Hải thượng minh nguyệt cộng triều sinh (trăng sáng trên biển soi chân trời)
← Ch.64 | Ch.66 → |
Nửa tháng sau, Hoa Phỉ không hẹn trước ghé thăm Vân Gia. Cử chỉ lại ngoài dự đoán của mọi người như thường lệ, hắn mang đến vô số độc vật quý hiếm, mặt dày bám lấy phụ thân tôi, nói là lấy độc làm sính lễ, van xin phụ thân gả tôi cho hắn. Tôi lúc ấy suýt chút nữa phun hết nước trà trong miệng ra. Phụ thân vẫn thản nhiên như không, nâng chén trà lên: "Con gái lão phu từ lúc ra đời đã được gả cho Thánh thượng, một nữ sao có thể lấy hai chồng. Ngũ Độc giáo chủ cứ đùa."
Hoa Phỉ lại không hề chùn bước, tinh thần càng dâng cao, năm lần bảy lượt tới cửa cầu hôn. Tôi biết bản tính hắn thích đùa vui náo nhiệt, liền mặc kệ hắn. Thường xuyên qua lại, cuối cùng hắn và phụ thân lại thành bạn vong niên (bạn lệch tuổi), phụ thân khen hắn: "Tính tình thuần lương, tâm hồn trong sáng không dã tâm. Đáng tiếc lão phu chỉ có mỗi một Dung nhi..."
Năm ấy Hoàn Giác bỏ trốn cùng tôi, bởi vì tôi mà gián tiếp nhiễm máu huyết cúc chi độc, nếu không có giải dược, thì ngay sau khó có được con nối dõi. Sau khi trở về, mấy ngày liền tôi ở trong phủ điều chế thuốc, sai người cỡi ngựa đưa tới Tây Lũng, giải quyết xong được một gánh nặng trong lòng.
Vì muốn đoạt lấy Tử Uyển, Tử Hạ Phiêu Tuyết đã âm thầm so chiêu cùng con báo mấy lần, nhưng kết quả lại không được như ý muốn. Gần đây, để thay đổi bản tính giết chóc, có lẽ hắn đã phá hủy liên đằng thần công, khiến sứ giả cứ cách mười ngày lại đưa thuốc bổ đến Vân Phủ. Có vô số dược liệu, rực rỡ muôn màu, luôn luôn thay đổi, chỉ có hai vị thuốc không đổi, lần nào cũng có, một là "hạt sen", một là "đương quy".
Liên tử đương quy...
Tóc đen mắt tím, Tử Hà Phiêu Tuyết. Tử Uyển nói: "Đê đệ không khóc cũng không nghịchm chỉ thích đạp cái chân nhỏ mập mạp, cười khanh khách.", chắc là một đứa trẻ rất khả ái. Nhưng chính tôi sinh ra đứa trẻ này, mà lại không được nhìn thấy mặt nó. Không phải do tôi ghét bỏ nó, chẳng qua là tôi không thể nào bình tĩnh mà đối diện với Tử Hạ Phiêu Tuyết cùng đứa bé này. Vì không muốn làm tổn thương thêm ai nữa, tôi nghĩ tôi ở lại tiểu viện này, cùng phụ thân xới đất trồng hoa, sống nốt quãng đời còn lại, có lẽ chính là kết cục tốt nhất của tôi.
Cách mấy ngày, Tử Uyển sẽ lại chuồn ra khỏi cung chạy đến Vân phủ, thiên hạ chẳng nơi nào ngăn nổi bước chân nó, chỉ cần nó muốn, nó có thể đi đến bất cứ đâu. Lúc đầu phụ thân rất kinh ngạc, sau cũng quen, cứ cách năm ba ngày, mở cửa thư phòng là lại nhìn thấy dáng người bé nhỏ quỳ gối trước bàn đọc sách, giơ bút lông sói tô vẽ lung tung trên giấy Tuyên Thành.
Nghe nói gần đây Tử Uyển khiến thái phó Ngũ Thạch Phong giận sôi lên. Nghe nói bức tranh Ngũ Thạch Phong vẽ bị Tử Uyển đánh giá là: "Trông rất kinh khủng." Bức vẽ mình yêu quý bị đứa trẻ bốn tuổi khinh thường, Ngũ Thạch Phong không nhịn được, dựng râu trợn mắt. Tôi dạy Tử Uyển phải biết tôn sư kính trưởng, nó lại giương đôi mắt phượng đẹp đẽ lên nói: "Tôn người đáng được tôn, kính người đáng được kính." Dạo này Tử Uyển nói chuyện càng lộ rõ khí thế đế vương, ngữ điệu già dặn hơn. Nhưng mỗi lần phụ thân dạy nó đọc sách viết chữ, nó lại ngoan ngoãn học theo.
Nếu nói nó đã trưởng thành hơn chút ít, thì mỗi đêm nghỉ ngơi ở Vân phủ, nó luôn mè nheo đòi ngủ cùng tôi. Nhìn Tử Uyển ôm tay tôi, mơ màng chìm dần vào giấc mộng ngọt ngào giữa những câu chuyện xưa tôi kể, tôi nghĩ: Có lẽ, cuộc đời này như vậy là đủ rồi.
Nhưng vì sao những suy nghĩ mông lung kia vẫn không buông tha tôi, luôn dấy lên trong lòng tôi mỗi khi màn đêm yên tĩnh phủ xuống...
Trong mộng, dường như có người ôm tôi vào lòng, hôn nhẹ lên trán tôi. Tỉnh dậy, đầu giường vắng vẻ vẫn chỉ có ánh trăng lạnh lẽo chiếu xuống.
Tương tư nhất dạ mai hoa phát
Hốt đáo song tiền nghi thị quân. (1)
(1): Trích "Hữu Sở Tư" - Lư Đồng
Dịch nghĩa:
Song khuya một đoá mai hoa
Tương tư tỉnh mộng ngỡ là dáng ai.
Người ta nói, nhớ thương vô hạn sẽ theo cả vào giấc mộng, quả thật như thế.
Tháng tám năm sau, Quý phi Cơ Nga nước Hương Trạch bệnh lâu không khỏi, tạ thế. Hoàng đế Hương Trạch phong thụy hiệu "Đức Hinh Phi". Tháng chín, chư vị đại thần trong triều cùng kí một lá thư dâng lên, nói hậu cung trống không là rất không ổn, tấu xin hoàng đế tuyển tú nạp phi.
Hoàng đế Hương Trạch chuẩn tấu.
Lúc nghe được tin tức kia, tôi đang ôm mấy cành hoa tường vi vừa cắt xong trải ra bên ngoài hiên khách sảnh. An Thân Vương sau chuyện kia đã buông bỏ chuyện triều chính, một lòng trở thành thương nhân, thường đến Vân phủ học tập phụ thân. Tôi không ngờ hôm nay đệ ấy đến đây không chỉ vì chuyện buôn bán.
Tôi đứng ở hành lang, dưới bóng hoa, trái tim đập mạnh và loạn nhịp trong chốc lát, thấy tay đau xót, cúi đầu nhìn kĩ, thì ra là bị cây tường vi nhỏ đâm vào ngón tay. Tay đứt ruột xót, rõ ràng chỉ bị thương ở ngón giữa, nhưng toàn thân lại đau buốt. Tôi đưa bó hoa cho nha hoàn rồi quay người rời đi.
Nhìn đôi mắt sưng vù chỉ sau một đêm ở trong gương, tôi quay lưng đi. Tôi làm sao vậy chứ? Tôi đang tâm tâm niệm niệm mong đợi điều gì? Tôi gửi gắm tình cảm vào núi sông hoa cỏ, mà chàng cũng cải tử hoàn sinh, tìm được hạnh phục của mình. Đây rõ ràng là điều tôi mong ngóng, tại sao đã đạt được rồi mà không cảm thấy vui sướng một chút nào?
Không, tôi phải cảm thấy vui mừng thay chàng mới phải, cuối cùng cũng có người có thể thay tôi đem lại hạnh phúc cho chàng. Chàng, cuối cùng cũng có thể trở về là một đế vương bình thường. Tam cung lục viện, phi tần bên cạnh mới là cuộc sống mà một hoàng đế nên có, muôn hoa đua sắc khoe hương, ong bướm bay lượn vờn quanh mới là quang cảnh mà một ngự hoa viên nên có, sườn núi đầy rẫy bạc hà cỏ thơm không hợp với hoàng cung.
Đúng vậy, tôi hẳn phải vui mừng thay chàng. Tôi lau mặt, đứng dậy. Nha hoàn nghe được tiếng động, vén màn đi vào hầu hạ tôi rửa mặt thay quần áo."Lát nữa nếu lão gia có hỏi, nói là ta đi ra ngoài một chút." Bỏ lại một câu nói, tôi dịch dung, ra cửa gọi một chiếc thuyền lá nhỏ rời khỏi Vân phủ.
"Cô nương muốn đi đâu?" Người lái đò khua mái chèo xuống nước, nghiêng đầu hỏi tôi.
"Đi Đông triêu môn (Triêu môn: cửa trước). Đông triêu môn là cửa sau của Đông cung. Tôi tự ngụy biện rằng, đã hai ngày tôi không nhìn thấy Tử Uyển rồi, không biết hai ngày nay thằng bé ăn ngủ thế nào, tôi chỉ muốn đi thăm nó một chút mà thôi.
"Ồ, vậy là cô nương muốn đi xem náo nhiệt sao? Hôm nay Hoàng thượng tuyển tú, nghĩ đến quang cảnh Đông triêu môn náo nhiệt với biết bao tiểu thư nhà quan lại ra vào, dù không thấy được nhưng nhất định là rất đẹp." Ông lão vừa chèo thuyền vừa hăng say nói. Tôi lại cảm thấy ông ta thật lắm chuyện.
Sau khi xuống thuyền bên ngoài Đông triêu môn, quang cảnh quả nhiên vô cùng náo nhiệt, thuyền hoa đông như mắc cửi, cung nữ thái giám bận rộn ra ra vào vào. Tôi trà trộn vào đám cung nữ, vào cung mà không để lại dấu vệt gì.
Vừa mới bước vào, đã có một cung nữ xinh đẹp hết sức vội vàng kéo tay tôi, nói: "Cô mặc quần áo gì vậy, hôm nay đặc biệt hơn so với mọi ngày, không được phép qua loa. Mau đổi quần áo rồi theo ta đi, bên kia đang thiếu người làm." vừa nói vừa kín đáo đưa cho tôi một bộ cung trang, để cho tôi thay rồi dẫn tôi tới hoa đình, dặn dò tôi: "Hôm nay cô không cần làm gì cả, chỉ cần ở chỗ này, rót rượu hầu bệ hạ và các tiểu thư là được."
Tôi còn chưa kịp phản ứng, cung nữ kia đã hấp tấp rời đi, bỏ lại tôi với chiếc bàn đầy rượu Lâm Lang và thức ăn. Tôi cười một tiếng, chắn chắn là nàng nhận lầm người rồi, thôi, hôm nay tôi thuận thiện làm một cung nữ hầu rượu, lại có thể được ngắm mỹ nhân.
Màn đêm chậm rãi buông xuống, trăng non mới lên, gió nhẹ thoảng qua, mang đến hương bạc hà mát lạnh, khiến tôi hoảng hốt một trận, dường như quay lại những năm đó.
"Bệ hạ giá lâm! ——" Thái giám chấp sự kéo dài giọng thông báo, cắt đứt suy tư của tôi.
Tôi cúi người lạy theo một đám cung nữ trong đình, khóe mắt không nhịn được ngước lên nhìn hắn. Long bào thêu tơ vàng, mũ tím, ngọc phỉ thúy, ngang hông ngoài một miếng ngọc bội Long vũ Phượng tinh tế ra thì không còn đồ trang sức nào nữa. Dưới ánh trăng, ngọc bội kia lộ ra màu trắng của sứ Thanh Huy, chính là lãnh noãn ngọc. Trong lòng tôi rung động, tôi rũ mắt xuống.
"Miễn lễ. Bình thân cả đi." Giọng nói không cao, nhưng lại có uy nghiêm trang trọng.
Tôi bưng bình ngọc dạ quang, đứng phía sau bên trái chàng, ánh trăng chiếu xuống, hòa cùng với màu tóc bạc, lóe lên chói mắt. Cũng là ánh trăng, cũng là màu trắng, khiến tôi nhớ lại dưới ánh trăng sáng ở suốt Nguyệt Lượng, chàng đã từng ôm tôi mà gọi "An An". Dường như đã cách cả một đời.
Tôi cắn cắn môi, ép dòng nước nóng hổi trong hốc mắt xuống, đi lên trước, rót cho chàng một chén rượu nho thơm ngon. Cặp mắt phượng kia lơ đãng xẹt qua người tôi, khiến lòng tôi bốn bề dậy sóng, đôi tay run run, làm sánh vài giọt xuống đóa hoa hồng đỏ tươi. Tôi nghĩ, có lẽ là bình rượu này quá nặng.
Tôi không dám nhìn chàng nữa, vội vã lui về phía sau, Thái giám đảo cây phất trần trong tay, "Tú nữ hiến vũ..."
Dứt lời, nhạc tấu lên. Một nhóm tú nữ tóc búi cao, quần áo rực rỡ sắc màu, chân đạp mây nhẹ nhàng bước ra, nhảy múa theo tiếng nhạc du dương.
Năm ấy, cũng là trong đình ca múa này, một đôi mắt phượng chân thành đã nhìn tôi, nhẹ giọng nói bên tai tôi: "Có Vân nhi là đủ rồi!" Lúc ấy chỉ là lời nói thoảng qua, hôm nay hồi tưởng lại, như đã qua ngàn năm luân hồi.
Kết thúc khúc vũ, các tú nữ liên tục bước lên, thay nhau theo thứ tự mời rượu hoàng thượng, tay áo khẽ bay, sóng mắt lưu chuyển.
"Trưởng nữ của Sử Thái phó Sử Viện Ngọc kính rượu bệ hạ."
"Yêu nữ (con gái nhỏ nhất) của Lý Đình úy Lý Đình Tú kính rượu bệ hạ."
"Thứ nữ của Trần Nội sử Trần Lôi Diên kính rượu bệ hạ."
........
Thái giám cầm danh sách trong tay, ghi danh theo thứ tự, tôi thì bưng bình ngọc một lần rồi lại một lần rót rượu cho hoàng đế, trong lòng không khỏi oán trách chàng sao tửu lượng lại tốt như vậy. Bản thân tôi rót rượu đến đau nhức cả tay rồi, mà chàng vẫn chẳng có nửa phần men say, gương mặt tuấn tú nhìn nghiêng dưới ánh trăng càng lộ ra vẻ đẹp khó cưỡng. Nhưng mà, xem ra hôm nay dù có say mèm, chàng cũng sẽ không nỡ cự tuyệt chén rượu của những đóa hoa mềm mại yêu kiều kia dâng lên đâu. Hừ, làm hoàng đế quả nhiên phong lưu thành tài!!
← Ch. 64 | Ch. 66 → |