Mùa hè cuối cùng
← Ch.41 | Ch.43 → |
Edit: Hinh
Beta: Mạn Mạn
Phán đoán của Nguyên Dã không sai, Xuân Tảo quả thật là một liều thuốc kỳ diệu. Sau khi sống chung dưới cùng một mái nhà, trong quá trình quan sát và giúp đỡ cô, anh như được dẫn vào một tập phim cuộc đời thật sự thuộc về mình. Thân nhiệt, mạch đập, dòng máu chảy, hứng thú mới, khao khát mới, hy vọng mới, tất cả đều hồi sinh trong cơ thể. Nó như thể đã gieo một hạt mầm biết nhảy múa trên cánh đồng hoang.
Sau tiết Cốc Vũ (*), hoa tường vi ướt đẫm phủ kín tường ngoài trường Nghi Trung, khối 11 chọn một ngày đẹp trời để tổ chức hoạt động đi bộ dã ngoại. 7 rưỡi sáng, giáo viên và học sinh các lớp đã tập trung trên sân vận động sẵn sàng chờ xuất phát. Sau khi lãnh đạo nhà trường và đại diện ban phụ huynh phát biểu xong, các lớp giương cờ ra khỏi trường, đoàn người trong trang phục xanh trắng theo từng nhánh lớp hợp lại trên đường cái, tiến về cầu Nghi Phổ, cuối cùng dừng tại công viên Hựu Viên để tổ chức một số hoạt động xây dựng tập thể của lớp. Tổng quãng đường đi về khoảng hai mươi lăm ki-lô-mét, thảo nào các anh chị khóa trên gọi là “Chuyến đi gãy chân”.
(*) Một trong hai mươi tư tiết khí của lịch văn hóa Đông Á, thường bắt đầu vào khoảng ngày 19 hay 20 tháng Tư Dương lịch.
Đặc biệt là… còn không được đội mũ che nắng. Lãnh đạo nói rõ: Việc này sẽ cản trở học sinh Nghi Trung thể hiện gương mặt tràn đầy sức trẻ với bên ngoài.
“Trông tớ có tràn trề sức trẻ không?” Trên đường về, Đồng Việt rã rời như bà cụ lọm khọm lê từng bước một, khuôn mặt tái nhợt như người sắp chết: “Chẳng lẽ không giống người sắp chết à?”
Xuân Tảo bị nắng chiếu đến nỗi không buồn trả lời. Các thầy cô đi cùng lớp cũng kiệt sức, lần lượt trốn lên xe đuôi đoàn để nghỉ chân. Người phụ trách dẫn đầu đã rút lui trước, đoàn người dần mất hình dạng, lác đác, từng nhóm ba năm người, từ dòng suối dài trở thành những vũng nước lớn bé không đều.
Do đi đường xa nên Xuân Tảo không mang nhiều nước uống và đồ ăn vặt, sau khi uống hết nước trong chai, cô cất nó vào túi bên cạnh ba lô. Cùng lúc đó, bên cạnh lại vang lên giọng chỉ đường rõ ràng từ điện thoại của Đồng Việt: “Rẽ phải ở ngã ba phía trước, còn 5, 2 ki-lô-mét đến điểm đến trường Nghi Trung”.
Xung quanh lập tức vang lên tiếng than vãn khắp nơi. Đoàn người lớp A dẫn đầu tất nhiên cũng chẳng khá hơn, mấy bạn nam lúc đi còn đùa giỡn cười đùa, lúc về cũng mệt đến thẫn thờ. Nguyên Dã đi ở cuối đoàn, thỉnh thoảng ngoái đầu nhìn vị trí lớp C. Tuy nhiên lớp B phần lớn là mấy đứa con trai cao to, chắn giữa như thế làm tầm nhìn bị cản trở nghiêm trọng, ngay cả góc áo Xuân Tảo cũng không thấy được.
“Mày không thấy mỏi cổ à?” Đồ Văn Vĩ để ý động tác cứ đi ba bước lại ngoái đầu của Nguyên Dã mà bất lực vô cùng: “Nhìn mày ngoái đầu tao cũng thấy mệt thay. ”
Nguyên Dã im lặng một giây, lười để ý đến thằng bạn, tiện tay ném chai nước không vào thùng rác trên đường đi. Bất chợt anh thấy cửa hàng nhỏ ở góc rẽ, trong đầu nảy ra ý tưởng liền rời đoàn chạy nhanh qua đó. Hai phút sau, Nguyên Dã đi ra khỏi đó cùng với một túi chai đồ uống trên tay. Sau khi chia cho mấy thằng bạn quen biết gần đó, trong túi chỉ còn hai ba chai, mọi người đều biết điều tránh xa chai trà ô long vị đào bao bì hồng nhạt ở giữa, hiểu rõ chai này khác biệt, dành riêng cho ai.
Đồ Văn Vĩ thích chọc ghẹo, chỉ thẳng tay vào chai nước có vẻ ngoài độc nhất đó, nói bằng giọng nhỏ nhẹ: “Cục cưng ơi, cái này cho anh phải không?”
Nguyên Dã cau mày với vẻ mặt phức tạp, gạt tay cậu chàng ra.
“Mày đừng hòng uống được hớp nào. ” Anh rút chai đó ra, chuyển túi cho người đằng trước: “Chúng mày chia nhau đi. ”
Bạn nam đó vui vẻ nhận lấy.
“Tao sai rồi tao sai rồi…” Đồ Văn Vĩ thôi không làm phiền nữa, sáp lại gần năn nỉ: “Để lại cho tao một chai đi, tao sắp chết khát rồi. ”
Được chai nước C’estbon màu xanh nhờ ké, Đồ Văn Vĩ quay sang định chỉ trích Nguyên Dã thêm câu “có gái quên bạn” thì bên cạnh đã không còn thấy bóng dáng của gã “nô lệ vợ” này đâu nữa.
Đi ngược lại đến đoàn người lớp C, dòng người trầm lặng lập tức ồn ào hẳn lên. Sự xuất hiện của Nguyên Dã tựa như viên thuốc sủi được ném vào ly nước, đám con gái che miệng cười trộm xem trò vui, còn Tống Kim An cầm cờ ở đầu đoàn ngoái đầu lại, cố ý hét lớn: “Cậu là ai, không phải lớp chúng tôi phải không?”
Đàm Tiếu ở hàng sau phụ họa cậu ta: “Đúng đấy, sao lại chen ngang vậy. ”
Xuân Tảo kinh ngạc, nhìn trước sau trái phải, sợ giáo viên xuất hiện đột ngột, rồi hạ giọng: “Cậu làm gì vậy…?”
Nguyên Dã làm như không nghe thấy, chỉ đưa nước trong tay cho Xuân Tảo: “Cầm lấy, tớ đi đây. ”
Đồng Việt vốn mệt đến lả người, giờ như được tiêm thuốc k1ch thích, cô nàng ôm ngực, phấn khích như fan CP đầu não, chỉ thiếu nước mắt long lanh trái tim, lần lượt lôi kéo các bạn nữ khác hét hò. Mặt Xuân Tảo đỏ bừng, hai tay nhận lấy chai nước đó, ôm chặt trước người.
Hoàn thành nhiệm vụ, Nguyên Dã nhìn thẳng quay gót rời đi. Không hiểu sao lớp C như được tiêm thuốc k1ch thích vậy, tiễn anh một cách náo nhiệt, tiếng người ồn ã, các lớp phía sau không hiểu chuyện gì cũng nghển cổ nhìn về phía này, tinh thần gì thế, đáng nể ghê.
***
Dường như mùa hè năm nay đến sớm hơn mọi năm, mặt trời như nước sôi, khi những hàng cây long não trong trường xanh um như những chiếc mũ nhung xanh đậm, hành trình của khối 11 cũng sắp kết thúc.
Kì thi cuối kì do một số giáo viên xuất sắc cấp tỉnh của khối 12 ra đề, phòng thi ban Tự nhiên và Xã hội được xếp xen kẽ nhằm ngăn chặn mọi khả năng gian lận giữa những người quen. Nhất là học sinh khối Tự nhiên đều đang gấp rút ôn thi. Kì thi này có tầm quan trọng đặc biệt, bởi Nhà trường sẽ dựa theo thứ hạng điểm cuối cùng để chọn lọc và tổ chức lại một lớp chọn 12A chỉ có 30 người. Lớp này sẽ được bố trí đội ngũ giáo viên giỏi nhất với mục tiêu đỗ vào hai trường đại học Thanh – Bắc hàng đầu.
Đêm trước kì thi, Xuân Tảo ở lớp chọn của ban Tự nhiên không cần thay đổi, cô hơi lo lắng Nguyên Dã sẽ bị áp lực bèn nhắn tin hỏi anh ôn tập thế nào. Nguyên Dã gửi cho cô tấm ảnh chụp màn hình đoạn tin nhắn trên WeChat với phòng tuyển sinh Đại học Thanh Hoa đã liên hệ với anh thông qua giáo viên chủ nhiệm của họ mấy hôm trước, hỏi anh hiện có ý định tham gia tuyển sinh sớm không.
Mọi thứ đã quá rõ ràng. Đỉnh cao của sự xuất sắc.
Xuân Tảo: …
Cô hỏi: Cậu trả lời thế nào?
Nguyên Dã trả lời: Từ chối. Tớ nói muốn thi đại học.
Xuân Tảo: Ký thỏa thuận rồi thi đại học cũng được mà.
Nguyên Dã: Đỗ bằng thực lực không ngầu hơn ư?
Xuân Tảo nghẹn lời, không hiểu nhưng vẫn ủng hộ: … Cậu thích là được.
Chàng trai lại nghiêm túc giải thích: Vượt qua một ngọn núi sớm hơn cậu, tớ sẽ không thoải mái.
Xuân Tảo xen một tiếng: Cậu bớt kiêu ngạo đi.
Cô trầm ngâm một lúc: Nếu tớ được như cậu, có lẽ sẽ để bản thân thoát khỏi sự giam cầm này sớm.
Nguyên Dã: Vậy không được, tớ nhất định phải đi cùng một con đường với cậu, ngắm cùng một phong cảnh.
Trong đợt thi cuối kỳ này, không ngoài dự đoán cũng như không phụ lòng mong đợi của mọi người, Nguyên Dã lại đứng đầu, đặc biệt do đề thi Toán và Tổ hợp khoa học tự nhiên khá khó, anh đã bỏ xa người đứng thứ hai cả khối tới 16 điểm, phá vỡ kỉ lục điểm số của mình trong tất cả kì thi trước đó. Trên bảng vinh danh, các thứ hạng được sắp xếp theo hình kim tự tháp, trong đó tên và ảnh của Nguyên Dã được đặt ở vị trí cao nhất, không thể lay chuyển.
Ngặt nỗi Xuân Tảo có một kỳ nghỉ hè không được vui vẻ cho lắm.
Cái mà người này cho là mật ngọt thì người kia lại coi là thuốc độc. Dù thứ hạng không thay đổi nhưng điểm Toán dưới 130 lần này khiến Xuân Sơ Trân không ngừng châm chọc, mỉa mai cô con gái.
Xuân Tảo chẳng buồn tranh cãi. Dù sao giờ cô cũng có “đệm lót”, dù áp lực có nặng đến đâu vẫn có người luôn bên cạnh động viên, an ủi. Nhưng cô cũng dành hai ngày để ôn lại những câu làm sai và nhờ Nguyên Dã chụp lại bài làm của anh để phân tích và học hỏi. Kết quả là anh không chỉ gửi bài làm của mình mà còn tự soạn thêm nhiều bài tập tương tự, từ dễ đến khó để cho cô luyện tập.
Làm từng phần xong, Xuân Tảo gửi lại cho anh “chấm điểm”. Người thầy riêng bất đắc dĩ này rất tận tâm, khoanh tròn chỗ sai và viết chi chít chữ đỏ bên cạnh chỉ ra điểm yếu. Nhưng cuối cùng luôn là một con điểm 150 như rồng bay phượng múa.
Lần đầu thấy vậy, Xuân Tảo ngước nhìn trời, vừa bất lực vừa buồn cười: Ấu trĩ quá đi mất. Nhưng dần dà, cô cũng quen với việc mình luôn được điểm tuyệt đối trong mắt anh. Ngoài những trao đổi qua tin nhắn, có lúc không hiểu rõ nội dung, cô sẽ hẹn Nguyên Dã gọi điện vào đêm khuya để được hướng dẫn trực tiếp.
Xuân Tảo vẫn cẩn thận trước sau như một, hầu như không mở miệng nói chuyện, Nguyên Dã giảng bài hỏi cô có hiểu không, cô chỉ nhắn tin trả lời “ừm”. Thỉnh thoảng chàng trai chen vào đôi câu đùa nghịch hay trêu chọc khiến Xuân Tảo đỏ bừng hai tai, giả vờ “mất tích”.
Lúc đó Nguyên Dã lập tức chuyển sang giọng nghiêm túc, thực sự nhập vai một người thầy: “Ngủ rồi à? Có nghe không thế?”
Xuân Tảo nghiến răng, chỉ gõ chữ: Đang nghe
Nguyên Dã: Thế sao không trả lời câu hỏi vừa nãy của tớ?
Xuân Tảo gửi cho cậu một biểu tượng cảm xúc nắm đấm.
Nguyên Dã cười: “Nhẹ tay thôi, đánh gãy tay thì hết được thầy giỏi dạy miễn phí đấy. ”
Xuân Tảo cảnh cáo: Lần sau còn nói kiểu đó thì đừng trách tớ bất kính với thầy, cúp máy luôn đấy.
Nguyên Dã: Nói chuyện một mình chán lắm, chọc cho tỉnh ngủ thôi.
Xuân Tảo: Vậy cậu đi ngủ đi, tớ tự nghiên cứu cũng được.
Nguyên Dã: Tớ nào dám.
Kỳ nghỉ hè này chỉ còn 1/3 so với mọi năm, Nguyên Dã không về nhà mà ở lại căn nhà trọ. Xuân Tảo từng muốn tìm cơ hội đến thăm anh nhưng không thể, vì điểm Toán cuối kỳ không tốt và sắp bước vào năm cuối cấp quan trọng nên bà Xuân Sơ Trân mẹ cô cứ như ninja vậy, bà buông cả việc đánh mạt chược, ngồi ở nhà trấn giữ như một pho tượng Phật. Từ sáng đến tối, trừ lúc nấu cơm và ngủ, chỉ cần Xuân Tảo mở cửa phòng là đều gặp mẹ trong phòng khách, khó có thể thoát khỏi “Ngũ Chỉ Sơn” của mẹ quá nửa ngày.
Cứ thế trải qua kỳ nghỉ nửa đắng nửa ngọt này, đầu tháng Tám, Xuân Tảo chính thức lên lớp 12, mang theo chiếc cặp nặng trĩu quay lại trường. Tiếng ve kêu không ngớt, ngân vang tiếng hè oi ả. Đi trên con đường long não không gió, không khí căng thẳng, gấp rút của năm cuối ập đến khiến người ta như ngừng thở.
Sau một năm học ở tầng trệt, các lớp cùng chuyển lên tầng hai. Nhìn biển lớp đổi thành lớp 12C, Xuân Tảo cũng dâng lên cảm giác sứ mệnh và quyết tâm mãnh liệt.
Chưa đầy một năm nữa. Mùa hè cuối cùng trước khi bước vào tuổi trưởng thành. Cô đang từng bước tiến gần đến bờ biển xanh của mình, lúc nông lúc sâu, có cười có khóc nhưng rốt cuộc vẫn đi trên con đường mình muốn.
Từ khi tựu trường, giờ tự học buổi tối kéo dài thêm nửa tiếng, thời gian riêng tư càng trở nên eo hẹp. Xuân Tảo quyết định sắp xếp giờ tắm trước giờ tự học tối và thời gian giải trí điện tử trước khi ngủ cũng rút ngắn xuống còn mười phút.
Ngay sau khi Nguyên Dã nghiêm túc tuyên bố trong cuộc trò chuyện, cô giả vờ đùa cợt: Nếu có ý kiến gì khác xin hãy đề xuất sau ngày 9 tháng Sáu sang năm nhé.
Nguyên Dã hưởng ứng rất nhanh: Cảm ơn, tớ sẽ tận dụng thời hạn hơn chín tháng này để cân nhắc kỹ.
Rồi cả hai cùng bật cười trên giường trong phòng riêng của mình.
Tháng Chín sắp đến, Xuân Tảo dần thích nghi với nhịp sống mới – tuy đơn điệu nhưng bận rộn theo từng ngày này. Các bạn trong lớp cũng vậy, số lần ra ngoài giờ ra chơi giảm hẳn, ai cũng hoặc tranh thủ từng phút để học bài, hoặc gục xuống ngủ bù. Còn quãng đường đi bộ cùng Nguyên Dã sau giờ tự học tối trở thành một trong số ít những khoảng thời gian thư thái của cô từ khi lên lớp 12.
Đêm qua Xuân Tảo gặp ác mộng, gần như không ngủ được nửa đêm về sáng, hôm nay quả nhiên mệt đến đờ đẫn. Đi bên cạnh chàng trai, đèn đường trong khu dân cư như có quầng sáng mờ ảo, cô không kìm được ngáp một cái.
Nguyên Dã quay sang nhìn cô: “Buồn ngủ thế à?”
Xuân Tảo dụi mắt trái: “Ừ. ”
Nom dáng vẻ ngô nghê như chú lợn con của cô rất đáng yêu, Nguyên Dã bèn đề xuất: “Tớ thấy bạn cùng bàn ngày nào cũng dùng dầu gió để tỉnh táo. ”
“Dầu gió á?” Xuân Tảo giật mình: “Tớ tưởng đó là thứ những người thế hệ ba tớ dùng để chống buồn ngủ khi lái xe chứ?”
Nguyên Dã bật cười thành tiếng.
Xuân Tảo tiện đà hỏi: “Giờ cậu không ngồi cùng bàn với Đồ Văn Vĩ nữa à?”
Nguyên Dã châm chọc: “Cậu quan tâm tớ ghê nhỉ!”
“Mấy ngày nay tớ chẳng ra khỏi lớp mấy, làm sao biết cậu đã đổi chỗ ngồi. ” Cô vội thể hiện sự quan tâm: “Bạn cùng bàn mới là ai vậy?”
Nguyên Dã nói: “Một nhân tố bất ngờ từ lớp 10 lên, ” thoáng dừng: “khá đẹp trai. ”
Mắt Xuân Tảo sáng lên: “Thật hả? Ai thế?”
“Hừ. ” Nguyên Dã khịt mũi: “Tự nhiên tỉnh táo hẳn nhỉ?”
Xuân Tảo không đáp lời, anh liền thừa lúc cô không đề phòng, giật tóc đuôi ngựa để trút cơn ghen, song lực giật hơi mạnh làm tóc cô xổ ra một ít. Xuân Tảo giả vờ tức giận, vừa định đấm thì Nguyên Dã nhanh chóng né tránh, chạy vọt lên phía trước mấy bước, quay lại nở nụ cười rạng rỡ, Xuân Tảo bị làm cho ngẩn ngơ một giây, cơn giận cũng bay biến đi mất. Cô quyết định không so đo với tên ngốc chỉ có tâm hồn mẫu giáo này nữa, cô tháo tung đuôi tóc ra, xoè dây buộc tóc co giãn, định buộc lại.
Khi buộc lần đầu, do không để ý, dây buộc tóc tuột tay bắn đi mất. Xuân Tảo sững người, tay vẫn giữ tóc, chớp chớp mắt rồi cúi xuống tìm kiếm trên mặt đường và trong bụi cây. Nguyên Dã để ý thấy bèn quay lại hỏi cô chuyện gì.
Cô lườm anh: “Tại cậu đấy, dây buộc tóc của tớ bị mất rồi. ”
Nghe thế, Nguyên Dã lập tức bật đèn pin điện thoại, chiếu sáng giúp cô tìm kiếm. Thấy cô vẫn giơ tay giữ tóc, anh hỏi: “Cậu không mỏi tay à?”
“Có chứ!” Xuân Tảo cáu kỉnh: “Là tại ai hả?”
“Thả xuống là xong. ”
“Thả xuống sẽ thành Kim Mao Sư Vương (*) mất, con trai các cậu làm sao hiểu được. ”
Nguyên Dã quả thật không hiểu, nhưng không có nghĩa anh không thể phì cười trước câu nói đầy hình ảnh của cô. Gì mà Kim Mao Sư Vương, với khuôn mặt tròn tròn, đôi mắt đen láy kia, rõ ràng là chú chó Maltese lông xù.
(*) Chỉ nhân vật Tạ Tốn, một trong những nhân vật trong tiểu thuyết “Ỷ Thiên Đồ Long Ký” của nhà văn Kim Dung.
Xuân Tảo đảo mắt tìm kiếm trên bãi cỏ được ánh đèn chiếu thành màu sương, ngay lúc đó, bàn tay của người con trai áp lại gần từ phía bên kia, gần như hoàn toàn bao bọc lấy tay cô.
Ngón tay anh đan vào ngón tay cô: “Buông tay đi, để tớ giữ cho. ”
Trong một thoáng ấy, trái tim Xuân Tảo như được một luồng sức mạnh ấm áp và quyến luyến nâng đỡ khiến nó run rẩy như co thắt. Hơi thở cô hơi rối loạn, vội vàng rút tay ra.
Họ tìm dây buộc tóc mất khoảng 5 phút, may mà nó không bị hố đen vô hình nào nuốt chửng, cuối cùng đuôi tóc của Xuân Tảo cũng trở lại bình thường.
Như thường lệ, cô đi lên trước, Nguyên Dã theo sau. Sau khi nói “bái bai, tạm biệt, hẹn gặp lại” ba lần đầy lưu luyến trong cửa chung cư, Xuân Tảo bước lên cầu thang, lấy chìa khóa mở cửa.
Đèn cảm ứng hành lang tắt ở phía sau. Xuân Tảo đẩy cửa bước vào một bước, đập vào mắt là hình ảnh Xuân Sơ Trân ngồi bên bàn ăn như mọi khi. Tim cô vẫn còn đang để quên ở sân chung cư nên không để ý nhiều, cô lấy dép lê mới ngước mắt lên chào.
Xuân Tảo không thể gọi được tiếng “mẹ” ra. Cô đứng chết lặng tại chỗ như nuốt phải một cục băng đông cứng. Nó tan chảy từ gáy cô, những dòng chất lỏng vô hình lạnh buốt chảy dọc xuống toàn bộ sống lưng. Đồng tử co lại, hơi thở ngừng bặt.
Trên bàn ăn phòng khách không phải bữa khuya tối nay, mà là những món đồ vương vãi lung tung. Chúng xuất phát từ chiếc hộp sắt cất giấu sâu trong ngăn kéo mà không ai hay biết của cô.
Xuân Tảo nhìn chòng chọc vào đó không chớp mắt, như rơi vào vùng cực hàn, lông tơ dựng đứng, đầu óc ù lên, không thể cử động, cũng mất khả năng nói năng.
Xuân Sơ Trân chống khuỷu tay lên bàn, nhìn cô từ xa. Sắc mặt người phụ nữ dưới ánh sáng lạnh lẽo của phòng khách nhợt nhạt gần như u ám, như một vị quan toà vô tình.
Chốc lát sau, bà ném chiếc điện thoại đang cầm xuống bàn cái “cạch”: “Gọi điện, bảo thằng nhóc dưới kia lên đây. ”
← Ch. 41 | Ch. 43 → |