← Ch.11 | Ch.13 → |
Suốt mùa hè, Bảo Lâm sống trong cảm giác bay bổng. Cuộc sống khá bận rộn, Bảo Lâm ít có mặt ở nhà. Cũng may là có người làm phụ chăm sóc cho mẹ. Bệnh tình của bà Tố Trinh lúc gần đây khá lên trông thấy rõ. Sau ngày Bảo Lâm ngã lên đóng mảnh chai, bà như hồi phục phần nào ý thức, không còn dằn vặt Bảo Lâm nữa. Đôi lúc bà tỉnh hẳn, không còn nói nhảm hay đập phá nữa.
Ông Vĩnh Tú cũng cảm thấy tuy mùa thu đã trôi qua, nhưng trên khuôn mặt, trên mắt, trên môi con gái ông, mùa xuân vẫn còn phảng phất. Mùa xuân đến với Bảo Lâm đó là một niềm vui, một an ủi của người cha, chứ trước giờ, cứ thấy con ủ dột hoài, vọng về mối tình tan vỡ, tuy không nói ra nhưng trong thâm tâm ông, ông không yên lòng.
Rồi ông Vĩnh Tú hiểu được một điều, đó là cần phải nói chuyện với Tạ Thắng, phải làm sáng tỏ chuyện của Bảo Lâm với Thắng. Nhưng ông chưa kịp nói ra ý kiến thì Tạ Thắng tự đến.
Hôm ấy là một buổi tối, trong căn phòng chật hẹp, một cuộc nói chuyện thẳng thắn giữa hai người. Bảo Lâm thì cố tình lánh mặt vì Bảo Lâm hiểu rằng trong những cuộc nói chuyện như vậy, sự hiện diện của mình sẽ làm không khí mất tự nhiện. Bảo Lâm đã đến nhà của chị em Du, Bình chơi. Khi Bảo Lâm trở về thì đêm đã khuya và Tạ Thắng cũng không còn ở đấy. Ông Vĩnh Tú chắp tay sau đít đang đi tới đi lui trong phòng khách. Thái độ ông trang nghiêm. Bảo Lâm vào nhà, nhìn cha đã cảm thấy lo âu. Không biết hai người đã nói với nhau những gì. Bảo Lâm hiểu tính ông Tú. Cha có một tâm hồn khép kín, còn Tạ Thắng? Đương nhiên là một con người cao ngạo, kiêu hãnh. Cuộc nói chuyện rất có thể đã có những va chạm. Bảo Lâm sợ nhất chuyện đó. Nàng len lén nhìn cha, khuôn mặt cha như có vẻ suy nghĩ, nặng nề...
Bảo Lâm nghĩ, vậy là nguy rồi. Cha đã có định kiến về Thắng trên phương diện quan hệ với phái đẹp, bây giờ nếu họ lại va chạm nhau khì khó xử vô cùng. Rồi có thể cha bắt ta cắt đứt quan hệ với Tạ Thắng. Ta phải làm sao? Phải xử trí sao đây chứ?
Bảo Lâm rụt rè gọi:
- Cha!
Ông Vĩnh Tú quay sang nhìn con gái rồi ngồi xuống ghế. Ông rót một ly trà, chậm rãi uống.
- Bảo Lâm, hẳn con phải hiểu Tạ Thắng đã đến đây với mục đích gì chứ?
Bảo Lâm hồi hộp. Thật ra nàng chỉ muốn Tạ Thắng đến làm quen, một cách trải đường cho những lần sắp đến.
- Anh ấy nói là đến để thăm cha.
Ông Vĩnh Tú nhìn con gái:
- Không phải chỉ là thăm suông. Ông ấy đến đây để xin phép cha cưới con đấy!
- Cưới con?
Bảo Lâm mở to mắt nhìn cha, nàng không ngờ Tạ Thắng dám đề cập thẳng chuyện đó. Bảo Lâm lo lắng, không hiểu phản ứng của cha ra sao.
Ông Vĩnh Tú chậm rãi hỏi:
- Bảo Lâm! Cha hỏi thật con nhé? Con có yêu Tạ Thắng đến độ nhận lời lấy Thắng làm chồng không?
- Dạ... cha...
Bảo Lâm nhìn xuống. Nàng không trả lời thẳng câu hỏi nhưng ánh mắt, thái độ Bảo Lâm là một câu trả lời xác đáng nhất còn gì nữa.
- Nghĩa là con đồng ý chứ gì?
Bảo Lâm hơi lúng túng, gật nhẹ đầu, lo ngại nhìn cha. Ông Vĩnh Tú ngồi yên, Bảo Lâm hồi hộp nhìn cha chờ đợi.
- Cha... Cha không đồng ý à?
Ông Vĩnh Tú bỗng nói:
- Qua đây này con.
Bảo Lâm giống như chú dê non đến đứng trước mặt cha. Ông Vĩnh Tú nắm lấy tay nàng:
- Tạ Thắng là một người đàn ông khá lôi cuốn lại có tên tuổi. Bên cạnh ông ấy còn có một mẹ già lớn tuổi và một đứa con riêng mười tám, như vậy, nếu con chấp nhận làm vợ cho một người đàn ông như thế thì khá vất vả đấy, không đơn giản đâu. Nhưng nếu con thật tâm yêu thì cha cũng nghĩ là một người đã từng va chạm, nhiều khổ đau và hiền hậu như con, mọi thứ rồi cũng ứng phó được, cha tin là con sẽ thành công, miễn sao con đã hỏi kỹ lòng mình trước khi quyết định là được.
Bảo Lâm nhìn cha cảm động:
- Cha... Cha đã đồng ý rồi ư?
Ông Vĩnh Tú cười:
- Muốn không đồng ý cũng khó. Tạ Thắng có cách nói rất thuyết phục, rất cương quyết. Cha đã tự hỏi, nếu cha không đồng ý thì anh ta có thể bắt cóc con đưa đi không? Bảo Lâm, quả thật cha không ngờ cha lại có thể có một chàng rể nổi tiếng như vậy. Cha chỉ không vui vì Tạ Thắng tuổi lớn hơn con nhiều quá! Nhưng mà cậu ấy lại thuyết phục rất hay. Rõ ràng ngoài Tạ Thắng ra, không thể có người đàn ông thứ hai nào có thể hiểu được, cảm phục được cái cao ngạo, cố chấp, tự tin và bản lĩnh của con. Với Tạ Thắng, những đứa con trai khác bằng tuổi con, nói như ông ta, trước mắt con chỉ là những đứa con nít mới lớn. Cha không làm sao khác hơn được. Bảo Lâm, con cần có một người bạn là người đàn ông đã trưởng thành, có kinh nghiệm sống, từng trải. Người đàn ông đó không ai khác hơn là Tạ Thắng. Nói thật, cha vui lòng.
Bảo Lâm chau mày:
- Anh ấy đã nói với cha như vậy hay tự cha nhận xét?
- Tạ Thắng là con người tự tin, cao ngạo, võ đoán. Nếu không có những điều đó, con có yêu anh ta không?
Bảo Lâm đỏ mặt:
- Ồ, cha!
Ông Vĩnh Tú buông tay con gái ra rồi nói:
- Đó, con thấy không? Cha hiểu con mà. Thôi được rồi, cha cũng đã quyết định và Tạ Thắng muốn cuối năm nay sẽ cử hành hôn lễ. Con cũng không còn nhỏ nhắn gì, con phải lập gia đình. Nhưng cha cũng đã nói cho Tạ Thắng biết là con gái của cha ngoài cái khối óc ra, cha không có của hồi môn nào để con mang theo cả. Nhà ta nghèo như con biết đấy.
- Ồ cha! Cha thật khiêm tốn.
Ông Vĩnh Tú nhìn con trìu mến:
- Không phải sao! Con của cha có khá nhiều ưu điểm về tinh thần, có hiếu này, chịu cực khổ này, nhẫn nhục này, biết lo cho người khác hơn bản thân mình.
Bảo Lâm quỳ xuống dưới chân cha, mắt đầy lệ:
- Cha, cha có biết là cha có khuyết điểm to lắm không?
- Cái gì thế?
- Cha quá yêu con, lúc nào cha cũng nghĩ tốt về con, chứ nào con được như cha nói đâu.
Ông Vĩnh Tú vuốt lấy mái tóc Bảo Lâm, lòng xốn xang. Sau khi Bảo Lâm đi lấy chồng rồi, nhà sẽ còn lại ai? Ông đã già, vợ lại bệnh hoạn, con trai thì đã chết yểu. Cuối cùng rồi cuộc đời này dâng hiến cho ông cái gì? Đành rằng mỗi người có một số phận riêng, nhưng cuộc đời của ông sao nghiệt ngã quá. Bảo Lâm hỏi:
- Cha à! Mẹ có biết chuyện này chưa?
Ông Vĩnh Tú gật đầu nói:
- Có lẽ biết phần nào. Con biết là nhà chúng ta vách gỗ, cửa gỗ, nói cái gì ở phòng này, phòng kia nghe hết. Nhưng mà mẹ con ở nhà trong, không có ra ngoài này nên Tạ Thắng không thấy. Cha định là từ từ rồi sẽ cho mẹ con biết, vì bây giờ cha không đoán được phản ứng của mẹ con sẽ thế nào. Mong sao bệnh của mẹ con dứt hẳn, đó cũng là niềm vui lớn của gia đình ta. Mẹ hết bệnh, con lấy chồng xứng đáng, còn niềm vui nào lớn hơn. Từ từ rồi cha sẽ nói.
Bảo Lâm gật đầu. Nàng cũng đang phân vân, sau khi lấy chồng, cha sẽ sống ra sao? Tội nghiệp cha già, mẹ bệnh, nhà lại không còn người, nhưng rồi Bảo Lâm cũng ngẩng lên nhìn cha nói:
- Cha yên tâm đi. Con lấy chồng, cha sẽ không mất con gái đâu, trái lại cha sẽ có thêm một đứa con trai đấy.
Ông Vĩnh Tú thở dài. Bảo Lâm, con quả là đứa con gái đáng yêu. Mong rằng trời đất sẽ phù hộ, để con mãi mãi sống trong hạnh phúc.
Thế là mọi chuyện coi như đã quyết định. Ở nhà họ Tạ, tin đó được loan đi với cái không khí vui tươi. Nội của Trúc Vỹ nắm lấy tay Bảo Lâm, ngắm nghía một cách hài lòng. Bà quay sang nói với vú Ngô:
- Vú thấy không, tôi đã nói rồi. Bảo Lâm có dáng dấp đẹp, có trình độ, lại thông minh, nhất định phải có hạnh phúc. Tôi cũng không ngờ nó lại là con dâu của mình. Quả thật con trai tôi tốt phúc lắm.
Tạ Thắng nói:
- Mẹ này! Chưa gì mẹ lại đề cao Lâm như vậy. Mẹ làm như con không ra gì vậy. Thế này mà Lâm lên chân thì mệt cho con đấy.
Bà cụ cười, nhìn Tạ Thắng:
- Con nghe này. Con làm như con hiền lắm không bằng, làm gì có ai ức hiếp được con chứ?
Rồi quay sang Bảo Lâm, bà tiếp:
- Bảo Lâm, con nghe mẹ, đừng sợ nó. Nếu nó mà có làm gì, con cứ mách lại mẹ, mẹ sẽ cho nó biết tay.
Tạ Thắng ngồi phịch xuống ghế:
- Vậy là nguy rồi. Thế này thì cuộc đời con từ đây về sau sẽ ra sao?
Bảo Lâm gỡ rối. Nàng gọi bà cụ bằng cách xưng hô của Trúc Vỹ:
- Nội à! Anh ấy sẽ không hiếp đáp con được đâu, vì bênh cạnh con còn có Trúc Vỹ kia mà.
Bà cụ chỉnh ngay:
- Con phải thay đổi cách xưng hô chứ. Từ đây con gọi ta là "mẹ", là "mẹ" đàng hoàng, có nhớ không?
Bảo Lâm đỏ mặt. Trúc Vỹ mở to mắt, tò mò hỏi:
- Nội ơi, thế từ đây về sau, con gọi là "cô giáo" hay phải sửa lại là "mẹ"?
Bảo Lâm càng lúng túng hơn. Cô định nói thì bác tài đã đi vào nói với Trúc Vỹ:
- Cô chủ, cậu Sâm bảo tôi vào đây nói cô ra xem nhà kính có được không?
- Vâng.
Trúc Vỹ thích thú, bỏ mọi người ở lại, chạy nhanh ra vườn. Cô bé đẹp như một cánh bướm. Ông Tạ Thắng nhìn theo con gái rồi lại như nhớ ra điều gì, ông quay sang nắm lấy tay Bảo Lâm, nói với mẹ:
- Xin lỗi mẹ, con có việc cần nói riêng với Bảo Lâm.
Bà cụ cười:
- Đấy thấy chưa. Mới đó mà chúng đã mời mẹ đi chỗ khác chơi rồi đó.
Tạ Thắng không để ý đến lời trách yêu của mẹ, kéo Bảo Lâm vào thư phòng. Chàng khép cửa lại, ôm lấy nàng với một nụ hôn. Bảo Lâm có vẽ bất mãn:
- Anh kỳ quá! Đang nói chuyện vui vẻ với mẹ, anh lại kéo vào đây làm gì?
- Anh có chuyện muốn thẩm vấn em.
Bảo Lâm tròn mắt:
- Thẩm vấn em? Anh lại mắc bệnh nghề nghiệp rồi. Đây đâu phải tòa án, em cũng đâu có tội tình gì?
Tạ Thắng nhún vai:
- Em có thấy là anh đang cất cái gì trong vườn không?
- À.
- Đó là một nhà kính.
- Rồi sao?
- Đương nhiên em phải biết đó là ý kiến của ai chứ? Ai đang ở ngoài ấy làm đốc công, ai đã khiến cho Trúc Vỹ mất ăn, mất ngủ?
- Dạ.
Tạ Thắng nhìn vào mắt Bảo Lâm:
- Thôi được rồi! Cách đây không bao lâu, em có cho anh biết là em có hẹn, mà người hẹn với em bấy giờ là con trai của Ngô Trọng Nhàn tức Từ Sâm. Vậy bây giờ em giải thích đi. Cái tên Từ Sâm hôm ấy với tên Từ Sâm này có phải là một không?
- Vâng, là một.
- Như vậy có nghĩa là thế nào?
Bảo Lâm ngập ngừng:
- Anh đừng hung dữ nữa, em mới giải thích.
- Anh mà hung dữ?
- Chứ sao? Anh vừa dữ và cay nghiệt. Anh nói chuyện với em mà hạch sách như với kẻ thù, anh thẩm vấn bị can. Em không thích cái lối hỏi chuyện của anh như vậy.
Tạ Thắng trừng mắt:
- Đừng đuối lý mà quay sang buộc tội anh như vậy.
- Chứ anh nghĩ Từ Sâm là người tình của em à?
- Phải.
- Từ Sâm là em trai của người bạn học cũ thân nhất của em. Em đã biết hắn hơn mười năm qua. Từ Sâm bằng tuổi đứa em trai đã mất của em. Em xem hắn như em ruột mình thì cái tình cảm đó, cái hẹn đó không phải tự nhiên lắm ư? Nếu Sâm là đứa em trai thì cùng đi với em đến bệnh viện đâu có gì sai trái? Đúng không?
- Đúng.
- Lúc đó anh mời em ăn cơm trưa mà thái độ anh lại cao ngạo, hách dịch thì làm sao em bằng lòng được.
- Thế ư?
- Nên em đem chuyện Từ Sâm ra, một là chọc tức anh, hai là em không thể vì chuyện dùng cơm với anh mà bỏ đi cái hẹn có từ trước. Không lẽ em mê ăn đến quên chữ tín?
- Ờ!
- Em quen thân với chị của Từ Sâm, anh biết mà. À! Từ Sâm còn tìm đến gặp em, kể hết cái ngu của anh ta trong chuyện bị gái "mồi chài", cái đó anh thấy có lạ không?
- À!
- Từ Sâm dám đem chuyện đó ra kể vì hắn tin cậy em. Cũng tình cờ hôm ấy, anh sai Trúc Vỹ mang hoa đến nhà cho em. Họ gặp nhau, bắt buộc em phải giới thiệu hai người quen nhau chứ!
- Ờ!
- Anh đương nhiên hiểu. Trúc Vỹ là đứa con gái thế nào, con trai nhìn thấy là phải mềm lòng ngay.
- Ờ.
- Trúc Vỹ năm nay mười chín, tuổi thiếu nữ mộng mơ. Từ Sâm thì hai mươi lăm. Họ bị hấp dẫn nhau, làm bạn nhau, chuyện đó đâu có gì lạ?
- Đúng rồi, không có gì lạ hết.
- Vậy thì anh có gì bất mãn em?
- Có.
- Cái gì?
Tạ Thắng kéo Bảo Lâm vào lòng:
- Em vừa thao thao bất tuyệt, em vừa dữ lại vừa cay nghiệt. Em nói chuyện với anh như là một kẻ thù, bộ em ghét anh lắm sao?
Bảo Lâm chợt buồn cười. Cũng may là nàng chưa bị Từ Sâm làm mềm lòng, cũng may là Từ Sâm chỉ là một đứa em trai. Tình cảm của hai người còn lành mạnh, chưa có một hành động nào để hối hận, bứt rứt, bằng không, chẳng biết bây giờ phải ăn làm sao, nói làm sao? Phải thành thật nhận rằng, có lúc Từ Sâm đã làm nàng xao xuyến, nhưng cái xao xuyến của một thứ tình cảm sẽ chia, giãi bày của một người chị đối với em, chứ không phải là tình yêu. Với Từ Sâm có khác chút, nhưng đó chỉ là một phút bồng bột, mềm yếu thường có ở lứa tuổi mới lớn.
Tạ Thắng nhìn người vợ sắp cưới thỏa mãn. Nàng như gỡ được gánh nặng trong tim. Tạ Thắng nghĩ ngợi:
- Còn chuyện giữa Từ Sâm và Trúc Vỹ, chúng nó là những đứa trẻ mới lớn, Tiên Đồng với Ngọc Nữ. Hãy để chúng phát triển tự nhiên. Bốn mươi tuổi đầu như ta vẫn còn phải săn bắt tình yêu thì nói gì tuổi trẻ.
Nghĩ vậy, Tạ Thắng giả vờ làm mặt nghiêm lại:
- Anh muốn cảnh giác em một việc.
- Việc gì?
- Từ đây về sau, không có quyền chất vấn anh.
Bảo Lâm mở to mắt:
- Hử? Câu nói đó để em nói mới đúng chứ?
Tạ Thắng nói:
- Anh nói đúng hơn, anh đã là luật sư. Nhà có một luật sư đủ rồi, không cần phải có thêm một người thứ hai. Em nghe rõ chưa? Không được sử dụng ngôn ngữ lạnh lùng của hành chính trong nhà.
- Cái đó... Tất cả đều do em học được của anh cơ mà?
- Bây giờ không cho học nữa.
Bảo Lâm nhún vai, giả vờ:
- Có một chuyện, không biết anh biết chưa?
- Chuyện gì?
- Anh ích kỷ, ngạo mạn, cố chấp và bá đạo quá!
- Khoan.
- Sao vậy?
- Em vừa bảo là có một chuyện mà nãy giờ em đã bày ra bốn chuyện rồi.
Bảo Lâm không nhịn được hét lên:
- Ồ! Thật chịu không nổi ông, ông là... ông là...
Bảo Lâm nói mà không biết sử dụng chữ gì cho thích hợp thì Tạ Thắng đã tiếp lời:
- Ông là... người đàn ông dễ thương quá, phải không?
- Ồ! Nói mà không biết mắc cở.
Bảo Lâm quay lưng đi ra cửa, miệng nói:
- Để em đi tìm Từ Sâm.
Tim Tạ Thắng nhảy nhót:
- Tìm Từ Sâm? Em đi tìm hắn chi vậy? Bây giờ Từ Sâm đã là bạn của con gái anh rồi cơ mà?
- Em tìm hắn để nhờ hắn đo thêm mặt anh dày cỡ nào.
Tạ Thắng chụp lấy Bảo Lâm, siết chặt vào người:
- Bảo Lâm! Em có biết là em đáng yêu cỡ nào không? Anh không làm sao sống mà thiếu em được.
Bảo Lâm thở ra, úp mặt vào lồng ngực người yêu, nghe tiếng tim đập rộn rã trong lồng ngực chàng. Tất cả những buồn đau cũ coi nhu đã qua hết, quên hết...Bây giờ chỉ nên nghĩ đến hạnh phúc, hai chữ "hạnh phúc" thôi.
- Em đang nghĩ gì thế?
- Em đang nghe tiếng đập của tim anh.
- Thế ư? Nó đập thế nào?
- Yêu em... em yêu... yêu em...
Tạ Thắng xúc động nói:
- Cảm ơn em! Anh biết anh có rất nhiều khuyết điểm. Anh ích kỷ, ngạo mạn, cố chấp, bá đạo. Anh sẽ sửa đổi.
- Không cần! Em thấy chúng đều đẹp.
- Cái gì đẹp?
- Những khuyết điểm mà anh vừa nói.
- Thật ư?
- Thật! Khi đã yêu thì tất cả khuyết điểm của người yêu đều biến thành ưu điểm. Đúng hơn, khi yêu, ta cũng phải yêu cả điều tốt lẫn điều xấu ở người yêu của mình.
Tạ Thắng cúi xuống nhìn Bảo Lâm, mắt chợt ươn ướt. Hạnh phúc như cơn gió mát giữa trưa hè thổi tới. Cả hai người đắm đuối nhìn nhau. Hạnh phúc như đang vây chặt lấy họ.
← Ch. 11 | Ch. 13 → |