Truyện:Không Thị Tẩm? Chém! - Chương 29

Không Thị Tẩm? Chém!
Trọn bộ 57 chương
Chương 29
Thu phục tù binh như thế nào
0.00
(0 votes)


Chương (1-57)
Hot!!! Pi Network đã chính thức lên mainnet! Đừng bỏ lỡ cơ hội như bitcoin!


Ta tổng kết hai chiêu thu phục tù binh của Phượng Triều Văn.

Thứ nhất: "Uy hiếp địch bằng quân đội", chiêu này không cần dùng lời thừa, thiên hạ đều biết Thái tử điện hạ Đại Tề nắm trong tay mấy vạn kỵ binh tinh nhuệ, càn quét khắp các nước.

Thứ hai: "Tâm lý chiến là thượng sách", dùng đạo lý cùng tấm chân tình thu phục địch, dùng sự thật để cảm hóa chỉ dẫn địch, dùng hành động giành lấy lòng tin của địch, dùng sự tự do no ấm cám dỗ địch.

Trong trận Hoàng Hà cốc, tuy Hoàng Giới tướng quân bị quân Tề hợp lực vây đánh, đấu không lại bị bắt làm tù binh, nhưng sau đó hắn tuyệt thực kháng nghị, thề không hàng địch, thể hiện trọn vẹn lòng yêu nước đậm sâu, trung quân ái quốc, thà chết chứ không chịu khuất phục. Triệu Dũng, Tô Nhân chẳng hề thua kém Hoàng Giới tướng quân, đều tham gia đấu tranh tuyệt thực kháng nghị lần này, sống giữa hậu phương kẻ địch mà vẫn đấu tranh bất khuất.

Có điều Thái tử Phượng Triều Văn bên địch tấm lòng rộng rãi, bản lĩnh tiết chế số một, chưa từng làm những chuyện như chôn sống tù binh, cũng chưa từng mang tiếng xấu ngược đãi tù binh, mà chỉ khóa chân họ ở tầng lớp thấp để rèn luyện, đến những vùng đất rộng lớn mà nước Tề chiếm lĩnh, xuống vùng nông thôn tiếp nhận giáo dục cải tạo.

Không thể không nói, những hành vi đối xử của Đại Tề với tội phạm chính trị lần này đạt được hiệu quả rõ rệt, thậm chí trong hai trăm năm dựng nước của Đại Tề đều làm theo quốc sách điều họ về nông thôn tiếp nhận giáo dục cải tạo của bần nông và trung nông, cảm nhận sự khó khăn của nhà nước trong việc chăm lo chuyện đồng áng của bách tính, quan với dân như cá với nước.

Một trong số những người từng trải nghiệm là Triệu Dũng xúc động nói, sau khi cải tạo, hắn đã không còn muốn chết, hận không thể mọc cánh bay về quê nhà cày cấy ba mẫu sáu phân đất nhà mình.

Hắn là người chất phác.

Tô Nhân thì khá hà khắc: "Tề thái tử nham hiểm gian xảo, dùng cuộc sống yên ổn ở kiếp này làm dao động lí tưởng chúng ta theo đuổi: Trung quân ái quốc nguyện hy sinh vì điều mình tin tưởng! Hắn đúng là tên tiểu nhân!"

Ta vung một cước đá hắn: "Vậy sao giờ ngươi không đi chết đi?"

Hắn ra vẻ nghiêm túc than thở: "Nghĩ đến nhà họ Tô ta đây tám đời bần nông, chín đời độc đinh, cha già tuổi cao sức yếu, hương hỏa lụi tàn, muốn chết đến đâu cũng phải cưới một thiếu nữ xinh đẹp về sinh con đẻ cái kế thừa hương hỏa rồi mới chết được!"

Ta: "..."

Sao người không thừa nhận rằng mình ham muốn mỹ sắc luôn đi?

Vì Hoàng Giới tướng quân tính tình cương trực, coi danh tiếng là thứ phù phiếm, nên con em bần hàn xưa nay đều thích đầu quân dưới trướng hắn, bởi vậy trong quân đội của hắn phần nhiều là con em dân nghèo do chiến tranh liên miên, ăn không đủ no mặc không đủ ấm, bèn tham gia quân đội, đặt cược cái đầu mình để đổi một miệng ăn. Trái lại, con em quý tộc không chịu nổi cách trị quân nghiêm khắc, sớm đã tìm cách luồn cúi chuyển đi nơi khác. Vì vậy dù bị bắt làm tù binh nhưng tướng sĩ trong doanh trại vạn người một lòng đánh đổ quân Tề.

Bách tính các nước mà quân Tề từng càn quét hiện nay đều mang họ Tề, an cư lạc nghiệp, hái chè trồng dâu, có ai là không muốn kiếm miếng cơm ổn định chứ?

Buổi tối sau khi tiếp nhận giáo dục cải cách trở về quân doanh Đại Tề, Hoàng Giới tướng quân đã tự sát.

Hắn chỉ để lại duy nhất một câu với những tướng sĩ cùng mình vào sinh ra tử: "Sống cho tốt để trở về quê hương." Lời nói thấm thía, tình cảm chân thành!

Hoàng Giới tướng quân một đời trung quân ái quốc, chinh chiến nơi sa trường, song đấu tranh bè phái trong quân đội rất kịch liệt, không hề thua kém triều đường. Trên triều Thái hậu thao túng, văn thần võ tướng không ai nhường ai, Tiểu Hoàng đế lại quá hồ đồ. Bách tính nộp thuế nhiều hơn hẳn nước Tề, ăn không đủ no, nhân gian oán thán người cầm quyền, trong vòng hai mươi năm sau, thiên hạ Đại Trần chẳng còn chút hy vọng.

Ông cũng xuất thân bần hàn, nên trung với vua hay hiếu với dân, quả thực tiến thoái lưỡng nan, thà cắt cổ tự sát cho xong, chết là hết.

Cũng không biết Phượng Triều Văn thật lòng kính trọng người như Hoàng Giới tướng quân, hay chỉ vì để những tù binh này không sinh lòng phản trắc mà cử hành tang lễ trọng thể cho ông. Khi đó ta đang mơ hồ dưỡng thương trong trướng soái của Phượng Triều Văn, chẳng được tận mắt chứng kiến, nhưng hàng vạn tù binh từng tham dự tang lễ đã thay đổi hẳn cách nhìn về Phượng Triều Văn, mặc dù chưa từng có ý nghĩ sẽ quay đầu theo địch, song lại an phận làm tạp dịch trong doanh trại, đều một lòng đợi ngày nhất thống thiên hạ, được về quê làm ruộng.

Tề Thái tử đã nói, phàm là người lao dịch trong doanh trại, chỉ cần thiên hạ nhất thống sẽ được phân ruộng cày cấy trồng trọt theo số thành viên trong gia đình, đủ để họ sống no ấm.

Lúc Phượng Triều Văn về đến doanh trại, ta nhắc chuyện Hoàng Giới tướng quân, tò mò tại sao hắn không giết chết những tù binh này, hắn chăm chú xem báo cáo chiến sự, dửng dưng đáp: "Thiên hạ đầy rẫy bại binh đi làm thổ phỉ, những thanh niên tráng kiện này tương lai có thể sẽ là hộ cung cấp lương thực cho Đại Tề chúng ta. Giết họ rồi thì ích gì chứ? Chẳng qua là tăng thêm mấy vạn thi thể mà thôi."

Ta hết sức đồng tình, lại cảm giác cái chết của Hoàng Giới tướng quân khó tránh khỏi có liên quan đến ta, liền hỏi: "Vậy nếu bắt được Hoàng đế Đại Trần, cũng phải đưa về nông thôn giáo dục cải tạo à?"

Hắn ngẩng đầu rời mắt khỏi báo cáo chiến sự dày cộp, trầm ngâm nhìn ta, ý dò hỏi hiển hiện trong đôi mắt phượng: "Có phải nàng đã nhớ ra gì rồi không?"

Thực tình nói dối hắn có vẻ không hay lắm. Ta lắc đầu: "Nghe bọn họ nói, ta là thư đồng của Hoàng đế Đại Trần, từ nhỏ đã lớn lên cùng nhau." Thanh mai trúc mã có lẽ là vậy nhỉ?

Hắn nhìn ta chằm chằm, cuối cùng nhấn mạnh từng chữ: "Ta không muốn dối nàng. Các triều đại xưa và nay không có chuyện tha cho Hoàng đế vong quốc. Dù hắn hoàn toàn không có ý định phục quốc, nhưng những người bên cạnh hắn cũng sẽ không bỏ cuộc. Câu 'trừ cỏ trừ tận gốc' chắc chắn nàng đã từng nghe thấy rồi chứ?"

Tim ta đập thình thịch, trong đầu bỗng xuất hiện một gương mặt bụ bẫm, ngập tràn nụ cười vui sướng... Khoảnh khắc đó ta cảm thấy ký ức đang dần dần nổi trên mặt nước, không cách nào chìm xuống dưới biển sâu.

Đêm nay ta ngủ sớm như thường, chẳng chờ Phượng Triều Văn xem xong báo cáo chiến sự đã rúc vào chăn đệm mềm mại.

Lúc ta tỉnh dậy, trong trướng tối om, không có ai bên cạnh. Ban ngày ở trại tù binh ta quá xúc động, quá nhiều lời, làm nửa đêm đang ngủ cũng thấy khô miệng, bèn đi chân đất xuống giường tìm ấm trà trên bàn. Nhưng ấm trà rỗng không, ta đành quay trở lại cạnh giường, khoác áo ra trướng trước tìm nước uống.

Trướng trước tuy thắp nến sáng, nhưng không thấy Phượng Triều Văn, đêm hôm khuya khoắt thế này không biết hắn đã đi đâu. Ta nhấc ấm trà đặt trên bàn của hắn lên, rót một hớp vào miệng, bỗng nghe thấy tiếng thì thầm bên ngoài trướng, hình như là Phượng Triều Văn và Vũ Khác. Đêm không chịu ngủ lại đi chuyện trò dưới trăng sáng, có nhã hứng gớm.

Ta dụi mắt định quay vào ngủ tiếp, nhưng có mấy chữ ngắt quãng lọt vào tai: "... Nói với cha con Yến gia, nội trong ba ngày nhất định phải nghĩ cách mở cổng thành... Không cần thiết phải giết hại người hầu trong cung... Chỉ cần giết hoàng tộc..."

Đến tận khi đã nằm trên giường, đắp tấm chăn dày cộp lên người, dù thời tiết ấm dần nhưng ta vẫn cảm thấy toàn thân lạnh cóng.

Mãi lâu sau, Phượng Triều Văn nhẹ nhàng đi vào, cởi áo bỏ giày, mò mẫm trên giường rồi vén chăn ra, xoa đầu ta: "Trời nóng thế mà cũng đắp chăn dày, mồ hôi nhễ nhại kìa, nàng không sợ nóng sao?"

Ta nhắm mắt ậm ừ hai tiếng, cảm giác có chiếc chăn lụa đang nhẹ nhàng lau trán mình, bỗng ta thấy vô cùng thấu hiểu Hoàng Giới tướng quân.

Chỉ vì Hoàng Giới nghĩ không thông mà thôi.

Ông vừa muốn trung với vua, vừa muốn hiếu với dân. Nhưng với ta, bách tính trong thiên hạ dù sống giữa nước sôi lửa bóng cũng chẳng can hệ đến mình là bao. Tấm lòng "trung quân ái quốc" này quá vĩ đại, cha nói, người như ta không cần theo đuổi thì tốt hơn, tránh bôi nhọ mấy chữ này.

Ông nói chí phải.

Ta chỉ muốn bảo vệ một người, đó là người từ nhỏ lớn lên cùng ta, chẳng khác gì đệ đệ của ta, là quả bóng thịt béo tròn cùng ta trải qua tháng năm niên thiếu.

Hôm nay ta mới tỉnh dậy khỏi giấc mộng kê vàng[1].

[1] "Giấc mộng kê vàng" hay còn gọi "Hoàng lương nhất mộng" bắt nguồn từ truyện "Chẩm trung ký" của Trầm Ký Tế thời Đường. Chuyện kể rằng, có một chàng thư sinh nghèo họ Lư một hôm nhân chuyến đi chơi, anh ta vào nghỉ trong một quán trọ. Lúc chủ quán trọ bắc nấu một nồi kê vàng, thì chàng trai lên giường đi ngủ. Trong giấc ngủ, chàng trai mộng thấy mình lấy vợ sinh con, được làm quan, hưởng phú quý và cuộc sống sung sướng an nhàn ấy kéo dài đến lúc chết. Nhưng khi tỉnh dậy, kê vàng vẫn còn chưa chín. Câu chuyện muốn nói rằng: Đời người như giấc mộng, tất cả sang hèn giàu nghèo đều là ảo mộng hư vô.

Trong mơ nước chưa mất, nhà chưa tan, cha cũng chưa qua đời.

Trong mơ ta từng được người khác sủng ái cưng chiều, dễ dàng hứa hẹn trọn đời trọn kiếp.

Trong mơ hắn cầm tay ta, lau mồ hôi trên trán ta, xua đi cho ta cơn ác mộng, làm tan chảy trái tim lạnh giá của ta bằng cơ thể mình.

Tuy hắn ngang ngược bá đạo, lại thường cau có trách mắng ta, đấu võ mồm với ta chưa từng nhượng bộ, nhưng ta nhớ rõ sự ấm áp nơi đầu ngón tay cùng sự dịu dàng trong đôi mắt hắn...

... Giọt lệ chầm chậm lăn dài, ở nơi mà hắn không nhìn thấy, giọt lệ rơi xuống chiếc gối trúc mà ta và hắn vẫn cùng nằm...

... Coi như trước giờ ta không nhận ra mặt tốt của hắn.

Ta giả bộ như mới tỉnh dậy, mơ hồ duỗi tay ôm chầm lấy cổ hắn, kề sát môi mình chạm lên môi Phượng Triều Văn.

Hắn sững sờ, vội vàng hôn lại, bàn tay chu du sau lưng, ôm chặt ta vào cơ thể đang trần trụi của mình. Dường như trong lồng ngực hắn có một mồi lửa, luồng nhiệt xuyên qua lớp da, sưởi ấm trái tim trong ta.

Ta chủ động cởi áo, thân mật với hắn.

Ngày hôm sau tỉnh dậy, ta liền hiến một kế sách cho Phượng Triều Văn: Để ta vào thành chiêu hàng.

Hắn tuyệt đối không đồng ý, ta lằng nhằng cạnh hắn rất lâu, không tiếc mọi thủ đoạn, cuối cùng dụ được hắn bằng lòng.

"Trong thành toàn là bạn bè với thuộc hạ của phụ thân, có gì đáng sợ?"

Ánh mắt hắn chất đầy lo âu: "Nàng sẽ không một đi chẳng quay về chứ?"

Ta mỉm cười vỗ vai hắn: "Thái tử điện hạ ngốc đấy à? Đại Trần đã bị mười vạn kỵ binh của người bao vây kìm kẹp, nếu ta mà mọc cánh bay đi được thì Hoàng đế Đại Trần đương nhiên cũng có thể?"

Xưa nay hắn rất tin tưởng vào đội kỵ binh của mình, khóe môi hơi cong, nét mặt không còn cau có: "Cũng phải. Hiện giờ có lẽ đến một con ruồi còn không bay ra khỏi Đại Trần được."

Hắn đích thân chọn một trăm kỵ binh hộ tống ta đến kinh đô Đại Trần.

Ta đứng dưới thành, tâm trạng hỗn loạn, hướng về phía tường bao kêu gọi địch đầu hàng. Vì ta cứ đinh ninh cha con Yến gia chắc chắc sẽ mở cổng thành để mình vào, nên không hề lo lắng hôm nay không gặp được Tiểu Hoàng.

Ngoài trướng, một câu nói khẽ vang lên, giải đáp tất cả sự kỳ lạ của chiến dịch Hoàng Hà cốc.

Ta nhớ lại vẻ mặt của Yến Bình lúc đứng trước ngựa chặn ta xuất chinh tham gia trận Tuy thành.

Hắn là kẻ biết thời biết thế.

Cha con Yến gia đã ngấm ngầm quy hàng Đại Tề, hai bên hô ứng, vậy nên Đại Trần mới thua như ngả rạ. Yến Bình đứng trên thành, đích thân mở cổng nghênh đón ta về nước, ta vẫy tay với trăm kỵ binh tinh nhuệ mà Phượng Triều Văn phái đi theo: "Các vị về đi, nói với Thái tử điện hạ, An Dật nhất định sẽ hoàn thành sứ mệnh!" Ta một mình cưỡi ngựa tiến vào tòa thành đơn độc cuối cùng của Đại Trần.

Yến Bình bước xuống từ lầu trên cổng thành, đứng trước ngựa ta, trông hoan hỉ kèm theo chút ngạc nhiên, ta và hắn ngầm hiểu ý nhau. Ta cười với hắn: "Yến tướng quân, lâu quá không gặp."

Cấp bậc của hắn chắc cao hơn ta, nhưng ta không định xuống ngựa.

Trong ký ức, ta toàn phải ngẩng mặt nhìn theo hắn đầy hèn mọn, hình bóng ấy không biết từ khi nào đã khắc sâu trong trái tim ta.

Yêu say đắm một người chẳng có gì là sai, sai ở chỗ là ta đã chọn nhầm người, dùng nhầm cách.

Song đến giờ, tất cả những điều này đều không còn quan trọng, yêu hay không yêu thì nước cũng sắp mất, người sắp rời xa, còn có ý nghĩa gì đáng để trân trọng đây?

"An tướng quân, nếu tướng quân đã thân tại doanh Tề, sao còn quay về làm chi?"

Hắn nhất định tưởng ta đã quy hàng phản quốc, là tên giặc bán nước giống mình. Nhưng ta tự vấn lòng, hẳn mình và hắn phải có sự khác biệt chứ?

Ta nhìn quanh, bên cạnh hắn chỉ có một đội vệ binh, có lẽ là vệ binh thân cận của Yến phủ, ta liền cười đáp: "An mỗ phụng mệnh Thái tử Đại Tề đến đây khuyên bệ hạ đầu hàng, nhờ Yến tướng quân giúp ta chuyển lời."

"Đồ ngốc!" Hắn trừng mắt nhìn ta.

Ờ thì ta cũng biết mình ngốc, có điều giờ không phải lúc bàn cãi.

Ta theo Yến Bình vào cung một cách thuận lợi, gặp được Tiểu Hoàng tại Trùng Hoa điện.

Khi đó nó đang ngủ say như heo, hơn nửa năm không gặp, nhìn béo lên trông thấy. Có thể dễ dàng nhận ra chiến tranh chưa ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống trong cung.

Ta dùng hai tay ra sức nhéo má nó, nó giật mình tỉnh mộng, nhảy xuống khỏi long sàng, đi chân đất trong điện, gào to: "Quân Tề đánh vào cung rồi? Quân Tề đánh vào cung rồi?"

Ta chợt thấy cảm thông với thằng bé mập này.

Dù trời long đất lở, nước mất nhà tan thì có can hệ gì tới một đứa bé?

Có lẽ nó chỉ cần cơm no ba bữa, có thịt ăn, có chỗ ở, được ngủ ngon như trước mà thôi.

Crypto.com Exchange

Chương (1-57)