Tỳ nữ dụ anh hùng thoát hiểm
← Ch.37 | Ch.39 → |
Như Ý đi chừng hơn mười bước đột nhiên đứng lại. Lệnh Hồ Bình theo sau không kịp dừng bước, loạng choạng người đi dụng vào mình thị. Giả tỷ huyệt đạo không bị kiềm chế, dĩ nhiên chàng giữ được không đến nỗi đụng chạm. Chàng toan mở miệng xin lỗi thì Như Ý đột nhiên quay lại, nắm tay chàng ghé miệng vào tai, khẽ hỏi:
-Chúng ta cùng nhau trốn đi được chăng?
Lệnh Hồ Bình nghe nói không khỏi sửng sốt, ngập ngừng hỏi:
-Cô... Cô bảo sao?
Như Ý đáp:
-Ở đây có những đường thông đạo bí mật nào, tiểu nữ đều biết rõ như bàn tay. Nếu công tử đồng ý thì chuẩn bị cho lẹ để chúng ta có thể trốn thoát trước khi trời sáng. Những trạm canh ở ngoài do những ai coi giữ, tiểu tỳ đều biết hết. Đâylà cơ hội tốt nhất, mong công tử quyết định mau chóng.
Lệnh Hồ Bình hỏi ;
-Tại sao cô nương lại định làm thế?
Như Ý đáp:
-Để ra ngoài rồi tiểu tỳ sẽ nói cho công tử hay.
Lệnh Hồ Bình hỏi:
-Những tin tức ở đây mau lẹ phi thường, chắc cô nương biết rõ hơn tại hạ. Chúng ta đứng đây nói chuyện mà cô nương không sợ bọn ma đầu nghe thấy ư?
Như Ý đáp:
-Không sợ. Chúng ta đang đi trong đường hẻm này, những tầng cửa đá ở sau lưng tự động đóng lại hết. Dù có nói lớn hơn, bên ngoài cũng không nghe rõ.
Lệnh Hồ Bình trầm ngâm hỏi:
-Thế này có được không? Nếu cô nương thực lòng quyết ý rời khỏi Ma huyệt này thì xin tạm thời giữ kín đừng lộ vẻ gì. Không chừng mai một tại hạ trông cậy vào cô nương. Hiện giờ những huyệt đạo trong người còn mấy chỗ bị kiềm chế không thể hành động ngay được. Một khi tại hạ có cơ hội là nhất định đưa cô đi. Tại hạ không dám hứa lời một cách khinh suất, mong rằng cô nương tin tưởng.
Như Ý nhẹ buông tiếng thở dài, đáp:
-Được rồi, nếu một mình tỳ nữ muốn ra đi thì lúc nào cũng được. Nhưng... bữa nay... đã thế thì... công tử... còn điều chi muốn nói nữa không?
Thị buông tay chàng ra, thở dài nói tiếp:
-Công tử hãy đi theo tiểu tỳ.
Hai người tiếp tục tiến về phía trước, khi đến chỗ quanh tối thì thị dừng bước lại.
Lần này Lệnh Hồ Bình nhìn rõ Như Ý mở cửa không dùng tay mà lại dùng chân. Chàng biết tên a đầu này cố ý để chàng ngó thấy mới làm như vậy. Nếu không thị cứ việc tiếp tục cất bước, đồng thời thuận chân đạp xuống một cái thì chàng chẳng tài nào hiểu rõ được chỗ ảo diệu bên trong.
Trong phòng thoang thoảng mùi thanh hương. Cách trấn thiết cực kỳ trang nhã.
Như Ý tiến vào, khêu đèn lên cho sáng rồi quay lại hỏi:
-Công tử có muốn pha trà không?
Lệnh Hồ Bình dòm thị không chớp mắt đáp:
-Cô nương hãy đứng yên đó, đừng có chuyển đọng.
Như Ý thấy chàng hau háu ngó mình, bất giác đỏ mặt lên, liếc mắt nhìn lại một cái, làm mặt giận hỏi:
-Trên mặt tiểu tỳ cõ vẽ hoa đâu?
Lệnh Hồ Bình chau mày, bất giác buột miệng khẽ la một tiếng:
-Quái lạ!
Như Ý giương mắt lên, nhìn chàng hỏi:
-Điều chi quái lạ?
Lệnh Hồ Bình "ồ "một tiếng đáp:
-Không ... không có chi hết.
Như Ý tiến lại hai tay chắp sau lưng nói:
-Hừ! Công tử bảo không có chi hết thì dù tiểu tỳ là đứa nhỏ lên ba cũng chẳng tin được. Điều chi quái lạ, nếu công tử không nói thì đừng hòng ra khỏi nơi đây.
Lệnh Hồ Bình lộ vẻ bối rối đáp:
-Sự thực không có chuyện gì. Tại hạ muốn nói là ...
Như Ý giục:
-Công tử muốn nói gì?
Lệnh Hồ Bình đáp:
-Cô nương giống một người.
Như Ý hỏi:
-Giống ai?
Lệnh Hồ Bình đáp:
-Vừa rồi tại hạ bảo quái lạ chính là nguyên nhân này. Tại hạ chỉ cảm giác cô giống một người mà trong lúc nhất thời, tại hạ nhớ không ra người đó là ai..
Như Ý nói:
-Tuyệt đối không phải vì nguyên nhân này.
Lệnh Hồ Bình hỏi:
-Tại sao vậy?
Như Ý đáp:
-Nếu tiểu tỳ mà giống một người nào đó thì thái độ công tử chẳng khi nào khó bề mở miệng.
Lệnh Hồ Bình hỏi:
-Thế tại hạ nhận lầm, bây giờ xin cô nương coi như tại hạ đã không nói như vậy được chăng?
Như Ý cương quyết lắc đầu:
-Không được.
Lệnh Hồ Bình nhăn nhó cười hỏi:
-Cô nương nên biết dây là lần đầu tiên Lãng đãng công tử phải cúi đầu xin lỗi người ta mà cô nương chưa vừa dạ ư?
Như Ý vênh mặt lên đáp:
-Cái đó tiểu tỳ không cần biết.
Lệnh Hồ Bình chăm chú nhìn thị mỉm cười hỏi:
-Phải chăng cô nương thật tình muốn tại hạ nói ra?
Như Ý gật đầu đáp:
-Đúng thế. Ngoài sự nói thực, chẳng còn gì phải dài dòng nữa.
Lệnh Hồ Bình lại cười hỏi:
-Cô nương có ý nghĩ đây là câu chuyện chẳng tử tế gì không?
Như Ý vẫn không động tâm đáp:
-Tiểu tỳ nghĩ đến rồi.
Lệnh Hồ Bình hỏi:
-Cô nương đã biết là câu nói không tốt đẹp, sao còn nằng nặc chất vấn?
Như Ý lạnh lùng đáp:
-Chính vì câu chuyện không tốt đẹp nên tiểu tỳ mới phải hỏi cho biết rõ.
Lệnh Hồ Bình đặng hắng một tiếng nói:
-Đã thế thì ...
Như Ý lạnh lùng ngắt lời:
-Hay hơn hết là công tử đừng rườm lời. Cái đó chẳng có lợi gì cho chúng ta.
Lệnh Hồ Bình ngập ngừng đáp:
-Ý tại hạ muốn nói ... cô nương còn nhỏ tuổi như vậy mà ở vào hoàn cảnh này sao... vẫn giữ được ...
Như Ý ngẩng đầu lên hỏi:
-Vẫn giữ được tấm thân thanh bạch phải không?
Lệnh Hồ Bình đứng dậy, chắp tay nói:
-Xin cô nương thứ lỗi cho.
Như Ý nheo mắt nhìn chàng cười lạt đáp:
-Công tử có vẻ là con người có rất nhiều kinh nghiệm.
Dứt lời thị uốn mình lạng ra khỏi phòng đi luôn.
Lệnh Hồ Bình nhìn bóng sau lưng thị cho tới khi mất hút, khoé miệng lộ nụ cười. Chàng để nguyên quần áo nằm ngả xuống giường.
Khuân cửa đá đã tự động dóng lại.
Lệnh Hồ Bình nhìn ngọn đèn lay động ngầm nghĩ kế hoạch ngày mai phải đối phó, nhưng gương mặt lúc mừng, lúc giận của Như Ý hiện lên trong đầu óc chàng, muốn xua đi cũng không được.
Chàng thật không ngờ trong Ma bang lại có một thiếu nữ như vậy.
Đêm chàng đi ngủ rất muộn mà sáng sớm hôm sau đã tỉnh dậy.
Chàng kiểm tra lại dĩa đèn dầu biết rằng hiện giờ bên ngoài nhiều lắm là mới tảng sáng, lại ngồi xuống giường nhắm mắt dưỡng thần.
Chàng tính ra không có quãng thời gian bảy giờ yên tĩnh nên đành bỏ việc vận động nội công xung khai huyệt đạo.
Bây giờ trong đầu óc chàng nổi lên câu nói cuối cùng của Thú tâm ông dêm qua: "Nghe nói Hiền Côn Trọng..."
Chàng tự hỏi:
-Thú tâm lão ma muốn nói chuyện gì về anh em ta? Tại sao Hoa Kiểm Diêm La lão tặc lại không để cho hắn nói hết lời?
Giữua lúc ấy cửa phòng đột nhiên mở ra không một tiếng động. Người tiến vào chính là Như Ý.
Lệnh Hồ Bình vội đứng lên nói:
-Chào cô nương!
Như Ý chớp mắt, cất giọng nghi ngờ hỏi:
-Từ đêm qua cho tới giờ, công tử đã ngủ chưa?
Lệnh Hồ Bình cười dấp:
-Sao lại không ngủ? Cô nương không ngó thấy tại hạ vừa ở trên giường xuống đó ư?
Như Ý dường như vẫn không tin hỏi:
-Sao công tử dậy sớm thế được?
Lệnh Hồ Bình nhìn tay thị cầm mấy hộp đồ ăn liền cười hỏi lại:
-Nếu cô nương cho là tại hạ không dậy sớm sao lúc này đã đem đồ ăn vào đây?
Như Ý chau mày quay đầu nhìn lại phía sau thấy cửa phòng đã đóng rồi, vội tiến gần thêm một bước, vẻ mặt khẩn trương khẽ nói:
-Bữa nay công tử phải coi chừng mới được.
Lệnh Hồ Bình ngạc nhiên hỏi:
-Chuyện gì vậy?
Như Ý đáp:
-Đêm qua tiểu tỳ ở đây ra, mấy vị lão gia vẫn còn ngồi uống rượu. Lúc tiểu tỳ tiến vào, thấy Thiên sát ông và Tuyệt tình ông đang gật đầu không ngớt. Còn Thú tâm ông Lãnh lão nhi vừa cười hô hố, vừa khen luôn miệng: "Tuyệt diệu, tuyệt diệu! Kế này thật là tuyệt diệu..."
Lệnh Hồ Bình hỏi:
-Rồi sao nữa?
Như Ý đáp:
-Mấy lão hỏi tiểu tỳ, công tử có nói gì không? Tiểu tỳ đáp là không có. Qua một lúc nữa, ba lão ra chiều rất cao hứng rồi giải tán.
Lệnh Hồ Bình hỏi:
-Sáng sớm hôm nay Tể phụ lão tặc có dặn gì cô nương không?
Như Ý lắc đầu đáp:
-Không. Đêm qua, ba lão kia đi rồi, Tể phụ lão dặn tiểu tỳ sáng sớm hôm nay đến hầu chực công tử. Đồng thời lão nói ...
Lệnh Hồ Bình hỏi ngay:
-Lão bảo sao?
Như Ý nói:
-Công tử thử đoán coi.
Lệnh Hồ Bình nóng ruột đáp:
-Không đoán được. Cô nương nói ra thôi.
Như Ý vẫn chưa đáp, hỏi lại:
-Công tử chưa đoán sao đã biết là không đoán được?
Lệnh Hồ Bình hỏi:
-Có phải lão dặn cô nương lưu ý đến lời nói cùng hành động của tại hạ?
Như Ý đáp:
-Chỉ cần sửa đổi hai chữ.
Lệnh Hồ Bình hỏi:
-Hai chữ nào?
Như Ý đáp:
-Hai chữ "lưu ý ".
Lệnh Hồ Bình hỏi:
-Sao lại đổi hai chữ "lưu ý "?
Như Ý cười khúc khích, bưng miệng đáp:
-Phải rồi! Hai chữ lưu ý đổi thành "nhẫn nại ".
Lệnh Hồ Bình hỏi:
-Nhẫn nại lời nói cùng hành động của tại hạ là nghĩa làm sao?
Như Ý đáp:
-Nghĩa là: Lãng Đãng công tử quen tính phong lưu, ai cũng biết rồi. Lão muốn tiểu tỳ hết sức nhẫn nại vì trước nay chân tay của công tử có thể không thành thực.
Lệnh Hồ Bình sửng sốt một chút rồi bật lên tràng cười khanh khách. Như Ý nhõng nhẽo hỏi:
-Cái đó có gì đáng cười đâu?
Lệnh Hồ Bình nghiêng mặt đi, vừa cười, vừa hỏi lại:
-Vậy cô nương coi bản công tử thật thà hay không thật thà?
Như Ý đáp:
-Cái đó công tử tự hỏi mình thì hơn.
Lệnh Hồ Bình nói:
-Tại hạ là hảo nhân số một.
Như Ý nheo mắt nhìn chàng đáp:
-Chà! Miệng nói trơn như mỡ nhưng da mặt lại rất dày.
Lệnh Hồ Bình hỏi:
-Cô nương bảo bản công tử không thành thật ư?
Như Ý đáp:
-Hừ! Thành thật quá! Người thành thật chỉ nhìn một cái là biết ...
Lệnh Hồ Bình ngắt lừoi:
-Hãy khoan!
Như Ý hỏi:
-Thế nào?
Lệnh Hồ Bình đáp:
-Về điểm này nói ra, bản công tử cần phải giải thích. Đêm qua ở trên tiệc rượu cô nương cũng nghe thấy rồi. Tứ kỳ sĩ ở tệ bảo mỗi người sở trường một môn là môn coi tướng người. Nếu cô không chê thì thử thí nghiệm coi. Bản công tử coi tướng không hạn định ở khía cạnh này.
Như Ý nói:
-Tiểu tỳ biết rồi.
Lệnh Hồ Bình đáp:
-Cô nương đã biết tức là đã tin tại hạ?
Như Ý hỏi:
-Ai bảo đã tin công tử?
Lệnh Hồ Bình đáp:
-Nếu vậy cô nương nói rõ ra.
Như Ý nói:
-Bản cô nương không rảnh để nói chuyện phiếm nữa.
Lệnh Hồ Bình lại bật cười toan nói thì cửa đá đột nhiên từ từ mở ra.
Người xuất hiện trước cửa là một thiếu nữ khác, tên gọi Mẫu Đơn.
Như Ý quay ra hỏi:
-Có chuyện gì không?
Mẫu Đơn mỉm cười đi vào phòng đáp:
-Lão gia dặn: chờ Lệnh Hồ công tử ăn sáng xong rồi mời y ra ngoài.
Thị dứt lời, liếc mắt nhìn Lệnh Hồ Bình, lại ngó Như Ý một cái rồi cười hì hì trở gót ra khỏi phòng.
Như Ý ra vẻ bực mình mắng một câu:
-Con a đầu này thật khả ố!
Lệnh Hồ Bình lắc đầu đáp:
-Cô nương bảo y khả ố, nhưng tại hạ lại cho là đáng thương.
Như Ý ngạc nhiên hỏi:
-Tại sao?
Lệnh Hồ Bình thở dài đáp:
-Nếu bản công tử quan sát không lầm thì y hiển nhiên không may mắn bằng cô nương.
Như Ý giương mắt lên hỏi:
-Tiểu tỳ ...
Lệnh Hồ Bình ngắt lời:
-Khía cạnh bản công tử muốn nói, bất tất phải nói rõ cô nương cưng hiểu rồi. Bản công tử thật không hiểu giữa hai cô cùng trong một cảnh mà sao lại kẻ may người rủi?
Như Ý, vành mắt đỏ lên, cúi đầu xuống đáp:
-Chả có gì khác nhau đâu, bất quá chẳng sớm thì muộn mà thôi. Nếu không vì nguyên nhân đó, tiểu tỳ đã chẳng hẹn hò với một người mới gặp lần đàu đưa nhâu trốn đi.
Lệnh Hồ Bình nói:
-Cô nương cứ yên dạ. Mấy bữa nữa, hễ tại hạ có cơ hội thoát thân, nhất định không để một mình cô ở lại.
Như Ý lắc đầu đáp:
-Không được. Đêm qua là cơ hội duy nhất. Chủ ý của tiểu tỳ bữa nay thay đổi rồi.
Lệnh Hồ Bình ngạc nhiên hỏi:
-Cô nương thay đổi chủ ý rồi ư?
Như Ý lau mắt, gât đầu đáp:
-Đúng thế! Tiểu tỳ không nên để phiền lụy cho công tử. Một mình công tử ra đi tương đối dễ hơn. Nếu công tử đưa tiểu tỳ đi theo thì dù có trốn ra khỏi hang núi vẫn còn lo bị rượt theo. Số mạng tiểu tỳ đã chưa rõ phải ở đâu thì tiểu tỳ chẳng có lý do gì để công tử phải mạo hiểm vì mình.
Lệnh Hồ Bình hỏi:
-Cô nương tưởng Lãng Đãng công tử coi mạng sống của mình quan trọng lắm hay sao?
Như Ý đáp:
-Không phải tiểu tỳ có ý nghĩ như vậy.
Lệnh Hồ Bình hỏi:
-Thế thì vì lý do gì?
Như Ý nói:
-Công tử dùng điểm tâm đi đã. HIện giờ họ đang chờ ở ngoài kia, chưa hiểu có xảy ra chuyện gì không. Vụ này tạm thời hãy gác lại.
Lệnh Hồ Bình nghiêm nghị đáp:
-Gặp cơ hội mà không chụp lấy là nó vụt đi. Xin cô nương hãy quyết định chủ ý. Còn tại hạ có dịp thoát thân hay không, dù chưa biết trước, nhưng hễ gặp thời cơ là không thể chần chờ được. Tại hạ đã nói có rất nhiều chỗ phải trông cậy vào cô nương. Chúng ta đi với nhau là chia xẻ hoạn nạn, chứ chảng phải ai vì ai, mà cũng chảng ai là người thừa. Cô nương là người thông minh chắc tự hiểu cả rồi. Sau này chúng ta ít gặp cơ hội bàn định. Tại hạ nói đến đây là hết lời.
Như Ý cúi đầu lẳnglặng không nói gì.
Lệnh Hồ Bình ăn điểm tâm xong, đứng dậy nói:
-Chúng ta đi thôi.
Trong căn thạch thất bên ngoài chỉ còn một mình Hoa Kiểm Diêm La. Hắn ngó thấy Lệnh Hồ Bình cùng Như Ý song song từ đường bí đạo đi ra, bộ mặt buồn nôn của hắn lộ vẻ cao hứng.
Lệnh Hồ Bình ngẩng đầu lên, lạnh lùng hỏi:
-Đại hộ pháp tuyên triệu bản công tử có chuyện gì?
Lão tặc cong ngón tay lại giơ lên, tít mắt cười đáp:
-Lại đây! Công tử cứ vào đi sẽ rõ.
Dứt lời, hắn đứng dậy raeo bước ra đường hầm.
Bình nhật lão tặc này đã quen tính, hễ mở miệng nói là y như ra lệnh. Lệnh Hồ Bình vốn không ưa thái độ của kẻ độc đoán, chẳng đếm xỉa gì đến ý nghĩ của người khác. May ở chỗ Như Ý đã cảnh cáo chàng phải coi chừng. Chàng lại nhất tâm muốn khám phá ra mưu mô của bốn lão ma đêm qua, nên chàng không chấp nhặt tiểu tiết. Chàng liền đưa mắt ra hiệu cho Như Ý rồi đi theo Hoa Kiểm Diêm La.
Như Ý ngần ngại một chút rồi cũng quyết tâm theo sau.
Đi hết đường hầm là ra tới mặt ngoài của hang. Lệnh Hồ Bình ngẩng đầu lên, đảo mắt nhìn không khỏi kinh ngạc.
Chàng thấy hang núi này hôm qua phong cảnh tịch mịch mà bữa nay chỗ nào cũng đông người tụ tập từng tốp, từng tốp một, tổng số có đến ngàn người.
Chàng theo sắc phục liền phân biệt được địa vị của chúng.
Bon hộ pháp áo đen đứng ở phía đông. Thanh y hộ pháp ở phía tây. Nguyên hai đẳng cấp này cũng đến hơn ba trăm tên.
Bọn người đứng ở mặt nam quay sang bên này ít hơn, chính là bọn Lam y hộ pháp, tuy ít nhưng cũng đến hơn trăm người.
Bọn chúng đứng ba mặt thành hình móng ngựa.
Phía trong trận thức hình móng ngựa còn ba hàng ghế. Ba hàng ghế đặt theo hình chữ nhất, hàng ghế nào cũng có người ngồi, bàn nọ cách bàn kia một quãng ngắn.
Hai bàn ở hai bên đều có năm chỗ. Bàn chính giữa có sáu chỗ nhưng chỉ có bốn người.
Bốn người ngồi bàn giữa là Thú tâm ông Lãnh Bắc Đẩu, Thiên sát ông Cáp Minh Niên, Tuyệt tình ông Tân Chiếm Tương và một nhân vật đã có một dạo được bằng hữu võ lâm ngưỡng mộ là Phong Vân Kiếm Thư Khiếu Thiên.
Năm người ngồi ở bàn mé tả mặc áo hoàng bào, không cần hỏi cũng biết địa vị của họ rồi.
Năm người ngồi mé hữu đại khái là năm tên đường chúa.
Lệnh Hồ Bình nhìn cả ba hàng ghế ngồi mà vẫn chưa thấy hai nhân vật mà Kim Long Kiếm Khách Thịnh Văn Tu đã mô tả là Trang lão và Ngãi lão làm hộ bang trưởng lão, chàng không khỏi có điều thất vọng.
Hộ bang trưởng lão không xuất hiện thì dĩ nhiên Long Hổ bang chúa cũng không ra mặt.
Lệnh Hồ Bình quay lại ra hiệu cho Như Ý dừng bước ở cửa, tạm thời đừng theo vào. Hoa Kiểm Diêm La không quay lại lần nào, đi thẳng đến bàn giữa, nơi đã có Vô Lượng tam ma và Phong Vân Kiếm.
Lệnh Hồ Bình ung dung theo sau hắn. Chàng ngấm ngầm để ý nhìn năm vị Huỳnh y hộ pháp ngồi ở mé tả.
Tuy chàng đã biết năm vị Huỳnh y hộ pháp này đều là nhân vật đầu não trong năm phái Thanh Thành, Bắc Mang, Thiên Thai, Trường Bạch và Hoàng Sơn, nhưng vì trước kia chàng chưa từng gặp qua, nên không thể phân biệt bị nào ở môn phái nào.
Điều khiến cho chàng kinh ngạc hơn là trong năm nhân vật này lại có hai phụ nữ.
Một vị là bà già đầu tóc bạc phơ tay chống thiết trượng, lưng hơi gù lối bảy mươi tuổi. Còn người kia là một thiếu phụ mới ngoài ba mươi, mặt mũi sáng sủa, lưng đeo trường kiếm. Theo thứ tự chỗ ngồi mà kể thì địa vị thiếu phụ ở trong bang dường như lại trên mụ già tóc bạc.
Còn ba vị nữa thì một là lão già mặt như mặt giải, một vị hảo hán trung niên, lông mày chổi xể, một vị nữa sắc mặt lợt lạt, tuổi độ tam tuần, là một hán tử trung niên dùng đôi Tử Kim câu làm binh khí.
Lệnh Hồ Bình suy đi nghĩ lại thì những người ngồi đó đều chẳng có ấn tượng gì. Chỉ mỗi mình hán tử thanh niên ngồi cuối dãy dùng đôi Tử Kim câu thì đã nổi tiếng tồi bại trên chốn giang hồ. Gã tên gọi Độc Phong Câu Tôn Nhất Minh ở phái Trường Bạch.
Từ khi nghe lời đồn đại, chàng đã truy tung rất lâu nhưng chưa được gặp. Không ngờ tên đầu tặc này đã quy thuận Long Hổ Bang, làm Huỳnh y hộ pháp.
Vì bao nhiêu con mắt toàn trường đang tập trung vào cả Lệnh Hồ Bình nên chàng không tiện lộ liễu thân phận, chỉ liếc mắt ngó qua cặp Tử Kim câu rồi ngoảnh mặt nhìn ra chỗ khác.
← Ch. 37 | Ch. 39 → |