Đơn vị mới, ông chủ mới, hoàn cảnh mới…
← Ch.010 | Ch.012 → |
Minh Lan giờ không còn bãi công liên tục như thế nữa. Nhớ hồi trước, nàng cũng là một đứa trẻ ngũ giảng tứ mỹ['] cần cù ngoan ngoãn, chịu thương chịu khó, đeo khăn quàng đỏ vào Đội thanh thiếu niên Tiền Phong, rồi lại vào Đoàn thanh niên Cộng Sản. Nàng luôn được làm cán sự, tứ bé đến lớn mặc dù chưa được làm chức lớp trưởng, nhưng cũng thường được bầu làm bí thư, lớp phó. Nếu là lớp phó tuyên truyền thì phải viết báo cáo thành tích lên bảng đen, nếu làm lớp phó tổ chức thì đưa mọi người đến hỏi thăm sức khỏe thầy, cô giáo lúc ốm đau, nếu làm lớp phó Anh ngữ thì giúp mọi người học phát âm, nếu làm cán sự học tập thì nàng từng tổ chức thành công một bộ phận "nhất điều long" ['], ngoại trừ năm lớp năm làm lớp phó sinh hoạt giữa đường bị cách chức thì còn lại căn bản nàng vẫn là cô bé ngoan ngoãn được thầy cô yêu mến, bạn bè tín nhiệm.
["] Ngũ giảng tứ mỹ là hai tiêu chuẩn đánh giá của Trung Quốc, được ban hành vào đầu năm 1980 để tuyên truyền phổ biến các nội dung tư tưởng của hoạt động giáo dục. Trong đó, ngũ giảng bao gồm ăn nói văn minh, lẽ phép, lịch sự, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, có trật tự, có đạo đức; Tứ mỹ bao gồm tâm hồn đẹp, lời nói hay, hành động đúng mực, hoàn cảnh tốt.
['] Nhất điều long xuất phát từ ngành bảo tàng, ý chỉ một bộ phận đảm đương ba nhiệm vụ: lưu trữ, trưng bày, tuyên truyền.
Chưa bao giờ Minh Lan nghĩ, nơi này lại khiến nàng biết thế nào là xuống dốc không phanh. Đợt này, nàng đi theo Vương thị chuyển đến chỗ ở của Thịnh lão thái thái, nhưng chỉ có con bé Tiểu Đào còn ngốc hơn cả mình đồng ý đi cùng nàng. Những nha hoàn khác nghe nói đến Thọ An Đường thì cáo bệnh hoặc xin nghỉ, nếu không được nữa thì nhờ người nhà đến nói giúp. Mấy ngày trước, có vị ma ma kia còn kêu cột sống thắt lưng đau đến mức không thể làm việc được.
"Tiểu Đào, sao em đồng ý theo ta?" Minh Lan hỏi đầy mong chờ.
"Có thể... không đi cũng được ạ?"
Thế sự xoay vần, cảm giác trống rỗng đầy thất vọng, chán nản ùa đến, Minh Lan nắm lấy tay Tiểu Đào, mắt ủ mày chau rời đi. Nàng cảm thấy mình giống như nạn nhân của cuộc chiến phi nghĩa, giống như một người lạ bị phân đến xí nghiệp gia đình, dù chăm chỉ làm việc đến đâu thì cũng chỉ là công nhân hạng hai, đâu cần biết phía trước như thế nào, hãi, vẫn phải chờ xem đơn vị mới kia ra sao vậy.
Khu nhà Thọ An Đường có năm phòng chính, nằm ở giữa gọi là Minh Đường, tiếp theo đến phòng ở hai bên gọi là sao gian và thứ gian. Phía sau còn mấy phòng để cho đám người hầu ăn ở gọi là nhà sau. Đây là kiểu kiến trúc điển hình ở thời cổ đại, Tứ Hợp Viện, Minh Đường giống như phòng khách ở thời hiện đại, sao gian và thứ gian là phòng ngủ hoặc nơi để thỉnh thoảng nghỉ ngơi. Lão thái thái ngủ ở sao gian bên phải, còn Minh Lan thì sắp xếp vào thứ gian bên trái. Vì ở giữa còn có tấm bình phong màu vàng bằng gỗ chạm trổ hoa lê, nên chỗ ở của Minh Lan gọi là Lê Hoa Thụ.
Tối hôm qua, Phòng ma ma đã thu dọn đồ đạc đến, bài trí rất đơn sơ, môc mạc. Toàn bộ đều dùng gam màu lạnh làm chủ đạo, phối hợp giữa màu xanh mỏ['], màu xanh đen, xanh thẫm...chỉ có nơi Minh Lan ngủ thì dùng gam màu sáng, màu vàng hạnh (màu vàng quả hạnh có ánh đỏ).
['] Xanh mỏ là màu đá azurit.
Vừa thu xếp xong, nha hoàn Thúy Bình trong phòng lão thái thái đến thông báo, bảo là lão thái thái muốn gặp Minh Lan. Minh Lan liền đi theo, đến nơi thấy lão thái thái vận bối tử gấm màu đen thêu hoa văn bát đoàn như ý, nằm tựa lưng trên kháng, mặt kháng còn đặt mấy cuốn kinh thư và mấy chuỗi tràng hạt làm từ gỗ đàn hương, còn treo cả một chiếc khánh bạch ngọc hình mây bé xinh bọc tơ vàng.
Bà thấy Minh Lan liền vẫy tay bảo nàng lại gần. Minh Lan từng thỉnh an mấy lần nên biết lễ, bước tới hành lễ trước, sau đó tự giác đứng trước kháng chếch 45 độ trước mặt lão thái thái, ngẩng đầu chờ nghe giáo huấn. Thịnh lão thái thái thấy nàng học đòi dáng vẻ người lớn cẩn trọng thì cười bế nàng lên kháng, dịu dàng nói: "Con là đứa bé thứ tư bà nuôi dưỡng, ba đứa trước đều không có duyên với bà, không biết con sẽ thế nào? Bà cháu ta nói chuyện với nhau, không cần lễ nghĩa gì đâu, thích nói gì thì nói, nói sai cũng không sao."
Minh Lan mở to đôi mắt, gật đầu. Nàng cũng không muốn nói dối, so với nữ nhân cổ đại suốt ngày toan tính trong nội trạch, nói về bày mưu tính kế, nàng có xách dép cũng không bì kịp.
"Từng đọc sách chưa?" Thịnh lão thái thái hỏi.
Minh Lan lắc đầu, nói nhỏ: "Chị cả muốn dạy con "Thanh luật vỡ lòng"['], mới dạy được hai câu đầu thì đã bận thêu đồ cưới. Lưu ma ma nghiêm lắm, chị cả không trốn đi được."
["]Thanh luật vỡ lòng là một trong những cuốn sách dạy vỡ lòng cho trẻ con Trung Quốc thời xưa, dạy cách viết câu đối và làm thơ theo đúng luật về từ và thanh.
Thịnh lão thái thái trong mắt chan chứa ánh cười, lại hỏi: "Biết viết chữ không?"
Minh Lan trong lòng cười gượng. Nàng vốn biết viết, nhưng ở nơi này thì không chắc lắm, vì thế nhỏ giọng nói: "Con chỉ biết mấy chữ."
Thịnh lão thái thái bảo Thúy Bình lấy giấy bút đến, cho Minh Lan viết thử mấy chữ xem. Mực, nghiên đã đâu vào đấy, Minh Lan vén gấu áo lên, vươn bàn tay bé nhỏ ra, run run cầm lấy bút. Lúc còn bé, nàng từng học một khóa học dùng bút lông ở cung thiếu nhi, chỉ học được tư thế cầm bút và cách viết chữ.
Nàng dùng năm ngón tay ngắn cũn, cầm bút chắc chắn 'ấn, ép, móc, chụm, đỡ', viết lên giấy một chữ "Nhân" xiên xẹo, sau lại viết thêm mấy chữ đơn giản 'chi, dã, bất, dĩ' vân vân.
Lão thái thái vừa thấy tư thế cầm bút của Minh Lan, trong lòng âm thầm khen ngợi. Đứa bé này tuổi còn nhỏ mà tư thế cánh tay, cổ tay lại rất đúng. Cổ tay nâng lên cao, lưng thẳng, ánh mắt tập trung, tuy nhiên tuổi nhỏ sức yếu nên chữ không phong nhã. Minh Lan viết mấy chữ hai, ba nét dễ viết, dễ nhớ xong, cuối cùng viết lung tung thêm mấy nét bao quanh. Lão thái thái lại gần nhìn, cẩn thận phán đoán, hóa ra cái chữ phức tạp kia là chữ 'Thịnh'.
"Ai dạy con viết chữ?". Lão thái thái hỏi, bà nhớ rõ Vệ di nương không biết chữ.
Minh Lan viết mà đổ mồ hôi đầy đầu, lấy bàn tay nhỏ mà quệt quệt trán, nói: "Là chị Năm ạ, chị còn dạy con miêu hồng (tập tô) nữa."
Thịnh lão thái thái bật cười thành tiếng: "Dạy con miêu hồng cơ đấy? E là để con viết chữ thay nó, nó rất nghịch ngợm phải vậy không?"
Minh Lan đỏ mặt, im lặng, thầm nghĩ phụ nữ cổ đại thật lợi hại quá đi.
"Chữ 'Thịnh' này là ai dạy con? Bản mẫu miêu hồng làm gì có". Lão thái thái chỉ vào chữ lộn xộn khó nhận ra mà hỏi.
Minh Lan nghĩ: "Trong nhà chỗ nào cũng có, trên đèn lồng, trên phong thiếp, dạ... Còn có trên cả rương đồ cưới của chị cả nữa."
Thịnh lão thái thái vừa lòng, gật đầu, xoa xoa lên khuôn mặt nhỏ nhắn của Minh Lan, nhưng vừa chạm đến liền nhíu mày. Mấy đứa nhỏ chỉ cần được ăn no, là hai má mũm mĩm, chỉ có khuôn mặt nhỏ của Minh lan nhéo cũng không ra chút thịt nào, vì thế liền nghiêm mặt nói: "Về sau ở chỗ bà, con nên ăn cơm uổng thuốc cho tốt, không được qua loa nữa đâu đấy."
Minh Lan nghĩ mình phải giải thích một chút, thấp giọng nói: "Con vẫn ăn mà, cũng không để lại cơm thừa, chỉ là không có thịt thôi."
Ánh mắt Thịnh lão thái thái ấm áp, nhưng vẫn nghiêm giọng nói: "Bà còn nghe nói con thường nhổ thuốc."
Minh Lan cảm thấy thật oan ức, vuốt nhẹ góc áo, khẽ nhận tội: "Con không muốn nhổ đâu, nhưng bụng con không vâng lời. Con cũng hết cách rồi. Việc này...Ai cũng biết mà!"
Ánh cười trong mắt Thịnh lão thái thái càng đậm nét, nắm lấy bàn tay nhỏ của Minh Lan, giúp nàng vuốt lại góc áo cho phẳng phiu, bà bình tĩnh nói: "Chẳng những bụng con không nghe lời, mà e là đến cả nha hoàn của con cũng chẳng nghe lơi con nói. Thấy bảo chỉ có một tiểu nha đầu theo con đến đây phải không?"
Thịnh lão thái thái cô quạnh đã lâu, hôm nay lại liên tục phì cười, không khỏi muốn trêu đùa một chút, không ngờ đứa cháu gầy gò trước mặt này lại mang vẻ mặt nghiêm túc trả lời: "Con nghe chị cả nói, nước theo chỗ thấp chảy, người với chỗ cao trèo, dù con đi đến đâu, thì cũng không có mấy người tình nguyện theo con."
"Vậy sao con bằng lòng đến đây? Chỗ này bà chỉ ăn chay, cũng không có thịt đâu." Lão thái thái hỏi.
"Không có thịt thì ăn cái gì đó qua loa cũng được, có thể yên tâm ăn cơm là tốt rồi." Minh Lan lắc đầu nguầy nguậy.
Giọng nói trẻ con mang theo chút buồn bã. Lão thái thái nhìn đứa bé một lát, sau đó cũng lắc đầu, ngẩng lên, ôm Minh Lan thở dài nói: "Chỉ còn da bọc xương, vẫn nên ăn thịt đi."
Thực ra, trong lòng lão thái thái muốn nói, cả hai bà cháu ta giống nhau.
Thịnh lão thái thái an bài cho Minh Lan một ma ma mới, họ Thôi, mặt tròn trịa, ít nói, nhưng khá thân thiện, mỗi lần ôm Minh Lan đều cực kì âu yếm. Lão thái thái thấy Tiểu Đào với Minh Lan, chủ tớ hai đứa này đều ngốc như nhau nên lại đưa thêm một người hầu nữa cho Minh Lan, tên Đan Quất. Đan Quất đến, Tiểu Đào liền tự thấy xấu hổ. Nó chẳng qua so với Minh Lan lớn hơn một tuổi, nhưng lại cẩn thận, trầm ổn, chăm sóc chu đáo sinh hoạt hàng ngày của Minh Lan. Tiểu Đào là người mua từ ngoài vào, còn Đan Quất là con của tôi tớ trong viện, mẹ của nó trông coi thôn trang bên ngoài. Vì trong nhà nhiều con, cha mẹ không nuôi nổi nên từ khi còn bé nó liền được đưa vào phủ, sau đó, được Phòng ma ma chọn trúng đưa đến Thọ An Đường hầu hạ.
Thịnh lão thái thái xuất thân hầu phủ, cuộc sống tuy rằng giản đơn nhưng quy củ cũng rất nghiêm. Mỗi lời nói, hành động đều có quy định, nên đám người hầu ở đây so với chỗ khác thật thà hơn. Minh Lan linh hồn là người trưởng thành nên sẽ không có kiểu thái độ nghịch ngợm tinh quái. Thôi ma ma vừa nhận việc liền nói với Phòng ma ma, cô Sáu tính tình hiền lành nên dễ hầu hạ.
Buổi tối trước khi ngủ, Đan Quất liền dùng túi nước nóng ủ trong ổ chăn cho ấm. Minh Lan để cho Thôi ma ma thay áo trong, rồi được ôm vào ổ chăn ấm áp, sao đó nhẹ nhàng vỗ về, ru nàng ngủ. Đêm khát nước, hoặc muốn đi tiểu tiện, Minh Lan kêu một tiếng liền có người chạy đến hầu hạ. Sáng hôm sau, Minh Lan vừa mở mắt, khăn ấm đã chuẩn bị tốt, một chén trà táo đỏ còn ấm đặt trên khay. Trước tiên lấy khăn lau qua trán và hai má, chờ đến khi tỉnh hẳn, Thôi ma ma lại ôm Minh Lan mơ mơ màng màng uống nước xong, cho nàng rửa mặt sạch sẽ, chải đầu, mặc quần áo, Đan Quất đứng một bên thắt nút áo, đi giầy, rổi nàng lại thỉnh an lão thái thái.
Mấy động tác liên tiếp như nước chảy mây trôi, tự nhiên hợp lí, không có chút gượng gạo nào. Tiểu Đào đứng một bên nhìn đến tròn mắt, không thể chen ngang vào được. Cho tới lúc Minh Lan đứng trước kháng hành lễ, tinh thần vẫn còn chưa phục hồi, chỉ cảm thấy trong lòng ấm áp, trên người mặc nhiều áo, sáng sớm mùa đông mà nàng không thấy khó chịu chút nào.
Bồ tát chứng giám, Minh Lan sống đến nay đã lâu như vậy, lần đầu tiên được hưởng thụ loại đãi ngộ chẳng cần động ngón tôn quý này. Hủ bại quá! Sa đọa quá! Minh Lan tự thấy hổ thẹn với cuộc sống sa đọa của chính mình.
Thỉnh an xong, lão thái thái bế Minh Lan ngồi trên kháng, để cho nàng thấy ấm áp rồi cùng chờ mọi người đến thỉnh an. Một lúc sau, Vương thị mang theo tụi nhỏ đến, chỉ thiếu Mặc Lan với Trường Phong, nghe nói là bị ốm. Vương thị tỏ vẻ lo lắng. Minh Lan trộm nhìn, chỉ thấy vẻ mặt lão thái thái vẫn an tĩnh như cũ.
"Hai đứa đều bị ốm, chắc là bị phong hàn? Đây là bệnh dễ truyền nhiễm, con đã sai người mời thầy thuốc đến, chỉ mong Phật tổ phù hộ, hai đứa bé đều bình an." Vương thị lo lắng nói.
Minh Lan lặng lẽ giơ ngón tay cái trong lòng. Một năm qua chứng kiến hành động, kĩ xảo của Vương thị, ánh mắt kia, nét mặt kia, người nào không biết còn tưởng Trường Phong với Mặc Lan đều do bà ấy đẻ ra.
Thịnh lão thái thái đột nhiên nói: "Trờ về nhắc lão gia tự mình đến ngó qua một chút. Hai đứa bé ở cùng một chỗ, bị bệnh cũng dễ truyền cho nhau. Phong nhi cũng lớn rồi, nên sớm tách ra ở riêng."
Vương thị sợ hãi, nhưng trong lòng lại vui vẻ. Sợ hãi vì lão thái thái đã mấy năm không quan tâm đến mấy việc này, sao bây giờ lại đột nhiên hứng trí. Vui vì để lão thái thái ra mặt với Lâm di nương, còn hơn để nàng ta ra tay lấy công đạo, vội vàng nói: "Lão thái thái nói đúng ạ. Phong nhi và Mặc nhi rất được lòng lão gia, lần này đều bị bệnh, lão gia phải sang bên đó nhìn xem thế nào."
Thịnh lão thái thái thản nhiên nhìn nàng ta một cái, cúi đầu uống trà. Vương thị cười, quay sang nhìn Minh Lan, chỉ thấy con bé mặc chiếc áo khoác mới tinh màu hồng phấn dệt bằng vải sợi và lông vũ, nghiêm túc đứng một bên liền hỏi han ân cần mấy câu. Minh Lan phát biểu cảm nghĩ mấy câu về nơi ở mới. Hoa Lan còn trêu chọc thêm mấy câu nữa. Mọi người vui tươi cười nói một lúc sau mới trở về.
Người đi rồi, Phòng ma ma đang dẫn đám nha hoàn mang theo hộp thức ăn hình bát giác ở bên ngoài tiến vào. Bà đỡ lão thái thái xuống kháng. Thôi ma ma dẫn Minh Lan bước vào bên phải sao gian. Đám nha hoàn dọn thức ăn buổi sáng lên chiếc bàn khắc hoa hình lục giác sơn đen. Chờ lão thái thái ngồi xuống xong, Thôi ma ma bế Minh Lan xuống chiếc ghế tròn; Minh Lan vừa ngồi xuống, nhìn thoáng qua bàn ăn, liền đứng hình — Không thể nào, súng hơi đổi pháo["] sao!
["]Điểu thương hoán pháo: ý chỉ, sự tiến hóa, thay đổi từ cây thương bắn chim chuyển thành súng pháo.
Một bàn thịnh soạn, bánh nhân táo hồng ngâm, bánh khoai môn tím, bánh hạt kê bọc đường còn nóng hổi tỏa hương nghi ngút, bánh rán rắc vừng xốp giòn vàng óng, ở lồng hấp còn có mấy cái bánh bao nhỏ, lại còn thêm một bát mì vằn thắn rắc ngò, trước mắt là cháo gạo tẻ hầm thơm phưng phức, bên cạnh còn có hơn mười loại dưa muối màu sắc khác nhau.
Minh Lan cầm lấy chiếc đũa, có chút ngẩn ngơ. Lần trước, ấn tượng về bữa sáng đạm bạc ở Thọ An Đường, nàng còn nhớ như in. Nàng tròn mắt nhìn lão thái thái, khẽ thốt: ".. Nhiều như vậy ạ."
Lão thái thái không nhấc mí, bắt đầu cẩn thận nếm cháo. Phòng ma ma vui vẻ tiếp chuyện: "Là thế này, hôm nay, lão thái thái đột nhiên muốn nếm thử mấy món mới." Mấy năm nay, bà khuyên bảo như vậy mà lão thái thái không chịu nghe. Giờ đây dường như nhờ hồng phúc của Cô Sáu mà lão thái thái cuối cùng cũng đồng ý chấm dứt cuộc sống kham khổ.
Minh Lan cảm động trong lòng, lại nhìn lão thái thái. Cái miệng nhỏ mấp máy, cúi đầu, lại ngẩng lên nhìn bà một cái, rồi lại cúi đầu nói: "Cảm ơn bà nội, cháu gái nhất định ăn thêm nhiều thịt, cho bà thêm thật nhiều thịt."
Lão thái thái nghe nửa câu đầu thì mỉm cười trong lòng, nghe tiếp nửa câu sau thì bật cười, sao lại "Cho bà thật nhiều thịt", bà đang nuôi heo con sao? Phòng ma ma nghiêng đầu, che miệng cười.
Ăn sáng xong, hai bà cháu lại trở về trên kháng. Thịnh lão thái thái lấy ra cuốn "Tam Tự Kinh" cho Minh Lan đọc hai câu nghe thử, xem nàng nhận biết được bao nhiêu chữ. Minh Lan cực kì chột dạ, lại lấy sách qua, quyết định tự bôi tro vào mặt mình. Vì thế mở miệng là: "Nhân chi đao, sinh mộc dương, sinh mộc cân, tập mộc nguyên..."
['] Câu đúng là: "Nhân chi sơ; Tính bản thiện. Tính tương cận; Tập tương viễn" - Trời phú cho mỗi người một cái Tánh bổn thiện, ai cũng giống như ai, nên gọi là gần nhau; nhưng khi lớn lên, vì thâm nhiễm thói đời hư xấu nên cái Tánh trở nên xa nhau.
Lão thái thái suýt nữa thì phun ngụm trà, ho khan mấy cái liên tục. Minh Lan hết hồn, vội vàng chạy qua vỗ lưng thuận khí cho bà. Vừa vỗ lưng, vừa giả vờ ngây thơ hỏi: "Bà nội, con đọc sai rồi ạ?"
Lão thái thái hít sâu mấy cãi mới bình tĩnh lại, thấy vẻ mặt ngây ngô của cháu gái, đành miễn cưỡng nói: "Con đọc...Tốt lắm, chỉ sai mấy chữ thôi, không có việc gì, từ từ học là tốt thôi."
Mười hai chữ chỉ đúng mỗi ba chữ, chính xác có 25%. Trong lòng Minh Lan rầu rĩ, tưởng nàng đường đường là sinh viên đi giả vờ mù chữ dễ lắm sao?
Hôm đó, buồn lòng không chỉ có mỗi Minh Lan. Chiều tối, Thịnh Hoành vừa hồi phủ, Vương thị liền bê nguyên lời nói của Thịnh lão thái thái truyền đạt lại, còn giải thích theo ý mình thêm một lần nữa. Ngay cả quan phục cũng chưa thay, Thịnh Hoành mang khuôn mặt u ám đến chỗ Lâm di nương. Sau khi đóng cửa lại, bên ngoài không biết bên trong xảy ra chuyện gì, chỉ nghe loáng thoáng tiếng khóc thất thanh, tiếng gào thét, cộng thêm tiếng vỡ thanh thúy của mấy đồ sứ...
Sau khoảng nửa canh giờ, Thịnh Hoành xanh mặt bước ra. Nha hoàn bước vào hầu hạ thấy cả phòng Lâm di nương hỗn độn. Nửa người Lâm di nương bò trên kháng, khóc như mưa, tựa như cả người lả đi.
Sau khi biết được, tinh thần Vương thị phấn chấn hẳn lên, rót ba chén trà đặc, sau đó chia ra mang đến cho Nguyên Thủy Thiên Tôn['] và Phật tổ, thắp một nén nhang, miệng rì rầm, cho dù biết Thịnh Hoành ngủ ở thư phòng cũng không thể làm giảm cảm hứng của nàng. Cái gọi là kẻ thù của kẻ thù chính là bạn bè của ta, Vương thị quyết định từ nay về sau sẽ hiếu thuận với lão thái thái gấp bội.
["] Nguyên Thủy Thiên Tôn: là một vị thần tối cao trong Đạo giáo của Trung Quốc.
← Ch. 010 | Ch. 012 → |