Cuộc sống lặt vặt nhưng không nhạt nhẽo (2)
← Ch.05 | Ch.07 → |
(6)
Cậu nam sinh thao thao bất tuyệt, Trần Diệp ngồi ở hàng cuối nghe chừng cũng thấy hấp dẫn. Không khí trong lớp sôi nổi vô cùng, ai cũng hào hứng tham gia. Cậu nam sinh nói xong, cả lớp rào rào đặt câu hỏi, mỗi người một câu. Người thì đứng lên phát biểu mà không thèm giơ tay, thậm chí có người nói đến chỗ cao trào còn đập tay chan chát lên bàn. Điều này cho thấy Tiểu Ảnh là một giáo viên không cứng nhắc, không những không cản các học sinh tranh luận mà còn ngồi im một chỗ, nhìn chăm chăm cậu học sinh đang trình bày mà say sưa đặt câu hỏi cho cậu. Có lẽ vì câu hỏi của cô sắc sảo quá mà cậu nam sinh bắt đầu như gà mắc tóc. Cả lớp cũng dần dần yên ắng trở lại, cuối cùng, còn hai người khí thế bất bằng đối đáp nhau. Tiểu Ảnh nghiêm mặt hỏi:
- Thứ nhất, em vừa nói đến những cải biên khi tác phẩm được đưa lên màn ảnh, theo kt luận của em, sách ăn theo từ phim là những tác phẩm viết dựa trên kịch bản phim sau khi phim được công chiếu, trở thành một sản phẩm để làm tăng thêm giá trị cho tác phẩm điện ảnh. Vì nó xuất phát từ việc đơn giản hóa kịch bản cho nên tính văn học bị hạ thấp, từ đó mất đi sức sống của chính mình. Vậy tôi muốn hỏi, trên thị trường có bao nhiêu tác phẩm văn học như: "Lượng kiếm", "Mãi không nhắm mắt", đều là những tác phẩm nổi lên theo sau những bộ phim hot. Thế nhưng bản thân chúng đều là những nguyên tác bị cải biên, tính văn học vẫn cao, vẫn đáng đọc. Chúng hoàn toàn không phải là những đầu sách ăn theo sức hút của những bộ phim được chiếu ra để được bán chạy. Vậy chúng có thuộc sách phái sinh từ phim ảnh hay không?
Cậu nam sinh ấp úng:
- Chắc là cũng coi như...
- Không có "chắc là" – Tiểu Ảnh cứng giọng. – Không thể phán đoán mơ hồ như thế, có là có, không là không.
- Có ạ! – Cậu nam sinh trả lời ngắn gọn.
- Được – Tiểu Ảnh gật gù. – Nếu là có thì những định nghĩa em vừa nêu ra sẽ có vấn đề, rõ ràng là em chỉ điều tra về những cuốn sách phái sinh đơn giản hóa từ kịch bản và được thêm thắt, mà chưa chú ý đến những nguyên tác được cải biên lại.
Cậu nam sinh nghĩ một hồi, gật gù. Tiểu Ảnh nhìn cậu rồi nói tiếp:
- Thứ hai, em chưa khám phá một thể loại sách "ăn theo" khác, đó chính là kịch bản có trước, tác phẩm điện ảnh có sau, rồi trải qua một quá trình sáng tạo ở một trình độ tương đối cao mà thành, ví dụ như "Vô cực" của Quách Kính Minh, hay "Điện thoại di động" của Lưu Chấn Vân. Tôi nghĩ, người đọc hai cuốn sách này đều phát hiện ra rằng: "Vô Cực" của Quách Kính Minh rõ ràng không còn là "Vô cực" của đạo diễn Trần Khải Ca, "Điện thoại di động" bản tiểu thuyết cũng hoàn chỉnh hơn so với kịch bản phim. Vậy đó có được coi là sách "ăn theo" hay không? Nếu không, tại sao lượng tiêu thụ của chúng lại sánh ngang được so với những bộ phim cùng tên? Nếu có, thì định nghĩa của em thuộc vào dạng nội hàm quá hẹp, dẫn đến kết quả điều tra của em có phần sai lệch, từ đó trực tiếp ảnh hưởng đến tính khả thi của mọi đề xuất em vừa đưa ra.
Trái ngược với những nụ cười hỉ hả vừa rồi, giờ đây Tiểu Ảnh trông nghiêm nghị hơn bao giờ hết. Cậu nam sinh thì toát cả mồ hôi hột.
Trần Diệp ngồi ngoài quan sát, cũng thấy hơi hoảng. Anh nhìn rõ thấy sự thay đổi một trời một vực của cô gái vô tâm vô tư, sôi nổi nhiệt huyết của ba năm trước mà không nói nên lời.
Lạnh lùng hơn, nghiêm nghị hơn, phải nói là nghiêm khắc hơn, trân trọng nghề hơn? Cũng chẳng biết nói sao cho cho đúng. Tiết học sau, đại diện bốn nhóm đi lên, người thì tự tin hiếu thắng, người thì căng thẳng lo sợ. Với loại thứ nhất thì Tiểu Ảnh tha hồ bắt thóp, hỏi vặn không tha, đối với loại thứ hai thì không ngừng cổ vũ và khẳng định. Trần Diệp cười thầm, nghĩ rằng những gì Tiểu Ảnh học được từ môn tâm lý quả là không bỏ phí, và trong lòng cũng khâm phục các chủ đề của học sinh quả nhiên đều rất có tầm nhìn. Trong đó có một nhóm nghiên cứu về số các show diễn của các ban nhạc nổi tiếng trong thành phố, rồi từ đó mạnh dạn đặt vấn đề về tính khả thi của những quán bar nghệ thuật, hay các phòng trà âm nhạc, tại những tỉnh thành phố lớn phát triển ven
Tiểu Ảnh cười lém lỉnh, liếc nhìn Trần Diệp rồi nói với học sinh đang diễn thuyết:
- Em có muốn lấy số liệu của tay đàn lưu diễn đệ nhất không? Hoặc có muốn tìm hiểu các ban nhạc nước ngoài hoạt động như thế nào không? Đừng bỏ qua chiếc ghế ở hàng cuối ngay cạnh thầy Trần Diệp, thầy là một chuyên gia không hơn không kém.
Trước sự hứng khởi của học sinh và sự kinh ngạc của Trần Diệp, cô còn tát nước theo mưa:
- Cả lớp có thể xin chữ kí thầy Trần, chữ kí này cũng bán được khá nhiều tiền đấy.
Nghe xong câu này, Trần Diệp trợn tròn mắt, lặng nhìn Tiểu Ảnh tinh nghịch trên bục giảng. Lúc ấy anh toát mồ hôi hột, nghĩ rằng mình thật sai lầm khi đến đây...
Chẳng cần phải nói, trong 15 phút giải lao có biết bao nhiêu nữ sinh ùa tới xin chữ kí thầy Trần. Trần Diệp bị cả một rừng ánh mắt hâm mộ của các cô gái bủa vây, mãi một lúc sau mới thoát ra được, ngẩng đầu lên đã nhìn thấy Tiểu Ảnh đang đứng ngoài hành lang lớp học nhìn anh mỉm cười.
Trần Diệp gượng gạo đi tới trước mặt cô, cúi đầu nhìn không nói gì, chỉ cùng tựa vai vào cửa sổ bên hành lang, ngập ngừng dõi theo dòng người qua lại ngoài cửa sổ.
Mãi một lúc sau anh mới hỏi:
- Dạo này em sống tốt chứ?
Tiểu Ảnh cười:
- Nói thật là cuộc sống vẫn rất ổn.
Nghĩ ngợi một lúc, cô bổ sung:
- Em lấy chồng rồi, chồng em thương em lắm. Em còn có một công việc ổn định, đồng nghiệp thì hòa hợp học sinh thì thân thiết, nói chung là rất hoàn mỹ.
Trông thấy nụ cười của cô, Trần Diệp hơi định thần lại, dường như bộ não đã trống rỗng trong vài giây. Anh không nhớ mình phải hồi tưởng lại chuyện gì, và cũng không thể hồi tưởng ra chuyện gì. Anh chỉ cảm thấy có những thứ sau ba năm vẫn tươi mới như thường, mà có những thứ... xa lắm rồi... không trông thấy nữa... không chạm vào được nữa. Nỗi hoảng loạn đó như từng đám mây mù, càng lúc càng choán lấy khoảng không gian giữa hai người.
Gắn ngay trước mắt mà như xa tận chân trời.
Vài giây sau Tiểu Ảnh mới hỏi:
- Anh thì sao? Những ngày ở nước ngoài tốt đẹp cả chứ?
Mãi một lúc lâu Trần Diệp mới gật đầu:
- Cũng tàm tạm.
Tiểu Ảnh cũng gật đầu:
- Em nghĩ là không thể tệ được.
Trần Diệp nhìn cô, thấy ánh mắt cô thản nhiên lạnh lùng, cứ như khẳng định một điều rằng: "Trần Diệp, anh là con người mà đi đâu cũng có thể sống tốt được".
Tiểu Ảnh trêu:
- Cố gắng lên, đem vinh quang cho đất nước.
Trần Diệp cười nhăn nhó:
- Em vẫn chẳng khác trước là mấy, vẫn... đáo để như thế - Anh cố chọn chữ nói cho đúng, cuối cùng cũng chọn được một từ kha khá mà nghe ra cũng hài hước ra trò
Tiểu Ảnh mỉm cười, chẳng phản đối gì, đột nhiên như nhớ ra cái gì mà "À" lên một tiếng. Trần Diệp giật mình, nhìn cô quay đầu lại hỏi:
- Bây giờ anh là người nước nào ấy nhỉ?
Anh hơi rối trí, đáp một cách vô thức:
- Dĩ nhiên là người Trung Quốc rồi.
- Được đấy, được đấy! – Tiểu Ảnh gật đầu hài lòng, nhìn anh cười. – Trần Diệp này, nếu mai mốt có một ngày anh nổi tiếng khắp nơi như Tư Mã Thông hay như Lỗ Tư Thanh, thì hãy luôn nhớ mình là người Trung Quốc, đừng vì chút ít lợi lộc mà đổi quốc tịch nước ngoài.
Suy nghĩ quả là linh hoạt. Trần Diệp nghe một hồi mới bật cười, anh đưa tay đặt nhẹ lên đỉnh đầu cô một cách vô thức:
- Tiểu Ảnh, em vẫn chẳng thay đổi gì...
Thế mà Tiểu Ảnh đột nhiên lùi lại một bước, tránh xa khỏi bàn tay anh. Trong tích tắc ấy, bàn tay Trần Diệp cứng đờ, chết lặng giữa không trung. Vài giây sau, anh buông tay xuống, vẻ mặt điềm tĩnh trở lại như thường. Anh nhìn ánh mắt cô, cười ngượng nghịu:
- Cô giáo Cố, bài giảng của cô quả rất hay.
- Cảm ơn thầy Trần khen ngợi! – Tiểu Ảnh cười rạng rỡ, trước khi quay lưng đi vào lớp, cô hỏi: Thầy có muốn nghe nốt tiết sau nữa không?
Trần Diệp thở dài, đáp:
- Anh phải về tập rồi, tối nay phải đi diễn.
Tiểu Ảnh dừng bước, quay đầu nhìn Trần Diệp. Ánh nắng xuyên qua cửa kính, đậu lên vai anh, khiến cho cả con người anh càng ấm áp bừng sáng. Ba năm trôi qua, connh lại thêm chút già dặn, thêm chút bình thản. Cho dù là do trời sinh hay do tu dưỡng, lúc nào anh cũng kiệt xuất và hoàn mỹ.
Cô đã vô số lần tưởng tượng ra khung cảnh gặp mặt lại như ngày hôm nay, tưởng tượng ra cô sẽ nói những gì khi chào hỏi anh. Thậm chí, cô còn cảm giác là mình sẽ khóc lớn đến nghẹn lời, sẽ cho anh ta một cái bạt tai. Thế nhưng đến tận bây giờ, cô mới kinh ngạc phát hiện ra rằng: từ khi nào, họ đã trở thành những người lạ quen mặt như thế này?
Cô không hận anh, giống như việc cô không còn yêu anh nữa.
(7)
Hôm sau là chủ nhật, chẳng mấy khi Quản Đồng không phải làm thêm ca, hai người cuối cùng cũng có thể yên bình ngủ đến giữa trưa mới phải tỉnh giấc. Thật ra, nếu theo đồng hồ sinh học chính xác từng giây thì 6 giờ 30 phút sáng Quản Đồng đã tỉnh rồi, thế nhưng những mệt mỏi trong nhiều ngày đã đẩy lùi anh vào trong giấc mộng êm đềm. Lần tỉnh giấc thứ hai là do Tiểu Ảnh nghịch ngợm, đem cái gối ôm hình con sâu róm hay ôm lúc ngủ úp chặt vào mặt anh, nựng:
- Sâu ơi, thơm papa một cái nào, muah! Thơm cái nữa này, muah!
Quản Đồng bị cái gối ôn đầy lông làm tỉnh giấc, vốn định ngủ tiếp nhưng thấy mặt nhột nhột, thế là hắt hơi một tiếng mà cười. Tiểu Ảnh nghe thấy, giật mình, lao lên:
- Anh giả vờ ngủ hả?
Quản Đồng giành lấy cái gối trong tay Tiểu Ảnh:
- Hóa ra tối qua đi ngủ em không ôm anh, mà ôm cái con sâu róm này hả?
- Nó mềm hơn anh! – Tiểu Ảnh cười khì đè lên ngực Quản Đồng, một tay giữ chặt lấy gối ôm mềm mại, một tay nhéo tai anh. – Dậy mau, anh hứa đưa em đi chơi
Quản Đồng nhớ ra lời hứa đành phải bò dậy tắm rửa. Tiểu Ảnh nhanh hơn Quản Đồng, chờ Quản Đồng tắm rửa xong, cô đã xếp gọn chăn gối, mặc xong quần áo rồi phấn khởi chờ đợi. Quản Đồng giật nảy người, từ lúc bắt đầu yêu tới giờ, dường như chưa có lúc nào thấy cô nhanh nhẹn như thế. Anh khẽ than thầm: "Đúng là đối với phụ nữ, sức mạnh của shopping quả là vô cùng tận..."
Vì là chủ nhật nên người ở siêu thị cứ phải gọi là đông nghìn nghịt. Tiểu Ảnh lượn lờ giữa các gian hàng quần áo như một con bướm, mắt dán chặt vào những bộ đẹp. Quản Đồng tay trái xách túi áo cho cô, tay phải cầm cốc cà phê cô đang uống dở, đuổi theo sau lưng cô nhanh hết sức có thể, cứ như một cái giá treo đồ di động.
Một lúc sau, Tiểu Ảnh đi ra từ gian thử đồ, chau mày ngắm nghía bộ quần áo trên người mình: chiếc quần mốt mùa thu màu sắc cũng khá, nhưng kiểu dáng thì lại không hợp với phong cách của cô cho lắm, trông trang trọng quá.
Cô hỏi Quản Đồng:
- Đẹp không anh?
Quản Đồng gật đầu, đáp thật thà:
- Đẹp mà.
Tiểu Ảnh không hài lòng, lẽ nào mắt thẩm mỹ của nam và nữ khác biệt nhau đến thế sao? Thế mà mình càng nhìn càng thấy xấu nhỉ. Cô ngẩng đầu chỉ thấy anh đang mỉm cười với mình, ngoan ngoãn làm chiếc giá treo đồ di động. Cô nghĩ một hồi, quyết tâm phải tin vào trực giác của mình, quay vào mặc bộ đồ khác. Quản Đồng hỏi với theo một câu:
- Em có mua bộ này không?
- Thôi! – Tiểu Ảnh bực mình đáp từ phòng thay đồ.
Quản Đồng không nói, bắt đầu ngoảnh đầu ngắm nghía bốn phía chung quanh, chợt trông thấy một chậu bonsai cây gỗ vang, anh hồ hởi đi tới ngắm nhìn. Lúc Tiểu Ảnh bước ra khỏi phòng thay đồ thì thấy Quản Đồng đang đăm chiêu trước cái cây vang. Tiểu Ảnh hiếu kỳ đi tới, vỗ vào vai anh:
- Anh nhìn cái gì đấy?
- Xem cây cối. – Quản Đồng đứng dậy, vừa đi ra ngoài vừa tiếc nuối quay lại nhìn cái cây. – Lạ thế, sao cây vang người ta trồng ở đây lại mọc khỏe hơn của nhà trồng nhỉ?
Tiểu Ảnh chẳng biết nói sao, nên trả lời:
- Cưng của em ơi, đây là siêu thị chứ đâu phải vườn ươm cây, anh xem cái gì hay ho một tí có được không?
Quản Đồng cười:
- Ừ.
Vừa nói xong, anh nhìn thấy bộ quần áo trên người ma nơ canh bên cạnh, mừng rỡ reo:
- Em ơi, lại mà xem này!
Tiểu Ảnh tò mò quay lại, thấy Quản Đồng đang chỉ trỏ một bộ tây phục là lượt phẳng lì. – Em xem bộ này có đẹp không?
Tiểu Ảnh ngắm nghía kỹ lưỡng: kiểu dáng cũng bình thường, có mỗi khuy áo làm bằng thủy tinh làm điểm nhấn, tông màu xanh xa phia khiến người ta trông già đi cả thập kỷ. Cô chau mày:
- Anh thấy đẹp à?
- Ừ! – Quản Đồng mừng rỡ. – Đẹp thế còn gì? Anh thấy đẹp mà!
- Em thấy chả đẹp tẹo nào! – Tiểu Ảnh dứt lời rồi quay lưng đi. Quản Đồng lại luyến tiếc nhìn chiếc áo, nhưng cũng đành lẽo đẽo theo sau. Hai phút sau, Tiểu Ảnh lại nghe thấy tiếng reo của chồng
- Em ơi xem bộ này đẹp không!
Tiểu Ảng ngoái lại nhìn, tầm mắt va ngay vào một bộ đồ tây màu nâu đậm cổ lỗ sĩ. Tiểu Ảnh nhếch mép cười... Hai phút sau, anh chàng lại nắm tay Tiểu Ảnh lôi đến bộ quần áo bên cạnh:
- Đây này, bộ này đẹp này!
Tiểu Ảnh ngoái lại nhìn, không ngoài dự đoán – vẫn là bộ đồ tây, nhưng mà màu đen, cổ áo có hoa, ngực có đính bông hoa đỏ, thôi cũng coi như bước tiến mới của thứ thời trang cổ lỗ. Cuối cùng, Tiểu Ảnh cũng đành dừng bước mà cười:
- Anh thích mấy đồ này lắm à.
Quản Đồng gật đầu, chủ nhật anh không hay đeo kính, nên thấy khuôn mặt búp bê của cô trẻ đi không dưới ba tuổi. Anh cười và nói:
- Có một cô ở đơn vị anh... à không phải, thật ra hầu hết phụ nữ trong ban tỉnh ủy đều mặc đồ công sở tây mà, trông rất phong độ mà chững chạc. Hay hôm nào em cũng mặc đi, giống như ngày hội trường lần trước ấy, em mặc trông đẹp lắm, trông ra dáng lắm!
Thôi thì nịnh nọt cũng khéo, Tiểu Ảnh nheo mắt cười, hắng giọng:
- Trưởng phòng Quản, anh thấy một nữ giáo viên học viện nghệ thuật trẻ trung mà mặc một bộ quần áo đặc chất cơ quan chính phủ đi dạy thì trông thế nào?
Quản Đồng nghĩ ngợi rồi ân hận tự nói một mình:
- Nhưng mà phụ nữ chững chạc mặc đồ này trông đẹp mà...
Tiểu Ảnh vênh mặt, đi tiếp. Vừa đi được hai bước thì bị gọi lại. Tiểu Ảnh ngoái lại nhìn, thấy Quản Đồng đang chỉ một chiếc váy quê không thể quê hơn, mặt mũi sáng ngời
- Em thấy bộ này đẹp không?
Tiểu Ảnh tí thì hộc máu tại chỗ... Cuối cùng, cả một ngày, lần đầu tiên Tiểu Ảnh tay không trở về từ siêu thị. Trên đường về, Tiểu Ảnh chán nản hỏi:
- Trưởng phòng Quản, có đúng là anh học ngành mỹ thuật học không đấy?
- Đúng chứ! – Quản Đồng nghiêm nghị gật đầu.
- Thế học mỹ học kiểu gì mà chẳng có mắt thẩm mỹ gì cả? – Tiểu Ảnh nhăn nhó. – Em phát hiện ra gu chọn quần áo của anh thật là đáng tuyệt vọng! – Cô không khỏi than thở. – Lần sau không thèm rủ anh đi shopping cùng nữa, em đi cùng với Hứa Tân còn hơn!
- Anh học mỹ học chứ không học thiết kế thời trang. – Quản Đồng cười hề hề. – Em không hiểu rồi, chuyên ngành mỹ học mục đích chính là nghiên cứu mọi ngọn nguồn của cái đẹp...
- Em thèm vào... - Tiểu Ảnh vênh mặt. – Trưởng phòng Quản, cho dù anh có tìm được ngọn nguồn của cái đẹp, thì mớ lý thuyết của anh cũng chẳng có tác dụng dẫn dắt được thế giới này đâu, anh nghiên cứu mỹ học làm quái gì?
- Cô giáo Cố ơi, lịch sự chút đi! – Quản Đồng xoa đầu cô. – Hình như giáo viên hướng dẫn của em cũng học ngành mỹ học còn gì? Em có gan thì nói lại câu này với ông ấy đi.
- Oái! – Tiểu Ảnh thốt lên, nghĩ một hồi rồi cãi lại – Giống đâu mà giống, thầy của em ăn mặc còn đẹp chán!
- Thế chứng tỏ trong số những người học mỹ học còn khối người tài còn gì! – Trưởng phòng Quản làm công tác thư ký, tuy trong cuộc sống có hơi khờ một tí, nhưng suy nghĩ logic thì sắc bén vô cùng. Hơn nữa, nếu mắt anh mà tinh tường quá thì lúc nào cô giáo Cố cũng thua à!
"Cô giáo Cố" cứng đờ như khúc gỗ khoảng hai giây rồi nhận thua chạy biến mất
(8)
Về nhà, Tiểu Ảnh gọi điện cho Hứa Tân kể lể:
- Tớ chẳng hiểu sao mắt chồng tớ quê thế không biết! Vào siêu thị chỉ nhìn duy nhất hai thứ, thứ nhất là cây cảnh, thứ hai là đồ công sở.
Hứa Tân cười:
- Con ruồi này, thật ra tớ cũng thấy ông xã cậu quê chết đi được, thế nên mới đi chọn cái đứa như cậu!
Tiểu Ảnh chớp chớp mắt, giật mình phát hiện hình như mình đã vơ luôn cả mình vào trong câu nói, mới cười hề hề:
- Quần áo cơ mà, đừng có nói xa như thế!
- À ừ đúng rồi, hôm nay tớ đưa chị vào bệnh viện. – Hứa Tân mừng rơn – Baby khỏe mạnh lắm nhé!
- Tốt quá! – Tiểu Ảnh cũng mừng lây. – Thật ra trai hay gái không quan trọng, khỏe là tốt rồi.
- Chuẩn đấy! – Hứa Tân gật gù rồi than vãn. – Chỉ khổ cái thân tớ, mẹ tớ suốt ngày cứ lôi chị tớ ra mà nói, chê tớ ế. Bây giờ thiên hạ có con ầm ầm rồi, mẹ tớ suốt ngày thay tớ đi xem mặt. Ôi... cậu có thấy các phụ huynh bây giờ già rồi thì rảnh rỗi quá không? Cả ngày cứ cầm bằng tốt nghiệp với ảnh của con cái mình đi lẩn thẩn trong công viên, cứ như đi buôn người ấy.
- Không phải buôn người! – Tiểu Ảnh phì cười. – Phải nói là đi săn người thì đúng hơn. Cậu nghĩ mà xem, mẹ cậu đặt ra tiêu chuẩn cho người ta, phải cao trên mét tám, học đại học chính quy trở lên, làm việc ở cơ quan này đơn vị nọ, cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân hay top 500 thế giới... Giời ơi... cứ tiêu chuẩn như thế thì Quản Đồng nhà tớ trượt quách từ lâu rồi, anh ấy mới được có 1 mét
Vừa nói vừa trộm nhìn Quản Đồng, nhưng nhìn một vòng không thấy ai bèn rướn cổ nhìn ngoài phòng khách, lần này thì phát hiện thấy. Quản Đồng đang ngồi trên sôfa phòng khách vừa xem thời sự quốc tế vừa đơm cúc cho chiếc áo ngủ của Tiểu Ảnh?!
Bùm – Trong đầu Tiểu Ảnh như vừa bùng lên một vụ nổ nguyên tử. Hứa Tân đang lách chách qua ống nghe, bỗng thấy lặng ngắt, tò mò gào lên:
- Alo, Muỗi gọi, Ruồi nghe rõ trả lời... A lô...
- Nghe thấy rồi! – Tiểu Ảnh ngắt lời, hạ giọng. – Báo cáo tin mật, ông xã tớ đang đơm cúc áo cho áo tớ!
- Ặc! – Không hiểu là Hứa Tân đang uống cái gì mà phì cả ra ngoài. – Con ruồi này, cậu còn tính người không thế? Người ta thì phải nâng khăn sửa túi cho chàng, sao cậu lại để ông xã làm cái việc đó?
- Tớ có đòi hỏi gì đâu! – Tiểu Ảnh kêu ca. – Tớ chỉ lười không tự đơm cho mình thôi. Mà là áo ngủ thôi mà, tắm xong mặc có vài ba phút là chui vào chăn, cúc có khâu hay không thì cũng có để làm gì?
- Á... áo ngủ...? – Hứa Tân gào lên. – Con ruồi này, khi nào anh Quản không cần cậu thì bảo anh ta cân nhắc tớ nhé! Quả là một người chồng hiền thục! Á á á!
- Đừng có nằm mơ giữa ban ngày. – Tiểu Ảnh trừng mắt.
- Ruồi này, tớ thấy đúng là cậu phải cảm ơn Trần Diệp đấy. – Hứa Tân mơ mộng. – Nếu không phải anh ta quẳng gánh giữa đường thì làm gì có cơ hội gặp gỡ anh Quản? Cậu đúng là ăn mày vớ chiếu manh!
- Hôm thứ Sáu, Trần Diệp đến lớp tớ đấy! – Tiểu Ảnh bỗng nhớ đến vụ này. – Làm tớ hết hồn!
- Hả? – Hứa Tân tò mò. – Thế thì sao? Tình cũ khó quên à? Hay là thông báo mất đồ?
- Thôi đi! – Tiểu Ảnh quát. – Cho dù anh ta đến tìm lại đồ mất thì tớ cũng không thèm thấy vàng mà nhặt đâu!
- Thế hai người nói những gì?
- Thì nói anh ở nước ngoài thế nào, tớ sống ở đây rất tốt. – Tiểu Ảnh nhún vai. À đúng rồi, còn dặn dò anh ta mai sau nổi danh thì đừng đổi quốc tịch nước ngoài, vì có một phần năm dân số thế giới làm hậu thuẫn cho anh ta, ghê chưa!
- Chắc chắn một phần năm này không gồm cậu rồi! – Hứa Tân cười phá lên. – Con ruồi này ghê gớm quá, sao cậu có thể bình tĩnh thế?
Hứa Tân lại thốt lên:
- Ruồi à, tớ khâm phục cậu ở chỗ: cậu luôn biết bản thân mình muốn gì, rồi từ từ khám phá con đường dẫn đến những ước muốn đó. Tuy cả ngày cậu cứ vùi đầu viết ba cái tiểu thuyết sến, nhưng mà bên trong vẫn là một người cực kì lý trí.
Tiểu Ảnh khẽ cười:
- Cũng có thể. Cậu còn nhớ Tang Lý không, con nhỏ mà sống cùng phòng tớ hồi đại học ấy. Trong mắt rất nhiều người, nó luôn là một người lý trí, cho dù yêu ai, cho dù tiến xa với bất cứ người nào, cũng phải có một tiêu chuẩn đo đạc, chính là việc: có thể giúp đỡ cho con đường ca hát của nó không? Nhưng mà tớ nghĩ, thật ra nó là một đứa sống quá cảm tính, từ đầu đến cuối chỉ đắm đuối chạy theo âm nhạc, chứ chưa bao giờ chịu suy nghĩ xem bản thân mình muốn cái gì.
Cô khẽ thở dài:
- Huống hồ từ trước tới giờ tớ luôn cảm thấy: Sở dĩ hai người không thể đi bên nhau thì vẫn do hai người không hợp. Đối với những việc, những con người không hợp với mình, nếu cứ mãi nhung nhớ thì có phải là phiền lòng không? Thế nên chả cần cậu chê cười, bản thân tớ cũng thấy mình rõ là máu lạnh, bởi vì mỗi lần nhớ đến Trần Diệp, tớ chỉ toàn nhớ đến những cái xấu của anh ta. Tớ biết sau khi chia t phải khoan dung, nhớ đến những cái tốt đẹp của người kia. Nhưng tớ chịu, chỉ cần nhớ đến anh ta thì chẳng có một tí thiện cảm nào. Bây giờ tớ khách sáo với anh ta như thế chẳng qua là những sự xã giao cơ bản nhất, hoặc là sự kính phục với tài năng của anh ta, còn những cái khác thì chẳng có gì.
- Tớ chỉ nói một câu thôi. – Hứa Tân trầm ngâm một hồi rồi gắng nhịn cười. – Ruồi nhép này, cậu nên nghiêm túc suy nghĩ việc quay trở về hành tinh của mình đi. Bái bai.
- Thèm vào! – Tiểu Ảnh cao giọng, cúp máy.
Đặt ống nghe xuống, Tiểu Ảnh bước vào phòng khách, Quản Đồng ngẩng đầu lên rồi đưa cho cô chiếc áo đã đơm cúc:
- Cầm lấy này.
Tiểu Ảnh ngồi xuống bên Quản Đồng, vui mừng ôm chiếc áo rồi thơm vào má anh một cái rõ kêu:
- Cảm ơn ông xã!
Quản Đồng vừa đứng dậy vừa cười:
- Tối mai anh đi ăn với mấy đứa bạn, em cũng đi nhé.
- Có những ai? – Tiểu Ảnh ngẩng đầu hỏi.
- Mấy người bên phòng nhân sự và ủy ban tỉnh, có cả bộ xây dựng nữa thì phải. – Quản Đồng nhìn Tiểu Ảnh. – nhanh thôi mà.
- Em không đi đâu! –Tiểu Ảnh bĩu môi. – Các anh nói chuyện em chả hiểu gì.
- Cô giáo Cố tinh thông hiểu biết thế mà nghe không hiểu à! – Quản Đồng trêu chọc.
- Hứ, anh xem mấy chủ đề các anh hay nói ấy, lợi và hại i lãnh đạo là sinh viên, rồi là cải cách phương thức tuyển dụng bổ nhiệm cán bộ, phạm vi quyền lực của phó bí thư chuyên chức tỉnh ủy... Ồi... người ta quyền lực to đến mấy thì ảnh hưởng gì đến các anh? – Tiểu Ảnh bấm ngón tay. – Lần trước các anh ngồi buôn về tiểu sử chính trị của ít nhất năm ông bí thư tỉnh ủy, em đã ngạc nhiên rồi, đến sinh nhật vợ cũng chả thèm nhớ, thế mà lại nhớ rành mạch năm sinh tháng đẻ của mấy người tận đẩu tận đâu. Sao mấy anh chỉ thích quan tâm đến chuyện đời người khác thế nhỉ?
Quản Đồng nghe thế cười, đáp:
- Thế thì em có thể trao đổi sở thích shopping với mấy bà vợ của các ông ấy!
- Thế thì em thà đi shopping với Hứa Tân còn hơn! – Tiểu Ảnh bĩu môi. –Thật chả hiểu cái kiểu giao lưu trao đổi này của các anh có ý nghĩa gì.
Câu nói đùa không được hưởng ứng, Quản Đồng không mời mọc gì nữa, đành gật đầu:
- Thế thì thôi vậy.
Nói rồi Quản Đồng vào nhà tắm, Tiểu Ảnh cũng về phòng ngủ, bỗng dưng cô dừng bước ngay cạnh chiếc bàn gần hành lang. Trong nhà tắm, tiếng nước rào rào chảy, Tiểu Ảnh chau mày, qua hành lang tìm kiếm một hồi, rồi lại đứng ngoài nhà tắm vọng hỏi:
- Quản Đồng, hai quyển tạp chí em để ở hành lang đâu?
Quản Đồng không nghe rõ cô hỏi gì, đành vặn vòi hoa sen hỏi lại:
- Em nói gì cơ?
- Hai quyển tạp chí em để ở hành lang ấy, anh vứt đâu rồi? – Tiểu Ảnh có vẻ muốn nổi cáu.
- À, anh để lên giá sách rồi! –Quản Đồng sự nhớ. –Tưởng em tiện tay vứt đấy chứ.
- Ngày mai em lên lớp cần dùng. –Tiểu Ảnh muốn nhịn lắm nhưng nhớ lại hai lần trước vì quên mang theo tài liệu mà xảy ra một chuỗi phiền hà, thế là cô lại sửng cồ lên mà quát: Anh đừng có xen vào chuyện người khác được không? Tại em sợ mai lên lớp quên nên mới để ở hành lang. Nhoắng cái anh đã cất của em đi, nhỡ vừa nãy em không phát hiện ra thì mai tính sao? –Tiểu Ảnh càng lúc càng lớn tiếng. Quản Đồng im lặng, mở cửa nhà tắm, thò ra nửa cái đầu mà nhìn Tiểu Ảnh đang bốc hỏa, đành ngượng nghịu an ủi:
- Em đừng giận mà, lần sau anh không cất đồ của em đi nữa là được chứ gì. Với lại em có thể bỏ luôn đồ và trong túi mà...
- Túi em bé lắm bỏ không vừa! – Tiểu Ảnh cảm thấy hơi nóng bốc ra ngoài hừng hực, không quát lên thì không chịu được, cô thử kiềm chế nhưng không kìm nổi, thế là lại làu nhàu: Lần này là lần thứ sáu rồi! Liên tiếp sáu lần anh tự tiện cất đồ của em mà em không biết, để đến lúc em cần lại tìm không thấy.
Quản Đồng vội giải thích:
- Nhưng anh chỉ cảm thấy đồ lấy ở đâu thì cất vào chỗ đó thôi, em vứt lung tung như thế thiếu ngăn nắp lắm...
- Vớ vẩn. – Tiểu Ảnh cáu thực sự. – Em dùng xong thì tự cất vào chỗ cũ! Nhưng bị anh nhúng mũi vào thì bao nhiêu ngăn nắp của em bị phá sạch rồi còn gì! Anh làm ơn đừng có đem cái ngăn nắp của anh chụp lên ngăn nắp của người khác có được không? Anh có biết ai cũng có thói quen và ngăn nắp của riêng mình không?
Quản Đồng chớp mắt, nhìn cô vợ đang phát hỏa với con mắt oan ức mà nghĩ ngợi, rồi quyết định cứ tắm rửa xong rồi nói tiếp. Nhưng cái suy nghĩ đóng cửa phòng tắm vừa nhen nhóm thì Tiểu Ảnh đã lao tới, mở toang cửa!
Quản Đồng giật mình...Trong gian nhà chật hẹp, trưởng phòng Quản đường đường nghiêm nghị mà toàn thân trong trạng thái "khỏa thân", tay chân luống cuống đứng không ra đứng, ngồi không ra ngồi, vừa muốn nói gì đó nhưng lại bị cơn thịnh nộ của Tiểu Ảnh chặn lại, đành nhìn Tiểu Ảnh giận dữ tay giữ chặt nắm đấm cửa, quá
- Quản Đồng anh muốn làm bí thư hả, đây không phải là cái ủy ban tỉnh thành phố của anh. Tôi không cần một ông bí thư theo đuôi tôi dọn đồ! Nếu cần người dọn đồ thì tôi thuê lao công theo giờ! Tôi nói cho anh biết, nếu mà còn lần sau thì... tôi... tôi...
Cứ "tôi... tôi..." mãi, Tiểu Ảnh không biết phải nói tiếp gì, chỉ biết tức tối thở hồng hộc trước cửa nhà tắm. Quản Đồng vội vã với lấy nắm đấm cửa, van xin:
- Em ơi, em đi ra hay là đi vào đây? Ít ra cũng phải để anh đóng cửa vào chứ, mùa thu rồi trời thì có ấm áp gì, lạnh chứ chả đùa, em xem anh mới tắm xong có một nửa...
- Xì! – Dứt lời, cánh cửa sập lại. Vì là nhà cũ nên cứ đóng cửa mạnh tay đã khiến cho bụi bay phất phơ quanh bản lề...
Trong nhà tắm, Quản Đồng thở phào lau mồ hôi lạnh, thấy mình nổi cả da gà, liền vặn nước nóng xả ngay tắp lự. Bên ngoài, Tiểu Ảnh đang ôm đầu quay vào phòng ngủ, ngồi trên giường, cô nghĩ: "Tại sao trước khi lấy nhau thì thấy con người này đứng đắn trưởng thành, lấy nhau rồi mới thấy sao mà hay rỗi hơi hóng truyện thế? Nhưng mà những người quen hóng chuyện thì chả lẽ lại không có tí kiến thức nào về cuộc sống à. Vậy cái người nằm cạnh cô mỗi tối chẳng nhẽ lại là kẻ đần trong quá nhiều chuyện hay sao?
Aaa – Nghĩ đến rối cả óc, Tiểu Ảnh gào lên. Trong nhà tắm, Quản Đồng hắt hơi một cái rõ to, không biết là do giật mình hay là do lạnh.
(9)
Tối hôm sau, Tiểu Ảnh đến ăn cơm nhà Đoàn Phỉ, không quên kể lể:
- Mình vừa phát hiện ra mình chẳng có tiếng nói chung với Quản Đồng! – Cô chau mày. – Trước nay mình cứ tưởng anh ta đáng tin cậy lắm, sao bây giờ thì trái ngược hoàn toàn?
- Không tin cậy sao làm bí thư được! –Hứa Tân vừa xuýt xoa cắn miếng gà luộc vừa khinh khỉnh nhìn Tiểu Ảnh, Đoàn Phỉ gật gù, xoa xoa cái bụng chậm rãi nói:
- Ruồi ạ, người ta có đáng tin cậy hay không thì cũng không đến lượt em phê bình, trong con mắt của quảng đại quần chúng thì anh ta lúc nào cũng tỏa sáng.
- Thôi đi, chán lắm đấy! – Tiểu Ảnh trừng mắt, trút giận vào miếng gà trong tay. – Anh ta đã không có mắt thẩm mỹ thì thôi, lại còn đem cái thói quen ở cơ quan về nhà. Cậu cứ đến mà nhìn cách anh ta bày biện xếp đặt, nào tài liệu, nào sách vở của anh ta thì biết, thiếu nước bày biện từng xó nhà thành cái văn phòng của anh ta đi là vừa. Anh ta cực thích nói tranh lời cô phát thanh viên trên chương trình Thời sự, người ta nói được nửa câu anh ta đã vớ nốt nửa câu còn lại!
Trông bộ dạng Đoàn Phỉ và Hứa Tân mắt chữ O mồm chữ A. Tiểu Ảnh nhăn nhó:
- Chả sợ các cậu cười đâu, bây giờ đến tớ cũng phải biết cái gì gọi là: "Quyền là do dân dùng, tình là do dân thắt, lợi là do dân mưu", biết luôn cả: "xã hội yên bình, người người đoàn kết, xã hội yên bình nhà nhà cùng hưởng!"
- Ha ha ha ha! – Hai cô nàng cười phá lên, nhất là Đoàn Phỉ, tay ôm eo tay ôm bụng, cười nghiêng cười ngả.
- Bà chị này không giữ ý được à! – Tiểu Ảnh nhìn Đoàn Phỉ trách móc. – Mai sau chị có sinh con thì đừng dạy nó thoải mái giống mẹ nó quá nhé.
- Em gái à. – Đoàn Phỉ mãi mới nhịn được cười, nhưng vẫn khúc khích - em nhắng quá đấy.
Cô dụi dụi mắt, nhìn Tiểu Ảnh:
- Chị thấy em giống y như hồi chị mới lấy chồng, chốc chốc lại phát hiện ra những thói quen sống hoặc sở thích không thể điều hòa giữa hai người, lúc nào cũng muốn nổi cáu mà không kìm chế được...
- Đúng đấy! – Tiểu Ảnh thở dài. – Em chẳng muốn nổi cáu đâu, nhưng em không kìm chế được. Hai người không biết thì thôi, hai lần trước chỉ t vứt đồ của em lung tung, làm em không mang tài liệu đến lớp, thế là lên lớp chẳng biết làm thế nào... Em đã bảo đừng có sờ vào đồ của em mà không nghe, lúc nào cũng đem cái thói quen của mình chụp lên đầu người khác, cứ như có cảm giác anh ấy thì lúc nào cũng ngay ngắn chỉnh tề còn em thì luộm thuộm bừa bãi. Nhưng mà Hứa Tân này, ngày xưa tớ với cậu ở cùng phòng, cậu bảo tớ có phải loại người sống lộn xộn không? Chẳng qua mỗi người có một thói quen cất đồ riêng! Anh ta dựa vào cái gì mà nghĩ rằng mình nói đúng, tớ là bực lắm, cuối cùng không nhẫn nhịn được phải quát một trận.
- Hình như cậu sắp đến "ngày quan trọng" rồi! – Hứa Tân tỉnh bơ, vừa kết luận vừa gắp nốt miếng gà còn lại.
- Cậu ranh vừa chứ! –Tiểu Ảnh nghiến răng lườm nguýt, rồi lại nhăn nhó nhìn Đoàn Phỉ. – Chị ạ, em chẳng muốn nổi cáu đâu, ngày thường em rất hòa nhã với học sinh, đồng nghiệp, ai cũng khen em tốt tính. Thế nhưng chẳng hiểu sao, cứ nhìn thấy Quản Đồng là em lại cáu? Mà cơn giận trôi rất mau, thế nên càng uất ức, sao ngay lúc đầu không kiềm chế nổi nhỉ?
- Chị hiểu mà! – Đoàn Phỉ đầy vẻ đồng cảm, vỗ vai. – Thật ra lúc mới cưới chị cũng thế mà! Em nghĩ mà xem, hai con người mà hai mươi mấy năm trước đó chưa sống chung với nhau, đùng một cái phải dính vào nhau, thói quen mỗi người đều khác nhau, muốn thích ứng lẫn nhau cũng phải mất cả quá trình. Chị nhớ hồi trước, cứ nhìn thấy Mạnh Húc làm việc là lại muốn đập đầu vào tường. Mấy đứa biết không, anh ta có thể bỏ bịch sữa vỏ mềm vào thẳng trong lò vi sóng để hâm nóng, lại còn có thể cho cả bánh cảo đang đông lạnh vào trong chảo dầu nóng, lại còn tưới hoa cho tới khi nó chết ngập... tội lỗi tày trời thế cơ mà!
Tiểu Ảnh mắt chữ O mồm chữ A:
- Chị đang nói đến chồng chị á, anh Mạnh á?
Đoàn Phỉ cười khì:
- Chứ còn gì, em thấy có giống không? Còn nhiều lắm, có muốn bật mí không?
Cô chớp mắt lém lỉnh, Tiểu Ảnh vẻ đầy hứng thú, vểnh tai lắng nghe. Hứa Tân cũng xích lại gần nghe ngóng nhưng bị Đoàn Phỉ ngăn lại, gằn giọng:
- Trẻ con không được nghe!
- Em với ruồi lớn bằng nhau mà! – Hứa Tân cuống lên.
- Người ta lấy chồng rồi! – Đoàn Phỉ lườm nguýt. – Có ngon thì em cũng dắt một anh đi làm thủ tục kết hôn đi.
Hứa Tân ức lắm nhưng đành an phận. Quả không ngoài dự đoán, câu chuyện của Đoàn Phỉ đã đưa Tiểu Ảnh từ ngạc nhiên sang cười không dứt.
Câu chuyện kể về lần đầu của tiến sĩ Mạnh và cô giáo Đoàn, xảy ra hai tháng trước khi cưới nhau trong căn nhà tập thể, một phòng khách hai phòng ngủ, của cô Đoàn. Sở dĩ chọn chỗ đó, thứ nhất là vì cảm giác trào dâng mời gọi, hai là không khí ở đó không dễ làm người ta căng thẳng. Thế nhưng, thực tiễn và mộng mơ là hai chuyện khác nhau hoàn toàn. Đoàn Phỉ vẫn nhớ như in, lúc đó là hơn tám giờ tối, đôi nam nữ không có chút kinh nghiệm nào, lúng túng thưởng thức bước đi quan trọng nhất trong cuộc đời họ. Vì quá căng thẳng nên bao nhiêu cảm xúc đều bốc hơi theo mồ hôi, cô chỉ nhớ cô sợ hãi, đau đớn nhưng vẫn kìm nén được, vì cô thấy Mạnh Húc còn căng thẳng, lúng túng hơn. Đến lúc căng thẳng nhất, anh than một câu không gì can đảm hơn:
- Phỉ ơi, khó quá!
Đoàn Phỉ dở khóc dở cười, chỉ đành nhìn vầng trán lấm tấm mồ hôi hột của Mạnh Húc, cô hỏi một câu cũng can đảm không kém trong vô thức:
- Khó hơn lấy bằng tiến sĩ không?
Mạnh Húc quệt mồ hôi, trả lời một cách đầy gian nan:
- Khó hơn nhiều!
Bị dạy bảo từ nãy, giờ cười suýt rách bụngĐoàn Phỉ nói:
- Thấy chưa, ai ai cũng phải đi qua giai đoạn đó. Đàn ông nào cũng trưởng thành từ hôn nhân, mới hiểu thế nào là cơm áo gạo tiền, phụ nữ cũng thế, trưởng thành sau khi lên xe hoa, mới hiểu thế nào là trách nhiệm, là độ lượng, là bỏ qua... sau này cũng sẽ có một ngày Hứa Tân cũng sẽ lớn lên như thế, nhìn thấy sự việc mà vẫn mắt nhắm mắt mở bỏ qua, thì mới phát hiện được là mọi chuyện chẳng có gì là đáng phải cáu giận.
Cô chớp mắt cười lém lỉnh, hạ giọng:
- Thậm chí sẽ có một ngày em phát hiện ra, cái gã đàn ông mà ban đầu đến cái cúc áo trên áo em còn không biết cởi, thì về sau chỉ cần phủi nhẹ tay một cái là quần áo em bay sạch, thậm chí ban đầu hắn rất căng thẳng mồ hôi mồ kê nhễ nhại, trưởng thành rồi sẽ biết thế nào là lên đỉnh.
Vừa dứt lời, Tiểu Ảnh bỗng đỏ bừng mặt, Hứa Tân nhìn bộ dạng cô mà cười phá lên cười. Tiểu Ảnh ngượng ngùng nói:
- Bà chị à, chị đúng là không có đối thủ rồi, em bái phục.
Đoàn Phỉ cười suýt tắc thở, cũng than vãn:
- Em à, rồi một ngày em cũng sẽ thấu hiểu như chị. Bây giờ chị cũng coi như là hiểu tại sao một số cô gái lại thích những người đàn ông đã kết hôn. Em không thể không nói rằng, đàn ông đã kết hôn rồi thì tri thức toàn diện, kỹ năng cũng cứng tay hơn! Họ thấu hiểu từng li từng tí những thay đổi tâm sinh lý của phụ nữ, khéo ăn khéo nói, dễ lấy lòng chị em. Lúc đó mọi người lại ca ngợi gã này hào hoa phong độ, tình cảm nhẹ nhàng, mà chả ai biết rằng hắn ta cũng từng đi qua những tháng ngày ngây thơ trong sáng nhất, rồi để có được như ngày hôm nay cũng là nhờ một người phụ nữ đã đánh đổi bằng tuổi thanh xuân của mình, sống cùng gã rồi, dạy dỗ cho gã trở nên già đời như thế.
Đoàn Phỉ dứt lời, căn phòng rơi vào yên lặng một cách khác thường. Mãi một lúc sau Hứa Tân mới cười xòa:
- Chị ơi, chị lo đi đâu vậy, anh rể em có gan nghĩ nhưng không có gan làm, chị lo
Đoàn phỉ cười:
- Ấy là chị lấy ví dụ thế thôi, mà cũng đâu có nói anh rể quý hóa của em, trẻ con đừng có chen ngang.
Tiểu Ảnh gật gù:
- Nếu mà có trường hợp tương tự thì cũng hiếm hoi thật.
"Bụp" – Đoàn Phỉ vỗ vào trán Tiểu Ảnh, cô cau mày ngẩng đầu lên, thấy Đoàn Phỉ đang trừng mắt:
- Còn có tương tự nữa sao, khó nghe quá!
Tiểu Ảnh trầm tư hai giây, rồi đưa tay xoa bụng Đoàn Phỉ:
- Cháu trai ơi, mẹ mày bắt nạt cô này!
Đoàn Phỉ cười ha hả, Hứa Tân cũng cười theo, căn phòng lại rộn rã lên.
(10)
Tiểu Ảnh gặp lại Trần Diệp trong trận mưa tuyết đầu tiên.
Trong siêu thị ấm cúng, Tiểu Ảnh đang nhăm nhăm kiếm đồ ăn vặt, bỗng nghe thấy một giọng nói quen thuộc vang lên bên cạnh:
- Tiểu Ảnh, em vẫn thích ăn mấy đồ ngâm đầy chất bảo quản này à?
Tiểu Ảnh ngẩng đầu lên, thấy Trần Diệp tay xách một giỏ đồ đứng đằng sau lưng cô. Ngay lập tức, cô cúi đầu xuống nhìn giỏ đồ trên tay anh, chỉ có dầu gội đầu, sữa tắm và một chiếc khăn mặt. Chẳng hiểu sao, Tiểu Ảnh lại hồi tưởng đến buổi chiều của nhiều năm trước, dưới ánh nắng ấm áp, cậu sinh viên tay bưng chậu rửa mặt, trong đ nào là dầu gội đu, sữa tắm với khăn mặt, đứng trước mặt cô với bộ dạng tội nghiệp. Tiểu Ảnh nhếch mép cười, Trần Diệp cũng vô thức cười theo:
- Em cười gì?
- Em nhớ lại lúc mới gặp anh, anh nhớ nhầm ngày nhà tắm mở cửa, cũng bê ngần này thứ trước cửa nhà tắm nữ. – Tiểu Ảnh cười khúc khích. – Ngần ấy năm trôi qua rồi mà em vẫn không quên được cảnh tượng đó.
Nghe thấy câu ấy, Trần Diệp bỗng lặng người, đứng đực cạnh Tiểu Ảnh, nhìn cô đang mỉm cười quay lưng lúi húi nhặt lấy túi kẹo bảy màu đang chọn suốt nãy giờ. Trông cái túi màu đỏ quen thuộc, tim Trần Diệp bỗng đập thình thịch, dường như không thể ngăn nổi dòng chảy ký ức năm năm trước. Lần đầu gặp nhau, anh tập đàn trong phòng, còn cô ngồi kế bên, nhấm nháp từng viên kẹo đủ màu sắc.
Sau đó, họ yêu nhau, cô vẫn rất thích ăn kẹo màu. Cô vừa ăn vừa nhét đủ thứ kẹo, với đủ loại màu mè, vào miệng anh mà nói: "Màu tím ngon nhất, vị nho đấy; màu đỏ vị dâu tây cũng được, em ghét màu xanh lắm, cứ đăng đắng thế nào..." Anh đã giấu cô là từ sau khi ra nước ngoài, không ít lần anh mơ thấy cô đang ăn những viên kẹo bảy màu.
Giờ đây, họ là những người lạ với nhau, nhưng cô vẫn không bỏ được sở thích ăn kẹo. Trần Diệp hơi run rẩy, hơi trầm ngâm. Lựa xong kẹo, Tiểu Ảnh ngoái lại, trông thấy Trần Diệp như thế liền cười:
- Em cứ tưởng anh quay về Áo rồi.
- Hơn một tháng nay anh đi lưu diễn. – Trần Diệp đón lấy chiếc xe đẩy trong tay Tiểu Ảnh, đặt giỏ đồ của mình vào rồi đẩy cùng. Tiểu Ảnh không tỏ thái độ phản đối, vẫn dạo bước đi bên anh.
- Khi nào anh đi về? – Tiểu Ảnh quay sang hỏi.
Trần Diệp cười:
- Sao lại hỏi là "đi về"? Nhà anh ở đây còn về đâu
- À ừ nhỉ! – Tiểu Ảnh giật mình. – Thế khi nào anh lại qua nước ngoài.
Trần Diệp vô cảm nhìn cô:
- Em muốn anh đi lắm à?
- Em tưởng anh phải học hai bằng thạc sỹ, chẳng nhẽ không định lên lớp à? –Tiểu Ảnh thắc mắc. – Nói chung cũng phải có công có việc đàng hoàng mà làm chứ.
- Thế trong mắt em bây giờ anh không đàng hoàng à? –Trần Diệp càng chẳng biết nói sao. Anh thở dài, cuối cùng thẳng thắn nói: Anh sẽ nói cho em một tin không mấy vui, cô giáo Cố à, trường mình đã mời anh về làm giáo viên rồi, về sau chúng mình sẽ gặp nhau thường xuyên đấy, cho dù em có đồng ý hay không?
- Hả? – Tiểu Ảnh thốt lên. – Mời về á?
- Ừ! - Anh gật đầu. – Khoa nhạc còn cho anh một căn nhà trong khu tập thể giáo viên trường, anh muốn ở một thời gian rồi mới đi.
- Ở một thời gian? –Tiểu Ảnh càng ngạc nhiên hơn. – Anh tính về nước thật à?
- Cũng không hẳn! – Trần Diệp mỉm cười. – Còn một năm nữa mới tốt nghiệp, anh vẫn chưa quyết định có về nước hay không?
- Thật ra, người như anh cho dù về học viện âm nhạc Trung ương thì cũng chắc gì theo được nghề giáo viên? Anh về làm gì? –Tiểu Ảnh nhìn anh. – Đừng phí phạm, không phải em muốn anh đi, mà là thấy nếu anh về thì sẽ bị mai một.
- Cám ơn lời khen! – Trần Diệp cười bình thản. – Thật ra anh cũng đã tính rồi, học sinh như anh ra nước ngoài ba năm, tay nghề tiến bộ cũng nhiều, cũng thi vào trường top đầu, cũng coi như là đạt thành quả ưu tú. Thế nhưng, từ "ưu tú" tới "kiệt xuất", từ "kiệt xuất" tới "bậc thầy" cũng còn xa lắm. lại, người biết chơi đàn chẳng thiếu, nhưng những người nghĩ được như anh thì quá ít, chỉ là đỉnh của kim tự tháp mà thôi.
Nghe xong, Tiểu Ảnh im lặng vài giây. Một lúc sau mới khẽ nói:
- Lần trước, Hứa Tân nói ưu điểm của em là biết bản thân mình muốn gì. – Tiểu Ảnh nhìn Trần Diệp, mỉm cười. – Thật ra, em cũng giống anh, về bản chất, đều là những người sống rất thực tế, tuy đầu óc cũng có những suy nghĩ lý tưởng, nhưng con người thì lại sống trong thực tế. Những người như chúng ta vì quá thực tế nên nhiều lúc không thể không cân đong đo đếm, suy đi tính lại, Trần Diệp này, thật ra những người sống thật với bản thân lại thường hạnh phúc. Anh cứ làm những gì anh thích, cho dù gặp phải khó khăn, bế tắc nhất thời, thậm chí trong một thời gian dài không tìm thấy lối đi, thì cũng đừng sống chỉ cho cái thân xác không chết mà phải sống cho vui, để khi bước chân khỏi thế gian này cũng cảm thấy thỏa mãn hạnh phúc, không còn gì nuối tiếc cả.
Cô ngập ngừng một lúc:
- Em hy vọng anh sẽ vui vẻ, không nuối tiếc.
Lúc đó, thời gian như ngừng trôi.
Trần Diệp nhìn Tiểu Ảnh với chút kinh ngạc, dường như chưa bao giờ anh nghĩ cô sẽ nói thế này.
Lúc còn yêu nhau, cô là một cô nhóc ngây thơ, thích vừa ăn kẹo vừa nghe anh đánh đàn, ánh mắt ngập tràn hạnh phúc và ngưỡng mộ. Lần họ gặp lại nhau, cô ngồi trong đám đông lạnh lùng điềm tĩnh lắng nghe; giây phút gặp gỡ ngắn ngủi, cô chỉ buông lại câu: "Lâu lắm không gặp". Lúc anh ngồi nghe giảng, cô là một người giáo viên điềm tĩnh, mẫn tiệp... Cô thay đổi rồi, mà dường như không phải thay đổi, cô có còn là cô không?
Giữa không gian siêu thị rộng mênh mang, Trần Diệp vẫn không dám nói: anh quay về là để tìm cô.
Thế nhưng giờ anh đã rõ, muộn rồi, muộn lắm rồi – muộn ngay từ ngày anh rời bỏ cô đi. hiểu cô, anh biết những người con gái như cô sẽ không cần theo đuôi ai, cũng chẳng cần dựa dẫm vào ai. Những ngày tháng ấm áp, bình lặng, vụn nhặt, giản đơn... anh không thể cho cô.
Anh nghĩ, cô cũng đã sớm nhìn thấy những nỗi bất lực trong mắt anh. Anh xa quê hương tròn ba năm, sao bỗng quay về như không thế này?
Ban nhạc đẳng cấp thế giới, lưu diễn suốt ngày, được tung hô giữa hoa tơi và bóng bay... cuộc sống có gì mà ấm áp, thế nhưng đây lại là cuộc sống anh muốn. Thành hay bại cũng vậy, anh đều không quay về.
Tóm lại, giữa họ bây giờ như chim với cá, càng lúc càng xa cách.
(11)
Tối hôm ấy, Quản Đồng đi làm thêm giờ, Tiểu Ảnh ở nhà một mình nấu mì. Hôm nào không có anh ở nhà, cô đều lười xuống bếp. Lúc nấu mỳ, cô lại nghĩ, hóa ra nấu ăn cũng là một môn nghệ thuật sáng tạo. Cái gọi là nghệ thuật củi lửa cũng phải có người biết thưởng thức thì mới có động lực mà sáng tạo. Thế nhưng nhìn tấm lịch treo tường – cuối năm rồi – hội nghị này sự kiện nọ cứ xoay đi xoay lại, nên trong tháng cuối năm, Quản Đồng chưa ăn bữa tối nào ở nhà. Tiểu Ảnh hơi xót xa thở dài.
Vì ăn một mình nên bữa ăn chẳng mấy chốc mà xong. Bảy giờ tối, cô đã dọn dẹp xong hết, ngồi trước máy tính. Chẳng hiểu sao cô lại nhớ đến Trần Diệp, nhớ lại lúc hai người gặp nhau ở siêu thị, khi những hạt tuyết bay bay ngoài trời lạnh, anh vẫn y như ngày xưa, vẫn cẩn thận giúp cô đội chiếc mũ trên áo choàng lông. Cô hơi ngần ngại, lặng lẽ tránh né, anh vẫn ngang bướng không chịu buông tay, lặng thầm qun cho cô rồi nhìn cô mỉm cười. Cô có thể nhìn thấy ánh mắt liếc nhìn như có như không của những cô gái qua lại đều đổ dồn vào anh. Đi đâu cũng thế, anh luôn nổi bật.
Tiểu Ảnh không phải một con ngốc, cô biết năm ấy khi Trần Diệp ra đi, trong lòng anh tràn đầy trông đợi, nhưng đó chỉ là sự lưu luyến mà thôi, còn anh biết mình sẽ ra đi không trở lại. Cô chỉ không hiểu tại sao anh không nói gì, tại sao anh biết sau ba năm cô vẫn không đi tìm anh
Hoặc cách giải thích duy nhất là: họ quá giống nhau, họ chỉ cần nhìn vào mình là biết người kia đang muốn gì. Anh không thể mang lại điều gì cho cô, cũng không hứa hẹn. Tóm lại, Trần Diệp luôn luôn sáng suốt. Thế bây giờ thì sao?
...
Cô đứng dưới cơn mưa tuyết, nhìn nụ cười của anh mà tâm hồn như bay đi mất. Cho đến khi anh khẽ thở dài, đưa túi đồ cho cô, vỗ vai: "Lên xe đi" thì cô mới bừng tỉnh, thấy chiếc taxi anh vừa vẫy. Cô ngồi vào trong, anh đóng cửa lại, vẫy tay, làm dấu qua cửa xe. Cô hiểu, giống như mỗi lần anh tiễn cô ra bến tàu: "Về tới nhà thì gọi điện cho anh." Tháng chạp, trời tối nhanh. Tiểu Ảnh trông ra ngoài cửa xe, những bông tuyết lấp lánh trong ánh đèn đường, còn Trần Diệp đang đứng dưới tuyết im lặng.
Tiểu Ảnh bỗng thấy nhói lên trong lòng. Cô không còn yêu anh nữa, nhưng điều kỳ lạ là vẫn thấy thương anh. Cô không biết cuộc sống của anh ở nước ngoài có tốt không, nhưng nhìn những lời anh nói từ đáy mắt, cô biết, song song với việc nâng cao trình độ nghệ thuật, anh đã phải cực khổ lắm.
Lạ thay, cô lại nhớ ra người bạn cùng phòng hồi học đại học - Tang Lý.
Giờ nghĩ lại, Tang Lý học thanh nhạc, hay Trần Diệp học nhạc cụ, họ đều giống nhau cả đấy chứ? Cũng đều vì ước mộng của mình mà vứt bỏ bao thứ. Thật kì lạ, những người xung quanh Tiểu Ảnh tại sao đều có khát khao, có lý tưởng, thậm chí có thể đánh đổi một số người để đạt tới những thứ đó?
Tất nhiên, cũng có thể đó chỉ là trùng hợp. Thế giới rộng lớn, thế nào cũng đầy những người như Tiểu Ảnh, tuy chưa được đứng dưới ánh đèn sân khấu, nhưng có thể nhẹ nhàng biến cuộc sống giản đơn thành một khát khao đáng theo đuổi.
Dưới ngọn đèn ấm, Tiểu Ảnh thở hắt một hơi, mở chiếc máy tính xách tay tiếp tục viết nốt những dòng tiểu thuyết dang dở. Cuốn sách tên là "Khúc biệt ly". Trước đây cô từng nói với Tang Lý: "Sẽ có một ngày tớ viết cho cậu cuốn sách tên là "Khúc biệt ly". Tang Lý cười: "Nhớ chia cho tớ một nửa nhuận bút." Lúc nói câu đấy là lúc Tang Lý bước ra khỏi phòng chiếu phim. Tang Lý kể và đếm cho cô nghe những ngôi sao thường qua lại gần nhà mình. Tiểu Ảnh kinh ngạc hét lên. Đó là những năm tháng tuyệt nhất trong đời Tang Lý. Trong bản thảo của Tiểu Ảnh, đó là những năm tháng rực rỡ sắc màu. Sống trong những năm tháng ấy, không ai có đủ dũng cảm để có những đổi thay làm chua xót lòng người.
Thế nên, trong cái khoảng thời gian dài ấy, cuốn tiểu thuyết không quá một trăm nghìn chữ này bị bỏ qua một bên. Tiểu Ảnh không nỡ oán trách bạn thân của mình, nhưng cũng không muốn viết một cuốn tiểu thuyết không có thăng trầm. Cô chuyển sang viết truyện thiếu nhi, cũng vài quyển bán được, danh tiếng cũng khá. Thế nhưng, ngay lúc ấy, điện thoại của Tang Lý lại không liên lạc được.
Ban đầu, Tiểu Ảnh trách thầm: "Đổi số mà không báo cho ai biết!" Về sau mới phát hiện ra rằng, có lẽ đó không phải là đổi số, mà là đã biến mất. Lúc ấy, cô hận không thể cầm dao móc mắt gã đó, cô đay nghiến nói:
- Anh làm mất cô ấy mà còn vác mặt đến hỏi tôi à? Thẩm Tiệp, tôi nói cho mà biết, nếu Tang Lý có bề gì thì tôi rủa anh chết không nhắm mắt!
...
Từ ngày ấy, cô viết lại cuốn "Khúc biệt ly". Cô viết với tất cả niềm bi thương, tái hiện lại từng câu chuyện. Một năm trôi qua mới viết được bảy vạn chữ. Đây là cuốn sách gian nan nhất cuộc đời cô. Viết mãi, viết mãi, cô mới hiểu ra rằng: Câu chuyện khó viết nhất chính là câu chuyện người bên cạnh cô từng kinh qua. Cô biết rõ ràng những nỗi thống khổ tuyệt vọng mới có thể làm lay động người cô hiểu rõ ràng những bi kịch rạn nứt mới có thể gây chấn động tâm hồn, nhưng cô đâu có nỡ.
...
Cô sợ, sợ số phận của nhân vật chính sẽ ứng nghiệm lên cuộc sống của cô. Do đó, bây giờ Tiểu Ảnh quyết định từ bỏ ý định ban đầu của mình, cô không định viết những câu chuyện làm thức tỉnh ai nữa, cũng không định viết kết thúc là bi kịch nữa, cô chỉ muốn cho những người đang yêu, cho Tang Lý một lối ra đầy chữ
Tiểu Ảnh nghĩ, quả nhiên suốt cuộc đời này mãi mãi cô không thể trở thành một nhà văn xuất sắc. Đêm khuya, Tiểu Ảnh cứ cặm cụi như thế. Căn phòng không thể im lặng hơn, chỉ khe khẽ tiếng nhạc từ máy tính, đó là một giọng ca nữ đầy u uất: "Nếu gặp gỡ sớm hơn thì ta đã không phải hối hận, sẽ không còn rối ren, sẽ sống giản đơn và hạnh phúc. Nếu có ngày anh không còn ở đó, hãy tha lỗi vì những gì em cho anh là không ít, nhưng anh đâu có phúc để đón nhận..."
Cứ nghe đi nghe lại mãi bài này.
Một bài hát rất đúng tâm trạng, không hẹn mà gặp với chủ đề cuốn tiểu thuyết. Tiểu Ảnh vừa nghe vừa giữ cảm xúc, vừa nhẹ nhàng gõ theo nhịp bài hát. Gõ rất lâu, đến lúc viết đã mỏi tay, Tiểu Ảnh mới đứng dậy rót cho mình một cốc nước.
Đứng trước bình nước, cô chợt nghĩ: Mình còn được sống những tháng ngày bình lặng thế này bao lâu nữa?
Sẽ có một ngày, tiếng khóc oa oa của đứa trẻ cất lên, rồi căn phòng này sẽ náo loạn lên vì bà mẹ chồng trước đây không có tiếng nói chung? Lúc đó, cuộc sống của Tiểu Ảnh không còn là cuộc sống của riêng hai người, mà là một thế giới chồng chéo tạp loạn. Dường như trong cái thế giới tạp loạn ấy, đứa trẻ nhỏ hay bà mẹ chồng không có bảo hiểm nhân thọ lại ngã bệnh... thì đúng là loạn hết lên!
Với tính chất công việc của Quản Đồng thì anh ta rõ là chẳng giúp được gì. Một mình Tiểu Ảnh cô đơn biết làm sao?
...
Nghĩ đến đó, Tiểu Ảnh hơi xót lòng. Cô nghĩ, trước khi lấy chồng, cô không phải là một người nghĩ ngợi xa vời như thế, cô thích vứt những vấn đề khó giải quyết sang một bên để suy nghĩ sau. Cô tin, xe đụng chân núi tất có đường đi, vội vã mà làm gì. Nhưng lấy chồng rồi, lạ thay, bản thân mình sao lại thay đổi như biến thành một người khác, sao lại vơ bao nhiêu vấn đề, thậm chí còn chưa xảy ra, vào đầu rồi nhào nặn chúng thành một khối thập cẩm.
Thật ra cô cũng không phải là người hay lo trước nghĩ sau, nhưng cô không thểnghĩ rằng: Nếu ban đầu không lấy Quản Đồng mà là Trần Diệp, thì bây giờ cô sẽ sống một cuộc sống thế nào... Cô không biết những cô gái lấy chồng khác có từng phải so sánh như thế không? Tuy chẳng có ý nghĩa gì nhưng đây cũng là một chủ đề khiến người ta tò mò.
Cô và Trần Diệp ít ra là đều có tiếng nói chung, dễ thấy vì đều học nghệ thuật. Chỉ riêng chuyện gia đình thôi, cô cũng từng thấy cha mẹ Trần Diệp - cha là phó viện trưởng viện khoa học xã hội tỉnh, mẹ là giáo viên đại học sư phạm, họ đều là những thành phần tri thức cao cấp, cử chỉ lịch sự nho nhã. Nếu có cha mẹ chồng như thế thì phải chăng sẽ không phải khổ não như ngày hôm nay? Phải chăng họ rất có tiếng nói chung? Về sau nói về mặt giáo dục con cái thì chẳng phải là họ sẽ giúp cô được một tay ư?
Ơn trời, cô không trông mong cha mẹ Quản Đồng giúp đỡ, mà chỉ mong họ đừng kéo bước cản thân mình là tốt lắm rồi. Đó là vì một ngày nọ cô bất chợt hỏi Quản Đồng: "Về sau bố anh sẽ không tiêm nhiễm vào đầu con chúng ta cái thuyết: "học hành vô dụng" chứ?"
Quản Đồng giật thót, suy nghĩ kỹ càng một hồi mới trả lời một cách vô tâm:
- Không biết, chịu thôi.
Lúc đó, Tiểu Ảnh chỉ đành cười trừ. Thế nhưng, thời gian chỉ trôi một chiều, không thể "nếu" quá nhiều và cũng không thể quay ngược dòng chảy. Cô sẽ không bao giờ đứng tại chỗ chờ đợi Trần Diệp, cũng không bỏ Quản Đồng để chọn người khác.
Cô là một người dũng cảm. Nhưng bạn nên biết, có được sự dũng cảm ấy là do cảm thấy đáng như thế từ tận đáy lòng.
Bởi vì, con người này, gia đình này đều đáng cho cô tạm thời vứt bỏ tuổi trẻ và công việc của cô yêu thích nhất sang một bên. Nghĩ đến đây cô phì cười, dưới ánh đèn sáng rọi, cô nghĩ, hóa ra trong cuộc sống, những thứ tình cảm cũ không phải lúc nào cũng có thể gây sóng gió, ví dụ như chính cô đây... Cuộc sống của cô tuy trần tục nhưng không phàm tục.
Tại sao?
Vì cô yêu
Nghe sến quá phải không? Thật ra từ khi lấy nhau họ chưa bao giờ nói: "Anh yêu em" hay "em yêu anh" với nhau bao giờ, không những thế mà suốt ngày người này còn gây phiền hà cho người kia. Nhưng cô biết anh gặp cô vào một thời điểm không thể phù hợp hơn, chỉ một bước chân thôi, nhưng không sớm cũng không muộn.
Thật vậy, giờ đây Tiểu Ảnh đã hiểu; nếu như Quản Đồng xuất hiện sớm một bước, thì cô đã coi anh như một gã hề trong ngành nghệ thuật; còn nếu chậm một bước, biết đâu cô đã làm vợ người khác.
Vợ chồng son, Tiểu Ảnh thấy hơi mơ hồ. Cô không biết phải hình dung lại cuộc hôn nhân của mình thế nào, càng không biết rằng những phiền phức, do nó mang lại, thì phải giải quyết thế nào đây?
← Ch. 05 | Ch. 07 → |