← Ch.34 | Ch.36 → |
"Không nên kén ăn, rau xanh, thịt, đều phải ăn". Nếu tôi ở bên, sẽ dần dần học cách chăm sóc chàng như vậy.
Cả khu nhà trúc bỗng yên tĩnh, cũng không nghe thấy tiếng cười châm chọc của ai, còn một điều quan trọng nhất chưa nói ra, tôi liếm môi, phải lấy can đảm mới nói được, cổ hơi khô, đang định mở miệng, đột nhiên bị Mộ Ngôn cười ngắt lời: "Những điều đó tôi phải dặn em mới đúng...".
Tôi lườm chàng: "Em nghiêm túc đấy".
Chàng nhìn tôi một lát, không cười nữa, gập cái quạt trong tay, gật đầu: "Được tôi nhớ, còn gì nữa?".
Khó khăn lắm mới lấy đủ can đảm nhưng lại bị ngắt lời, có cảm giác khó nói tiếp, ngẩng đầu liếc nhanh chàng một cái, đằng hắng một cái, nhìn xuống đất: "Còn, còn nữa chính là...", tỏ ra dữ dằn: "Không được nhìn các cô gái đẹp, có cô gái đẹp nào làm quen cũng không được bắt chuyện!".
Chàng khẽ cười, đặt tay lên vai tôi: "Ờ, còn gì nữa?".
Đột nhiên hơi buồn, tôi cúi đầu ủ rũ nhìn mũi giày dưới chân: "Phải sớm quay về đón em".
Đầu bị nâng lên, chàng chăm chú nhìn tôi một lát, môi ai chạm nhẹ vào trán: "Khi hoa phật tang tàn, tôi sẽ đến đón em".
Trong một sớm mùa hè chói nắng, chúng tôi mỗi người mỗi ngả, người xuôi xuống núi, người lên núi, hai con đường trước mặt như vươn ra ngàn dặm, như số phận chia ly.
Tôi không thể biết trước, nhưng mơ hồ cảm thấy bất an, tự cổ đến nay, phàm những đôi khi chia tay lấy mùa hoa làm lời hứa hẹn, cơ hồ đều lỡ dở, vì lỡ mùa hoa nên không tìm lại, vì không tìm lại nên lỡ dở.
Cảnh vật rộn ràng lướt qua bên cạnh, suốt đường yến hót oanh ca, không lâu sau trước mặt tôi xuất hiện những bậc đá xanh trải dài, lốm đốm ánh nắng, bóng cây soi trên bậc đá phủ rêu xanh, giống như một mảnh gấm thêu chìm đường chỉ cùng màu trên mặt đá. Dừng chân ngẩng đầu nhìn lên, những chiếc cột sừng sững, lầu gác trùng trùng, chóp mái hiên cong viền bạch ngọc, rèm châu ngũ sắc lóng lánh hào quang, sơn môn uy nghi trước mặt, tất cả giống hệt cảnh nhìn thấy đêm qua.
Công Nghi Phỉ ngoái nhìn tôi: "Có lẽ Quân cô nương thấy mệt?".
Thực ra, chỉ là do trong đầu hiện lên bóng người thướt tha cầm chiếc ô cán trúc. Tôi lắc đầu, đi theo chàng ta, bước lên những bậc đá cổ xưa, khi đến gần sơn môn, cuối cùng vẫn không kìm được, buột miệng hỏi: "Cô Trúc sơn này là sản nghiệp của Công Nghi gia?".
Công Nghi Phỉ dừng chân, một chiếc gương đồng lớn treo trước lầu chính trên cao phản chiếu bóng áo trắng của chàng ta: "Trước đây không phải, Cô Trúc sơn là thánh địa của hoa phật tang, mỗi năm đến kỳ hoa nở, khách đến thưởng hoa đông như hội cho nên năm năm trước tôi đã mua lại, một nơi thanh tịnh thế này nên yên tĩnh thì hơn".
Tôi bước hai bậc lại gần chàng ta, đến trước sơn môn, giơ tay chạm bức rèm châu lóng lánh: "Sơn môn trông khá cổ kính, bức rèm ngũ sắc này xem chừng lại rất mới".
Công Nghi Phỉ nửa cười nửa không, xoay xoay chiếc vòng ngọc trong tay, "Quân cô nương, xin mời!". Rèm châu rung lên, tiếng ngọc lanh canh.
Tôi giơ tay chạm một chuỗi ngọc: "Thực ra có thể tháo bức rèm này, luôn thay mới có phần lãng phí".
Chàng ta cúi đầu, tư lự, "Nhưng nếu tháo đi sẽ cảm thấy thiêu thiếu".
Tôi nhìn chàng ta: "Thiếu gì cơ?".
Chàng ta hơi sững lại, tay hất một chuỗi ngọc trên bức rèm, giọng trầm tư: "Có lẽ là khoái cảm đốt tiền".
"...".
Tôi không biết sơn môn này có ý nghĩa thế nào đối với Công Nghi Phỉ, hình như chàng ta không bận tâm, cõ lẽ đã quên một cô gái từng gặp thuở thiếu thời, cô gái tóc đen áo trắng cầm chiếc ô cán trúc, không biết đã chết ở đâu, từ bao giờ. Những cây cổ thụ chọc trời mọc hai bên đường, vừa bước vào đã cảm thấy có vô số đôi mắt ẩn giữa tán lá rậm rạp đang lạnh lùng nhìn tôi, cánh cổng sơn môn đồ sộ này là ký ức tàn dư không thể tiêu tan của cô gái đã chết.
Phía sau sơn môn lại là thềm đá trăm bậc, trên thềm đá, một đại viện đồ sộ uy nghi thấp thoáng bóng cây cổ thụ, quy mô có thể sánh với hành cung vương thất, thầm nghĩ Công Nghi Phỉ quả nhiên rất giàu có, giàu như thế, sau lưng không phải là thế lực nắm thóp triều đình, thì là thế lực phản triều đình.
Mộ Ngôn có quan hệ với gia tộc như thế thật đáng lo ngại.
Dọc đường không ai nói gì, đến gần biệt viện, thấy cửa biệt viện đóng chặt, trước cửa không có ai, tôi cảm thấy rất lạ, một thiếu nên có vẻ là người hầu cưỡi một con ngựa gầy loạng choạng không biết từ đâu đến, hình như bị ngã ngựa, quỳ khóc trước mặt Công Nghi Phỉ: "Đại nhân, đại nhân đã về, phu nhân và đại tiểu thư đánh nhau, Tiêu Phong sắp chết rồi, Thúy Nhi tỷ tỷ bảo nô tài đi tìm đại nhân...".
Lời chưa dứt, bóng trắng trước mắt vụt lóe, Công Nghi Phỉ thoắt cái đã kéo tôi lên lưng con ngựa đang thở dốc, như một mũi tên vòng qua bức tường vây cao sừng sững của biệt viện, phóng vọt đi. Tôi ngồi trên ngựa chỉ kịp hỏi một câu: "Những ai vậy, phu nhân, đại tiểu thư nào?".
Giọng Công Nghi Phỉ ngập ngừng phía trên: "Đại tỷ và phu nhân tôi bất hòa đã lâu, thỉnh thoảng lại xích mích, để Quân cô nương nhìn thấy, thật hổ thẹn". Nhưng lại không thấy chàng ta có vẻ hổ thẹn chút nào.
Tiếng gió rít bên tai, tôi nói như ma xui quỷ khiến: "Đại tỷ có phải là song sinh với huynh?".
Người phía sau chợt lặng thinh, lát sau khẽ cười, giọng bình thường, mạch lạc: "Phải".
Bàn tay nắm bờm ngựa suýt tuột, tôi suýt lăn xuống đất, sao có thể, tôi lẩm nhẩm ba chữ đó trong đầu, cuối cùng cố nén không để bật ra miệng.
Chuyện Công Nghi Phỉ có chị gái song sinh còn sống trên đời cũng lạ lùng và khó tin như chuyện Quân Vỹ từ nhỏ đến giờ vẫn thầm yêu tôi. Nghe đồn, gia tộc Công Nghi sinh sống ở Bối Trung tuyệt nhiên không cho phép tồn tại trẻ song sinh, nếu sinh đôi nhất định giữ một bỏ một.
Chuyện này chủ yếu là do hung thú Thiên Hà, thần hộ vệ của gia tộc Công Nghi quá vô dụng. Trước nay, trưởng tộc Công Nghi xác lập quyền uy của mình chủ yếu dùng phép chiêu hoán hung thú, nhưng hung thú vô dụng đó không thể phân biệt được sự khác nhau giữa hai người song sinh, ví dụ trong họ có người sinh ra một cặp anh em song sinh, nếu có ngày người anh được kế thừa ngôi vị trưởng tộc, sau khi cắt máu tuyên thệ với Thiên Hà, có khả năng sai khiến Thiên Hà, người em trai có cùng huyết thống nếu mạo danh anh trai sai khiến Thiên Hà tạo phản thì quá dễ dàng.
Giống như một vị anh hùng vô địch, trên đời không ai địch nổi nhưng một khi vị anh hùng mắc bệnh hiểm nghèo thì cũng không sống nổi. Những cặp song sinh chính là nguyên nhân gây ra căn bệnh hiểm nghèo cho gia tộc Công Nghi, căn bệnh đó chính là nội loạn. Một gia tộc dù mạnh đến đâu cũng sẽ suy yếu nếu có nội loạn, đó là kinh nghiệm. Những bậc trưởng lão cơ mưu đã sớm nhìn ra điểm đó. Gia tộc Công Nghi kế truyền bảy trăm năm, có không ít người xúi quẩy sinh đôi, cho dù là thai long phượng cũng đều bị xử lý, người được lựa chọn là niềm tự hào của trời, từ đó được mọi người tôn sùng, người không được chọn thì nhỏ mọn như cây cỏ, lập tức mất mạng.
Điều thú vị là nhiều thế hệ trưởng tộc có thành tựu nhất lại hầu như đều xuất thân song sinh. Món nợ đầu tiên phải gánh chịu khi đặt chân đến thế gian chính là máu của huynh đệ cùng huyết thống, cảnh ngộ đó có lẽ khiến người ta trở nên vô tình.
Bảy năm trước, lúc gia tộc Công Nghi bị hủy diệt, hình như nghe nói trưởng tộc thế hệ này có một người chị song sinh, dạo đó nghe chuyện chỉ biết thở dài. Bây giờ lại biết người chị đó vẫn sống, thật là chuyện kỳ lạ khó tin, chẳng phải người chị đó khi ra đời đã bị ném xuống Đoan Hà tế thần hộ vệ của dòng họ rồi sao?
Chuyện về sau chứng minh sự kinh ngạc của tôi là không đáng, điều kỳ diệu của sự việc không chỉ dừng ở đó, như một triết gia đã nói, cuộc sống luôn luôn có những chuyện đáng kinh ngạc, bạn không sắp kinh ngạc thì cũng đang kinh ngạc.
Con ngựa gầy hổn hển đưa chúng tôi tới một bãi cỏ xanh rộng lớn, đến một khoảnh đất đỏ trống không, tôi thấy một con tuấn mã đen bóng hí lên rồi khụy xuống, đất đỏ bốc lên mù mịt.
Công Nghi Phỉ kéo tôi nhảy xuống ngựa, khi vừa chạm đất, mới nhìn thấy một cô gái áo hồng tay cầm kiếm, quỳ bên cạnh con ngựa, đang ôm cánh tay phải hình như bị thương, khuôn mặt như hoa tường vi đầy ấm ức, một vẻ đẹp phong mãn mơn mởn. Nô bộc hoảng hốt nhất tề nhường lối đi, Công Nghi Phỉ vội chạy đến đỡ cô gái dậy, có lẽ chạm vào vết thương, cô rên một tiếng, kiếm dài chống đất, cánh tay không bị thương giơ lên níu cánh tay chàng ta, giọng tủi thân, nói như khóc: "Hãy đi xem Tiêu Phong thế nào, có phải bị người đàn bà điên đó đánh chết rồi không!".
Công Nghi Phỉ vốn dĩ mặt luôn tươi cười, lúc này cau mày, nhẫn nại dìu cô gái áo hồng đi đến kiểm tra con tuấn mã vừa ngã. Còn mắt tôi lại đăm đăm nhìn cô gái áo trắng đứng bên cạnh chuồng ngựa phía xa. Mái tóc đen như thác nước, đôi mắt lạnh như đầm sâu, một dải lụa đen đính ngọc buộc ngang trán, trong tay là chiếc roi chín khúc màu bạc.
Vĩnh An, Khanh Tửu Tửu. Cô gái tôi vốn tưởng đã chết đứng dưới ánh sáng như một bức tượng ngọc tạc, bóng đổ dài dưới chân, một người sống thực sự. Tôi nhìn kỹ một lát, không kìm nổi muốn đi ra chỗ cô, bỗng nghe tiếng Công Nghi Phỉ trầm giọng hỏi: "Huân tỷ, đã xảy ra chuyện gì?".
Chàng ta ngẩng đầu nhìn về phía cô, cô gái áo hồng đang chúi trong lòng chàng ta hai tay run run, đôi mắt phẫn nộ đẫm nước, con ngựa đen bên cạnh gọi là Tiêu Phong sau khi thở hắt ra mấy hơi đã nằm im bất động.
Huân tỷ?
Giọng cô thanh như tiếng ngọc bội va nhau, lạnh lùng vang lên: "Tôi kiếm thuật kém, không cẩn thận bị tuột tay, làm cô ấy bị thương. Còn về con ngựa chẳng phải tối qua nó đã làm ngã đệ, một con ngựa tồi ngay chủ cũng không nhận ra giữ lại làm gì".
Tôi nhìn kỹ cô gái áo trắng đang nói, ánh mắt cô lướt tới, lạnh như băng tuyết nghìn năm không tan trên núi, dừng một lát, thu lại cái roi, quay phắt người bỏ đi.
Cô gái áo hồng khóc to: "Cô ta đánh chết Tiêu Phong, lại còn làm thiếp bị thương vậy mà chàng vẫn để cô ta đi...".
Công Nghi Phỉ lạnh lùng ngắt lời cô: "Nàng cũng quá bướng, đầu óc tỷ tỷ có vấn đề, bảo nàng hãy tránh xa, nàng lại đi chọc tức người ta".
Cô gái áo hồng trợn mắt nhìn chàng: "Rốt cuộc chàng có phải là phu quân của thiếp không?".
Công Nghi Phỉ dìu cô đứng dậy: "Hỏi hay lắm, ngoài ta, thử hỏi trên đời còn ai có thể dung túng cho nàng như thế".
Cô gái áo hồng đẩy chàng ra đứng lên, mắt vẫn còn ánh nước, lại mím môi, nói cứng: "Trên đời này người thương thiếp nhất là cha thiếp, nhưng cha thiếp, cha thiếp...". Chưa nói hết đã ngồi sụp xuống đất òa khóc.
Công Nghi Phỉ cũng ngồi xuống, lấy chiếc khăn mùi xoa từ trong ống tay áo đưa cho cô: "Đừng khóc, nhìn xem, trông nàng có ra dáng phu nhân không".
Giọng có vẻ nghiêm khắc nhưng lời lại dịu dàng.
Tôi ngẩng đầu nhìn về phía Khanh Tửu Tửu vừa đi, mặt trời di chuyển sau những đám mây nhỏ để lại những bóng râm dị hình trên bãi cỏ, gió lại thổi tan đi, bồ công anh rung rinh múa, hoa phật tang vàng rực nở ngập cánh đồng và triền núi, dập dờn đuổi nhau như sóng, bóng trắng đó đi xa dần, khuất hẳn ở phía cuối cánh đồng hoa phật tang.
Năm ngày sau đó tôi không gặp Khanh Tửu Tửu, nô bộc trong biệt viện nói, đó không phải là Khanh Tửu Tửu nào hết, mà là Công Nghi Huân, chị em song sinh của Công Nghi Phỉ, từ nhỏ lưu lạc bên ngoài, cảnh ngộ rất đáng thương, vào một đêm trăng hai năm trước được đưa tới biệt viện của Công Nghi gia, chia lìa nhiều năm cuối cùng trở về đoàn tụ với tiểu đệ song sinh.
Nghe nói đêm đó phu nhân của Công Nghi Phỉ không thể tin chuyện đó, cho rằng người đó mạo danh, hầm hầm đi đến hoa đình, nhưng lại sững người khi nhìn thấy dung mạo của Công Nghi Huân. Tôi muốn hỏi dò phần kết câu chuyện, người nô bộc đang hào hứng kể bỗng dừng lại, sau đó mặc cho tôi gạn hỏi thế nào cũng nhất định không chịu mở miệng, tôi đoán có lẽ một đại tiểu thư đầu óc không bình thường, gia nhân cũng không tiện nói ra với người ngoài.
Tôi không biết đầu óc Công Nghi Huân có phải bất bình thường thật không, nhìn có vẻ không giống, nhưng Công Nghi Phỉ đã nói cô ta không bình thường, nghĩa là cô ta không bình thường thật, giống như khi phụ vương nói tôi là kẻ máu lạnh vô tình, cho dù tôi nhiệt huyết sục sôi cũng vô nghĩa, đây chính là sức mạnh của quyền lực.
Qua nhiều lần lân la hỏi chuyện gia nhân trong nhà, tôi được biết thêm, Công Nghi Phỉ có thái độ kỳ thị đối với người chị sinh song của mình. Nghe nói khi Công Nghi Huân mới trở về, cậu em trai mặc dù tình cảm không thật thân thiết nhưng cũng không có vấn đề gì lớn, thực ra chị em thất lạc đã lâu, có những xa cách nhất định cũng là lẽ thường.
Nhưng bầu không khí có vẻ hòa hợp đó chỉ kéo dài trong hai tháng đầu, dần dần mọi người phát hiện, có những lúc, việc làm của Công Nghi Huân thật rất khó lý giải. Đương nhiên, hầu như cô ít làm việc, nhưng động làm việc gì hầu như đều xảy ra chuyện.
Tháng thứ ba sau khi Công Nghi Huân trở về Công Nghi gia, có người đến mời Công Nghi Phỉ tham dự cuộc thi đấu chim ưng, hai con chim ưng trên không hăm hở lao vào nhau, một con sau khi bị thương muốn chạy trốn, con kia hiếu thắng truy đuổi đến cùng, hai con xông thẳng về phía Công Nghi Phỉ ngồi xem trên đài cao, bị Công Nghi Huân ngồi bên cạnh dùng chiếc roi chín khúc quật chết trong chớp mắt, cuối cùng phải bồi thường không ít tiền cho vị khách chủ nhân của con chim.
Đó là lần thứ nhất, Công Nghi Huân luôn muốn bảo vệ Công Nghi Phỉ. Hai năm sau đó những việc tương tự xảy ra không biết bao nhiêu lần, Công Nghi gia do vậy phải bồi thường không biết bao nhiêu tiền. Đồng thời, thích khách hãm hại hoặc sắp hãm hại Công Nghi Phỉ bị chết dưới chiếc roi chín khúc của Công Nghi Huân cũng không ít.
Mặc dù tôi có nhiều anh chị, nhưng đều cùng cha khác mẹ, hơn nữa hầu như không đi lại với nhau, tôi không hiểu chính xác cái gọi là tình anh em, từ nhỏ thân thiết nhất có lẽ là Quân Vỹ, nhưng tôi hình dung ra một chuyện như sau, giả sử có một ngày, Quân Vỹ thích viết tiểu thuyết, hy vọng có được cuốn tiểu thuyết độc quyền của một tiểu thuyết gia danh tiếng nào đó, nhưng con trai tiểu thuyết gia đó lại ra điều kiện chỉ có gả tôi cho anh ta thì Quân Vỹ mới được độc quyền cuốn tiểu thuyết của cha anh ta. Tôi suy nghĩ một lát xem mình có vì Quân Vỹ mà nhận lời không, cuối cùng cảm thấy, cho dù Quân Vỹ đánh ngất tôi đem gả cho người ta, khi tỉnh dậy tôi cũng nhất định trốn về... Nhưng trước một hoàn cảnh tương tự, Công Nghi Huân lại chủ động nhận lời, chỉ vì một cuốn kỳ phổ quý hiếm, vì muốn người em song sinh có được món quà sinh nhật vừa ý nhất.
Theo lời đồn, khi đối phương mang sính lễ đến cửa Công Nghi Phỉ mới biết chuyện, một người trước nay cho dù núi Thái Sơn sụp đổ cũng không thay đổi sắc mặt, lần này lại nổi giận thực sự, đem một đội quản gia, người hầu cùng đồ sính lễ vứt ra khỏi cửa Công Nghi gia như vứt một món đồ.
Sau đó quan hệ chị em vốn không thân thiết dần dần xa cách, đến hôm nay, theo cách nói của gia nhân trong nhà, Công Nghi Phỉ hầu như không coi mình có người chị đó nữa.
Công Nghi Phỉ nói Công Nghi Huân đầu óc không bình thường, tôi nghĩ không phải chàng ta nói bừa, có lẽ trải qua những chuyện đó chàng ta thực sự cảm thấy đầu cô có vấn đề. Nhưng tôi biết một điều mà chàng ta không biết. Bất luận bọn họ cho là thế nào, tôi biết Công Nghi Huân chính là Khanh Tửu Tửu.
Đương nhiên Khanh Tửu Tửu cầm chiếc ô đứng trước sơn môn đã chết, trên thế gian có một dạng tồn tại, ý thức và tinh thần đã phân tán được nhập trở lại vào cơ thể, sau đó, họ quên hết con người trước đây của mình, sinh vật đó nếu đến thế gian được gọi là ma.
Tôi không tin Khanh Tử Tửu là chị em song sinh với Công Nghi Phỉ, gia tộc Công Nghi xưa nay rất cương quyết trong chuyện xử trí trẻ song sinh. Nếu Khanh Tửu Tửu không phải là chị em song sinh của Công Nghi Phỉ, vậy thì Công Nghi Huân do hồn phách của Khanh Tửu Tửu nhập vào đương nhiên cũng không phải.
Nhưng suy đến cùng, đó chỉ là trực giác của tôi.
Quân sư phụ không muốn tôi ra ngoài gây chuyện. Lúc còn nhỏ tôi cho rằng biết nhiều mới hạnh phúc, không biết là bất hạnh, sau khi lớn lên bị dồn ép không còn lối thoát, mới cảm thấy nhiều lúc vô tri là phúc, hiểu biết nhân gian càng ít càng nhẹ nhõm thoải mái. Do vậy tôi kìm chế ý muốn tiếp cận Công Nghi Huân.
Nhưng tôi không đi tìm cô, cô lại chủ động đến tìm tôi.
Hôm đó có gió lạnh, trong tiểu viện dành cho khách, Hoa tử vi màu tím trong vườn đung đưa trong tán lá xanh, cả một tấm thảm hoa lớn dềnh lên như sóng mỗi khi có gió thổi. Công Nghi Huân rẽ hoa đi vào, xiêm áo trắng muốt du nhàn như ẩn hiện, như một đóa hoa được sóng đẩy đến trước mặt tôi, chúng tôi đối diện qua song cửa sổ: "Thiên hạ thênh thang quả không hiếm sự lạ, tôi là một bóng ma, còn cô là một người chết hồi sinh do luyện Hoa Tư dẫn".
Cô hơi cụp mắt, một đôi mắt không có thần, màu lam nhạt như dòng nước chảy qua nghìn núi in bóng trời xanh, trên trời dưới đất một màn tuyết mỏng.
Tôi chống tay vào má nhìn cô: "Vì sao cô đến tìm tôi? Muốn tôi dệt cho cô giấc mộng ư? Cô đã được nghe về Hoa Tư dẫn thì nhất định đã biết cái giá phải trả nếu muốn tôi dệt cho mộng cảnh?". Tôi nhìn mắt cô: "Cái giá này cô không trả được, sinh mệnh của một con ma không có ý nghĩa với tôi".
Cô ngước mắt, ánh mắt lướt qua thảm hoa tử vi nhấp nhô ngoài cửa sổ, "Dệt mộng ư? Thuật sỹ giúp tôi nhập vào cơ thể mới từng nói đến công dụng này của Hoa Tư dẫn. Nhưng tôi không muốn ảo mộng nào từ cô. Tôi không biết Hoa Tư dẫn dệt mộng cần một cái giá như thế nào, thiên hạ cũng chẳng mấy người biết, điều tôi muốn chân thực hơn rất nhiều. Cô nhìn tôi, "Cô nhất định có thể nhìn thấy phần ký ức của cuộc đời trước đây được phong ấn vào cơ thể tôi".
Mặt tôi suýt đập xuống bàn, có thể thấy lời cô khiến tôi chấn động thế nào, nếu có tái sinh, bóng ma cơ hồ tương đương với chuyển kiếp của con người, giống như chúng ta sinh ra đều quên hết ký ức về tiền kiếp của mình, ma lại càng thế, làm sao có thể có cái gọi là ký ức của cuộc đời trước.
Có lẽ nhìn thấy băn khoăn của tôi, ngón tay trắng như tuyết của cô đưa lên che mắt, đó là đôi đồng tử màu lam nhạt: "Ở đây phong ấn ký ức của tôi với tư cách là người.
Nghe nói sau khi tôi chết bảy năm trước, thuật sỹ dùng năm năm giúp tôi tái sinh, lấy ra phần ý thức tàn dư trước khi chết phong vào hai viên ngọc châu, đưa vào cơ thể tôi. Nhưng tôi bây giờ không phải là tôi trước đây, không có ký ức đó, tôi chẳng là gì hết".
Tôi lạ lùng nhìn cô: "Vậy vì sao cô đến tìm tôi? Chỉ cần nhờ thuật sỹ kia mở phong ấn ra là được, như vậy cô sẽ là cô hoàn chỉnh".
Gió lùa qua cửa sổ, trong mắt cô lóe lên bao điều, còn chưa kịp nắm bắt đã yên tĩnh trở lại: "Tử Khác nói đúng, trẻ như thế đã chết, không phải là một số phận tốt, những ký ức đó không cần cũng được. Chàng nhờ thuật sỹ tái sinh cho tôi, nghe nói tiền kiếp tôi nợ A Phỉ rất nhiều, tâm nguyện duy nhất là được trả ơn, mượn cơ duyên đó sống lại trở thành một sinh mệnh mới. Nhưng gần đây tôi nghĩ, một cuộc đời dù không tốt đến đâu cũng có những ký ức đẹp, khi Tử Khác đưa tôi đến Công Nghi gia đã nói A Phỉ vẫn nhớ nhung tôi. Nhưng bây giờ tôi lại hoài nghi những lời đó. Những ký ức được phong ấn vào cơ thể tôi thuật sỹ không có cách nào nhìn thấy, như cô nói, chỉ cần mở phong ấn, nhưng ký ức xấu khiến người ta đau khổ tôi không muốn biết, chỉ cần những ký ức đẹp. Hoa Tư dẫn có lẽ làm được điều đó, nếu cô đồng ý giúp tôi, cô muốn gì tôi sẽ cố làm cho cô. Còn ký ức của tôi, sau khi cô nhìn thấy, xin hãy kể cho tôi nghe những gì đẹp nhất".
Cô nói phải, Hoa Tư dẫn quả thực có thể nhìn thấy ký ức được phong ấn, chuyện này giống như lén đi vào giấc mơ của người khác, chỉ là khi vào ký ức của cô phải chú ý giữ an toàn cho bản thân, ngoài ra không bị hao tổn gì.
Lát lâu sau, tôi khẽ nói: "Tử Khác? Tên tự của Trần thế tử Tô Dự?".
Cô nhìn tôi khẽ gật đầu: "Phải, Tô Dự, Tô Tử Khác".
Tôi cười: "Tôi có thể giúp cô, tôi không cần trả ơn gì hết".
Quân sư phụ cứu sống tôi, mục đích là để tôi đi hành thích Trần vương, thấm thoát ra đi đã kha khá thời gian, nhưng vẫn chưa có chuẩn bị nào cho việc đó, lần này vừa may có thể mượn ký ức của Công Nghi Huân để thăm dò. Cũng cần nói thêm, gia tộc Công Nghi bảy năm trước có thể coi là một cánh tay của nước Trần.
← Ch. 34 | Ch. 36 → |