Mệnh
← Ch.020 | Ch.022 → |
Phần VII: Kiếp trước, kiếp này, Phù Dung tái sinh vẫn phù dung.
Năm Thiên Vĩnh thứ 4, Khương La gây chiến với Âu Hạ, trong ba tháng xóa sổ tiểu vương quốc này.
Năm Thiên Vĩnh thứ 6, Tây Lương chính thức biến mất, sáp nhập vào lãnh thổ Khương La.
Năm Thiên Vĩnh thứ 9, Đại Thế bị đẩy lùi về hướng Tây mười dặm, bỏ ba tòa thành.
Năm Thiên Vĩnh thứ 11, nhà Mạc mất một phần tư lãnh thổ, Tây Chu bị chiếm, Phượng Triều hai trận chiến bại, phải dâng hai thành làm hòa.
Sự ngông cuồng hiếu chiến của Hạ Hầu Vĩnh Khang cuối cùng cũng chọc giận "Thế - Phượng - Mạc". Năm Thiên Vĩnh thứ 13, các nước lập hiệp ước liên minh, hẹn ngày mười sáu tháng tám năm ấy, đồng loạt tiến quân, dự tính "làm thịt" Khương La cho hả giận. Thế quân như hổ, binh vận như gió, ào ạt áp sát biên giới Khương La. Kết quả là... Thất bại trở về!
Nếu phải trách, chỉ đành trách ông trời không sinh ra một hiền tài cùng thời với Hạ Hầu Vĩnh Khang, mà cho dù có, cũng đã sớm trở thành thuộc hạ của hắn. Tay cánh của Thiên Vĩnh đế vốn đã vươn xa không tưởng, bọn họ âm thầm lập hiệp ước, hắn cũng âm thầm giám sát, quấy rối từ lâu. Ba nước có binh lực, có tài lực, còn được các chư hầu ủng hộ, tiếc rằng ai cũng mang tinh thần "nhác làm mà muốn có ăn". Biết rằng đi đầu sẽ chịu thiệt thòi, ai cũng ngồi "đợi", đợi người khác khai chiến rồi mình đi sau đục nước béo cò. Chưa kể Hạ Hầu Vĩnh Khang đã mua chuộc nội bộ, làm quân sư các nước mâu thuẫn trong đường lối, tạo ra một khối liên minh đồ sộ mà lỏng lẻo, nhìn bên ngoài thì to, bên trong thì rỗng...
Sau trận đại chiến một chọi ba ấy, Khương La cũng hao tổn không nhẹ, vì vậy thiên hạ mới có 3 năm thái bình. Dã tâm của ai đó cũng tạm lắng xuống. Nhưng mà ông bà xưa có câu "Đánh chết cái nết không chừa." Hoàng đế vào một ngày nhàm chán sẽ cảm thấy không hài lòng với những gì hắn có.
- Cẩn Thiện, tìm bản đồ thập quốc ra cho trẫm.
Vĩnh Khang ngồi ngẩn trong thư phòng, bất ngờ ra một mệnh lệnh. Cẩn công tử nghe thấy mà run lên một cái, hắn quá quen với cảm giác này. Vài năm trước, bệ hạ cũng chỉ nói một câu "lấy bản đồ" sau đó thì Âu Hạ, Tây Lương, Đông Chu, ... Lần lượt biến mất.
Thư phòng tĩnh lặng, Hạ Hầu Vĩnh Khang nhìn ngắm bản đồ, sau hai khắc chung liền dứt khoát bảo:
- Chuẩn bị quân lương và vũ khí thôi, sang năm đánh Trung Lương trước vậy...
Cẩn Thiện khóc không ra nước mắt. Bệ hạ nói cứ như "Ra chợ mua rau đi, tối nay nấu canh chua!" Vĩnh Khang lại muốn động tay động chân, quân đội Khương La bắt đầu tập luyện nhiều hơn, triều đình lại thu thêm tô thuế và lương thực, khắp nơi dán cáo thị tuyển binh.
Lịch sử cho thấy, một vị hoàng đế hễ thấy buồn là đánh nhau sớm muộn gì dân chúng cũng bất mãn khởi nghĩa. Hạ Hầu Vĩnh Khang lại không thuộc loại này! Hắn là tên "hôn quân" biết cách để làm "hôn quân" dài lâu. Dưới chân thiên tử, giao thương thịnh vượng, thủy điện đê điều mở mang, thiên tai hạn hán được khắc phục, người người đủ cơm ăn áo mặc, không ít kẻ giàu sang phú quý. Lòng dân với hắn có kính có sợ, có ghét có yêu nhưng tuyệt đối không có bất mãn. Những cuộc chinh chiến hao tổn quốc khố, dân chúng thì dư của ăn của để, chẳng ngại thêm thuế cho triều đình, cho nên chẳng mấy chốc quốc khố lại đầy. Chiến tranh hao tổn mạng người, hoàng đế đề ra chính sách đãi ngộ cho quân nhân, cả nhà người đi lính có khoản cấp dưỡng, con cháu của họ cũng được ưu tiên đến trường, đường thi cử rộng mở. Đó là chưa kể những ngươi tư chất tốt, sau vài năm liền có thể thăng làm tiểu đội, tiểu tướng, sự nghiệp từ đánh đấm mà ra nhưng cũng không thua kém người học hiền, đọc sách. Thế là không ít kẻ tình nguyện nhập ngũ, chẳng đợi quan sai đến bắt lính! Cách hành xử công bằng, minh bạch làm cho người có chí đều muốn quỳ dưới trướng hoàng đế. Người tài khổ nhất là không có đất dụng tài, Hạ Hầu Vĩnh Khang vừa khéo vẽ ra một bình nguyên bao la cho bọn họ!
Cứ như vậy, chiến tranh đem tới hoang tàn nhưng không xảy ra trên đất Khương La. Chiến tranh đem tới chết chóc nhưng lắm kẻ cảm thấy cái giá xứng đáng, sẵn sàng ra đi. Chiến tranh hao tổn tài lực nhưng nền kinh tế phồn thịnh hoàn toàn đảm đương tốt. Vậy là Hạ Hầu Vĩnh Khang cứ hiên ngang làm "hôn quân", một "hôn quân" khiến tất cả hôn quân khác phải ghen đỏ con mắt! Bởi vậy mới nói, đóng vai ác cần có trình độ cao, vai ác càng thâm thì sẽ trở thành chính diện, bởi vì kẻ đó đủ mạnh để biến sai thành đúng, trở thành chân lý ở đời.
Năm Thiên Vĩnh thứ 14, trong khi Khương La còn đang lên kế hoạch đánh Trung Lương thì sứ thần Trung Lương đã tới cửa. Sở Chính Hàn quả là con cáo già. Không biết hắn nghe phong phanh chuyện gì mà quyết định đi trước một bước, ngỏ ý đưa Ngũ công chúa Sở Tâm Huệ đến hòa thân nhưng còn đặt điều kiện hoàng đế phải tự đến đón! Quốc sư Cẩn Hoành cười khẩy, không thèm chừa mặt mũi cho sứ thần, trước toàn triều mỉa mai:
- Trung Lương này cũng lắm trò, tưởng mình là ai có thể mời hoàng đế chúng ta di giá đến chỗ các người? Khương La đất này còn thiếu mỹ nữ sao? Bán con cầu vinh mà còn làm cao! Rõ láo!
Sứ thần bản lĩnh không nhỏ, trước lời chói tai của Quốc sư vẫn không biến sắc. Hắn ung dung khom lưng, cử chỉ chuẩn mực không tìm ra sai sót.
- Cẩn đại nhân nói thế cũng không hẳn đúng. Ngũ công chúa là cành vàng lá ngọc, thiên hạ không có người thứ hai, công chúa một thân nhi nữ tình nguyện đến Khương La, Quân vương chúng tôi cưng yêu nhất là đứa con này, chẳng lẽ bệ hạ không thể tỏ chút lòng thành? Mà hơn nữa, khắp thiên hạ có chỗ nào Thiên Vĩnh đế không thể tới, bổn quốc có vinh hạnh nghênh đón xem như phúc mấy đời rồi!
Lời lẽ khôn khéo, gọi vua của mình là "quân vương", gọi Hạ Hầu Vĩnh Khang là "bệ hạ", biết nịnh đúng chỗ, khiêu khích đúng lúc. Sứ thần nọ cuối cùng cũng khiến hoàng đế lơi là trên ngai vàng kia đưa mắt nhìn xuống.
- Nghe nói Tâm Huệ công chúa nhan sắc như tiên, cầm kỳ thi họa bậc nhất, quả nhân thầm đem lòng ngưỡng mộ. Nếu lần này công chúa nguyện gả vào Khương La, chẳng lẽ trẫm tiếc một chuyến rước dâu sao?
- Bệ hạ...
Cẩn Hoành lo lắng lên tiếng, hoàng đế giơ tay ngăn lại.
- Cứ vậy đi, không còn việc thì bãi triều!
Chúng thần tử lục đục ra về. Quốc sư Cẩn Hoành bám theo bệ hạ khuyên nhủ vài câu.
- Cho dù vị công chúa kia là hoa hiếm lạ đi nữa cũng không đáng để bệ hạ tự thân đi hái. Ai biết được phía sau có âm mưu gì hay không...
Vĩnh Khang ngừng bước, mắt cười nhìn Cẩn Hoành.
- Quốc sư đại nhân nói rất đúng, phía sau chuyện này nhất định có âm mưu. Vì có âm mưu mà quả nhân mới quyết định đi! Lâu rồi không có ai dám tính kế trẫm, cảm giác thật sảng khoái!
Cẩn Hoành thầm niệm một trăm lần "bệ hạ điên rồi".
- Trung Lương này lắc léo khó dò. Quốc sư ngẫm lại xem, một nước mấy đời nằm ở vị trí địa lý trọng yếu, dưới sức ép của cường quốc mà vẫn không chiến tranh, không mất nước. Vua Sở với người ngoài tự nhận làm vương, với bên trong vẫn đường hoàng xưng đế. Hắn biết tiến biết lùi, biết nịnh biết kiêu, lá gan lại không nhỏ. Lần này còn giở chiêu "tiên phát chế nhân" với trẫm... Người như vậy... Rất đáng để trẫm nhìn một cái!
Cẩn Hoành bị nghẹn trong lòng. Bệ hạ khen Sở đế như vậy, kết luận rằng đáng để ngài "nhìn một cái", chao ôi, vinh dự ghê đó! Cẩn Hoành biết Vĩnh Khang là tên cố chấp, đã quyết thì khó xoay chuyển. Hắn thở dài, vẫn không hết lo âu:
- Vậy thì... Bệ hạ phải cảnh giác trước mọi tình huống, không nên có một phút lơi là. Tốt nhất là đem hết thân vệ đi, vi thần cũng sẽ hộ tống sát sao...
- Ngươi ở lại!
- A?
- Trẫm nói ngươi ở lại. Một mình quả nhân đi là đủ, ngươi ở lại thay ta nhiếp chính! Quyết định vậy đi, không bàn nữa!
Hoàng đế nói rồi đi thẳng, để lại Quốc sư đại nhân tức tối giậm chân. Hắn rất hoài nghi Thiên Vĩnh đế muốn đi thăm dò Trung Lương chỉ là cái cớ, mục đích chính của ngài là tìm kẻ chết thay. Quốc sư nghĩ tới đống tấu chương kia, mặt mày xây xẩm, hắn cảm giác mình vừa ngồi lên một con lừa...
Hạ Hầu Vĩnh Khang đến Trung Lương là một tháng sau đó. Mặc dù Cẩn Hoành không đi theo nhưng có con trai hắn vẫn vẫy đuôi chó lon ton chạy sau. Sở Chính Hàn tiếp đãi long trọng, tay bắt mặt mừng, bộ dạng người một nhà thân thuộc, thiếu điều gọi hắn là "hiền tế". Sở Tâm Huệ đúng là một vị công chúa tài hoa giống như lời đồn. Nàng nhìn thấy hoàng đế Khương La cũng không tỏ sắc mặt quá đáng, e thẹn vừa đủ, khiêm tốn vừa đủ, quả là có đào tạo sâu. Chỉ tiếc Vĩnh Khang đối với mỹ nữ không quá hứng thú, loại gì mà hắn chưa nếm qua, khiến hắn hứng thú dài lâu thì Sở Tâm Huệ chưa đủ bản lĩnh.
Không biết do Vĩnh Khang soi xét chưa thấu hay Sở Chính Hàn che giấu quá kĩ, chuyến đi này cả đường vô sự, không có điểm đáng ngờ, không có dấu hiệu đe dọa. Chẳng lẽ ông ta thực sự muốn mời hắn tới bồi dưỡng tình cảm thôi? Lão này rảnh nhỉ? Hạ Hầu Vĩnh Khang hết sức buồn bực, hắn cần cảm giác mạnh!
Và rồi "cảm giác mạnh" cũng tới. Đó là vào đêm hội hoa đăng truyền thống của nước này. Vĩnh Khang nhàm chán kéo Cẩn Thiện mặt trái mướp đi ra ngoài chơi. Thật khâm phục đầu óc biến thái của bệ hạ. Vĩnh Khang nói rằng:
- Phụ thân ngươi không dặn dò phải bảo vệ trẫm sát sao à? Hai thằng đàn ông cả ngày "sát sao" khó coi lắm biết không? Để hợp với mắt thẩm mỹ của nhân loại, ngươi làm nữ nhân, muốn cùng trẫm "sát sao" kiểu gì cũng được!
Cẩn Thiện sặc một ngụm trà, đây là hậu quả của mười mấy ngày lảm nhảm bên tai hoàng đế. Cái này không được, cái nọ không nên, y như cha già của hắn càm ràm cả ngày. Vĩnh Khang chỉ là mượn cơ hội trả thù riêng!
Hắn cùng Cẩn "tiểu thư" "tay trong tay" hòa vào dòng người. Đêm xuống, trăng lên. Bên dòng sông Nguyệt có từng đoàn nam thanh nữ tú thi nhau thả hoa đăng. Tương truyền rằng sông Nguyệt chảy đến Mặt Trăng, hoa đăng đem điều ước gửi đến "bà Hằng", như vậy ước nguyện sẽ sớm thành hiện thực.
Vĩnh Khang đứng một bên nhìn, thỏ thẻ vào tai Cẩn "cô nương":
-Thiện Thiện, chúng ta cũng mua đèn thả đi!
Cẩn Thiện nổi da gà, da vịt, da ngỗng, cùng các loài gia cầm khác. Hắn cứng ngắt trả lời.
- Trò nhám chán này mà ngài cũng muốn chơi?
- Chơi chứ! Nàng đứng đây chờ, ta đi mua về liền!
- Không...
Cẩn Thiện tinh thần trách nhiệm cực cao, không muốn bệ hạ rời khỏi tầm mắt của hắn. Vĩnh Khang đành phải ra "tuyệt chiêu". Hắn điểm ngón tay lên chóp mũi Cẩn đại công tử, âu yếm nói:
- Cưng à, chờ ở đây đi, xa một chút xíu đã nóng lòng...
Khi Cẩn Thiện đã đông thành tượng, Hạ Hầu Vĩnh Khang đắc ý chuồn đi. Cẩn Thiện không thể lừa mình dối người được nữa, lập tức ôm gốc cây nôn hết cơm chiều ra. Vài nam nhân đi ngang thấy cô gái này không được khỏe, tốt ý hỏi han.
- Tiểu thư không sao chứ?
Kết quả bị tiểu thư giơ chân đạp một phát vào chỗ hiểm.
- Ông đây không phải tiểu thư, còn gọi tiểu thư ta đem ngươi thành thái giám hết!!!
Bên kia xôn xao vì cô nương nhà ai dữ như hổ cái, bên này Hạ Hầu Vĩnh Khang thở phào một hơi, khoái chí cắt được cái đuôi. Không khí lễ hội rộn ràng hừng hực, thế nhưng đối với một kẻ nhiều năm cô tịch như Thiên Vĩnh đế, cái vui nơi này vẫn chưa thấm đến tim gan hắn. Hắn nghĩ đến một ngày sẽ đem binh chinh phục Trung Lương, có phải nên nhẹ tay với thành Vạn Thịnh hay không? Trong chiến tranh, mềm lòng là điều cấm kị.
Thật ra Hạ Hầu Vĩnh Khang là con người đầy mâu thuẫn, hắn yêu thích một điều gì đó lại nảy sinh tham vọng phá hủy. Bởi vì hắn nghĩ tình cảm là một con vật nguy hiểm, tốt nhất phải giết chết lúc nó còn non. Sự đời khó đoán, ai mà ngờ được vị công tử áo lam, vẻ mặt vui cười đi giữa dòng người ngày ấy sẽ có lúc quay lại nơi đây, biến Vạn Thịnh sầm uất thành bãi hoang tàn, đặt dấu chấm hết cho một triều đại Trung Lương.
Vĩnh Khang đi ngang một gian hàng vẽ đèn. Ở đây có rất nhiều lồng đèn làm sẵn bằng giấy trắng. Chỉ cần bỏ hai hào, có thể mua một cái và bắt đầu trang trí tùy thích. Bên đường là một bàn dài đặt sẵn mực màu. Trò này thu hút nhiều đôi trai gái. Họ thường viết tên của hai người lồng vào nhau, vẽ thêm đôi chim nhạn, chữ Hỉ hay gì đó... Vĩnh Khang thờ ơ nhìn, hắn lướt qua một thiếu nữ váy hồng. Nàng cúi đầu chăm chú vẽ đóa hoa sen, cái ót trắng nõn xinh xinh lộ ra sau cổ áo.
Nếu không là duyên, hắn sẽ đi ngang mà không vương vấn...
Nếu không là phận, nàng sẽ đứng đó mà chẳng quay đầu...
.
.
Cho tới lúc chết, ta vẫn nhớ rõ đêm hoa đăng năm ấy.
Nếu ta ngoan ngoãn vâng lệnh mẫu phi, nếu Lăng ca ca không mềm lòng dẫn ta ra ngoài, nếu Tiểu Na không lơi là khiến ta bị lạc... Chỉ cần một điều không xảy ra, thì... Ta đã không gặp hắn, không yêu hắn, không khổ vì hắn...
Nghe nói Ngũ tỷ sắp gả đi Khương La, các chị em ai cũng xuyết xoa ghen tị. Nghe nói vị hôn phu của tỷ ấy là nam nhân cường thế nhất thiên hạ, xét về thân phận, diện mạo hay tài đức đều không ai sánh bằng. Lúc nghe Tiểu Na ba hoa kể lại, ta chỉ cười, mắt không rời khung thêu. Mẫu phi mấy ngày này trông nom ta rất kĩ, không cho bước khỏi Phù Hoa cung, giao cho ta thêu bình phong hồng liên với một trăm chữ Phật. Xưa nay ta không giỏi thêu thùa may vá, sở trường của ta chỉ có múa hát, công việc này thật sự khiến ta kiệt sức. May mà còn có Tiểu Na thích đi nghe ngóng chuyện nọ chuyện kia, đem về kể lại đủ thứ bát quái trong hoàng thành, mỗi ngày qua đi mới bớt nhàm chán.
- Thất công chúa nói là, Vĩnh Thiên đế bên kia không những anh tuấn, khí chất oai hùng, mà còn có một thân võ nghệ cao cường, đến độ xuất quỷ nhập thần. Hoàng thượng nói chuyện với hắn còn phải nhún nhường mấy phần! Ngũ công chúa thật là có phúc, gả cho người như vậy, giá nào cũng đáng...
Ta đưa sợi chỉ lên miệng cắn, vuốt ve chữ Phật thứ ba mươi, không để ý tới lời khoa trương của Tiểu Na.
- Bổn cung nghĩ, cho dù Thiên Vĩnh đế tài giỏi tới đâu cũng không thể thuộc về riêng mình. Gả đi xa xôi như vậy, biết bao giờ mới gặp lại cha mẹ, không chừng phải chết ở đất khách quê người. Vẫn nên lấy chồng gần, càng hiểu rõ, càng thân thuộc thì càng đáng tin!
Tiểu Na nghe vậy liền không bỏ qua cơ hội trêu chọc ta:
- Công chúa nói chí phải! Mẫu trượng phu lý tưởng tất nhiên phải giống Lăng tam gia, vừa dịu dàng, vừa chăm sóc, lại biết thổi sáo, biết phẩm nhạc... Ra chiến trường thì biết cầm gươm, hiên ngang bất khuất như ngọn cờ... Khó trách có người ngày nhớ đêm thương...
Ta vừa giận vừa thẹn, suýt nữa kim đâm vào ngón tay.
- Ai... Ai ngày nhớ đêm thương?
Tuy không tới nổi "ngày nhớ đêm thương" theo lời Tiểu Na nhưng quả thật ta có động lòng với Lăng Quân. Ta là Thập nhị công chúa, mẫu phi là một trong tứ tần, địa vị không cao không thấp. Hoàng cung cái gì thiếu chứ không thiếu công chúa, phụ hoàng quanh năm không nhớ đến sự tồn tại của ta. Mẫu phi luôn dạy: Hiểu lễ, khiêm tốn, không trèo cao, không xu nịnh. Mẹ không cầu cho ta ngồi ở nơi cao, đứng trên thiên hạ, bà chỉ muốn ta gả cho nam nhân tốt, sống đầy đủ ấm no, không cần nổi bật gây sự chú ý. Mẫu phi không có con trai, tự nhiên không quá lo bị người ta mưu hại. Ta cùng mẹ cứ an an ổn ổn sống ở Phù Hoa cung này, đợi đến ngày ta trưởng thành sẽ gả cho Lăng Quân, rời khỏi chốn thị phi xô bồ.
Lăng Quân là tam công tử của Lăng gia, ông nội của hắn từng là Đại soái của Trung Lương. Sau khi ông mất, Lăng lão gia lên thay, sự nghiệp của họ Lăng không còn hưng thịnh như trước. Chốn quan trường kẻ tranh ta đấu, Lăng lão gia bị người hãm hại chết oan, đại công tử vì cha rửa nhục, cuối cùng được phụ hoàng chú ý, phong làm Hộ quốc tướng quân. Nhờ có Lăng Kì, gia tộc họ Lăng lại trở về cái thời phú quý hào môn năm xưa. Nhị gia Lăng Thế cũng có tài dụng binh, làm tới chức tướng, sau trở thành phò mã lấy Thất hoàng tỷ. Họ Lăng vẫn còn tam gia Lăng Quân, tuy hắn không tài như anh cả, giỏi như anh hai nhưng là một nam nhân tế nhị hữu lễ, tâm hồn sâu sắc.
Mẫu phi cùng với Lăng gia có quan hệ sâu, bà cũng họ Lăng, gọi là Lăng Thuần Mỹ. Nếu xét trên vai vế, Lăng Quân còn phải gọi nàng một tiếng "biểu cô". Từ bé ta đã chơi với Lăng Quân, hắn chỉ hơn ta năm tuổi, rất thích gọi ta là "hạt sen nhỏ". Mẫu phi nói nếu không ngại ta là công chúa, bà đã đem ta đến nhà họ Lăng làm con dâu nuôi từ bé.
Mối hôn sự này so với các chị em hoàng thất thì tốt lắm rồi. Lăng gia có sự nghiệp, có tài phú, tương lai sáng rỡ. Thái độ của Lăng Quân và nhà họ Lăng rõ ràng như thế, cũng không ai muốn tranh vị trí con dâu với ta. Nói tóm lại, ta chắc chắn mình sẽ lấy hắn làm chồng, sẽ rời khỏi hoàng cung, không còn lưu luyến, bận tâm đến chuyện gì.
Đêm hoa đăng, tấm bình phong còn chưa thêu được một nửa, ta cầu xin mẫu phi để ta ra ngoài. Mọi năm ngày này ta luôn được đi chơi, ít có công chúa nào tự do tự tại hơn ta. Bên ngoài, ta còn có một thân phận khác, gọi là "Vũ Tiên". Ta có năng khiếu múa hát từ bé, để không gây chú ý, không đem lại phiền phức cho mẹ, ta tự nhận mình là Vũ Tiên, chuyên sáng tác ca khúc, điệu múa cho các thanh lâu. Mọi người đều nghĩ Vũ Tiên là một tài nữ bí ẩn, bài hát của nàng được bọn trẻ truyền miệng, điệu múa của nàng nổi tiếng gần xa. Chẳng ai biết được nàng đích thực là ta - một công chúa hữu danh vô phận phía sau bức tường thành.
Mẫu phi nghiêm khắc bảo ta ở yên trong cung. Chờ khi Ngũ tỷ gả đi rồi, bà liền thúc giục phụ hoàng chỉ hôn cho ta với Lăng Quân. Ta biết thời gian của mình không còn nhiều, năm nay ta đã mười bảy, năm sau lấy chồng không thể tự tiện ra ngoài nữa. Năn nỉ hết cả hơi mà mẹ vẫn không đồng ý, lạ quá, bình thường bà đâu nghiêm khắc như thế, dẫu không hài lòng cũng mắt nhắm mắt mở để ta tùy ý. Bà nói rằng cả đời làm con chim sống trong lồng son, không muốn ta cũng bị gò bó như vậy.
Ta cùng với Tiểu Na trở về phòng, vừa ấm ức vừa giận dỗi úp mặt lên gối. Đêm hoa đăng, một năm chỉ có một lần, ta không cam lòng bỏ lỡ. Có tiếng va đập ở cửa sổ, Tiểu Na ríu rít la lên.
- Công chúa, Lăng tam gia đến thăm ngài!
Ta với Lăng Quân đã cẩu thả thành quen, những cuộc gặp mặt nửa đêm như vậy không hiếm lạ. Ta chẳng thấy nó có gì mờ ám hay tổn hại khuê danh cả. Ta biết Lăng Quân thương ta, chàng lúc nào cũng yêu chiều, dù đòi hỏi của ta quá đáng cũng cố đáp ứng. Ta nghĩ tình cảm như vậy rất đáng tin, chính là tình yêu mà thế gian đồn đại. Sau này ngẫm lại, ta nghĩa cốt lõi là do giữa chúng ta thiếu chút gì nồng nhiệt. Ở cạnh chàng rất bình yên, rất vui vẻ nhưng ta thực sự không muốn tiến xa thêm. Có lẽ ta xem chàng như người bằng hữu, người anh trai, khó lòng từ anh trai biến thành chồng.
Đêm đó Lăng Quân đứng dưới giàn hoa, nét mặt nhu hòa hỏi ta.
- Không ra ngoài chơi à? Hội hoa đăng ngoài phố rất đông vui đấy!
Ta chống cằm, ủ ê nhìn hắn.
- Mẫu phi hôm nay tâm trạng không vui, không cho muội ra ngoài.
- À... Vậy thì muội ngoan ngoãn vâng lời nương nương đi!
Ta đứng ở cửa sổ bày ra bộ dạng đáng thương, năn nỉ hắn đưa ta ra ngoài. Không biết có phải được nuông chiều thành quen hay không? Ta luôn nghĩ Lăng Quân là cái phao cứu sinh, chuyện gì trên đời hắn cũng có thể làm vì ta. Hắn rất dễ bị ta dụ dỗ, gần như chỉ số kiên định bằng 0. Vẫn cái trò cũ, ta cùng Tiểu Na trốn trong xe ngựa, Lăng Quân trình lệnh bài đặc ân của Lăng gia, chẳng tên thị vệ nào dám khám xe. Nhiều lúc ta nghĩ có phải phụ hoàng đã già rồi không, an ninh lỏng lẻo như vậy, đến nỗi công chúa như ta mà cũng xuất cung như cơm bữa.
Lăng Quân cái gì cũng tốt, chỉ có cái tật bảo vệ thái quá. Hắn không rời xa ta nửa bước, đúng là phiền lắm! Thật ra Lăng Quân không phải tên ngốc, chỉ khi đi cùng ta hắn mới ngốc ra vậy. Ta lại lừa hắn, tách khỏi hắn chen vào dòng người. Tiểu Na nhăn nhó không cho là đúng, nàng cứ bảo vẫn nên để tam gia đi theo bảo hộ, lỡ gặp kẻ lưu manh, phường háo sắc thì có người che chở.
- Em có thể bớt nói xui được không? Đường xá nhiều người như vậy, sợ gì không có ai trợ giúp chứ?
Tiểu Na dù gì cũng còn nhỏ, sau một lúc náo nhiệt liền quên hết lo âu, nó còn mê xem múa rồng, múa rối hơn cả ta. Hội hoa đăng người qua kẻ lại, Tiểu Na mải chạy theo gánh xiếc buông tay khỏi ta, chỉ còn một mình ta đứng giữa bao người. Nói không lo thì không đúng nhưng cũng có chút gì cảm giác phiêu lưu. Ta chưa bao giờ thực sự "một mình", khi đứng ở giữa nẻo đường thế này, ta chợt nghĩ nếu một ngày không có mẫu phi, không có Lăng Quân, ta sẽ thế nào? Nén đi sự bồn chồn, tự nhủ nơi đông người trừ nạn móc túi thì cái khác không ngại, lát nữa thế nào Lăng Quân cũng tìm được mình.
Ta ghé vào hàng vẽ đèn, đưa hai hào cho ông chủ mua một cái đèn nho nhỏ. Ta lại nhớ tới tấm bình phong mẹ giao, thở dài vẽ một đóa sen và mấy chữ Phật, đúng là ta thêu tới mức bị quáng gà rồi! Chấm bút vào bát mực, tô tô vẽ vẽ. Có hai đứa trẻ tranh nhau que kẹo hồ lô. Đứa lớn cầm kẹo chạy trước, đứa nhỏ la hét đuổi theo. Chúng vô tình va phải ta, không có chuẩn bị nên ta bị mất đà, cứ vậy mà ngã xuống.
Và rồi... Ta rơi vào vòng tay của chàng. Phải, đó là lần đầu ta hiểu thế nào mới là tình yêu nam nữ. Sau này Lăng Quân hỏi ta: "Vì sao lại là hắn, huynh ở bên muội từ bé nhưng vì sao lại là hắn?"
Ta không trả lời nổi câu hỏi hóc búa ấy. Vì sao? Vì sao?
Vì mắt chàng sâu tựa đáy bể?
Vì ánh đèn muôn màu vạn sắc khiến gương mặt chàng mờ ảo diệu kì?
Vì cái râu mèo ta lỡ tay vẽ lên má chàng?
Hay vì cái ôm ngang tàng, nụ hôn bất chợt không hề có lý do?
Tiểu Na nói đúng, đi một mình rất nguy hiểm, ta đã xui xẻo rơi vào tay sói. Ta chưa từng cân đo nhan sắc của mình đẹp ở bậc nào. Nhưng cái cách chàng nhìn ta đêm ấy, ta cũng nghi ngờ có phải khuôn mặt này đủ khuynh quốc khuynh thành, nghiêng ngả giang sơn hay không?
Chàng là ma quỷ, là kẻ điên cuồng. Vận mệnh của ta là làm bông hoa cam chịu nằm trong tay chàng, nâng niu hay chà đạp đều do người định.
Người xa lạ ôm ta đêm ấy, rồi sẽ là nam nhất duy nhất ôm ta sau này, ôm cả thân xác sau khi ta chết...
Người xa lạ hôn ta đêm ấy, rồi cũng cướp hết những nụ hôn sau này, hôn lên cả bờ môi tái lạnh sau khi ta chết...
Ta đã hoảng sợ, đã khóc, đã giãy giụa... Chàng lại dùng sự bạo lực dịu dàng, sự ngang tàng cẩn thận để đáp lại. Ta biết, từ giây phút đó, ta không thoát nổi nanh vuốt của quỷ... Hơi thở xa lạ mà quen thuộc vây quanh, những chiếc đèn lồng thả trên trời chớp tắt như muôn nghìn tinh tú. Đôi mắt đó sáng rực, mãnh liệt, cuồng dại...
- Là tự nàng rơi vào tay ta... Cả đời này... Không thoát được!
Lời nói đó là sự tuyên thệ.
← Ch. 020 | Ch. 022 → |