ba tuổi biết đọc chữ, năm tuổi thuộc thơ, đọc qua một lần là nhớ, bảy tuổi viết văn chương, khiến các danh sĩ Dương Châu đều khen ngợi.
Cậu bé thông minh lạ thường, cha già mừng đến nỗi hay bế chàng trên đùi, không biết nên yêu thương như nào mới tốt.
Sau này có người phát hiện dường như chàng có năng khiếu hội hoạ, tiện tay cầm nhánh cây vẽ bông hoa trên mặt cát, hình vuông ra hình vuông, hình tròn ra hình tròn, không cần thước kẻ vẫn đạt chuẩn.
Người nọ cảm thấy hết sức ngạc nhiên, tìm đến Lương phụ khuyên ông nên mời một vị thầy dạy hội hoá về cho Lương Nguyên Kính, nên dốc lòng dạy dỗ, tránh lãng phí tài năng bẩm sinh.
Lương phụ vì thương con trai nên mời danh họa sơn thuỷ Ngô Song Lâm về dạy chàng. Ông ấy vốn là hoạ sư cung đình thời Nam Đường. Sau khi thời thế diệt vong, không muốn phụng chiếu nhận vào họa viện Hàn Lâm Triệu thị nên đã dựng ngôi nhà tranh bên Hồ Tây Gầy Dương Châu để ẩn cư an dưỡng tuổi già, còn tự đặt hiệu là ‘Tây Hồ Di Lão’.
Từ đó về sau, Lương Nguyên Kính đã theo học nhiều danh họa nổi tiếng. Học vẽ sơn thuỷ tùng thạch từ Ngô Song Lâm, học vẽ hoa lá chim muông từ Cát Thăng, đồng thời cũng giỏi vẽ nhân vật, đạo Phật từ Tuệ Âm hoà thượng, tiếp thu tinh hoa từ nhiều trường phái khác nhau.
Cuối cùng Lương phụ nhận ra mình đã phạm phải sai lầm trí mạng trong việc nuôi dạy con trai, đó là đam mê Lương Nguyên Kính dành cho hội hoạ vượt xa hơn rất nhiều so với việc đọc sách.
Chàng vì vẽ tranh, ngay cả sách cũng không đọc, ngày nào cũng vẽ tranh đến quên ăn quên uống. Còn thích ra ngoài vẽ cảnh thực, thanh danh ‘Hoạ si’ càng lan rộng. Lúc ở trường tư nghe giảng, hoặc hai mắt dại ra lạc vào cõi thần tiên, hoặc vẽ nguệch ngoạc trên sách vở, khiến phu tử ngày xưa coi trọng chàng bây giờ phải thầm thở dài sau lưng.
Vì để sửa lại tật xấu này của chàng đã đánh gãy hết bảy tám cây thước trong nhà. Nhưng người này vô cùng ngoan cố, cho dù hai tay bị đánh cho máu chảy đầm đìa, da thịt trầy trụa, hay bị quỳ gối trong viện, chàng vẫn dùng máu đầu ngón tay vẽ tranh trên mặt đất, làm ai nhìn vào cũng chỉ biết thở dài bất đắc dĩ.
Ánh mắt cha nhìn chàng ngày càng thất vọng, cộng thêm lần thi rớt đầu tiên nữa đã đẩy sự thất vọng đó lên đỉnh điểm.
“Không có chí tiến thủ! Chính đạo thì không đi, đâm đầu vào chút tài mọn! Lương gia ta không có loại bôi nhọ gia phong, bất hiếu bại hoại như anh! Cút cho ta! Cút khỏi Dương Châu này!”
Phụ thân nổi cơn thịnh nộ ném toàn bộ dụng cũ vẽ tranh của chàng ra ngoài cửa.
Lương Nguyên Kính mười lăm tuổi bị cha đuổi ra khỏi nhà như vậy, chàng quỳ gối trong cơn mưa phùn, lụm nhặt mấy bức hoạ cuộn tròn rải rác trên đất lên, ôm vào lòng mình, cũng không quay đầu lại rời khỏi nhà.
Mưa thu nghiêng nghiêng bay, thấm ướt hàng mi mảnh dài của thiếu niên vai lưng thẳng thắp.
Trước khi đi, nhị tỷ đuổi theo lén đưa cho chàng ít tiền, mới không khiến chàng đến mức ‘không xu dính túi lưu lạc đầu đường’.
**
Sau khi rời khỏi Dương Châu, Lương Nguyên Kính đi thẳng về phía tây.
Nghe nói phong cảnh Xuyên Thục tuyệt đẹp, có người nói ‘Trẻ không vào Xuyên, già không rời Xuyên’, trong thơ Lý Bạch cũng có câu, ‘Đường đến Thục khó, khó như lên trời’, chàng muốn đi xem thử.
Chàng quá giang một con thuyền chở hàng, ở dưới chót khoang chứa hàng, dựa vào việc tính sổ giúp chủ thuyền và viết thư gửi về hộ thuỷ thủ lấy chút tiền nhuận bút làm lộ phí.
Lúc rảnh rỗi, chàng sẽ chuyển bàn ghế lên boong tàu vẽ, Trường Giang cuồn cuộn đánh về phía đông, núi non hai bên bờ, thuyền bè trên sông, hoàng hôn hồng cam phía chân trời, tất cả đều biến hoá thành tranh thuỷ mặc dưới ngòi bút của chàng.
Cứ như vậy, vừa đi vừa vẽ, lúc tiến vào đại giới Xuyên Thục, đã là mùa xuân năm thứ hai.
Ngày rằm tháng ba năm Hữu An thứ hai.
Lương Nguyên Kính du ngoạn núi Thanh Thành Ích Châu, ở trên núi Trường Sinh Quan tầm mười ngày nửa tháng. Bởi vì mất ăn mất ngủ vẽ tranh nhiều ngày liên tục, ban đêm nhiễm hơi lạnh trên núi mắc phải bệnh phong hàn.
Ngày ấy xuống núi, đúng lúc vào ngày mặt trời rực rỡ, chàng cõng bộ dụng cụ vẽ tranh, chống cây dù đi tới con đường dài phía chân núi.
Nhiệt độ ánh mặt trời ngày xuân không hề thua kém với ngày hè, chàng nóng đến mức chóng mặt ù tai, miệng lưỡi khô khan. Vốn định ghé quán trà xin chén trà lạnh uống, nhưng đếm đếm vài đồng tiền còn sót lại trong túi mới giật mình phát hiện bản thân không mua nổi chén trà, đành bất lực đứng ở bên đường, liếm lếm da môi khô cằn, ánh mắt trông mong nhìn người khác uống trà.
Trong quán trà có thuyết thư tiên sinh đang kể ⟪Tam Anh chiến Lữ Bố⟫, đang kể đến điểm mấu chốt, chúng khách nghe đến quên chớp mắt, miệng nuốt ngụm nước bọt.
“Lữ Bố cưỡi Xích Thố tới rồi, con ngựa đó phóng nghìn dặm nhanh như bay. Lữ Bố gần đuổi kịp giơ Phương Thiên Họa Kích lên, nhắm ngay sau lưng thẳng vào tim của Công Tôn Toản. Bỗng từ góc nào đó, một mãnh tướng hùng dũng nhảy ra, mắt trợn tròn, râu dựng ngược, cầm ngọn giáo dài một trượng tám, Trương Phi quát lớn: ‘Thằng đầy tớ ba họ kia đừng chạy nữa! Trương Phi người đất Yến tới đây!’”
Trong lời kể kích động lòng người lại chen vào một tiếng hát không mấy hài hoà.
“Cao cao ⎯⎯ trên núi nha ⎯⎯”
“Cây ⎯⎯ hoè ⎯⎯”
“Tay vịn lan can í a ⎯⎯”
“Vọng lang ⎯⎯ tới ⎯⎯”
Tiếng hát thanh thuý êm tai, như nước chảy núi cao, như hoàng anh xuất cốc. Thoáng chốc đã làm thân thể nóng rực của Lương Nguyên Kính mát lạnh trở lại, suy nghĩ chàng khẽ chuyển động theo tiếng hát, xoay người nhìn lại.
Chỉ liếc mắt một cái, rốt cuộc không dời mắt đi được.
Có một ca nữ ngồi giữa phố. Nàng mặc chiếc váy đỏ hồng loá mắt, ôm đàn tỳ bà, tuổi tác cũng không lớn, bất quá chỉ hơn 12-13 tuổi, mặt mũi cực kỳ xinh đẹp, hàng mày đen nhánh, đôi mắt trong veo, môi luôn treo nụ cười tươi. Tuy có vài phần trẻ con nhưng không khó nhìn ra mai sau sẽ tao nhã vô song.
Mười ba thướt tha yêu kiều, như hoa đậu khấu đầu canh tháng hai.
Tỳ bà nữ để ý chàng đang nhìn nàng, cũng ném ánh mắt tới chỗ chàng, có lẽ cảm thấy chàng là người lạ, đôi mày thanh tú hơi hơi nhíu lại.
Lương Nguyên Kính nâng khoé môi, muốn thử cười chào nàng cho phải phép, nhưng giây tiếp theo trước mắt bỗng tối sầm, chàng cứ như vậy ngã trên con đường dài.
Trước khi ý thức biến mất, thứ đọng lại trong ánh nhìn cuối cùng là làn váy đỏ như lửa của tỳ bà nữ. Tựa như thung lũng vô danh nào đó, tràn ngập hoa anh túc màu đỏ thẫm, rực rỡ như lửa.
**
Lần nữa tỉnh lại, đập vào mắt Lương Nguyên Kính là nóc nhà đơn sơ, bị pháo hoa hun đến đen như mực, còn có một đôi mắt hạnh lúng liếng của ai đó.
“……”
“Ô!”
‘Mắt hạnh’ không đoán trước chàng đột nhiên mở mắt, sợ tới mức la toáng lên, sau đó nhảy dựng mông ngã về sau.
Lương Nguyên Kính còn chưa mở miệng hỏi nàng có bị thương không, nàng đã vỗ vỗ mông như không việc gì chạy ra ngoài cửa, vừa chạy vừa kêu: “A ca ⎯⎯ Tỉnh rồi! Đồ lập dị tỉnh rồi!”
‘Đồ lập dị’ Lương Nguyên Kính: “……”
Không lâu sau, từ bên ngoài có một người trẻ chừng hai mươi tuổi đi vào, theo sau lưng là ‘mắt hạnh’, lôi kéo góc áo của anh trai, ló cái đầu xù xù từ sau lưng anh, thật cẩn thận nhìn lén Lương Nguyên Kính.
Nếu bị chàng bắt gặp sẽ rụt đầu lại cái ‘vèo’ giống như con chuột hang nhỏ.
Trong lòng Lương Nguyên Kính thấy buồn cười, chỉ có thể cố gắng không nhìn nàng nữa, bắt chuyện với anh trai của nàng, đồng thời hỏi thăm tình huống.
Hoá ra từ ngày chàng té xỉu trên đường đến nay đã trôi qua ba ngày, vị trẻ tuổi này tên Lý Hùng đã mang chàng về nhà và mời đại phu chẩn trị cho chàng.
Đại phu nói phổi chàng nhiễm khí lạnh gây sốt cao liên tục nên mới ngất, cần phải nằm trên giường tịnh dưỡng mấy ngày mới có thể khỏi hẳn.
Lương Nguyên Kính nói cảm ơn Lý Hùng, Lý Hùng lại khoác tay nói không sao, để em gái tiếp tục ở lại chăm coi hộ còn anh đi ra ngoài sắc thuốc.
Lương Nguyên Kính cùng cô nương kia mắt to nhìn mắt nhỏ, chợt nghe nàng hỏi thẳng: “Anh tên gì?”
Lương Nguyên Kính nghiêm túc đáp: “Tiểu sinh họ Lương, tên Hoằng, tự Nguyên Kính. ”
“Tiểu sinh? Anh rất nhỏ à?”
“……” Lương Nguyên Kính đỏ mặt nói, “Không nhỏ, năm nay tôi mười lăm. ”
“À, tôi mười ba, anh lớn hơn tôi hai tuổi. ” Tiểu cô nương nói xong nhăn mày, “Vậy rốt cuộc anh tên Lương Hoằng hay Lương Nguyên Kính?”
Lương Nguyên Kính nói: “Đều được, Nguyên Kính là tự của tôi, do ân sư lấy…”
“Được, vậy tôi sẽ gọi anh là Lương Nguyên Kính!” Tiểu cô nương sảng khoái xen lời chàng.
“……”
Mặt của Lương Nguyên Kính lại đỏ, ngoại trừ người nhà, ân sư và bạn tốt chung trường, chưa từng có ai thân mật gọi chàng như vậy, càng miễn bàn tới cô nương nhà lạ mặt.
“Tôi tên A Bảo. ”
“Tiểu nương tử A Bảo. ” Chàng ôn hoà nói.
A Bảo lại nhíu mày, “Cái gì mà ‘Tiểu nương tử A Bảo’, A Bảo là A Bảo, không có ‘tiểu nương tử’ gì hết. ”
Lương Nguyên Kính nói với nàng vài câu, đã từ từ thăm dò ra hình như nàng không thích loại nói chuyện nho nhã kia, càng thẳng thắn càng tốt, cho nên chỉ đành khách nghe theo chủ, thất lễ gọi thẳng khuê danh của nàng.
Điều này thật sự trái với thói quen thường ngày của chàng, bởi vậy mỗi lần hô lên tiếng ‘A Bảo’, tai chàng đều đỏ bừng cả lên.
A Bảo hỏi chàng rất nhiều vấn đề, biết được chàng là người Dương Châu, mẹ đẻ mất sớm, cha ruột khỏe mạnh, trên có ba người chị, trong nhà xếp thứ mười hai, chưa có hôn phối.
Cuối cùng nàng hỏi Lương Nguyên Kính: “Anh có tiền không?”
“Gì cơ?”
Lương Nguyên Kính bị hỏi bất ngờ không kịp đề phòng, vẻ mặt hoảng hốt.
A Bảo thay đổi gương mặt hung dữ, nghiến răng nghiến lợi nói: “A ca tôi vì mời đại phu cho anh mà xài hết tiền trong nhà, ngay cả bánh ngọt hứa với tôi còn chưa mua, bây giờ anh tỉnh rồi, trả bánh cho tôi!”
“……”
Lương Nguyên Kính rũ mắt, nhìn lòng bàn tay trắng nõn đưa đến trước mặt mình, lần đầu tiên trong đời nổi lên cơn xúc động muốn chạy trốn.
**
Tác giả có chuyện nói:
A Bảo: Anh rất nhỏ à? (mặt nghiêm túc)
Lương Nguyên Kính (đỏ mặt): ……… Đây lời lẽ bạo dạn gì vậy?
⟪Tam Anh chiến Lữ Bố⟫ ở đây là tác giả mượn vào thêm thắt thôi chứ đời Tống chưa có ⟪Tam Quốc Diễn Nghĩa⟫.
← Ch. 30 | Ch. 32 → |