← Ch.36 | Ch.38 → |
Tối hôm đó, mười giờ tối ông mới đến bệnh viện, tôi kiểm tra đơn giản cho ông, đề nghị ông ngày hôm sau hãy làm hóa trị.
Không ngờ, mười hai giờ đêm ngay tối hôm ấy, bệnh của Cận tiên sinh trở nên xấu đi và ông rơi vào hôn mê. Chủ nhiệm Dương phải nhanh chóng cấp cứu mười tiếng đồng hồ mới có thể kéo Cận tiên sinh từ cõi chết trở về. Qua kiểm tra, tế bào ung thư đã di căn đến tim, chữa trị thế nào cũng không có ý nghĩa gì nữa, ông phải ở trong phòng theo dõi dành cho bệnh nhân mắc bệnh nặng và được quan sát tỉ mỉ.
Cho dù như vậy thì hằng đêm, ánh đèn trong phòng chăm sóc đặc biệt ấy vẫn sáng.
Tôi bước vào phòng, thấy Cận tiên sinh mệt mỏi dựa vào thành giường, trên đầu gối đặt chiếc laptop, một tay ông giữ chiếc laptop, một tay chống vào gối, cố gắng mở to mắt nhìn chăm chú vào đơn xin vốn đầu tư hạng mục trên màn hình máy tính.
Tôi lo lắng bước đến nhắc nhở ông: "Chú Cận, chú nên nghỉ ngơi thôi."
Ông mỉm cười với tôi: "Rất nhanh thôi là tôi có thể nghỉ ngơi rồi."
"..." Nhìn nụ cười của ông, tôi tự nhiên không cầm được nước mắt, bước nhanh ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt với đôi mắt ướt nhòe.
Tôi không muốn khuyên nhủ ông nữa, thời khắc cuối cùng của cuộc sống này, ông có quyền lựa chọn cách sống mà ông muốn.
Tôi về văn phòng rót một cốc nước nóng, bước đến khu cầu thang. Bà Cận quả nhiên đang ngồi đờ đẫn ở đó.
Tôi đưa cốc nước nóng cho bà, nói: "Cô Trần à, cô cùng mệt rồi, nên ngủ một chút đi."
Bà lắc đầu, nhìn tôi với đôi mắt tuyệt vọng."Bác sĩ Bạc à, ông ấy không chống trụ được mấy ngày nữa, tôi muốn bảo con trai đến gặp mặt ông ấy lần cuối, nhưng ông ấy không đồng ý. Con trai tôi đang làm việc ở Hồng Kông, công việc rất bận rộn..."
Tôi biết bà luôn tôn trọng Cận tiên sinh, tất cả mọi chuyện bà đều muốn làm theo mong muốn của ông ấy nên nhất thời tôi không biết trả lời thế nào.
Cốt nhục chia ly thường sẽ có cảm giác đau đớn như bị rút gân róc xương, nếu như ngay cả lời tạm biệt cuối cùng cũng không kịp nói mà người đã ra đi, thì người sống sẽ cảm thấy tiếc nuối đến nhường nào?
Bà thấy tôi trầm mặc không nói thì tiếp tục hỏi: "Thứ lỗi cho tôi mạo muội nhé, tôi nghe người ta nói, bác sĩ vốn đi du học ở bên Nhật, vì bố bị bệnh nên đã nghĩ học về chăm sóc ông ấy, có phải không?"
Tôi hiểu ý của bà nên đáp: "Vâng. Bố cháu ban đầu cũng sợ cháu lo lắng, luôn giấu giếm cháu, may mà có một người bạn nói cho cháu biết, cháu nghĩ, cả đời này luôn biết ơn người bạn ấy."
Bà Cận nói: "Cảm ơn!"
"Không có gì ạ, muộn lắm rồi, cô mau đi nghỉ ngơi đi."
Tiễn bà Cận về phòng bệnh, tôi mới trở về phòng yên tâm ngủ một giấc.
Hơn bốn giờ sáng, tôi vừa ngủ chưa được bao lâu thì bị tiếng đập cửa ầm ầm làm tỉnh giấc.
"Bác sĩ Bạc, cứu mạng, cứu mạng!" Tiếng cầu cứu thê lương và tuyệt vọng khiến tôi lập tức tỉnh ngủ.
Tôi bước xuống giường với tốc độ nhanh nhất, chạy hai bước đến trước cửa phòng và mở cửa.
Bà Cận bổ nhào đến trước mặt tôi, hai tay túm chặt lấy vạt áo của tôi, giọng run rẩy: "Ông ấy lại hôn mê rồi... cứu ông ấy... hãy cứu ông ấy."
Tôi vừa kêu y tá chuẩn bị máy móc và thuốc men, vừa chạy đến phòng chăm sóc đặc biệt.
Bà Cận hoảng hốt, sợ hãy hỏi tôi: "Ông ấy còn có thể tỉnh lại, đúng không? Tôi đã nói với con trai rồi, nó sẽ về ngay trong ngày hôm nay... Liệu nó còn có thể nhìn mặt ông ấy lần cuối không?"
Đây là lần thứ ba hôn mê của Cận tiên sinh rồi, cách lần hôn mê trước một tháng. Tình trạng sức khỏe của Cận tiên sinh đã bị tổn thương nghiêm trọng, hầu như tất cả chức năng trong cơ thể đều đã bị tết bào ung thư xâm nhập, dựa vào kinh nghiệm thường thấy để phán đoán thì bắt đầu từ khi xuất hiện triệu chứng hôn mê, người bệnh chỉ sống được nhiều nhất khoảng một tháng.
Đối diện với sự mong mỏi của bà Cận, tôi chỉ biết đáp: "Cháu sẽ cố gắng! Nhưng cô cũng cần chuẩn bị tốt tâm lý, khả năng chú ấy tỉnh lại là rất ít."
Bà không nói gì, chỉ nắm lấy tay của Cận tiên sinh, rơi vào trạng thái tuyệt vọng đau đớn cùng cực, mắt đã không còn giọt lệ nào, miệng cũng không thể thốt nên lời nào nữa.
Tôi đã cố gắng hết sức, thuốc có thể dùng thì đã dùng rồi, các phương pháp để cấp cứu đều thử rồi, nhưng cuối cùng, Cận tiên sinh đã không tỉnh lại.
Con trai của ông ấy cuối cùng cũng từ Hồng Kông trở về, cậu ấy quỳ bên giường bệnh, nước mắt tuôn rơi, nói: "Bố, mấy ngày trước, chẳng phải bố bảo đến Hồng Kông sống sao, bố nói muốn sống một cuộc sống nhàn nhã mà... Hóa ra đều là lừa gạt con."
Cậu ấy nói: "Bố, tại sao bố không nói cho con biết? Năm năm trời, tại sao bố bị bệnh năm năm mà không nói cho con biết?"
Cậu ấy nói: "Bố, bố nên nói sớm cho con biết mới phải... ít nhất con cũng được ở bên cạnh bố nhiều hơn, nói chuyện với bố nhiều hơn..."
Cậu ấy nói: "Bố, bố tỉnh lại đi, bố nói với con một câu thôi cũng được, hay nhìn con một cái thôi cũng được..."
Cậu ấy khóc nghẹn ngào, sau một hồi lẩm bẩm tự nói một mình, cậu ấy lại gào khóc thảm thiết, nhưng đáng tiếc là đều không có tác dụng, cậu ấy không thể lay gọi người bố đang hấp hối, không thể an ủi được người mẹ đang đau đớn tuyệt vọng, càng không thể giải tỏa được sự kìm nén và nỗi đau trong tim.
Ngày hôm sau, Cận tiên sinh đã trút hơi thở cuối cùng trong cơn hôn mê.
Cuối cùng, ông để lại cho nhân thế là một lá đơn xin vốn đầu tư hạng mục, còn đối với người thân, con cái, bạn bè thì không để lại chữ nào.
← Ch. 36 | Ch. 38 → |