Ch.02 → |
Mẫn Dung, con gái nhà họ Hồ, được sinh ra để trở thành Hoàng hậu.
Đấy là thể theo lời tuyên bố của một người cậu họ bên ngoại của tôi.
Cậu họ tên Từ Tuân, là vị đạo sư trong bộ y phục trắng phất phới.
Năm tuổi khi ấy, tôi ngồi trong lòng mẹ tập viết chữ.
Từ Tuân vào phủ, vừa nhìn thấy tôi lần đầu tiên đã nói ngay với cha tôi:
"Cô bé này trời sinh mệnh phượng hoàng, cao quý vô ngần, tương lai vô lượng."
Cha tôi Hồ Chi Hạ vui mừng khôn xiết, tổ chức một bữa tiệc lớn và bày tỏ lòng biết ơn đối với Từ Tuân.
Lúc đó tôi còn nhỏ, chả hiểu gì.
Tôi nghi hoặc nhìn mẫu thân, thấy vẻ mặt bà rất vui mừng nói với tôi: "A Dung, con là người có phúc. Nếu lời này trở thành sự thật, tương lai hai họ Hồ Từ có hy vọng phục hưng."
Gia tộc họ Hồ ở Thái Sơn là thế gia đại tộc.
Ông sơ của tôi từng là Văn Xương Hữu tướng của triều Đại Ngụy. Ông cố ngoại từng giữ chức nhất phẩm Bình Nam Đại tướng quân.
Đáng tiếc đến đời này, cha tôi chỉ là một Thị lang, chú bác trong tộc không ai có triển vọng.
Kể từ khi ông ngoại qua đời, các cậu cũng không thể vực dậy Từ gia.
Thời huy hoàng trôi qua, cuộc sống tầm thường và sa sút khiến người ta không thể nào cam chịu.
Nỗi ám ảnh về sự phục hưng đã khắc sâu trong xương tủy mỗi người.
Vị cậu họ Từ Tuân kia là mưu sĩ bên cạnh Triệu Thôi - Lương Vương của triều Đại Ngụy.
Ông ta có thể tới nhà họ Hồ gặp tôi, chính nhờ sự giới thiệu của người cậu lớn tên Từ Cẩn.
Từ nhỏ tôi là con cưng của gia đình, mẫu thân nuôi dạy tôi rất tốt.
Ngây thơ hồn nhiên, không rành thế sự, ngoan ngoãn nghe lời.
Mãi đến khi mười bốn tuổi tôi kết hôn với Triệu Lăng, trở thành Hoàng hậu triều Đại Ngụy, tôi mới dần dần nhận ra vinh sủng của thế gia chỉ là một trò khôi hài.
Khi Hoàng đế Huệ Thành còn trị vì, bọn họ vốn định gả tôi cho Thái tử Luân.
Đáng tiếc vị Thái tử kia không nghe lời, bị đám người Lương Vương tìm cớ gi ết chết.
Sau đó, họ phong con trai của cựu Thái tử đã khuất làm trữ quân.
Nghe nói vị tiểu Hoàng tôn kia sức khỏe không tốt, chẳng hiểu vì sao về sau cũng qua đời.
Khi vẫn còn là thiếu nữ ngây thơ hồn nhiên ở Hồ gia, tôi không hề biết vị phu quân tương lai của tôi bị thay đổi xoành xoạch.
Cho đến năm Thái Thương đầu tiên, vào ngày mồng mười tháng chín, tôi kết hôn với Triệu Lăng.
Cảnh Văn Đế Triệu Lăng, mười bảy tuổi, phong hoa chính mậu.
Trên Thái Cực Điện, trời cao mây rộng.
Mũ phượng khăn quàng vai, đuôi váy dài phết đất, đính đầy châu báu.
Theo sự chỉ dẫn của mẫu thân, tôi hếch cằm, dùng tư thái của một tiểu thư được dạy dỗ hoàn hảo để thể hiện phẩm chất đoan trang mà một Hoàng hậu nên có.
Vị Hoàng đế thiếu niên khoác trên người long bào tám đoàn cẩm tú, mặt tựa ngọc khắc.
Tiêu Phòng Điện cột vàng thềm đá hoa cương, bàn phía đông đặt "Hoàng Hậu kim sách", bàn phía tây đặt "Hoàng Hậu kim ấn".
Hồ lô vàng, ngọc như ý, san hô phỉ thúy tràn ngập căn phòng.
Triệu Lăng là cháu trực hệ của Hoàng đế Huệ Thành, được Lương Vương đẩy lên hoàng vị.
Ngay từ khi tổ phụ là Hoàng đế Huyền Tông lên ngôi, chính quyền Đại Ngụy đã bắt đầu chia rẽ, tranh chấp nảy sinh khắp nơi.
Đến phiên Hoàng đế Huệ Thành yếu đuối bất tài, chư vương tông thất thi nhau chém giết đoạt quyền.
Cuối cùng, Lương Vương hợp sức với Khánh Vương gi ết chết Tĩnh Nam Vương, trở thành người chiến thắng.
Nhưng Lương Vương không thể đăng cơ, bởi vì còn những thành viên trong tông thất không phục, sẽ tiếp tục nổi dậy chống đối.
Vào thời điểm này, tất cả những người thừa kế dòng dõi của Hoàng đế Huệ Thành đều chết sạch.
Thế là tới phiên Triệu Lăng làm Hoàng đế bù nhìn.
Hồ Mẫn Dung mười bốn tuổi vẫn chưa biết gì về triều cục, sống trong giấc mộng đẹp do gia tộc dệt nên.
Mẹ bảo tôi chỉ cần ngoan ngoãn và nghe lời là tôi sẽ hưởng vinh hoa phú quý cả đời, làm người phụ nữ được tôn kính nhất của triều Đại Ngụy.
Bà nói không sai, chỉ trong vòng hai năm ngắn ngủn sau khi trở thành Hoàng hậu, phụ thân Hồ Chi Hạ được thăng chức từ Thị lang đến Thượng thư lang.
Rồi từ Thượng thư lang chuyển sang làm Quang Lộc Tự khanh.
Chỉ trong vòng ba năm, phụ thân còn oai phong hơn cả ông sơ của tôi, đường quan thênh thang, còn được phong thành Tấn Quốc công.
Ngặt nỗi Triệu Lăng không thích tôi.
Đêm tân hôn, nến đỏ cháy hết, Triệu Lăng vẫn không chủ động nói với tôi một lời.
Dưới ánh nến lung linh trong điện, mi mắt tôi cong cong, mỉm cười nhìn Triệu Lăng, lên tiếng trước: "Bệ hạ đúng như trong tưởng tượng của A Dung. A Dung thích bệ hạ!"
Nhà tôi có ba người anh trai và vô số anh em họ bên nội, ngoại trừ họ ra, tôi rất ít tiếp xúc với nam tử bên ngoài.
Hôm Triệu Lăng đăng cơ, nhũ mẫu chăm sóc tôi từ nhỏ lặng lẽ nói cho tôi biết, tân đế là con trai thứ ba của Ấp Vương, tướng mạo nhất đẳng, tuấn tú vô cùng, là một thiếu niên đẹp trai hiếm có.
Nhũ mẫu còn nói: "Tiểu thư nhìn thấy nhất định sẽ thích, tân đế chắc chắn sẽ đối đãi tốt với tiểu thư."
Ở lứa tuổi thiếu nữ hoài xuân, khi lần đầu tiên nhìn thấy Triệu Lăng, tôi cảm giác như bị vô vàn châu ngọc rọi vào mắt, sáng chói rực rỡ.
Nhưng vẻ mặt Triệu Lăng rất bình đạm, nhìn tôi bằng ánh mắt cực kỳ thâm thúy, đáy mắt chẳng có một tia gợn sóng.
"Vì sao Bệ hạ không cao hứng, bởi vì A Dung trông khó coi? Khác với những gì ngài nghĩ?" Tôi hơi thấp thỏm.
Ai cũng nói Mẫn Dung của gia tộc họ Hồ thiên sinh lệ chất, từ nhỏ được thế gia công nhận là một mỹ nhân.
Chẳng lẽ đều là giả? Chắc họ đang trêu chọc tôi.
Triệu Lăng vẫn không nói một lời, mặt vô biểu cảm. Tôi càng thêm chán nản, bĩu môi, không cam lòng móc lấy ngón tay y: "Xin bệ hạ đừng khó chịu, sách nói 'Vân tướng đi về phía Đông, xuyên qua những cành cây đung đưa và chạm trán Hồng Mông'. A Dung có duyên với bệ hạ, đã là Hoàng hậu của ngài, sau này nhất định cùng ngài phu thê một lòng tìm tới Hồng Mông. A Dung sẽ ngoan ngoãn nghe lời, làm một Hoàng hậu tốt."
Ngày ấy, nếu cẩn thận hơn, tôi đã nhận ra một tia giễu cợt chợt lóe trong ánh mắt xa cách của Triệu Lăng.
Nhưng tôi không cẩn thận đủ, Triệu Lăng chỉ rụt tay lại, nhàn nhạt nói: "Trẫm mệt mỏi, Hoàng hậu có thể nghỉ ngơi."
Bà Còm không hiểu lắm về câu trích nhắc đến Hồng Mông. Sau khi tra túa xua thì hình như đây là một câu chuyện ngụ ngôn trong bộ Nam Hoa kinh của Trang Tử, chương 11. Bà Còm ĐOÁN đại khái là Vân tướng đi chu du về hướng Đông thì gặp Hồng Mông kiểu như gặp thần tiên, bèn thỉnh giáo làm sao có thể sống một cuộc đời sung sướng như Hồng Mông. Ông tiên dạy phải sống thuận theo tự nhiên, quên thân, buông thần để đạt tới trạng thái vũ trụ với ta là một.
Ch. 02 → |