Vay nóng Tima

Truyện:Vợ Có Thuật Của Vợ - Chương 05

Vợ Có Thuật Của Vợ
Trọn bộ 17 chương
Chương 05
Ai cũng bảo kết hôn phức tạp, nhưng những người nói câu này đều kết hôn
0.00
(0 votes)


Chương (1-17)

Siêu sale Lazada


Tôi thấy gương mặt họ đầy vẻ kinh ngạc, nên cũng chỉ còn cách tỏ ra kinh ngạc, bởi tôi không thích đi ngược lại những gì thuộc về số đông, ít nhất thì cũng thể hiện cho họ thấy tôi đứng về phía họ.

Không khí có phần gượng gạo, tất cả mọi người đều im lặng, người phá vỡ bầu không khí đó là bố anh, ông ho khan hai tiếng, sau đó lại cúi đầu và liên tục nhai miếng cơm. Sau đó là Lê Bằng, anh lấy tay ngoáy ngoáy tai, cúi đầu uống canh, cuối cùng là mẹ anh.

Mẹ anh nói: "Nhược Nhược, những cô gái chưa kết hôn tốt nhất đừng nhắc đến chuyện thụ tinh trong ống nghiệm, cũng đừng xem những chương trình vớ vẩn như vậy, nó sẽ ảnh hưởng không tốt tới cháu!".

"Vâng, thưa bác. Cháu nghe lời bác, bác bảo cháu xem gì, cháu sẽ xem cái đó."

"Đúng đúng, phải thế chứ. Chúng ta nên nghiên cứu nhiều về thực đơn, thế mới tốt!"

"Vâng, bác nói đúng quá. Ăn những món bác nấu biết ngay là bác đảm đang thế nào, có thời gian bác dạy cháu với ạ!"

Mẹ anh vui mừng ra mặt. Mẹ bạn trai bao giờ cũng thích những cô con dâu tương lai dễ bảo, đồng thời cũng mong con trai mình sẽ không bị bỏ đói.

Còn bố Lê Bằng, từ khi ông nhận hai bình rượu từ tay tôi, tôi nhìn thấy tia hy vọng trong đôi mắt ông, nhưng khi mẹ anh đem nó đi, ánh sáng đó đã lụi tắt. Tôi nghĩ, tôi đã tặng đúng quà, chắc chắn bố anh sẽ nhớ được điểm tốt của tôi. Chỉ tiếc rằng ông không được làm chủ gia đình, chủ quyền của ông nằm trong tay vợ.

Sau khi rời khỏi nhà bố mẹ, Lê Bằng đưa tôi đến nhà của anh.

Tôi hỏi tại sao không quay về chỗ tôi.

Anh hỏi lại tôi tại sao trước kia lại thuê căn hộ đó.

Tôi nói bởi lúc đó muốn bồi dưỡng tình cảm với Trương Lực, nhưng không ngờ lại bị bạn gái cũ của anh nẫng tay trên.

Lê Bằng rất không hài lòng nói anh ghét sống trong ngôi nhà mà bạn gái thuê vì bạn trai cũ.

"Anh thật khó tính."

Lê Bằng không nói gì, tôi càng không buồn nói.

Chúng tôi giận dỗi nhau cả buổi chiều, nói chuyện một cách nhát gừng, cũng không gọi tên nhau, chỉ gọi "này", hoặc bắt đầu câu chuyện một cách vu vơ, xem đối phương có bắt chuyện hay không. Nhưng tôi cũng không có ý định quay về căn hộ của mình, nếu về đó đồng nghĩa với việc sẽ khiến cho cuộc chiến tranh lạnh này trߠnên tồi tệ hơn, nếu anh không tìm đến cưng nựng tôi, vậy tôi sẽ đến tìm anh, để giận dỗi kéo dài không phải là một hành động sáng suốt đối với những cặp đôi vừa thiết lập quan hệ như chúng tôi, muốn cãi vã thì cũng nên đợi đến sau hôn nhân mới bắt đầu.

Nhưng hiện tôi dường như đang rơi vào trạng thái đuối lý, thế nên tôi quyết định chất vấn thẳng thắn.

"Anh đừng có thường xuyên giận dỗi vì Trương Lực được không, em còn chưa so đo chuyện của anh với Lâm Nhược đâu đấy!"

Lê Bằng như ngay lập tức đứng thẳng dậy, ngồi xuống cạnh tôi, thể hiện vẻ muốn đàm phán.

Tôi cũng hai tay chống nạnh, nhìn thẳng vào anh, đợi anh mở lời.

"Ngoài chuyện đó ra, hai người đã từng hôn nhau chưa?"

"Vớ vẩn, anh đã ngủ cùng người ta rồi cơ mà!"

Anh dừng lại một chút, rồi lại nói: "Đàn ông và đàn bà khác nhau! Em nói đi, đã từng hôn vào những đâu!".

Tôi bĩu môi, cố ý chọc tức anh, nói: "Môi, thế thì sao nào!".

Mắt anh quắc lên, cất cao giọng: "Còn đâu nữa!".

Tôi lại ưỡn ngực, đang định nói, nhưng nghĩ lại, hình như vẫn chưa tiến triển đến mức này, nên nói: "Lưỡi nữa!".

Câu nói vừa dứt, mắt Lê Bằng đã hằn lên tia máu, đứng dậy đi đi lại lại trong phòng, giống như một chú lừa kéo cối xay, sau vài vòng, anh dừng lại, chỉ vào tôi và nói: "Sao hai người có thể dễ dãi như vậy!".

"Vớ vẩn! Anh còn dễ dãi hơn em! Hai người còn thuê phòng ở cùng nhau!"

Lê Bằng dừng bước, nói: "Anh dễ dãi thế nào! Anh đã nói là anh sẽ cưới em mà! Anh sẽ chịu trách nhiệm!".

Ngay cả câu nói nhạy cảm nhất, cấm kị nhất của phụ nữ mà anh cũng đã nói ra, thì làm sao tôi có thể không chửi bậy được?

Tôi cũng đứng dậy, tức giận trừng mắt: "Không cần! Anh biến đi!".

Anh nhắc nhở tôi: "Đây là nhà anh".

Tôi dừng lại, chửi thầm một câu rồi đi ra phía cửa. Đến cửa tôi lại quay vào, lượn một vòng quanh phòng, chắc chắn rằng mình không bỏ quên thứ gì mới đi ra phía cửa. Đúng lúc bàn tay tôi đặt lên nắm đấm cửa thì bị Lê Bằng bế vác lên vai giống như tóm một chú gà con, đi thẳng vào phòng ngủ, quẳng lên giường.

Anh chỉ thẳng tôi và nói: "Em không được phép... quay trở về căn hộ đó nữa".

Tôi ngồi dậy, mắt vẫn còn nổ đom đóm, chưa hết thở dốc, thốt lên: "Anh thật vô lý!".

Anh hừ một tiếng, quay đầu đi ra ngoài, khóa trái cửa.

Tôi bị Lê Bằng nhốt trong phòng khá lâu, nghe thấy tiếng anh ra khỏi nhà, nửa tiếng sau lại nghe thấy tiếng mở cửa. Anh mở cửa phòng ngủ, bước vào, trên tay còn ôm một hộp gà KFC, xuất dành cho cả gia đình.

Lúc này, tôi mới biết, tôi đã đói.

Cuộc chiến nào cũng không thể địch nổi việc bị cái bụng trống rỗng giày vò, nên chúng tôi tạm thời đình chiến.

Chúng tôi ngấu nghiến tranh nhau ăn cánh gà, suýt nữa thì gây thương tích cho cả hai.

Sau khi ăn no, tôi nằm trên giường, nói: "Hiện em đang rất không vui, anh đừng nói gì với em!".

Quả nhiên, Lê Bằng không nói gì, cũng nằm xuống.

Tôi đẩy anh một cái: "Sao anh không hỏi em câu gì hả?".

"Tại em bảo anh đừng nói gì mà!"

"Em bảo anh đừng nói, thì anh không nói luôn. Em bảo anh đừng bới móc chuyện cũ nhưng sao ngày nào anh cũng bới móc! Nguyên nhân khiến em bực mình chính là anh, chính anh làm em tức giận!"

"Anh làm em tức giận chuyện gì?"

"Hơi một tí anh lại nhắc đến chuyện cũ, toàn lôi chuyện của Trương Lực ra nói."

"Em cũng toàn nói chuyện về Hòa Mục."

Tôi ngừng lại một chút, ra một quyết định, nói: "Thôi được, vậy chúng ta hãy thỏa thuận với nhau, anh đừng bao giờ nhắc đến Trương Lực nữa, em cũng sẽ không bao giờ khen ngợi Hòa Mục trước mặt anh, được không?".

Dường như anh đang nghĩ xem tôi có thể thực hiện được điều này không, tôi đọc được điều này qua ánh mắt anh.

Một lúc sau, anh nói: "Được, nói lời phải giữ lời đấy".

Phụ nữ nói lời có thể không giữ lời, còn đàn ông luôn luôn ngây thơ vào những lúc không được phép ngây thơ.

Hôm sau, mẹ tôi giục chúng tôi phải quyết định mọi chuyện, nên hẹn cả hai gia đình gặp mặt tại một nhà hàng, tôi và Lê Bằng ngồi giữa, nhìn mẹ tôi, bố anh, mẹ anh, cùng nhau thảo luận chuyện hôn lễ, bàn bạc chọn công ty nào tổ chức đám cưới, phù dâu phù rể phải chọn ai, mời bao nhiêu khách, sính lễ và của hồi môn gồm những gì...

Tôi nói xen vào một câu: "Chúng con muốn đi du lịch rồi kết hôn luôn, không mời khách".

Mẹ tôi nói: "Vớ vẩn, con chẳng hiểu gì cả!".

Lê Bằng nắm lấy tay tôi, nói với mẹ tôi rằng: "Mẹ, chúng con sớm đã có dự định sẽ đi châu u chơi một chuyến..."

Mẹ anh ngắt lời: "Tổ chức xong lễ cưới, các con muốn đi đâu thì đi! Lễ cưới nhất định phải tổ chức!".

Hai bà mẹ đã quyết định như vậy, bố anh không dám nói thêm câu nào, chỉ nói: "Ừ" và "Rất tốt".

Ai cũng nói kết hôn phải môn đăng hộ đối, nhưng nhiều cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối vẫn khiến người ta phải bận lòng.

Buổi tối trước ngày tổ chức tiệc cưới, trạng thái tinh thần tôi rất bất an, mắt phải giật giật, tôi dự cảm sắp có chuyện xảy ra. Tôi đem suy nghĩ đó nói với mẹ, mẹ nói tôi có vấn đề.

Tôi hỏi mẹ: "Tại sao mẹ không nói với ông ấy chuyện con kết hôn, mà cũng không mời ông ấy tham dự?".

Người mà tôi đang nhắc đến là bố tôi.

"Ông ta đã không còn là người của nhà này nữa rồi. Sau này, cũng không cần xin ý kiến của ông ta."

"Mẹ, mẹ không còn chút tình cảm nào với bố sao, bố mẹ đang ly thân, nhưng đã ly hôn đâu..."

"Thôi, đừng nói đến chuyện ly hôn, không may mắn."

"Vậy mẹ kể cho con nghe bố và mẹ tại sao lại đi đến bước này?"

Tôi chưa bao giờ được chứng kiến cảnh họ giải quyết chuyện ly thân, chỉ nhớ một lần về đến nhà tôi thấy mặt mẹ đầy nước mắt, không thấy bóng dáng bố tôi đâu.

Mẹ nói, ông ấy đi rồi.

Tôi hỏi, đi đâu.

Mẹ nói, đi chết.

Tôi cứ tưởng đó chỉ là những lời nói lúc giận nhau, nhưng lại nghe mẹ kể tiếp, ông ấy có người đàn bà khác ở bên ngoài, đã hơn nửa năm rồi, hôm nay ông ấy về nhà là để bàn chuyện ly hôn.

Tôi hỏi, người phụ nữ đó bao nhiêu tuổi.

Mẹ nói: "Hơn con hai tuổi".

Tôi cất cao giọng, nói: "Vì một người phụ nữ hơn con hai tuổi mà ông ấy không cần chúng ta?".

Mẹ khóc không thành tiếng.

Lúc đó, tôi rất hận bố, thậm chí tôi còn ảo tưởng rằng ông bị người đàn bà đó lừa gạt hết tiền, không còn cách nào khác, nhưng sự thật chứng minh, đến giờ ông ấy vẫn sống nhởn nhơ.

Mẹ nắm lấy tay tôi, nói: "Phụ nữ nhất định phải nắm chặt hạnh phúc của mình, đừng tơ tưởng đến của người khác, cũng đừng để người khác có cơ hội xen vào".

Tôi vốn định nói với mẹ rằng: "Mẹ, hạnh phúc là thứ không thể nắm giữ được, hạnh phúc giống như hạt cát, càng nắm chặt, nó càng trôi đi nhanh. Phụ nữ phải biết biến mình thành sa mạc, dù không thể khiến cát ngừng chuyển động và bay đi, nhưng chúng vĩnh viễn không bay ra được khỏi sa mạc".

Nhưng cuối cùng, tôi không nói gì cả.

Đem theo quyết tâm phải hạnh phúc gấp đôi, chín giờ sáng hôm sau tôi lên xe hoa.

Xe hoa là một chiếc xe tự chế thêm chiều dài, ngồi phía cuối xe, dù được Lê Bằng nắm chặt tay, nhưng tôi vẫn rất hồi hộp.

"Lê Bằng, chúng ta sẽ hạnh phúc chứ?"

"Chắc chắn rồi."

"Lê Bằng, em muốn đem hạnh phúc đến cho anh."

Anh ôm tôi vào lòng.

Vòng tay của Lê Bằng rất ấm áp, giống như luồng khí nóng chỉ xuất hiện vào ngày mười lăm tháng Mười hằng năm.

Tôi rất muốn hôn anh, vì thế ngửa đầu, đưa miệng về phía anh, anh né tránh, nhìn tôi, cau mày nói: "Môi em đánh son đấy".

"Không sao, em hôn có kỹ thuật mà, chỉ lướt qua không để lại dấu vết."

Anh vẫn kiên quyết phản đối.

Tôi nóng nảy, nhất quyết đòi hôn, còn anh cố để tránh, một người lôi kéo, một người né tránh, nhìn chúng tôi như đang đánh lộn.

Trong lúc tôi nói: "Em mang hạnh phúc đến cho anh đây", xe đột nhiên trượt dài, tôi hét lên ôm chặt lấy Lê Bằng, ngay lập tức anh cũng ôm chặt tôi.

Sau khi phanh gấp, xe dừng lại, lái xe mặt trắng bệch quay đầu lại nhìn, chúng tôi cũng tái mặt nhìn lên, ánh mắt chúng tôi giao nhau tại khoang giữa của chiếc xe, nơi đó đã sụt xuống.

Tất cả xe đưa dâu đều dừng lại, tất cả người đi đường đều vây đến xem, tất cả bạn bè, người thân đều xuống xe chạy lại, tái mặt khi thấy khoang giữa xe hoa bị sụt xuống.

Tôi hốt hoảng hỏi: "Sao nó lại sụt xuống thế?".

Lê Bằng lắc đầu, nói không lên lời.

Tôi giơ tay che mặt, quyết định không xuống xe trả lời bất cứ câu hỏi nào của mọi người.

Người của công ty tổ chức hôn lễ nói vọng qua cửa kính giải thích với chúng tôi rằng, chiếc xe hoa này được họ sửa sang lại từ một chiếc xe ban đầu vốn đã dài, sau đó họ nối thêm ba khoang nữa. Vì dưới ba khoang này không có bánh cũng như điểm tựa nâng đỡ nên mới bị sụt như vậy.

Họ còn nói rằng, chiếc xe này đã chạy được hơn một năm, chưa hề xảy ra bất cứ chuyện gì, ngay cả nhân viên kỹ thuật cũng đảm bảo đây là chiếc xe được tu sửa hoàn hảo nhất, không ngờ lại bị hỏng trong tay chúng tôi. Anh ta còn nói, vừa rồi khi đi phía sau xe dâu, anh ta nhìn thấy tôi và Lê Bằng đang cãi vã, nên quả quyết rằng do tôi và Lê Bằng gây chuyện mới khiến chiếc xe đoản mệnh như vậy. Họ sẽ không đòi bồi thường tiền sửa chữa xe, vì vậy chúng tôi cũng không được đòi bồi thường phí tổn thất tinh thần, như vậy là hòa.

Đến tòa án còn chưa phán quyết, vậy mà chỉ bằng đôi ba lời, anh ta đã phán quyết xong. Tất nhiên là tôi không chịu, nếu đồng ý chẳng khác gì tự nhận mình đen đủi.

Tôi nói với anh ta rằng, kết hôn là chuyện cả đời chỉ có một lần, chuyện này lại bị ảnh hưởng bởi công ty các anh, nên các anh phải có trách nhiệm đền bù cho hạnh phúc cả đời của chúng tôi, cái này là vô giá, nếu không tôi sẽ kiện đến khi các anh phải đóng cửa, giải thể, cúp đuôi bỏ chạy. Tất cả mọi người xung quanh đây đều có thể làm chứng, tôi là cô dâu đen đủi, xấu hổ, mất mặt nhất trên con phố này, có đến vài trăm người có thể làm chứng để kiện anh ta hoặc công ty của anh ta. Tôi cũng có thể bỏ mặc sĩ diện mà đem chuyện này bán cho giới truyền thông, tuyên truyền khắp nơi.

Tôi còn nói, tôi mê tín, tôi thấy như ông trời đã cử tôi đến tố giác, trừng phạt bọn họ, nếu không nghe theo ý trời, ắt sẽ bị báo ứng.

Người của công ty tổ chức hôn lễ bị những lời tôi nói làm cho mông lung, nhưng tôi vẫn chưa thấy đủ.

Đúng lúc này, mẹ tôi cũng tiến đến sát cửa xe, không biết lấy đâu được một tờ báo che mặt, nói với tôi qua cửa kính: "Thôi đừng cãi lý vội, các con mau xuống xe, không lại lỡ mất giờ lành".

"Mẹ, mẹ cho con mượn tờ báo che mặt đi."

Mẹ bảo tôi trang điểm lại trước đã.

Tôi hỏi tại sao.

"Đơn vị bố Lê Bằng làm trước khi về hưu hôm nay cũng có rất nhiều đồng nghiệp đến, vài người còn đem theo cả máy quay."

Tôi kinh ngạc, quay sang nhìn Lê Bằng, anh cũng nhìn tôi nói: "Trước đây, bố chúng ta làm ở đài truyền hình".

Tôi nói với mẹ, nếu không thể che kín mặt, tôi kiên quyết không xuống xe, hơn nữa, chân của cô dâu làm sao có thể đặt xuống đất được, ngay cả khi đến nơi tổ chức lễ cưới chú rể còn phải cõng cô dâu lên lầu.

Mẹ tôi nghe vậy, cho rằng có lý, không nói câu nào liền mượn một chiếc ô của những người xung quanh, nghe nói một người bán hoa quả đã tặng ô cho chúng tôi, kèm theo điều kiện, lát nữa đài truyền hình có phỏng vấn thì cũng phải nhắc đến ông ta, tên họ chỉ cần để: "Ông Trương dưa hấu - một người nhiệt tình hỗ trợ".

Lê Bằng cõng tôi, mẹ che mặt cho tôi, ba chúng tôi bỏ lại đoàn xe đưa dâu trước sự chứng kiến của nhiều người, tôi trùm tấm vải đỏ không biết được ai đưa đến, có thế mới yên tâm tiếp nhận những câu hỏi mà đồng nghiệp cũ của bố chồng đặt ra.

Người A nói: "Cô dâu, cháu cứ yên tâm, chuyện hôm nay chỉ cần chúng tôi báo lại về đài, đảm bảo sẽ ồn ào, chắc chắn sẽ giúp các cháu kiện được công ty tổ chức hôn lễ đó".

Người B lại nói: "Đúng là phù sa không chảy ruộng ngoài, hôm nay chúng ta có tin độc quyền rồi".

Người C lại nói: "Chú rể, cô dâu muốn lên án những gì, cứ nói ra đi!".

Lê Bằng trốn sau ống kính, thở hắt ra, mặt xám lại, không ai dám quay anh.

Tôi giẫm trên tấm thảm đỏ lấy từ xe xuống, để mặc những chiếc máy quay ca thẳng vào tấm vải đỏ che trên đầu, chắc rằng lúc này họ đều hy vọng sẽ có một làn gió thổi tới cuốn bay chiếc khăn. Nhưng tôi sớm đã đề phòng đưa tay giữ chặt nó.

"Chuyện này các cô các chú cứ căn cứ theo tình hình mà đưa tin, đừng làm to chuyện quá, đợi xe hoa mới đến, chúng cháu phải đến nơi tổ chức tiệc trước, vì không thể để lỡ giờ lành. Nếu các cô chú muốn phỏng vấn nhân chứng hiện trường, thì cứ phỏng vấn trước đi ạ, gia đình cháu vẫn để phần tiệc rượu tại nơi tổ chức."

Tất cả đều vui vẻ ở lại.

Khi xe hoa mới đến, tôi sốc thêm lần nữa.

Tóm lấy cổ chú nhóc của công ty tổ chức hôn lễ, tôi hạ thấp giọng nói: "Công ty các anh có xe đẹp như thế này, tại sao lại điều cho tôi chiếc xe cũ nát kia hả!".

Cậu nhóc đó nói: "Bà chị, xin chị tha cho em, đó không phải là chủ ý của em. Ông chủ bọn em nói, tiền mà gia đình chị bỏ ra chỉ đủ... chỉ đủ thuê chiếc xe ban nãy, chiếc xe mới này là tài sản riêng của gia đình ông chủ!".

Tôi thầm chửi một câu, đẩy cậu ta ra, tức giận chui vào chiếc xe thể thao đỏ thấp ngang hông, nói qua tấm khăn che mặt: "Bác tài, anh cũng là người của công ty này à?".

Tài xế nói: "Cô dâu, xin lỗi nhé, là nhân viên của tôi phục vụ không tốt, khiến cô phải ấm ức".

Nể tình đây là ông chủ, lại đích thân lái xe riêng của mình đến tạ lỗi cùng chúng tôi. Tôi không nói gì, đợi Lê Bằng lên xe, tôi vén một góc khăn lên, nháy mắt với anh, Lê Bằng tiến lại gần.

Tôi nói rất nhỏ với anh: "Ông xã, người ngồi ở ghế lái kia là ông nội của thằng nhóc ban nãy".

Lê Bằng đáp lời bằng một câu không liên quan: "Bà xã, điệu bộ em thầm thì với anh khi vén khăn che mặt lên rất quyến rũ".

Trong chốc lát, mặt tôi bị lời nói này của anh làm nóng bừng lên, chuyện gì thế này!

Tấm khăn che mặt được buông xuống, tôi quay mặt đi, tỏ vẻ ngại ngùng. Lê Bằng ôm tôi vào lòng, lại vén một góc khăn lên, muốn nhìn tôi nói chuyện.

"Đây là lần đầu tiên anh nhìn thấy một cô dâu mặc váy cưới trắng, nhưng trùm khăn che mặt đỏ, đẹp lắm."

Tôi liếc nhìn anh, mỉm cười, Lê Bằng được thể tiến sát lại gần, cắn nhẹ vào má tôi.

Chỉ là một hành động âu yếm nhỏ, mà suốt chặng đường còn lại, bao nhiêu nỗi bực tức về sự cố vừa qua trong tôi đều tiêu tan. Cho đến khi đến nơi tổ chức hôn lễ tôi vẫn cuời hạnh phúc, ghé sát vào Lê Bằng cùng tiến vào lễ đường.

Thế mới thấy, phụ nữ không dễ dỗ dành, quan trọng là phải dỗ đúng cách.

Sau khi đi hết một vòng hội trường hôn lễ trong bản nhạc Hành khúc kết hôn, tôi cùng mấy người bạn gái đi vào phòng hóa trang, lúc này Miumiu mới chạy đến, mặt mũi còn lem nhem nói lời chúc mừng với tôi.

Tôi để những người khác đi ra ngoài, ôm lấy Miumiu rồi khóc, cô ấy lập tức an ủi tôi, nghe tôi kể lại chuyện vừa xảy ra.

Tôi nói: "Cậu biết không, vừa rồi khi bước đi trước ánh mắt của nhiều người như vậy, tớ chỉ nghĩ đến bố. Lần đầu tiên khi bố trở mặt với mẹ, ông ấy đã ở cùng người đàn bà kia nửa năm, người đàn bà đó lừa ông nói rằng, cô ta có thai, lại là một đứa con trai, bố tớ đã lập tức về nhà đòi chia tay với mẹ. Thấy mẹ đau khổ, tớ quyết định sẽ chống đối đến cùng với ông ấy, còn kêu gọi các cô bác trong tổ dân phố về cùng chiến tuyến, vì thế nên bố tỠmới chịu thỏa hiệp không đòi ly hôn nữa. Sau đó, mẹ con tớ mới biết rằng người đàn bà đó nói dối, cô ta không hề có thai. Bố muốn hòa giải với mẹ nên nói, ông chấm dứt với cô ta rồi. Mẹ con tớ đã tin. Nhưng hai năm rưỡi sau, bố tớ lại quay về nhà và nói, người phụ nữ đó đã có thai thật và lần này ông thật sự muốn ly hôn, nếu không ly hôn được thì cũng sẽ ly thân. Nói tóm lại là ông ấy nghiêng về phía người đàn bà đó, dù thế nào cũng quyết bỏ mẹ con tớ".

Miumiu ôm chặt tôi, hỏi tôi tại sao vẫn còn nhớ đến bố.

Tôi nói, tôi cảm thấy, nếu kết hôn không thành, sẽ rất có lỗi với mẹ, làm mẹ mất mặt, nhưng lại thấy nếu không mời bố tham dự lễ cưới lại rất có lỗi với công dưỡng dục của ông, nhưng tôi lại không muốn mẹ đau lòng.

"Cũng đúng, những người hiểu rõ mọi chuyện đều biết bố mẹ cậu đang ly thân, nếu ông ấy đến thật thì sẽ rất khó xử, vì sợ rằng người đàn bà đó cũng theo đến..."

Tôi liên tiếp gật đầu, tôi biết rằng Miumiu là người hiểu rõ nhất những nỗi khổ của tôi.

Sau đó, tôi nói với cô ấy, tôi đã giúp cô ấy thực hiện giấc mơ mặc váy cưới bồng phương Tây, che ô, trùm khăn che mặt, trả lời phỏng vấn trước sự chứng kiến của rất nhiều người, cho dù hình thức có khác đôi chút.

Thay xong bộ lễ phục truyền thống màu đỏ của người Trung Quốc, tôi bước ra khỏi phòng hóa trang trong sự tháp tùng của Miumiu. Từ xa đã nghe thấy tiếng ồn ào, tiến lại gần, tôi thấy hai gương mặt quen thuộc, một người là Trương Lực, còn người kia là Lâm Nhược.

Họ đang đôi co cùng đội hình đón khách mà Lê Bằng là kẻ đứng đầu, hình như cả hai muốn vào trong chúc mừng, đồng thời cam đoan sẽ không gây sự, nhưng không ai tin.

Mẹ tôi đi tới, cầm lấy tay Trương Lực, nói: "Trương Lực à, thường ngày gia đình bác đối xử với cháu cũng không tệ, cháu đừng làm bác khó xử trong ngày hôm nay. Bác xin cháu đấy, cháu hãy đưa vợ về nhà đi. Tấm lòng của cháu, gia đình bác đã nhận".

Trương Lực ngẩn người, rồi lùi lại, có lẽ vì anh ta nghĩ đến món canh cá mà mẹ tôi từng nấu.

Nhưng Lâm Nhược lại không chịu, rút tay ra khỏi tay Trương Lực, bước qua mặt anh nói với mẹ tôi: "Còn chúng tôi thì sao? Ngày chúng tôi kết hôn chính cô con gái rượu và chàng rể tốt này của bà đã đến phá đám, lúc đó chúng tôi tiếp đón rất tử tế, đâu dám bỏ bê, thế mà họ đã tặng chúng tôi món quà to quá".

Hai bên từ đôi co, chuyển thành cãi vã.

Tôi đang định xông ra, Miumiu kéo tay tôi lại, bảo tôi tránh mặt đừng chọc tức Lâm Nhược.

Đúng lúc đó Lâm Nhược gào thật to, chúng tôi quay đầu lại nhìn, thấy cô ta đang nhìn mình, hóa ra Lâm Nhược đã phát hiện mục tiêu.

Không biết Lâm Nhược làm cách nào thoát được khỏi vòng vây, toàn bộ động tác chỉ diễn ra trong vòng năm giây, cô ta vừa xông ra chỗ tôi, vừa lôi từ chiếc túi giấy đem theo ra một chiếc bình bên trong chứa rượu vang đỏ.

Trong khoảnh khắc thứ dung dịch đó bị hất về phía tôi, tôi chỉ biết lấy tay che mặt, nhưng vẫn hở một khe.

Qua khe hở, tôi nhìn thấy mẹ không biết từ lúc nào đã bắt kịp Lâm Nhược, dùng tấm lưng bà làm lá chắn, tôi chỉ kịp hét lên, mà không phát hiện Miumiu vốn đang cầm chặt tay tôi, nay đã chạy đến bàn tiệc gần nhất, cướp một ly rượu vang từ tay khách, hắt trả về phía Lâm Nhược.

Tất cả mọi chuyện chỉ diễn ra trong nháy mắt, Lâm Nhược vốn thích diện đồ trắng nay lại bị nhuộm đỏ.

Cả hội trường sáng rực đèn flash, còn tôi, chỉ biết ôm mẹ, nước mắt lại trực trào ra.

Hiện trường trở lại bình thường như thế nào tôi không biết, tôi chỉ biết rằng sau khi cùng mẹ thay xong trang phục, đã không thấy bóng dáng Trương Lực và Lâm Nhược đâu, mọi người đều đang vỗ tay chào đón chúng tôi.

Tôi nhớ đã từng đọc một mẩu tin được đăng trên một tờ báo nào đó, nội dung là: Đứa trẻ bị đè dưới bánh một chiếc xe hơi, còn bà mẹ không biết lấy sức mạnh từ đâu, một mình nhấc bổng đầu xe lên.

Lúc đó, tôi đã rất cảm động.

Còn giờ phút này, trong đầu tôi không còn hình bóng của bố nữa, mà chỉ còn có mẹ, tôi đang cùng bà bước lên sân khấu, đứng cạnh ba người nhà Lê Bằng tôi không hề cảm thấy ngại ngùng.

Về phần bố tôi, mặc ông ấy có đang hạnh phúc hay không, chúng tôi cũng coi như đã chết.

Trước khi bố tôi ngoại tình, Miumiu có hỏi đùa tôi rằng nếu trong nhà có bố hay mẹ ngoại tình, tôi sẽ tỏ thái độ thế nào. Kỳ thị? Ghét bỏ? Tha thứ? Khoan dung? Hay không thể tưởng tượng được?

Lúc đó tôi còn cười nói với cô ấy rằng: "Theo đuổi tình yêu là quyền lợi của mỗi người".

Miumiu hỏi lại tôi: "Thì ngoại tình cũng chính là bởi vì tình yêu mà".

Tôi cũng hỏi lại cô ấy: "Chẳng lẽ vì quá nhàm chán nên mới kiếm chuyện?".

Cô ấy nói: "Tớ cũng không biết vì sao, tớ nghĩ tớ phải trải qua chuyện đó mới có thể trả lời cậu được".

Đêm động phòng, Lê Bằng đã đưa ra ba quy ước với tôi.

Thứ nhất: Không được quay trở lại căn hộ tôi đã thuê vì Trương Lực, cũng không được nhắc đến Trương Lực, Lâm Nhược và Trâu Chi Minh.

Thứ hai: Phải yêu anh suốt đời.

Thứ ba: Phải hiếu thuận với bố mẹ anh như hiếu thuận với bố mẹ tôi.

Để công bằng, tôi cũng đặt ra ba quy ước với anh.

Thứ nhất: Nếu anh nhắc đến Trương Lực, Lâm Nhược hay Trâu Chi Minh trước, tôi cũng có quyền nhắc đến, vì thế anh không được nhắc nhở tôi.

Thứ hai: Phải yêu tôi suốt đời. Tôi cũng sẽ đáp trả tất cả tình yêu của anh.

Thứ ba: Phải hiếu thuận với mẹ tôi gấp hai lần hiếu thuận bố mẹ anh, bởi tôi không có bố, nên đương nhiên mẹ tôi sẽ được hưởng gấp đôi.

Thực ra, Trương Lực hay Lâm Nhược chỉ là một đại từ thay thế, họ có thể là bất kỳ ai, Trâu Chi Minh cũng vậy mà thôi. Còn về tình yêu và lòng hiếu thuận, mỗi người có một cách nhìn nhận khác nhau, nên kết quả liệu có giống nhau không?

Ba ngày sau, chúng tôi cùng nhau đến cục dân chính làm thủ tục đăng ký kết hôn, Miumiu cười tôi mà nói rằng, người ta thường cầm giấy đăng ký kết hôn trước rồi mới làm tiệc đãi khách, tôi đúng là cô nàng mạo hiểm nhất mà cô ấy từng gặp.

Tôi và Lê Bằng lấy được số một, cả hai chúng tôi đều chưa từng kết hôn trước đây, nên thủ tục rất thuận lợi. Cầm tờ giấy chứng nhận trên tay, chúng tôi nắm tay nhau ra về, nhưng không ngờ lại gặp lại hai gương mặt đáng ghét.

Thực sự chúng tôi không muốn nhắc đến họ, nhưng họ cứ luôn xuất hiện trước mặt chúng tôi.

Trương Lực nhìn tờ giấy chứng nhận trên tay tôi, vẻ mặt đầy hối hận. Lâm Nhược nhìn tờ giấy chứng nhận trên tay Lê Bằng, nước mắt tuôn rơi.

Một người nói với tôi: "Xin lỗi, trước kia anh không nên đối xử với em như vậy".

Một người nói với Lê Bằng: "Xin lỗi, trước kia em đã quá bướng bỉnh".

Nghe nói, họ đến để làm thủ tục ly hôn.

Nhìn theo bóng Trương Lực và Lâm Nhược, tôi cảm thấy thật mịt mờ.

Trương Lực đã mất đi ánh hào quang trước đó, trở nên bệ rạc.

Lâm Nhược đã chôn vùi cái tính ngang ngược trước kia, trở nên tiều tụy.

Tôi bắt đầu nghi ngờ mình có từng thật lòng yêu Trương Lực hay không, hay đó chỉ là ảo giác? Trương Lực chỉ là một vị khách đi qua đời tôi, cũng giống như Lâm Nhược đã từng trải qua với Lê Bằng. Họ đã giúp chúng tôi kiến tạo một quá khứ lãng mạn, rồi lại tận tay lấy đi cuộc sống tươi đẹp đó, gián tiếp tác hợp cho duyên phận của tôi và Lê Bằng.

Tôi phải thừa nhận rằng, trước khi yêu Lê Bằng, Trương Lực là điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Giờ nghĩ lại mới thấy, đó chỉ là cái nhìn thiển cận khi tầm nhìn còn bị hạn chế.

Tôi hy vọng, Lê Bằng cũng có cái nhìn như vậy.

Về đến nhà, tôi nhìn thấy bố Lê Bằng đang cầm một miếng gỗ được phủ một tấm vải đứng trước cửa, lật vải lên xem thì thấy, là một tấm biển, trên đó là dòng chữ do chính tay bố anh viết: Nan đắc hồ đồ(*).

(*) Không được hồ đồ.

Tôi ngỡ ngàng một chút, đầu óc ong ong, không biết câu đó là dành cho tôi hay cho Lê Bằng.

Ông nói với tôi: "Nhược Nhược à, đàn ông lặn lội bên ngoài, đôi khi khó tránh khỏi phải xã giao, hoặc cũng có lúc không tránh khỏi cám dỗ, nếu sau này Đại Mao đi nhầm đường, con nhất định phải giúp nó, đừng bỏ mặc nó. Nếu nó khiến con chịu ấm ức, con cứ đến tìm bố, bố sẽ làm chủ giúp con".

Tôi nắm chặt tay ông, trong lòng nghĩ, phụ nữ chỉ cần gả được đến nơi tốt, như tìm được cha mẹ thứ hai. Nhưng nghĩ lại, mũi tiêm phòng này của bố anh dành cho tôi không biết có phải muốn ám chỉ gì không?

Kết hôn xong, mọi thủ tục đã xong, đã động phòng, giấy chứng nhận kết hôn cũng đã cầm trong tay, Lê Bằng bắt đầu đi làm.

Tôi ở nhà nhàn rỗi, nghiên cứu thực đơn mà mẹ anh đưa cho, miễn cưỡng làm thử vài món.

Mẹ tôi gọi điện đến nói, nếu chúng tôi ăn không ngon, có thể về nhà ăn một bữa, bà sẽ nấu món ngon cho chúng tôi.

Mẹ anh cũng gọi điện đến nói, nếu tự tôi nghiên cứu không ra, thì cứ về nhà hỏi, bà đảm bảo sẽ dạy tôi làm thành thục.

Tôi không về bên nào cả, vì sợ bên còn lại sẽ nghĩ ngợi nhiều.

Ai ngờ bố mẹ anh tìm đến căn hộ của chúng tôi. Mẹ anh vào bếp vừa dạy tôi cách làm các món ăn, vừa than phiền rằng con trai bà gầy quá, đã là một người vợ thì phải chu toàn.

Lúc ăn cơm, mẹ anh lại giục tôi phải tranh thủ, sớm cho bà bế cháu.

Bố anh bênh vực: "Chuyện này không thể vội đựợc, bọn trẻ có kế hoạch riêng của chúng nó".

Mẹ anh trừng mắt, nói: "Ông không muốn được lên chức ông à!".

Bố anh nói: "Ngày được làm ông cũng là lúc phải làm cháu mà".

Bố mẹ chồng vừa về, thì mẹ tôi đến, thấy cả một bàn bừa bộn, mẹ xót xa: "Công việc nhà mình, mẹ không nỡ bắt con làm, giờ thì hay rồi, nhà chồng con tìm đủ việc cho con rồi nhé".

Mẹ phụ giúp tôi dọn dẹp nhà cửa, trước khi về mới có thời gian uống một ngụm nước.

Người mẹ nào cũng sợ con cái mình phải cực khổ, đúng là tấm lòng cha mẹ.

Buổi tối, Lê Bằng về nhà, uống liền hai bát canh cá, rồi ra sofa chọc ghẹo tôi.

Tôi ngửi mùi cá, luôn cảm thấy anh như một con mèo thích ăn vụng.

Tôi ôm mặt anh, nhìn một lúc lâu, không hề thấy anh gầy đi, nói: "Anh đi tắm trước đi, em vừa xem được có mấy phút quảng cáo thì lại vào phim rồi, giờ lại bị anh đến phá rối, làm sao mà xem được".

Anh hỏi tôi tại sao lại xem quảng cáo, tôi nói tôi muốn xin vào công ty quảng cáo làm việc.

"Em vẫn định đi làm à?"

"Chẳng lẽ anh định để em làm bà nội trợ suốt đời sao?"

"Anh lăn lộn kiếm tiền để em tiêu, sướng thế còn gì, bao nhiêu người mơ ước được như vậy đấy!"

"Mơ ước gì cơ? Cầu xin em tiêu tiền, hay là hãy để anh được lăn lộn vì em? Thôi đi, em phải tìm lấy một công việc, không thể tách rời xã hội được!"

Anh không nói gì, bỏ đi.

Cả tối hôm đó, Lê Bằng cứ nhìn trộm tôi, nhìn trộm tôi xem ti-vi, nhìn trộm tôi dọn giường, nhìn trộm tôi bôi kem dưỡng da. Lúc nằm dài trên giường chuẩn bị đi ngủ, anh còn nhìn trộm dáng vẻ nhắm mắt của tôi.

Tôi cáu, mở mắt nhìn anh, hỏi anh có chuyện gì cứ nói, đừng có dùng ánh mắt xâm phạm quyền riêng tư của tôi như vậy.

Anh rúc vào chăn của tôi, liền bị tôi đạp ra ngoài.

Anh vội vã, kéo tôi vào chăn của mình, nói: "Bà xã, công ty anh đang trống một vị trí khá ổn, đãi ngộ tốt, lương cao, nếu em còn chê ít anh sẽ trao đổi với bộ phận nhân sự xem sao".

"Công ty anh cho phép vợ chồng làm cùng một nơi à?"

"Điều này thì... chúng ta phải giữ bí mật."

Tôi luôn cảm thấy Lê Bằng nói chuyện có lý, trước kia bởi vì anh là Lê Bằng, người mà tôi thích, còn bây giờ thì vẫn vì anh là Lê Bằng, nhưng là người sẽ cùng tôi đi suốt cuộc đời.

Nếu có người hỏi tôi rằng, cả cuộc đời này tôi muốn trải qua cùng mấy người đàn ông, mấy cuộc hôn nhân. Tôi sẽ nói, một người, mãi là một người, chỉ cần một người thôi. Bởi "một" là con số may mắn, bất kể lúc nào nó cũng đứng thứ nhất, nó có quyền ưu tiên, người dân trên toàn thế giới đều mơ ước về nó, nó luôn được xếp ở vị trí cao nhất.

Sau khi gả cho Lê Bằng, anh chính là số "một" trong lòng tôi. Vì thế khi anh nói: "Chuyện này chúng ta phải giữ bí mật", tôi cũng thấy chúng tôi nên giữ bí mật.

"Vậy nếu như bạn anh hoặc bạn em, hay bố mẹ chúng ta, hoặc bạn bè của bố mẹ chúng ta lật tẩy chúng ta thì sao?"

"Không đâu, nguy cơ đó rất thấp."

"Nhưng cũng có khả năng xảy ra, lúc đó phải làm thế nào?"

"Không sao, họ đều không cùng ngành nghề."

"... Cũng đúng, đa số họ đều là đàn ông, không mặc áo lót, mẹ anh và mẹ em đều không mặc nhãn hiệu này."

"Sao em biết?"

"Mẹ anh toàn mặc những kiểu truyền thống, em nhìn là biết, mẹ em cũng mặc kiểu truyền thống, em nhìn thấy nhiều lần rồi. Cho dù họ có mặc áo khoác, em cũng nhìn ra được."

"Em đúng là sinh ra để làm nghề này."

Tôi không để ý có phải anh đang châm chọc tôi không: "Vậy sau này em chỉ được mặc đồ lót của công ty?".

Lê Bằng không nói gì, tôi lại nói: "Tất cả nữ đồng nghiệp của công ty đều mặc giống nhau, vậy là em không còn sự lôi cuốn bí ẩn? Nếu em trộm mặc đồ của hãng khác, có bị kiểm tra đột xuất rồi tịch thu đồ lót không?".

Anh vẫn không nói gì, tôi không còn cảm thấy buồn ngủ nữa, lại nói: "Nhưng nếu có áo lót miễn phí để mặc, thì cũng tiết kiệm được một khoản chi tiêu. Thời buổi này, một bộ áo lót cũng mất mấy trăm đồng ấy chứ".

Rốt cuộc anh cũng phải lên tiếng: "Em không cởi áo lót à?".

Tôi gạt tay anh ra, nói: "Em quên".

Anh lại đưa tay vào: "Để anh giúp em".

Tôi kiên quyết không để Lê Bằng giúp, tôi muốn tự mình thực hiện việc này, nhưng anh cũng kiên quyết thể hiện sự nhiệt tình của mình, hơn nữa còn định để sự nhiệt tình này phát triển lên thành trò lưu manh.

Sau khi âu yếm, chúng tôi lại đấu khẩu với nhau thêm một lần nữa.

"Sau này em già sẽ không mặc mấy loại truyền thống đó chứ?"

Tôi không nói gì, dùng ánh mắt đe dọa anh.

Anh vội vã tắt đèn, sờ soạng trong bóng tối, nói: "Dù em mặc gì, thì cũng là vợ anh".

"Có phải anh đang thấy từ người yêu trở vợ, đồng nghĩa với từ đau lòng biến thành đau đầu không?"

"Đúng vậy, và em là người phụ nữ có tư cách làm cho anh đau đầu nhất trong cuộc đời này."

Tôi rất vui, vì anh luôn biết biến những cái bẫy mà tôi đặt ra thành lời ngon tiếng ngọt, hơn nữa còn rất hợp lý. Có lẽ vì vậy, nên chúng tôi mới đến với nhau.

Hôm sau nữa, tôi tìm đến Công ty trách nhiệm hữu hạn đồ lót Giai Mộ, ứng tuyển vào phòng kế hoạch thị trường.

Trong lúc đứng đợi thang máy tại đại sảnh công ty, tôi ấn tất cả các nút gọi thang máy xuống, lặng lẽ đợi.

Rất nhanh, thang máy báo đã xuống đến tầng ba, lúc này sau lưng tôi vọng lại tiếng giày cao gót, tiết tấu rất đều.

Hòa Mục từng nói: "Phụ nữ có một trực giác trời ban, khi đồng loại có tính uy hiếp tiến vào phạm vi cảnh giác của mình, họ sẽ lập tức chuyển sang tư thế phòng bị và thăm dò. Có rất nhiều cách để nhận biết tính uy hiếp này, ví dụ như: tiếng giày cao gót rất đanh hoặc rất vang, giọng hát khàn hoặc thanh, mùi nước hoa nồng nặc, trang phục trái ngược hoặc không phù hợp với gu thẩm mỹ của bản thân".

Tôi nghĩ, khoảnh khắc tôi quay đầu lại nhìn người phụ nữ đó, hoàn toàn phù hợp với những yếu tố trên.

Cô ta đi kiểu giày cao gót kinh điển của hãng Jason Wu, nói chuyện điện thoại bằng một giọng nữ trung, nhưng tôi hoàn toàn có thể tưởng tượng được lúc cô ta hét lên thì sẽ thế nào, còn cả mùi nước hoa đầy khiêu khích, cách phối trang phục cũng như lối trang điểm chẳng ăn nhập gì với nhau kia nữa.

Cô ta đứng cạnh tôi đầy tự tin, soi mình qua cánh cửa sáng bóng của thang máy, tôi cũng nhìn vào cánh cửa thang máy, tiện thể quan sát cô ta.

Thang máy đã đến, chúng tôi cùng bước chân vào.

Lúc tôi vào trong, đã va phải vai cô ta.

Cô ta bị kẹt lại, gót giày bị mắc vào khe cửa thang máy.

Đúng lúc tôi xoay người thì bắt gặp ánh mắt cô ta.

Cô ta dùng ánh mắt nói với tôi, tại tôi mà cô ta bị mắc kẹt.

Tôi cũng dùng ánh mắt đáp trả rằng, tại gót giày của cô ta quá nhọn.

Sau đó, chúng tôi cùng nhìn xuống giày của cô ta, đôi giày mà nhìn từ góc độ nào cũng thấy nó đẹp nay đang lọt giữa khe hở mà bao người từng giẫm chân qua, ngược hoàn toàn với sự xa hoa vốn có của nó.

Tôi nói: "Có cần tôi giúp không?".

Cô ta đáp: "Phiền cô".

Tôi lại gần, cúi đầu xuống nhìn, không ngồi xuống. Nhưng ít nhất thì tôi cũng phải làm gì đó, cho dù phải giúp cô ta báo cảnh sát, vì thế tôi đã đưa tay ra.

Cô ta đặt tay lên vai tôi, nói: "Đỡ tôi một chút".

Cô ta rút chân, còn giày vẫn ở nguyên vị trí cũ, sau đó ngồi xổm định rút giày ra.

Tôi lấy từ túi ra một lọ kem dưỡng da, đưa cho cô ta nói: "Đây, dùng để bôi trơn".

Gót giày được rút ra, nhưng trên đó đã có vết xước, mặt cô ta thể hiện sự đau lòng, cô ta nói với tôi: "Cảm ơn", tuy chẳng chân thành chút nào.

Tôi cũng đáp lại một cách lấy lệ: "Không có gì".

Chúng tôi cùng lên tầng mười lăm, sau khi đến nơi, lúc chuẩn bị bước ra, cô ta dừng lại, để tôi ra trước.

Tôi đi phía trước, suốt một đoạn đường dài đều cảm thấy không yên tâm, bởi cô ta luôn đi theo tôi, duy trì nhịp bước, không vượt lên cũng không chậm lại. Tôi luôn lo sợ cô ta sẽ tìm cơ hội trả thù, hoặc đang muốn lựa lời bắt tôi bồi thường một cách hợp lý. Chúng tôi cứ đi như vậy cho đến khi tới trước cửa Công ty trách nhiệm hữu hạn đồ lót Giai Mộ.

Tôi đứng ngoài cửa, lịch sự bấm chuông, cô nàng đi giày cao gót phía sau vượt lên, cô ta bước thẳng vào trong. Cùng lúc đó cô nhân viên lễ tân cất tiếng chào: "Giám đốc Phạm, chào cô", sau đó cô ta mất hút sau khúc rẽ.

Nhân viên lễ tân thu lại nụ cười, nói: "Chị đến phỏng vấn phải không? Chị điền vào bản này trước, rồi vào trong xếp hàng".

Tôi vẫn chưa đến đây làm việc, nhưng đã cảm nhận được sự đề phòng cũng như soi mói của cô nhân viên lễ tân kia.

Trong căn phòng nhỏ đợi phỏng vấn, cùng lúc tôi bị năm cô gái nhìn với ánh mắt soi mói, tôi cũng quay lại nhìn họ. Chúng tôi đều thầm đánh giá đối phương, cũng nhân tiện hạ thấp đối phương.

Một người trong số đó đứng lên, phát danh thiếp cho năm người chúng tôi, hóa ra cô ta làm ở công ty bảo hiểm.

Tôi ngờ rằng, cô ta đến đây phỏng vấn nhưng mục đích chính là tiếp thị bảo hiểm, bởi một nhân viên bảo hiểm quèn, muốn lôi kéo được tất cả các thành viên của một công ty tham gia mua bảo hiểm thì cần phải gia nhập nội bộ của công ty đó trước.

Một người nữa cũng đứng dậy, cô ta ngồi xuống bên cạnh cô nàng bán bảo hiểm, nhẹ nhàng bắt chuyện.

Ba người chúng tôi dù không nhìn họ, nhưng đều dỏng hết tai lên nghe lỏm.

Họ đang nói chuyện về bảo hiểm, sau đó chuyển sang bảo hiểm ô tô, cuối cùng chuyển hẳn sang chủ đề ô tô, nghề nghiệp của người thứ hai cũng đã sáng tỏ, cô ta là nhân viên bán ô tô của cửa hàng xe hơi 4S(*), tên là Lý Linh Linh.

(*) Cửa hàng xe hơi 4S là đại lý độc quyền của một thương hiệu xe cụ thể, chỉ kinh doanh duy nhất sản phẩm của hãng xe đó. 4S là viết tắt Sale (xe bán nguyên chiếc), Sparepart (thay thế linh kiện), Service (phục vụ sau bán hàng), Survey (ý kiến phản hồi).

Vừa nhìn tôi đã có ấn tượng sâu sắc với cô nàng tên Linh Linh này, không phải bởi cô ta xinh đẹp hơn cô nàng bán bảo hiểm, cũng không phải bởi cô ta biết cách nói chuyện, mà chỉ vì một câu nói.

Cô ta nói: "Người nghèo chơi xe, người giàu chơi đồng hồ, còn kẻ ngốc thì mới mặc áo lông chồn chạy lung tung ngoài đường".

Cô nàng bán bảo hiểm nói rất nhiều, nhưng đều là những lời vô nghĩa, Linh Linh nói ít, nhưng câu nào cũng đi đúng trọng tâm.

Tôi nghĩ, cô ta mới chính là đối thủ cạnh tranh của mình.

Người phỏng vấn bước vào phòng, gương mặt có chút quen thuộc, cô ta chính là Lưu Tranh Tranh.

Lưu Tranh Tranh vừa nhìn đã nhận ra tôi, nhưng rất nhanh lại chuyển ánh nhìn sang người khác.

Tôi đoán, chắc cô ta là người mà Lê Bằng đã nhờ vả.

Lưu Tranh Tranh đưa ra ba câu hỏi.

Thứ nhất: Giới thiệu ngắn gọn công việc trước kia của chúng tôi.

Thứ hai: Tại sao lại đổi công tác và chọn công ty này.

Thứ ba: Muốn ứng tuyển vị trí nào, tại sao.

Ba người đầu tiên đều trả lời bằng những câu gần như là nguyên mẫu trong tuyển dụng, tôi là người thứ tư.

Tôi trả lời như thế này: "Trước kia tôi là người làm thuê, bị công ty quản lý, bị ông chủ bóc lột. Nhưng tôi cảm thấy rất vui, bởi họ trả tôi tiền lương, đây chính là mục đích làm việc của tôi. Tiếc rằng, vật giá ngày một tăng cao, ngay cả công ty cũng khó mà sinh tồn được, tôi cũng bất lực, đành phải xin nghỉ việc. Tôi đã nghĩ rất kỹ, thấy rằng thân là phụ nữ thì nên làm những việc phục vụ chị em phụ nữ, phục vụ từ trong ra ngoài, vì vậy tôi chọn công ty đồ lót, hy vọng mọi chị em phụ nữ đều mặc được những sản phẩm phù hợp, đáng tin. Muốn làm được điều này phải mở rộng được thị trường và tạo uy tín cho công ty, thế nên nguyện vọng của tôi là được ứng tuyển vào bộ phận kế hoạch thị trường".

Lý Linh Linh là người cuối cùng, cô ta đã kể một câu chuyện liên quan đến ngực, và còn nhắc đến một cuốn sách cũng liên quan đến ngực, trong sách có mấy câu chuyện rất chân thực, nhân vật chính trong truyện đều là bệnh nhân ung thư vú giai đoạn cuối.

Trong những ngày tháng cuối đời, họ đã kể cho người viết truyện về cuộc đời của mình. Sau đó, cô ta còn nhắc đến một hoạt động phòng chống các bệnh về ngực được đặt tên là Dải lụa nhưng chẳng hề liên quan gì đến dải lụa, dải lụa đó có màu hồng. Cuối cùng, cô ta nói rằng, ngực là bộ phận cần được quan tâm nhất của người phụ nữ, tỉ lệ mắc bệnh của nó rất cao, lại yếu ớt, nên cần được quan tâm từ mọi mặt, đáng tiếc cô ta không phải là bác sĩ, không thể trợ giúp cho phụ nữ về mặt y học, nên đành phải "động thủ" ở khâu ăn mặc.

Lưu Tranh Tranh dùng ánh mắt kinh ngạc nhìn Lý Linh Linh, nhưng tôi không cho rằng, ánh mắt đó có thiện ý, cô ta đã bắt đầu đề phòng Lý Linh Linh.

Súng bao giờ cũng bắn vào chim đầu đàn, nên trong mắt một vài nữ giám khảo, Lý Linh Linh không phải là một đồng nghiệp để người ta có thể an tâm.

Buổi tối, Lê Bằng về đến nhà, hỏi tôi qua loa vài câu về chuyện phỏng vấn, tôi cũng kể lại một cách qua loa.

Lê Bằng nhận xét rằng: "Em không cố gắng hết sức".

"Có anh ở đó, em cần phải cố gắng hết sức sao? Người phỏng vấn hôm nay là một cô gái, cô ta còn biết rõ quan hệ giữa anh và em, em có cần thiết phải thể hiện hết trước mặt cô ta không, từ đầu đến cuối cô ta đều vờ như không quen biết em là đã quá tạo cơ hội cho em rồi."

"Cô ấy là cấp dưới của anh."

"Thế nên cô ta vì nịnh bợ anh, mới để em qua được vòng này."

Tôi không biết Lưu Tranh Tranh chọn tôi là bởi không muốn mạo hiểm giữ Lý Linh Linh lại bên mình, hay muốn lấy lòng Lê Bằng, nhưng cho dù xuất phát từ mục đích nào, đều không khó để nhận ra, cô ta là người thông minh.

Lê Bằng cười, nói: "Em trúng tuyển rồi, được sắp xếp trong tổ của anh, anh sẽ theo dõi em".

"Tổ của anh à? Vậy là vẫn còn tổ khác?"

"Bộ phận thị trường có hai tổ, tổ còn lại Giám đốc là nữ, tên là Phạm Dung."

Cấp trên là người quan trọng nắm giữ vận mệnh của các thành viên, vậy mà tôi đã đắc tội với Phạm Dung, người sắp trở thành cấp trên gián tiếp của tôi.


Khởi Nguyên Mobile

Chương (1-17)