Tôi đang ở dưới lầu nhà em
← Ch.43 | Ch.45 → |
Có Trần Thiệu ở đây, đồng nghĩa với người đại diện Trần gia ra mặt, Phó Vãn Mai không nói gì nữa, gật đầu, sửa lời: "Còn làm phiền mọi người tự mình đến đây."
"Nếu cần giúp đỡ, cứ việc nói với tôi." Trần Thiệu lễ phép đáp.
Nhưng Phó Vãn Mai và Trần Thiệu đều biết rõ đối phương là loại người gì, vì vậy sau khi làm màu như vậy họ cũng chẳng muốn nói với nhau nhiều thêm một chữ.
Anh rũ mắt nhìn Trần Điệp, nhẹ giọng trào phúng: "Không có đầu óc, còn phải dựa vào anh mình."
Trần Thiệu thay cô xử lý xong những người đó, cũng không ở lại bệnh viện, anh ta không mấy may mắn, không muốn ở lại xem náo nhiệt, rất nhanh đã rời đi.
Trần Điệp xoay người, hỏi Chu Kỳ Thông: "Văn Lương đâu rồi?"
"Tôi cũng không biết."
Trần Điệp nâng mắt: "Cái gì?"
"Tôi vừa giải quyết xong đại hội cổ đông, hôm nay cũng không gặp được Văn tổng. Di động của ngài ấy hẳn là cũng chưa kịp sạc pin, vừa rồi tôi gọi thì điện thoại đang ở trong trạng thái tắt máy."
Đương nhiên Trần Điệp biết lúc này không gọi cho Văn Lương được.
Cô cũng đoán ra, bận rộn cả ngày chắc chắn cũng chẳng có thời gian để tâm xem điện thoại có còn pin hay không.
Tin tức Văn Hoài Viễn qua đời truyền đi rất nhanh.
Buổi tối đầu xuân se lạnh, nhiều bạn bè và đối tác cũ lục tục đến an ủi, Phó Vãn Mai bận đón tiếp bọn họ, không dư sức để tâm đến Trần Điệp.
Nhưng đã lâu như vậy rồi, cô vẫn chưa thấy bóng dáng của Văn Lương.
Anh không ở đây, Trần Điệp cũng không có lý do nán lại bệnh viện, cô lại gọi điện cho Văn Lương, âm thanh báo tắt máy vẫn vang lên như cũ.
Trần Điệp đứng dậy, mở cửa thang bộ, bước từng bước xuống.
Cô cúi gằm mặt, cảm thấy chán nản, không có sức vực dậy tinh thần, thẳng đến khi có tiếng kêu cất lên trên hành lang: "Trần tiểu thư!"
Trần Điệp không nhớ rõ đã bao lâu rồi cô không gặp dì Trương, đại khái là từ sau khi dọn ra khỏi biệt thự Tây Giao, cô chưa từng nhìn thấy dì Trương.
Cô thấy hình như dì đã già đi đôi chút, tóc bạc hai bên thái dương cũng nhiều hơn, bây giờ nhìn thấy cô, dì ấy có chút không dám tin, một lúc sau mới bước nhanh đến nắm chặt tay Trần Điệp: "Tiểu thư cũng đến gặp chủ tịch sao?"
Trần Điệp thở dài: "Con đến gặp Văn Lương, nhưng anh ấy không có ở bệnh viện."
"À." Dì Trương nắm tay Trần Điệp, vỗ nhẹ vào mu bàn tay cô hai cái, rũ mắt, "Thiếu gia đúng là mệnh khổ, năm cậu ấy mười tuổi, phu nhân ra đi, về sau tôi chưa bao giờ nhìn thấy cậu ấy cười. Mặc dù từ nhỏ cậu ấy không thích cười, nhưng phu nhân đi rồi thì tình hình càng tệ hơn."
Hành lang đặc biệt yên tĩnh, đèn cảm ứng nhấp nháy liên tục.
"Cũng may tiểu thư xuất hiện, tôi mới thấy thiếu gia không còn ủ dột như trước nữa." Dì Trương lắc đầu cảm khái, "Hai người ở bên nhau thật tốt."
Trần Điệp sửng sốt.
Đoán chừng hôm nay dì Trương thấy cô ở đây nên cho rằng cô và Văn Lương đã làm lành, Trần Điệp cũng không giải thích nhiều, chỉ nhẹ giọng hỏi: "Muộn rồi mà sao dì còn đến đây?"
Dì Trương nâng mấy thứ trong tay lên: "Phu nhân bảo tôi mang đồ đến, đưa xong sẽ đi."
"Vậy dì cứ mang đồ đi trước, chốc nữa con đợi dì cùng về."
Dì Trương đồng ý, rất nhanh đã đưa đồ xong trở về.
Hai người đã lâu không gặp, dì Trương có vẻ vẫn hơi câu nệ, không tiếp tục đề tài không thoải mái khi nãy nữa, bà nghiêng đầu nhìn Trần Điệp một lúc, cười cười: "Tôi mới nhìn thấy tiểu thư trên TV."
"Chương trình tạp kỹ《 Một Ngày Ba Bữa 》ạ?"
"Đúng vậy." Dì Trương gật đầu, "Con gái tôi rất thích xem."
Trần Điệp cười rộ lên, giơ tay bật đèn ngoài hành lang, thấp giọng nói: "Dì Trương, dì kể chuyện xưa của Văn Lương cho con nghe đi."
***
Mẹ ruột của Văn Lương là Thẩm Vân Thư.
Đến rồi đi một cách vô tình, nhìn trời không mây, gọi là "Vân Thư".
Thẩm Vân Thư sinh ra trong một gia đình bình thường, nhưng cũng có thể coi là dòng dõi thư hương, bố là giáo sư, mẹ là giáo viên cấp ba, lúc đó được rất nhiều người kính trọng.
Thẩm Vân Thư lớn lên trong một gia đình như thế, từ nhỏ đến lớn, bà ấy học: "Cái gọi là cảm xúc cứ như mùa hạ, trong tiết trời oi bức mà được nếm bát canh mận đá ngon lành thì còn gì bằng. Cảm giác thật sảng khoái và ấm cúng; cái gọi là tình yêu là được uống một bát canh hoàng kỳ tươi vào ngày hai mươi chín tháng mười hai âm lịch trong mùa đông lạnh giá."
(Tác phẩm 穆桂英挂帅
Nguyên bản:
世间情动,不过盛夏白瓷梅子汤,碎冰撞壁叮当响。世间情劫,不过三九黑瓦黄连鲜,糖心落低苦作言。世间执念,不过隆冬弱水千层冰,斧砸锹凿不能移。
Ba câu này là sự giải thích hoàn hảo về cảm xúc, tình yêu và nỗi ám ảnh. Cái gọi là tình cảm cũng giống như mùa hè nóng nực, được nếm bát canh mận đá thơm ngon, nghe đá viên lắc lư trong chiếc bát sứ trắng khiến lòng người thật dễ chịu và ấm cúng.
Cái gọi là cướp đoạt tình yêu cũng giống như uống một bát canh hoàng kỳ tươi trong băng tuyết ba chín ngày để làm trò cười cho đỡ khổ. )
Trong lòng bà ấy luôn mơ mộng, không màng thực tại, là một người theo chủ nghĩa lãng mạn.
Trong thời đại đó, đa số nửa kia của các thiếu nữ đều được cha mẹ và họ hàng giới thiệu, bố mẹ Thẩm Vân Thư cũng giới thiệu cho bà một chàng trai trẻ tuổi làm nghiên cứu khoa học.
Thẩm Vân Thư chỉ nhìn qua vài tấm ảnh liền từ chối, lý do rất đơn giản, không có mắt duyên*, bà ấy cũng không muốn gặp mặt trò chuyện dù chỉ là một chút.
(*眼缘: Ấn tượng từ cái nhìn đầu tiên, tình yêu sét đánh. )
Bà ấy tự mở cửa hàng bán hoa, cuối tuần đóng cửa, đến viện phúc lợi thăm các em nhỏ, bà ấy không treo biển "Tạm đóng cửa", thay vào đó thì tự tay viết dòng chữ rất đẹp "Hôm nay cửa hàng bán hoa không mở, nhưng những bông hoa vẫn đang nở rộ" rồi treo lên.
Bà ấy còn tự may quần áo, bà ấy thích sườn xám, đều luôn tự làm, sườn xẻ tà bên hông, bước một bước, chân dài như ẩn như hiện.
Khi đó, Thẩm Vân Thư hành xử khác người, có không ít người ở sau lưng nói xấu bà ấy, ngoài miệng khó chịu, nhưng thật ra trong lòng lại hâm mộ bà.
Về sau, khi Thẩm Vân Thư 22 tuổi, bà ấy gặp Văn Hoài Viễn.
Thời còn trẻ, Văn Hoài Viễn có vẻ ngoài anh tuấn, cư xử lại phong độ lịch sự, khi đó, ông ta tự tay gây dựng sự nghiệp, lôi kéo tài trợ, xây dựng hình thái ban đầu của tập đoàn Ôn Viễn.
Nhưng ông ta không phải người cứng nhắc, còn rất thú vị, ông ta lấy hai vé xem phim trong túi ra, mời Thẩm Vân Thư đi xem phim, cũng sẽ đưa Thẩm Vân Thư đến nhà hàng Tây đắt nhất để ăn bò bít tết, ông ta còn thích mua sườn xám cho Thẩm Vân Thư, chờ bà ấy thay xong sẽ khoa trương khen ngợi hết lời.
Thẩm Vân Thư rất nhanh đã sa lưới, yêu Văn Hoài Viễn hết thuốc chữa.
Bà ấy cảm thấy bọn họ chính là duyên trời tác hợp, là một đời một kiếp một đôi.
Yêu nhau chưa được bao lâu, Thẩm Vân Thư đưa Văn Hoài Viễn về gặp bố mẹ, nhưng bà ấy không nghĩ tới sẽ bị hai người phản đối kịch liệt.
Bố mẹ dùng kinh nghiệm nhìn người mấy năm qua, đều cho rằng Văn Hoài Viễn không phải là người có thể ở bên trọn đời, nhưng bọn họ không cách nào giải thích cho Thẩm Vân Thư, chỉ có thể nói tâm tư Văn Hoài Viễn không vững vàng, dễ bị lung lay.
Thẩm Vân Thư cho rằng bố mẹ quá cứng nhắc, bất chấp sự phản đối của hai người, trực tiếp lãnh chứng kết hôn với Văn Hoài Viễn.
Sau khi kết hôn, tình cảm của cả hai càng mặn nồng, trong mọi buổi họp mặt đều diện tây trang và sườn xám, được người người khen ngợi.
Sau đó nữa, tập đoàn Ôn Viễn gặp vấn đề tài chính, mà Thẩm Vân Thư lại đang mang thai Văn Lương, bà bán cửa hàng hoa của mình, gom tiền vào thẻ ngân hàng rồi đưa cho Văn Hoài Viễn, còn mình thì ở nhà nghỉ ngơi, chuẩn bị sinh con.
Thẩm Vân Thư là người lãng mạn từ trong xương.
Thậm chí khi mang thai, bà ấy có phản ứng rất lớn, vừa ăn vào đã nôn ra, cả đêm không ngủ được, thời gian cuối thì bụng to lên, chân tay gầy guộc, đứng một lúc là mệt không tả nổi.
Nhưng Thẩm Vân Thư chưa bao giờ cảm thấy khó chịu, bà rất vui, đặc biệt là nhìn bụng mình to lên từng ngày.
Bà ấy cho rằng đây là kết tinh tình yêu của mình và Văn Hoài Viễn, mà phản ứng khi mang thai chỉ là chút thăng trầm trong quá trình kết tinh ấy, để sau này hồi tưởng, nó càng trở nên khó quên và để lại ý nghĩa sâu sắc hơn.
Bà ấy vuốt bụng nói: "Hoài Viễn, gả cho anh là quyết định đúng đắn nhất cuộc đời em."
Văn Hoài Viễn vừa mới đi xã giao về, giơ tay kéo nơ, nghe vậy thì ông ta hơi ngừng tay, liếc bà ấy một cái, "Ừm" một tiếng rồi đi vào phòng tắm.
Thẩm Vân Thư đắm chìm trong thế giới nhỏ bé của chính mình, không chú ý tới ánh mắt của Văn Hoài Viễn.
Lại sau nữa, Thẩm Vân Thư nhớ lại cũng không rõ là Văn Hoài Viễn bắt đầu thay đổi từ khi nào, nhưng có thể chắc chắn rằng Văn Hoài Viễn đã không còn yêu bà ấy từ lâu rồi.
"Một đời một kiếp một đôi" trong lòng Thẩm Vân Thư hoàn toàn biến mất, ảo tưởng đó cũng bị phá tan, đả kích đó đối với Thẩm Vân Thư chính là vỡ mộng.
Bà ấy bắt đầu cãi nhau với Văn Hoài Viễn.
Ôn Viễn phát triển rất nhanh, Văn Hoài Viễn dần dần vì trốn tránh bà ấy mà không thèm về nhà, ngày nhỏ Văn Lương rất hiếm khi thấy ông ta.
Thẩm Vân Thư suy sụp, bà ấy sinh ra là để yêu, bướng bỉnh cố chấp, Văn Hoài Viễn vừa đi, bà ấy không ăn uống, cũng không cãi nhau.
Bà ấy không còn như trước nữa, không tự may váy, cũng chẳng có hứng thú quen người mới, cửa hàng hoa đã bán từ lâu, bố mẹ thì qua đời vì bệnh tật vào năm ngoái.
Bà ấy giống như con thú bị giam trong chiếc lồng của Văn gia.
Lại sau đó nữa, Văn Lương lớn lên.
Một buổi tối nọ, Văn Hoài Viễn cuối cùng cũng về nhà, chưa được bao lâu lại cãi nhau với Thẩm Vân Thư, ông ta tức giận trực tiếp tát bà ấy.
Hôm sau, Văn Lương đi học về.
Hiếm khi Thẩm Vân Thư bận rộn ở dưới bếp, thấy anh về nhà thì cười bưng một mâm đồ ngọt đến, xoa đầu Văn Lương: "A Lương về rồi à."
Bà ấy đưa đồ ngọt đã làm cả buổi chiều đến bên miệng Văn Lương, cười nói: "Nếm thử xem ăn có được không, mẹ mới học xong đấy."
Một lớp đường đóng sương được rắc trên chiếc bánh nướng vàng ươm, mùi kem thoang thoảng.
Văn Lương há mồm, vừa muốn cắn bánh, Thẩm Vân Thư bỗng nhiên ném cái bánh xuống mặt đất, vụn đường vương vãi, bà lại nổi điên, đổ tất cả những món còn lại trên mâm xuống đất, đạp lên chúng, sau đó ôm Văn Lương khóc thảm thiết.
Thẩm Vân Thư bảo dì Trương lúc ấy đang nấu cơm ở Văn gia quét sạch bánh kem đi, từ đó về sau không ai nhắc đến chuyện này nữa.
Ngay cả Văn Lương cũng không.
Anh thậm chí chưa từng hỏi lý do Thẩm Vân Thư vứt bánh kem đi.
Nhưng Thẩm Vân Thư mỗi lần nhìn vào mắt Văn Lương, luôn cảm thấy anh hiểu hết mọi chuyện, bà ấy không dám nhìn vào mắt anh nữa.
Những chuyện này đều khiến Trần Điệp bị sốc.
Cô chưa từng nghĩ rằng câu chuyện phía sau lại khiến người ta ớn lạnh đến thế.
"Sau đó thì sao?" Trần Điệp hỏi.
"Về sau, " Dì Trương nhìn về phía trước, hồi tưởng lại, "Chưa được mấy ngày, phu nhân liền uống thuốc tự sát."
"Có phải lần đó, bà ấy định..." Giọng nói Trần Điệp run rẩy, "Định cùng Văn Lương..."
Cô chưa nói xong, nhưng dì Trương đã hiểu, gật đầu: "Định, nhưng cuối cùng vẫn không nhẫn tâm."
***
Ngày hôm đó, Văn Lương về nhà, trong nhà trống không, Thẩm Vân Thư cũng không ra đón anh.
Đột nhiên, trong lòng nổi lên một cảm giác khó nói, giống như là thần giao cách cảm, anh ném cặp sách, chạy lên lầu.
Anh không biết mình sẽ kịp hay là không kịp.
Thẩm Vân Thư đã uống viên thuốc, nhưng anh cũng coi như là gặp được Thẩm Vân Thư lần cuối.
Người phụ nữ trước đây hào hoa phong nhã, một bụng thơ ca, thích trang điểm, mặc sườn xám, vừa bước ra đường là có thể hấp dẫn vô số ánh nhìn ghen tị của người khác, giờ đây sắc mặt trắng bệch, nằm trên giường.
Mấy năm nay, bà ấy không thích mặc sườn xám, mỗi lần mặc lại nhớ đến khoảng thời gian yêu đương với Văn Hoài Viễn, vì thế đơn giản là không hề mặc.
Thẩm Vân Thư cuộn tròn người vì phản ứng của thuốc, mồ hôi lạnh không ngừng tuôn ra trên trán.
Rồi bà ấy vẫy tay với Văn Lương, gắng gượng ngồi dậy, ôm Văn Lương vào lòng.
"Xin lỗi con, A Lương." Bà ấy nói, "Mẹ không cố ý đâu."
Văn Lương bị bà ấy ôm chặt, mặt anh dính phải mồ hôi trên cổ bà ấy.
Bà ấy chưa nói tại sao mình lại xin lỗi, nhưng Văn Lương dường như đã hiểu ra, anh cúi đầu, dang tay ôm Thẩm Vân Thư.
"Không sao đâu." Văn Lương nói.
Thẩm Vân Thư đỏ mắt nhìn anh, dùng sức gật đầu, rồi lại nói "Xin lỗi con."
Cuối cùng, Thẩm Vân Thư không còn sức ôm anh nữa, ngã xuống giường, giọng run run nói chuyện với anh.
"A Lương, hình như mẹ ốm rồi, sắp tới con hãy tự chăm sóc bản thân mình nhé."
Sau đó, giọng của Thẩm Vân Thư rất nhỏ, không rõ rốt cuộc là nói cho Văn Lương nghe hay là tự nói cho mình nghe.
"Đời này mẹ sống quá lý tưởng. Mặc dù trận này mẹ thua, nhưng nếu cho mẹ cơ hội làm lại từ đầu, mẹ cũng tình nguyện sống lý tưởng như thế một lần nữa.
"Con người, có những việc cần phải kiên trì."
Thẩm Vân Thư nói xong, hít sâu một hơi, rồi ra đi.
Tiếp theo là một trận binh hoang mã loạn, người giúp việc phát hiện Thẩm Vân Thư uống thuốc tự sát liền gọi cho Văn Hoài Viễn, dì Trương chạy đến che mắt Văn Lương lại, rồi mang anh ra ngoài.
Yển Thành chấn động, thật khó nguôi ngoai, về sau nó trở thành chủ đề bàn tán trên bàn ăn.
***
Bên ngoài bệnh viện kín mít.
Bãi đỗ xe chật cứng người xếp thành một hàng dài, dài đến mức tắc đường, đèn sau của ô tô nối đuôi nhau tạo thành một mảng đỏ chói.
Dì Trương nhẹ nhàng vỗ lưng Trần Điệp, thở dài một tiếng, hỏi cô: "Trần tiểu thư, bây giờ tiểu thư định về nhà hay sao?"
Trần Điệp không trả lời mà hỏi ngược lại: "Bây giờ dì về ạ?"
"Ừm." Dì Trương chỉ chỉ trạm xe buýt bên cạnh, "Tôi đi đường số Tám, cứ đi thẳng thôi."
"Vâng ạ, dì đi trước đi."
Trần Điệp chào tạm biệt dì Trương.
Xe buýt đường số Tám đến rất nhanh, cô nhìn dì Trương lên xe rồi mới thu hồi tầm mắt.
Không có chỗ nào để đi nữa.
Bây giờ về nhà, cô cảm thấy mình giống như đã bỏ rơi điều gì đó, không hề thoải mái chút nào cả.
Trần Điệp đứng hứng gió trước cửa bệnh viện, chuông điện thoại vang lên.
Trên màn hình đang phát sáng là một chuỗi số không được ghi chú —- từ sau khi chia tay, Trần Điệp đã xóa luôn thông tin liên lạc của anh nên đương nhiên không có chú thích gì.
Tim cô như muốn rớt ra ngoài, lập tức nhận máy.
Mới vừa nhấn nút "nhận" đã nghe được âm thanh bật lửa ở đầu dây bên kia.
Trong đầu Trần Điệp tự động hiện ra dáng vẻ hút thuốc của Văn Lương, người lười nhác, ngậm điếu thuốc trong miệng rồi ấn bật lửa, ánh lửa đỏ rực chiếu sáng con ngươi của anh, sau đó hai má anh hơi lõm xuống, hút một hơi thật mạnh, rồi chậm rãi nhả ra, khói thuốc mờ ảo.
"Tìm tôi à?" Anh hỏi.
Giọng nói nhẹ nhàng, không hề gợn sóng.
"Ừ." Trần Điệp bình tĩnh lại, "Anh đang ở đâu?"
Đầu dây bên kia im lặng.
Sau đó Văn Lương nói: "Ở dưới lầu nhà em."
← Ch. 43 | Ch. 45 → |