30: Mãn Hạn Phóng Thích
← Ch.29 | Ch.31 → |
Tháng tư, trong cung xuân về hoa nở, ta cắm rễ trong Tuyên Vi điện.
Người xưa nói rất đúng: Xuân buồn ngủ, hạ uể oải, thu lim dim.
Sau khi thần kinh thả lỏng, ta trở nên càng ngày càng thích ngủ, hận không thể mười hai canh giờ một ngày đều nằm dài trên giường, lấy ván giường làm thành đồ ngủ mới thôi.
Gần đây Ngụy Uyển Nhi đang cố gắng phục hồi tâm trạng từ trong bi thương thất tình, chuyển sự chú ý lên sự nghiệp cắm hoa, làm rất nhiều sản phẩm thủ công cầu hoa giỏ hoa các loại.
Làm xong không có chỗ trưng bày, nàng lại sai người đưa cho các tỷ muội hậu cung một cái, cái rực rỡ nhất trong đó đưa đến Tử Thần điện.
Lý Tư Diễm rất là hài lòng, cho nàng một cái lư hương mạ vàng để đáp lễ.
Cái lư hương mạ vàng này mang kiểu cách lộng lẫy tráng lệ của đồ vật ngự chế riêng, chỉ vừa đặt xuống đó thôi, ánh sáng lấp lánh khoa trương đã bắt đầu tỏa ra bên ngoài.
Ngụy Uyển Nhi vào cung thời gian ngắn, chưa từng thấy thứ đồ tốt này, rất lấy làm lạ, thế là cố ý kéo ta tới cùng nhau thưởng thức.
Ta líu lưỡi nói: "Hắn thật hào phóng với cô, cái lư hương này không tầm thường."
"Thật sao?"
Ngụy Uyển Nhi là con thứ, không biết cách đánh giá đồ vật, chỉ láng máng cảm thấy lư hương này chế tác tốt.
Ta nói với nàng: "Cái này được nung trong lò tiên đế xây dựng, mời thợ thủ công tốt nhất, lư hương bày trong Ngự Thư Phòng chính là kiểu dáng này."
"Thật sự có nguồn gốc như vậy?" Ngụy Uyển Nhi tò mò cầm lư hương lên ngắm nghía xung quanh rồi lại để sang một bên nói: "Nhưng mà có hiếm lạ nữa cũng là vật chết mà thôi."
"Đúng rồi." Nàng như chợt nhớ ra cái gì, chuyển một cành hoa mai nuôi trong bình từ đằng sau đến, đặt bên cạnh ta nói: "Vật chết không có ý nghĩa, ta tặng cô cái sống.
Hôm nay là sinh nhật cô phải không, bình hoa mai này tặng cho cô, buổi tối cùng nhau ăn mì trường thọ."
Ta rất bất ngờ, mơ mơ màng màng ôm cái bình trong ngực, lúng túng nói: "A... !Cảm ơn cô, bản thân ta cũng quên mất, làm sao cô biết được?"
Nàng nói: "Thượng Quan bảo lâm từng nói với ta.
Nàng nói lúc nàng ở nhà mẹ đẻ, ngày này hàng năm trưởng tỷ nhà nàng đều sẽ đi tiệc sinh nhật của cô."
Ta ôm chặt cái bình, cảm động đến suýt nữa rơi lệ: "Tại sao cô lại đối tốt với ta như vậy..."
Ngụy Uyển Nhi cười nói: "Cũng đâu có tốt lắm."
Lúc bữa tối, hiếm thấy Thượng Quan bảo lâm cũng tới Tuyên Vi điện, tặng ta một đĩa điểm tâm nàng tự làm.
Ba người, ta, nàng, còn có Ngụy Uyển Nhi cùng nhau ăn một bữa mì đơn giản.
Nàng còn mang đến một tin tức nho nhỏ, nói ngày hôm trước khuê phòng của tân Hoàng hậu Ôn Bạch Bích đột nhiên bị cháy, không rõ nguyên nhân, dọa Ôn thượng thư lệnh đến suýt nữa ngất đi.
Cái này có thể gọi là tin tức nho nhỏ sao?!
Ta và Ngụy Uyển Nhi đều kinh ngạc đến ngây người, vừa đặt đũa xuống là một tràng tiếng truy hỏi: "Xảy ra chuyện gì? Vậy Ôn hoàng hậu thế nào? Bị lửa cháy tới không?"
Thượng Quan bảo lâm bị phản ứng thái quá của hai chúng ta, nhất là ta làm giật nảy mình, ấp úng nói: "Ta... !ta cũng không biết.
Đây là Phòng bảo lâm tỷ tỷ nói cho ta biết.
Nàng chỉ nói kinh sợ nhưng không nguy hiểm, cho nên chắc là Ôn hoàng hậu không sao..."
Ta thở phào một hơi, nói: "Không sao thì tốt, nhưng khuê phòng cháy trước khi cưới dù sao cũng là điềm xấu."
Ngụy Uyển Nhi cũng nhíu mày: "Không phải là có người muốn gây bất lợi cho Ôn hoàng hậu chứ?"
"Không giống." Ta lắc đầu: "Vị trí Hoàng hậu này không đến mức hiếm lạ như thế." Huống hồ nàng sắp vào cung rồi, ra tay bây giờ có phải quá muộn không?
Ba người xúm lại phân tích cả buổi, cuối cùng đưa ra kết luận: Chắc chỉ là không may.
Chủ đề Ôn hoàng hậu cứ thế kết thúc, ba người chúng ta ở xa chúc nàng bình yên vô sự, rồi lại quay về tán gẫu chuyện tiểu thiếp thứ bảy của Tể tướng đại nhân lên chức...
Đưa tiễn Thượng Quan bảo lâm xong, Ngụy Uyển Nhi hỏi ta, Ôn hoàng hậu bị đại nạn này, đại điển phong Hậu có thể bị trì hoãn hay không, vân vân.
Ta cẩn thận suy nghĩ, cảm thấy khả năng không cao, liệt kê cho nàng ba lý do.
Thứ nhất, Ôn Bạch Bích này tính tình lãnh đạm, nghe nói là nữ thần tiên cho dù núi Thái Sơn đổ trước mặt cũng không chớp mắt lấy một cái, chỉ một trận lửa nhỏ không dọa được nàng.
Thứ hai, Khâm Thiên Giám vất vả tính toán ngày hoàng đạo, bỏ lỡ thì phải chờ một năm, không thỏa đáng.
Thứ ba, Lý Tư Diễm sẽ là người biết quan tâm đến cảm nhận của nữ nhân sao? Rõ ràng là hắn không phải.
"Cho nên đại điển phong Hậu hẳn sẽ không bị trì hoãn." Ta đưa ra kết luận: "Cùng lắm là giản lược quy trình thôi."
"Ồ..." Ngụy Uyển Nhi ưu sầu nói: "Thôi, tóm lại nàng vẫn phải vào cung..."
***
Sự thật chứng minh ta đúng là hiểu mẹ nó quá rõ Ôn Bạch Bích, Khâm Thiên Giám và cả Lý Tư Diễm.
Chẳng những đại điển phong Hậu không bị trì hoãn, còn bị Lễ bộ ép tăng thêm mấy nghi thức.
Nói tóm lại, ngoài trừ dọa sương sương Ôn thượng thư lệnh ra, trận lửa này đốt một cái tịch mịch.
Hơn nữa, có lẽ cảm thấy không quá may mắn, chuyện hỏa hoạn này cũng không lan truyền ra, người trong cung biết việc này lác đác không có mấy.
Nếu không phải hôm ấy Thượng Quan bảo lâm vô tình nhắc đến, có lẽ đến giờ ta và Ngụy Uyển Nhi đều chẳng hay biết gì.
Thấy thời gian Ôn Bạch Bích vào cung đã gần tới, Ngụy Uyển Nhi ôm triều phục mới của nàng, lo sợ tìm hiểu tính tình sở thích của cấp trên mới từ ta: "Không biết nàng là người như thế nào, có dễ tiếp xúc hay không."
"Nàng sao?" Ta hồi tưởng một chút, trước mắt hiện ra khuôn mặt lạnh như sương của Ôn Bạch Bích.
Thực ra ta cũng không có ấn tượng sâu với nàng, chỉ là từng đánh mã cầu cùng nhau vài lần.
Còn nhớ đây là một cô nương vô cùng vô cùng xinh đẹp, nhưng không quá biết kết giao.
"Con người nàng chắc là rất tốt, gia thế càng tốt hơn, đích nữ chi trưởng của Ôn thị, cha là Thượng thư lệnh, mẹ là hoàng thân quốc thích.
Ta có mấy người bằng hữu thầm mến nàng, nhưng nàng cư xử tương đối lãnh đạm.
Người bạn kia của ta viết một sọt thơ tình, lại không dám đưa cho nàng một phong..."
Ngụy Uyển Nhi tấm tắc ngưỡng mộ: "Xuất sắc vậy sao?" Sau đó, lại bắt đầu tự ti: "Chẳng trách có thể làm Hoàng hậu."
"Ta đột nhiên nhớ ra một chuyện." Ta ngồi thẳng người: "Nàng và nhà ta còn có chút ngọn nguồn.
Mấy năm trước ca ca ta đỗ Thám hoa, lúc diễu phố suýt chút nữa bị Ôn thượng thư lệnh bắt về ở rể.
Cha ta không cho, nói phải lập nghiệp trước mới thành gia, làm Ôn thượng thư lệnh tức quá chừng."
"Sau đó thì sao?" Ngụy Uyển Nhi hỏi.
"Về sau ca ca ta bị giết, Ôn Bạch Bích nhận chỉ dụ phong Hậu." Ta nâng má, cười nói: "Bọn họ không có duyên phận."
"Ta xin lỗi." Ngụy Uyển Nhi vội vàng nói xin lỗi.
Ta thở dài, ca ca trong cõi u minh của ta và Ôn Bạch Bích như ngồi trên cùng một cán cân.
Cẩu Hoàng đế khẽ gẩy một cái, ca ca ta gặp đại nạn, rơi phịch xuống đất, Ôn Bạch Bích lại dựa vào lực này, ngồi lên vị trí quốc mẫu cao chót vót.
Cũng không phải đang trách nàng, chỉ là cảm thấy có phần bất lực.
Ở dưới hoàng quyền như núi, sấm sét mưa móc đều là quân ân.
Một tay Lý Tư Diễm cho ngươi sống, một tay cho ngươi chết, vận mệnh mỗi người trong quốc gia này đều nằm trong tay hắn.
Bình thường gió êm sóng lặng thì còn tốt, đợi đến khi tai vạ đổ đầu, ngay cả chút lực đánh trả ngươi cũng không có.
Tâm trạng ta hơi nặng nề, nhặt một quả quýt cẩn thận lột ra, trong lòng âm ỉ lo lắng mãi.
Mấy ngày nay ta luôn nghĩ đến chuyện tối hôm đó, nhớ tới bóng lưng kiềm chế mà kiên quyết của Lý Tư Diễm.
Lúc ấy chỉ cảm thấy đồ chó nhà ngươi cũng có ngày hôm nay, nhưng mấy ngày sau tỉnh táo lại, ta lần lượt nhớ lại rất nhiều chi tiết, nhớ lại càng nhiều, cảm giác bất an càng mãnh liệt.
Ta liên lục hỏi mình vấn đề này: Hắn nói sẽ thả ta đi, nhưng nếu như hắn đổi ý thì làm sao?
Làm Khởi cư lang ngự tiền hai năm, ta tự nhận thấy cũng coi là hiểu rõ Lý Tư Diễm.
Lý Tư Diễm không giống mấy ca ca sống an nhàn sung sướng, thuở thiếu thời sống trong hoàn cảnh cực đoan bần cùng, đồ vật hắn từng có được quá ít, thứ nắm giữ quá ít, cho nên cực kỳ cố chấp nắm chặt mỗi một thứ hắn có trong tay, giang sơn của hắn, quyền hành của hắn, những thứ vàng bạc quý giá của hắn... !Giống như chó hoang bảo vệ thức ăn, cẩn thận trông chừng khúc xương của mình.
Hắn luôn luôn nhấn mạnh với ta, bảo ta đừng có tâm tư không đứng đắn, một mực làm Khởi cư lang cho hắn, thậm chí không cho phép ta có cả vị hôn phu.
Không thể nghi ngờ rằng hắn coi ta là một khúc xương quan trọng cần trông chừng trong đống xương của hắn.
Có lẽ nội bộ chó hoang bọn họ sẽ có những tâm đắc trong việc lựa chọn xương, loại xương chẩm sau gáy¹ như ta thuộc về xương kém chất lượng như chân dài của đà điểu, không cần thiết, tốt nhất là sớm vứt đi, đề phòng sau này trầm mê vào, gây ra kết cục không tốt.
(1) Nghĩa bóng là tinh thần chống đối.
Ta là khúc xương kém chất lượng nhất dở tệ nhất, nhưng Lý Tư Diễm lại đến chết cũng không nỡ vứt ta đi.
Dù cho ngày đó hắn bị một lời của ta nói trúng tim đen, mất khống chế đến suýt nữa hạ độc thủ với ta, nhưng hắn cũng không thật sự nỡ ném khúc xương cấn răng ta đây xuống sông, mà là tìm một cái hố quen thuộc giấu đi, thử đi tìm khúc xương mới hợp khẩu vị hơn.
Hắn có thể tìm được là tốt nhất, nhưng nếu như những khúc xương khác đều không vừa ý, hắn có đào cái hố kia lên một lần nữa, rồi lại tha ta về không?
Hoặc là hỏi cách khác: Một người hung bạo, duy ngã, ham muốn chiếm hữu cực mạnh như thế thật sự sẽ tùy tiện thả ta đi, sẽ không đổi ý nữa ư?
Trong lòng có một giọng nói nho nhỏ lý tính nói cho ta: Hắn sẽ không.
Nếu như là Hoàng đế khác, ít nhiều sẽ bận tâm đến thanh danh, nhưng hắn là Lý Tư Diễm - một cẩu Hoàng đế đi ngược lễ giáo, giẫm đạp mọi phép tắc tín điều dưới chân.
Từ đầu đến cuối làm một người theo chủ nghĩa thực dụng, thanh danh đối với hắn mà nói quả thực không đáng là gì.
Hai năm trước, hắn đập tan đội ngũ văn thần đại diện cho Thái tử ca ca hắn, được nhóm quan võ huân tước nâng đỡ đưa lên hoàng vị.
Từ ngày đầu tiên lên ngôi, hắn đã mạo phạm triệt để đội ngũ văn thần bổn triều, hắn dám coi trời bằng vung giết Sử quan, đương nhiên cũng dám ra tay với nữ tử mồ côi Sử quan ta đây.
Nghĩ tới đây, khắp người ta tràn đầy cảm giác bất an mãnh liệt, cổ họng như có thứ gì chèn vào, nghẹn đến không thở nổi.
Ta yên lặng ngồi tại chỗ, ngẩng đầu nhìn xà ngang xà dọc của Tuyên Vi điện, hai tay hơi run lên.
Hai năm trước ta mang chí liều chết, lòng như tro tàn đối với tương lai, cho nên ta không hề sợ hắn, nhưng còn bây giờ thì sao? Ta thấy được hy vọng có thể rời đi xa, sẽ còn chịu đựng được thất vọng sao?
Sẽ không, hay là nói chính xác là không thể.
Con người là động vật sống dựa vào hy vọng, mọi người đều cảm thấy ta mạnh mẽ kiên cường, thực ra ta cũng không có ý chí cứng cỏi như vậy.
Trong lòng ta, làm Khởi cư lang cho kẻ thù giết cha đã là có lỗi với tổ tông dạy bảo, mỗi khi viết một chữ, cảm giác áy náy đều đang ăn mòn lòng tự trọng đáng thương.
Nếu như không có chút hy vọng bé nhỏ chèo chống, niềm tin của ta sớm muộn sẽ sụp đổ.
Sống như cái xác không hồn hai năm, từ lâu ta đã chán ghét cực độ tòa cung đình này.
Nếu như cả đời đều bị vây hãm trong lồng giam này, ta thà rằng nhảy từ trên Thanh Huy các xuống còn tốt hơn ngày ngày bị nỗi tuyệt vọng bình lặng tra tấn.
Nhị thúc thường hay dạy ta: Giấu trong lòng hy vọng về điều tốt nhất, thực hiện dự định cho điều tệ nhất.
Ta luôn luôn nhớ kỹ lời khuyên răn này trong lòng: Lý Tư Diễm bằng lòng thả ta đi là tốt nhất, nhưng nếu hắn hối hận...
"Cô... !cô vẫn ổn chứ?"
Ngụy Uyển Nhi thấy ta hồi lâu không nói gì, cũng chú ý tới sự khác thường của ta, thử hỏi thăm.
Ta giấu bàn tay đang phát run dưới bàn, nở một nụ cười khó coi: "Không có gì, đang suy nghĩ chuyện sau này, nhất thời thất thần, hơi ngẩn ngơ thôi."
Ngụy Uyển Nhi "ồ" một tiếng, vỗ nhẹ tay ta nói: "Mặc dù không biết bệ hạ sắp xếp thế nào cho cô, nhưng chuyện đâu còn có đó, thả lỏng tâm trạng đi."
Ta khẽ gật đầu.
Thực ra nàng nói không sai, thế sự vô thường, suy nghĩ nhiều cũng vô ích.
Cho dù tai kiếp không thể xoay chuyển thật sự đến với ta, chung quy cũng là binh đến tướng chặn, nước tới đất ngăn.
Lúc ta ở Dịch Đình vô cùng thích con mèo nhỏ của Hạ Phú Quý, thường hay vươn móng vuốt ra với nó, bắt tới ôm hôn nâng lên cao, mỗi lần mèo nhỏ đều rất ghét bỏ đạp một cước lên mặt ta.
Kỳ thực, Sử quan chúng ta là người đứng xem lịch sử, thỉnh thoảng cũng sẽ bị vận mệnh bắt lại ôm hôn một phen.
Ta cũng nên học tập triết học "meo" sinh của mèo nhỏ, cho vận mệnh một cái miêu quyền tuyệt đẹp.
***
Thời gian của đại điển phong Hậu đang gần kề từng ngày, cung đình im ắng đã lâu một lần nữa trở về vẻ náo nhiệt ồn ào khi xưa.
Các cung nữ bê các thứ đồ, qua lại như rồng bay phượng múa giữa các cung.
Khánh Phúc được ủy thác trách nhiệm, đích thân giám sát Bồng Lai điện trước khi Hoàng hậu vào ở, cả ngày như diều hâu trên cây mở mắt nhìn chằm chằm tiến độ tu sửa, hai mắt trợn đến đỏ ửng.
Tố Hành thì phân công quản lý, sắp xếp nhân sự, mang theo một đám nữ quan Thượng cung cục nắm vững tinh thần kiến thiết văn minh cung đình.
Ta tình cờ gặp nàng ta một lần, khi đó ta đang trèo lên cây hái hoa cho Ngụy Uyển Nhi, đúng lúc Tố Hành đi qua.
Chúng ta khó xử đối mặt, nàng ta ghét bỏ trừng mắt nhìn ta một cái rồi đi.
Ta nghĩ thầm, vào cung đến nay, rất nhiều người đều có chỗ thay đổi thái độ đối với ta, chỉ có nàng ta từ đầu đến cuối như một, ngày đầu tiên vào cung cảm thấy ta là rác rưởi, bây giờ vẫn cảm thấy ta là rác rưởi.
Rác rưởi của ngươi sắp bị trục xuất khỏi cung rồi, ta hô hào cách trời không: Có vui không, Tố Hành cô cô?
Ban đầu chỉ có Thượng cung cục bận rộn, gần sát ngày phong Hậu, ngay cả Tiểu Điệp và Thụy Âm cũng bắt đầu bận rộn.
Hiện giờ hai nàng đều là đại cung nữ Tuyên Vi điện, mọi công việc tham dự đại điển phong Hậu của Ngụy Uyển Nhi đều thuộc quản lý của hai người bọn họ, suốt ngày bận đến không thấy mặt mũi đâu, ngay cả Ngụy Uyển Nhi cũng buồn bực: "Chẳng qua ta chỉ đi tham gia náo nhiệt mà thôi, nào cần chuẩn bị kỹ càng như vậy chứ?"
Nàng còn phối hợp thêm cái chu môi, phàn nàn: "Không có ai hái hoa giúp ta nữa."
Trước mắt ta hiện lên cây đào trơ trọi ở cửa Tuyên Vi điện, cảm thấy toàn bộ thực vật có thể nở hoa trong cung đều nên xếp hàng đi dập đầu cho Ôn Bạch Bích.
Mùa này cỏ mọc én bay, toàn bộ cung đình đều đang vận hành cực nhanh, ta cũng bị lây sự bận rộn này, nhiệt huyết sáng tác tăng vọt, biểu hiện cụ thể là: Trong khoảng thời gian đang chờ đợi Lý Tư Diễm thả ta ra, ta không ngừng cày bừa viết lách, ròng rã viết xong hai quyển truyền kỳ.
Quyển thứ nhất viết về câu chuyện tài tử giai nhân, cực kỳ nhạt nhẽo.
Ta suy xét đến lượng tiêu thụ mà biên ra rất nhiều chi tiết ngọt ngào, thư sinh nhặt khăn giúp tiểu thư gì đó, rồi cái gì mà tiểu thư và thư sinh nửa đêm ngắm sao trên mái nhà.
Tóm lại là làm sao cho nó sến súa nhất, những thứ vụn vặt này vừa viết là không ngừng được, cho đến lúc ta muốn viết đoạn kết, đếm số chữ vậy mà đã gần hai mươi ngàn rồi.
Số chữ quá nhiều không tiện xuất bản, ta bèn đặt nó đang một bên không nghĩ đến nữa, bản thảo viết dở dang bị Thụy Âm vô tình phát hiện.
Thụy Âm không biết chữ, còn tưởng rằng ta viết thứ gì đại nghịch bất đạo, lập tức báo cho Ngụy Uyển Nhi.
Mặc dù Ngụy Uyển Nhi không coi là chuyện to tát, nhưng không chịu nổi Thụy Âm chuyện bé xé ra to, đành phải gọi ta tới một phen, hỏi ta đang viết cái gì.
Ta nghĩ ngợi, cảm thấy không có gì đáng ngại, bèn đưa bản thảo cho nàng.
Ngụy Uyển Nhi cầm bản thảo trở về điện, ta và tiểu cung nữ Tuyên Vi điện bắt đầu chơi song lục.
Buổi chiều Tiểu Điệp chạy tới gõ cửa phòng ta, vừa thấy ta là phàn nàn: Mấy khối lập phương chữ này có gì vui? Nương nương nhà nàng tay không rời sách đọc ba lần rồi, bữa khuya cũng không buồn ăn.
Nàng còn chưa nói với ta xong, Ngụy Uyển Nhi đã vội vã triệu ta qua, câu đầu tiên gặp mặt đã hỏi: "Cuối cùng Diệp Tam nương tử và Đỗ Sinh có ở bên nhau không?"
Diệp Tam nương tử và Đỗ Sinh là nhân vật nam nữ chính trong quyển truyền kỳ ấy, trước mắt ta vừa viết đến chỗ hai người bọn họ thề non hẹn biển, chuẩn bị công khai.
"Đương nhiên là ở bên nhau.
Đỗ Sinh đã đỗ Thám hoa, đương nhiên Diệp thượng thư bằng lòng gả con gái cho hắn rồi." Ta gãi đầu, hơi xấu hổ nói: "Đều là ta viết chơi thôi, cô thích đọc sao? Nếu thích đọc thì tối nay ta sẽ viết kết cục."
Ngụy Uyển Nhi thận trọng từ chối một chút, ngoài miệng nói mấy lời kiểu tạm thời không vội, thực ra trong mắt viết to rõ ràng hai chữ: Mau lên.
Thế là truyền kỳ của ta có thêm một vị độc giả trung thành: Thục phi quốc triều Ngụy Uyển Nhi nữ sĩ.
Vị nữ sĩ này giục bản thảo còn hung mãnh hơn cả Hạ Phú Quý, dưới sự thúc giục của nàng, ta cấp tốc kết thúc quyển "Diệp đế hoa" này, cũng triển khai bộ truyện tiếp theo, tên sách tạm đặt là "Tỏa song u mộng".
Tên sách hết sức uyển chuyển lãng mạn này xuất từ tay Ngụy Uyển Nhi.
Nàng nhiệt liệt đề nghị ta viết một bộ ngược luyến tuyệt thế, tốt nhất là cái loại ngươi yêu ta, ta không yêu ngươi ấy.
Có thể thấy được dưới hoàn cảnh tình cảm phái nữ bị đè nén, văn học oán phụ là rất có vị thế.
Ngụy Uyển Nhi đọc hết tác phẩm mới nhất của ta, nàng đắm chìm trong câu chuyện bi thảm, vẫn chưa thỏa mãn, hồi lâu sau mới nói: "Cuối cùng hai người bọn họ không đi chung đường cũng tốt, hận nước thù nhà ngăn cách, sao có thể an nhiên mà sống được? Trong lòng luôn sẽ có oán hận."
Ta nói: "Cái này gọi là nghiệt duyên, không nên xảy ra nhưng vẫn cứ xảy ra, cuối cùng chỉ có thể là kết thúc bi kịch."
Ngụy Uyển Nhi nói: "Đã định trước không thể viên mãn sao?"
Ta nghiêm túc nói: "Tuyệt đối không thể nào."
Hai quyển truyền kỳ này được ta để lại trên bàn sách của Ngụy Uyển Nhi, coi như để lại cho nàng một vật kỷ niệm, kỷ niệm tình bạn ngắn ngủi của chúng ta.
Còn có suốt một tháng này, cảm giác bất an của ta vẫn luôn không thể tiêu tan, ta tin tưởng văn chương là vật dẫn tốt nhất lưu giữ cảm xúc ở thời đại này.
Ta viết truyền kỳ là đang mượn vận mệnh nhân vật viết cuộc đời của mình, cho nên hai quyển truyền kỳ này ta không có ý định đưa đi xuất bản, cứ để chúng nó ở lại trong cung đi, giữ lại một đoạn nhân sinh ngắn ngủi của ta cho Ngụy Uyển Nhi, để lại cho người bạn tốt cuối cùng ta gặp được trong cung.
Một ngày trước đại điển phong Hậu, Khánh Phúc đến Tuyên Vi điện tìm ta, nói đợi đến lúc đại điển phong Hậu kết thúc, ta có thể rời đi từ cửa hông Dịch Đình.
Quy định trong cung là cấm mang theo tài sản xuất cung, bởi vì tất cả chi phí của ta đều là vua ban, cho nên những vật này đều phải để lại trong cung.
Khoảnh khắc này, tảng đá treo trong tim ta không biết bao nhiêu lâu cuối cùng cũng rơi xuống đất, ngàn vạn vui buồn xông lên đầu.
Ta muốn khóc, muốn gào khóc, muốn khóc ra tất cả băn khoăn lo được lo mất.
Lý Tư Diễm không đổi ý, hắn thật sự muốn thả ta đi.
Bị vận mệnh ôm hôn rối rít một trận, cuối cùng cuộc đời của ta đã trở về quỹ đạo vốn có.
Ta chớp mắt mấy cái với bầu trời: Từ từ để mình bình tĩnh lại đã, sau đó cười nói: "Thẩm Anh hiểu rồi, lúc ta tới một thân một mình, đương nhiên đi cũng phải đi sạch sẽ.
Khánh Phúc gia gia, ông yên tâm đi, đồ vật của hắn ta để lại y nguyên cho hắn, ta chỉ mang đi một bình mai, đó là Ngụy Thục phi tặng cho ta, ta làm vật kỷ niệm."
Khánh Phúc chắp tay sau lưng, nghiêm túc nhìn kỹ ta hồi lâu, mở miệng nói: "Ngươi cứ tự nhiên, nhưng lão phu cảm thấy rất kỳ lạ.
Nhớ không nhầm, từ ngày đầu tiên ngươi vào trong cung vẫn luôn la hét muốn ra ngoài, bây giờ được toại nguyện cũng không thấy ngươi vui vẻ mấy."
"Cái này không kỳ lạ, hôm tết Thượng Tị bệ hạ thân yêu của ông đã từng nói với ta, có lẽ sẽ có một ngày thả ta ra." Ta thản nhiên nói: "Ta đã đoán được có ngày hôm nay từ lâu, ông thử nghĩ xem, ngày nào còn có ý nghĩa hơn so với hắn cưới Hoàng hậu chứ?"
Khánh Phúc từ chối cho ý kiến, chỉ lạnh nhạt nói: "Chúc mừng."
Ta chợt nhớ ra một chuyện, kéo ông ta nói: "Chờ một lát." Ta quay người chạy về trong phòng, lấy ra một chiếc túi thơm nhỏ, đưa cho Khánh Phúc nói: "Cái này cho Khánh Phúc gia gia."
Ông ta ngẩn người, người tặng quà cho Dương đại tổng quản ông như cá diếc sang sông, nhưng có lẽ ông ta không nghĩ tới mình sẽ nhận được quà từ ta.
Trước kia ta từng mắng ông ta là lão già, thiến cẩu chết tiệt; ông ta cũng từng mắng ta không biết điều, ngu như lợn.
Theo lý mà nói, chúng ta nên là oan gia.
Nhưng ông ta từng cứu ta một lần khỏi cơn giận dữ của Lý Tư Diễm, còn giải vây giúp Tiểu Kim Liên và Tiểu Kim Liễu.
Ta dần dần nhận ra lão thái giám xỏ xiên này không hề đáng ghét như trong suy nghĩ của ta, thậm chí còn có phần hài hước...
"Đây là ta khâu, không quá đẹp nhưng hữu dụng, có thể đuổi rắn rết." Ta nói: "Hôm đó ta bị ốm, chọc giận bệ hạ, Khánh Phúc gia gia đã cứu ta một mạng, ta vẫn còn nhớ.
Đây là một chút tấm lòng, gia gia nhận đi."
Khánh Phúc không nói gì nhận lấy, vo viên bỏ vào trong tay áo rồi mới nói: "Ngươi hiểu chuyện sớm một chút thì cũng không đến nỗi chịu nhiều khổ sở như vậy."
Ông ta ngừng một chút, lại nói: "Sau này xuất cung rồi đừng ở lại Trường An, đi xa một chút, càng xa càng tốt, đừng để bệ hạ tìm được ngươi."
Ta nghi hoặc hỏi: "Tại sao?"
Ông ta thở dài: "Lão phu luồn cúi trong cung cả một đời, không hiểu được ngàn người thì cũng được tám trăm.
Nghe lão phu, không thiệt cho ngươi."
Ta không coi ra gì, nghĩ thầm trước kia ông cũng hố ta đâu ít, nhưng ngoài miệng vẫn ngoan ngoãn nói: "Thẩm Anh nhớ rồi.".
← Ch. 29 | Ch. 31 → |