Vay nóng Tima

Truyện:Em Chỉ Tiếc Không Ở Bên Anh Đến Già - Chương 02

Em Chỉ Tiếc Không Ở Bên Anh Đến Già
Trọn bộ 26 chương
Chương 02
Vì anh, sắp đi ngủ rồi mà em còn phải ăn tận hai que kem đấy
0.00
(0 votes)


Chương (1-26)

Siêu sale Shopee


Tuy anh trai lớn hơn tôi năm tuổi, nhưng vì tôi đi học sớm, thế nên anh chỉ hơn tôi bốn lớp. Tôi lên lớp 8, anh học lớp 12.

Ý kiến của người lớn chia làm hai phe. Chú và thím hy vọng anh có thể thi vào ngành tài chính của một trường đại học trọng điểm, tương lai kế thừa sự nghiệp của chú, nếu có thể phát triển hơn nữa thì càng tốt.

Ông ngoại lại không tán thành để anh làm doanh nhân. Ông muốn anh vào trường quân đội. Tuy không thể hy sinh xương máu cho đất nước, thế nhưng cũng có thể đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ tổ quốc.

Chú đương nhiên không dám phản đối ra mặt, nhưng lúc về nhà lại nói, "Không có những doanh nhân ngày ngày cống hiến nhiệt huyết trên bàn rượu như chúng ta, đất nước sẽ không phát triển tốt như thế đâu, thế mà bố lại không nghĩ ra."

Thím xì một tiếng, "Lúc đó thì vâng dạ hết lời, giờ còn không biết xấu hổ mà dương dương tự đắc, có giỏi thì đứng trước mặt bố em mà nói đi."

Chú chỉ cười, lại chuyển sang nói với tôi: "Vậy việc kinh doanh của chú về sau phải giao lại cho Viên Viên rồi, đến lúc đó anh cháu làm quan chức, cháu làm doanh nhân, hai đứa kết hợp với nhau, vùng vẫy khắp bốn phương, nhỉ?"

Tôi lè lưỡi: "Cháu ngốc thế này, chú đừng hy vọng gì ở cháu. Toán cấp Hai giờ đã làm cháu đau đầu không chịu nổi rồi."

Chú không đồng tình: "Sợ gì chứ, chú của cháu đây suýt nữa còn chẳng tốt nghiệp nổi cấp Ba mà vẫn làm sổ sách tính tiền tốt đấy thôi. Người học giỏi nhất lớp chú giờ làm gì? Làm thầy giáo dạy toán đó."

"Lương Kiến Huy, anh đừng có dạy hư trẻ nhỏ nữa đi. Viên Viên đừng nghe lời chú cháu, vẫn phải cố gắng học hành đấy."

Tôi cười không nói. Anh trai không tham gia vào cuộc nói chuyện của chúng tôi, đi thẳng lên tầng. Anh đối với chú luôn bình thường như vậy, cũng chưa bao giờ gọi chú là bố, nhưng xem ra vẫn kính trọng chú.

Tôi không rõ kỳ vọng của chú đối với tôi là thật hay giả, dù sao tôi cũng tự biết thân mình, tôi chỉ muốn sau này có một công việc ổn định, có thể tự lập, sống đơn giản thôi, còn nghiệp lớn cứ giao cho đồng chí Lưu Thành Hề là được rồi.

Tuy rằng ý kiến của người lớn không giống nhau, nhưng việc trước mắt vẫn là phải học hành cho tốt. Thím tôi trước nay chưa từng gò bó anh, giờ lại lập ra quy củ, muốn anh năm cuối này phải thay đổi. Tuy không hạn chế tự do của anh, nhưng mỗi ngày phải về nhà trước chín giờ tối. Thành tích nhất định không được để thím phải phiền lòng, thím cũng không muốn nghe thầy cô phản ánh rằng anh không làm bài tập, đi học và đi thi đều ngủ nữa. Nếu không, sẽ cắt tiền tiêu của anh ấy, còn tịch thu luôn cả tài khoản riêng.

Tài khoản riêng của anh chắc chắn có rất nhiều tiền. Tôi mới đến nhà chú hai năm, đã có được không ít tiền mừng tuổi. Số tiền này, trước kia tôi chưa từng dám nghĩ tới. Cứ đến Tết, ông bà ngoại và bạn làm ăn của chú lại cho. Tôi chủ động đưa hết cho thím, thím lại không lấy, chỉ bảo tôi hãy giữ lại. Tiền mừng tuổi mỗi năm của anh còn hơn tôi nhiều, huống hồ ở nhà ông ngoại, tôi cũng không chỉ một lần thấy ông bà đưa một cục tiền lớn cho anh. Ngày ngày anh có thể ở bên ngoài chơi đến quên cả trời đất, tất cả đều dựa vào chỗ tiền riêng đó.

Thế nhưng thím làm việc ở bộ công thương, mỗi ngày đều bận rối tinh lên, còn phải đi ra ngoài xã giao cùng chú, làm sao có thời gian giám sát anh. Dì giúp việc trong nhà làm cơm tối xong sẽ đi. Người còn lại duy nhất chính là tôi.

Thế nên tôi nghiễm nhiên trở thành tai mắt của thím. Thật là khóc không ra nước mắt mà. Anh ơi, anh làm gì phải nhìn em buốt giá như thế?

Hôm đó, tôi bị anh gọi vào phòng, đưa cho hai quyển sách và hai quyển vở bài tập, trên mặt là vẻ hòa hoãn hiếm thấy.

Tôi không dám nhận, trừng mắt nhìn, cảm thấy miệng khô khốc, "Anh, đây là..."

"Cho em thì em cầm đi. Đây là bài tập anh giao thêm cho em."

Tôi nhìn bìa cuốn sách dành cho học sinh lớp 12, mặt đau khổ: "Nhưng đây là bài tập của lớp 12 mà, em không làm được."

Anh nhíu mày: "Không làm được thì em không học hả? Cho em sách để làm gì? Hai môn đơn giản như Ngữ văn và Tiếng Anh chỉ cần đọc sách là hiểu rồi. Đầu em ngốc thế, không dạy trước cho em thì sau này làm sao em theo kịp được?"

"Nhưng... Nhưng chữ của chúng ta không giống nhau."

"Trước giờ anh chưa từng viết vào hai quyển bài tập này, thầy làm sao mà biết được chữ anh chứ. Sau này mỗi ngày anh sẽ giao bài tập cho em, làm xong thì đưa cho anh".

"Anh..." Tôi định đem vẻ mặt cún con hay thể hiện trước mặt bà ngoại ra, cuối cùng bị anh uy hiếp trừng cho một cái.

"Còn nữa, từ sau mẹ về nhà trước chín giờ, em phải gọi điện cho anh biết. Nếu mẹ về sau chín giờ mà anh chưa về, em phải bao che cho anh, sau đó cấp báo cho anh."

"Làm sao mà cấp báo..."

"Dốt thế, tự nghĩ cách đi! Mau về làm bài tập, sáng mai đưa cho anh!" Anh không để tôi viện cớ, đẩy tôi ra khỏi phòng.

Ông trời ơi, ông có mắt không? Anh lên lớp 12, người bận nhất lại là tôi...

Cuối cùng, mỗi ngày tôi mất một tiếng làm xong bài tập của mình, phải đau đớn mà từ bỏ bộ phim truyền hình yêu thích, tốn thêm ba tiếng làm bài tập cho anh. Phải bao che cho anh trước mặt thím, lại phải báo tin cho anh. Tôi chính là kẻ tôi tớ hai mặt trong truyền thuyết đây mà.

Người anh trai khó chịu của tôi quả nhiên là to gan. Thím vừa đặt ra quy định ngày hôm trước, hôm sau anh đã vi phạm luôn rồi.

Tôi ngồi ở bàn ngoài phòng khách, vừa mở TV, vừa lén lút mở phần đáp án phía sau quyển bài tập tiếng Anh chép vào.

Lượng bài tập của khối 12 nhiều đến mức biến thái, còn xé hết cả đáp án phía sau quyển bài tập. Tôi tin chắc những bạn học chăm chỉ của anh nhất định đều âm thầm mà cố gắng vất vả. Nhưng người học lớp 12 cũng không phải tôi, thế nên đương nhiên tôi đã ra hiệu sách mua hai quyển bài tập giống y đúc, tiện cho việc chép lại đáp án cuối sách.

Sau lưng có tiếng mở cửa, tôi liền vểnh tai nghe ngóng. Nghe thấy tiếng chú thím nói chuyện, tôi lập tức nhét sách bài tập vào ngăn bên của cặp sách, thay bằng bàn tập Toán của mình. Nhìn lên đồng hồ, vừa mới chín rưỡi.

Mặt chú hơi đỏ, rõ ràng là đã uống rượu. Tôi liền đứng dậy đi pha trà. Thím nhìn xung quanh, hỏi:

"Viên Viên, anh cháu đã về chưa?"

Trong lòng tôi rất hốt hoảng, nhanh chóng suy nghĩ một chút, cuối cùng trả lời: "Anh vừa mới ra ngoài, bảo là đi mua chút đồ gì đó ạ."

"Mua chút đồ, hay là lại đi chơi?"

Tôi bẩm sinh nhát gan, vừa nói dối mặt đã đỏ như quan công. Tôi cúi đầu không dám nhìn thím, vội chạy lên tầng, nhấc điện thoại trong phòng gọi cho anh. Thời đó điện thoại di động vẫn là thứ hiếm, nhưng anh đã mua được một cái.

Điện thoại kết nối được, đầu kia nghe rất ồn ào. Tôi không dám nói lớn, sợ chú thím nghe được, lại sợ họ nghe qua điện thoại ở dưới nhà, bèn nói nhỏ lại:

"Anh mau về đi. Em nói anh ra ngoài mua chút đồ."

Bên kia không trả lời, cúp máy luôn.

Tôi không rõ anh có nghe thấy không, nhưng thím lại gọi tôi xuống ăn hoa quả. Tôi thưa một tiếng, chỉ đành thấp thỏm đi xuống, trong lòng vô cùng hối hận. Lỡ bị phát hiện, vậy hình ảnh cháu gái ngoan của tôi trong mắt chú thím sẽ sụp đổ mất.

Tôi giả bộ bình tĩnh, cầm quả táo chậm rãi ăn, ánh mắt lướt qua đồng hồ, nói chuyện với chú lại nhấp nhổm không yên.

Đúng lúc tôi không thể kiên nhẫn được nữa, chuẩn bị khai báo thành thật thì tiếng mở cửa động trời vang lên. Tôi lập tức đứng phắt dậy.

Anh thay dép đi vào. Thật kỳ diệu, trong tay anh thực sự cầm một túi đồ. Không đợi thím hỏi, anh đã giơ cái túi lên, "Vừa nãy Viên Viên nói muốn ăn kem, con mới ra ngoài mua cho em ấy. Này, cho em." Anh nói mà vẻ mặt cực kỳ bình tĩnh.

Tôi chầm chậm đi qua nhận lấy túi kem, lòng bàn tay đầy mồ hôi. Anh liếc tôi một cái, nhỏ giọng nói, "Vô dụng".

Ừ đấy, tôi vô dụng. Đứa em gái vô dụng này đã bao che cho anh, đến giờ đi ngủ rồi còn phải giả bộ vui vẻ mà ăn tận hai que kem đấy.

Thím rất hài lòng về việc kiểm tra đột xuất. Tôi nghĩ, cho dù thím có nghi ngờ, cũng sẽ không nghĩ đứa cháu luôn thành thật nghe lời như tôi sẽ giúp anh lừa thím. Điều này làm tôi hơi áy náy, âm thầm hạ quyết tâm, lần sau sẽ không bao giờ vì bao che cho anh mà nói dối nữa.

Thật may, anh đã bắt đầu có nề nếp hơn một chút. Trừ tối thứ Bảy, còn lại đều cố gắng trở về trước giờ quy định, có khi còn ăn cơm chiều. Đôi lúc thím về sớm, tôi sẽ về phòng gọi điện cho anh, thường thì anh sẽ về rất nhanh. Thế nhưng dù anh về cũng chỉ về phòng mình, không biết làm gì ở trong đó. Tôi vẫn phải làm bài tập của anh.

Tôi than thở với Gia Hinh, cô ấy cũng bất lực, chỉ biết an ủi tôi: "Cậu phải thấy may mới đúng, anh ấy còn không bắt cậu làm giúp bài tập toán hoặc bài tập vật lý."

Tôi nghĩ thấy cũng đúng, thế mà cô ấy lại bồi thêm một câu, "Bởi vì cậu chỉ có thể lao động chân tay, chứ không thể làm việc cần dùng trí óc được."

Tôi nổi cáu, cô ấy vội chạy biến đi, tôi không đuổi kịp. Tiếc là chúng tôi không học cùng lớp, tôi cũng không có gan lao vào lớp người ta lôi cô ấy ra, chỉ có thể dậm chân mấy cái, rồi quay về lớp của mình.

-

Theo lý mà nói, tôi hẳn phải giống những thanh thiếu niên không ngại khó học hành, hăng hái tiến về phía trước. Lâm vào đường cùng cũng không mất chí khí, tuy ăn nhờ ở đậu cũng sẽ không chịu thua kém, ngày đêm chong đèn đọc sách, cuối cùng thành danh, khiến người ta phải nhìn mình với con mắt khác. Nhưng đầu óc tôi khá bình thường, chí khí cũng không thể tầm thường hơn, điển hình của loại người không có chí tiến thủ. Tôi chỉ muốn vâng lời chú thím, sống đơn giản, dù ở nhờ cũng không thấy mất mặt, chỉ muốn tự bảo vệ bản thân để không bị người khác bỏ rơi nữa.

Đây chính là lý do mặc dù cùng học ở trường trọng điểm, nhưng tôi lại học khác lớp với Gia Hinh. Bởi vì lớp của tôi, thực sự có hơn nửa số bạn học là vào được đây nhờ tiền.

Vậy mà bọn họ không kiêng kỵ gì, cũng chẳng bao giờ che giấu mình nhờ tiền để vào đây học. Tôi từng nghe có người nói, bố mẹ cậu ấy cho cậu ấy vào học trường này, là vì không muốn bị xem thường khi nói chuyện với người khác. Dù sao thì tốt nghiệp trung học xong, cậu ấy sẽ đi du học. Dát một lớp vàng lên người như vậy rồi sẽ trở về kế thừa sản nghiệp. Đôi khi tôi nghĩ, vậy chẳng phải là lừa mình dối người hay sao? Dát một lớp vàng lên bên ngoài thì thực sự sẽ trở thành báu vật?

Tuy nhiên, tôi thích bầu không khí thoải mái của lớp. Hết giờ học, kể cả những bạn tự mình thi đỗ vào trường này cũng sẽ vui vẻ xem các bạn khác bày trò vui; đôi lúc có người nói đùa, mọi người sẽ cùng cười vang. Không giống các lớp khác, hết tiết rồi vẫn có không khí căng thẳng. Gia Hinh thỉnh thoảng ra ngoài nói chuyện với tôi, đều sẽ bị giáo viên chủ nhiệm lớp họ trừng mắt nhìn.

Các lớp khác vừa hâm mộ lại vừa khinh thường lớp chúng tôi, còn lớp chúng tôi vừa ngưỡng mộ lại vừa thương xót cho bọn họ. Thực ra chẳng có ai giỏi giang hơn người, chỉ là mọi người có xuất phát điểm không giống nhau, cái đích theo đuổi cũng sẽ khác nhau.

Tôi đương nhiên không tham gia vào nhóm thích ăn chơi của lớp hay những cuộc tán gẫu ồn ào. Phần lớn thời gian, tôi chỉ yên lặng ngồi một chỗ nhìn họ mà cười. Tôi cảm thấy mình và bọn họ không có cùng xuất phát điểm. Người ta có tiền thật, tôi là giả giàu sang. Tự biết thân phận vẫn tốt hơn.

Thầy giáo lựa chọn cách xếp chỗ theo phương pháp bù trừ, xếp những học sinh ham chơi ngồi cạnh các bạn học chăm chỉ. Tôi thực sự hâm mộ những người có bạn cùng bàn cho dù không chơi bời quá độ, nhưng vẫn chịu nói cười, bởi vì bạn cùng bàn của tôi, cả ngày không nói được với tôi câu nào hết.

Lúc tôi học, cậu ấy cũng học. Lúc tôi suy nghĩ, cậu ấy vẫn học. Lúc tôi nghỉ, cậu ấy vẫn tiếp tục học. Trừ lúc hoạt động giữa giờ và đi vệ sinh, cậu ấy hình như còn không động đậy. Ngay cả giờ thể dục tự do cậu ấy cũng ngồi học từ mới. Các bạn nam thích chơi bóng đá và bóng rổ, cậu ấy chưa từng tham gia. Không chỉ không nói chuyện với tôi, cậu ấy hầu như cũng không kết giao cùng các bạn học khác. Mà chẳng phải chỉ ở trong lớp mới vậy, các lớp khác, thậm chí toàn khối trung học cơ sở cũng không thấy cậu ấy nói chuyện với ai.

Sự cố gắng ấy đã được đền đáp. Cậu ấy luôn có tên trong ba thứ bậc cao nhất của bảng xếp hạng toàn khối. Các bạn học khác đi qua lớp tôi đều sẽ ngó vào nhìn cậu ấy. Bạn học Dương Vân Khai, ấy thế mà lại là người nổi tiếng.

Tôi nghĩ, thầy xếp tôi và cậu ấy ngồi cùng bàn, có lẽ là do thấy tôi khá trật tự ngoan ngoãn, sẽ không phàn nàn tại sao bạn cùng bàn lại quái đản thế này.

La Duy ngồi phía sau tôi nói: "Lương Mãn Nguyệt, thật là khổ cho cậu, ngày nào cũng phải ngồi cùng một kẻ cù lần, nếu là tớ thì đã chết vì đau khổ rồi." Giọng cậu ta không lớn, mà lại cố ý nói thật rõ ràng. Tôi nhìn Dương Vân Khai, thấy cậu ấy hơi cứng người lại, nhưng cũng khôi phục trạng thái bình thường rất nhanh.

Tôi liền đáp: "Cậu mà khổ gì, người khổ nhất chính là Vương Khải. Ngày nào cũng bị mấy lời lảm nhảm của cậu quấy rầy, cậu nhìn đi, càng ngày trông cậu ấy càng u uất kia kìa."

Vương Khải là bạn cùng bàn của cậu ta, nghe vậy lập tức phối hợp với tôi, bày ra bộ mặt vô cùng đau khổ mà gật đầu.

La Duy chẳng bận tâm, khoác vai cậu ấy nói: "Cậu không hiểu rồi, giữa anh em bọn tớ điều gì cũng có thể bao dung hết." Nói xong còn nhìn Vương Khải đầy yêu thương, "Phải không cưng?"

"Gớm! Đừng có làm tôi buồn nôn nữa." Vương Khải hất tay ra, đấm cậu ta một cái, "Lương Mãn Nguyệt, mau kiểm tra hộ tớ xem da gà nổi lên chưa."

Mọi người đều cười, La Duy và Vương Khải thì đùa loạn lên.

Vào tiết học, tôi không nhịn được mà quan sát Dương Vân Khai. Cậu ấy rất tập trung nghe giảng, lưng thật thẳng, vẻ mặt chăm chú. Làn da màu lúa mạch khỏe khoắn, những đường nét khuôn mặt rõ ràng, lông mày đậm, gần như lẫn vào tóc mái, ngoài ra cũng không có gì đặc biệt, nhìn khá bình thường. Cậu ấy mặc đồng phục. Không giống La Duy luôn xem quần áo như giẻ lau, trang phục của cậu ấy rất sạch sẽ, áo rất phẳng phiu. Tôi nghĩ, bị phân vào học lớp này, lại phải ngồi cùng nữ sinh thành tích bình thường như tôi, chắc chắn cậu ấy rất không cam lòng, thế nên mới muốn chứng minh bản thân như vậy.

Người ta vẫn có những bí mật riêng và nổi khổ riêng, cậu bạn này chắc hẳn cũng có câu chuyện của riêng mình. Cậu ấy trầm mặc khác thường, khắc khổ khác thường, quái gở khác thường... hẳn là đều có nguyên nhân. Tôi cảm thấy chúng tôi vừa giống nhau, lại vừa khác nhau.

Dần dần cậu ấy có chút mất tự nhiên, nét mặt hơi chuyển, nhưng cũng không nhìn lại đây, cuối cùng khẽ ho một tiếng. Tôi bừng tỉnh, lập tức quay đầu sang chỗ khác, thầm le lưỡi, tiếp tục nghe giảng.

Tò mò quá nhiều thật không tốt chút nào, huống chi trước giờ tôi cũng ít khi tò mò.

Thứ Sáu tan học, tôi cúi đầu chậm chạp thu dọn sách vở. Phía dưới lớp còn một đám bạn chưa về, đang hăng hái bàn xem lát nữa đi đâu chơi.

Có người phía sau vỗ vai tôi. Tôi quay đầu lại, là La Duy.

"Lương Mãn Nguyệt, cậu muốn đi ăn cùng bọn tớ không?"

"Tớ?" Tôi ngạc nhiên hỏi lại. Tôi ít khi giao tiếp với các bạn học trong lớp, vậy mà bọn họ lại mời tôi cùng đi ăn cơm.

Cậu ta cười, "Chẳng cậu thì ai? Đi cùng đi, hôm nay Tống Kỳ Phong mời, chúng ta nên nhiệt tình đáp lại cậu ấy."

Tôi do dự nhìn phía sau, Tống Kỳ Phong bèn nhìn tôi cười: "Lương Mãn Nguyệt đi cùng đi."

"Nhưng... Nhưng tớ chưa nói với người nhà... Nhà còn có việc..." Tôi hơi lưỡng lự, khối trung học cơ sở nghỉ, nhưng lớp 12 không nghỉ thứ Bảy, về nhà còn phải làm bài tập cho anh trai ác quỷ nữa.

"Ôi dào, lát nữa đi chơi cậu gọi điện thoại về nhà là được. Nghỉ rồi thì ra ngoài chơi chút có sao đâu."

"Phải đó, cậu đi cùng đi, đi cùng đi! Lương Mãn Nguyệt, sao cậu lại ngoan ngoãn thế chứ, trước giờ chưa từng đi chơi." Mấy bạn học nữ cũng đi qua khuyên tôi.

"Liệu có phải ngày nào cậu cũng ngồi cùng kẻ cù lần nên bị lây bệnh không?" La Duy trêu.

"Cậu đừng có nói xấu người ta. Cố gắng học tập là tốt". Tôi phản bác ngay, nhưng cuối cùng cũng đồng ý lời mời nhiệt tình của họ.

Tôi báo cho Gia Hinh một tiếng, rồi đứng ở cửa lớp gọi điện cho thím. Thím bình thường thấy tôi không có bạn bè khác ngoài Gia Hinh, nghe nói tôi đi chơi cùng bạn học thì rất vui, chỉ dặn tôi về sớm một chút, rồi lại hỏi tiền tiêu vặt của tôi còn đủ không. Tôi cười bảo thím cứ yên tâm, là bạn cháu mời.

"Vậy cũng được." Thím nói, "Lần sau chúng ta mời lại. Hôm nào cháu mời bạn bè về nhà, thím sẽ chiêu đãi."

Tống Kỳ Phong đặt một bàn lớn ở nhà hàng. Mọi người nói chuyện, cười đùa liên tục, không khí cực kỳ vui vẻ. Tuy cảm thấy học sinh trung học như vậy là hơi xa xỉ, nhưng nhìn vẻ quen thuộc của những người khác, tôi cũng im lặng.

Mặc dù tôi ít nói, nhưng xem họ chơi đùa cũng là hưởng thụ rồi, huống chi La Duy cứ luôn trêu tôi, làm mọi người chú ý. Dù sao cũng là bạn cùng tuổi, ngồi ăn với nhau một lúc, tất cả đã trở nên vô cùng thân thiện, cười nói với tôi.

Ăn cơm chiều xong, có người đề nghị đi hát karaoke, lập tức được hưởng ứng. Tôi hỏi thời gian, lưỡng lự một chút, vẫn quyết định về nhà. Mọi người đang muốn đi chơi, La Duy thấy vẻ kiên quyết của tôi cũng không giữ lại, còn rất phong độ mà gọi taxi giúp tôi.

Tôi đi về với tâm tình tốt chưa từng có. Về đến nhà còn khe khẽ hát, nhưng vừa mới vào phòng khách đã bị hoảng sợ, tiếng hát lập tức ngừng lại.

Anh trai ngồi ở sofa, nhìn tôi với vẻ không vui: "Em đi đâu mà về muộn vậy?"

Tôi nhìn đồng hồ, còn chưa đến tám giờ, nhưng vẫn thành thật trả lời: "Bạn học mời đi ăn, em..."

"Nhà bỏ đói em hay sao mà phải đi ăn của người khác? Em ăn xin đấy à?" Anh cao giọng, lời nói ra cũng thật khó nghe.

"Em đã gọi điện nói với thím rồi..." Mặt tôi đỏ lên, định giải thích.

"Còn nhỏ vậy mà đã đi chơi cùng đám bạn xấu bên ngoài, em càng ngày càng hư đấy! Đừng quên thân phận của em!"

Tôi không kiềm chế được nữa, trào nước mắt, thân thể run rẩy, cố gắng cắn môi để tiếng khóc không bật ra ngoài.

Phải, suýt nữa thì tôi đã quên thân phận của mình. Tôi là người thế nào? Là kẻ ăn nhờ ở đậu chẳng ai cần, còn thua cả những đứa trẻ mồ côi. Tôi hận tính nhát gan của mình, vậy mà lại không dám phải bác. Ai ngày nào cũng đi chơi, ai chơi đi còn bắt tôi phải bao che chứ? Tôi chỉ đi chơi với bạn học một lúc, không về kịp để làm osin làm bài tập cho anh mà đã bị sỉ nhục như vậy. Bạn bè của anh tốt, còn bạn tôi thì chẳng ra gì?

"Sao không nói gì? Đuối lý rồi phải không? Vậy từ sau ít chơi bời bên ngoài thôi, đi làm bài tập đi." Anh không để ý đến vẻ mặt tôi, đưa bài tập sang.

Tôi không nhận, chỉ yên lặng khóc.

Rốt cuộc anh cũng để ý đến, dường như hơi giật mình: "Em sao thế?"

Tôi không nhịn được nữa, khóc lớn lên.

"Này, em sao vậy? Nói em có hai câu em đã khóc rồi, sao vô dụng thế?"

Tôi mặc kệ anh, tiếp tục khóc, khóc ngày càng dữ dội. Anh cuống lên, vội lấy khăn nhét vào tay tôi. Tôi không thèm nhận, để mặc khăn rơi xuống đất. Anh hết cách, cuối cùng cầm lấy khăn tay định lau nước mắt cho tôi.

Tôi tránh anh, không ngoảnh lại mà chạy lên tầng, về phòng lao lên giường khóc lớn.

Tôi ghét anh! Tôi ghét anh! Tôi ghét Lưu Thành Hề!

Thật muốn về nhà, lại không biết đâu mới là nhà của tôi. Thật muốn gục vào lòng một người mà khóc, nói hết uất ức ra, nhưng cũng biết, chẳng có vòng ôm nào dành cho mình cả.

Tôi không bao giờ quan tâm đến Lưu Thành Hề nữa, không bao giờ làm bài tập cho anh nữa...

Tôi khóc rất lâu, khóc hết tất cả uất ức tức giận, cả sự e dè cẩn thận cố gắng từ trước đến giờ, khiến nước mắt tuôn ra mãnh liệt. Khóc đến độ quên đi tất cả những lời anh vừa nói, đến mức oán hận đã buông xuống lại trào dâng. Tôi hận bố mẹ sao lại sinh tôi ra, sinh tôi ra rồi sao còn ly hôn, sao lại để tôi cô độc ở nơi không thuộc về mình thế này?

Khóc mãi, khóc đến lúc kiệt sức, tôi mới ngủ thiếp đi.

Hôm sau ngủ dậy, mắt vừa sưng vừa đỏ. Tôi cố mở to mắt, nhưng vẫn cứ sưng híp lại như vậy. Cũng may chú thím không ở nhà, chỉ có dì Trần giúp việc đang quét dọn. Nghe thấy tiếng bước chân tôi, dì không quay lại, "Viên Viên dậy rồi à? Thím của cháu mới đi, dặn dì bảo cháu ăn cơm rồi chuẩn bị quần áo trước, lát nữa về cô ấy đưa cháu đi cắt tóc."

"Vâng, cháu biết rồi." Tôi không hào hứng đáp.

Dì Trần quay đầu, nhìn dáng vẻ của tôi, lập tức nhướng mày, "Ôi trời ơi, mắt cháu sao vậy? Sao lại sưng đến mức này?"

Tôi ấp úng không biết trả lời thế nào, nhưng dì đã bỏ đồ trong tay xuống, để tôi ngồi xuống sofa, vào nhà tắm vò khăn mặt bằng nước ấm đắp lên mắt tôi, lẩm bẩm: "Vừa nhìn đã biết là khóc suốt đêm rồi. Sao cháu lại khóc đến mức này?"

"Cháu cãi nhau với bạn học..."

"Ôi, trẻ con ấy mà, có hiểu lầm gì thì giải thích rõ là được rồi. Tại cháu nhát gan, lại quá thật thà, bị uất ức cũng không nói ra, chỉ biết khóc một mình. Từ sau không được thế nữa..."

Dì vẫn nói liên tục. Tay dì dù hơi thô ráp, nhưng rất ấm áp. Nghe dì nói vậy, lòng tôi lại nổi lên uất ức và buồn thương, nước mắt muốn trào ra lại cố nuốt xuống.

"Dì ơi, dì đừng nói cho chú thím được không ạ? Cháu sợ họ lo." Tôi nhỏ giọng xin.

Dì ngừng lại một lát, thở dài, không nói gì nữa. Tôi biết dì đồng ý rồi.

Mắt được chườm khăn nóng một lúc, quả nhiên đỡ hơn nhiều. Tôi đi rửa mặt, lúc ăn sáng xong đã không còn sưng nhiều nữa. Tôi nhìn mình trong gương, cố gắng tươi cười. Tốt lắm, cứ vậy...

Thím đưa tôi đi cắt tóc. Mái tóc dài đến thắt lưng trở thành mái tóc ngắn đáng yêu ôm lấy khuôn mặt. Tôi vốn đã không cao, để tóc này trông càng thêm nhỏ nhắn. Sau đó đi mua quần áo với thím, còn bị nhầm thành học sinh tiểu học. Thím cười với nhân viên bán hàng, nói tôi đã học lớp tám rồi, lại được người ta khen thêm một lúc nữa.

"Thật là nhìn không ra, trông chị còn tưởng chưa đến ba mươi, vậy mà con đã lớn như vậy."

Tim tôi run lên, không dám nhìn thím, thế mà thím lại không phủ nhận: "Không đến ba mươi gì chứ? Đã sắp bốn mươi rồi. Cô thật là biết ăn nói."

"Chắc hẳn là vì cháu rất ngoan, không khiến chị phải bận tâm nhiều."

Thím nhìn tôi cười cười: "Đúng vậy, Viên Viên nhà tôi rất nghe lời, chưa bao giờ làm tôi phải phiền lòng."

Bàn tay tôi đặt trong tay thím bất giác nắm chặt hơn, lại được thím yêu thương nắm lại.

Cảm giác ấm áp lặng lẽ dâng lên trong tim. Tôi nhìn khuôn mặt thím, tưởng như có vầng sáng phát ra, thân thiết như vậy, dịu dàng đến thế, làm tôi tự thấy mình yêu thím biết bao.

Tôi yêu thím, cũng thương chú. Tôi vừa cảm kích họ, vừa hy vọng mình thực sự là con ruột của họ.

Tâm trạng vốn chán chường uể oải bỗng dưng tan thành mây khói, khiến tôi cảm thấy ngay cả Lưu Thành Hề cũng không đáng ghét.

Tôi và thím mặc trang phục mẹ con về nhà. Chú hiếm khi về nhà sớm, chúng tôi hân hoan khoe với chú và dì Trần, nhận bao nhiêu lời khen của họ. Đúng lúc đang cười nói vui vẻ thì anh trai về.

Tôi lập tức thu lại nụ cười. Ánh mắt anh lướt qua tôi, ánh lên chút ngượng ngùng.

"Thành Hề, con qua đây xem. Mẹ mặc bộ này đẹp không?" Thím đứng lên xoay một vòng, còn kéo tôi qua, "Mẹ với Viên Viên mặc trang phục mẹ con, đẹp chứ?"

"Cũng được." Anh đi đến, đặt cặp sách lên sofa.

"Tại con chẳng chịu đi dạo phố với mẹ, nếu không, mẹ con mình có thể mặc đồ đôi, con và Viên Viên có thể mặc trang phục anh em nữa."

"Này! Em với con mặc đồ đôi, vậy anh vứt đi đâu?" Chú giả vờ ghen.

Thím đánh nhẹ chú một cái "Già rồi mà không biết xấu hổ."

"Lần sau con sẽ đi cùng hai người." Anh đột nhiên nói.

Hai người? Tôi dựng tai lên, lòng căm tức nghĩ thầm, ai muốn đi dạo phố với anh chứ?

Thím rất vui: "Nói rồi đấy nhé, lần sau mẹ gọi con không được trốn đâu đấy."

"Mẹ cứ gọi con là được."

Tôi thấy thím đưa mắt ra hiệu cho chú. Chú liền nói: "Mọi người đi dạo phố như thế không thể thiếu anh được. Anh cũng đi."

Tôi vội phối hợp: "Đúng ạ, chú chưa bao giờ đi dạo phố với chúng cháu đâu đấy!"

"Đi với vợ, con trai và cháu gái, dù chú có bận cũng phải dành thời gian." Chú vừa cười xoa đầu tôi, vừa liếc nhìn anh.

Anh không nói, chỉ hơi mỉm cười.

Đến tối có người gõ cửa phòng tôi. Tôi mở cửa, hóa ra là anh.

Tôi lập tức ra vẻ đề phòng, không phải lại đến mắng tôi đấy chứ?

Anh không nói gì, chỉ đưa cho tôi một cái hộp, trên bìa in hình một điện thoại di động màu đen. Thời đó di động là vật hiếm, tuy anh có từ lâu rồi, nhưng chúng tôi vốn không giống nhau. Mà một học sinh trung học như tôi cũng không cần thứ này.

Giờ anh bỗng nhiên đưa cho tôi, đương nhiên là tôi không dám nhận.

Anh đã hơi mất kiên nhẫn: "Cho em thì em lấy đi, tránh ngày nào đó em đi chơi làm anh không tìm được."

Tôi sững sờ cầm di động. Đây là gì chứ? Vừa đấm vừa xoa sao?

Đờ đẫn một lúc, khó xử nhìn chiếc hộp trong tay, tôi nghĩ, hay là cứ trả lại cho anh đi.

Lúc tôi gõ cửa đi vào, anh đang đọc sách: "Lại chuyện gì nữa?"

"Thứ này... rất quý, em không thể nhận."

"Ở đây thì đừng có nhà quê vậy nữa. Đây là điện thoại nhà bạn anh bán, không đáng bao nhiêu tiền."

"Nhưng... Nhưng em không dùng đến."

"Sao lại không dùng đến, ngày nào anh cũng dùng đấy thôi." Anh đứng lên đẩy tôi ra khỏi phòng."Cho em thì em cứ lấy, đừng làm phiền anh nữa. Phải rồi, không được nói với mẹ anh!"

Tôi chưa yên tâm mà đã bị đẩy ra đến cửa. Bỗng nhiên anh nhớ ra chuyện gì đó, gọi lại: "Đợi đã."

Anh quay người, đi đến bàn học lấy hai quyển bài tập: "Làm đi, sáng mai đưa cho anh."

Nói xong nhét hai quyển sách vào tay tôi, đóng sập cửa lại.

Tôi đứng ngoài phòng, nhìn bài tập và điện thoại trên tay, lòng cảm thấy thực đúng là hối hận không kịp.

Chúng tôi thế này là làm hòa rồi sao?

Hết chương 2


Chiến Giới 4D
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Chương (1-26)