Vay nóng Tinvay

Truyện:Thật Ư? Thật Ư? Phải Là Hồng Phai Xanh Thắm - Chương 044

Thật Ư? Thật Ư? Phải Là Hồng Phai Xanh Thắm
Trọn bộ 236 chương
Chương 044
… Sau này nàng biết gả cho ai?
0.00
(0 votes)


Chương (1-236)

Siêu sale Shopee


Nơi khác thì Minh Lan không biết, nhưng phong tục ở Hựu Dương thì không có màn "náo động phòng", thêm nữa, lượng tin tức Minh Lan tiếp nhận quá nhiều, cho nên Phẩm Lan và Minh Lan đã sớm tắm táp rồi đi ngủ.

Chị dâu mới Khang thị có cái tên rất là Hàn Xẻng['] - Duẫn Nhi ['], sáng sớm hôm sau thì kính trà hai vị lão phu nhân và cha mẹ chồng. Minh Lan cẩn thận để ý, quả nhiên là khéo léo điềm đạm, thẹn thùng đáng yêu, rồi lại nhìn anh họ Trường Ngô ở bên cạnh cười ngây ngô như qủa bí to, xem ra tối qua vô cùng hài hòa.

['] Hàn Xẻng là từ tớ dùng, nguyên tác là Cáp Hàn, dùng để chỉ thanh thiếu niên Đài Loan bị cuồng văn hóa Hàn Quốc.

['] Duẫn Nhi phiên âm giống Yuna đó:D

Thịnh Duy cùng Lý thị đều thực sự yêu mến con dâu mới, tặng cho một cái hồng bao thật dày cùng với một đôi vòng phỉ thúy long phượng màu nước biếc hảo hạng. Khang Duẫn Nhi đội mũ ngũ phượng triêu dương (năm phượng chầu trời) run rẩy, đỏ mặt nhận quà. Lý thị e ngại con dâu cả nên không nói thêm gì về khai chi tán diệp (con cháu đầy đàn), chỉ ôn hòa bảo ban vài câu "chị em dâu hòa thuận".

Sau khi thỉnh an, Phẩm Lan lén nói cùng Minh Lan, hồi môn Khang Duẫn Nhi đem tới còn chả nhiều bằng lúc Thục Lan gả cho Tôn tú tài. Minh Lan thoáng nhìn Phẩm Lan không hề biết đến tâm cơ - xem ra Khang gia quả thực có vẻ sa sút, khó trách Duẫn Nhi tuy là con dòng đích có cha mẹ đều là dòng dõi thế gia lại chịu gả thấp (so về dòng dõi thì nhà Thịnh Duy là thương nhân kém hơn nhà họ Khang cả hai bố mẹ đều là thế gia vọng tộc). Có điều Tái ông không mất ngựa làm sao gặp may mắn, cứ nhìn dâu cả Văn thị vài năm chưa có con mà cả chồng lẫn cha mẹ chồng đều bảo hộ như trước mà xem, Duẫn Nhi hẳn cũng là có phúc.

Nghĩ đến đây Minh Lan nhịn không được thở dài, ông trời ơi, vì sao mấy nam nhân cổ đại tử tế nàng biết đều là thân thích trong vòng ba đời vậy! Cũng không biết bạn đời của nàng sau này trông ra làm sao nữa, nếu mà gặp phải người như anh rể Tôn, chắc nàng chỉ còn nước lựa chọn giữa hồng hạnh (hồng hạnh xuất tường = ngoại tình đó) hoặc là bách hợp (=lesbian) mà thôi, hu hu ~ ~ ~

Nhìn vào biểu hiện mấy ngày sau, Thịnh lão phu nhân lần này làm mai tốt vô cùng, Khang Duẫn Nhi khiêm tốn lễ phép, cung kính với chị dâu cả, nhã nhặn với em chồng, có điều cực kì rụt rè, hở một tí là thẹn thùng, ấy thế nhưng phối với Trường Ngô tùy tiện lại là hợp.

Duẫn Nhi đặc biệt cung kính với Thịnh lão phu nhân. Có lần lúc gắp thức ăn, khi biết Thịnh lão phu nhân thích món rau chay xào vừng, chị ấy bèn liên tục gắp thêm món đó vào bát Thịnh lão phu nhân, đến mức Thịnh Vân lúc ăn cơm cũng phải nói ghẹo: "Đều nói cô dâu mới động phòng, vứt luôn bà mối ra ngoài tường, đứa cháu dâu này của ta thế mà không quên bà mối chút nào đâu nhé! Quả nhiên là đứa trẻ ngoan, không quên gốc rễ!"

Duẫn Nhi xấu hổ đến chin nhừ cả hai tai, hận không thể chui tọt vào bên trong. Bà bác đánh Thịnh Vân hai cái, chính bản thân minh cũng không nhịn được mỉm cười. Ăn cơm ở gian bên cạnh, Phẩm Lan hận bản thân mình không ở hiện trường, không thể chen vào một cước, chị ta đặc biệt thích đùa bà chị dâu mới hay ngại ngùng này. Mỗi lần như thế Minh Lan lại rút đao tương trợ, ngăn cản Phẩm Lan trêu người, hơn nữa có Trường Ngô đuổi theo phía sau giáo huấn, Phẩm Lan cũng không thể thực hiện ý đồ, hai anh em thường trêu đùa ầm ĩ.

Lý thị thấy gia đình hòa thuận thì lấy làm vui mừng, nhưng nghĩ tới con gái cả Thục Lan, lại không khỏi u ám, chỉ niệm A di đà Phật trong lòng, hi vọng con trai con gái mọi sự đều mỹ mãn hòa hợp.

Sau hôn lễ bảy ngày, trên dưới Thịnh gia đồng loạt đi từ đường bái tổ tiên. Con trai cắt thịt dâng cúng xong sẽ lui ra để nữ quyến bước tới bái lạy, hạng mục quan trọng nhất chính là giới thiệu Duẫn Nhi trước bài vị tổ tiên và để các cụ còn sống trong tộc nhận cháu, sau khi nhập tịch, Duẫn Nhi sẽ thành người nhà họ Thịnh.

Họ Thịnh phát tài muộn, cho nên tổ tiên đã mất không nhiều người lắm. Minh Lan sau khi bù đầu bù cổ bái lạy, chốc chốc thắp hương, chốc chốc lại dập đầu, đầu óc vô cùng váng vất chợt nhớ lại sau khi Duẫn Nhi được ghi tên vào gia phả, bà bác cùng bà nội mình và mấy cụ bà trong tộc có nói mấy câu, tiếp đó tộc trưởng Thịnh Duy liền viết thêm mấy chữ, là chữ gì nhỉ?

Ngồi xe ngựa trở về, Minh Lan liền nhịn không được hỏi lão phu nhân, ai ngờ lão phu nhân lại thản nhiên quăng ra một câu nặng tựa trái bom: "Ghi tên con dưới danh nghĩa của mẹ cả, sau này con cũng sẽ giống Như Lan."

Minh Lan trố mắt, một lúc sau mới lắp bắp: "Sao ạ, sao thế được ạ...? Quá, hự, mẫu thân biết không ạ?" Thịnh lão phu nhân liếc Minh Lan môt cái, mặt không đổi sắc: "Bà báo cho nó rồi."

Suy nghĩ của Minh Lan quánh lại như keo, ngơ ngác ngồi trong xe ngựa: lão phu nhân hành sự gọn gàng lưu loát, trước đó không để lọt tin tức nào, sự đã thành mới bâng quơ nói ra. Minh Lan có đầy một bụng những lời muốn nói lại chẳng biết bắt đầu từ đâu, cuối cùng chỉ ôm cánh tay bà nội lắc lắc, vùi đầu vào lòng bà, khẽ nói: "Cảm ơn bà nội, khiến bà phải hao tâm."

Lão phu nhân khép hờ nửa mí mắt, chỉ nói một câu: "... Nói thừa."

Rèm nhung gấm màu thạch thanh khẽ lay động, Minh Lan lẳng lặng ngẩng lên nhìn, nàng biết chỉ có ghi tên dưới danh mẹ thì mới coi là con dòng chính, thật ra như vậy chẳng qua chỉ là gọi cho xuôi tai mà thôi, thân bằng cố hữu ai chả biết nàng là con vợ lẽ, có điều đến cuối cùng, khi kết hôn nàng sẽ có thể diện hơn một chút.

Minh Lan bỗng cười thầm, sau này Như Lan muốn nhiếc nàng "con vợ lẽ" cũng không được nữa rồi ...Minh Lan chợt giật mình, kéo tay áo bà nội khẽ hỏi: "Chị Tư, chị ấy cũng nhập tên dưới danh phu nhân sao?"

Thịnh lão phu nhân hé một mắt ra, chỉ thản nhiên nói: "Con không tranh giành với Như Lan, Mặc Lan ... Còn phải xem cái số của nó."

Minh Lan suy nghĩ hiểu chỗ được chỗ chăng, xem ra là ghi dưới danh phận của Vương thị, cũng không đề cập tới việc nàng sẽ ngang hàng với Như Lan. Nàng vẫn như trước kém Như Lan một bậc, nếu nàng mà phát sinh xung đột lợi ích với Như Lan, vậy thì ...

Minh Lan gượng cười, hóa ra chỉ là hàng nhái thôi, có điều cũng được, méo mó có hơn không.

Lại nửa tháng nữa trôi qua, Trường Ngô phải hồi kinh nhậm chức trung uy vệ trấn phủ. Lý thị dầu không nỡ xa con trai nhưng cũng biết được chức quan giành được lần này khiến biết bao người tranh nhau vỡ đầu, ít nhiều cũng nhờ Thịnh Hoành dùng mọi cách thu xếp mới đạt được. Chỉ có Khang Duẫn Nhi là thấp thỏm bất an, vô cùng sợ mẹ chồng mở miệng bắt chị ấy lưu lại, kinh thành phồn hoa như vậy, Trường Ngô một thân một mình làm sao mà thủ thân được? Chỉ e tới lúc phu thê hội ngộ lại nhiều thêm mấy đứa vợ lẽ, lại ngẫm đến mẹ mình mà tủi thân.

Nghĩ tới đây, Khang Duẫn Nhi trong lòng buốt lạnh một hồi, không biết làm gì hơn là cúc cung tận tụy hầu hạ cha mẹ chồng, ngủ muộn dậy sớm mọi việc nhún nhường, càng khiến cho trên dưới phủ Thịnh thêm phần yêu mến.

Vào một ngày kia lúc thỉnh an lão phu nhân, Lý thị nói đến việc này, không khỏi thở dài: "Con trai cháu phải chạy vạy công danh, cháu làm mẹ cũng không nên cản trở, chỉ thương cháu nó còn nhỏ đã phải xa cha mẹ, khi nào hồi kinh còn nhờ thím chiếu cố một hai."

Duẫn Nhi đứng ở một bên, trên trán lấm tấm mồ hôi, Lý thị quay đầu lại nhìn chị ấy một cái, chậm rãi nói: "Con dâu mới vào cửa được vài ngày, ta cũng không yên tâm cho lắm, muốn con ở lại để ta dạy dỗ thêm mấy hôm, Duẫn Nhi, con thấy thế nào?"

Duẫn Nhi trong lòng lạnh băng, vành mắt nóng hổi, nhưng vẫn mạnh mẽ cười như cũ: "Có mẫu thân dạy dỗ, con dâu vui mừng còn chả kịp."

Minh Lan vốn đang tựa vào bà nội ngủ gật, lúc này hơi tỉnh ngủ, nhịn không được chen miệng vào: "Bác cả, hãy để chị dâu đi theo anh hai tới kinh thành đi." Lý thị cố tình hỏi: "Vì sao?"

Minh lan ngượng ngùng nói: "Cái này, là con lưu luyến chị dâu ạ." Lý do này rất kém thuyết phục, chả ai tin cả, Minh Lan bèn khẽ thêm vào một câu: "Chuyện đó... Thực ra là anh Ngô không nỡ rời xa."

Duẫn Nhi mặt mũi đỏ bừng, tuy biết Minh Lan chẳng qua là nói lời trẻ con, nhưng trong lòng cũng cảm kích, lén phát ra ánh mắt biết ơn.

Lại thêm mấy ngày nữa trồi qua, con dâu cả Văn thị được đại phu chẩn mang thai ba tháng. Thịnh Duy và Lý thị vui mừng quá đỗi, nói hẳn là do Duẫn Nhi đem may mắn tới. Văn thị nghe xong cũng tin là thật, vô cùng cảm kích em dâu. Chị em dâu nắm chân nắm tay trò chuyện hồi lâu.

Kỳ thực Lý thị không phải mẹ chồng xấu, chỉ là bác ấy e ngại Duẫn Nhi xuất thân nhà quan, không có cha mẹ chồng kiềm chế sẽ được chiều mà sinh hư, ở kinh thành cậy có Vương thị làm chỗ dựa mà coi thường con trai mình. Giờ ngẫm lại thôi quên đi, sau này mà không ổn thì gọi con dâu về là được mà. Duẫn Nhi mừng suýt khóc, cũng không dám lộ rõ ra mặt, chỉ khéo léo nghe Lý thị dặn dò ở kinh thành làm sao chăm sóc chồng, mấy ngày sau thì hồi kinh cùng Trường Ngô.

Phủ Thịnh dần dần yên tĩnh trở lại, một ngày gió thu dần ngừng thổi, trời bắt đầu ấm, sau khi ăn điểm tâm xong Thịnh lão phu nhân nói với Minh Lan: "Minh nhi, con theo bà nội vào thành sắm sửa đi."

Minh Lan đứng trước bàn cắt vải, ở bên cạnh Đan Quất lấy thước đo, Thúy Vy lật mấy tấm vải hoa, Tiểu Đào ở một bên lo trà nước. Đã nhiều ngày nay, Phẩm Lan bị bác gái cả bắt phải xem sổ sách, Minh Lan rảnh rỗi bèn nghĩ tới làm cho chị dâu họ Văn thị cái yếm trẻ con, nghe vậy thì ngẩng đầu, cũng không phản ứng mấy, thuận miệng nói: "Vào thành ạ? Chúng ta không phải đang ở trong thành sao?"

Hựu Dương không phải huyện thành sao? Chẳng nhẽ lại là trấn quê.

Thịnh lão phu nhân cười nói: "Đứa trẻ ngốc, đợi đến lúc tới Kim Lăng con sẽ biết thành là như thế nào. Chúng ta về nhà cũ xem xét một chút, mấy năm rồi chưa quay lại đây, rất nhiều vật dụng không dùng đến phải sắp xếp lại, không lại mối mọt hỏng hóc trống rỗng hết cả."

Năm đó cụ Thịnh khi ở riêng đã để lại cho mỗi đứa con một tòa nhà. Bởi vì con trai thứ hai hoàn thành việc chuyển đổi từ thương nhân sang giới trí thức, rồi lại cưới được tiểu thư hầu phủ, cụ bèn để tòa nhà ở Kim Lăng lại cho cậu hai này.

Thịnh lão phu nhân và Minh Lan cùng lên xe ngựa, đưa theo một nửa số nha hoàn hầu gái. Thịnh Duy lo lắng chăm sóc không đến nơi đến chốn, bèn phái thêm bảy tám tôi tớ hầu gái khỏe mạnh. Xe ngựa đã chuẩn bị tốt, một mạch chậm rãi đi tới Kim Lăng. Vừa tới cổng thành Kim Lăng, Minh Lan liền cảm thấy bên ngoài xe ồn ào náo nhiệt khác thường, nhưng mà tiểu thư nhà giàu ra cửa không nên xốc màn xe nhìn ra bên ngoài. Minh Lan chỉ có thể học theo cao thủ võ lâm, ngồi ở trong xe nghe ngóng, dựa vào tiếng hét ở bên ngoài mà đoán xem có những chuyện gì.

Thịnh lão phu nhân thấy Minh Lan ngứa ngáy khó nhịn giống con sóc nhỏ nhấp nha nhấp nhổm, có nín không vén mành lên, rồi dán khuôn mặt nhỏ lên vách xe cẩn thận hóng hớt, bèn thầm thấy buồn cười trong lòng, rồi cố ý không vạch trần nàng, chỉ tiếp tục để nàng chịu đựng.

Tới lúc đến phủ Thịnh, Đan Quất dìu Minh Lan xuống xe, sau đó Minh Lan xoay người đỡ bà nội xuống xe. Ở cổng chính đã sớm có tới mười mấy hầu già đón người. Một lão quản sự đứng đầu tiến lên quỳ xuống hành lễ, cất giọng nói: "Chúng tiểu nhân ở đây cung nghênh lão phu nhân và cô Sáu hồi phủ!" Sau đó một loạt hầu già tạp dịch ở phía sau đều đồng loạt quỳ xuống dập đầu, tiếng hô vang cũng vô cùng có trật tự.

Thịnh lão phu nhân gật đầu, dường như vô cùng hài lòng, phất tay mọi cái cho phép mọi người đứng lên, rồi để Minh Lan dìu, đoàn người nối đuôi nhau vào phủ. Quản sự nhìn thấy lão phu nhân thì vô cùng kích động, dọc đường đi lắp ba lắp bắp nói không ngừng: "Đã rất nhiều năm không gặp chủ nhân, lão nô vui mừng quá. Tòa nhà này trống không chẳng có thần sắc gì cả, lão phu nhân có muốn ngồi kiệu trúc đi xem một vòng phủ không, ái chà, đây là cô Sáu ạ! Lão nô vẫn chưa được gặp bao giờ, giống hoa chân trâu cây ngọc thạch quá, quý phái quá!"

Thịnh lão phu nhân cũng mỉm cười nói: "Nhà không có người ở, lạnh lẽo cũng phải thôi, cũng không cần đi xem làm gì, ta thấy ông đáng tin, thằng nhóc nhà ông hầu hạ bên cạnh Bách nhi đắc lực lắm."

Lão quản sự nghe thấy cháu trai mình được chủ nhân khen ngợi, hớn hở ra mặt, vui vẻ nghênh đón mọi người ngồi xuống chính đường. quản sự vội gọi tôi tớ trong phủ tới dập đầu với Thịnh lão phu nhân. Minh Lan được nghe đủ kiểu khen nịnh, đến mức hai tai ong ong, chẳng nhớ được ai với ai, bận bịu cả buổi, mãi mới yên được.

Thịnh lão phu nhân dẫn theo Minh Lan vào bên trong, rẽ qua mấy sao gian, rồi lại vòng qua mặt sau nhà kho, cuối cùng đi tới một gian nhà âm u vắng lặng. Phòng ma ma đã chờ ở đó từ lâu, Thịnh lão phu nhân thấy bà, thản nhiên nói: "Đồ đạc đều mang ra đây cả rồi chứ?"

Phòng ma ma khom người đáp vâng, sau đó dẫn Thúy Vy Đan Quất và đám nha hoàn hầu gái đi ra ngoài, trong phòng chỉ con lại hai bà cháu.

Những hành động này khiến Minh Lan thấy mơ hồ, nhìn thấy dáng vẻ thần thần bí bí của bà nội, dường như phải dặn dò điều gì đó. Nàng vừa quay đầu lại đã thấy Thịnh lão phu nhân ngồi trên một chiếc ghế gỗ cũ kĩ, sau đó bà chỉ vào bảy tám cái rương chỉnh tề trên mặt đất, nói với Minh Lan: "Những thứ này đều là hồi môn của bà nội khi xưa." Nói rồi nhẹ nhàng hất miệng, dường như có vẻ trào phúng, lại nói thêm nửa câu, "Cũng chỉ còn lại ngần này."

Minh Lan sững người nhìn mấy cái rương, Thịnh lão phu nhân có ý bảo nàng mở ra. Minh Lan bèn đi tới từng cái rương đã mở khóa nhấc nắp lên. Sau đó một mùi ẩm mốc xông thẳng vào mũi, Minh Lan ho khan một trận, chà, cũng phải đến ba mươi năm chưa mở ra ấy nhỉ! Cũng không biết có bị nhiềm vi khuẩn có hại từ nấm mốc hay không nữa, cô gắng mở mắt ra nhìn, đen thùi tích đầy bụi bặm, phía trên còn có một ít mạng nhện giăng vào, chỉ có thể lờ mờ nhìn ra những món sứ món đồng đồ cổ các kiểu, hai rương nhỏ cuối cùng khóa rất chặt, bên trong rương gỗ trắc nặng trịch dường như còn có một lớp rương sắt.

Ánh mắt Thịnh lão phu nhân thẫm lại, tựa như nhớ tới rất nhiều chuyện cũ, lẳng lặng nói: "Vốn là còn hơn mười rương vải vóc hạng nhất, lụa là gấm vóc đủ kiểu, đã bảo người một đuốc đốt hết đi rồi. Có có mấy thứ bị bà đổi thành bạc, thu xếp quan hệ đều cần đến bạc, dù sao cũng không thể để cha con hai tay trắng bôn ba quan trường được, trước đây từ hầu phủ đưa tới, giờ chỉ còn lại nhiêu đấy thôi... Cho con đấy."

Minh Lan vừa ho khan, suýt chút nữa thì sặc, vội vàng trả lời: "Đồ của bà nội để lại cho các anh là được rồi, hì hì, cho con bạc là được mà." Đừng đùa chứ, nếu mà nàng khiêng mấy thứ này ra ngoài, còn không bị Vương thị bóp chết, hoặc là anh Trường Bách chưa chắc đã đối xử tốt với nàng nhé.

Thịnh lão phu nhân dường như không nghe thấy, nói: "Mấy anh chị em con, ngoài đồ cưới do cha con cho, bà theo lệ sẽ cho mỗi người thêm một nghìn lượng bạc, con trai dòng đích dòng thứ có khác biệt, anh cả con cưới vợ bà cho một nghìn rưỡi lượng bạc, hai anh còn lại bà cho mỗi đứa tám trăm lượng là được rồi. Bà cả đời ở nhà họ Thịnh, tình cảm với ông nội con coi như đã trả hết, những rương hòm này của bà không liên quan gì đến họ Thịnh cả."

Lời nói bình thản, thế nhưng cứ như lời trăn trối, Minh Lan thấy đau lòng. Cần biết rằng của hồi môn của Dư Yên Nhiên tổng cộng cũng chỉ đến một ngàn rưỡi lượng bạc, đây là Dư các lão thương xót nàng gả xa nhà mà trợ cấp, đương nhiên từ một phương diện khác điều này phản ánh Dư các lão rất thanh liêm, Dư đại nhân thì vô cùng keo kiệt.

Minh Lan đi tới nắm tay bà nội, nhẹ nhàng khuyên nhủ: "Bà ơi, cứ để lại cho anh cả thôi, anh ấy mới là con cả đích tôn nhà ta mà." Thịnh lão phu nhân rất lâu mới lấy lại tinh thần, nhìn Minh Lan, ánh mắt kia kì dị đến mức làm lòng người sợ hãi, rồi chậm rãi nói: "Cái rương này không dám nói là vô giá, nhưng cũng đủ cho con một đời không phải nghĩ, con thật sự không cần à?"

Minh Lan thở dài, dứt khoát nói: "Nói thật lòng, thứ tốt ai mà chả thích, nhưng mà nồi nào úp vung nấy, cho nên của con thì chính là của con, không phải dành cho con con quyết không dùng ... Những đồ quý đó là để cho chị cả gả tới nhà anh rể thì mới đủ xa hoa, chứ như con thì làm sao mà nhận được? Còn nữa ..." Dưới cái nhìn đầy hứng thú của bà nội Minh Lan không nói được nữa, ngượng ngùng nói nốt: "Nói chung là, cháu gái tuổi còn nhỏ, nếu có phúc phận ắt sẽ có ngày lành, mấy đồ đồng đồ cổ này hay là thôi đi bà."

Ở cổ đại, tiền không phải vạn năng, nếu như không có năng lực và gia thế tương ứng bảo hộ, thương nhân có tiền dễ dàng bị quan phủ hoặc nhà quyền quý tống tiền, khinh bỉ. Thịnh Duy càng ngày càng phát tài mà không gặp trắc trở nào, cho dù có em trai họ làm quan thì cũng vẫn phải hòa thuận với quan huyện lệnh thất phẩm thành Hựu Dương thay đổi mỗi nhiệm kỳ. Lý gia vì sao sống chết cũng muốn con trai học hành làm quan, nhà bọn họ đều sớm giàu có, cũng là cùng một đạo lý mà thôi. Nếu chỉ vì mấy cái rương đồ đạc này nọ mà đắc tội với Vương thị và Trường Bách, vậy thì lợi bất cập hại rồi.

Thịnh lão phu nhân nhìn Minh Lan buồn cười: "Ai nói bảy tám cái rương này đều cho con hết?"

Minh Lan dừng lại, được rồi, là nàng cả nghĩ, không thể làm gì hơn là xấu hổ cười cười, Thịnh lão phu nhân chỉ vào hai cái rương cuối cùng nói: "Đây mới là cho con, đều là ngọc ngà trang sức bà đã từng dùng, nồi nào úp vung nấy bà biết, sẽ không để con vượt ra khỏi khuôn phép đâu." Rồi lại dịu dàng nói, "Con mắt sáng tâm sáng, có thể không tham lam tiền bạc, bà rất vui, những đồ này cho con đặng không uổng. Mấy cái rương kia cũng không phải để cho anh cả con, sau này bà nội tự có dự định khác, con hôm nay được nhìn thấy, đây đều là đồ cổ tiền triều đấy."

Minh Lan níu tay Thịnh lão phu nhân nịnh nọt, lí nhí nói: "Con nhìn chả biết gì cả, bà giải thích cho con với."

Thịnh lão phu nhân trừng mắt với nàng, đành phải dắt cháu gái tới phía trước cái rương, nói rõ xuất xứ tên gọi từng cái từng cái một, Minh Lan nghe ngóng, bỗng thốt lên một câu: "Nếu không thì hay là bà cũng giữ lại nốt hai rương này đi."

Lão phu nhân lần này thực sự kinh ngạc, nheo mắt nhìn cháu gái. Minh Lan lưỡng lự một hồi, vẫn nói tiếp: "Cha, mẫu thân, còn có các anh các chị tất nhiên đều vô cùng hiếu thảo! Nhưng mà bà nội dù sao cũng phải giữ lại chút bạc chứ, có lương thực trong tay tâm không e sợ..."

Kỳ thực nàng muốn nói thế này, trăm con nghìn con cũng chẳng bằng tiền trong tay, huống hồ con này còn chẳng phải con ruột, đây là tâm huyết của cô thư ký nhỏ quanh năm công tác tại tòa án dân sự đó.

Lão phu nhân cảm động, dịu dàng nói: "Con ngoan, con yên tâm, quan tài của bà đầy tiền."

Trong phủ có không ít hầu già vốn là thị tì của lão phu nhân, bà còn phải hàn huyên với bọn họ, sợ Minh Lan buồn, bèn bảo nàng đi dạo trong vườn, Minh Lan bĩu môi: "Con không thích đi dạo trong vườn đâu." Nàng còn tưởng là đi dạo phố cơ.

Thịnh lão phu nhân xụ mặt nhét vào tay nàng một bàn tính nhỏ: "Thế thì luyện tập một chút đi, ngay cả một trăm cũng đánh không xong, coi chừng sau này lấy chồng, quản gia cũng nên hồn." Minh Lan u oán nhòm bà nội, nghĩ ngợi đôi chút, đau khổ nói: "Thôi, thế con đi dạo vậy."

Người ta đã trải qua toán tiểu học, sơ trung, cao trung['] uyên thâm rồi có được không, cái cơ bản nhất chính là tính nhẩm đó!

['] Cách phân chia hơi khác với HTGD Việt Nam. Tiểu học 6 năm, sơ trung 3 năm, cao trung 3 năm.

Minh Lan chẳng hề lấy làm vui thích mà dạo quanh hồ một vòng, sau đó ngồi trên một tảng đá dưới một gốc liễu héo vàng, hai tay chống vào gò má, ngẩn người trông ra hồ: Nước hồ Kim Lăng trong trẻo sóng gợn, cực kì khác biệt với Sơn Đông, phản chiếu gương mặt nhăn nhó đau khổ của Minh lan. Minh Lan bỗng nổi tính trẻ con, nhặt một cục đá, cứ một viên lại một viên lia lung tung vào trong hồ.

Ngay cả đồ cưới cũng chuẩn bị xong xuôi, xem ra bà nội đã tính toán hôn sự cho mình đâu ra đấy. Không cho nàng hỏi, dù cho thương nàng đến mấy, dù cho bị nàng dỗ dành đến mê mẩn, Thịnh lão phu nhân trước sau như một vẫn cự tuyệt không để nàng tham gia bàn bạc hôn sự. Nghe nói năm ấy hôn sự của bà là do bà tự định đoạt, kết quả thì ... Ở tiệc Trâm Hoa trộm nhìn thấy vị thám hoa mới đỗ đạt, nghe người ta ngâm dăm câu thơ, trúng tình ngay tại trận, cãi lại lời cha mẹ yêu thương mình, tự gả cho Thịnh gia, chỉ sau tân hồn vài năm, yêu nhạt tình phai, vợ chồng trở mặt.

Nghe thì giống như thoại bản thời xưa, quả thực nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống là những lẽ có căn cứ. Nhưng mà nàng là người làm việc theo lý trí pháp luật nhá. Nàng sẽ không nhất kiến chung tình rồi ngơ ngơ lập gia đình bừa bãi! Minh Lan rất đau buồn tiếp tục ném đá, nàng thực sự rất muốn biết bạn đời tương lai của mình là ai.

"Em Minh Lan." Tiếng nói trong trẻo của một thiếu niên vang lên.

Minh Lan ngơ ngác ngẩng đầu, nhìn dáo dác xung quanh một vòng, mới thấy quả nhiên có một thiếu niên tuấn lãng đang đứng. Anh ta đang bước về phía này, nhìn Minh Lan sững người. Hạ Hoằng Văn vừa đi vừa nói: "Em không biết tôi sao?"

Minh Lan cười xán lạn, đứng lên cúi chào di dỏm: "Anh Hoằng Văn, em ở bên này xin chào anh ạ!"

Hạ Hoằng Văn đi ba bước tới chỗ Minh Lan rồi dừng lại, chắp tay khom người: "Hôm nay bà nội đưa anh theo tùy tiện tới thăm, thất lễ thất lễ."

Minh Lan thấy Hạ Hoằng Văn vận áo tang màu trắng liền nghiêm mặt nói: "Đám ma cụ ngoại anh, em và bà nội vốn muốn đi, nhưng mà ..." Hạ Hoằng Văn vội xua tay, cười ôn hòa: "Các em vốn là đến ăn cưới, ở nhà bác trai, việc hiếu hỉ trùng nhau là không tốt, em không đến là đúng rồi."

Minh Lan trầm giọng nói: "Hạ lão phu nhân hẳn là đau buồn lắm."

Hạ Hoằng Văn đi tới, nhìn Minh Lan, nhã nhặn nói: "Bà nội rộng lượng, câu cửa miệng nói làm người có sống có chết, đây là số trời, cụ ngoại như vậy cũng là thọ, mất khi đang say ngủ, coi như là hỉ tang. Chết thì có gì đáng sợ?"

Minh Lan ngẩn ra, gật đầu nói: "Hạ lão phu nhân nói rất có lý, em không sợ chết, chỉ lo sống không được vui vẻ."

Hạ Hoằng Văn nghe xong thì cười nói: "Tôi cũng không sợ chết, chỉ sợ không sống lâu mà thôi."

Minh Lan cuối cùng cũng bật cười, Hạ Hoằng Văn thấy nàng nở nụ cười mới hỏi: "Ban nãy em làm sao mà mặt ủ mày chau thế? Anh họ em cưới vợ lì xì thiếu tiền cho em sao?"

Minh Lan lắc đầu, bi thương nói: "Em không gảy bàn tính, bà nội bảo em sẽ phá sản mất." Đương nhiên nàng không thể nói mình lo lắng vì chuyện cưới đui gả mù['], buộc lòng phải thuận miệng bịa một câu.

[']nguyên văn "manh hôn ách giá" ý chỉ hôn nhân do cha mẹ bề trên sắp đặt, không được gặp mặt, biết trước hay tiếp xúc với đối phương.

Hạ Hoằng Văn bật cười: "Thế đã là gì, ngày bé tôi còn lấy cao nhân sâm ném cho cá vàng ăn cơ, lãng phí không biết bao nhiêu, cá vàng còn chẳng thèm vào, cha tôi đuổi theo phía sau mắng tôi là đồ phá của." Nhớ tới người cha đã mất, nét mặt Hoằng Văn buồn bã.

Minh Lan lắc đầu nguầy nguậy: "Bác ấy mắng sai rồi, đây không phải phá của mà là lang băm! Lỗi của hai đứa mình hoàn toàn không giống nhau tí nào, xin đừng lấy ra để dỗ em."

Hạ Hoằng Văn hì một tiếng, không khỏi mỉm cười, chỉ nhìn Minh Lan lắc đầu liên tục. Chàng thiếu niên điềm đạm ung dung, tiếng cười ấm áp trong trẻo, non xanh nước biếc, gió thu hiu hiu nhàn nhạt hương cỏ nội, Minh Lan chợt thấy cõi lòng thoáng đãng.


Kiếm Hiệp 4.0
Phiên bản dành cho Android tại đây!
Chương (1-236)