← Ch.19 | Ch.21 → |
Ba cỗ xe ngựa đi qua những con hẻm xuyên qua các con phố, ngồi trong xe chỉ nghe thấy tiếng bánh xe lộc cộc lăn trên đường, Hoắc Thời Anh đột nhiên mở đôi mắt vẫn nhắm nãy giờ hỏi: "Tiểu Lục, trước đây khi còn ở trong phủ ngươi theo hầu ai?".
Từ lúc lên xe tới giờ Hoắc Thời Anh cứ nhắm mắt suốt chẳng nói năng gì, vẻ mặt nghiêm túc, suy nghĩ rất nhập tâm, vì thế bầu không khí trong xe khá nặng nề, giờ nàng đột nhiên mở miệng, khiến Tiểu Lục giật thót, phải mất một lúc ổn định lại tinh thần mới trả lời được: "Trước khi tới Tây Bắc đã đi theo Thế tử một năm."
"Ồ? Vậy ngươi chuyên phụ trách sắp xếp những việc gì cho Thế tử?" Hoắc Thời Anh lại hỏi.
Nghe hỏi vậy Tiểu Lục trả lời thong dong hơn hẳn: "Cũng không có chuyện đặc biệt gì cho tiểu nhân phụ trách cả, chỉ là dính lấy Thế tử, hầu hạ giấy mực bút nghiên, có người tới thì dẫn đi gặp, báo tin, thỉnh thoảng cũng đưa thư từ các kiểu nữa."
"Vậy ngươi có từng theo Thế tử tham gia buổi yến tiệc nào đó hay ra ngoài xã giao không?".
Tiểu Lục ngẫm nghĩ một lúc rồi đáp: "Thời gian tiểu nhân ở bên cạnh Thế tử không nhiều, sức khỏe Thế tử lại không tốt, thường không gặp người ngoài, bình thường nhiều nhất cũng chỉ đi lại trong sân thôi, có gặp cũng đều là mấy vị quản sự của các tiểu viện, có xử lý thì cũng đều là những việc lặt vặt trong phủ, tiểu nhân chưa bao giờ cùng Thế tử ra ngoài xã giao cả."
Hoắc Thời Anh cau mày trầm tư: "Vậy ngươi chưa từng gặp Duệ vương sao?".
Tiểu Lục cúi đầu: "Tiểu nhân chưa gặp Duệ vương bao giờ."
Hoắc Thời Anh lại nhắm mắt lại dựa ra sau, không hỏi han gì nữa.
Cuối cùng xe ngựa cũng dừng lại, Hoắc Thời Anh xuống xe, trước mặt là một trạch viện, trên cửa không hề treo một tấm biển nào, bên ngoài thoạt nhìn thì giống như một căn nhà của phú hộ, không nhận ra được đây là nơi nào, cũng vẫn là Hàn Đường dẫn đường, Duệ vương và Hoắc Thời Anh rớt lại đi phía sau.
Vừa vào đến cổng, một người cô gái dáng vẻ như thiếu phụ bước tới nghênh đón bọn họ, nhìn thấy cô gái đó, đầu óc đang mải tự vấn để chuẩn bị tâm lý của Hoắc Thời Anh lập tức kinh qua một trận sấm sét đùng đoàng, cách ăn vận của người phụ nữ này rất giống với những bà trẻ góa chồng của một gia đình giàu có, nhưng trong khoảng thời gian này những bà trẻ ấy không bao giờ được ra ngoài đón khách, đây chẳng qua là một kỹ viện mà thôi, Duệ vương thế mà lại đưa nàng đến kỹ viện.
Cô gái mặc một bộ váy tay hẹp màu trắng ngọc, mái tóc được búi gọn theo nếp không một sợi rối, lông mày tô nhạt, hai gò má ửng màu hồng phấn, đôi môi đỏ tươi, trong vẻ trang trọng ẩn hàm đôi chút diễm sắc tịch mịch đầy hàm súc, trước khi mở miệng nói chuyện đã mỉm cười tươi tắn, vẻ phong tình lập tức xuất hiện.
Cô gái nhún người chào Hàn Đường, thái độ thân thiết hòa nhã rõ ràng là đã quen thuộc từ lâu: "Tam gia, an hảo." Nói xong, nàng ta lại tiếp tục hành lễ với Duệ vương và Hoắc Thời Anh: "Hai vị khách quan an hảo."
Tuy bình thường Hoắc Thời Anh mặc đồ con trai nhưng chưa từng giấu diếm việc mình là con gái, nàng không bó ngực cũng không che đậy việc bản thân không có hầu kết, nhưng cô gái này không mảy may có chút ngạc nhiên nào về nàng, nếu không phải thấy nhiều hiểu rộng thì cũng là đã có sắp xếp từ trước.
Quả nhiên, nghe thấy Hàn Đường nói với nàng ta: "Thất nương cô dẫn đường đi." Bọn họ rõ ràng là có quen biết.
Đè nén mọi sự kinh ngạc và hoài nghi xuống, Hoắc Thời Anh đi theo bọn họ vào trong, so với cửa lớn có phần đơn giản xuề xòa bên ngoài thì bên trong rõ ràng là một khung cảnh hấp dẫn hơn nhiều, xuyên qua một dãy hành lang, trước mắt như được mở rộng, một đình viện chiếm diện tích cực lớn, những tia sáng u ám khiến người ta không thể nhìn thấy điểm cuối, chỉ thấy những vô số những chiếc đèn lồng đỏ thẫm treo gần treo xa, hòn giả sơn, cây cầu nhỏ nhỏ, làn nước chảy róc rách đều được bao phủ bởi một luồng ánh sáng đỏ mờ ảo.
Suốt dọc đường đi, những cây tùng bách được cắt tỉa trông như bảo tháp, những hòn đá muôn hình vạn trạng vô cùng kỳ lạ, những cây mạn đằng nhiều năm tuổi, những cành cây khô khẳng khiu uốn lượn, đâu đâu cũng đều rất mới mẻ thú vị, bất cứ nơi nào cũng đều có thể lấy ra để vẽ tranh, thực sự vô cùng tao nhã tinh tế.
Hoắc Thời Anh nhủ thầm nơi đây rõ ràng là của tư nhân, nhưng so với những chốn xa hoa trụy lạc gióng trống khua chiêng cờ hoa sặc sỡ, thì không biết đẳng cấp nơi này còn cao cấp tới đâu.
Bọn họ đi rất chậm, bởi vì từ đầu đến cuối phải đi theo bước chân thong dong như đi trong sân vắng của Duệ vương, Thất nương đi trước dẫn đường cho ba người, Hàn Đường vốn dĩ định đi tụt lại phía sau Duệ vương nửa bước để thể hiện sự kính trọng, nhưng không biết đi tới đi lui thế nào trái lại còn khiến Duệ vương đi sau ông ta nửa bước, nên đương nhiên Hoắc Thời Anh rớt lại đi cuối cùng.
"Hàn Đường, nơi này là tài sản riêng của anh họ ông phải không?" Duệ vương đột nhiên mở miệng hỏi.
Bước chân Hàn Đường khựng lại, hơi nghiêng người trả lời: "Vâng."
"Đúng là người tinh tế." Trong giọng điệu của Duệ vương có mang theo đôi chút trêu chọc, Hoắc Thời Anh thấy đầu Hàn Đường cúi xuống, tóc mai loáng thoáng có giọt mồ hôi rơi xuống.
Trong đầu Hoắc Thời Anh liền lập tức hiểu ra, Hoắc Chân từng kể nhà mẹ đẻ của Hàn Đường đã lụn bại từ lâu, nhưng anh họ của ông ta lại có thể sắm được sản nghiệp như vậy ở kinh thành, căn nhà này không phải ai cũng có thể mở được, thế lực đằng sau nhất định rất lớn, người ta thường nói cảnh tượng nhìn càng xa hoa thì càng phải bạo tay chịu chi, nếu vị anh họ của Hàn Đường là mượn nhờ uy thế làm quan của Hàn Đường để phất lên, nhưng Hàn Đường mới làm quan được có mấy năm chứ? Bảo sao ông ta lại toát hết cả mồ hôi thế kia.
Duệ vương nói xong câu ấy thì cũng không nói gì tiếp nữa, mọi người lại chậm rãi đi tiếp, suốt dọc đường dẫn đến sân viện sâu hun hút không thấy một bóng người, thỉnh thoáng lại có tiếng đàn dường như cách mấy tầng lầu vấn vít truyền đến.
Cuối cùng bọn họ được dẫn đến một gian phòng rất rộng, bên trong được bài trí vô cùng đặc biệt, phảng phất mang phong tục tập quán của Ngụy Tấn, sàn nhà được lát bằng phản gỗ, ghế ngồi giống như ghế thái sư nhưng không có chân, người ngồi ngồi lên chiếu, chia làm ba chỗ chính phụ, chính giữa gian phòng để lại một không gian cực lớn.
Thất nương dẫn khách vào, hành lễ xong liền kính cẩn lui ra ngoài, sau đó lại có vài thái giám đi vào, bày biện hoa quà trà nước và điểm tâm, đợi đến khi tất cả yên tĩnh rồi, thì cánh cửa kéo đối diện với chỗ ba người đang ngồi đột nhiên bị kéo sang hai bên, thấy bên trong có mười mấy người đã ngồi sẵn ở đó, thì là một ban nhạc, âm nhạc chậm rãi cất lên, một thiếu nữ răng trắng mắt sáng, thân hình cao ráo đầy đặn từ phía sau cánh cửa kéo lả lướt bước những bước nhảy thướt tha sinh động về phía khoảng trống ở trước mặt bọn họ.
Đến lúc ấy, Hoắc Thời Anh coi như hiểu ra, thật ra mấy chuyện phong hoa tuyết nguyệt ở nơi này chỉ là phụ, mục đích thực sự là một chốn để giới quan lại chức sắc hoặc quyền quý hội họp riêng tư, đương nhiên những mỹ nhân kỹ nữ yêu kiều lả lơi đệ nhất nơi này cũng có, chỉ là phong nhã và đổi mới đi đôi chút mà thôi.
Nàng thiếu nữ đang nhảy múa có khuôn mặt tựa như hoa đào, hàng lông mày dài đến tận tóc mai, sở hữu vẻ đẹp mỹ lệ sắc sảo, trong mỗi bước nhảy thướt tha chứa đầy mạnh mẽ, trên người nàng ta mặc bộ quần áo mỏng, bên ngoài chiếc váy lót chỉ có một lớp vải gấm màu hồng phấn, để lộ ra một khoảng lưng rất lớn, toát lên vẻ diễm lệ nhưng không hề phóng đãng, trong ánh mắt chuyển động theo từng bước nhảy toát lên sự chuyên chú và cố chấp, giống như đang thể hiện một loại cảm xúc bị đè nén nào đó.
Hoắc Thời Anh không hiểu chuyện phong hoa tuyết nguyệt, nàng chỉ biết có lẽ cô gái này nhảy múa rất đẹp, nhưng những thứ cao thâm ảo diệu ấy, nếu không đắm mình cỡ chục năm thì khó mà ngấm nổi, nàng cũng chỉ là xem náo nhiệt thôi, đoạn mở đầu đặc sắc qua đi là không còn thấy hứng thú nữa. Sau đó ánh mắt nàng rời khỏi người nàng thiếu nữ đang ở giữa phòng kìa, liếc nhìn đến bàn ăn trước mặt, trên bàn có ba đĩa bánh, một đĩa lê, một đĩa nho, và cuối cùng là một cái đĩa con đựng thứ gì đó giống như đậu tằm, nàng thò tay ra lấy một hạt bỏ vào miệng, một tiếng "rắc" phát ra theo lực cắn, vừa giòn lại vừa thơm, nàng lại thò tay ra lấy thêm một hạt nữa, nhai vài miếng thôi mà khắp khoang miệng đã lưu lại hương thơm, trong vị mặn thoáng mang theo chút ngọt, mùi vị rất đặc biệt, nàng bèn dứt khoát kéo luôn cả cái đĩa lại cầm trong tay rồi từ từ bốc ăn.
Con người Hoắc Thời Anh tuy không để tâm lắm đến việc ăn uống, nhưng lại là một người thích ăn, đối với nàng mà nói đĩa đậu tằm này hấp dẫn hơn nàng vũ nữ kia nhiều.
Bầu không khí trong phòng vì có sự mềm mại linh hoạt của ca vũ nên cũng không căng thẳng như lúc ăn cơm, ánh mắt Hàn Đường nhìn nàng vũ nữ mang theo vẻ tán thưởng, Duệ vương cũng nghiêng người dựa vào lưng ghế, vì tất cả đều đang ngồi trên sàn nhà nên hắn nhìn có vẻ không mang cảm giác bức bách lắm, Hoắc Thời Anh cúi đầu ăn đậu tằm của nàng, miệng không ngừng phát ra tiếng "rắc, rắc", sau đó nàng liền cảm nhận được có một luồng ánh mắt rơi xuống người mình, loại cảm giác bức bách đó lại tới rồi, Hoắc Thời Anh lập tức cảm thấy sống lưng cứng đờ, hạt đậu tằm đang nhai trong miệng cũng không còn thơm nữa, nàng gắng chịu đựng một lúc, cuối cùng không nhẫn nhịn nổi, phải xoay đầu đi chỗ khác.
Trong đôi mắt của Duệ vương là một mảng âm u, ánh mắt hắn khi nhìn là ánh mắt soi mói trần trụi, giống như muốn nhìn xuyên qua nàng để thăm dò một thế giới mà hắn chưa biết, cái nhìn mang theo vẻ tra xét và nghiên cứu, hắn im lặng không nói năng gì chỉ nhìn nàng vậy thôi.
Cuối cùng Hoắc Thời Anh quả thực không thể nào chống đỡ được nữa, chìa cái đĩa trong tay ra hỏi: "Ngài ăn không?" Kết giao giữa người với người, khi đến một trình tự nhất định ngươi đến ta đi đều có một khoảng cách và quy tắc tiến lùi cả, chỉ sợ gặp phải kiểu người hành sự tùy tiện không theo quy tắc thôi, ngài nói xem ngài là một vị vương gia quyền cao chức trọng, ban đêm ban hôm cứ nhìn ta chằm chằm thế để làm gì?
Chiếc đĩa giơ lên trong không trung, nhưng mà mãi không thấy đối phương có động tĩnh gì, Hoắc Thời Anh vẫn cầm rất chắc chắn, dường như qua một lúc rất lâu, bầu không khí nặng nề dần dần lan ra khắp phòng, bước nhảy của vũ nương rối loạn, tiếng nhạc cũng không theo kịp tiết tấu, Hoắc Thời Anh vẫn bưng cái đĩa, ánh mắt không còn trốn tránh nữa, mà nhìn thẳng vào mắt đối phương.
Bàn tay với những khớp xương tựa như bạch ngọc rất rõ ràng, thậm chí còn có phần hơi gầy, vươn ra nhón lấy một hạt đậu tằm bỏ vào miệng, sau đó từ trong miệng cũng phát ra tiếng "rắc" giống hệt như Hoắc Thời Anh, cuối cùng hắn cười bảo: "Cũng không tồi." Duệ vương nói thế đấy.
Hắn cứ cười như vậy, khiến Hoắc Thời Anh không cầm cự được, đầu óc bối rối, bèn quay người đi, trong lòng mắng thầm mẹ nó chứ. Nhưng sau khi so chiêu xong, ngược lại Hoắc Thời Anh có cảm giác áp lực cứ lượn lờ quanh người nàng lập tức giảm đi hẳn.
Lúc này có người đi vào ghé vào tai Hàn Đường thì thầm, chỉ thấy sắc mặt Hàn Đường sa sầm, khuôn mặt trở nên cực kỳ khó coi, Duệ vương quay đầu qua thấy thế lên tiếng hỏi: "Có chuyện gì vậy?".
Hàn Đường đứng dậy, cung tay về phía Duệ vương: "Là anh họ của hạ quan, biết điện hạ đang ở đây, nên muốn tới tiếp ngài."
Duệ vương hơi cúi đầu, một lúc sau nói: "Anh họ của ông còn có một ụ thuyền ở Giang Hoài, hiện giờ đất Giang Hoài đang nằm dưới sự giằng co của quân đội hai bên, nên ông ta đi đường này tới đây à?".
(Ụ thuyền là công trình có cửa thông với sông, biển, có thể điều chỉnh được lượng nước, dùng làm nơi đưa tàu thuyền vào để sửa chữa. )
Khuôn mặt Hàn Đường đầy xấu hổ, biểu cảm thoáng ấn chứa vẻ khó nói, ông ta cúi đầu thưa: "Phải ạ."
Duệ vương hờ hững nói: "Hôm nay ta không gặp ông ta, bảo ông ta tìm đường khác đi."
"Vâng." Hàn Đường quay người đang định đuổi người vừa tới đi, thì Hoắc Thời Anh đột nhiên mở miệng nói: "Đợi đã."
Tất cả mọi người đều quay sang nhìn nàng, Hoắc Thời Anh nhìn Hàn Đường hỏi: "Giang Hoài có ụ thuyền?".
Khuôn mặt Hoắc Thời Anh sáng lóe lên vẻ kích động, Hàn Đường đáp lại với vẻ nghi ngờ: "Giang Hoài đúng là có ụ thuyền, cả nước có năm ụ thuyền, ụ lớn nhất nằm ở Giang Hoài."
Hoắc Thời Anh cảm nhận một cơn hưng phấn run rẩy xuyên đến xương sống, tới bờ phía Nam sông Vị nàng đã nghĩ đến chuyện tìm thuyền, nhưng chiến trận vừa nổ ra, tàu thuyền trên sông Vị đều chạy sạch, các ụ thuyền của tiền triều đa phần đều nằm ở khu vực ven biển Thanh Châu, lúc còn nhỏ nàng đã đọc được thông tin ấy trong sách, nhưng không ngờ, trải qua chiến loạn, triều đình thực thi lệnh cấm biển suốt trăm năm, còn đất Giang Hoài lại phát triển trở nên sầm uất, các ụ thuyền di chuyển cả về Giang Hoài, trong đầu nàng mơ hồ đã có sách lược, nhưng vì điều kiện mãi vẫn chưa chín muồi, nên từ trước tới này vẫn giữ kín không nói ra, nàng nói với Hàn Đường: "Ngài bảo anh họ của ngài ngày mai cầm thiệp tới phủ Dụ vương tìm ta."
(Cấm biển là một trong những chính sách thời xưa của TQ, trong đó cấm cư dân gần biển không được tự ý lén lút đến những vùng đất canh tác ngoài biển bị cấm, cấm đến các đảo để tụ tập canh tác, cấm chứa chấp kẻ gian như hải tặc chẳng hạn. )
Hàn Đường cả kinh, quay đầu nhìn Duệ vương, Duệ vương lại nhìn Hoắc Thời Anh, ý vị trong ánh mắt rất phức tạp, hồi lâu sau hắn nói với Hàn Đường: "Cho hắn ta vào."
Khuôn mặt của anh họ Hàn Đường và Hàn Đường có vài phần giống nhau, chỉ là ông ta nhìn có vẻ cường tráng hơn Hàn Đường đôi chút, mặc áo dài bằng vải bố xanh, trông rất đơn giản, không có được khí chất thanh cao quý tộc như của Hàn Đường, mà mang theo vẻ tang thương sương gió, ông ta cúi đầu đi vào quỳ xuống dập đầu với Duệ vương: "Thảo dân Liêu Trung Tín tham kiến Duệ vương điện hạ."
Căn phòng vừa trống trải lại vừa yên tĩnh, ban nhạc và vũ nữ đều đã bị cho lui xuống từ trước khi Liêu Trung Tín đi vào, Duệ vương cúi mắt nhìn người đang quỳ dưới đất, trầm mặc không nói gì, hắn không cho ông ta đứng dậy, cũng không định nói chuyện với ông ta, không một ai lên tiếng, một lúc lâu sau Hoắc Thời Anh bất đắc dĩ nhẫn nhịn da đầu đang căng lên đến tê dại của mình mở miệng hỏi: "Ngươi có ụ thuyền?".
Liêu Trung Tín không dám đứng dậy, vẫn quỳ trên đất nhưng hơi nghiêng người về phía Hoắc Thời Anh thưa: "Phải ạ."
"Ở bờ Nam hay bờ Bắc?".
"Ở bờ Nam."
"Ở chỗ nào, cách Dương Châu bao xa?".
"Nằm ở bãi cát Lão Hổ, huyện Đại Chu, quận Hoài An, cách Dương Châu hai trăm dặm."
"Ngươi đứng lên trả lời đi, mang ghế cho hắn." Duệ vương ngồi ở hàng đầu đột nhiên xen vào. Thân thể Liêu Trung Tín cứng lại, ngẩng phắt đầu lên nhìn, trong ánh mắt lộ ra vẻ kinh ngạc không che giấu nổi, ông ta gần như ngây ra tại chỗ, Duệ vương ngồi nghiêm chỉnh ở ghế đầu, trong cái nhìn bắn về phía ông ta chứa đầy chèn ép, Hàn Đường ho khan một tiếng, thân hình Liêu Trung Tín liền run bắn lên, hoảng sợ cúi đầu: "Thảo dân đã mạo phạm đến vương gia rồi, tội đáng muôn chết." Sau đó ông ta lại vái một lạy nữa.
"Ngươi đứng lên đi, trả lời chi tiết vào."
"Vâng."
Liêu Trung Tín đứng dậy, ông ta vừa nhấc người lên lập tức khôi phục lại khí chất tự nhiên phóng khoáng, khoanh chân ngồi xếp bằng trên chiếc ghế vừa được mang tới cho ông ta, đối diện với Hoắc Thời Anh.
Vẻ kỳ quặc của ba người lúc vừa nãy, vì góc độ của vấn đề nên Hoắc Thời Anh không nhìn thấy biểu cảm của Liêu Trung Tín, vì thế nàng hoàn toàn không biết, nhìn thấy Liêu Trung Tín ngồi xuống rồi, nàng tiếp tục hỏi: "Ụ thuyền lớn nhất của ông có thể đóng được bao nhiêu con thuyền? Độ sâu ngậm nước là bao nhiêu? Vận chuyển được bao nhiêu hàng hóa?".
Lúc này Liêu Trung Tín mới coi như bình tĩnh lại được, ông ta chậm rãi đáp: "Ụ thuyền của tiểu nhân từng đóng những con thuyền lớn nhất, rộng mười hai trượng, dài hai mươi trượng, trong một năm ngoài trừ ba tháng mùa thu có bão lũ ra thì phía Bắc có thể đến Lương Châu, phía Nam có thể đến Thanh Châu, còn về phần có thể vận chuyển được bao nhiêu hàng hóa thì không tiện tính toán, nhưng đã từng vận chuyển những vật dụng bằng sắt nặng nhất có trọng tải lên đến hàng vạn cân."
Liêu Trung Tín là người thông minh có rất nhiều kinh nghiệm, ông ta biết thân phận của Hoắc Thời Anh nên lúc trả lời những câu hỏi của nàng tương đối sát.
Hoắc Thời Anh cúi đầu trầm tư, sau đó lại ngẩng đầu lên hỏi tiếp: "Thuyền của ông có thể đi bằng đường biển được không?".
Trên khuôn mặt của Liêu Trung Tín lộ ra vẻ chần chừ, sau một lúc lâu ông ta mới đáp: "Bẩm tướng quân, đường biển thì chưa đi bao giờ, nhưng tìm người có kinh nghiệm lái thuyền thì vẫn có thể đi được, chỉ là quá mạo hiểm thôi."
Hoắc Thời Anh không bỏ sót vẻ do dự và chần chừ lộ ra trong một khoảng khắc trên khuôn mặt ông ta, nàng mỉm cười ý vị thâm sâu, quay đầu nói với Duệ vương: "Vương gia, ngày mai ta vẫn muốn mời Liêu tiên sinh tới phủ Dụ vương."
Nụ cười của Duệ vương có hơi cổ quái, trả lời nàng: "Chỉ cần ngày mai ngươi có thời gian gặp Liêu tiên sinh thì đương nhiên để tùy ngươi mời."
Hoắc Thời Anh cũng không có ý kiến gì, trong lòng thấy rất hưng phấn, nên cơ thể không tránh khỏi có hơi thả lỏng.
Sau đó Hoắc Thời Anh không hỏi gì Liêu Trung Tín nữa, mà Liêu Trung Tín cũng không dám nhắc đến chuyện của mình, bị Duệ vương hỏi dăm ba câu rồi đuổi ra ngoài.
Ban nhạc và vũ nữ không biểu diễn nữa, lúc ây Duệ vương mới bắt đầu chính thức nói chuyện với Hoắc Thời Anh, đầu tiên hắn hỏi những vấn đề về phong tục tập quán, dân cư địa mạo của tộc người Khương, có phần không liên quan lắm, nhưng sau khi hắn hỏi đến tài nguyên khoáng sản, việc buôn bán ở biên giới, thu nhập từ thuế thì Hoắc Thời Anh đã hiểu ra mục đích của hắn là gì, Duệ vương muốn những mối làm ăn của người Khương, tộc người Khương chiếm cứ một vùng thảo nguyên bao la, đất rộng người thưa, nhưng lại sở hữu mỏ vàng, quặng sắt rất phong phú và sản xuất ra đủ loại mặt hàng làm từ da, mười mấy năm trước lúc biên quan giữa hai nước còn chưa căng thẳng, mỗi năm chỉ riêng khoản tiền thuế do thông thương triều đình đã thu về đến sáu trăm vạn lượng bạc rồi.
Duệ vương cai quản phủ Nội vụ, Hoắc gia là tướng trấn giữ biên quan Tây Bắc, trình độ hỏi liên tục không có giới hạn như vậy của Duệ vương khiến Hoắc Thời Anh thực sự bị mê hoặc, tưởng Duệ vương muốn bắc cầu qua sợi dây Hoắc gia, vơ vét tiền của trên thổ địa của người Khương sau cuộc chiến.
← Ch. 19 | Ch. 21 → |