Lời nói đáng bị chém
← Ch.1168 | Ch.1170 → |
Phạm nhân bị áp giải về kinh, bình thường thì sẽ đưa vào Đại Lý Tự để hội thẩm. Nhưng lần này, Hoàng đế lại bổ nhiệm người đến thẩm tra. Trước khi phạm nhân tới, Hoàng đế đã bổ nhiệm ra hai người, một vị là Đại Lý Tự Khanh Diêu đại nhân, làm chủ thẩm; một vị là Ngự sử đại nhân Hàn Quốc Trụ có đức cao vọng trọng trong triều, làm phó thẩm. Hai người này thì đương nhiên triều thần không có dị nghị gì. Chỉ có điều, khiến cho người ta kỳ quái chính là, theo lệ cũ trước đây thì sẽ có một chủ thẩm và hai phó thẩm, nhưng tại sao lần này lại chỉ có một phó thẩm?
Phạm nhân vào Đại Lý Tự. Tất cả mọi người đều hy vọng chuyện kết thúc trước lễ mừng năm mới, kết án sớm một chút. Cho nên, cũng hy vọng mở thẩm sớm một chút, để tranh thủ kết thúc trước lễ mừng năm mới.
Mễ Tương đại nhân là Tể Phụ nên chắc chắn phải hỏi Hoàng đế khi nào thì xét xử. Nhưng Hoàng đế lại cho hắn một tin tức còn bùng nổ hơn việc chính hắn phải thẩm vấn.
Mễ Tương đại nhân có kiến thức rộng rãi, nhưng vẫn bị Thánh chỉ lệnh Ôn Uyển đảm nhiệm quan phó thẩm do Hoàng đế ném ra dọa sợ: "Hoàng thượng, Hoàng thượng......" Nhớ năm đó, khi hắn vẫn còn là Thượng thư bộ Lại, từng thấy Quận chúa Ôn Uyển ngồi nghe báo cáo và quyết định sự việc ở bên cạnh. Bàn về tư cách, bàn về năng lực, đừng nói phó thẩm, ngay cả chủ thẩm cũng có thể làm. Có điều, vấn đề ở đây Quận chúa Ôn Uyển là nữ. Muốn nói không phù hợp, nhưng lời nói đến khóe miệng lại phải nuốt xuống. Hoàng đế làm như vậy, chắc chắn là có dụng ý của Hoàng đế. Trong lòng Mễ Tương cũng kỳ quái, tại sao trước kia Quận chúa không tham chính, nhưng lần này nhúng tay, dụng ý phía sau là gì?
Mễ Tương là người đầu tiên biết tin tức, Ôn Uyển là người thứ hai biết tin tức. Lúc Ôn Uyển biết Hoàng đế thật sự bổ nhiệm nàng làm quan phó thẩm, thì dở khóc dở cười: "Cậu Hoàng đế cũng không sợ bị Ngự sử buộc." Trước đó, Hoàng đế không nói cho Ôn Uyển biết trước, nhưng Ôn Uyển cũng đoán đại khái được rằng, một phó thẩm khác nhất định chính là nàng, bằng không, tại sao Hoàng đế lại không định ra?
Hoàng đế không nói, một mặt là sợ đến lúc đó, nàng bỏ gánh mà chạy, một mặt khác cũng là lo lắng sự công kích của triều thần.
Mí mắt của Hạ Ảnh cũng không nhấc lên: "Tổ huấn chỉ nói nữ nhân hậu cung không được tham gia vào chính sự, không có nói nữ nhân không được tham gia vào chính sự. Tổ huấn chỉ là lo lắng hậu cung nhiễu loạn triều cương, ngoại thích lung lạc Hoàng quyền. Quận chúa chính là Hưng Quốc Quận chúa do Hoàng thượng phong, ai dám có dị nghị?" Câu nói cuối cùng của Hạ Ảnh mới là trọng điểm. Lúc đầu, Hoàng đế tứ phong Ôn Uyển là Hưng Quốc Quận chúa, chính là sách lược ngăn ngừa miệng của triều thần khi Ôn Uyển tham chính. Chỉ tiếc, lúc ấy, Ôn Uyển không biết thôi.
Ôn Uyển cười khẽ: "Ta cho ngươi biết, sẽ có rất nhiều dị nghị. Xem đi, xem đi, chác chắn sổ con buộc tội sẽ bay lên Ngự án như bông tuyết rơi cho xem. Cậu Hoàng đế không sợ phiền toái, nhưng ta sợ phiền toái đó. Khụ, chuyện này, ta không từ chối được nữa rồi, hơn nữa, chuyện về Hổ Uy quân cũng không giấu được nữa." Hoàng đế lệnh cho nàng đảm nhiệm phó thẩm, chắc chắn phải cho triều thần một câu trả lời thỏa đáng. Nếu không, thì sao lại cho nàng đảm nhiệm phó thẩm? Không phải là khiến cho người ta khó hiểu vô cùng sao?
Hạ Dao nhìn Ôn Uyển một cái, nói một cách khinh bỉ: "Hoàng thượng nhất ngôn cửu đỉnh, ai dám phản bác. Chính Quận chúa muốn lui thì có, đừng đổ mọi chuyện lên người Hoàng thượng. Hơn nữa, Quận chúa cũng không từ chối được, đây là Thánh chỉ." Tội chống lại Thánh chỉ, nặng thì sẽ bị tịch biên, chém hết cả nhà.
Ôn Uyển bĩu môi: "Một câu thôi, ta tuyệt đối sẽ không lên công đường thẩm án. Đến lúc đó, ngươi thay thế ta đi bàng thính (đi tham dự, nhưng chỉ được nghe, không được quyền phát biểu và biểu quyết), mang bản khai về cho ta xem là được." Ý của Ôn Uyển là, nàng chỉ mang danh nghĩa, tuyệt đối không tham dự thẩm vẫn.
Thật ra, Hoàng đế cũng đã đoán trước được Ôn Uyển sẽ làm như vậy. Bằng không, cũng sẽ không phải là phó thẩm, mà đã là chủ thẩm rồi.
Hạ Dao cũng đã dự liệu trước được. Ôn Uyển không đến thẩm vấn cũng không sao. Thẩm án, chủ yếu là quan chủ thẩm, chứ thật ra, phó thẩm chủ yếu chỉ là giám sát mà thôi: "Được."
Ôn Uyển lại lên tiếng: "Đến hôm đó, ngươi cũng mang Minh Duệ theo bàng thính luôn."
Hạ Dao sửng sốt một lúc, thấy không hiểu, hỏi: "Tại sao phải mang Minh Duệ theo?" Theo lý thuyết, nên đi học hỏi nhiều hơn là Linh Đông mới đúng. Nói như thế nào thì Minh Duệ cũng chỉ mới hơn sáu tuổi mà thôi.
Ôn Uyển cười một tiếng: "Linh Đông đi không thích hợp. Mọi người bên ngoài đều suy đoán ta chuẩn bị giao chuyện kinh doanh cho Linh Đông xử lý. Bây giờ lại để cho Linh Đông đi bàng thính thì chẳng phải là không hợp lý sao? Khi Minh Duệ về, nói lại cho Linh Đông nghe thì cũng giống vậy thôi. Còn nữa, sau này, Minh Duệ muốn tòng quân. Bất kể là cái gì, cũng nên để cho nó học hỏi nhiều hơn, cũng có lợi với nói." Kiến thức rộng, thì tầm nhìn cũng sẽ mở ra.
Thông qua mấy năm nay, Ôn Uyển có thể khẳng định một chuyện: Minh Duệ muốn làm Tướng quân là thật sự, nhưng chắc chắn trước kia chưa từng tiếp xúc với phương diện này. Chứ nếu không, cũng sẽ không biểu hiện lúng túng như vậy. Nếu chưa từng tiếp xúc, vậy thì nàng liền sáng tạo cơ hội cho Minh Duệ.
Quả nhiên, Hoàng đế cũng không lên tiếng giải thích như Hạ Dao đã suy đoán. Mà triều thần phía dưới lại bị Hoàng đế thả ra tiếp một tin tức khác khiến cho nổ tung hơn ngàn dặm.
Thống soái tối cao của Hổ Uy quân là Quận chúa Ôn Uyển. Một cái tin này, đừng nói triều thần, trong những người nghe được, không có một ai không bị lung lay như cây đứng trong gió lốc.
Thái tử liền trợn tròn mắt. Có phải Phụ hoàng đã quá yên tâm với Ôn Uyển không? Cho muội ấy cầm khoản tiền bạc khổng lồ còn chưa tính, bây giờ còn cho Ôn Uyển nắm binh quyền trong tay. Rốt cuộc Phụ hoàng tin tưởng Ôn Uyển đến bao nhiêu?
Tam hoàng tử nghe thấy thì cũng chỉ cười khổ. Rốt cuộc Ôn Uyển còn bao nhiêu chuyện mà bọn họ không biết?
Ngũ hoàng tử lại nói một câu rất kinh điển: "Nếu hai đứa con trai của Ôn Uyển họ Yến, thì chắc sẽ không có chuyện Thái tử nữa, cũng không có chuyện của chúng ta."
Yến Kỳ Huyên nói những lời này, khiến cho phụ tá ở bên cạnh sợ đến gần chết. Đây cũng không phải chuyện có thể giả sử tùy tiện! Những lời này cũng đáng để bị chém rồi.
Hạo Thân Vương nhận được tin tức, sửng sốt một lúc lâu, sau đó liền cười ha ha: "Ta đã nói cái nha đầu này không phải chim ưng thấy thỏ mà không ăn. Vốn tưởng rằng chỉ tìm một người dễ nắm trong tay thôi. Không nghĩ tới lại trực tiếp khống chế quyền lực trong chính tay mình. Cái nha đầu này, thật sự khiến cho người ta không ngờ mà! Cái nha đầu này, thật sự thâm tàng bất lộ mà!" Hạo Thân Vương không tin Ôn Uyển không biết Văn gia vẫn luôn đánh chủ ý lên Hổ Uy quân. Mặc dù Hổ Uy quân chỉ có năm ngàn người, nhưng lại là quân chủ lực của cả vùng duyên hải. Đừng nhìn ít người, ngược lại, khi đánh giặc Oa gì đó thì càng như cá gặp nước! Còn có hiếu kính của thương nhân trên biển cho hải khẩu gì đó nữa, doanh thu vô cùng phong phú.
Phụ tá bên cạnh Hạo Thân Vương cũng khiếp sợ: "Hoàng thượng, Hoàng thượng cũng sủng ái Quận chúa quá đi. Đây là quân quyền đó, mặc dù quân số của Hổ Uy quân không nhiều lắm, nhưng Hoàng thượng cũng quá yên tâm với Quận chúa rồi." Quận chúa Ôn Uyển là người cầm khoản tiền bạc khổng lồ, gần như đã nắm mạch sống kinh tế của Đại Tề trong tay (chủ yếu là ngân hàng). Bây giờ còn nắm quân quyền trong tay nữa.
Hạo Thân Vương cười nói: "Có gì mà không yên tâm chứ? Ôn Uyển không hiểu nhiề về cái này, xem như là Thống soái tối cao, thì đơn giản cũng chỉ là trên danh nghĩa thôi. Ôn Uyển muốn nắm hải khẩu trong lòng bàn tay của nàng ấy, chứ cũng không phải thật sự muốn quân quyền. Cái nha đầu này, nghĩ còn sâu hơn cả ta nữa!" Thành lập đảo ở hải khẩu, cũng chính là xây dựng thế lực thuộc về của nàng ấy, thứ nhất, có thể tránh khỏi sự nghi kỵ của Hoàng đế, thứ hai, chính là biến hải khẩu thành đường lui cuối cùng. Nếu thật sự xảy ra chuyện ngoài ý muốn, thì sau này chiếm cứ trên biển, triều đình cũng không làm gì được. Khó trách lại không cho mấy hoàng tử sắc mặt tốt. Lúc trước, ông còn kỳ quái vì sao Ôn Uyển không sợ hãi như vậy? Hóa ra cái nha đầu này đã nghĩ kỹ đường lui trước rồi.
Tất cả những người khác đều có tâm tư riêng, mà kinh hoảng nhất, thì phải kể tới Văn gia. Vì để có ngày hôm nay, người Văn gia đã hao tốn tinh lực trong mấy năm. Nhưng mắt thấy sắp thắng lợi, thì lại bị một tia sét giữa trời quang đánh trúng, trong nháy mắt, toàn bộ đều biến thành công cốc. Hơn nữa, lại còn đắc tội với Quận chúa Ôn Uyển.
Lúc này, Văn Dược hối hận không thôi, nếu biết trước thế này, thì lúc đầu có như thế nào, cũng phải hao hết tâm tư cưới Quận chúa Ôn Uyển về nhà khi Hoàng thượng có ý. Mà không phải đợi đến khi Bạch Thế Niên về kinh, bị Bạch Thế Niên đoạt mất cửa hôn sự này.
Ngàn vàng khó mua 'sớm biết', vốn cho rằng, cưới Quận chúa Ôn Uyển, thì sự nghiệp của hắn cũng phải dừng lại. Lại không nghĩ đến, cưới Quận chúa Ôn Uyển lại có thể mang đến lợi ích lớn như vậy. Nhìn Bạch Thế Niên xem, ở biên thành làm Nguyên soái đến có tư có vị, cũng chỉnh lý quân đội đến có tiếng có hình, những thứ này đều không thể tách khỏi Quận chúa Ôn Uyển. Nếu lúc trước hắn thành công, thì những thứ này sẽ đều là của hắn. Bây giờ, hắn hối hận đến muốn đập đầu vào tường.
Ôn Uyển nhận được tin tức, cười nói: "Lần này, Văn gia có thể bị tổn thất thảm trọng liễu. Ha ha, công dã tràng." Vì quân quyền Hổ Uy quân, mà mấy năm nay, Văn gia đã bỏ ra công sức rất lớn. Lần này, xem ra, Văn gia đã bị lỗ cả vốn gốc rồi.
Hạ Ảnh lại không hiểu lời Ôn Uyển nói: "Quận chúa muốn kéo Văn gia xuống ngựa sao? Quận chúa, mặc dù bây giờ, Văn gia không bằng trước kia, nhưng lạc đà gầy còn hơn ngựa béo. Tất nhiên, chúng ta không sợ Văn gia, nhưng làm thế không có lời." Phải nhớ rằng, muốn kéo Văn gia xuống ngựa, thì chắc chắn Ôn Uyển cũng phải trả giá rất nhiều. Nếu có thể nhận được lợi ích lớn thì không có gì. Nhưng đáng tiếc, Ôn Uyển không nhận được lợi ích nào cả, thật sự không có lời. Ý kiến của Hạ Ảnh chính là phản đối (gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, chỉ đơn giản như thế thôi, mọi người đều học theo Ôn Uyển).
Ôn Uyển cười khẽ một tiếng: "Văn gia, ngoại trừ một mình Văn Dược ra, thì không còn một đứa con cháu nào xuất chúng cả. Mà Văn Dược lại bảo thủ, con đường làm quan cũng chỉ tới đây. Không cần ta ra tay, Văn gia cũng sẽ kết thúc. Đừng quên, thế nhân đều thích dệt hoa trên gấm, chứ không có hứng thú với chuyện đưa than trong ngày tuyết rơi. Ừ, cũng rất có hứng thú với chuyện bỏ đá xuống giếng. Chứ đừng nói đến, Văn gia cũng được xem như một khối thịt béo." Mặc kệ như thế nào, thì Văn gia có không ít người đang ở trong quân doanh. Nhưng đồng thời, Văn gia cũng có không ít kẻ địch.
Quan điểm của Hạ Dao lại bất đồng: "Văn thái sư vẫn còn, nên Văn gia sẽ không ngã được." Cây cột trụ của Văn gia vẫn còn, dù gì thì Hoàng đế cũng phải cho ba phần mặt mũi.
Ôn Uyển cười đến không thể ngừng: "Hạ Dao, ngươi thật biết nói đùa. Ngươi cũng không nhìn xem, năm nay, Văn thái sư đã bao nhiêu tuổi? Đã hơn chín mươi rồi, hiện tại, thân thể cũng suy yếu, ta nghe nói còn bệnh đến hồ đồ, không để ý tới chuyện gì. Thái y nói, nhiều nhất là hai năm, Văn thái sư sẽ mất, cái cơ ngơi Văn gia đồ sộ này cũng sẽ đổ." Còn có một tin tức quan trọng mà Ôn Uyển chưa nói, đó chính là Hoàng đế cũng muốn Văn gia rơi đài. Bằng không, thì tại sao Thích Hoàng quý phi cũng có thể sinh ra một trai một gái, mà Văn quý phi lại không sinh được đứa con nào. Bởi vì Thích Tuyền lập nhiều chiến công hiển hách cho triều đình, hơn nữa, lúc trước mặc dù Thích gia không ủng hộ Hoàng đế, nhưng cũng không ủng hộ Triệu Vương, mà vẫn luôn đứng trung lập. Nhưng Văn gia thì khác, Văn gia và Triệu Vương có quan hệ thân thiết, bên ngoài không có, nhưng bên trong luôn lén gây rắc rối cho Hoàng đế. Dựa theo tính tình có thù tất báo của Hoàng thượng mà có thể nhẫn nhịn nhiều năm như vậy, chính vì niệm tình Văn thái sư là nguyên lão bốn triều. Lúc trước, thanh danh của Hoàng đế không tốt, nên không muốn động đến Văn thái sư để phải mang danh phụ tình phụ nghĩa, vì vậy mới ẩn nhẫn mà không hành động. Văn gia cũng không phải kẻ ngu, âm mưu muốn quân quyền hải khẩu, chính là vì để giữ lại một đường lui cho Văn gia. Nhưng đáng tiếc, không xuống tay nhanh bằng nàng.
Hạ Dao trợn mắt một cái: "Mười năm trước, thái y đã nói, Văn thái sư chỉ còn hai năm, nhưng không phải bây giờ vẫn sống khỏe mạnh đấy thôi? Cho nên, mọi chuyện đều phải từ từ." Nói không chừng lão nhân kia có thể sống qua một trăm luôn đó, chuyện này, ai nói đúng được đây?
Ôn Uyển cũng không nói nhiều nữa: "Thẩm án tử, chúng ta chỉ đến nghe, ta chỉ cần hiểu rõ mọi chuyện trước sau, bảo đảm bọn họ không bị hãm hại, vu oan giá hoạ thôi. Những cái khác thì không cần quan tâm nhiều. Chỉ là, chính vụ của hải khẩu vẫn cần chúng ta phải phí tâm."
Hạ Ảnh biết đây là nhiệm vụ của mình.
← Ch. 1168 | Ch. 1170 → |