Bác cả Thịnh tới thăm, Minh Lan phát tài
← Ch.016 | Ch.018 → |
Kể từ sau vụ ầm ĩ ngày hôm đó, từ phu nhân tiểu thư cho đến nha hoàn bà tử trong phủ, đối với ban huấn luyện của Khổng ma ma đều tôn trọng bội phần. Không ai dám có chút thái độ coi thường nào, nhất là Mặc Lan, nó hầu như cụp đuôi lại mà hành xử. Được Khổng ma ma chỉ giáo về đường công danh, Thịnh Hoành tạm thời lý trí chiến thắng tình cảm, liên tục nửa tháng đều nghỉ tại phòng Vương thị, để cho hai mẹ con Lâm di nương tự suy nghĩ thông suốt. Khuôn mặt Vương thị mỗi ngày đều tràn trề xuân sắc, phấn chấn đến mức suýt nữa thì đốt pháo. Lại nhắc tới Thịnh Hoành, ông ta lần này hạ quyết tâm, ít nhất cũng phải thể hiện bản lĩnh cho Khổng ma ma thấy, kiên quyết cự tuyệt mọi sự cầu xin của dì Lâm.
Lâm di nương thấy tình cảnh không ổn, cuối cùng cũng xuất tuyệt chiêu, để con trai mình Trường Phong nhân lúc Thịnh Hoành kiểm tra bài vở thì đưa lên một tấm lụa xanh mềm mại, mặt lụa dùng chu sa viết nên một bài thơ oán tình, cái gì mà "Sớm nay nhớ chàng tim như cắt, chiều chiều buồn khóc lệ mưa tuôn"['] các kiểu. Thịnh Hoành đọc được thì tình ý dâng trào, giữa đêm giữa hôm không kiềm chế được mà đi gặp Lâm di nương.
Vương thị sau khi biết được tin này liền giận dữ mắng: "Chỉ sợ loại vợ bé có văn hóa!"
[']Triêu triêu tư quân tâm dục toái, mộ mộ đề huyết lệ như vũ.
Có điều lần này Thịnh Hoành cũng ý thức được mình không thể dung túng quá mức cho Lâm di nương, về phía Lâm di nương cũng biết điều mà kìm lại tính khí của mình. Mặc Lan cũng như vậy thành thực hẳn lên. Tại bầu không khí học tập tốt đẹp này, Khổng ma ma chỉ bảo tường tận thêm nửa tháng, đợi đến khi Trường Bách yết bảng huyền thí xong, bà liền cáo từ. Thịnh Hoành biếu bà thêm rất nhiều rương hòm của cải, Khổng ma ma giữ một nửa, một nửa thì trả lại: "Tôi đã gần đất xa trời rồi, mang theo nhiều thứ thế này người ta lại tưởng tôi trộm cướp ở đâu về."
Mấy ngày cuối cùng, Vương thị khéo léo bày tỏ mong muốn nhờ Khổng ma ma viết mấy phong thư lời hay ý đẹp về tiểu thư trong nhà cho mấy người bạn cũ trong kinh, coi như để xây dựng bối cảnh cho Hoa Lan sau này. Không ngờ Khổng ma ma lại từ chối: "Cô cả không phải là đi ở trọ, nàng còn trụ ở kinh thành dài lâu, năm rộng tháng dài, thanh danh đều phải tự mình tạo lập. Nếu tôi mà tâng bốc cô cả lên tận mây xanh thì sau này Trung Cần bá phủ kia sẽ kì vọng rất cao, ngược lại phản tác dụng."
Mấy lời này chiếu theo ngôn ngữ ['] thì chính là: không cần kì vọng cao, càng cao càng dễ thất vọng, kì vọng thấp một chút ngược lại sẽ khiến Hoa Lan dễ dàng được tán thưởng hơn. Chẳng hiểu Vương thị đã thấu hay chưa, có điều nàng ta khó nén khỏi tỏ vẻ thất vọng, bởi vậy Khổng ma ma mới bồi thêm một câu: "Một mặt cô cả cứ sinh hoạt bình thường, đợi đến khi nàng vững chân sinh con dưỡng cái, nếu tôi còn có thể tác động được thì sẽ thay các tiểu thư còn lại kêu gọi mấy câu." Vương thị ngẫm đến Như lan, mặt mày tươi tỉnh nói lời cảm tạ.
['] Hỏa tinh ngữ, ngôn ngữ mạng của giới trẻ dùng các kí tự và cấu trúc lạ tương tự như Hán tự, một dạng như ngôn ngữ @ xì tin của 9x Việt Nam.
Sau khi Khổng ma ma đi rồi, mấy cô gái lại quay về những tháng ngày tự rèn luyện. Thịnh lão thái thái lại tiếp tục bắt Minh Lan đọc sách học chữ, đồng thời còn thêm vào một môn học mới - nữ hồng, vị trí sư phụ vỡ lòng tạm thời do Phòng ma ma đảm nhiệm. Phòng ma ma năm xưa là nha hoàn nhất đẳng theo hồi môn đến đây, được xưng danh Đệ nhất cao thủ nữ hồng hầu phủ, phàm là dệt vải, may vá, thêu thùa, khâu giày, đan lát, trần áo nhiều vô số kể, không gì là không thạo. Dẫu cho hôm nay bà có tuổi, mắt mờ, sản phẩm làm ra không còn tinh xảo như xưa nhưng dạy dỗ Minh Lan một chút thì vẫn dư sức.
Cứ nhìn vào hai minh chứng sống sờ sờ là bà Thịnh và dì Lâm, Phòng ma ma chứng kiến Minh Lan học chữ đọc sách một chút là hiểu thì rất lo rằng Minh Lan cũng chỉ mê thi ca mà không thích may vá. Ai ngờ Minh Lan ngay từ đầu lại hết sức phối hợp, thể hiện thái độ học tập nhiệt tình ngang ngửa với việc đọc sách. Phòng ma ma vừa mừng lại vừa lo, lập tức dốc sức thể hiện toàn bộ bản lĩnh của mình để huấn luyện Minh Lan. Vì vậy, sáng ra Minh Lan theo Thịnh lão thái thái đọc sách, chiều lại theo Phòng ma ma học nữ hồng, Thịnh lão thái thái vui vẻ ở một bên nhìn.
Trước hết bà để Minh Lan luyện tập khâu vá trên miếng vải vụn, ban đầu là khâu đường cong, thẳng là phải thẳng tắp, tròn là phải tròn vo, đường khâu phải tỉ mỉ như đi ra từ máy may, khoảng cách mũi khâu phải đều tăm tắp. Đây chính là kiến thức cơ bản, chỉ luyện cái này thôi cũng đủ làm Minh Lan mất một tháng. Sau một tháng, Phòng ma ma chọn một buổi chiều sáng sủa để kiểm tra Minh Lan, miễn cưỡng cho đạt chuẩn.
Phòng ma ma cảm thấy hơi là lạ: "Tiểu thư chăm chỉ tập luyện nữ hồng như vậy, sao lại không học nhanh bằng học chữ nhỉ?"
Minh Lan lẳng lặng trong bụng: lừa đảo và khởi nghiệp tay trắng tất nhiên là không đánh đồng với nhau được rồi.
Thịnh lão thái thái cũng lấy làm lạ: "Con thích nữ hồng đến thế sao? So với đọc sách còn chuyên tâm hơn nữa."
Minh Lan không khóc ra tiếng: Thiên tài đam mê may vá! Nàng trước đây đến thêu chữ thập [']chơi chơi còn chẳng thêu xong nữa là.
[']thêu crosstick kiểu Tây trên vải đục sẵn lỗ, rất dễ, các cô gái thường thêu để làm móc chìa khóa cho bạn trai.
Chế độ giáo dục thi cử có một đặc điểm, tỷ như học đàn dương cầm hay hội họa là để thêm điểm cộng, học thật giỏi để thi đại học XX, thi đại học XX là để tìm công việc ngon lành kiếm nhiều tiền, cái này nói dễ nghe một chút chính là xác định mục tiêu, trực tiếp hành động, mà nói khó nghe hơn sẽ là vì công danh lợi lộc. Sau khi học xong "Thiên tự văn", Minh Lan bắt đầu tự vấn mình một chuyện.
Làm một nữ tử khuê phòng, tinh thông thi từ ca phú, cầm kì thư họa rút cục có ích gì? Nàng lại không thể lấy chuyện đọc sách đổi lấy cơm ăn, bởi lẽ nàng không được thi khoa cử. Chẳng nhẽ làm một tài nữ nổi danh giữa đám con cháu quý tộc này?
Nếu là đích nữ của Thịnh lão thái thái người ta đương nhiên sẽ bảo: hun đúc tính cách, tâm tư hài hòa, tu dưỡng phẩm hạnh, là ánh hào quang gia tộc.
Thế nhưng mà Minh Lan chẳng phải đích nữ, mà Thịnh gia cũng chẳng phải hầu phủ, về cơ bản nàng chẳng thể nào lọt vào vòng xã giao của giới quý tộc chóp bu này.
Mà dì Lâm chắc là sẽ nói: đó chính là con đường thành công của ta, thi từ ca cầm kỳ thư họa phú hỗ trợ một phần đáng kể cho ta.
Có điều Minh Lan không muốn làm vợ bé đâu nha.
Mãi tới một lần, Phòng ma ma thuận miệng nói một bộ đồ thêu như ý loại trung cũng có thể bán được hai đến ba lượng bạc, Minh Lan bỗng tìm được phương hướng tốt nhất cho mình - dẫu là học hành giỏi giang hay quản lý tài sản điêu luyện đều có thể bị xã hội này chỉ trích, chỉ có may vá, vừa đảm bảo lại an toàn, vừa có được tiếng tốt, sau này cũng coi như có một kỹ năng phòng thân.
Minh Lan sửa sang qua loa suy nghĩ của mình rồi trả lời bà nội: "Giỏi nữ hồng có thể may áo ấm cho bà nội, khâu giày cho cha, thêu túi hương cho mẫu thân và các chị, còn có thể may khăn cho các anh lớn."
Viền mắt Thịnh lão thái thái nóng bừng vì cảm động, bà ôm Minh Lan vào lòng nhẹ nhàng xoa xoa một hồi: "Đứa trẻ ngoan, làm khó con rồi!"
Minh Lan chợt thấy mờ mịt, Thịnh lão thái thái mới giải thích là: đọc sách cùng lắm là giúp ích cho bản thân, nữ hồng lại giúp ích cho cả người nhà, cháu gái tuổi còn nhỏ nhưng đã biết quan tâm người nhà.
Để tăng thêm sự thú vị cho việc rèn luyện, Thịnh lão thái thái in mấy đóa mai đơn giản để Minh Lan thêu chơi. Minh Lan vô cùng nỗ lực thêu thùa, vừa thêu được nửa đóa thì mai xuân chực tàn, hoa đào chực nở. Phòng ma ma thở dài, thêm vào đóa hoa kia vài nét để Minh Lan thêu béng thành hoa đào cho xong.
"Hoa mai với hoa đào không giống nhau mà, sao lại đổi cho nhau thế ạ?" Minh Lan kháng nghị khe khẽ.
"Không sao, con thêu ra cũng chẳng khác thế là mấy." Thịnh lão thái thái an ủi nàng.
Minh Lan: ...
Lúc Thịnh Duy cùng Thịnh Hoành đến bái kiến Thọ An đường, Minh Lan đang ngồi ngâm nga "Ái Liên Thuyết" trên kháng: "Hoa của cây cỏ dưới nước trên bờ, nhiều loài dễ mến ... Riêng tôi, tôi thích hoa sen, 'gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn', trơ trọi trên nước mà không lả lơi, bên trong thông suốt bên ngoài ngay thẳng, chẳng phát nhánh cành, hương càng truyền xa càng tinh khiết, cắm yên đứng thẳng ..." Tiếng trẻ con lanh lảnh, cô gái nhỏ đang gật gù đắc ý, dáng vẻ ngây thơ thấy rõ. Thịnh lão thái thái thì ngồi ngay ngắn trên kháng, nghiêng đầu nghe rồi mỉm cười, ánh mắt ngập tràn niềm hân hoan ấm áp.
Thịnh Duy giật mình, lại thấy tinh thần Thịnh lão thái thái vui vẻ, sắc mặt hồng hào, so với hai năm trước đây còn có vẻ dồi dào hơn vài phần liền liếc thấy Minh Lan. Ông ta thấy đôi đồng tử đen nhánh như sơn của nàng, trong trẻo sáng ngời, vừa thấy mình đến liền lập tức tụt khỏi kháng, ngoan ngoãn đứng một bên. Nhìn Minh Lan còn nhỏ mà lễ phép như thế, Thịnh Duy rất hài lòng, trong tâm càng thêm hiểu rõ.
Sau khi hành lễ với Thịnh lão thái thái, Thịnh Duy kéo Minh Lan vào lòng tủm tỉm cười: "Cháu là cô Sáu phải không, ta đã gặp mấy chị của cháu rồi, chỉ còn mỗi cháu thôi, trước khi ta đến thì cháu lại đang dưỡng bệnh, vừa khéo hôm nay lại gặp được cháu." Khuôn mặt ông kiểu chữ điền điển hình, nhuốm vẻ sương gió, rõ ràng so với Thịnh Hoành chỉ lớn hơn vài tuổi, thế nhưng nhìn như già hơn mười tuổi, có điều sắc mặt lại vô cùng hòa nhã.
Minh Lan vo búp tay bé xíu mập mạp thành nắm, ngoan ngoãn hành lễ, ra vành ra vẻ vấn an: "Cháu gái rất khỏe ạ, đa tạ bác cả đã quan tâm. Bác cả có khỏe không ạ, đường xá xa xôi mà tới đây, thực sự là vất vả cho bác rồi ạ."
Tiếng trẻ con giòn tan, lời nói lại ra vẻ người lớn, mấy người trong phòng đều thấy buồn cười. Thịnh Duy cười lớn nhất, ôm Minh Lan mà không ngừng run người. Minh Lan bị cười đến mức mặt nghẹn đỏ, trong bụng ấm ức, rõ ràng nàng làm theo đúng quy tắc, cười cái gì mà cười, nghiêm túc một chút coi!
Thịnh Duy lần vào trong ngực áo, lấy ra một chiếc túi thêu gì đó, đưa cho Minh Lan bảo: "Đây là bà bác['] cho cháu, các chị cháu đều có một chiếc, những vẫn kém cháu một phần đấy." Minh Lan nâng mắt khẽ nhìn cha và bà nội, thấy bọn họ nhẹ nhàng gật đầu mới nhận lấy, mở túi thêu ra nhìn, ánh vàng chói lòa trước mắt.
['] Bà bác: chị hoặc em của bà nội.
Đó là một cái khóa như ý vàng ròng nặng trình trịch, đưa cho lão thái thái nhìn, bà mỉm cười đem dây chuyền vàng xỏ khóa vào đeo lên cổ Minh Lan. Ngay lập tức Minh Lan thấy cổ mình trĩu xuống, cũng phải nặng tới vài lạng. Nàng vội vàng lúc lắc tấm thân mũm mĩm khom người về phía Thịnh Duy, vừa cúi vừa nói: "Cháu cảm ơn bà bác. Cảm ơn bác cả ạ."
Lúc này Thúy Bình đang bê lên một khay trà sơn đỏ khắc hình lá và củ sen, thấy Minh Lan trở lại, liền theo thói quen bưng khay trà qua trước mặt nàng. Minh Lan chìa tay đón lấy một chén trà trong đó rồi vui vẻ bước tới. Thịnh Hoành vốn tưởng rằng theo lệ sẽ dâng chén trà lên trước mặt mình, ai ngờ được Minh Lan lũn chũn đi được nửa đường thì thì xoay phắt một cái, cúi đầu cầm chén trà trực tiếp dâng lên cho Thịnh Duy, chén thứ hai mới là cho mình. Kế đến, lại thấy Minh Lan nhón chân với lên bê mâm táo Sơn Đông tươi ngon xuống, ân cần bưng tới bàn trà của Thịnh Duy. Thịnh Hoành thầm cười trong bụng, không nhịn cười được mới mắng: "Con bé Sáu này nhé, chỉ là nhận được món quà, lập tức bưng trà lên lại còn dâng táo nữa, quên luôn cha ruột con rồi sao!"
Minh lan ngượng nghịu, khuôn mặt nhỏ nhắn đỏ bừng, tấm thân mạp mạp đang bận rộn chuyển động cũng ngừng lại, lung ta lúng túng đến mức luống cuống, ngượng ngùng nói: "Việc này... Không phải, đại khái là... Cha bắt nạt con nhé."
Thịnh lão thái thái cùng hai anh em Thịnh Duy Thịnh Hoành trong chốc lát cười phá lên, Thịnh Duy kéo Minh Lan ôm vào trong lòng một cái, thấy khuôn mặt nàng bé xíu non nớt, rụt rụt rè rè, đáng yêu vô cùng. Vì thế lại từ trên người lấy ra một túi gấm tinh xảo, nhét vào trong tay Minh Lan, dí dỏm trêu: "Bác cả cháu bắt người tay ngắn, cắn người miệng mềm['], này, đây có chín mươi chín con cá nhỏ đều cho cháu hết đây! Ta nói Minh nhi này, đồ ăn của con cũng đắt quá nha!"
[']Cật nhân chủy nhuyễn, nã nhân thủ đoản = Cật nhân đích chủy nhuyễn, nã nhân đích thủ đoản = Cắn người miệng mềm, bắt người ngắn tay. Nghĩa là: hưởng lợi từ người khác, đến lúc cần thì phải mở miệng nói tốt giúp người ta, nhận đồ từ người khác thì phải giúp lại người ta.
Lão thái thái gần như cười chảy nước mắt, vừa cười vừa chỉ tay mắng: "Mấy người các con đúng là một lũ khỉ con không biết trên dưới gì hết!" Nha hoàn bà tử xung quanh đều len lén che miệng, Minh Lan vội vã lấy xuống mười mấy quả táo to tròn nhiều ruột đưa sang Thịnh Hoành, nịnh nịnh nọt nọt, cười lém lỉnh nói: "Phụ thân ăn đi, phụ thân ăn đi, quả này to này..."
Thịnh Hoành cười kéo Minh Lan lại, xoa xoa mái tóc mềm mại của cô con gái nhỏ, sau đó mở túi gấm trong tay Minh Lan, nhặt ra một thỏi vàng lung linh sáng rực hình con cá be bé, đặt vào giữa bàn tay nhỏ mũm mĩm của Minh Lan: "Nhìn đẹp đó, con cầm lấy mà chơi."
Minh Lan đột nhiên cầm nhiều vàng như vậy thấy có chút ngại ngùng, khuôn mặt bé xinh ửng đỏ hướng về Thịnh Duy cúi đầu thi lễ. Vào lúc này, Vương thị ngoại trừ Hoa Lan ra liền đưa theo mấy đứa trẻ tới. Minh Lan thở phào một cái, lập tức hành lễ với Vương thị.
Vương thị hành lễ với Thịnh lão thái thái và Thịnh Duy, rồi lại để cho con cái mình hành lễ. Trông thấy cái khóa vàng to như thế sáng rực trước ngực Minh Lan, Như Lan bĩu môi, Mặc Lan tỏ vẻ biết vâng lời, không có biểu cảm gì. Trải qua khóa huấn luyện của Khổng ma ma, hai đứa nó quả là có nề nếp hơn nhiều. Thịnh Duy hàn huyên thêm mấy câu với cháu gái, Như Lan nũng nịu khoa trương, Mặc Lan nhã nhặn, ăn nói nhỏ nhẹ. Thịnh Hoành không nói gì, còn Vương thị nét mặt đầy vẻ tươi cười, nói: "Chị dâu khách khí quá, để cho bác cả vì Hoa Lan mà xa như thế tới đây, còn đem theo bao nhiêu thứ đến nơi này." Xong rồi nói tiếp: "Còn mấy đứa con, quà cho con trai để ở thư phòng của lão gia, quà cho con gái để ở Uy Nhuy hiên, mấy đứa qua mà lấy."
Bọn nhỏ lập tức cảm tạ Thịnh Duy, ông cũng trả lời mấy câu. Như lan hứng chí muốn đi xem quà, Thịnh lão thái thái cười để mấy đứa cháu gái đi trước. Sau khi ba cô gái rời đi, bầu không khí trong phòng lập tức yên ắng trở lại, Thịnh Duy nghiêm nghị đứng đối diện Trường Bách nói: "Ta có nghe cháu Bách đã qua được kỳ thi phủ, em dâu thật là có phúc."
Trường Bách chắp tay nói: "Bác cả khen quá rồi, cháu trai ngu dốt, còn phải đọc thêm nhiều sách nữa ạ."
Vương thị kiêu ngạo trong lòng, trả lời: "Còn phải qua một kỳ thi viện cuối cùng nữa mới đạt tú tài, bác cả chớ vội vàng khen ngợi cháu, thấy bảo cậu Ngô cũng đang đi học, về sau hai anh em sẽ cùng nhau thi cử."
Thịnh Duy cười cười lắc đầu nói: "Có lẽ không đậu đâu, ta trước đây học hành không bằng chú hai. Cháu trai lớn đi theo ta, chỉ giỏi xem sổ sách, chứ nhìn mấy cái chi, hồ, giả, dã là thấy choáng váng. Cháu trai thứ mặc dù có đi học, nhưng so với cháu Bách vẫn còn thua kém nhiều lắm. Ta thấy nó thích vung đao múa kiếm hơn. Lần này sau khi tiễn cháu gái lớn xuất giá xong, ta sẽ để Ngô nhi bái kiến Lỗ Khuê Lỗ tổng giáo đầu, kiểm tra một chút tư chất võ của nó."
Thịnh Hoành cười nói: "Thế đương nhiên là tốt rồi, võ nghệ nhân phẩm vị họ Lỗ này đều là nhất đẳng. Trước đây khi hắn đi khảo võ có cùng tôi uống rượu, mấy năm nay thì không còn qua lại nữa. Để tôi về viết cho hắn phong thư, để Ngô nhi mang theo, cũng tiện cho hắn để ý nhiều hơn."
Thịnh Duy mừng rỡ: "Vậy đa tạ chú hai, Ngô nhi, còn không mau dập đầu cảm ơn chú con."
Bên cạnh đó là Trường Ngô, nhìn cũng xấp xỉ Trường Bách nhưng thân mình rắn rỏi, mặt vuông miệng rộng, tính tình cởi mở, vô cùng phấn chấn dập đầu tạ Thịnh Hoành. Thịnh Hoành đỡ cháu dạy: "Bác cả còn nói hai nhà gì chứ, Ngô nhi tương lai có tiền đồ cũng là cái phúc của nhà tôi. Có hai anh em ta chiếu ứng lẫn nhau chốn quan trường, chẳng phải gia tộc chúng ta mới có thể hưng thịnh không phải sao?"
Thịnh Duy xoay đầu lại nhìn Trường Phong, cười nói: "Nhìn này, anh họ Ngô của cháu học hành không ổn, sau này chỉ có thể làm kẻ võ biền mà thôi, xem ra vẫn là trông chờ vào việc thi cử của hai anh em cháu. Nghe nói Phong nhi rất giỏi thi thư, tuổi nhỏ nhưng rất có tài danh, hẳn là tương lai sẽ đỗ Trạng Nguyên."
Trường Phong đứng một bên mỉm cười, lúc này mới chắp tay nói: "Cháu trai hổ thẹn, sau này cũng chỉ mong được bằng một nửa anh cả cháu mà thôi, Trương Thái Nhạc tiền triều chín tuổi đã là đồng sinh, cháu bất tài, định năm sau đi thi thử."
Thịnh lão thái thái nghiêm nghị nói: "Tuy nói rằng thi ca rất quan trọng, nhưng khoa cử không phải chỉ kiểm tra thi từ, con cũng nên nỗ lực hơn nữa ở mảng văn chương. Ông nội con năm đó thi văn lỗi lạc được xưng là hạnh lâm['], cũng bởi trước tiên người học văn chương thật giỏi, quay trở về con cũng nên cùng đọc sách với đại ca con đi."Trường Phong mỉm cười đáp vâng.
[']Ðức Khổng Tử ngồi dạy học ở giàn hạnh, vì thế nên thường dùng làm chữ gọi về cửa thầy học. Nhà Ðường cho các học trò đỗ tiến sĩ vào ăn yến ở vườn hạnh nên tục mới gọi người đỗ tiến sĩ là hạnh lâm.
Nói chuyện thêm chút nữa thì Thịnh lão thái thái để cho ba anh em tự đi chơi, nhóm người lớn thì tiếp tục tán gẫu thêm lát nữa.
Chờ đến khi mấy đứa đi khuất, Thịnh Duy mới cung kính thưa chuyện với lão thái thái: "Vốn lần này cháu dâu cũng muốn tới đây, nhưng vướng gia sự bên kia không ngơi tay ra được, cháu thay nàng dập đầu bái kiến thím hai."
"Nhà xa như vậy đến đây làm gì, cháu dâu quản lý một nhà đông như thế làm sao dứt ra đến đây được. Hai nhà chúng ta cũng không cần khách sáo này nọ. Mẫu thân cháu thân thể thế nào, có khỏe không?" Thịnh lao thái thái mỉm cười nói.
Thịnh Duy có vẻ hơi ủ rũ nói: "Trong nhà hết thảy đều ổn ạ, chỉ là gần đây mẹ cháu càng ngày càng yếu, xương cốt không được như trước. Người thường nói mãi về thím hai, cháu nghĩ chờ đến lúc thím rỗi rãi thì đến nhà cháu ở một chuyến, chỉ sợ thím mệt, việc này mẹ cháu không cho phép cháu nói ra."
Thịnh lão thái thái giận dữ nói: "Mệt gì mà mệt? Ta cùng với mẹ cháu làm chị em dâu một thời, rất là hợp nhau, em dâu đi thăm chị dâu có gì mà không tốt, ai chà... Ta đối với chị dâu vô cùng kính nể, một người phụ nữ yếu đuối như bà chịu đựng nhiều năm, coi như là nhẫn nhịn đến đỉnh điểm, khổ thân bà mệt đến nỗi đổ bệnh."
Thịnh Duy chân thành nói: "Lúc trước phiền lụy thím làm chỗ dựa cho mẹ con cháu, cả nhà cháu mới có được ngày hôm nay, lại nói tiếp thực sự là ..."
Thịnh lão thái thái liên tục xua tay ngăn ông ta tiếp lời: "Đừng nói nữa, đừng nói nữa."
Thịnh Hoành thấy không khí căng thẳng, muốn tìm đề tài gì đó thoải mái, nhìn nhìn Vương thị. Vương thị bắt sóng, lập tức hiểu vấn đề, vì thế mới cười nói: "Đã lâu không về Kim Lăng, không biết vợ Tùng nhi thế nào rồi? Lần trước gửi thư thấy bảo nàng đã có thai."
Vẻ mặt Thịnh Duy lại càng ủ rũ hơn: "Tiếc là hôm kia vừa đến tháng['] rồi."
['] Đến tháng tức là có kinh nguyệt.
Áp lực từng đợt, bầu không khí càng thêm nặng nề, Thịnh Hoành liếc mắt nhìn Vương thị đầy bất mãn. Vương thị thực sự oan uổng, nàng nào có biết gì đâu.
Được rồi, làm hoạt náo viên cũng cần phải có thiên phú. Vương thị hiển nhiên còn cần phải tu luyện thêm. Thịnh Hoành bất mãn Vương thị xong liền quyết định tự ra tay, cười nói: "Không biết nhà thông gia mà lần trước đã nói đến của Ngô nhi thế nào rồi? Bác cả hỏi thăm đầy đủ chưa, nếu ổn, người làm chú như tôi cũng nên bắt đầu hạ lễ thôi."
Mặt Thịnh Duy đen như đít nồi: "Ai da, đừng nói đến nữa, khuê nữ nhà kia bỏ trốn cùng tên chăn ngựa rồi!"
Không khí trong phòng càng thêm ...
Quan hệ nhân vật:
Cụ Thịnh: ba đứa con
Đại lão thái gia + đại lão thái thái = Thịnh Hồng (trưởng nữ đã chết),
Thịnh duy (vợ Lí thị, sinh hai nam hai nữ: Trường Tùng, Trường Ngô, Thục Lan, Phẩm Lan)
Thịnh Vân (chồng Hồ Nhị Ngưu, sinh một nam một nữ: Hồ Quế Tỷ, Hồ Thái Sinh)
Nhị lão thái gia (thám hoa)+ Thịnh lão thái thái (Dũng Nhị hầu Đại tiểu thư)= Thịnh Hoành (thứ xuất)
Tam lão thái gia (lúc trước định mưu đoạt tài sản của Thịnh Hoành)+? = Thịnh Trứu
Thứ tự lớn bé mấy đứa cháu:
Trường Tùng > Thục Lan > Trường Ngô > Hoa Lan > Trường Bách > Trường Phong > Mặc Lan ≥ Như Lan (kém mấy tháng)> Phẩm Lan ≥ Minh Lan (kém mấy tháng)> Trường Đống.
← Ch. 016 | Ch. 018 → |