Mở đầu
Ch.02 → |
Thượng Hải.
Thứ ba, ngày 11 tháng 1 âm lịch, ngày 11 tháng 2 năm 2014.
Sỏi đá rừng cây ngủ đông mấy ngày tỉnh lại sau kì nghỉ ngắn ngủi. Những người đi tìm mộng ở đông nam tây bắc lục tục từ quê nhà trở lại thành phố này, đám đông chen chúc nhanh chóng lấp đầy hết mọi ước mơ, khởi động bánh răng tựa như không bao giờ ngừng nghỉ của nó.
Tỉnh dậy sau giấc ngủ mê man, Tạ Vũ từ từ mở mắt.
Chiếc rèm cửa sổ dày che đi sắc trời bên ngoài, khiến cô không phân biệt rõ giờ này là giờ nào.
Tạ Vũ nhảy xuống giường, đi chân trần đến trước cửa sổ, kéo rèm roạt một tiếng.
Tia sáng chói mắt đột nhiên rọi vào, cô giơ tay lên che mắt theo bản năng.
Mặt trời lúc này treo xa xa giữa không trung, nhưng đã bị một lớp khói bụi mù mịt che đi dáng vẻ ban đầu, đây là cảnh thường có trong thành phố.
Đầu xuân chưa đến, cái lạnh vẫn buốt da buốt thịt.
Trong phòng không bật máy điều hòa, không khí ướt lạnh khiến Tạ Vũ vừa chui ra khỏi ổ chăn không quen lắm. Cô không khỏi rùng mình một cái.
Cô xoa xoa mặt, nhanh chóng trở lại giường, chui vào chăn, tiện tay lấy điện thoại di động bật lên, nhìn giờ.
Mười hai giờ trưa, dựa vào tác dụng của cồn cô đã ngủ mười mấy tiếng.
Điện thoại di động vừa bật, một tràng tiếng báo tin nhắn tít tít vang lên ngay lập tức.
Tạ Vũ tùy tiện bấm mấy cái, đều là tin nhắn an ủi mà mấy người bạn gửi tới.
Cô đọc hai tin liền thấy hơi mệt, lười nhắn lại từng tin một, tiện tay soạn một tin gửi nhóm: "Đừng có lo, bà đây vẫn còn sống."
Gửi tin nhắn xong ném di động sang một bên, choàng áo khoác, đi đến trước bàn làm việc ngồi xuống, bật máy vi tính, bấm vào diễn đàn nổi tiếng mà cô hay lên.
Bài viết khiến cô được quan tâm rộng rãi hai ngày nay, hôm nay đã có hơn mười ngàn bình luận, thậm chí có người mở topic mới, muốn đánh dẹp "Phóng viên ăn bánh bao thịt người".
Tạ Vũ bực bội mà căm tức đập con chuột một cái, lẩm bẩm mắng: "Một đám anh hùng bàn phím ngu dốt!"
Cô lướt mấy bài trả lời đầy căm phẫn hai lần bằng vẻ mặt khinh bỉ, tắt bài viết, nhắm mắt lại nặng nề dựa vào ghế.
Nhưng lúc này đây, trong đầu không kiểm soát được hiện ra một khuôn mặt thiếu nữ xinh đẹp nhưng ưu thương.
Đó là Trương Hiểu Kha.
Năm ngoái, thành phố bên cạnh xảy ra một vụ án thiếu nữ mười sáu tuổi bị phú nhị đại (1) hiếp dâm tập thể, khi đó người nhà của cô bé đã báo án, sau khi điều tra cảnh sát lại nhận định là cô bé tự nguyện đi hộp đêm sống phóng túng với mấy cậu bé kia, cuối cùng bỏ mặc không lo.
(1) Phú nhị đại: thế hệ con nhà giàu thứ hai sinh sau năm 1980 ở Trung Quốc.
Người nhà bất đắc dĩ tìm đến phóng viên, phóng viên này chính là Tạ Vũ.
Mà cô bé bị hại trong vụ án đó chính là Trương Hiểu Kha.
Tuần san Đông Phương nơi Tạ Vũ làm việc tọa lạc ở Thượng Hải, là một tạp chí tin tức có sức ảnh hưởng lớn.
Từ người mới đến phóng viên điều tra có thâm niên, cô đã sớm vô cùng am hiểu chuyện làm tin tức. Vừa tiếp xúc với vụ án này là cô biết ngay đây nhất định là một tin có thể thu hút sự quan tâm rộng rãi.
Chỉ mấy chữ phú nhị đại mấu chốt này cũng đủ để kích thích thần kinh nhạy cảm của các độc giả.
Đe dọa dụ dỗ, áp lực nặng nề, đây không phải là lần khó khăn nhất từ khi Tạ Vũ làm phóng viên đến nay, nhưng cũng tốn sức chín trâu hai hổ, rốt cuộc mới đưa hết trọn vẹn chuyện này ra.
Trong thời đại toàn dân căm thù người giàu, có thể tưởng tượng được loạt bài này chấn động đến mức nào, trong khoảng thời gian ngắn gây ầm ĩ xôn xao.
Có thể do áp lực nên cảnh sát lập hồ sơ điều tra lại lần nữa, thời gian qua đi hơn nửa năm, mấy phú nhị đại liên quan đó rốt cuộc bị tuyên án vào cuối năm ngoái.
Đây vốn là một chuyện mọi người đều vui vẻ, chính nghĩa của thiếu nữ bị hại được giương cao, công chúng được xoa dịu, Tạ Vũ cũng đạt được tiếng tăm trong giới.
Nhưng vào tuần trước, vừa hết tết, Trương Hiểu Kha đột nhiên nhảy lầu tự sát.
Nguyên nhân tự sát rất đơn giản, bởi vì bài báo của phóng viên viết quá tường tận, thân phận của cô bé bị người ta moi ra. Cô bé mười mấy tuổi không chịu nổi áp lực thế tục, nhảy từ trên tầng mười lăm xuống.
Trương Hiểu Kha vừa chết, người phóng viên vốn đóng vai quan trọng và chính nghĩa trong vụ án mọi người đều vui vẻ này, đột nhiên trở thành đối tượng công kích của công chúng.
Trong mắt mọi người, vì để thu hút người khác mà phóng viên đã cố ý miêu tả chi tiết và đời tư, khiến Trương Hiểu Kha bị tổn thương lần thứ hai.
Nếu như nói phú nhị đại là hung thủ giết người, vậy thì Tạ Vũ chính là đồng phạm danh xứng với thực.
Lần cuối cùng Tạ Vũ thấy Trương Hiểu Kha là vào nửa tháng trước, lúc đó sắp mở phiên tòa xét xử lần thứ hai, trạng thái tinh thần của Trương Hiểu Kha rất tệ. Trong thời gian qua hơn nửa năm, khi Tạ Vũ điều tra chuyện này, vì để cho Trương Hiểu Kha hoàn toàn mở lòng với mình, về cơ bản cô đã đóng vai một người chị tri kỉ.
Trong sự nghiệp chẳng tính là quá lâu của mình, cô đã từng làm chuyện như vậy vô số lần, tiếp cận người trong cuộc bằng dáng vẻ trông như chân thành nhất, làm đối phương cảm động, rồi sau đó lấy được thông tin mà mình muốn.
Không thể không nói, Tạ Vũ rất có tài năng thiên bẩm làm một phóng viên điều tra.
Một cô bé với trạng thái tinh thần tồi tệ xem Tạ Vũ như một ngọn cỏ cứu mạng của mình, nói cho cô rất nhiều đau khổ và áp lực trong lòng, còn có chi tiết bị cưỡng hiếp khi chuyện xảy ra.
Đó là cơn ác mộng khiến cô bé ăn ngủ không yên trong hơn nửa năm.
Tạ Vũ biết những lời này là bí mật cô bé kể cho mình.
Mà những bí mật này khiến một phóng viên hưng phấn, cô không hề do dự viết ngay vào bài báo mới nhất của mình.
Là một phóng viên đã hành nghề mấy năm, cô biết rõ độc giả muốn đọc nội dung như thế nào nhất.
Cho dù cô hiểu việc này quả thật là đang buôn bán đau khổ của người khác.
Cô tưởng rằng lần này cũng không khác gì mấy lần lấy tin trước. Trên thực tế thật sự cũng không có gì khác biệt, loạt bài này đạt được hiệu quả mong muốn, không những nhận được sự quan tâm rộng rãi, mà còn gián tiếp khiến tội phạm nhận sự trừng phạt nghiêm khắc đáng phải có, việc này tất nhiên sẽ trở thành một phần nổi bật trong sự nghiệp phóng viên điều tra của Tạ Vũ.
—— Nếu như, Trương Hiểu Kha không chọn nhảy lầu.
Sau khi Trương Hiểu Kha nhảy lầu, dư luận đột nhiên thay đổi bất ngờ, những kẻ gây chuyện bị bỏ tù kia bị mọi người quên lãng, tất cả những cư dân mạng tự xưng là chiến binh vì chính nghĩa bắt đầu chĩa mũi nhọn vào Tạ Vũ.
Mọi người đều mắng cô là phóng viên vô lương tâm không hề có lòng thương xót, không từ bất kì thủ đoạn nào để thu hút người khác.
Kì thật cũng không phải là lần đầu tiên Tạ Vũ nghe đánh giá thế này, thật ra hai năm trước nữa cô đã nghe qua.
Khi đó cô vào nghề hơn hai năm, là tam nương liều mạng nổi tiếng của giới tạp chí, để săn tin về người nghiện vô gia cư mà dám can đảm trò chuyện cả đêm với những người đó dưới gầm cầu; để lấy tin về bệnh nhân AIDS, trở thành bạn bè với người bị nhiễm; còn từng nằm vùng ở bệnh viện tâm thần, đổ mồ hôi và máu ở nhà máy... Khi đó, mọi người đều cho rằng cô liều lĩnh và chuyên nghiệp, có một trái tim chính nghĩa khiến người ta kính phục.
Ban đầu có lẽ như thế thật.
Nhưng sau đó khi cô cãi nhau với Tôn Địch, anh chỉ trích cô vốn không phải là vì cái gọi là sự thật tin tức, thậm chí trong quá trình điều tra, cô đã quen giả thiết sẵn một kết luận thu hút người khác, rồi sau đó sẽ đi điều tra theo kết luận này.
Cô bắt đầu ưa thích đào bới đau khổ của người khác để buôn bán, mà trong quá trình buôn bán đau khổ này, cô đã trở nên vô cảm, chỉ vì cái lợi trước mắt, không có chút lòng thương xót.
Người đàn ông vô cùng đau đớn đầy căm phẫn này không phải người khác, mà chính là bạn trai khi đó của Tạ Vũ, cũng từng là người cùng nghề với cô.
Đương nhiên Tạ Vũ không thừa nhận sự chỉ trích này, sau khi hai người to tiếng mấy lần, Tôn Địch tức giận đi Trung Đông làm phóng viên tự do để gột rửa tâm hồn thay cho Tạ Vũ, thực hiện lòng thương xót của anh.
Tạ Vũ bước dần vào giai đoạn tốt đẹp của sự nghiệp, không đồng ý với chỉ trích này, chủ nghĩa lý tưởng của Tôn Địch khiến cô vô cùng khinh thường —— cho dù cô cũng từng có chủ nghĩa lý tưởng như thế, nhưng cô đã sớm dần am hiểu quy tắc trong thực tế, đồng thời càng ngày càng như cá gặp nước.
Cô có lẽ chẳng tính là hưởng thụ tình trạng công việc bây giờ, nhưng hiện thực cơ bản là như vậy, cái cảm xúc mạnh mẽ lý tưởng sau khi trát phấn trang hoàng thuở thiếu thời ấy từ từ tan đi, thứ thúc đẩy cô là dục vọng mưu cầu danh lợi.
Đây là Thượng Hải, không ai là không có dục vọng.
Nhưng việc Trương Hiểu Kha tự sát quả thật nằm ngoài dự liệu của cô.
Những sự chỉ trích liên quan đến lòng thương xót đó lại nổi lên mặt nước.
Chỉ trích lần này không phải đến từ một cá nhân, mà là đến từ đại chúng, Tạ Vũ không thể nào trốn tránh được.
Cô nhắm mắt lại, nghĩ đến khuôn mặt Trương Hiểu Kha.
Một thiếu nữ vừa nở rộ, vào độ tuổi đẹp nhất, điêu tàn như một con diều đứt dây.
Nghĩ đến việc cô bé này tự sát, Tạ Vũ cảm thấy mình cũng đau lòng.
Chỉ là... cô sờ trái tim mình, hình như cũng không có chấn động nào quá lớn.
Cô không thể không thừa nhận một sự thật, cô quả thật đang trở nên vô cảm.
Trong lần tự suy ngẫm hiếm thấy này, bụng Tạ Vũ kêu lên nhắc nhở cô phải ăn cơm rồi.
Hai ngày trước, sau khi biết được Trương Hiểu Kha nhảy lầu, Tạ Vũ liền từ thành phố quê nhà trở lại Thượng Hải, sau đó ở luôn trong nhà không ra ngoài.
Chửi rủa và đánh dẹp ầm ầm trên mạng ngược lại không ảnh hưởng lớn đến cô.
Trong nghề này, tình huống thế này cô không thể quen thuộc hơn được nữa. Cư dân mạng là một cộng đồng tự cho là chính nghĩa nhất nhưng cũng bạc tình nhất, chỉ năm ba ngày thôi, có tin nóng mới ra là bọn họ sẽ nhanh chóng quên đi cái chết của Trương Hiểu Kha, quên đi việc cô là một phóng viên "ăn bánh bao thịt người".
Tạ Vũ đi vào bếp, đun một nồi nước nhỏ, rồi lục tìm gói mì cuối cùng.
Xé gói mì, trút gia vị bên trong ra, lại phát hiện gói mì cuối cùng này thật không nể mặt, vậy mà không có gói dầu.
Tạ Vũ bực bội chửi tục một câu, đổ tạm mì và gói gia vị duy nhất vào nồi, khuấy bừa hai cái, rồi mang cả nồi vào phòng.
Cô ăn hai miếng, điện thoại di động reo lên.
Tạ Vũ cầm điện thoại liếc nhìn rồi nhận máy, đầu bên kia truyền đến giọng của lão Trương, tổng biên tập: "Tạ Vũ, cô vẫn ổn chứ?"
Tạ Vũ lơ đãng: "Tôi không sao."
"Mấy cái tin nhắn trên mạng cô đừng để trong lòng. Mấy người đó cũng không nghĩ trước kia cô đã tốn bao nhiêu là tâm huyết vì bài báo này vụ án này, an toàn tính mạng cũng suýt trở thành vấn đề. Bây giờ mấy đứa khốn kia vào tù rồi, Trương Hiểu Kha vừa chết là đổ hết vào đầu cô, đúng là vô lý mà. Trên đời này cũng cấm một người chết nữa."
Lão Trương nói xong vô cùng căm phẫn, Tạ Vũ lại ngẩn người vì câu nói này.
Khi cô đang ngẩn người, lão Trương chuyển đề tài: "Quỹ Tân Miêu, quỹ con thuộc quỹ Dương Quang cần chúng ta giúp làm một bài báo về những đứa trẻ bị bỏ lại (2) và trường tiểu học vùng núi Tương Tây, vốn là do Tiểu Nhạc đi làm, nhưng cậu ta tạm thời có chuyện không đi được, ngày mai cô đi một chuyến đi. Đúng lúc ở bên đó mấy ngày coi như nghỉ ngơi, chờ tin đồn lắng xuống rồi về."
(2) Đứa trẻ bị bỏ lại: chỉ những đứa trẻ bị bỏ lại ở nông thôn cho ông bà hoặc họ hàng nuôi, trong khi bố mẹ thì lên thành phố tìm kiếm việc làm.
Quỹ Dương Quang là một quỹ công ích vô cùng nổi tiếng trong nước, Tuần san Đông Phương luôn là phía truyền thông hợp tác, quỹ con Tân Miêu thành lập hơn một năm, là quỹ công ích tập trung vào trẻ em khu vực nghèo khó.
Tạ Vũ nghe lão Trương nói vậy thì bật cười: "Đi đến cái chỗ nông thôn đó ở mấy ngày mà gọi là nghỉ ngơi à? Tổng biên tập anh đùa tôi đấy hả!"
"Tôi đây cũng chẳng phải là suy nghĩ cho cô đâu. Trên mạng bây giờ không chỉ mắng cô, mà cả tạp chí của chúng ta cũng đang bị mắng đấy. Nội dung mang tính công ích này vừa vặn vớt lại chút danh tiếng cho chúng ta."
Tạ Vũ hút tụt một sợi mì, ậm ờ nói: "Được, tôi đi."
Tổng biên tập cười nói: "Lãnh đạo của làng bên đó đã liên lạc xong rồi, đi đến trường tiểu học nào họ đã chọn giúp, còn có hai tình nguyện viên hỗ trợ giáo dục do quỹ Tân Miêu tuyển chọn đến lúc đó cũng sẽ đi đến trường báo cáo, đến lúc đó cô chủ yếu ghi chép thêm một chút tình hình hỗ trợ giáo dục của họ."
Tạ Vũ nói: "Yên tâm, tôi sẽ viết thật hay, nếu không thì sao có người quyên tiền cho quỹ chứ?"
Tổng biên tập cười: "Không có tiền thì làm công ích thế nào! Được rồi, cô mau chuẩn bị một chút đi, chuyện của Trương Hiểu Kha đừng để trong lòng, tránh ảnh hưởng đến tâm trạng."
"Biết rồi."
Tạ Vũ không chuẩn bị vội, ăn mì xong, nhận được lời mời đi uống rượu của đám bạn. Nghĩ đến cuộc sống trạch đến mức sắp nổi mốc mấy ngày nay, cô thay một bộ đồ hiệu xinh đẹp, trang điểm rực rỡ, đi đến quán bar bắt đầu cuộc sống về đêm của cô.
Tuy Tạ Vũ cũng không phải sinh ra và lớn lên ở thành phố phồn hoa này, nhưng đi học cộng làm việc đã gần chín năm, từ trong ra ngoài, ngay cả trong xương cốt cũng đã sớm đồng hóa vào đó.
Trong nhịp điệu nhanh vào ban ngày, cô dốc sức làm việc như những người khác trong thành phố, cũng hưởng thụ cuộc sống về đêm không ngủ tuyệt vời nhất như những trai thanh gái lịch kia.
Nguyên nhân nghề nghiệp cộng thêm tính cách, bạn bè của Tạ Vũ không ít. Song trong đô thị lớn tình người bạc bẽo, định nghĩa bạn bè nhiều lúc chẳng qua cũng như người qua đường thôi.
Người mới đi người cũ đến, giết thời gian cô đơn hiu quạnh mà thôi.
Cuộc sống về đêm đầy màu sắc của thành phố tạm thời giúp Tạ Vũ quên đi khó chịu mấy ngày nay. Rượu cồn và âm nhạc, sự tán tỉnh như thật như giả của trai thanh gái lịch, vừa kích thích vừa vô vị.
Đêm nay phần lớn là bạn bè thường hay chơi với nhau, duy nhất một người đàn ông mới quen là ABC trẻ tuổi, trông rất đẹp trai, cũng rất dí dỏm, chỉ là nói chuyện lại khiến người khác có kích động muốn vuốt thẳng lưỡi anh ta.
Khi một nhóm người uống rượu, người đàn ông biểu diễn trò ảo thuật nhỏ chọc cho mấy cô gái vui. Anh ta cho mỗi người rút một lá bài rồi anh ta đi đoán, ngoại trừ lá trong tay Tạ Vũ, những lá khác anh ta đoán đúng hết.
Anh ta làm ra vẻ tiếc nuối tự phạt một ly với Tạ Vũ.
Vì hôm sau Tạ Vũ phải đi chuyến bay sáng, nên tạm biệt đám bạn này trước. Lúc tạm biệt, người đàn ông đặt lá bài đoán sai vào tay cô, ngả ngớn nói: "Cô Tạ, lần sau tôi chắc chắn sẽ không đoán sai."
Tạ Vũ rút tay mình khỏi tay anh ta, tiện tay bỏ lá bài vào túi áo khoác, nhếch môi cười với anh ta: "Hi vọng là vậy."
Buổi tối chẳng dễ đón xe, cô dứt khoát đi tàu điện ngầm. Đi đến cửa tàu điện ngầm, cô mới nhớ tới lá bài trong túi, lấy ra nhìn, quả nhiên thấy một số điện thoại viết trên lá bài.
Cô nhếch môi cười, ném lá bài vào sọt rác bên cạnh.
Lúc này đã gần mười một giờ, toa tàu điện ngầm trống không, chỉ còn lác đác mấy người về trễ, đa số là thành phần trí trức làm thêm giờ về nhà.
Tạ Vũ đã uống nhiều rượu, nên bây giờ có hơi lơ lửng. Cô là một phóng viên, thích quan sát người khác, cho dù là thời điểm thế này, cô dựa vào lưng ghế vẫn theo thói quen nhìn lướt qua mấy người trong toa tàu.
Không biết có phải do chớm say hay không, mà trong đầu cô bật ra những suy nghĩ và tự xét đầy màu sắc sặc sỡ như bóng đêm thành phố.
Cô đột nhiên cảm thấy những người này tuy diện mạo khác nhau, nhưng từng người với mặt mày vô cảm lại như có cùng một khuôn mặt.
Cô nhớ tới một từ —— "Người cao su".
Những người này đều là người đi tìm mộng trong thành phố, nhưng hiện thực và phù hoa của đô thị lại bào mòn ước mơ của phần lớn những người đó gần như không còn, khiến họ dần trở thành sinh vật thành thị không đau đớn vô vị.
Trong thành phố này, đâu đâu cũng là người cao su, họ có lẽ đã sớm quên đi ước nguyện ban đầu của cuộc sống, sự lạnh lùng và vô cảm chiếm giữ nhiệt độ trong máu, trong sự trang hoàng giả dối của thành phố, mỗi người đều trở nên giống hệt nhau.
Mà bản thân cô có phải cũng đã biến thành người cao su từ lâu rồi hay không?
Suy nghĩ đột nhiên xuất hiện này khiến cô có chút đau buồn và thất vọng mơ hồ.
Cô dựa vào ghế, kiệt sức nhắm mắt lại.
Về đến nhà đã hơn mười hai giờ.
Tạ Vũ lấy ba lô mình hay dùng, bắt đầu thu xếp quần áo và đồ dùng hàng ngày ngày mai đi công tác.
Đã qua kì nghỉ tết, tủ của cô vô cùng bừa bộn. Sau khi lấy quần áo đi xa ra, cô tiện tay dọn dẹp.
Một chồng sách báo nhỏ để ở tầng dưới cùng của tủ, cô đã uống rượu nên nhất thời có hơi ngẩn ngơ, lục ra mới nhớ, đây là bản tóm tắt sau khi đăng bản thảo năm xưa khi mình vừa mới vào nghề.
Lúc đó tràn đầy nhiệt huyết với mọi thứ, mỗi lần làm một bài phỏng vấn cô đều dùng hết tâm sức, sau khi đăng bài sẽ giữ những tờ báo này lại.
Mà cô đã lâu lắm rồi không làm qua chuyện này, cho nên suýt nữa đã quên đống giấy cũ phủ đầy bụi đó.
Tạ Vũ ngồi trên sàn gỗ, đọc chồng báo ngẩn người một hồi, tiện tay rút tờ báo dưới cùng.
Đó là sáu năm trước, bài báo tin tức đăng độc lập đầu tiên của cô, lúc đó cô vẫn còn học năm thứ ba đại học, đang thực tập ở một tòa soạn.
Thời gian qua đi rất lâu, cô đã không còn nhớ rõ rất nhiều chuyện.
Nhưng vẫn nhớ đó là mùa đông lạnh nhất ở miền nam, một kí túc xá công nhân của khu công nghiệp Côn Sơn xảy ra hỏa hoạn, nguyên nhân bốc cháy là do buổi tối kí túc xá nhà máy không cấp điện, công nhân vi phạm nội quy đốt lò sưởi ấm trong kí túc xá, không may bén lửa, nửa đêm nửa hôm, cả tòa kí túc xá bốc cháy, ba công nhân từ nơi khác đến mất mạng trong vụ hoả hoạn.
Điều trùng hợp là, ba công nhân đã mất đó chính là người đến từ vùng núi Tương Tây mà ngày mai Tạ Vũ phải đi.
Cô đã quên tâm trạng khi đó từ lâu, chỉ còn nhớ mang máng sự căm phẫn đối với bọn tư bản khi mình đến nhà máy lấy tin.
Cô đọc những tờ báo hơi ố vàng kia, rồi nhét lại vào tủ.
Không quên ước nguyện ban đầu, nhưng cô lại tựa như đã sớm không còn nhớ rõ ước nguyện ban đầu là như thế nào.
Ch. 02 → |