Tiểu thơ nhà Từ phú hộ
← Ch.071 | Ch.073 → |
Lúc đi ngang qua sạp bán bánh mứt, mấy đứa nhóc cũng bắt chước người lớn bốc ăn thử mấy loại mứt bày trên mâm nhỏ. Nào là mứt thèo lèo cứt chuột (1), mứt dừa, mứt gừng, mứt nghệ, hạt sen. Mấy loại mứt này làm từ đường trắng, không phải đường thốt nốt như nhà Mai dùng, nên nhìn rất đẹp mắt, vừa trắng vừa thơm. Mứt dừa còn được làm ra màu xanh lá dứa, màu hồng trái gấc. Mấy người lớn đều ghé ngang mua một ít về cúng tổ tiên, còn mứt nhà mình làm thì để trong nhà ăn.
Đông nhất là sạp bán trầu cau, rượu trà. Quày cau xanh mướt treo quanh cột sạp. Trên mâm là cau được tách từng nhánh, lá trầu xếp ngay ngắn xoay hình tròn trong thúng. Còn có rổ tre nhỏ xếp từng miếng trầu đã được têm sẵn sáu miếng, mười hai hoặc mười sáu miếng. Người ở đây ít khi dùng trà để uống trong sinh hoạt ngày thường mà chỉ dùng trong lễ cúng hoặc trong chùa, am để cúng Phật. Rượu được bán đủ loại, rượu gạo, rượu nếp, nếp than; bình to, bình nhỏ đủ kiểu.
Cách đó hai sạp là vợ chồng thím Bô Pha. Người Chân Lạp đón năm mới theo Phật lịch nên năm mới của họ vào khoảng tháng tư Âm lịch. Cũng là thời điểm giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa. Lúc người Việt, người Hoa rộn ràng đón Tết thì họ cũng bận rộn làm đồ gốm, đẽo đá, may thêu, dệt vải để bán. Đây là dịp họ 'dễ' bán hàng nhất.
Sạp của thím Bô Pha bày đủ các đồ dùng gỗ từ chày cối, gáo múc nước đến tráp, lược, trâm cài tóc. Hôm nay thím còn bán thêm đồ dùng bằng đá nữa. An ca vui vẻ chào thím ấy. Hai nhà thường cùng về trên đường nên quen thân. Thấy Mai nhìn mấy cái cối đá, thím ấy nói:
– Đệ đệ ta làm, hắn khiêng một cái xuống ghe cho người ta, một chút trở lại.
– Dạ, thúc ấy ở gần nhà thím sao?
– Cách nhà ta hai khắc, gần thạch động.
Mai thật sự muốn mua cái cối đá, sẽ đỡ nhiều công khi làm bánh. Hơn nữa cô muốn thử làm bún gạo, miến khoai lang hay bánh khoai mì. Trước để trong nhà ăn, sau là thử nhờ dì dượng năm bán đi các chợ xung quanh.
– Ca, mình xin nương tiền mua cái cối đá được không? Có nó làm nhân bánh ngon hơn.
Mai xoay lại hỏi An ca, cô chưa dám nói về bún gạo hay bún miếng.
Chào thím Bô Pha xong mấy đứa đi về phía sạp nhà mình. Nhà Mai bán gần xong, nương dặn mấy đứa coi hàng, rồi kéo ngũ cô đi các sạp mua đồ Tết. Lưu bá mẫu cũng giao sạp cho tam Mi, tứ Mi đi theo hai người. Haiz, đàn bà con gái thời nào đi 'shopping' cũng thích đi thành nhóm, vậy mới thành 'cái chợ'.
Người lớn đi rồi, Mai mới nói lại chuyện cái cối đá. Giá nó mắc quá nên mấy đứa nhỏ đều không dám xin mua. Mấy nhà khá giả trong làng đều có cối đá. Nhà nào muốn làm bánh đều có thể đến mượn xài, nhưng nhà mình có đương nhiên tiện lợi hơn. Mai liếc a Cúc rất nhanh rồi ậm ừ nói:
– Tỷ, hay là tỷ xin nương đi. Nếu tỷ nói tỷ muốn học làm bánh để … để sau này à, .. à không bị nhà người ta chê chắc nương sẽ mua.
– Cái gì?
A Cúc lúc đầu không hiểu, rồi à ra, vươn tay nhéo lỗ tai Mai nói:
– Muội dám … dám,
Mai né ra sau lưng Bình ca trốn. Tỷ ấy dám dám vài tiếng cũng không nói hết câu. A Phúc không hiểu vỗ tay nói:
– Tỷ xin nương đi, nương sẽ cho mà, đi … đi.
– A Phúc, đệ dẫn tỷ đi tìm nương đi, đệ xin ngũ cô nữa mới được.
– Được.
Cuối cùng giao nhiệm vụ này cho hai người đó đi. Mấy đứa ở lại sạp vừa bán đồ vừa xem người ta mua bán xung quanh. Xéo góc bên kia là nhà Nguyễn bá. Thịt heo là món mà nhà nào cũng muốn mua để làm mâm cơm cúng Tết nên bên đó luôn có khách. Nhà Lưu bá và nhà Mai cũng đã mua rồi, hai gói thịt đặt trong rổ phía trong sạp.
Qua giờ tỵ thì chợ bắt đầu vãn. Dù là ngày giáp năm hay đầu năm thì người nông dân vẫn 'ưu tiên' cho ruộng đồng. Có đi chợ sắm Tết cũng không thể đi cả ngày để lỡ việc ở nhà.
– A Mai, nhìn kìa, là thiếp mới của phú hộ đó. Người đi trước mặc áo lụa xanh là tiểu thơ nhà họ.
Tứ Mi khẽ kéo áo Mai nói nhỏ.
– Thật? Sao muội biết?
– Lúc nãy họ vô chợ, tam bá mẫu chỉ cho nương biết.
Trong nhóm người đang đi ra bến có một vị tiểu thơ mặc áo dài quá gối, lớp áo trong màu trắng, lớp áo ngoài xanh nhạt. Váy hơi xoè màu xanh đậm dài đến mắt cá chân. Lúc bước đi chỉ thấp thoáng thấy đôi giày vải xanh trắng. Cổ áo chéo bên phải và tay áo rộng đều có viền trắng thêu hoa xanh. Mái tóc được vấn và cài trâm hơi lệch, còn lại xoã dài ngang lưng.
Ngoài hai cây trâm bạc tinh xảo trên đầu còn có đôi bông tai hình lá rất đẹp. Gương mặt vị tiểu thơ này hơi nhỏ, thon gầy, nước da trắng rất ưa nhìn. Lần đầu tiên Mai thấy một vị 'tiểu thơ' thực. Nhìn cách ăn mặc rất cách biệt với những nông dân áo vải thô, giày sợi gai đang buôn bán xung quanh.
Theo sau Từ tiểu thơ là một thiếu phụ tuổi chỉ lớn hơn một chút nhưng nhìn cách tóc được bới lên sau đỉnh đầu liền biết là thiếu phụ. Tuy rằng thiếu phụ ăn mặc không đẹp, không có trang sức như Từ tiểu thơ nhưng cũng khác hẳn so với các phụ nhân xung quanh. Khác biệt lớn nhất là làn da trắng của người không 'dầm mưa dãi nắng' và ánh mắt nhìn thẳng đường đi, không liếc ngang dọc nhìn người xung quanh. Giống như cảnh chợ Tết náo nhiệt rất quen thuộc hoặc không đáng để người ta nhìn.
Theo sau là một người Mai biết trước đây. Là vị tẩu tẩu mua đường nhà Mai lúc trước và một thanh niên chắc là chồng - cháu trai bá mẫu bán chiếu trong chợ làng. Hai người đi sau đều xách giỏ đầy các món đồ bên trong. Chiếc ghe nhà phú hộ thật lớn. Đây là loại ghe dùng đi biển với thành ghe cao, mũi ghe vươn lên, thuôn nhọn. Mui ghe làm hai mái dốc như mái nhà. Bề rộng mui cỡ đáy ghe, vẫn chừa lại một khoảng hẹp để người ở hai đầu qua lại mà không phải đi vào trong.
Dù trời chưa nắng gắt nhưng vị tiểu thơ và thiếu phụ vẫn chui vào trong mui buông màn xuống. Sau đó màn cửa sổ bên thành ghe được vén lên, khuất tầm nhìn của mọi người.
Trên đường đi chợ về, Mai lại bị Cúc tỷ nhéo hai bên lỗ tai đau điếng. Cô vội vàng nhảy qua ghe Nguyễn thúc trốn. Đứa nhỏ hai nhà cười khanh khách, chỉ có người lớn và nhà Nguyễn bá không hiểu chuyện gì lên tiếng can ngăn. A Phúc và a Hảo mỗi đứa cầm cái trống gõ vang vang trên sông đến nỗi điếc tai bị la mấy chập mới đem cất trong giỏ.
Về đến nhà Mai vẫn lãng tránh xa a Cúc. Cô kéo Bình ca chạy thẳng vào xưởng gỗ nơi cha đang cắt mấy bảng chữ.
– Cha, nhị ca. Chiếc xuồng năm lá mình sửa lại phần mũi.
Mai kể lại chuyện lúc sáng nhìn thấy mũi ghe nhà phú hộ. Mũi ghe nhà mình làm cần thuôn dài hơn, cao hơn nữa sẽ lướt nước tốt, chèo nhẹ hơn và cũng không sợ sóng to sông lớn. Ba cha con đang vẽ vẽ, tính tính xem cắt ván be, ván đáy làm sao thì nghe tiếng a Phúc khóc ở sân sau.
Mấy người trong nhà chạy ra xem, thấy nhóc đứng trong chuồng gà oa oa khóc lớn.
– Sao vậy con, bị làm sao?
– Gà của con, mất ba con. Oa oa, là con gì ăn mất rồi!
Cha nghe xong, bước vào trong chuồng, rồi đi dò theo vết ra ngoài. Cả nhà thấy vậy cũng bước theo nhìn. Có dấu chân và vết bò từ chuồng gà ra ngoài bờ ruộng, băng qua con rạch cạn rồi kéo dài về phía bìa rừng.
– Là kỳ đà phải không cha?
Bình ca nhìn cha hỏi.
– Ừ, cha nghĩ là nó.
Cha quay sang xoa đầu a Phúc nói:
– Sáng nay cha lo cưa gỗ, không để ý chuồng gà. Mai mốt cha đền cho con gà khác.
A Phúc vẫn mếu máo gật đầu.
– Nó còn tới ăn gà nữa không? Bầy vịt nữa?
– Cha đi nhà Nguyễn bá hỏi cách đặt bẫy coi sao.
Mai nhìn bãi chăn vịt, đàn vịt nhiều hơn nên không đếm được. Cô chưa thấy dấu con kỳ đà đi qua, nhưng chỉ là sớm hay muộn thôi. Nó quen ăn chắc sẽ tới nữa, nếu nó đến ban đêm thì làm sao?
Vĩnh ca và a Phúc thay phiên nhau trông chừng chuồng gà và đàn vịt, còn dẫn theo con Mực đi vòng quanh như đi tuần. Con Mực cao hơn đầu gối a Phúc rồi. Lúc ở nhà hai đứa như hình với bóng, chỉ có buổi tối con Mực mới tách ra ngủ trước hiên nhà.
Lúc cha về mang theo một cái bẫy gỗ, có Nguyễn thúc đi theo. Hai người đi ra sau vườn, xem xét dấu vết con kỳ đà để lại. Mấy đứa con trai đi theo nghe Nguyễn thúc nói, Mai cũng nghe.
– Bình thường nó ăn đêm, không hiểu sao ban ngày lại chạy ra ăn.
– Ta nghĩ nó ăn mấy con gà lúc khuya. Sáng nay ta cho gà ăn hơi vội, không thấy vết chân nó.
– Có thể, chân con này không lớn. Nó ăn ba con gà rồi, hai ba ngày nữa nó mới đi kiếm thức ăn lần nữa. Ta chỉ huynh cách đặt bẫy, huynh làm thêm một cái nữa càng tốt. Sợ là không thể bắt được nhanh đâu.
– Được. Đa tạ đệ.
Sau đó Nguyễn thúc chỉ cách đặt bẫy kỳ đà bằng cá chết hoặc cóc ếch, là thức ăn mà kỳ đà thích nhất.
Trong nhà nương và ngũ cô gói trước bánh nhân ngọt chay chỉ có chuối chín làm nhân, bốn nải chuối lớn gói được hai mươi sáu đòn. Tay Mai còn nhỏ, không đủ sức siết chặt bánh khi gói nên đợi nương xếp bánh vào nồi. Cha đã làm bếp ở góc sân, nhóm lử xong thì Mai canh bếp lửa. Nồi đất không đủ lớn nên phải chia hai nồi, hai bếp lửa bập bùng từ đầu giờ tỵ.
(1): mứt thèo lèo cứt chuột làm từ bột gạo, đậu phộng, mè đen và đường, vì nó có màu đen, cỡ ngón tay cái giống cứt chuột đồng nên người ta gọi luôn.
← Ch. 071 | Ch. 073 → |