Vay nóng Tinvay

Truyện:Hậu Cung Chân Hoàn Truyện - Chương 103

Hậu Cung Chân Hoàn Truyện
Trọn bộ 249 chương
Chương 103
Đêm thu
0.00
(0 votes)


Chương (1-249)

Siêu sale Lazada


Hôm nay là ngày Thất Tịch, tôi đoán buổi tối trong cung hẳn sẽ mở tiệc theo lệ thường nên y nhất định không thể tới đây. Thế là tôi bèn cùng Hoán Bích và Cận Tịch đi nấu vài món ăn đơn giản, chuẩn bị dùng bữa tối.

Đêm về gió lớn, thổi bay cái nóng nực lúc ban ngày, làm chúng tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi thấy rau kim châm mà Cận Tịch xào ăn rất ngon, bèn hỏi: “Còn rau kim châm không?”

Cận Tịch đang đứng dưới giàn mướp kiễng chân hái quả, nghe vậy liền ngoảnh đầu đáp: “Còn nhiều lắm. ”

Tôi suy nghĩ một chút rồi cười nói: “Vậy chi bằng hãy xào rau kim châm, lại làm thêm món dưa chuột trộn nữa, rồi ta sẽ tự mình mang đến cho Thư Quý thái phi. ”

Cận Tịch cười, nói: “Vậy thì hay lắm, chỗ Thư Quý thái phi vốn ít người, nương tử tới đó thứ nhất là có thể tỏ lòng hiếu thảo, thứ hai là còn có thể chuyện trò bầu bạn với Thái phi một phen. ” Nói rồi bèn quay sang nháy mắt với Hoán Bích, lại cúi đầu, cười khúc khích không thôi.

Hoán Bích không tiếp lời, chỉ khẽ cười cho qua chuyện, đồng thời vẫn ngồi trên ghế chậm rãi bóc vỏ đỗ. Tôi biết Cận Tịch nói vậy là có ý gì, không khỏi cảm thấy hơi xấu hổ, chỉ đành nói: “Thư Quý thái phi dù sao cũng là trưởng bối, ta đi thăm bà ấy là việc nên làm. ”

Cận Tịch mím môi cười, nói: “Tất nhiên rồi, rất nên làm ấy chứ. ”

Tôi biết nàng ta đang lấy chuyện với Huyền Thanh ra để trêu mình, cũng không tiện biện bạch gì thêm, chỉ lặng im chờ Cận Tịch chuẩn bị đồ ăn xong xuôi rồi xếp vào trong hộp.

Hoán Bích đứng dậy phủi áo mấy cái, nói: “Chi bằng để nô tỳ cùng tiểu thư qua đó một chuyến. ”

Tôi mỉm cười, chỉ tay lên trời. “Trời hãy còn sáng lắm, để ta một mình tới An Tê quán là được rồi. Dù sao cũng chỉ đi một chút rồi về, muội và Cận Tịch cứ ở nhà ăn cơm trước đi. ”

Hoán Bích khẽ “ừm” một tiếng, dõi mắt theo chân tôi ra đến bên ngoài.

Lúc này trời còn sớm, một mảng ráng chiều rực rỡ nổi lên giữa bầu trời biếc xanh, tựa như cây đèn lưu ly mà tôi từng nhìn thấy hồi nhỏ, những màu sắc từ đỏ tía, xanh lam, vàng tươi, phỉ thúy tới vàng cam biến đổi không ngừng, tựa như một dải gấm ngũ sắc trải dài giữa trời cao. Trên núi tuy gió lớn nhưng đi đường lâu rồi, trên lưng tôi cũng rỉ đầy mồ hôi. Có điều, tôi không hề cảm thấy nóng, còn sinh lòng đắm đuối trước cảnh sắc hiện thời, trong lòng thầm nghĩ người ta hay kể Chức Nữ giỏi nghề dệt vải, mảng mây màu rực rỡ như gấm vóc trước mắt này liệu có phải do chính tay nàng ta dệt thành không đây?

Thế nhưng, Chức Nữ bao năm trời nhung nhớ Ngưu Lang ở bờ bên kia sông Ngân, trọn ngày không thành lời, khóc nghẹn lệ như mưa[1], đằng sau áng mây màu rực rỡ này rất có thể chính là vô số giọt nước mắt thương tâm tột độ. Suy nghĩ như vậy, cảnh sắc trước mắt dù có đẹp đến mấy cũng nhuốm đầy nét sầu, không còn gì thú vị nữa.

[1] Trích Điều điều khiên Ngưu tinh, vô danh. Nguyên văn Hán Việt: chung nhật bất thành chương, khấp thế linh như vũ – ND.

Ngoài kinh đô có rất nhiều đồi núi, liên miên trùng điệp, tựa như bức bình phong thiên nhiên xanh biếc, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến đỉnh Phiêu Miểu, đỉnh Tha Nga, đỉnh Cam Lộ và đỉnh Lăng Vân. Đỉnh Phiêu Miểu và đỉnh Tha Nga đứng đối diện nhau, đỉnh Cam Lộ, đỉnh Tha Nga và đỉnh Lăng Vân thì liền thành một dải, phong cảnh tú lệ vô cùng. Chùa Cam Lộ được xây trên phần ngọn của đỉnh Cam Lộ, An Tê quán của Thư Quý thái phi thì nằm ở hậu sơn, Thanh Lương Đài của Huyền Thanh tọa lạc trên đỉnh Phiêu Miểu, còn nơi tôi ở là đỉnh Lăng Vân, đỉnh này có thế núi cao và dốc nhất so với ba đỉnh còn lại, chỉ là lại nằm giữa đỉnh Tha Nga và đỉnh Cam Lộ, do đó việc đi lại thuận tiện hơn một chút.

Thiền phòng mà tôi trú ngụ vốn nằm tại sườn núi của đỉnh Lăng Vân, đi từ đó tới An Tê quán cũng không xa lắm, chỉ cần chừng nửa canh giờ là có thể tới nơi.

An Tê quán tuy nhỏ nhưng chỉ có hai người Thư Quý thái phi và Tích Vân cô cô sống ở đó mà thôi, do đó hết sức thoáng đãng. Tôi đẩy cửa đi vào, Tích Vân cô cô nhìn thấy tôi tới thì liền nở nụ cười tươi, vẫy tay gọi: “Thái phi đang niệm kinh trong nội đường, nương tử hãy tạm qua đây đã”, rồi lại cười tủm tỉm. “Nương tử tới đúng lúc thật, ta đang chuẩn bị hái ít nho mang đi rửa đây, vừa hay có thể mời nương tử. ”

Nói rồi bà ta liền dẫn tôi đi xuyên qua sân trước để tới sân sau.

Ở cửa sân trước có trồng một cặp tùng bách, nhìn cao lớn cân đối, lại kết hợp với những gốc ngô đồng xung quanh, phủ bóng xuống tạo thành một vùng râm mát.

Tích Vân thấy tôi nhìn chăm chú, liền cũng đưa mắt liếc qua, nói: “Năm xưa, khi Thái phi mới vào quán, Lục Vương gia vô cùng quyến luyến, mang hai cái cây đến chính tay trồng ở đây rồi mới rời đi. Nhớ năm xưa hai cái cây này còn nhỏ xíu, vậy mà giờ đã lớn thế này rồi, khiến người ta không kìm được phải cảm thán thời gian quả như bóng câu qua khe cửa. ”

Tôi khẽ gật đầu, nghĩ tới việc cặp tùng bách này là do chính tay y trồng, không kìm được đưa tay tới sờ thử, cảm thấy cực kỳ thân thiết.

Dường như nơi bàn tay tôi chạm tới không phải là một lớp vỏ cây sần sùi, mà là dấu tích y đã từng sờ qua, nơi đáy lòng trào dâng một nỗi niềm vui thích.

Đi tới sân sau, tôi ngẩng lên nhìn, quả nhiên thấy có một giàn nho lớn, vô số cành lá xanh biếc trườn bò trên những chiếc sào trúc thẳng tắp, mỏng manh, biến toàn bộ sân sau thành một khoảng râm mát. Từ trên giàn nho có vô số chùm nho rủ xuống, chùm thì đỏ tía, chùm thì xanh biếc, nhìn trái nào cũng căng mọng như sắp nứt ra đến nơi, ngon mắt vô cùng.

Tôi cười nói: “Trông ngon mắt quá, Thái phi quả là có khẩu phúc. ”

Trong núi thanh tịnh, từng làn gió mát vi vu thổi tới, khiến người ta thư thái, dễ chịu. Lời của tôi vừa dứt, Thư Quý thái phi đã chậm rãi bước ra, cười nói: “Con tới rồi!”

Tôi hành lễ bái kiến trưởng bối xong bèn thưa: “Vốn hôm nay là ngày Thất Tịch, con không nên tùy tiện tới quấy rầy Thái phi, có điều thị nữ hầu cận của con mới nấu được hai món ăn vừa miệng, con nghĩ Thái phi chắc sẽ thích ăn, liền mang tới mời Thái phi nếm thử. ”

Thái phi vốn rất mực hiền hòa, khi cười trông lại càng tươi tắn, xinh đẹp. “Ta ở chỗ này quanh đi quẩn lại cũng chẳng có việc gì, con tới đúng lúc lắm, nếu không đêm Thất Tịch năm nay lại chỉ có ta và Tích Vân ngồi nhìn nhau thôi, như thế thì nhạt nhẽo lắm. ”

Đang lúc nói chuyện, Tích Vân đã bưng thức ăn từ trong chiếc hộp ra, đặt xuống chiếc bàn đá dưới giàn nho. Thái phi khẽ cười, nói: “Mấy món này chỉ mới nhìn thôi đã thấy ngon rồi, ta thích lắm!”, nói rồi liền kéo tôi ngồi xuống. “Ta vẫn chưa dùng bữa tối, chi bằng Hoàn Nhi hãy ngồi xuống ăn cùng ta luôn được không?”

Tôi đáp: “Con vốn định quay về nhưng Thái phi đã có lời như thế, con tất nhiên cung kính không bằng tuân lệnh, vừa hay khi tới đây con cũng chưa ăn gì. ” Thế rồi tôi bèn giúp Tích Vân bưng từ trong hộp ra một đĩa đậu phụ hoa hồng, một đĩa gừng tím, một bát canh mướp, ngoài ra còn có cháo trắng, toàn những món ăn dịu mát rất hợp dùng trong mùa hè. Sau đó, ba người chúng tôi cùng ngồi xuống ăn.

Màn đêm tối mịt dần buông xuống, bao trùm cả bầu trời. Nơi chân trời phía đằng đông, một vầng trăng khuyết từ từ xuất hiện, cuối cùng leo lên mãi tít ngọn cây.

Tôi và Thái phi ngồi ăn nho với nhau, Thái phi chậm rãi nói: “Mãi tới trưa nay nghe Tích Vân nói, ta mới nhớ ra hôm nay là ngày Thất Tịch. Cuộc sống trong núi quá mức bình lặng, làm ta quên hết tháng năm, thiếu chút nữa còn quên cả ngày Thất Tịch. ” Những ngón tay cẩn thận bóc vỏ một quả nho, miệng bà khẽ nở nụ cười. “Kỳ thực, tiên đế qua đời đã nhiều năm như vậy rồi, đối với ta mà nói, ngày Thất Tịch với ngày thường cũng chẳng có gì khác biệt, nhưng mấy cô bé như bọn con thì khác, ngày này quả là có ý nghĩa vô cùng. ” Nói xong, bà liền nhìn tôi mà cười tủm tỉm.

Tôi có chút thẹn thùng, cúi gằm mặt xuống, mân mê quả nho trong tay, thấp giọng nói: “Thái phi đang nói gì vậy?”

Bà chăm chú nhìn tôi một lát, chợt nghĩ tới điều gì, bèn hỏi: “Thanh Nhi vẫn chưa tới sao? À, hôm nay trong cung nhất định lại tổ chức yến tiệc, chắc nó không tới được rồi!”, sau đó lại hỏi tôi: “Có phải đã đi Thái Bình hành cung rồi không?”

Tôi lắc đầu. “Hai năm nay, Hoàng thượng đều ở lại trong cung, rất ít khi tới Thái Bình hành cung tiêu khiển. ”

“Tuy là ở trong cung nhưng muốn ra ngoài e cũng chẳng dễ dàng gì. ”

Thái phi khẽ gật đầu, cười nói: “Chẳng trách trong ngày này mà con lại chạy đến đây bầu bạn với một bà già như ta, hóa ra là cô độc một mình. ” Sau đó bà lại an ủi tôi: “Không phải Thanh Nhi không thương con, chỉ là ở trong cung nó cũng có sự bất đắc dĩ của nó. Vả lại nói thực lòng, ta nghĩ bây giờ dù đang tham gia yến tiệc nhưng trong lòng nó chắc chỉ có mình con thôi. ”

Khóe miệng tôi hơi nhếch lên: “Thái phi không cần khuyên nhủ, lòng y thế nào con tất nhiên hiểu rõ. Cho dù tạm thời không thể ở bên nhau cũng đâu phải việc gì nghiêm trọng. ”

Thái phi khẽ xoa trán tôi một cái, thở dài than: “Con có thể hiểu rõ lòng nó như vậy là tốt rồi. Ta với Thanh Nhi mẫu tử đồng tâm, nó đối xử với con thế nào, ta là người làm mẹ tất nhiên biết rõ. Do đó, trong lòng ta, con cũng giống như con gái của ta vậy. ”

Tôi thầm cảm động, vùi đầu xuống gối Thái phi, khẽ nói: “Trong lòng con, Thái phi cũng giống như mẹ của con vậy. ” Nói xong, hai bờ má bất giác nóng bừng, cảm thấy hết sức xấu hổ.

Thái phi trìu mến nói: “Con đã coi ta là mẹ, ta cũng không giấu gì con nữa, con và Thanh Nhi muốn được ở bên nhau, ắt sẽ phải trải qua rất nhiều gian nan thử thách. Chỉ là nếu lòng các con giống nhau, tất nhiên sẽ không có việc gì làm khó được. Có câu nói rằng tình cứng hơn vàng, con có biết không?”

Tôi gật đầu thưa: “Dạ biết!”

Một làn gió nhẹ khẽ thổi qua bờ má, mát rượi và dịu dàng giống như bàn tay Thái phi, mang tới cảm giác vô cùng thoải mái.

Thái phi ngẩng đầu nhìn bầu trời đêm, bốn phía đều tĩnh lặng, loáng thoáng có tiếng chim hỉ thước vỗ cánh bay qua. Giọng nói của Thái phi vang lên tựa như làn nước mùa xuân mềm mại: “Thằng bé Thanh này rất giống với ta và phụ hoàng của nó. Trước đây, ta là con gái của hàng tướng Bãi Di, theo phụ thân vào triều đình Đại Chu, cuộc sống vốn đã khốn khó, về sau cha ta lại mắc tội, ta liền bị đưa vào tội tịch, phải tới làm nô tỳ trong phủ của Trưởng công chúa Vinh Đức. Sau này, Hoàng thượng vì muốn đưa ta vào cung, cho ta một danh phận, để ta có thể ở mãi bên người, bèn bảo ta nhận Tri sự bình chương Nguyễn Diên Niên Nguyễn đại nhân làm nghĩa phụ. Sau bao phen trắc trở, ta rốt cuộc đã vào được cung nhưng lại chỉ được ở trong Thái Bình hành cung mà thôi. ” Thái phi dường như đã chìm vào dòng hồi ức, khuôn mặt trắng nõn được ánh trăng mông lung mờ ảo chiếu lên, lại càng ngợp nét dịu dàng, mềm mại. “Chiêu Hiến Thái hậu vì bất mãn với xuất thân của ta, do đó không cho phép ta vào Tử Áo Thành nhận sắc phong. Chiêu Hiến Thái hậu là mẹ cả của tiên đế, sau khi mẹ ruột của tiên đế là Chiêu Tuệ Thái hậu qua đời, tiên đế vốn là do bà ta chính tay nuôi nấng trưởng thành. Với tình mẫu tử mười mấy năm như thế, tiên đế tất nhiên không tiện làm trái ý Chiêu Hiến Thái hậu nhưng đồng thời cũng không nỡ để ta phải chịu ấm ức, do đó mới cho xây dựng đài Đồng Hoa ở Thái Bình hành cung rồi đón ta tới cử hành lễ sắc phong. ”

Đài Đồng Hoa, đó là nơi cử hành lễ sắc phong cho Thư Quý thái phi năm xưa, đồng thời cũng là nơi bà và tiên đế công khai đứng trước mặt người đời, dắt tay nhau cùng tiến cùng lùi, bất chấp mọi sự ngăn cấm. Khi đó, tiên đế đã đứng trên đài Đồng Hoa, đích thân dùng Trường tương thủ thổi bài Phượng hoàng vu phi để nghênh đón nữ tử mình yêu. Đối với một nữ tử mà nói, tình ý đậm sâu như thế tất nhiên là một quãng hồi ức vô cùng đẹp đẽ.

Nhưng đối với tôi, đài Đồng Hoa… Nơi khóe miệng tôi bất giác gợn lên một nụ cười dịu dàng.

Những bông tịch nhan đêm đó trông mới thuần khiết làm sao. Mỗi lần thương tâm, đau khổ, trong đầu tôi lại xuất hiện cuộc chuyện trò đêm đó, tâm trạng bất giác trở nên bình lặng hơn nhiều.

Thái phi thấy tôi mỉm cười, không kìm được hỏi: “Hoàn Nhi, con đang cười gì vậy?”

Tôi nghe thế thì giật mình tỉnh táo trở lại, cười đáp: “Con đang nghĩ trước đây mình đã từng nhìn thấy đài Đồng Hoa, do đó mới cười thôi. ”

Thái phi nói: “Phải rồi, đài Đồng Hoa cao ba trượng chín thước, được dựng thành hoàn toàn từ ngọc thạch trắng thượng hạng, vô cùng xa hoa, rực rỡ. Để dựng được đài Đồng Hoa, vô số người thợ giỏi đã phải bỏ ra rất nhiều tâm huyết. Tiên đế còn sai người trồng rất nhiều cây đường lê và ngô đồng xung quanh đài Đồng Hoa, ngô đồng… vốn là loài cây tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu mà. ”

Tôi gật đầu, nói: “Dạ, ngô đồng có thể mời gọi phượng hoàng tới, quả là một giống cây cao quý tượng trưng cho sự ân ái. Qua việc này có thể thấy tâm tư của tiên đế với Thái phi quả thực không phải là nhất thời nổi hứng. ”

Thái phi khẽ gật đầu, đường cong mềm mại dưới cằm trông như vầng trăng non giữa trời cao. “Mỗi năm vào độ xuân hạ, đường lê sẽ nở hoa trắng như tuyết, tỏa khắp hương thầm. Thỉnh thoảng nó còn nở hoa màu tím, lại càng hiếm có, cảnh đẹp ấy cứ như khắp trời bay đầy sương mù màu tím, khiến người ta đắm đuối tâm hồn. Mỗi lần vào dịp như thế, tiên đế sẽ sai các thị nữ giỏi ca hát đứng dưới gốc ngô đồng, hát bài Đường lê chi hoa, sau đó cùng ta dạo bước giữa đó, thưởng thức cảnh hoa nở hoa rơi. Ta vào cung bao nhiêu năm, tiên đế đối đãi tốt với ta như thế từng ấy năm. Tuy trong vòng một năm, có mấy tháng tiên đế phải về ở lại Tử Áo Thành, hai chúng ta mỗi người một nơi, hơn nữa còn có sự khó chịu của Thái hậu, sự bất mãn của Hoàng hậu, sự dị nghị của các phi tần và quan viên trong triều, nhưng tình ý của tiên đế đối với ta chưa bao giờ thay đổi. ”

“Con cũng thường nghe nói, phế hậu của tiên đế khi đó là thân thích của Thái hậu, trong cung còn có Ngọc Ách phu nhân đắc thế, tiên đế thậm chí đã vì Thái phi mà có hành động khóa cửa cung để trừng phạt các phi tần. ”

“Tiên đế đối xử với ta quả thực rất tốt. Nếu tới ở tại Thái Bình hành cung, ngài nhất định sẽ không tùy tiện triệu bất cứ phi tần nào khác tới hầu hạ ngoài ta. Tuy trên cho tới Thái hậu, dưới cho tới triều thần, ai cũng cố tình gây khó dễ cho ta, nhưng nhờ được tiên đế một lòng bảo vệ, ta không hề cảm thấy cuộc sống trong cung hồi đó có chút gì là vất vả. ”

Nghe bà nói như vậy, trong lòng tôi kỳ thực có chút sợ hãi. Tiên đế càng chuyên sủng Thư Quý thái phi, kỳ thực lại càng đẩy bà vào cảnh đối địch với các phi tần khác.

Chiếm trọn mọi sự sủng ái vào mình thực ra cũng ngang với việc chiếm trọn mọi sự oán hận vào mình! Chẳng trách khi đó trên đài Đồng Hoa, Huyền Thanh lại khuyên tôi: “Ân sủng của đế vương quá đầy thì cũng như bị hơ trên lửa nóng, mười phần khổ sở. ”

Câu nói này, e rằng cũng là lời cảm khái của Huyền Thanh về mối tao ngộ mà mẫu phi y từng phải trải qua.

Như thế, tuy ngoài miệng Thư Quý thái phi nói là rất ngọt ngào nhưng trong lòng hẳn cũng muôn vàn đau khổ.

Nhưng trong lòng bà, có lẽ tình ý của tiên đế mới là điều quan trọng nhất.

“Về sau, Chiêu Hiến Thái hậu qua đời, ta cũng theo đó mà được vào ở trong Tử Áo Thành. Tử Áo Thành tuy phồn hoa, náo nhiệt nhưng trong lòng ta thì còn xa mới so được với sự ung dung, nhàn nhã ở đài Đồng Hoa. ” Nói tới đây, Thư Quý thái phi khẽ buông tiếng thở dài. “Tiếc rằng đương kim Thái hậu không thích đài Đồng Hoa, cho là nó quá xa hoa, lãng phí, nhiều năm nay ta không quay trở lại, chắc giờ nó đã trở nên hoang phế rồi!”

Tôi khẽ nở nụ cười, cất lời khuyên giải: “Vậy thì cũng có sao, bất kể đài Đồng Hoa phồn hoa hay suy bại, trong mắt Thái phi và tiên đế, nó vẫn mãi là nơi chứng kiến tình ý mặn nồng của hai người năm xưa. ”

Thư Quý thái phi cũng mỉm cười. “Đúng thế, trong lòng ta, đài Đồng Hoa vĩnh viễn là nơi chứng kiến tình ý bao năm của ta và tiên đế. ” Rồi bà ngoảnh đầu nhìn tôi, ánh mắt ngợp nét dịu hiền. “Ta kể lại những việc xưa cũ thế này, có phải con thấy rất nhạt nhẽo không?”

Tôi cười đáp: “Dạ không, con vốn vẫn thích nghe kể chuyện xưa mà. Trước đây chỉ là nghe người khác đồn thổi về tình cảm giữa Thái phi và tiên đế, bây giờ mới được nghe chính miệng Thái phi kể lại, con tất nhiên hết sức vui mừng. ”

Thái phi tươi cười vui vẻ, ngay đến chiếc áo màu xám bạc cũng như được nhuốm vẻ lóng lánh của ánh trăng, toàn thân đều phát sáng, lại thêm làn gió đêm thổi tới khiến góc áo khẽ bay lất phất, nhìn bà chẳng khác gì thần tiên trên trời. Thư Quý thái phi lúc này đã quá bốn mươi tuổi, nhưng dung mạo bà vẫn rất trẻ trung, chừng như mấy chục năm qua không bị thời gian làm ảnh hưởng chút nào. Nghĩ tới cảnh bà nắm tay tiên đế, đứng trên đài cao đón gió lúc mới vào cung thuở nọ, tự đáy lòng tôi bỗng nảy sinh một niềm ngưỡng mộ vô bờ.

Thái phi khẽ nắm lấy bàn tay tôi, nói: “Cũng khá muộn rồi, ở trong núi lại không giống với nơi khác, nếu con thấy lạnh thì chi bằng chúng ta vào trong nói chuyện tiếp đi. ”

Tôi cười đáp: “Sao lại lạnh được, chỉ là ngồi mãi trên ghế đá, con thấy hơi khó chịu. ”

Tích Vân cười, nói: “Nếu nương tử thấy khó chịu, vậy hãy cùng Thái phi nhà ta tới bên bậc thềm đằng kia mà ngồi, chỗ đó ta đã quét dọn sạch sẽ lắm rồi!”

Thái phi mỉm cười nhìn tôi, quay sang trách Tích Vân: “Hoàn Nhi xuất thân khuê các, đâu có tùy tiện như người Bãi Di chúng ta, e là không quen đâu. ”

Tôi đứng dậy, dắt tay Thư Quý thái phi đi tới trước bậc thềm đá, chẳng buồn phủi bụi, ngồi thẳng xuống. “Trước đây, hồi còn ở trong nhà, con từng đọc bài Thu tịch của Đỗ Mục, thấy nói rằng ‘đêm thu đèn rọi họa bình, đuổi xua đom đóm phong phanh quạt là, cảnh trời đêm mát vẩn vơ, Khiên Ngưu Chức Nữ ngồi chờ xem chơi[2]’. Bây giờ cảnh trời đêm mát vẩn vơ, tuy không có sự hoa lệ khi đêm thu đèn rọi họa bình, cũng không có sự tao nhã khi đuổi xua đom đóm phong phanh quạt là, nhưng cái tâm trạng Khiên Ngưu Chức Nữ ngồi chờ xem chơi thì thực không có chút nào khác biệt. ” Tôi tươi cười, nói: “Ngồi trên bậc thềm ngắm cảnh thế này, tầm nhìn đúng là thoáng đãng hơn ngồi trên ghế đá nhiều. ”

[2] Nguyên văn Hán Việt: Ngân chúc thu quang lãnh họa bình, khinh la tiểu phiến phác lưu huỳnh, thiên giai dạ sắc lương như thủy, tọa khán Khiên Ngưu Chức Nữ tinh. Dịch thơ Trần Trọng Kim. Bài thơ này tả về sự cô đơn và buồn bã của người cung nữ bị thất sủng, cô ta không ngủ được ngồi trên bậc thềm nhìn sao Khiên Ngưu và Chức Nữ, đấng quân vương không đến nữa, chỉ có đom đóm bay quanh mà thôi – ND.

Tích Vân bật cười khúc khích. “Thái phi thấy nô tỳ nói đúng chưa nào? Nương tử vốn không phải loại nữ tử thích làm bộ làm tịch, cũng là một người tính tình sảng khoái. ”

Thái phi mỉm cười, gật đầu. “Cũng phải, bằng không sao có thể khiến ta vừa gặp đã thấy quen thân như thế được”, sau đó lại quay sang nói với tôi: “Bài con vừa đọc hình như là thơ cung đình thì phải. ”

Tôi gật đầu thưa: “Thái phi nói đúng lắm. ”

Bà cau mày suy nghĩ một lát, khẽ nói: “Trước đây khi còn ở trong cung, ta cũng thường nghe các cung nữ ngâm thơ cung đình như vậy, có một bài đương kim Thái hậu hay ngâm nhất, thời gian qua lâu rồi, ta cũng không nhớ rõ lắm, hình như có câu ‘ơn vua như nước chảy về đông, đắc sủng lo khi lúc lạnh phòng[3]’ thì phải. Nữ tử Bãi Di bọn ta chỉ biết hát dân ca, không được học về thi từ, mấy thứ này mãi về sau vào cung rồi, ta mới dần được biết. ”

[3] Trích Cung từ, Lý Thương Ẩn, dịch thơ Lê Quang Trường. Toàn bài: Ơn vua như nước chảy về đông, đắc sủng lo khi lúc lạnh phòng. Giữa tiệc chớ đàn Hoa lạc khúc, mé tây điện luống nổi thu phong. Nguyên văn Hán Việt: Quân ân như thủy hướng đông lưu, đắc sủng ưu di thất sủng sầu. Mạc hướng tôn tiền tấu Hoa lạc, lương phong chích tại điện tây đầu – ND.

Tôi thầm kinh ngạc, không ngờ Thái hậu lại ngâm một bài thơ như thế, nhất định là đã từng thương tâm vô cùng. Chắc hẳn từ sau khi Thư Quý thái phi vào cung, bà ta rơi vào cảnh cô quạnh, trống vắng, do đó mới sinh lòng tự thương bản thân mình.

Nụ cười dần ẩn đi, tôi cất lời cảm khái: “Ơn vua nước chảy về đông, được yêu lo ngại mà không lại sầu. Phàm là nữ tử trong cung, chắc ai cũng từng có nỗi thương cảm như vậy. ”

Thái phi nở nụ cười rạng rỡ. “Ta thì chưa có tâm trạng như vậy. ” Thấy tôi có vẻ không tin lắm, bà liền nói: “Tuy lòng dạ của bậc đế vương dễ đổi thay nhưng tiên đế đối xử với ta luôn trước sau như một. ” Bà dừng lại một chút rồi mới tiếp: “Tạm chưa xét tới việc ơn vua có như nước chảy về đông hay không, cho dù thực sự có một ngày như thế, ta cũng sẽ không buồn bã chút nào, vì trong lòng ta mãi chỉ có một mình tiên đế. Bất kể tiên đế có sủng hạnh ta hay không, có còn yêu ta nữa không, trong lòng ta, ngài vẫn mãi là vị thiên tử thiếu niên buổi đầu gặp gỡ. Mà tiên đế đối xử với ta cũng như vậy, do đó ta mới có niềm tin sâu sắc vào câu tình cứng hơn vàng. ”

Tôi thấy vẻ mặt bà như si như mê, trong lòng bỗng hoàn toàn sáng tỏ.

Theo như lời đồn trong cung trước đây, Thư Quý thái phi được tiên đế chuyên sủng, khắp hậu cung không ai sánh bằng. Ban đầu tôi cứ ngỡ đó chỉ là thứ tình cảm bình thường giữa quân vương và phi tử, nhưng tới giờ mới biết, thì ra Thư Quý thái phi và tiên đế đều có trái tim chân thành, coi nhau như vợ chồng đích thực, vậy nên tình mới có thể cứng hơn vàng.

Nghĩ đến tình ý như vậy, tôi cảm động đến suýt rơi nước mắt, liền hơi cúi đầu để che giấu ánh lệ, sau khi suy nghĩ một chút bèn tiếp lời của Thái phi vừa rồi: “Câu thơ này hình như nằm trong bài Cung từ của Lý Nghĩa Sơn[4]. Câu kế tiếp là ‘giữa tiệc chớ đàn Hoa lạc khúc, mé tây điện luống nổi thu phong’. ”

[4] Tức Lý Thương Ẩn, Nghĩa Sơn là tên tự – ND.

Trước đây khi còn ở trong cung, tôi đã từng được nghe người ta hát khúc Hoa lạc, hình như người hát làAn Lăng Dung. Đó là một bữa tiệc nơi đại điện, ả ngồi bên cạnh Huyền Lăng mà cất tiếng ca vang, nhưng đó rốt cuộc là bữa tiệc nào thì tôi thực sự không nhớ nổi.

Mà cũng có thể không phải An Lăng Dung mà chính tôi ngồi trong Đường Lê cung tự mình đàn khúc Hoa lạc, hình như khi tôi gảy đàn, Huyền Lăng còn đang ngồi bên cạnh, mỉm cười chăm chú nhìn tôi.

Hoa lạc còn có tên khác là Mai hoa lạc, là khúc nhạc nổi tiếng trong Nhạc phủ, được rất nhiều người biết đến. Trong thời đại thái bình thịnh trị như bây giờ, khúc nhạc ấy nhất định đã từng được tấu không ít lần trước mặt kẻ đế vương.

Tôi buồn bã nghĩ lại, năm xưa khi xuân phong đắc ý tấu khúc Mai hoa lạc đó trước mặt kẻ đế vương, ai mà ngờ được lại có ngày gió lạnh thổi tới, bản thân theo đó trở thành một trong vô số bông hoa lụi tàn. Còn bây giờ, bông hoa đang xuân phong đắc ý, vẫn đậu trên cành khoe sắc không phải ai khác mà chính là An Lăng Dung.

Ơn vua như dòng nước chảy dài bất định, khi đông khi tây, việc đắc sủng, thất sủng của các phi tần cũng theo đó mà biến hóa, có lúc chỉ trong khoảnh khắc mọi sự đã đổi thay. Hôm nay ơn vua như nước triều dâng, ngày mai đã lại như hồ nước cạn; phi tử hôm nay còn đắc sủng, ngày mai lại thất sủng ai hay; mà một khi thất sủng rồi, ơn vua sẽ chẳng bao giờ còn trở lại, nỗi sầu thất sủng giống như dòng nước mùa xuân chảy mãi về đông. Do đó trong chốn cung đình, bất kể là đắc sủng hay thất sủng, tương lai chờ đợi những kiếp hồng nhan kia hầu như đều là một nỗi bất hạnh khôn cùng.

Còn tôi, tuy giờ phải ở nơi nhà tranh giậu trúc nhưng đã được giải thoát.

Thái phi thấy tôi trầm ngâm, liền kéo tay tôi, nói: “Hoàn Nhi, trước đây khi còn ở trong khuê các, con đón ngày Thất Tịch thế nào?”

Tôi cầm chùm nho trong tay, bóc từng quả, cười đáp: “Trước đây khi còn ở trong nhà, nhũ mẫu thường hay kể chuyện cho con nghe, nhưng kỳ thực vẫn là kể đi kể lại chuyện Ngưu Lang, Chức Nữ gặp gỡ trên sông Ngân. au đó dùng bữa tối, đợi khi trời tối hẳn thì cùng các tỷ muội thân thiết tụ hội. Trước tiên, bọn con ăn bánh chẻo cầu may, những chiếc bánh chẻo ấy đã được gói sẵn từ sáng sớm, trong đó có ba chiếc được nhét sẵn một đồng tiền, một cây kim và một quả táo đỏ, ai ăn phải đồng tiền thì là có phúc, ăn phải cây kim thì sẽ được khéo tay, còn ăn trúng quả táo thì sẽ thành hôn sớm. Kế đó bọn con lại cúng Chức Nữ, đồ cúng đều là những loại hoa quả tươi đúng mùa, ví như bát sen, ngó sen, ấu đỏ hay nho, tiếp đến thì thắp hương quỳ bái, thành tâm cầu khấn, hy vọng sau này tìm được một vị lang quân như ý, đồng thời cũng xin Chức Nữ phù hộ cho mình đầu óc thông minh, chân tay khéo léo, việc gì cũng được như ý nguyện. Sau khi thắp hương xong, mấy cô gái bọn con lại cùng xâu kim dưới trăng để thi xem ai khéo tay hơn, xin Chức Nữ ban phúc; hoặc cũng có lúc cầm chỉ màu đứng dưới đèn xâu chỉ qua lỗ kim, ai có thể xâu liền một lúc qua bảy lỗ kim thì được gọi là ‘Xảo thủ’, người nào không làm được thì bị gọi là ‘Thâu xảo’, còn bị mọi người búng mũi nữa. Cũng có lúc bọn con đi bắt một con nhện bỏ vào trong hộp, đến ngày thứ hai mở hộp ra, nếu nó đã nhả tơ chăng lưới thì gọi là ‘Đắc xảo’, tức là đã được ban cho sự khéo léo. ” Tôi cười hì hì, nói: “Có điều bắt nhện rất khó, bọn con lại sợ bẩn, do đó rất ít khi làm việc này. ”

Trước đây hồi còn chưa vào cung, mỗi năm tôi đều cùng My Trang, Thái Nguyệt, Hoán Bích, Lưu Chu, Phân Nhi và mấy tỷ muội nhà khác cùng nhau chơi những trò này, thường chưa tới tháng Sáu đã ngóng ngày Thất Tịch, hôm nào cũng vạch ngón tay đếm ngày tính tháng. Tối hôm ấy chúng tôi có thể thoải mái chơi đùa với nhau mà không sợ các nhũ mẫu thường ngày luôn nghiêm khắc bám theo quản giáo hay răn dạy nữa.

Đúng rồi, trong ngày Thất Tịch, chúng tôi còn phải làm “quả khéo tay”, người khéo nhất chính là Hoán Bích, muội ấy chỉ dùng những thứ dầu, bột mì, đường, mật bình thường cũng có thể làm ra đủ loại quả xinh xắn đáng yêu, vừa thơm vừa ngọt, ăn không ngấy chút nào.

Những quãng thời gian tươi đẹp ấy giờ đã trở thành quá khứ, một đi không trở lại.

Còn có một điều tôi không kể, đó là năm xưa khi ở trong cung đình, ngày Thất Tịch của tôi chẳng qua là bầu bạn bên cạnh kẻ đế vương, dự tiệc và ca múa. Những ngày lễ như thế luôn ngợp trong tiếng đàn ca, lần nào cũng là yến tiệc, xa hoa bất tận.

Nghĩ đến đâ lòng tôi bất giác có chút buồn bã, đồng thời cũng nảy lòng thương cảm về chuyện ngày xưa.

Thư Quý thái phi chỉ tay qua Tích Vân mà cười, nói: “Trước đây khi bọn ta còn ở Bãi Di, nữ tử Bãi Di thích nhất là ca hát và nhảy múa, mà ngày Thất Tịch kỳ thực cũng là ngày nam nữ trong tộc hát đối và thể hiện tình cảm với nhau. Bọn ta thường đốt những đống lửa lớn bên bờ sông, rồi hai bên nam nữ đứng ở hai bên bờ hát đối tình ca. Nếu có cặp đôi nào vừa ý nhau, người con trai sẽ bơi qua sông tới dắt tay người con gái rồi cả hai cùng nhảy múa trước mặt mọi người trong tộc, tỏ ý rằng tình cảm của hai bên vô cùng sâu đậm, vĩnh viễn chẳng đổi thay. ”

Nam nữ Bãi Di xưa nay luôn sắt son chung thủy, dân phong lại thuần phác, bất kể già trẻ gái trai đều thẳng thắn hào sảng, có thể không chút kiêng dè theo đuổi người mà mình yêu, do đó mới thích dùng cách hát đối để tỏ tình, hoàn toàn khác với sự bảo thủ của người Trung Nguyên, luôn phải nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ.

Tôi khẽ “ồ” một tiếng, tò mò hỏi: “Vậy lỡ như hôm đó trời mưa thì sao, há chẳng phải sẽ không thể đốt lửa và hát đối được nữa?”

Thư Quý thái phi dường như vô cùng hoài niệm những tháng năm xưa cũ đó. “Người Bãi Di gọi cơn mưa trong ngày Thất Tịch là ‘mưa tương tư’ hoặc ‘lệ tương tư’, vì mưa này là do Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau mà ra, do đó coi là mưa lành. Nếu hôm đó trời đổ mưa lành, việc đốt lửa tất nhiên phải tạm thời lùi lại đến hôm sau. Ngoài ra trong ngày Thất Tịch, chim hỉ thước thường rất ít xuất hiện, người già trong tộc nói bọn chúng đều đã bay lên trời để bắc cầu rồi. ”

Tôi cảm thấy rất thú vị, bèn nói: “Người Bãi Di cũng có truyền thuyết về việc chim hỉ thước bắc cầu cho Ngưu Lang, Chức Nữ sao?”

“Ban đầu vốn không có, nhưng về sau Bãi Di và Trung Nguyên qua lại với nhau, thế là truyền thuyết này mới dần xuất hiện. ” Thư Quý thái phi dường như nhớ tới chuyện gì thú vị, liền cười vui vẻ, nói: “Đêm ấy có rất nhiều thiếu nữ còn chưa tới tuổi để hát đối, đa phần bọn họ đều một mình lén nấp vào trong giàn bí ngô rậm rạp nào đó, nghe đồn giữa đêm khuya tĩnh lặng, nếu có thể nghe thấy lời chuyện trò của Ngưu Lang, Chức Nữ lúc gặp nhau, sau này lớn lên, thiếu nữ đó sẽ nhận đượctình yêu son sắt thủy chung, có thể sống với nam tử mà mình yêu tới lúc răng long đầu bạc. ”

Tôi mím môi cười, nói: “Chuyện này thì đúng là có chút hoang đường, ai mà nghe lén được cuộc chuyện trò của Ngưu Lang, Chức Nữ chứ? Khi ấy Ngưu Lang, Chức Nữ đang đoàn tụ trên cầu Hỉ Thước, làm gì có thời gian mà tới nhân gian. ”

Thư Quý thái phi bật cười. “Đâu phải là Ngưu Lang, Chức Nữ thật sự, chỉ là những cặp nam nữ đã hát đối thành công đang trốn vào chỗ kín để trò chuyện với nhau mà thôi. ”

Tôi nghe thấy thú vị, bất giác bật cười theo. Tích Vân lúc này cũng dừng việc giặt quần áo lại, ghé tới góp vui: “Còn chưa hết đâu, hôm mùng Bảy tháng Bảy đó bọn ta đều phải dậy sớm, vì người già trong tộc nói hôm đó bảy nàng tiên sẽ hạ phàm tắm rửa, nếu uống được nước tắm của bọn họ thì có thể tránh khỏi tà ma bệnh tật, tuổi thọ tăng lên. Thứ nước ấy được gọi là ‘Song thất thủy’, vì có nhiều lợi ích như thế nên vào ngày này, khi con chim đực vừa mới cất tiếng hót vang, mọi người liền tranh nhau đến bên bờ sông lấy nước, sau đó mang về đựng vào vò, để dành sau này từ từ uống. ”

Tích Vân quay sang nhìn Thư Quý thái phi, cười nói: “Hồi nhỏ, Thái phi rất nghịch ngợm, sáng hôm ấy thường dậy sớm nhất, kéo ta đến bên bờ sông lấy nước đầu tiên. ”

Thư Quý thái phi khẽ mỉm cười. “Chuyện từ bao năm trước rồi, không ngờ ngươi còn nhớ rõ như thế, bây giờ mới mang ra trêu ta. ”

Tích Vân cất tiếng cười vang. “Hồi nhỏ là quãng thời gian vui vẻ nhất, không có điều gì vướng bận. Về sau vào cung rồi, đâu còn được tự do tự tại như vậy nữa. ”

Thư Quý thái phi có chút ngẩn ngơ, thần sắc như vui vẻ mà lại như buồn bã. Có điều, tất cả đều chỉ thoáng qua, tựa như chút sương mù buổi sớm khi mặt trời còn chưa ló dạng, rồi bà trầm giọng nói: “Về sau, mỗi dịp Thất Tịch, trong cung đều là tiên đế bầu bạn bên ta, hai người bọn ta thường ngồi uống trà với nhau, thỉnh thoảng trò chuyện đôi câu. Cũng có lúc ta đàn Trường tương tư, tiên đế thổi Trường tương thủ, hợp tấu một khúc nhạc, rồi hai bên lặng lẽ nhìn nhau, cảm thấy vô cùng thư thái. Chỉ là… tiên đế đã qua đời, giờ chỉ còn lại mình ta lê kiếp sống tàn giữa chốn nhân gian. Chẳng biết ở dưới suối vàng, tiên đế có cảm thấy cô đơn, buồn bã vì không có ta bầu bạn cạnh bên không nữa?”

Tôi biết Thư Quý thái phi đang thương tâm vì cái chết của tiên đế, liền an ủi: “Nếu khi tiên đế qua đời, Thái phi lấy thân tuẫn tình, tiên đế ở dưới suối vàng lại càng chẳng thể yên nghỉ. Tiên đế yêu Thái phi sâu sắc như thế, tất nhiên hy vọng sau khi mình qua đời, Thái phi và Thanh có thể tiếp tục sống thật tốt, thật vui vẻ, không bị vướng bận điều gì. ”

Thư Quý thái phi ngước nhìn bầu trời tối mịt mà ngơ ngẩn, hồi lâu sau mới thở ra một hơi dài, cất giọng thê lương: “Nếu không vì có nỗi khổ bất đắc dĩ, chỉ e tấm thân tàn này của ta đã sớm đi theo tiên đế rồi. ”

Tôi suy nghĩ một chút, đoạn nghiêm túc nói: “Thái phi đã có nỗi khổ bất đắc dĩ, vậy xin hãy vì nỗi khổ bất đắc dĩ này, cũng là vì Thanh, mà sống tiếp cho thật tốt. Hoàn Nhi biết, nếu không còn Thái phi ở bên, dù Thanh có được cuộc sống yên vui, an nhàn thế nào, rốt cuộc vẫn sẽ cả đời day dứt. ”

Thư Quý thái phi đột nhiên xoay người lại, chăm chú nhìn tôi, sắc mặt dần trở nên hiền từ, dịu giọng nói: “Hoàn Nhi, Thanh có được con chính là cái phúc lớn nhất của nó rồi. ”

Trái tim tôi nhảy dựng lên, khuôn mặt nóng bừng, vội vàng khom người hành lễ, cất giọng chân thành: “Có thể gặp được Thanh, ấy cũng là cái phúc lớn nhất của Hoàn Nhi. ”

Thư Quý thái phi vội đỡ tôi dậy, lại thở phào một hơi, trong mắt tràn ngập nét trìu mến, hiền từ.

Tôi thấy trăng đã lên cao, thời gian không còn sớm nữa, bèn đứng dậy cáo từ.

Vầng trăng tuy rất sáng nhưng các vì sao vẫn rạng rỡ vô cùng. Có điều, nói cho cùng đây vẫn chỉ là trăng đầu tháng, không đủ để soi tỏ đường đi, thế nên tôi vẫn phải xách theo một chiếc đèn lồng nhỏ, bước đi chậm rãi.

Ánh trăng phủ xuống như một làn khói sương trắng lóa, đường núi gồ ghề, lại nhiều đá lớn nên tôi phải đi rất cẩn thận, thỉnh thoảng lại nghe có tiếng con chim nào đó bay vút qua, giữa vùng núi non tịch mịch, âm thanh ấy thực chói tai vô cùng.

Tuy tôi đã đi qua con đường này rất nhiều lần nhưng dù sao cũng không dám sơ suất. Đang lúc tập trung tinh thần, chợt vang lên một tiếng “bộp”, có bàn tay ai đó vỗ vào vai tôi. Bốn phía bóng núi trập trùng, những tảng đá lớn nhìn như quái thú, trái tim tôi đập rộn lên, không kìm được thất thanh kêu lớn: “Ai đó?”

Lọt vào mắt tôi là một đôi mắt ngợp nét cười, trông thật quen thuộc và ấm áp xiết bao. Tôi dần bình tĩnh trở lại, vừa ngạc nhiên, vừa vui mừng, nhào thẳng vào lòng y, tò mò hỏi: “Sao huynh lại tới đây?”

A Tấn đứng bên cạnh cười hì hì, đáp thay: “Vốn trong cung mở tiệc nhưng được nửa chừng thì Vương gia giả vờ uống say, thế là Hoàng thượng mới vội sai người đưa ngài về phủ. Nào ngờ vừa mới vào phủ, thấy người trong cung đã rời đi, Vương gia liền lập tức tỉnh rượu, vội vàng chạy tới nơi này. ”

Thấy A Tấn cũng ở đây, tôi vội rời khỏi lòng Huyền Thanh, chỉnh sửa lại quần áo. Lòng đang vô cùng hoan hỉ nhưng ngoài miệng tôi lại trách: “Huynh điên rồi, ban đêm đường núi khó đi lắm đấy!”

Y bước lại gần, ghé tai tôi, khẽ nói: “Ta muốn gặp nàng mà. ”

Hai má tôi đỏ bừng, vội ngoảnh đầu đi, phỉ phui một tiếng: “Muốn gặp muội thì phải tới ngay hay sao, không tới thì có vấn đề gì chắc? Có ai đang đợi huynh à?”

Y khẽ nhéo tai tôi, cười nói: “Tất nhiên là nàng không đợi ta rồi… Đến nói dối cũng không biết, tai nóng hết cả lên rồi này. ”

Tôi đang định biện bạch, chợt nhớ tới việc vừa rồi, liền đấm nhẹ lên vai y. “Vừa rồi tại sao lại dọa muội như vậy? Làm muội sợ chết mất. ”

Y cười hà hà, đáp: “Làm gì có ai đi đường mà tập trung tinh thần quá thể như nàng, chỉ biết cắm cúi nhìn đường thôi, ngay cả việc ta đi theo sau cũng không biết. ”

Tôi không thèm để ý đến y, quay sang nói với A Tấn: “Ngươi cũng chẳng ra gì, chỉ biết đi theo chủ nhân nhà ngươi mà làm bừa thôi. ”

A Tấn cười hì hì, nói: “Nương tử đừng giận mà, hãy nể tình Vương gia đêm hôm khuya khoắt mà còn tới đây đi. ”

Tôi khẽ cười một tiếng, nói: “Có ai giận đâu nào. ”

Tới lúc này, Huyền Thanh mới lên tiếng: “Nàng đi một mình, ta không yên tâm, vì thế mới đi theo nàng. ”

Tôi không kìm được hơi nhếch khóe môi, khẽ nói: “Tất nhiên muội biết chứ!”, rồi lại hỏi: “Huynh còn phải tới An Tê quán đúng không? Mau đi thỉnh an Thái phi trước đi!”

Y “ừm” một tiếng, giao chiếc đèn lồng trong tay cho A Tấn, nói: “Ngươi hãy đích thân đưa nương tử về, ta đi thỉnh an Thái phi trước. ” Y chăm chú nhìn tôi, khuôn mặt ngợp nét vui mừng, khẽ nói: “Nàng đợi ta nhé!”

Tôi thẹn thùng cúi đầu, lí nhí đáp lời y: “Được!” Rồi y một mình đi về hướng An Tê quán. Đợi sau khi y đã đi xa, tôi mới cùng A Tấn chậm rãi quay về.


Stickman AFK: Liên Minh Bóng Đêm

Chương (1-249)