Ch.02 → |
Kiều Phi
Cuộc thi chuyên ngành tiếng Pháp toàn quốc vừa kết thúc vào tháng Tư, chúng tôi đang chờ kết quả.
Ánh nắng chan hòa, đúng là vẻ xinh tươi đáng yêu của mùa xuân.
Phóng tầm mắt ra ngoài từ ô cửa sổ sáng loáng của thư viện. có thể nhìn thấy nước hồ xanh ngọc ở phía xa, mặt nước dường như dâng cao trong gió, những con chim đang sải cánh bay, cảng vật mê hoặc làm cho người ta lười biếng.
Tôi đang đọc sách trong thư viện, cảm thấy hơi mệt liền tiện tay giở quyển từ điển tiêu khiển, điều này đã trở thành thói quen.
Từ đơn tôi nhìn thấy đầu tiên là fatalite: danh từ giống cái, định mệnh, số phận, số phận bất hạnh.
Có người vỗ vai tôi, là Tiểu Đơn, cô bạn sống ở giường trên tronh kí túc xá của tôi. Tôi ra khỏi phòng đọc với cô, Tiểu Đơn hỏi: "Sao giờ này cậu vẫn ngồi ở đây? Buổi báo cáo sắp bắt đầu rồi, mau đai thôi!".
Tôi sững người, tới lúc này tôi mới nhớ ra, chiều nay trong khoa tổ chức một buổi báo cáo rất quan trọng. Đó là buổi báo cáo của đàn anh mới du học về, từ cơ sở đào tạo chuyên viên phiên dịch Trois Paris. Chắc chắn tôi đã bị ánh mặt trời oi ả của buổi chiều tà khiến cho tây tây nên mới có thể quên được chuyện quan trọng như vậy. Tôi vội vàng thu dọn sách vở rồi cùng Tiểu Đơn chạy tới phòng báo cáo của khoa Pháp.
Trình Gia Dương - người thuyết trình báo cáo- là nhân vật nổi tiếng ở Học viện Ngoại ngữ số một toàn quốc chúng tôi. Bố mẹ anh hiện là quan chức trong ngành Ngoại giao, họ từng là sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành phiên dịch cao cấp tại trường. Bố tiềng Pháp, mẹ tiếng Anh, từ nhỏ Trình Gia Dương đã sống trong môi trường ba ngôn ngữ. Ngoài điều kiện độc nhất vô nhị kể trên, Trình Gia Dương thường được nhắc tới với những đức tính như: thông minh, cần cù, khiêm tốn và ham học hỏi. Đáng tiếc khi chúng tôi nhập học nhân vật này đã đi học tại Trois Pari rồi. Trên giảng đường những khi thầy giáo nhắc tới anh thì nữ sinh lại chống cằm nghĩ ngợi vẫn vơ, còn nam sinh ấm ức ra mặt rồi nhận xét: "Thầy à, đó là chuyện xa xưa rồi, nếu muốn biết ai thật sự là nhân vật nổi trội vẫn phải xem xét ở hiện tại chứ ạ".
Khi tôi và Tiểu Đơn tới thì những người có mặt tại phòng báo cáo đã đứng vòng trong vòng ngoài. Điều khiến tôi khó chịu là chỉ riêng chỗ ngồi cho sinh viên khoa Pháp chúng tôi đã chẳng đủ thế mà các sinh viên khoa khác cũng chen chân vào. Các sinh viên khoa Anh, ở phòng đối diện trong kí túc xá, đều đã tới cả rồi. Tôi có đủ lý do để nhận thấy bọn họ tới đây đâu phải vì buổi báo cáo này, đúng là một lũ dại trai.
Có ai đó gọi nhỏ tên tôi và Tiểu Đơn, nhìn quanh tôi thấy cô bạn cùng lớp Ba Ba đang gọi ở góc bên kia phòng báo cáo. Đúng là chị em tốt. Cô ấy đã chiếm được chỗ cho chúng tôi trong sự khó chịu và lườm nguýt của rất nhiều người. Vấn đề là người đông như kiến thế này, làm sao chúng tôi có thể len sang bên đó được?
Buổi báo cáo vẫn chưa bắt đầu, tôi cũng chẳng để ý nữa, kéo Tiểu Đơn trèo lên một dãy bàn, leo sang bên kia. Người trong phòng cứ "ồ, à, suỵt..." biểu lộ sự dè bỉu, khinh thường. Là người học ngôn ngữ, tôi biết ngôn ngữ trong trường học rất phong phú và đa dạng. Những tài năng ngoại ngữ đến từ mọi miền tổ quốc, và cũng từng ấy người mang tới đây tinh hoa ngôn ngữ của quê hương. Tất cả đều do diện tích lãnh thổ bao la của đất nước chúng tôi mang lại.
Đi đường này gian nan lại mất rất nhiều thời gian, khi tôi đang leo sang bên kia thì tiếng ồn ào biến mất, im phăng phắc, sau đó tiếng vỗ tay nổi lên như sấm. Tôi biết đã có chuyện gì xảy ra, nhân vật chính của buổi báo cáo, người làm cho tất cả mọi người đều phải mỏi cổ mong chờ - Trình Gia Dương đã tới. Nhưng trong phòng báo cáo được thiết kế theo kiểu bậc thang này, tôi và Tiểu Đơn đã trở thành nhân vật gây chú ý cao độ, cả hai cùng cúi đầu, khom lưng, cứ như đang leo trèo vậy.
Hóa ra đây chính là Trình Gia Dương.
Tôi đã từng phác họa hình ảnh anh trong tâm trí, một quân tử, một học giả trí tuệ, một văn nhân từng trải, cũng có thể là anh chàng đẹp trai tuấn tú. Vậy mà dáng vẻ ngoài đời của anh vẫn khiến tôi ngỡ ngàng.
Đứng trên bục giảng lúc này là chàng trai trẻ, cao ráo, xương xương, anh ăn mặc không quá trao chuốt, bộ quần áo thể thao màu trắng ngà với chất vải mềm nhưng trông anh rất phong độ. Khuôn mặt anh trắng trẻo. Do khoảng cách khá xa nên tôi không nhìn rõ mặt anh, chỉ thấy đôi mắt đen sáng ngời, đôi mắt biết cười cùng mái tóc đen quăn dài quá tai. Trông anh ít nhiều mang vẻ hiền lành hướng nội.
Tôi cũng giống như phần lớn những cô gái những cô gái trong phòng báo cáo này, đều không chớp mắt, và thả hồn tại nơi xa xăm.
Sau đó tôi nghe thấy anh ấy hỏi: "Tôi nên nói bằng tiếng Trung hay tiếng Pháp đây?".
Tiếng rì rầm cất lên, giống như nước trong đầm sâu, tuy nhỏ nhưng rất rõ.
Tôi nghe có người thỏ thẻ:" Tùy anh ạ". Âm điệu nhỏ nhẹ, rõ ràng có ý đồ bất chính.
Đây là lần đầu tiên tôi gặp anh.
Trong buổi báo cáo lần đó, theo yêu cầu của đại đa số, cuối cùng Trình Gia Dương đã trình bày bằng tiếng Trung. Anh kể về những kinh nghiệm du học tại Đại học Trois Paris như: cường độ học tập cao, thi cử, tập huấn lễ nghi ngoại khóa, kỹ năng ngoại giao, ngoài ra anh còn nhắc tới vài lần thực tập dịch cabin tại các hội nghị lớn ở Brussels và Strasbourg. Tiếp theo, mọi người được tự do đặt câu hỏi, ban đầu chỉ là những câu hỏi rất nghiêm túc về việc xây dựng thời khóa biểu tại Đại học Trois Paris cũng như con đường du học, kỹ năng phiên dịch... Nhưng sau đó, những câu hỏi đã bị thay đổi bởi một số nhân vật mê trai. Họ bắt đầu nhập cuộc, chú tâm tìm hiểu về cuộc sống tại Paris của anh, còn hỏi về những vấn đề đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong các tiết mục du lịch trên ti vi đại loại như: đất nước và con người Paris. Cuối cùng tới khi mọi người có thể trêu đùa, không biết ai đó đã đặt câu hỏi:" Vậy anh có từng tận dụng cơ hội tìm một cô gái Pháp làm người yêu không?".
Tôi cảm thấy vừa tức lại vừa tò mò, trong lòng thầm nhủ, Trình Gia Dương à, anh đừng có dại mà trả lời đấy.
Anh chỉ mỉm cười, đưa micro sang tay kia, những ngón tay mới thon dài làm sao!
Cuối cùng anh trả lời bằng tiếng Pháp: "Nếu tôi nói rằng không có, như vậy chẳng phải rất có lỗi với chốn phồn hoa đô thị ấy sao?".
Mọi người bắt đầu xì xào bàn luận, có người còn tranh luận nữa, cô gái học tiếng Tây Ban Nha bên cạnh tôi hỏi: "Anh ấy nói gì vậy? Nói gì vậy nhỉ?".
Tôi nhìn con người tò mò này bằng cặp mắt không mấy thân thiện rồi đáp lại: "Tại sao tôi phải nói cho cậu biết nhỉ?".
Sau đó tôi nghĩ thầm, Trình Gia Dương, chàng trai có xuất thân cao quý, tố chất nhã nhặn, con nhà trâm anh, thật khiến cho người ta khao khát, mong mỏi.
Khi tôi nghĩ về anh như vậy, chợt phát hiện mình đang ngồi trước gương liền quyết định trang điểm lại đôi chút.
Tôi đánh phấn trắng như tuyết, vẽ lông mày rất dài gần chạm vào tóc mai, tôi đánh môi đỏ tươi, làm nổi bật mái tóc đen của mình. Tôi buộc cao tóc lên để lộ cổ. Người nước ngoài thích con gái phương Đông như vậy.
Tôi thay chiếc váy vàng, bó chặt lấy cơ thể thanh tân của mình. Sau đó nhìn vào gương cười, rồi lại cười, dáng vẻ yểu điệu.
Vừa đẩy cửa tôi nhìn thấy ánh đèn xanh đỏ mờ ảo lướt qua.
Đây chính là hộp đêm "Khuynh thành" - hộp đêm hot nhất thành phố này. Tôi là một trong số những cô gái chân dài tại đây, tên Phi Phi.
Phòng bao Casablanca có khách đòi gái hầu rượu. Tôi thong thả, yểu điệu đẩy cửa vào, trong đó có bốn, năm người đàn ông khoảng trên dưới ba mươi tuổi, ngồi giữa là người nước ngoài tóc vàng mắt xanh. Ông ta nhìn tôi, dường như rất hài lòng, vẫy vẫy tay ra hiệu cho tôi lại gần. Tôi cảm thấy hôm nay mình rất may mắn, tôi thích những vị khách trẻ trung, nho nhã không thô thiển coi tôi như nữ thần tình yêu, không có những hành động quá đỗi hạ lưu.
Tôi thích hát, hát lúc nửa tỉnh nửa say đặc biệt mượt. Tôi bắt chước Vương Phi hát bài "Năm tháng", bắt chước Mạc Văn Úy hát "Qủa mùa hè", vừa có thanh lại vừa có sắc. Lúc cảm xúc dâng trào tôi còn hơi nhíu mày rất truyền cảm nữa. Có khách nhận xét cô gái này chắc hẳn có tâm sự nào đó, tôi nhìn người đó không nói gì. Đêm nay trong mắt những người đàn ông có tiền ắt sẽ có hình bóng của tôi. Tôi chẳng qua không đi khách qua đêm, chứ không cũng kiếm được rất nhiều tiền bo.
Cũng chính bởi có điều kiện độc nhất vô nhị như trên nên tôi có thể nói cụm từ "Anh yêu em" bằng chín thứ tiếng. Vừa có một vị khách Việt Nam nhìn tôi và nói tôi rất giống với em gái của anh ta, tôi liền dùng tiếng Việt gọi anh ta bằng "Anh trai", mọi người trong phòng đều bật cười vì câu đùa của tôi.
Đôi khi trong quá trình làm việc tôi cũng gặp trường hợp dở khóc dở cười. Một hôm tôi tiếp rượu đoàn doanh nhân bất động sản ngoại tỉnh, do không nắm rõ được sở thích của khách nên tôi cố tỏ vẻ nho nhã, kết quả là thiếu chút nữa tôi bị đuổi khỏi phòng bao. Tôi đã nhanh chóng tìm cách bù đắp lại:
"Anh ơi, em kể truyện cười được không ạ?"
"Voi hỏi lạc đà: Vú của cậu sao lại mọc trên mặt vậy?'
"Lạc đà đáp lại: Tôi không muốn nói chuyện với người có chim mọc trên mặt. '
"Voi tức tối nói với rắn đang cười ngặt nghẽo: Chim mọc trên mặt còn tốt hơn nhiều kẻ có mặt mọc trên chim. '"
Người đàn ông đó cười phá lên, tôi thở phào nhẹ nhõm.
Tuần nào tôi cũng dành một buổi tối lên quán KTV "Khuynh thành" ngồi với khách. Số tiền kiếm được đủ cho tôi chi tiêu hàng ngày còn có thể gửi một ít về nhà phụ giúp gia đình.
Tôi nghĩ sinh viên nữ có lối sống thế này không chỉ riêng mình, thực ra những sinh viên giống tôi rất nhiều. Tôi cảm thấy sống như thế này có thể coi như sung sướng rồi, hơn nữa tôi là người biết giữ mình, biết một vài kỹ năng để tự bảo vệ mình, do vậy vẫn chưa chịu thiệt thòi gì quá đáng, ý tôi là "quá" thiệt.
Tôi tự nuôi sống được bản thân, tôi rất yêu cuộc sống này.
Trình Gia Dương
Tôi vừa từ Pháp về, thế nhưng bố mẹ lại đi công tác ở Monaco, di động của anh trai vẫn như trước không mở máy. Ngôi nhà lớn như thế, nhưng không bao giờ đông đủ bởi mọi người cứ đi đi về về suốt.
Vì tôi đã có bằng tốt nghiệp tại Pháp nên chỉ về trường làm thủ tục, đọc báo cáo. Trước tháng Sáu tôi đã gửi luận văn thạc sĩ về nước cho giáo viên hướng dẫn của mình, như vậy có thể coi là tốt nghiệp rồi. Trường vẫn như xưa, sinh viên khóa sau vẫn rất nhiệt tình với tôi. Tôi nhớ lại mình khi vào tuổi của họ bây giờ cũng từng hâm mộ theo đuổi một ai đó.
Liệu cô ấy có biết không nhỉ?
Tiết đọc hiểu tiếng Anh của cô giáo Phó Minh Phương ở phòng 402 dãy nhà số ba. Khi tôi đến học sinh vẫn chưa đông lắm, do vậy tôi ngồi ở hàng ghế cuối ngay sát cửa sổ. Học sinh lần lượt kéo tới lớp, dường như có trò nào đó biết tôi, cô bé nhìn tôi rồi rỉ tai nói với các bạn cùng lớp. Tôi cười với họ khiến họ sung sướng reo lên:
"Chào anh Trình Gia Dương!"
Trông dáng vẻ họ chẳng giống với sinh viên khoa Anh chút nào, trái lại giống như sinh viên khoa Hàn Nhật.
Tôi đáp lại: "Hi!"
Trước khi chuông vào lớp kêu, cô giáo Minh Phương bước vào.
Mái tóc cô thẳng ngang vai, chiếc áo sơ mi dệt màu xanh da trời nhạt kết hợp với chiếc quần đồng màu rất hợp với cô, càng tôn vẻ mình hạc sương mai của cô. Cô hỏi học sinh của mình bằng tiếng Anh:
"Các em đã đọc xong tác phẩm "Ông già và biển cả" chưa? Các em thích không?"
Cuối cùng cô ấy đã nhìn thấy tôi.
Sau khi cô ấy dạy xong, chúng tôi ngồi cùng nhau ở quán cà phê cạnh trường.
"Chị đã nghe học sinh nhắc tới buổi báo cáo của cậu, Gia Dương à. Từ trước tới giờ cậu luôn là nhân vật nổi tiếng. Cậu học thế nào? Có vất vả lắm không?"
"Không vất vả lắm. Mình đều vượt qua được. Minh Phương à, luận văn cũng như dịch tốt nghiệp thực tế đều được thầy giáo Pháp cho điểm A đấy."
"Chị biết mà. Chị không ngạc nhiên đâu. Từ nhỏ cậu đã là học sinh xuất sắc rồi mà."
"Phương chưa từng trả lời email của mình."
"Thế cậu hay gửi cho chị ở địa chỉ nào? À, đúng rồi, ở hệ thống hotmail. Chị quên mất username do vậy không dùng hòm thư đó nữa."
"Phương chỉ cho mình mỗi địa chỉ mail đó."
Minh Phương cười trừ, khuôn mặt trắng trẻo dường như trong suốt dưới ánh mặt trời.
"Mình còn gửi cả thư cho Phương nữa."
"Chẳng phải chị đã trả lời thư của cậu rồi đấy thôi?"
"Rồi, thế nhưng mình viết mười bức, Phương mới đáp lại một bức, đã thế còn cụt lủn như thiệp chúc mừng nữa chứ."
"Được rồi, Gia Dương à, đừng trẻ con thế, chị làm như vậy chẳng qua là sợ bài vở của cậu nhiều quá. Bây giờ thì tốt rồi, cậu đã trở về, chị em mình có thể thường xuyên gặp nhau. À này, chuyện việc làm của cậu thế nào rồi? Bố chị nói bố cậu đã sắp xếp cho cậu làm phiên dịch cao cấp trong Bộ Ngoại giao rồi đúng không?"
"Nếu không như thế mình còn có thể làm ở đâu được chứ? Ngoài việc phiên dịch ra mình có biết làm gì nữa đâu."
Hai năm ở Paris, chương trình học của tôi rất nặng, hơn nữa thực tập lại quá bận, do vậy tôi không về nước giữa kỳ. Tôi đã gửi cho Minh Phương rất nhiều email nhưng rồi vẫn bặt vô âm tín. Trong hai năm, tôi viết cho cô ấy mười bức thư rất dài nhưng cô ấy chỉ viết lại cho tôi đúng một bức vào lễ Noen năm ngoái với vài dòng ngắn ngủi dặn dò tôi chăm chỉ học hành, chú ý giữ gìn sức khỏe, có lẽ chưa quá hai trăm chữ.
Người con gái này biết rõ tấm lòng của tôi với cô, thế nhưng cô ấy vẫn phớt lờ như vậy đấy.
Dù sao cũng vẫn may mắn bởi khi tôi trở về thì cô ấy vẫn ở đây. Lúc này ngồi trước mặt cô, dường như tôi đã quên hết những uất ức trước đây, tôi cảm thấy tâm trạng dịu hẳn. Đôi tay cô đang đặt trên bàn, tôi nhẹ nhàng để tay mình lên trên rồi khẽ gọi:
"Minh Phương à!"
"Hả?"
"Minh Phương à!"
"Có chuyện gì vậy?"
"Mình chỉ là muốn gọi tên thôi mà."
Cô mỉm cười, trông cô thật xinh đẹp.
"Gia Dương, hôm nay tới nhà chị ăn cơm nhé!"
"Hay quá!"
Năm xưa khi đi du học bố tôi và bố của Minh Phương là bạn học cùng trường, cùng đi một chuyến máy bay, một chuyến tàu thủy, cùng thuê chung phòng của một gia đình. Sau này bố tôi gắn bó với Bộ Ngoại giao còn bố Minh Phương làm việc trong ngành giáo dục. Tình bạn thời trai trẻ của hai người kéo dài suốt đời còn sang cả đời chúng tôi, bao gồm anh trai tôi, Minh Phương và tôi.
Biết tôi tới chơi, mẹ của Minh Phương đặc biệt yêu cầu người giúp việc nấu những món tôi thích ăn từ nhỏ như: cần tây, cá giếc kho... Các món ăn đều thơm ngon, hấp dẫn, khiến tôi ăn rất nhiều. Bố cô ấy đang được điều động đi nghiên cứu ngoại tỉnh. Tôi thầm nghĩ, ít ra mẹ Minh Phương cũng không quá bận rộn giống mẹ tôi, do vậy so với nhà tôi, nơi này khiến người ta cảm thấy ấm cúng hơn nhiều.
Mẹ Minh Phương biết hiện giờ ở nhà tôi chỉ có tôi và bà giúp việc già nên bác bảo tôi hàng ngày tới đây ăn cơm. Tôi đáp lại được bác ạ rồi đưa mắt nhìn Minh Phương. Lúc này cô ấy ra ngoài nghe điện thoại, không biết ai gọi tới mà nói chuyện lâu thế. Tôi còn nghe thấy tiếng cười dịu dàng của cô ấy trên gác thượng nữa.
Hơn tám giờ tôi xin phép về.
Minh Phương tiễn tôi xuống, dặn tôi phải lái xe cẩn thận. Lúc tôi chuẩn bị khởi động xe bỗng dưng cô gõ gõ vào cửa xe tôi nói:
"À này, chị quên chưa nói với cậu, Gia Dương à, chị sắp lấy chồng rồi."
Đêm tháng Tư, mùa xuân đúng ra phải rất ấm áp dễ chịu, tôi vẫn chưa uống rượu nhưng tại sao lại thấy lạnh như thế này? Tôi cảm thấy bàn tay đang nắm chặt vô lăng run bắn lên.
Phản ứng đầu tiên của tôi chỉ là sẵng giọng hỏi:
"Minh Phương làm sao thế? Tại sao lại phải lấy chồng chứ? Có chuyện gì vậy? Phương bao nhiêu tuổi rồi?"
"Thế nào là làm sao?"
Cô ấy vẫn mỉm cười đáp lại:
"Cậu quên rồi à, chị hơn cậu bốn tuổi, năm nay chị đã hai mươi chín tuổi rồi, lẽ nào còn chưa già hay sao?"
Tôi nhanh chóng khởi động xe, nhìn thấy Minh phương tránh qua một bên.
Tôi lao xe vút đi, đầu óc trống rỗng.
Tôi không biết tại sao mình lại có thể về tới nhà nữa, sau đó thẫn thờ ngồi một mình trong thư phòng tối om.
Minh Phương nói "À này, chị quên chưa nói với em, chị sắp lấy chồng rồi". Cô ấy đã rất hao tâm tổn trí để vào đề. Tôi nhận thấy ban nãy mình hành động không rõ ràng, hy vọng lần sau gặp cô ấy có thể bình tĩnh xử lý, bằng không lại phụ công sức dày công lên kế hoạch của cô ấy.
Tuy vậy tôi vẫn thấy tim mình đau nhói, cần phải có biện pháp gì đó để giảm đau.
Tôi trở về phòng, lấy một bao thuốc thơm đặc chế ở góc trong cùng tủ rượu. Những điếu thuốc với giấy gói màu nâu thon thả như ngón tay búp măng của người con gái. Tôi châm một điếu, hút một hơi dài, cảm thấy khoang miệng, lục phủ ngũ tạng, thậm chí cả đầu óc của mình đang đắm chìm trong khói thuốc, cơn đau dường như tan biến.
Dường như tôi đang trở về với trước đây, quá khứ không thể trở lại, Minh Phương vuốt ve mái tóc rồi dịu dàng hôn lên trán tôi.
Ch. 02 → |