Gió thu se sắt lùa biên ải
← Ch.12 | Ch.14 → |
Y đặt mảnh sọ còn sót lại của Vân Trạch xuống trước mặt mẹ. Luy Tổ chẳng hề khóc lóc kêu gào, chỉ đờ đẫn nâng mảnh sọ lên ôm vào lòng, luôn tay ve vuốt, miệng mấp máy, lắng tai nghe kỹ mới nhận ra bà đang hát ru, "À ơi, thỏ chạy tung tăng, ngựa phi lộp cộp, ơi con cưng của mẹ, không đau đâu mà..."
Nóng lui lạnh tới, vắng thỏ bặt chim, chớp mắt đã cuối thu.
Như thường lệ, sau khi cùng dùng bữa tối, A Hành và Thiếu Hạo ở chung một phòng, ai làm việc nấy.
A Hành đang đọc sách y, chợt ngẩng lên thấy Thiếu Hạo chăm chú nhìn mình, bèn gập sách lại hỏi, "Sao thế? Chàng muốn đi nghỉ rồi à?"
Thiếu Hạo đáp: "Du Võng đang tập kết đại quân, e rằng sắp tới sẽ tấn công Hiên Viên. Theo thám tử Cao Tân báo về thì Du Võng muốn đòi lại vùng đất khi xưa bị Hiên Viên lừa gạt chiếm mất. Nàng thấy sao?"
"Sao lại muốn nghe ý kiến của thiếp? Thiếp đâu có dẫn quân tác chiến!"
"Trên bàn cờ gió mây vần vũ, hai người chúng ta chỉ là những con cờ bị lợi dụng mà thôi, nếu không cam lòng làm con cờ thì phải cố gắng vươn lên, hơn nữa, để được ta xem trọng, nàng buộc phải có năng lực khiến ta nể vì."
A Hành lập tức ngồi thẳng dậy, ngẫm nghĩ một hồi rồi hỏi: "Sao Du Võng vội vã động binh với Hiên Viên thế? Y vừa đăng cơ được mấy tháng, vương vị còn ngồi chưa vững kia mà."
Thiếu Hạo đáp: "Chính vì ngồi chưa vững nên y mới buộc phải động binh."
A Hành ngạc nhiên, liền khiêm nhường thỉnh giáo: "Xin rửa tai lắng nghe."
"Hiên Viên tộc sau khi lập quốc đất đai cằn cỗi nên vẫn luôn khuếch trương về phía Đông, xâm lấn không ít lãnh địa của Thần Nông, Vương tộc Thần Nông nằm giữa Trung nguyên, Hiên Viên chẳng xâm phạm được đến lợi ích của họ nhưng các nước chư hầu của Thần Nông phải gánh thiệt hại nặng nề, đem lòng căm hận Hiên Viên đã lâu. Chẳng qua khi xưa họ e ngại Viêm Đế đời trước đức cao vọng trọng, không dám gây chiến, còn bây giờ họ có sợ gì Du Võng, ắt hẳn đã liên kết với nhau xin phát binh, lại được mấy đại tướng nắm giữ binh quyền như Chúc Dung, Cộng Công đứng bên thêm dầu vào lửa, tát nước theo mưa nữa. Nếu thua trận, bọn Chúc Dung sẽ tha hồ đổ tại Du Võng dốt nát vô dụng còn nếu thắng, chúng vừa được lòng quân sĩ, lại được cả sự hỗ trợ từ các chư hầu. Lúc này Du Võng chưa ngồi vững trên vương vị, lại thêm bản tính thiếu quyết đoán, dưới sự ép buộc của quần thần, đành chịu để họ thao túng thôi."
A Hành thở dài, " Mọi người đều cho rằng đế vương muốn gì làm nấy, mấy ai biết được đế vương cũng luôn luôn bị kìm hãm, nhưng mà..."
"Nhưng mà làm sao?"
Để thăm dò tin tức về Xi Vưu, A Hành đành nghiến răng làm bộ bình thản nói: "Nhưng bên cạnh Du Võng còn có Xi Vưu hỗ trợ, bằng vào tính tình Xi Vưu, hắn chẳng chịu để kẻ khác thao túng cắt đặt đâu."
Thiếu Hạo thản nhiên đáp, giọng điệu vẫn điềm đạm như cũ: "Nàng nói phải, có điều bây giờ không đến lượt hắn làm chủ."
Nghĩ đến Xi Vưu hiện giờ chỉ có một chức quan hữu danh vô thực, chẳng thể khống chế cục diện triều đình, A Hành không khỏi than thầm.
Thiếu Hạo nói tiếp: "Du Võng hiện giờ chỉ giống được Viêm Đế đời trước ở lòng nhân đức, chứ mưu trí và quyết đoán thì thua xa, hầu như cả đại hoang đều cho rằng Viêm Đế phong Xi Vưu làm Đốc Quốc Đại tướng quân là để bổ sung cho khiếm khuyết của Du Võng, nhưng ta lại thấy Viêm Đế còn có dụng ý sâu xa hơn kia."
"Dụng ý sâu xa hơn ư?"
"Mấy vạn năm trước, thực lực Cao Tân vốn vượt xa Thần Nông, Viêm Đế đời thứ ba của Thần Nông là người nhìn ra trông rộng, lại vô cùng quyết đoán, đã bỏ lệ phong đất cho những người trong họ tộc, mà thi hành luật mới, bất kể có phải người trong vương thất hay không, cũng chẳng cần câu nệ là thần hay người, miễn lập công cho Thần Nông thì sẽ được phong vương, được toàn quyền thu thuế trên đất phong của mình. Nhờ cải cách đó mà lớp lớp anh hùng xuất hiện ở Thần Nông, vận nước càng lúc càng hưng thịnh, dần dần áp đảo cả Cao Tân. Nhưng về lâu về dài, chế độ phong vương cho người khác họ dần dà để lộ nhược điểm, các nước chư hầu cha truyền con nối rồi kết mối thông gia với nhau, thế lực cũng đan cài vào nhau, khó tránh chỉ tin dùng người thân của mình, con em các nhà quý tộc rất dễ trở thành tướng quân hay quan lớn, còn những kẻ xuất thân bần hàn thì khó mà cất mặt lên được. Kẻ tài hoa tuyệt thế thường ẩn giữa đám tiện dân, nhưng vì thể chế hủ hậu nên chẳng những không có cơ hội thi thố tài năng mà còn bị đám con cháu quý tộc làm nhục, trong lòng họ hẳn đã dồn nén rất nhiều uất ức, một khi bị kích động sẽ trở nên vô cùng đáng sợ."
Nghe tới đây A Hành dần hiểu ý Thiếu Hạo, bèn tiếp lời: "Xi Vưu xuất thân tiện dân, không có huyết thống quý tộc nhưng hắn chính là niềm hy vọng lập công dựng nghiệp, thi thố tài năng của những người tài xuất thân hèn kém, họ sẽ tự động tụ họp lại dưới cờ của hắn, để cho hắn dẫn dắt. Nhờ luồng sinh khí mới này, Thần Nông quốc mới có thể tìm lại được phong quang thuở trước, đây là dụng ý thật sự của Viêm Đế!"
Thiếu Hạo gật đầu cười, chẳng hiểu là tán thưởng A Hành nhìn thấu sự việc hay khâm phục tầm nhìn của Viêm Đế, "Xi Vưu tính tình ngông cuồng phóng túng, xem thường quy tắc thế tục nhưng lại rất trọng tình trọng nghĩa, anh dũng mưu trí, chính là bậc minh chủ của những con người nghèo khổ ấy, sớm muộn sẽ có ngày bọn họ liều mạng vì hắn. Chừng đó hắn mới có thể trở thành Đốc Quốc Đại tướng quân thật sự, vung kiếm chỉ huy thiên quân vạn mã."
A Hành nghe đến chấn động cả tâm thần, vừa mừng vừa lo nói: "Thần Nông nằm giữa Trung nguyên, đất đai màu mỡ, sản vật phong phú, dân chúng đông đảo, nếu lại thêm một minh quân biết khai thác triệt để sản vật cũng như tận dụng mọi khả năng của người tài thì chẳng kẻ địch nào dám động vào nữa cả."
Thiếu Hạo nghiêm mặt, "Dân số Thần Nông gấp đôi Cao Tân, lại sẵn địa hình hiểm trở, đâu đâu cũng là cửa ải dễ thủ khó công, trong khi Cao Tân toàn đồng bằng bát ngát, chỉ có sông nước là bức bình phong thiên nhiên bao quanh che chở, một khi Thần Nông tộc vượt sông thì ngày vong quốc của Cao Tân đã điểm."
Tâm trạng A Hành cũng trở nên nặng nề. Hiên Viên tuy địa hình phức tạp, khí hậu đa dạng, cũng có nhiều quan ải để chống giặc, nhưng tiếc rằng đất đai cằn cỗi, sản vật nghèo nàn, dù bao năm nay phụ vương nàng dốc sức bù trì, sửa đê khai khẩn nhưng vẫn chẳng bì được với mảnh đất Trung nguyên một năm hai vụ mùa.
Thiếu Hạo khẽ thở dài, "Thật ra những khuyết điểm đó đều khắc phục được cả, điểm yếu chí mạng của Cao Tân chính là thể chế cứng nhắc đến bất di bất dịch ngàn vạn năm nay, chỉ coi trọng dòng dõi và huyết thống, nghiêm cấm kết hôn giữa những người không cùng giai cấp, triều chính thì bị con em vương tộc cùng bốn bộ Thanh Long, Thường Hy, Hy Hòa, Bạch Hổ lũng đoạn, khiến bao kẻ có tài trong Thần tộc, Nhân tộc hay Yêu tộc phải ôm hận bỏ đi. Tri Mạt, đệ nhất công thần của phụ vương nàng vốn thuộc Yêu tộc Cao Tân, vì xuất thân thấp kém nên bị người Cao Tân phỉ nhổ, ấy vậy mà y lại có thể theo phò tá phụ vương nàng dựng nên hùng đồ bá nghiệp tại Hiên Viên, được tôn xưng làm Đế sư."
Nghĩ tới vận mệnh tương lai của hai đất nước, A Hành và Thiếu Hạo đều nghe lòng ngổn ngang trăm mối.
A Hành chợt hỏi: "Nếu bây giờ Thần Nông tuyên chiến với Hiên Viên, liệu Cao Tân có tham chiến không?"
Thiếu Hạo bình thản đáp: "Không đâu! Ta rất muốn biết lực lượng tích lũy suốt mấy ngàn năm nay của Hiên Viên ra sao, giờ đã có Thần Nông xung phong do thám hộ, Cao Tân đương nhiên sẽ khoanh tay đứng nhìn. Dù Hoàng Đế tới thuyết phục phụ vương tham chiến, ta cũng nhất định khuyên can!"
A Hành gượng cười: "Chàng có cần thẳng thắn đến thế không?"
"Khi nào cần dối gạt, ta sẵn sàng nói dối không chớp mắt, nhưng chuyện này không cần phải thế, dù sao nàng cũng nhận ra ngay ấy mà!"
A Hành chợt hiểu vì sao Đại ca và Thiếu Hạo có thể thành bạn thân, hai người bọn họ đều có thái độ thẳng thắn đến gần như tàn khốc. Nàng liếc đồng hồ nước rồi đứng dậy gom sách vở lại, "Chúng ta đi nghỉ thôi!"
Thiếu Hạo cùng A Hành nằm song song trên giường, cách nhau ít nhất hai thước.
A Hành bỗng lên tiếng: "Sáng mai thiếp định tới gặp phụ vương và mẫu hậu, xin hai người cho phép xuất cung. Chàng nói giúp thiếp mấy lời được chăng?"
"E rằng khó đấy. Cao Tân là Thần tộc từ thượng cổ, được xưng là dân tộc có lễ giáo, phong tục cổ hủ, phép tắc nghiêm ngặt, đừng nói là vương tử phi, ngay đến vương hậu cũng không thể tùy tiện ra ngoài."
"Phụ vương cho thiếp mang theo ba ngàn tằm giống, nghe nói vì không hợp thủy thổ nên đã chết mất một nửa. Thiếp định nói rõ với phụ vương xin xuất cung khảo sát thủy thổ dân tình các nơi, chọn ra giống tằm Cao Tân phù hợp."
Thiếu Hạo nghĩ ngợi một hồi đoạn nói: "Phụ vương tính tình nho nhã, chỉ thích thư họa ca múa, lại rất dịu dàng chiều chuộng phụ nữ nên chủ yếu khó khăn về phía vương hậu thôi, phụ vương đâu có để tâm chuyện hậu cung. Có điều vải vóc của Cao Tân đều trông cả vào đó, nếu sản lượng thấp sẽ khiến chất lượng vải kém đi, mặc lên người không thoải mái. Nguyên liệu dệt nên tơ lụa cho vương thất quý tộc Cao Tân mấy ngàn năm nay đều phải mua từ Hiên Viên, đây là khoản chi phí rất lớn, chúng ta cứ vin vào đó mà thỉnh cầu, hẳn phụ vương sẽ ủng hộ nàng, vương hậu cũng chẳng thể không nhượng bộ. '
"Cảm ơn chàng!"
Trong bóng tối, cả hai người đều làm thinh, qua một hồi lâu, Thiếu Hạo mới nói khẽ: "Cảm ơn nàng chịu dạy dân chúng Cao Tân chăn tằm dệt vải!"
"Chàng đừng quên chúng ta là đồng minh, hiện giờ thiếp đang là Đại vương tử phi của Cao Tân, đây cũng là việc nên làm thôi mà."
A Hành trở mình quay lưng về phía Thiếu Hạo, Thiếu Hạo cũng trở mình, quay lưng lại phía A Hành.
Nhờ Thiếu Hạo giúp đỡ, A Hành đã được Tuấn Đế cho phép ra vào Ngũ Thần sơn, tuy nhiên phải có thị nữ và thị vệ đi cùng. Dù hiện tại chẳng được tự do như lúc ở Hiên Viên, nhưng nàng cũng hài lòng với kết qủa này lắm rồi.
Ngày tháng thấm thoắt trôi đi sau vẻ ngoài yên ả.
Cuối năm đó, Viêm Đế Du Võng phái sứ giả tới yết kiến Hoàng Đế, đòi Hoàng Đế trả lại phần đất đã xâm lấn của Thần Nông, bị Hoàng Đế cự tuyệt yêu cầu.
Trước trăm quan Thần Nông trên đỉnh Tử Kim, Viêm Đế tuyên bố chính thức khai chiến với Hiên Viên, giành lại lãnh thổ đã bị Hiên Viên lừa gạt chiếm giữ.
Cả triều đường sục sôi hào khí, các chiến sĩ trẻ chỉ mong được lấy máu mình rửa nhục cho tổ tiên, dưới thời Viêm Đế đời thứ bảy, nguyện vọng này không sao thực hiện được, nhưng đến thời Viêm Đế đời thứ tám, cuối cùng cũng đã đạt thành.
Chúc Dung được phong làm Chinh Tây Tường quân, dẫn năm trăm chiến binh Thần tộc, ba ngàn chiến binh Yêu tộc cùng năm vạn chiến binh Nhân tộc tiến đánh Hiên Viên, giành lại lãnh thổ bị xâm lấn.
Trận đầu tiên là mấu chốt để củng cố sĩ khí toàn quốc gia, có thể nói chỉ được thắng, không được bại nên A Hành đoán rằng phụ vương sẽ phái Đại ca Thanh Dương thống lĩnh ba quân chặn địch, nào ngờ Đại tướng quân chỉ huy quân đội Hiên Viên lại là Tam ca Hiên Viên Huy.
Hiên Viên Huy là con trai Tam phi Đổng Ngư thị, A Hành rất hiếm khi gặp vị ca ca này, cũng chẳng biết gì về năng lực của y.
Nàng liền đem thắc mắc hỏi Thiếu Hạo: "Sao phụ vương không phái Đại ca nhỉ? Chúc Dung hiệu là Hỏa thần, chuyên điều khiển lửa, tới lúc then chốt nhất định sẽ bày Hỏa trận, lấy lửa đánh thành, mà băng tuyết của Đại ca lại vừa khéo khắc chế được lửa của hắn."
Đang đánh đàn chợt nghe A Hành hỏi vậy, Thiếu Hạo vừa gảy tiếp vừa đáp: "Nếu bây giờ Thần Nông tấn công Cao Tân, phụ vương cũng chẳng phái ta đi nghênh địch đâu."
A Hành nghĩ ngợi một lát rồi nói, vẻ không muốn tin: "Sao phụ vương lại nghi kị Đại ca chứ? Đại ca là do phụ vương một tay dạy dỗ kia mà!"
Thiếu Hạo thản nhiên: "Khi con cái còn nhỏ, vẫn đang là con mình, Hoàng Đế thân làm cha đương nhiên sẽ dốc tâm huyết dạy dỗ nên một đứa con tài giỏi, nhưng dần dần con cái sẽ lớn lên, trở thành bề tôi, Hoàng Đế thân làm đế vương, hiển nhiên không thể để một bề tôi thâu tóm tất cả được, ông ta vẫn làm những việc nên làm ở từng địa vị khác nhau đấy chứ."
A Hành dễ dàng chấp nhận việc Tuấn Đế nghi kỵ Thiếu Hạo nhưng lại khó mà chịu được cảnh phụ vương kiêng dè Đại ca, xem ra người ta chỉ có thể bình tĩnh trước những sự việc không can hệ tới mình thôi.
Tựa hồ rất hiểu cảm giác của nàng, Thiếu Hạo chỉ chăm chú gảy đàn, mặc A Hành ngây người ngồi đó.
Một hồi lâu sau, A Hành mới khó nhọc cất tiếng: "Chàng và Đại ca thật không hổ là bạn bè đồng cảnh ngộ, người ngoài đều kính trọng hai người như tuyệt thế anh hùng đời nay, còn người nhà lại chỉ chăm chăm đề phòng các vị hệt loạn thần tặc tử!"
Thiếu Hạo ngừng tay đàn, ngẫm lại lời A Hành vừa nói rồi bật cười: "Thật ra Thanh Dương còn khổ sở hơn ta." Thấy A Hành ngơ ngơ ngác ngác, y nói tiếp: "Sau này từ từ nàng sẽ hiểu."
Chúc Dung chia quân làm hai ngả tấn công biên giới phía Tây của Hiên Viên, bao vây ải Đồng Nhĩ, Hiên Viên Huy nhớ kỹ lời Hoàng Đế dặn dò, cứ giữ chặt trong thành không ra ngoài.
Ải Đồng Nhĩ dễ thủ khó công, Hiên Viên huy lại một mực cố thủ trong thành câu giờ, cứ theo tính khí nóng nảy của Chúc Dung thì sớm muộn gì cũng sơ sảy, chỉ cần hắn sơ sảy, Hiên Viên sẽ lập tức phản công.
Giữ thành thoạt nhìn có vẻ dễ dàng nhưng trải qua bao triều đại, danh tướng thạo công thành thì nhiều chứ giỏi giữ thành thì chẳng có mấy ai. Thủ thành thực ra là tâm lý chiến, thời gian kéo dài, quân Thần Nông từ xa tới sốt ruột đã đành, ngay cả quân Hiên Viên cũng thấy mệt mỏi. Để ép Hiên Viên động binh nghênh chiến, quân Thần Nông đã giở ra đủ mọi thủ đoạn. Trước sự khiêu khích của Thần Nông, binh sĩ Hiên Viên, hầu hết đều là những trang nam nhi bừng bừng nhiệt huyết, chỉ hận không thể xông ra quyết một trận sống mái với Thần Nông nhưng Hiên Viên Huy cứ lần lữa chẳng chịu nghênh chiến, dần dà khiến lòng quân oán thán.
Ba quân bắt đầu nảy sinh lời ong tiếng ve, nói Hiên Viên Huy hèn nhát, chỉ giỏi làm rùa rút đầu trong thành, nếu đổi lại là Đại điện hạ Thanh Dương hẳn đã đánh cho Chúc Dung tan tác từ lâu.
Hiên Viên Huy vốn đã mất hết kiên nhẫn lại nghe được những lời xì xầm của thuộc hạ, nhớ tới lời mẹ tha thiết dặn dò trước khi ra trận, lòng càng hoảng loạn hơn.
Trước lúc ra đi, Đổng Ngư thị mẹ y đã gọi y cùng Cửu đệ Di Bành lại bảo, "Có vài chuyện xưa nay mẹ vẫn giấu các con, giờ đây hai đứa đã lớn cả, cũng nên cho các con được biết. Ta và người đàn bà trên Triêu Vân phong kia sớm muộn gì cũng có ngày phải sống mái với nhau, bà ta không chết thì ta chết. Nếu Thanh Dương kế thừa vương vị thì ba mẹ con ta chỉ có đường tự tử thôi."
Di Bành bất lực khuyên nhủ, "Mẹ à, mấy chuyện đó qua lâu rồi mà. Bây giờ Đại ca tốt với chúng con lắm, mẹ cứ canh cánh bên lòng chuyện cũ làm gì?"
"Tốt lắm ư?" Đổng Ngư thị giáng cho Di Bành một bạt tai, "Ta bảo con phải đề phòng nó bao nhiêu lần rồi kia mà? Con cứ hồ đồ như thế, sớm muộn cũng có ngày chết về tay nó cho xem! Nó đã thò lưỡi rắn vào miệng con mà con vẫn coi nó là anh em tốt à? Nếu con giúp Tam ca con một tay thì Thanh Dương đâu thể bành trướng thế lực như bây giờ?"
Dường như đã hoàn toàn thất vọng với Di Bành, Đổng Ngư thị quay sang buồn bã nhìn Hiên Viên Huy, "Huy nhi, lần này con ra quân nhất định phải thắng lợi! Đây là thời cơ ngàn năm có một của mẹ con ta, chỉ thắng trận con mới có thể được phụ vương trọng dụng, con nhớ nhé, nhất định phải chứng minh năng lực của con không kém gì Thanh Dương, phải thể hiện với phụ vương rằng con mới là đứa con trai ưu tú nhất của Người."
Hiên Viên Huy chẳng biết đáp sao cho phải, đành quỳ xuống dập đầu, "Xin mẹ yên tâm, con nhất định sẽ dốc hết toàn lực."
Lời hứa với mẹ vẫn đè nặng trong lòng, từng giờ từng phút nhắc nhở y. Chuyện này liên quan tới sự sống chết của ba mẹ con y nên y nhất định phải thắng, nhất định thế!
Hai tên thuộc hạ nôn nóng lập công đã nhận ra tâm tình xáo trộn của Hiên Viên Huy, liền xúi y mở cổng thành nghênh chiến, "Chúc Dung bôn ba đường xa tới đây, lại giằng co bao lâu nay, hẳn người ngựa đều mệt nhoài cả rồi, chúng ta lấy nhàn chống mệt, nhân sĩ khí bây giờ đang vượng, thừa lúc đêm khuya đánh úp một mẻ nhất định sẽ lập được công lớn."
Hiên Viên Huy đang cần lập công lớn để khẳng định bản thân, vừa nghe đến "nhất định sẽ lập được công lớn" đã thấy nhiệt huyết trào lên, vội hạ quyết tâm ngay.
Y liền triệu tập các tướng lại bàn kế nửa đêm đánh úp Chúc Dung, tướng lĩnh thảy đều đồng tình, duy chỉ có quan chủ quản vận lương là Ứng Long kiên quyết phản đối, nhưng Hiên Viên Huy chẳng để vào tai, còn khiển trách Ứng Long: "Ngươi chỉ là một tên Yêu tộc nhãi nhép, lấy tư cách gì nói càn trước mặt các đại tướng Thần tộc bọn ta?"
Hết thảy tướng lĩnh Thần tộc trong phòng đều cười rộ lên, Ứng Long thấy vậy đành cúi đầu im lặng.
Nửa đêm Hiên Viên Huy đích thân dẫn theo tinh anh Thần tộc đánh úp Chúc Dung, còn bố trí mấy vạn đại quân Nhân tộc vây bủa bên ngoài sẵn sàng truy quét quân Thần Nông trốn chạy.
Mọi chuyện đều nằm trong dự liệu của Hiên Viên, đại quân Chúc Dung hầu như không hề đề phòng, vừa đánh đã bỏ chạy tán loạn.
Thấy ngọn cờ Ngũ Sắc Hỏa Diễm của Chúc Dung chạy về hướng Bắc, nơi chỉ có một dải đồng bằng bao la, hoàn toàn không thể phòng thủ, Hiên Viên Huy mừng rỡ khôn cùng, thầm nghĩ nếu giết được Chúc Dung, hẳn sáng mai thôi là mình nổi danh khắp đại hoang, rồi y lại lan man nghĩ tới Hiên Viên Thanh Dương, nghĩ tới phụ vương, nghĩ tới mẹ... Vì quá hăng hái, y quên khuấy cả thận trọng, chỉ lo tập trung tất cả quân đội Thần tộc đuổi giết Chúc Dung.
Bọn Hiên Viên Huy vừa đuổi tới nơi, đột nhiên lá cờ Ngũ Sắc Hỏa Diễm phân ra thành năm ngọn lửa, bập bùng vờn quanh. Hiên Viên Huy cười nhạt, biết Chúc Dung chuyên dùng hỏa công, y đã có chuẩn bị sẵn, bèn lệnh cho quân đội Hiên Viên bày trận hô mưa.
Chúc Dung cưỡi trên Tất Phương điểu lắc đầu cười, mỗi trận pháp không chỉ dựa vào tinh lực của Thần tộc mà còn phải biết cách vận dụng linh hoạt, hiện giờ đang giữa tháng Chạp đông giá, vùng này lại khô hạn lâu ngày, rõ ràng là địa điểm tốt để bày trận hỏa công, chứ hô mưa làm sao nổi.
Thần Nông thoạt nhìn như thể đang bỏ chạy tán loạn nhưng thực tế ai nấy đều đã ổn định vị trí đâu vào đó, Chúc Dung ngồi giữa trận thúc động linh lực, chỉ trong chớp mắt, ngọn lửa bắt đầu rần rật khắp vùng.
Hiên Viên Huy cũng lệnh cho các tướng sĩ hô mưa, nhưng thế trận của Hiên Viên bị vây giữa thế trận của Chúc Dung, linh khí trời đất ở đây lại hợp hỏa chứ không hợp thủy, dần dà, mưa của họ càng lúc càng nhỏ lại, trong khi lửa của Chúc Dung mỗi lúc một lớn, như muốn nuốt chửng quân địch.
Hiên Viên Huy bắt đầu hoảng sợ.
Hai bên giao tranh, bên nào dũng cảm hơn thì thắng! Chủ tướng vừa hoảng hốt, lòng quân lập tức hoang mang, binh lính bỏ chạy tán loạn, trận pháp liền tan vỡ. Quân Hiên Viên bỏ chạy càng lúc càng đông, nhưng trên trời dưới đất đâu đâu cũng có binh lính Thần Nông trấn giữ, thấy kẻ nào giết kẻ nấy.
Nhận ra mình đang bị lửa đỏ bao vây, Hiên Viên Huy toan cưỡi tọa kỵ bỏ trốn, nào ngờ Chúc Dung đã giáng Lôi Đình hỏa ép y phải đáp xuống đất.
Thế lửa càng lúc càng mạnh, tọa kỵ của Hiên Viên Huy thất kinh, giằng cương chạy trốn, chẳng buồn nghe lệnh y nữa.
Mất đi tọa kỵ, Hiên Viên Huy chỉ biết chạy tới chạy lui giữa hỏa trận, vận linh lực xua tan từng luồng hơi nóng, có điều hảo trận này do năm trăm Thần binh của Thần Nông chung sức tạo thành, lại được Hỏa thần Chúc Dung dốc toàn lực điều khiển, linh lực của Hiên Viên Huy làm sao chống nổi.
Dần dà y cạn kiệt linh lực, bị U Minh hỏa xâm nhập thân thể, thiêu đốt ruột gan, khắp người từ trong ra ngoài đều đỏ rực lên, phải gào thảm xin tha.
Chúc Dung đứng trên Tất Phương điểu nhìn xuống thấy hết mọi chuyện, đắc ý cười ha hả.
Từ xa trông lại, thấy ánh lửa đỏ rực trời, Ứng Long biết đại cuộc đã hết cách cứu vãn, lập tức lệnh cho một đội quân Yêu tộc thông thuộc địa hình dẫn theo đại quân Nhân tộc rút lui. Còn y cùng hai ngàn quân Yêu tộc đóng ở hai bên sườn núi, vừa bắn tên yểm trợ đại quân Nhân tộc vừa lợi dụng dòng sông trong sơn cốc bố trí một trận thủy nhỏ, ngăn cản quân Thần Nông truy sát.
Chém giết suốt một đêm, đến nỗi trời đất cũng thành ra u ám, binh lính phơi thây đầy nội.
Trời vừa sáng, tin ải Đồng Nhĩ thất thủ đã truyền về Hiên Viên thành.
Toàn bộ tướng sĩ Thần tộc do Hiên Viên Huy dẫn đầu đều bị tiêu diệt, Yêu tộc thương vong nặng nề, Nhân tộc nhờ trốn vào núi sâu nên chẳng tổn thương một binh một tốt, quả là kỳ tích.
Hoàng Đế nghe trình tấu mà run rẩy cả người, ngồi phịch xuống ghế, không nói nổi một lời, hồi lâu mới trầm giọng ra lệnh: "Lập tức lôi tên Ứng Long lâm trận bỏ chạy xử tử, tất cả lính đào ngũ đều biến làm nô lệ, bắt làm lao dịch trong quân."
Thanh Dương biết Hoàng Đế vì mất con mà đau lòng quá độ, sinh ra căm phẫn nên chẳng dám khuyên giải, chỉ đỡ lời: "Ứng Long chết không đủ đền tội, có điều hắn đã tận mắt chứng kiến trận chiến, lời nói ra là đáng tin nhất, chi bằng giải hắn về đây hỏi rõ tình hình quân địch rồi xử tử cũng chẳng muộn."
Hoàng Đế chẳng còn sức mà lên tiếng nữa, chỉ xua tay tỏ ý Thanh Dương cứ toàn quyền quyết xử lý.
Thanh Dương nhận lệnh bước ra, bảo thị nữ Chu Du: "Ngươi lập tức tới biên giới cùng các quan viên áp giải Ứng Long về đây, nhớ chăm sóc cho hắn tử tế, dọc đường nhất định phải tôn trọng hắn, tuyệt đối không được thất lễ."
Chu Du ngỡ ngàng, "Tại sao phải thế ạ? Chẳng phải hắn chết đến nơi rồi sao?"
Thanh Dương giải thích: "Chúc Dung thần lực cao cường, được tôn làm Hỏa thần. Ứng Long chỉ có hai ngàn quân Yêu tộc mà dám giao tranh với Chúc Dung, lợi dụng địa thế bảo toàn được tướng sĩ Nhân tộc, để cho Yêu tộc thương vong nặng nề, có thể nói là một viên tướng tài hiếm thấy, hội tụ đủ cả nhân, trí, dũng, tuy hiện giờ phụ vương đau lòng quá độ thành ra sơ suất nhưng khi bình tĩnh lại nhất định sẽ nghĩ thông mà trọng dụng hắn."
Đang nói chợt y trông thấy Tam phi Đổng Ngư thị tóc tai rũ rượi nhào xuống khỏi xe loan, hai chân xỏ hai chiếc hài cọc cạch, hiển nhiên vừa nghe tin đã chạy đến đây xác nhận ngay, chẳng kịp rửa mặt chải đầu.
Đồng Ngư thị vừa chạy vừa gào lên thảm thiết, "Bệ hạ, bọn chúng nói láo, bọn chúng phao tin đồn nhảm..." Trông thấy Thanh Dương, bà ta liền trợn tròn mắt, căm hận nói, "Ngươi, nhất định là ngươi. Có phải là qủy kế của ngươi không? Ta biết ngươi muốn hại chết chúng từ lâu rồi, ngươi muốn báo thù cho Vân Trạch, là ngươi hại chết Huy nhi..." Bà ta vừa kêu khóc vừa lao tới đánh Thanh Dương, đám thị nữ phải cản lại.
Chu Du tái mặt sợ hãi nhưng Thanh Dương chẳng lấy đó làm điều, chỉ cung kính hành lễ với Đổng Ngư thị rồi lập tức bỏ đi.
Tiếng khóc thảm thiết của Đổng Ngư thị còn văng vẳng sau lưng y, "Huy nhi không việc gì, Huy nhi sẽ không việc gì đâu..."
Những lời này sao nghe quen đến thế...
Hơn ngàn năm trước, mẹ y cũng từng tái mét mặt khi đứng trước mặt y, luôn miệng lẩm bẩm: "Vân Trạch không việc gì, Vân Trạch sẽ không việc gì đâu..."
Bà tuyệt vọng nắm chặt lấy tay y, như thể cầu xin y khẳng định với mình "Vân Trạch không việc gì đâu".
Y cũng muốn an ủi mẹ bằng câu "Mẹ yên lòng, Vân Trạch không sao đâu" biết bao, nhưng chẳng làm sao cất nổi lời, chỉ biết lặng lẽ quỳ trước mặt bà dập đầu thật mạnh, ra sức dập đầu.
Mẹ y nhũn người ra như bị rút hết gân cốt, ngồi phệt xuống đất.
Y đặt mảnh sọ còn sót lại của Vân Trạch xuống trước mặt mẹ.
Luy Tổ chẳng hề khóc lóc kêu gào, chỉ đờ đẫn nâng mảnh sọ lên ôm vào lòng, luôn tay ve vuốt, miệng mấp máy, lắng tai nghe kỹ mới nhận ra bà đang hát ru, "À ơi, thỏ chạy tung tăng, ngựa phi lộp cộp, ơi con cưng của mẹ, không đau đâu mà..."
Thanh Dương còn nhớ thuở nhỏ Vân Trạch rất sợ đau, hễ trượt chân hay vấp ngã là khóc òa lên, lần nào như lần nấy mẹ đều ôm Vân Trạch vào lòng khe khẽ ru hời, Vân Trạch sợ đau như vậy mà lại bị thiêu sống đến chết.
Ánh mắt Thanh Dương buốt lạnh, khóe miệng càng lúc càng mím chặt.
Tin đại quân Hiên Viên bị tiêu diệt, một vị vương tử bỏ mình truyền đến Cao Tân, khiến triều đình nhốn nháo cả lên.
Quan viên trong triều kẻ chủ trương phái binh chi viện Hiên Viên kẻo một khi Thần Nông đánh bại Hiên Viên thì Cao Tân sẽ trở thành mục tiêu kế tiếp, kẻ lại phản đối, nói Hiên Viên chẳng qua mới thua một trận, Cao Tân nên nghe ngóng tình hình thêm đã, còn có kẻ đề nghị nên tặng mỹ nữ và lễ vật cho Thần Nông để bày tỏ thiện ý, nếu kết nối thông gia được với Thần Nông là hay nhất.
A Hành đang ở ngoài thành dạy đám phụ nữ quay tơ dệt vải, nghe tin này lập tức quay về Ngũ Thần sơn.
Về tới nơi, nàng cũng không dám xông vào giữa triều đường làm phiền các quan bàn luận, đành phải đứng ngoài đợi.
Hai vị vương tử Quý Ly và Tam Thân đều chủ trương chi viện Hiên Viên, sát cánh cùng nhau chống lại Thần Nông, còn mười mấy vị vương tử Yến Long, Trung Dung, Hắc Xi, vân vân... lại cho rằng không nên giúp Hiên Viên, ai nấy đều khăng khăng theo ý mình, tranh cãi rất găng.
Tuấn Đế bảo bọn họ yên lặng rồi hỏi Thiếu Hạo, "Con thấy thế nào?"
Yến Long và Trung Dung cười nhạt, Thiếu Hạo là rể Hiên Viên, cần gì phải hỏi nữa.
Vậy mà Thiếu Hạo chỉ đáp gọn: "Nhi thần nghĩ chúng ta nên án binh bất động."
Tuấn Đế liền phán: "Vậy cứ thế đi, ta cũng mệt rồi, bãi triều!"
Thấy Thiếu Hạo phản đối xuất quân chi viện, Bán Hạ lén liếc A Hành nhưng nàng chẳng phản ứng gì, chỉ lặng lẽ đứng dưới thềm vắng đợi.
Thiếu Hạo bước ra khỏi đại điện cùng Quý Ly, đang đi chợt y dừng bước, nhường Quý Ly đi trước còn mình băng qua dãy hành lang trùng trùng, bước tới trước mặt A Hành, chủ động nắm lấy tay nàng, "Hai ta đi dạo một chút rồi hẵng về cung nhé."
Bán Hạ cùng các thị nữ biết ý lui cả xuống dưới.
Thiếu Hạo lên tiếng hỏi: "Nàng nghe thấy ta nói gì rồi ư?"
"Vâng."
"Nàng giận sao?"
A Hành đáp: "Thoạt đầu nghe nói cái gì toàn quân bị diệt, thiếp vô cùng lo sợ, vội sấp sấp ngửa ngửa chạy về, nhưng nghe chàng nói lại thấy yên lòng. Nhất định chàng nhận thấy Hiên Viên chưa bị tổn thương nguyên khí nên mới ung dung không xuất quân như thế, chứ nếu tình hình Hiên Viên nguy cấp, hẳn chàng đã phải nôn nóng từ lâu."
Thiếu Hạo khẽ cười, tiếng cười lồng lộng trong gió, toát lên vẻ thích thú, "Trận chiến này e rằng chẳng thể kết thúc ngay trong một sớm một chiều, Cao Tân quả thật không cần phải vội."
Nói đến đây Thiếu Hạo chợt ngừng lời, đưa mắt nhìn A Hành như thể đang đố nàng.
A Hành chẳng chịu lép vế, ngẫm nghĩ một hồi rồi đáp: "Bản thân Du Võng vốn không muốn gây chiến, phái Chúc Dung ra trận là việc cực chẳng đã mà thôi. Chúc Dung cũng chỉ muốn lấy lòng tướng sĩ và lôi kéo chư hầu chứ đâu có định đánh thật, giờ y đã thắng một trận vẻ vang, giết được một vị vương tử Hiên Viên, có thể nói là lập công lớn rồi, nếu đánh nữa sẽ phải tiến sâu vào lãnh thổ Hiên Viên khổ chiến, một kẻ không chịu tiêu hao binh lực của mình như Chúc Dung nhất định không chịu tiến sâu thêm đâu, nếu có quan viên nào xúi giục tiếp tục đánh, y cũng sẽ đứng về phía Du Võng vì lợi ích bản thân cho xem."
Thiếu Hạo gật đầu, "Thật chẳng hổ là muội muội của Thanh Dương, tiến bộ rất nhanh, có lẽ chẳng bao lâu nữa nàng có thể cầm quân ra trận rồi."
A Hành chắp tay thi lễ với Thiếu Hạo, "Đó là nhờ thiếp được thầy giỏi chỉ bảo, ngày ngày đều cùng chàng bàn luận những chuyện này, chỉ cần không phải gỗ mục thì nhất định phải có tiến bộ chứ, có điều..."
"Có điều làm sao?"
"Thiếp rất ít khi tiếp xúc với Tam ca, gần như chẳng có ấn tượng gì, nói thật, nghe tin huynh ấy chết trận, thiếp kinh ngạc nhiều hơn là đau buồn, nhưng huynh ấy là con trai của người phụ nữ mà phụ vương sủng ái nhất, e rằng bây giờ phụ vương thiếp đang đau lòng khôn xiết, dù Chúc Dung không tiến đánh Hiên Viên nữa, phụ vương thiếp cũng chưa chắc chịu bỏ qua cho y."
Thiếu Hạo phân tích: "Luận về tài tình phẩm mạo phụ vương ta đều đứng đầu, chỉ phải cái tai thính quá, hơi một tí gió lay cỏ động là nơm nớp đề phòng mấy đứa con trai, nhưng nếu có đứa con nào bị giết hại, nhất định Người sẽ lập tức xuất quân báo thù cho chúng ta không tiếc bất cứ thứ gì, còn phụ vương nàng thì khác, Hoàng Đế chỉ đau lòng trong chốc lát mà thôi, qua cơn đau xót sẽ lại lấy đại cuộc làm trọng."
Nghe Thiếu Hạo nói, A Hành thấy lạnh buốt cả cõi lòng.
Nghĩ tới Thanh Dương, ánh mắt Thiếu Hạo chợt thấp thoáng lo âu, "A Hành, nàng có biết mình còn một ca ca nữa không?"
"Thiếp cũng có nghe loáng thoáng, luận vai vế huynh ấy đáng ra là Nhị ca, có điều qua đời quá sớm nên mọi người cũng không nhắc tới."
"Nàng biết y chết thế nào không?"
"Tứ ca kể với thiếp là huynh ấy mắc bệnh mà chết, thiếp sợ mẹ đau lòng nên xưa nay chẳng dám hỏi tới, kể ra thì tên huynh ấy là gì thiếp cũng không biết nữa. Sao đột nhiên chàng lại hỏi chuyện này?"
"Có sao đâu, đột nhiên ta nghĩ tới thì hỏi thôi."
A Hành buồn bã, "Cứ nói tuổi thọ của Thần tộc lâu dài nhưng chín ca ca của thiếp nay chỉ còn bảy. Chúng ta luôn ỷ tuổi thọ dài lâu, chẳng để tâm tới việc gì cả, lại cho rằng dù thế nào cũng còn rất nhiều thời gian, mà đâu biết thực ra rất nhiều thứ chỉ vụt qua trong chớp mắt, sinh mệnh đằng đẵng càng khiến cho nỗi đau dài ra vô tận mà thôi."
Thiếu Hạo đưa mắt nhìn nàng rồi hỏi: "Thư tửu và hùng tửu ta cất đều ngon cả, nàng có muốn thử uống hai loại cùng lúc không?"
"Hay lắm!"
Quả thật phải uống một trận say khướt mới hóa giải được nỗi buồn vì toàn quân bị diệt, nỗi đau vì mất đi một người anh trai chôn sâu trong lòng A Hành.
Thiếu Hạo ngẩng lên trời huýt một tiếng lanh lảnh, triệu gọi Huyền điểu tọa kỵ đỗ xuống. Y nắm tay A Hành bước lên lưng Huyền điểu, mặc đám thị nữ thị vệ cuống quýt chạy theo hỏi: "Điện hạ, vương tử phi, hai vị đi đâu thế?"
A Hành bực bội cau mày với Thiếu Hạo, đoạn ngoảnh lại đổi sang vẻ mặt tươi cười, tựa vào lòng Thiếu Hạo, lấy giọng nhõng nhẽo trả lời bọn họ: "Vợ chồng ta đi làm chuyện vợ chồng, các ngươi cũng muốn theo nhìn ư?"
Đám thị nữ Hiên Viên còn đỡ, nhưng hết thảy thị nữ thị vệ Cao Tân đều kinh hãi khựng lại, không dám tin rằng đường đường vương tử phi lại dám thốt ra những lời dâm loạn đến thế.
A Hành nháy mắt với Thiếu Hạo, Thiếu Hạo lắc đầu cười lớn, lệnh cho Huyền điểu bay vút đi.
Đúng như Thiếu Hạo và A Hành phân tích, sau khi khao thưởng Chúc Dung thật hậu hĩnh, Du Võng chẳng mấy mặn mà với những lời đề nghị tiếp tục thừa thắng truy kích, Chúc Dung cũng lấy cớ quân sĩ không hợp thủy thổ, phát sinh bệnh tả để từ chối tiến sâu vào lãnh thổ Hiên Viên.
Về phía Hiên Viên, Hoàng Đế cũng phong thưởng Ứng Long thuộc Yêu tộc, khen ngợi y đã bảo tồn được binh lực Nhân tộc quý báu cho Hiên Viên.
Trước sự ưu ái của Hoàng Đế, Ứng Long chỉ biết khấu tạ liên hồi.
Đợi Ứng Long cùng các quan viên khác lui ra, trong đại điện chỉ còn lại Hoàng Đế và Thanh Dương, Hoàng Đế mới quay sang bảo: "Lần này con làm rất tốt, nếu không có con, ta chẳng những đã giết lầm một viên tướng tài hiếm có mà còn làm mất lòng Yêu tộc. Không có lương thảo, không có binh khí, thậm chí không có lãnh thổ đều có thể nghĩ cách, nhưng để mất lòng dân thì chẳng cách nào cứu vãn được cả. Con cũng phải nhớ lấy, trên đời này thứ đáng quý nhất chính là lòng dân, nhất định không được để mất lòng dân."
Thanh Dương cung kính: "Nhi thần sẽ nhớ kỹ lời phụ vương dạy bảo."
Hoàng Đế lại hỏi: "Chuyện Chúc Dung con thấy thế nào?"
Thanh Dương đáp: "Chúc Dung giết chết Tam đệ, đương nhiên chẳng thể bỏ qua, con xin được dẫn quân thảo phạt hắn, nhất định đem đầu hắn về gặp phụ vương."
Hoàng Đế lắc đầu: "Không thể giết Chúc Dung được! Mẹ và bà hắn đều xuất thân tôn quý, có thế lực hùng hậu ở Thần Nông, nếu giết chết Chúc Dung chẳng khác nào bức mấy bộ lạc lớn kia tử chiến với chúng ta. Dân số Thần Nông đông gấp ba Hiên Viên, nếu họ quyết tử chiến với ta, dù quân ta có kiêu dũng mấy chăng nữa cũng không chống nổi đâu."
Thanh Dương nghĩ ngợi một lát rồi nói: "Nhi thần ngu ngốc không hiểu ý Người, xin phụ vương giảng giải thêm cho."
Hoàng Đế giải thích: "Cách hay nhất không phải là giết chết Chúc Dung, mà là khiến hắn quy thuận chúng ta, để thế lực của hắn thu về dưới trướng Hiên Viên."
"Sao có thể được? Chúc Dung là người Thần Nông chính gốc mà!"
Hoàng Đế nhướng mày, ánh mắt sắc như dao, vặn lại: "Sao không được chứ? Thủy tổ của Thần Nông khi xưa chẳng phải cũng là thuộc hạ Bàn Cổ sao?"
Thanh Dương vội chữa lại: "Phụ vương nói rất có lý, Chúc Dung lòng tham không đáy, tự coi mình là kẻ có thần lực cao cường nhất trong Thần Nông tộc, đời nào cam lòng đứng dưới một Du Võng bất tài vô dụng. Chỉ cần đem món lợi lớn ra nhử hắn, hắn nhất định sẽ động lòng."
Hoàng Đế gật đầu cười, "Có điều Chúc Dung cũng chỉ là một con chó hoang thôi, thoạt đầu phải lấy gậy đánh cho nhụt hết nhuệ khí để nó biết sợ rồi mới đem thỏ béo ra dụ dỗ, dần dà thuần hóa nó thành chó nhà."
"Nhi thần hiểu rồi."
"Chuyện này giao cả cho con, ta biết con có cài thám tử vào Thần Nông quốc, cứ sai chúng phao tin đồn nhảm để Du Võng cùng quan lại trong triều đinh ninh rằng Chúc Dung sớm muộn sẽ tạo phản, đợi khi nào Chúc Dung nhận ra cả triều đình đều nghĩ mình sắp làm phản, chừng đó hắn muốn không phản cũng không được."
Thanh Dương quỳ xuống dập đầu, "Vâng." Y hiểu những lời này của Hoàng Đế vừa là giao nhiệm vụ, cũng vừa là cảnh cáo ngầm, con làm gì ta đều biết hết.
Hoàng Đế cúi đầu lật lật công văn, "Con lui xuống đi."
Thanh Dương đứng dậy hỏi, "Tam đệ vừa qua đời, hôn sự của Xương Ý có phải lùi lại không ạ?"
Hoàng Đế nghĩ ngợi rồi đáp, "Không cần, cũng đâu phải bậc bề trên qua đời, khỏi cần giữ quy củ chịu tang. Hơn nữa mùa xuân sang năm mới tới hôn lễ của Xương Ý, còn hơn một năm nữa, cứ cử hành đúng hạn đi! Giờ đang là lúc Hiên Viên cần dùng người, Xương Ý lại kết hôn với nữ tộc trưởng tương lai của Nhược Thủy, sau này chiêu mộ quân lính từ Nhược Thủy tộc cũng thuận tiện hơn nhiều."
Chẳng rõ đang nhớ tới chuyện gì, Hoàng Đế chợt ngẩn ra, hồi lâu mới nói, "Tuy hôn sự có mẹ các con lo liệu nhưng mấy năm nay tinh thần bà ấy không được tốt, con nên đỡ đần thêm cho bà ấy, nhất định hôn lễ phải tổ chức thật trọng thể, mời hết khách khứa bốn phương để Nhược Thủy tộc thấy rằng chúng ta hết sức tôn trọng họ. Nhược Thủy tộc kiêu dũng thiện chiến nhưng tâm tư rất thuần phác, chúng ta càng tỏ lòng tôn trọng họ, họ sẽ càng trung thành với chúng ta."
Lúc Thanh Dương còn nhỏ, Hoàng Đế chưa lập nên Hiên Viên quốc, Luy Tổ cũng chưa trở thành vương hậu nên chưa có danh xưng mẫu hậu, giờ đây Hoàng Đế bỗng vô tình dùng lại cách xưng hô ngày cũ ân cần dặn dò khiến Thanh Dương nghe mà chợt xót xa, chỉ biết cúi đầu thành tâm vâng dạ, đợi Hoàng Đế căn dặn xong xuôi, y bèn cáo từ lui ra.
Thấy Thanh Dương bước ra khỏi đại điện, Chu Du liền rảo bước theo sau, vừa đi vừa nói: "Tên khốn Ứng Long kia thật tệ, hôm nay nô tỳ trông thấy y bèn lên tiếng chào hỏi, chúc mừng y thăng quan tiến chức, nào ngờ y lạnh như tiền, chẳng hề tỏ vẻ biết ơn, cũng chẳng thèm nghĩ xem nếu không nhờ điện hạ, y đã phải bỏ mạng từ lâu rồi!"
Thanh Dương lườm Chu Du, chế giễu: "Ngươi đã ở bên ta hơn ngàn năm, cũng tu thành hình người mấy trăm năm nay rồi, sao vẫn dốt đặc cán mai như khúc gỗ thế?"
Chu Du ấm ức ra mặt nhưng chẳng dám phản bác, chỉ biết lẩm bẩm trong lòng, nô tỳ vốn là khúc gỗ mà!
Thanh Dương bèn nhẫn nại cắt nghĩa, "Ta cứu y là bởi phẩm chất và mưu trí của y, muốn cho y một cơ hội thi thố tài năng, nếu y tỏ vẻ thân thiết với chúng ta, ngược lại chính là phụ lòng ta, khiến ta thất vọng vì đã cứu y đó."
"Thế là thế nào?" Chu Du vẫn ngơ ngác không hiểu. Thanh Dương hết cả kiên nhẫn, lạnh lùng nói: "Nếu y quá thân cận với ta thì phụ vương sẽ đắn đo khi dùng y, vậy há chẳng phải phụ tâm ý ta cứu y ư?"
"À! Té ra là thế, xem chừng nô tỳ trách oan y rồi! Nô tỳ đã nói Yêu tộc của nô tỳ luôn uống nước nhớ nguồn mà!"
Thanh Dương lắc đầu ngán ngẩm nhìn Chu Du, vừa đi vừa dặn: "Nhược Thủy tộc sùng bái nhược mộc(*), nhưng nhược mộc rời khỏi Nhược Thủy thì không sao sống nổi, ngươi nghĩ cách trồng cho được nhược mộc ở Hiên Viên đi, khi nào Xương Ý thành hôn cùng Trọc Sơn Xương Phó, ta muốn nhược mộc nở hoa dọc hai bên đường đón dâu."
(*) Theo Sơn Hải kinh: ở Nam Hải, nơi hai dòng nước trong đục giao hòa vào nhau, có một loài cây tên nhược mộc, là khởi nguồn của Nhược Thủy. (ND)
Chu Du cười hì hì, "Việc này cứ giao cho nô tỳ, nô tỳ sẽ đi nài nỉ ông tổ của nhược mộc, lão ta còn nợ nô tỳ, cảm phiền con cháu lão nở hoa một lần chỉ là chuyện nhỏ."
"Còn nữa, nhớ thúc cho đám dâu trên Triêu Vân phong chín sớm lên đấy."
"Biết rồi biết rồi, Tứ điện hạ và vương cơ đều thích ăn dâu lạnh, chừng nào họ tới điện hạ nhớ làm một trận tuyết, nhân đó hái luôn dâu lạnh tươi rói, ngon hơn dâu ướp lạnh trong hầm băng nhiều."
Thanh Dương nghe vậy lạnh lùng trừng mắt nhìn Chu Du khiến ả giật nảy mình vội cúi gằm mặt xuống than thầm, người ta ngốc thì lườm, người ta thông minh thì trừng, thế là sao đây!
← Ch. 12 | Ch. 14 → |