ĐÊM TRƯỚC TÂN HÔN
← Ch.61 | Ch.63 → |
Từ trước tới giờ, Lan Nhược đạo quan nổi tiếng là nơi danh nhân tài tử thích du ngoạn, là chỗ địa linh nhân kiệt, nếu thiếu gia và thiếu phu nhân có phát sinh chuyện gì ở đạo quan, nhất định có thể sinh hạ một tiểu thiếu gia nổi tiếng lẫy lừng. Tuy là chuyện mới được mấy ngày, nhưng thiếu gia thủ thân như ngọc suốt bao năm, một khi rung động, chắc thần Phật cũng phù hộ, thiếu phu nhân tương lai chắc chắn, chắc chắn....
Liễu nhũ mẫu đoán già đoán non, cuối cùng đứng ngồi không yên, kiếm cớ đến Hầu phủ bái kiến Như Nguyệt Quận chúa. Như Nguyệt Quận chúa thấy Liễu nhũ mẫu không tìm gặp Lâm Mị, lại cầu kiến cô ấy, liền cho là là vì muốn hỏi thăm chuyện liên quan đến Lâm Mị, nghĩ đến chuyện bản thân là tỷ muội hồi môn, có một số việc cũng cần tìm Liễu nhũ mẫu để hỏi, bèn thỉnh Liễu nhũ mẫu vào phòng nói chuyện.
Thật ra cũng không thể trách Liễu nhũ mẫu suy diễn, vội vàng đi dò la nghe ngóng. Sự thật thì Liễu Vĩnh là chín đời con một, đối với việc sinh con nối dõi của Liễu Vĩnh, Liễu nhũ mẫu trông ngóng đến độ có thể nói là không quan tâm, thậm chí coi thường luôn cả chuyện ăn cơm trước kẻng mà cả xã hội kinh hãi.
Cụ kỵ của Liễu Vĩnh, có người sinh được mấy con trai nhưng chết yểu hết, chỉ nuôi được một người duy nhất, có người lại sinh liền mấy cô con gái, khó khăn lắm mới sinh được một con trai. Đến đời ông nội Liễu Vĩnh, thì cả con gái cũng không có lấy một người, chỉ sinh được một con trai duy nhất. Đến phụ thân Liễu Vĩnh, lại cũng chỉ sinh được một mình Liễu Vĩnh đã mất sớm. Thế nên người trong gia tộc cũng chỉ là họ hàng xa của Liễu Vĩnh, bởi vậy khi phụ thân Liễu Vĩnh đắc tội với người trong tộc, quan hệ mới trở nên nhạt nhẽo xa cách đến mức đấy.
Người chú mà Liễu nhũ mẫu nhắc đến, tên là Liễu Nguyên Chân. Phụ thân Liễu Nguyên Chân là con của một gia đình khác trong gia tộc họ Liễu, vì nhà nghèo, nên đi làm con nuôi cho cụ của Liễu Vĩnh, trở thành em trai của ông nội Liễu Vĩnh. Thế nên tuy Liễu Nguyên Chân là chú, nhưng kỳ thật quan hệ cũng không thân thiết lắm. Nhưng Liễu Nguyên Chân rất biết cư xử, quan hệ với gia tộc rất tốt, lại đông con nhiều cháu, tổng cộng có đến năm sáu người con trai, các con của Liễu Nguyên Chân tuy không thông minh kiệt xuất như Liễu Vĩnh, nhưng cũng không phải loại kém cỏi, hai người con lớn tuổi tương đương Liễu Vĩnh, đã lấy vợ sinh con, làm phụ tá cho quan phủ Liễu Châu, như cá gặp nước. Cuộc sống rất thoải mái đắc ý.
Giờ Liễu Vĩnh gửi thư thỉnh Liễu Nguyên Chân và vợ lên kinh, vợ chồng Liễu Nguyên Chân đông con nhiều cháu, nếu có thể chủ trì hôn sự cho Liễu Vĩnh, trong mắt người ngoài, chính là may mắn cho Liễu Vĩnh và Lâm Mị.
Lại nói đến chuyện Liễu nhũ mẫu tìm gặp Như Nguyệt Quận chúa, đầu tiên nhũ mẫu cố gắng nhẫn nhịn bàn chuyện chi tiết hôn lễ, sau đó lại khuyên Như Nguyệt Quận chúa nên trang điểm ăn mặc thế nào, một lúc sau, Liễu nhũ mẫu mới ra vẻ thần bí ghé người nói: "Quận chúa, đêm đó tại đạo quan, ta thấy dưới chân giường có hai đôi giày. Chuyện này ngàn vạn lần không được để lộ cho người khác."
Như Nguyệt Quận chúa tuy mới tới Đại Chu Quốc không lâu, nhưng cũng biết ăn cơm trước kẻng rất mất thanh danh, hoảng sợ xua tay, lặng lẽ đi ra ngoài cửa phòng nhìn bốn phía một lượt, thấy không có ai, mới quay lại chỗ ngồi, nhất thời lại nghĩ đến mấy câu Cố nhũ mẫu chỉ dạy, bèn tròn mắt, ra vẻ cái gì cũng không biết, cười nói: "Đấy là chân tiểu Mị bị sưng, không xỏ được vào giày, nhất thời mới cởi ra, quên không đi lại. Mama đừng nói lung tung, tổn hại thanh danh tiểu Mị."
Nếu Như Nguyệt Quận chúa đừng ra cửa ngó quanh mà nói ngay, thì Liễu nhũ mẫu còn có chút tin tưởng, giờ Như Nguyệt Quận chúa rõ ràng là giấu đầu hở đuôi, Liễu nhũ mẫu coi như khẳng định. Nhất thời mở cờ trong bụng, ha ha, Lan Nhược đạo quan là chỗ nào chứ? Là nơi linh khí tụ hội đó! Chuyện phát sinh ở đạo quan, chẳng lẽ lại không thành?
Cũng may ngày cưới là tháng sau, đến lúc thiếu phu nhân có biểu hiện nghén thì đã gả vào Trạng nguyên phủ rồi. Uhm, chín tháng sau thiếu phu nhân sinh tiểu thiếu gia, người ngoài có thắc mắc chỉ cần nói sinh non một tháng là xong.
Những ngày tiếp theo, người hầu của Trạng nguyên phủ phát hiện Liễu nhũ mẫu cười suốt cả ngày, so với bình thường thì dễ tính hơn rất nhiều, dường như nhìn gì cũng thấy thuận mắt. Chỉ có một điều không ai hiểu nổi, thiếu gia còn chưa thành thân, sao Liễu nhũ mẫu đã bắt đầu may quần áo cho trẻ con?
Hạ tuần tháng tám, Liễu Nguyên Chân và vợ dẫn theo hai gia nhân, hai hầu gái và con trai thứ ba là Liễu Dũng đến kinh thành.
Vợ Liễu Nguyên Chân tuổi hơn bốn mươi, là một phụ nhân giỏi giang, sau khi đến Trạng nguyên phủ, không nói những chuyện xã giao khách sáo, liền bắt tay lo liệu, lấy thân phận trưởng bối Liễu Vĩnh, đầu tiên là đến Vĩnh Bình Hầu phủ bái kiến phu nhân Vĩnh Bình Hầu.
Thím Liễu tuy là lần đầu lên kinh, lần đầu được chứng kiến sự phô trương hào nhoáng của Hầu phủ, nhưng bà vốn là tiểu thư của một gia tộc lớn ở Liễu Châu, nên không hề có bất cứ cử chỉ hành vi hèn mọn thấp kém nào.
Những nhà quyền quý khi bàn chuyện cưới hỏi, không chỉ nhìn người, mà còn nhìn cả gia tộc của đối phương, nhìn trưởng bối của đối phương. Tuy Lâm Mị chỉ là nghĩa nữ, nhưng phu nhân Vĩnh Bình Hầu sợ nàng phải chịu thiệt thòi, đã tỏ rõ thái độ là nếu gia tộc Liễu Vĩnh còn người, vô luận thế nào cũng phải mời lên kinh làm nhà trai. Giờ thấy thím Liễu thay mặt nhà trai đến dạm hỏi, cử chỉ tự nhiên hào phóng, phu nhân Vĩnh Bình Hầu rất vừa lòng. Bèn cho người thỉnh Lâm Mị ra gặp thím Liễu.
Lâm Mị vừa nghe là thím của Liễu Vĩnh tới, tự nhiên trang điểm đoan trang ra bái kiến.
Dù sao cũng không phải con dâu, chỉ là cháu dâu, hơn nữa lại là nghĩa nữ Hầu phủ, vậy mà đối phương có thái độ kính cẩn rất đúng mực, thật là hiếm có khó tìm. Thím Liễu thấy Lâm Mị lễ phép chu đáo, dịu dàng hào phóng cũng rất có thiện cảm, hỏi đến nữ công gia chánh đều thành thạo, cũng yên lòng, cười nói: "Lâm tiểu thư tài mạo song toàn, sau này cưới về, nhất định có thể cùng Vĩnh ca đồng tâm hiệp lực, chắc chắn sẽ giúp gia nghiệp hưng thịnh. Họ hàng như tôi cũng có thể yên lòng."
Vì Khâm Thiên Giám chọn được hai ngày tốt, một ngày đầu tháng chín, một ngày cuối tháng mười hai, phu nhân Vĩnh Bình Hầu tuy ngại đầu tháng chín quá gấp gáp, nhưng nghĩ cuối tháng mười hai là lúc năm hết Tết đến, trời lại lạnh, không phải lựa chọn tốt, vì vậy thương lượng cùng thím Liễu.
Thím Liễu cũng tính toán là lo xong hôn sự cho Liễu Vĩnh thì về quê lo chuyện Tết nhất, cũng đồng ý chọn ngày đầu tháng chín. Hai người đã nhất trí, liền chọn mùng tám tháng chín làm ngày thành hôn.
Khi thím Liễu cáo từ ra về, phu nhân Vĩnh Bình Hầu tiễn đến tận cửa, rất thân thiết, rất nể mặt.
Trong gia tộc họ Liễu tuy có không ít người thông minh, nhưng những năm gần đây, có thể đỗ Trạng nguyên chỉ có một mình Liễu Vĩnh. Khi vợ chồng Liễu Nguyên Chân lên đường, tộc trưởng cầm một món tiền đến, nhờ thím Liễu đưa tặng Liễu Vĩnh, xem như một phần tâm ý của người trong tộc. Lại dặn thím Liễu ra mặt lo liệu cho Liễu Vĩnh, xử lý mọi sự phải thỏa đáng, khiến Liễu Vĩnh cảm động và nhớ đến người trong gia tộc. Tương lai có cơ hội cũng có thể nâng đỡ người trong gia tộc ít nhiều. Đến phút cuối vẫn chưa yên tâm, còn đích thân chọn lấy hai hầu gái diện mạo ưa nhìn, tướng mắn đẻ, để thím Liễu đưa lên kinh. Nói là nếu nghĩa nữ Hầu phủ thể chất bình thường, thì hai hầu gái kia không cần đưa. Nhưng nếu nghĩa nữ Hầu phủ quá ốm yếu, thì nhất định phải nhét vào phòng hắn.
Thím Liễu đồng ý hết. Lại nghĩ đến Liễu Vĩnh cũng đã mười chín, nhánh nhà hắn cũng chỉ còn một mình hắn, chuyện con nối dõi là chuyện cấp bách, hôn sự không thể trì hoãn thêm nữa. Đến khi đến Hầu phủ, thấy Lâm Mị xinh đẹp lễ phép, cũng rất vừa lòng, chỉ hơi lăn tăn là Lâm Mị hơi yểu điệu quá, chỉ sợ không thể sinh nhiều con. Còn có Như Nguyệt Quận chúa, nghe nói Quận chúa và Lâm Mị tình như tỷ muội, còn làm hồi môn theo về Trạng nguyên phủ. Không nói đến chuyện Quận chúa là người nước khác không đáng tin, nhìn dáng dấp trước sau như một của Quận chúa, rõ ràng là chẳng thể đặt hy vọng ở Quận chúa. Không làm sao được, đến lúc đó chỉ có thể tặng hai hầu gái kia cho Liễu Vĩnh. Thật đáng tiếc, bà ấy vốn muốn giữ lại cho con trai Dũng Nhi!
Mùng hai tháng chín là ngày "Thiêm Tương" (tặng quà cưới cho nhà gái), phu nhân tiểu thư các phủ khác đến Hầu phủ, tặng quà cưới cho Lâm Mị. Tô phu nhân cũng dẫn La Minh Tú đến. Vì Tô phu nhân là nghĩa mẫu, nên chuẩn bị một phần quà rất giá trị để tặng Lâm Mị. Lâm Mị không từ chối được, đành nhận.
Mùng sáu tháng chín là ngày "Phát Liêm", là nghĩa huynh của Lâm Mị, Chu Minh Dương Chu Tư và Tô Trọng Tinh cùng đưa đồ cưới đến Trạng nguyên phủ. Trên đường, ai nấy đều đổ xô ra xem. Phụ nữ có chồng thì xem hồi môn của nghĩa nữ hầu phủ. Con gái chưa chồng thì xem Chu Minh Dương Chu Tư và Tô Trọng Tinh – ba anh chàng đẹp trai. Nhất thời lại thảo luận đến Liễu Vĩnh, đều hâm mộ Lâm Mị tốt số, chỉ là một cô bé mồ côi, lại được phu nhân Vĩnh Bình Hầu nhận làm nghĩa nữ, rồi lấy được người chồng là Trạng nguyên trẻ tuổi tài mạo song toàn như Liễu Vĩnh.
(Khi cô dâu đi lấy chồng, thì gia đình sẽ chuẩn bị của hồi môn cho cô, đó gọi là của hồi môn mang theo về nhà chồng "Bồi Liêm". Ngoài ra, gia đình cô dâu còn phải chuẩn bị lễ vật cho gia đình chú rể, đó gọi là "Phát Liêm".
Ngày trước khi đám cưới là "Phát Liêm". Trước khi nhà gái mang lể vật đến nhà trai, người mai mối bên nhà trai sẽ nhờ người mang quà với nhiều loại trái cây và giấy cắt hình màu đỏ sang nhà gái. Khi gia đình đàn gái đã nhận được quà này rồi thì họ sẽ chuyển lể vật "Phát Liêm" cho bên nhà trai. )
Lâm Mị không được nghe nói mấy chuyện đó, nhưng sắp xuất giá nên khẩn trương căng thẳng không sao ngủ được. Phu nhân Vĩnh Bình Hầu đã dạy nàng không ít đạo làm vợ, tối nay lấy từ đáy hòm ra mấy bức họa, đích thân mang đến phòng Lâm Mị, dặn rằng đêm tân hôn mới được mở ra xem, không quên dặn thêm mấy lời.
"Tiểu Mị, con gái đi lấy chồng, phải coi người chồng quan trọng hơn tất cả, người chồng được tôn trọng, thì ta cũng được tôn trọng, người chồng bị tổn hại, thì ta cũng bị tổn hại. Liễu Vĩnh bản lĩnh giỏi giang, nhưng nếu muốn có chỗ đứng ở kinh thành, thì không thể chỉ dựa vào một mình nó. Giờ con là nghĩa nữ Hầu phủ và Tô phủ, tất nhiên nên gắng sức giúp chồng con một tay, cũng để nó thêm tôn trọng con. Muốn được chồng tôn trọng, ngoài lo lắng những chuyện lặt vặt hàng ngày, còn phải có chút mưu lược, giúp nó vượt qua khó khăn...."
Khi phu nhân Vĩnh Bình Hầu đi, Lâm Mị nghiền ngẫm những lời bà nói một lần, nhất thời thuận tay định mở tranh ra xem, Cố nhũ mẫu thấy thế, vội cất vào trong rương, nói thầm: "Lúc này không xem được."
"Tranh gì mà đêm tân hôn mới được xem, tại sao lúc này cháu không được xem?" Lâm Mị chớp mắt.
"Không nói nhiều, giờ không phải lúc xem." Cố nhũ mẫu đỏ mặt, úp mở: "Phu nhân dặn thế tất là có đạo lý của bà."
Bên kia, Liễu Nguyên Chân nghe nói Liễu Vĩnh chưa từng gần nữ sắc, sợ hắn đêm tân hôn không làm nên chuyện, bèn thăm dò: "Vĩnh ca, ngày mai cháu thành thân, có chuyện kia đã chuẩn bị chưa?"
"Chuyện kia là chuyện gì ạ?" Liễu Vĩnh thấy Liễu Nguyên Chân nói chuyện ngập ngừng ấp úng, hơi không hiểu, cười nói: "Chú có chuyện gì xin cứ nói thẳng đi."
"Uhm... trước đêm tân hôn của ta hồi trước, ta được cho một quyển sách, xem đến nửa đêm, hiểu được thêm rất nhiều chuyện." Liễu Nguyên Chân thấy Liễu Vĩnh dường như vẫn chưa hiểu, đành "khụ" một tiếng rồi nói tiếp: "Cuốn sách kia, nội dung về một nam một nữ, phi thường 'thoát tục'."
Cuối cùng Liễu Vĩnh cũng hiểu được chuyện Liễu Nguyên Chân đang ám chỉ, không khống chế được bật cười, mấy nỗi oán thầm dành cho Liễu Nguyên Chân vì chuyện năm xưa cũng tan thành mây khói, cười nói: "Chú cũng quá coi thường cháu, sao có thể không rõ ràng chuyện đấy chứ?"
"Rõ ràng là tốt, rõ ràng là tốt!" Liễu Nguyên Chân lau mồ hôi, cười hà hà: "Tuy là hiểu rõ, nhưng giờ cũng đang rảnh, cứ ôn tập lại một lần cho chắc!" Chín đời con một, chuyện nối dõi tông đường thật sự không thể xem thường.
Ngay sau đó, Liễu Vĩnh ngồi ở trong thư phòng, ôn tập một cuốn sách cổ có nội dung phi thường "thoát tục".
← Ch. 61 | Ch. 63 → |