Đình viện thâm, thâm, thâm kỷ hứa (đình viện sâu, sâu, sâu biết mấy)
← Ch.11 | Ch.13 → |
Cuộc sống nơi cung đình thật là trống rỗng, mặc dù thường xuyên và nhất định phải gặp gỡ, thân thiện với một vài Vương phi, nhưng mỗi lần gặp nhau, những chuyện mà phụ nữ cổ đại đề cập đến thật vô cùng nhàm chán, không bao giờ thoát khỏi mấy chủ đề: ăn diện, phục sức, nữ hồng(1), con cái, nội trợ. Phần lớn thời gian tôi cũng chẳng phát biểu ý kiến gì, mặc kệ các nàng ngồi ở đó thao thao bất tuyệt, thỉnh thoảng "ồ" một tiếng tỏ vẻ hoài nghi, sau đó các nàng sẽ tiếp tục hưng phấn mà nói tiếp; nếu không hoặc là tôi sẽ "à" một tiếng tỏ vẻ đồng ý khiến cho các nàng có được cảm giác công cuộc bát quái(2) của mình có người tán thưởng nên rất có cảm giác thành công. Tôi cho đến bây giờ tin chắc rằng, giữa phụ nữ không có tình hữu nghị vĩnh cửu mà chỉ có sự nghi kỵ vĩnh cửu. Huống chi là trong cung đình, cho nên, mặc kệ là muốn lấy lòng của tôi hoặc là đối với tôi khẩu phật tâm xà, tôi đều giữ khoảng cách nhất định, không mặn không nhạt. Sau này, nhóm Vương phi vốn ghen tị với tôi đã giảm bớt địch ý, cho rằng tôi trẻ người non dạ, cho rằng tôi không có ham muốn gì. Đương nhiên, cũng có một số kẻ cho rằng càng phải nên phòng bị tôi, nói là thái tử phi công phu thâm hậu, tâm tư thần bí quỷ quyệt, nói ít mà lý lẽ rành rọt, rõ ràng, khiến người khác phải cứng lưỡi. Cơ Nga vẫn ngày ngày đúng hẹn đến vấn an tôi, vẫn là những cử chỉ không có gì có thể soi mói chê trách, vẫn rất nề nếp, quy củ.
Tiểu Thập Lục phần lớn thời gian vẫn ở Đông cung, Hoàng thượng cho Ngự sử đại nhân hằng ngày đến Đông cung giảng bài cho cậu, Triệu Chi Hàng này cũng là một môn hạ trọng yếu của thái tử. Ông ta vẫn thường ra vào thư phòng của thái tử, rất được con báo nể trọng. Trước kia, trong Vân phủ, tôi từng đứng ở xa liếc mắt nhìn ông ta một lần, chòm râu bạc rất đẹp, áo bào nhẹ bay bay trong gió, đúng là một tiểu lão đầu tiên phong đạo cốt, ánh mắt tinh nhuệ, vừa nhìn thấy đã biết là của một người được tôi luyện trong chốn quan trường, bụng chứa đầy mưu mô tranh đấu chính trị.
Tôi thường đến trêu chọc Tiểu Thập Lục, thứ nhất là để giải sầu, thứ hai là sợ thằng bé bị lão già Triệu Chi Hàng kia dạy dỗ mà thành hư hỏng, về sau sẽ trở thành công cụ chính trị của con báo mỗi khi lâm triều. Có lẽ bởi vì trước đây tôi cũng có em trai, cho nên đối với Lam Miêu, tôi bất tri bất giác mà đem thằng bé thành sản phẩm thay thế cho em trai của mình. Chẳng qua là, tiểu tử Lam Miêu luôn bày ra một bộ dạng ông già đối với tôi, có một lần bị tôi chọc đến phát cáu, còn khinh bỉ thốt ra một câu: "Không trách tiên sinh vẫn nói nữ nhân đều là hồng nhan họa thủy." Hừ!... Tôi đã nói lão già họ Triệu sẽ dạy nó thành hư hỏng mà, hoàn toàn tước đoạt hết những nét ngây thơ, chất phác của một đứa bé sáu tuổi mà biến thành cái dạng này. Tôi hỏi nó, tiên sinh còn dạy cái gì nữa, nó kiêu ngạo mà sổ cho tôi nghe một tràng, tôi nghe thì thấy phần lớn là đạo vua tôi và một chút kinh nghiệm chính trị, đấu tranh quân sự các đời trước. Vì muốn thu lại bộ dạng chính trị như ông già của Tiểu Thập Lục, trả lại tuổi thơ cho một hài tử còn non nớt như nó nên tôi thường kể cho nó nghe một ít chuyện đồng thoại kim cổ. Khi mới bắt đầu, Tiểu Thập Lục còn trưng ra vẻ mặt hết sức khinh thường, nhưng về sau thì đã dần dần bị hấp dẫn, dù sao thì Tiểu Thập Lục cũng chỉ là một đứa trẻ, làm sao có thể không bị thu hút bởi những câu chuyện đồng thoại tốt đẹp đơn thuần cơ chứ.
Có một ngày, tôi hỏi Tiểu Thập Lục: "Tửviết: 'Duy nữ tử dữ tiểu nhân nan dưỡng dã', Tiểu Lan Lan có biết nghĩa là gì không?"
(Chỉ có phụ nữ và tiểu nhân là khó nuôi)
Tiểu Thập Lục nghe thấy tôi theo thói quen gọi nó là Tiểu Lan Lan thì nhăn mặt nhăn mày, oán hận nói: "Bổn vương đâu còn nhỏ nữa, ngươi chẳng qua cũng chỉ hơn ta bốn tuổi thôi." Tiểu tử này! Hiện tại không có ai ở đây đã không thèm gọi tôi là Hoàng tẩu nữa rồi, đối với tôi hết "ngươi" rồi lại "ngươi", những khi bị tôi chọc giận thì còn có thể nói thành câu: "Ngươi, nữ nhân này! Ta không phải là Tiểu Lan Lan, ngươi mới là Tiểu Dung Dung!" Ngây thơ vô cùng, tôi không khỏi khẽ cười, lắc lắc đầu...
"Tử là ai?" Lam Miêu thấy tôi không cùng nó tranh luận thì cảm thấy không thú vị, tâm không cam, tình không muốn, liền hỏi một câu.
"Tử chính là Khổng Phu Tử, ông ta chính là một vị thánh nhân thời cổ, là một nhà tư tưởng, chính trị gia, nhà giáo dục, có ba ngàn môn khách, đệ tử thì nhiều vô số..." Tôi thấy Lam Miêu mơ hồ về Khổng Tử nên cung cấp cho nó vài nét cơ bản về cuộc đời của ngài, Lam Miêu nghe xong thì hai mắt tỏa sáng, tỏ ra vô cùng sùng bái.
"Vậy câu 'Duy nữ tử dữ tiểu nhân nan dưỡng dã' có nghĩa là gì?" Lam Miêu lại ngoan ngoãn biến thành một cục cưng tò mò.
"'Tiểu nhân' chính là tiểu hài tử, nữ nhân và tiểu hài tử ở trong nhà không phải tự nhiên mà sinh ra. Nữ nhân là nội tướng trong nhà, đứa trẻ thì còn nhỏ, nhưng bọn họ đều phải ăn, uống, mặc. Chi phí cho chuyện ăn, uống và mặc này lấy từ đâu ra? Khổng Tử viết: 'Duy nữ tử dữ tiểu nhân nan dưỡng dã. ', chính là nói đàn ông phải cố gắng đấu tranh kiếm tiền. Chỉ khi đã có được tài lực làm trụ cột thì mới có khả năng lấy vợ sinh con. Ý tiên sinh muốn nói đó là từ gia đình, quốc gia đến thiên hạ đều không thể nói hoặc kêu gọi là không cần thức ăn và quần áo mặc được." (Tác giả: Ta thực sự nghe không nổi nữa...)
Lam Miêu nghe xong thì liên tục gật đầu nói phải. Không ngờ chỉ vì một câu này mà nhiều năm về sau, Tiểu Thập Lục quả thật đã không đi theo con đường chính trị mà lựa chọn lĩnh vực buôn bán, phát triển tài hoa của chính mình, trở thành một thương nhân lớn tung hoành khắp trong Nam ngoài Bắc ở Hương Trạch Quốc, mang đến cảnh buôn bán phồn vinh chưa từng có. Người đời nói rằng: "Thập Lục Vương trọng thương khinh sĩ(3), là một vị 'Thương vương'(4)". Nhưng tiền tài mà Tiểu Thập Lục ngày sau mang lại đã thực sự củng cố thực lực cho vương triều Triệu gia, khiến cho Triệu gia tại Hương Trạch Quốc trăm năm không suy, thành tựu to lớn ấy khiến đời sau gọi là "Lê Lan thịnh thế".
"Không biết ái phi còn biết Khổng Phu Tử còn có triết lý cao thâm nào nữa không?" Con báo mặc áo bào long kim mãng tử(5) đi từ ngoài điện vào, trên búi tóc dùng một sợi dây buộc có đính ngọc quý, ánh mắt tựa tiếu phi tiếu(6) nhìn tôi, phía sau hắn đúng là Triệu Chi Hàng, tiến vào cúi đầu hành lễ với tôi và Tiểu Thập Lục, chẳng qua trên trán hiện lên một đường gân xanh, biểu hiện của việc không vừa lòng với biện giải của người khác. (Tác giả: Cho nên nói, sau lưng người khác không được nói bậy, nếu không, sẽ bị bắt quả tang! Nữ trư: được, đợi ta về rồi sẽ giáp mặt nói sau. )
"Thần thiếp tham kiến bệ hạ." Tôi làm động tác phúc thân với con báo. Hắn gần đây dường như vô cùng thích thú việc quấy rầy tôi, không biết có mục đích gì.
"Vi thần từng nghe nói nương nương tài năng xuất chúng, bình thường cực kỳ mong mỏi mà chưa từng được luận bàn văn chương với người. Hôm nay hạnh ngộ nương nương, vi thần hiểu biết còn thô tục và ít ỏi, mong được nương nương chỉ giáo." Nói năng đường hoàng lắm, chẳng qua, hai chữ "chỉ giáo" dường như có tăng thêm vài phần âm lượng, tôi nghe thế nào cũng thấy có vẻ giận dỗi không phục. Tiểu lão đầu này...
"Chỉ giáo thì không dám nhận. Tử viết: trong ba người cùng đi, tất có một người là thầy ta. Trong rất nhiều câu nói của Khổng Phu Tử, bản cung tâm đắc nhất là câu này, hôm nay lại được cùng tiên sinh luận bàn, chúng ta cùng học hỏi lẫn nhau, tiên sinh thấy thế nào?" Tưởng khi dễ được tôi ư, hừ! Không có cửa đâu. Con báo nhìn tôi, trong mắt lộ ý cười, một bộ dạng quan sát hai quân đối chọi, lão nhân gia hắn thì thoải mái thích ý rồi, sống chết mặc bay, tâm tình vô cùng tốt.
"Vi thần cuồng vọng, mong nương nương thứ tội." Triệu Chi Hàng thật ra là người thông minh, chỉ một chút đã nhận ra ý tại ngôn ngoại(7) của tôi.
"Ừ... bản vương nghĩ, lời nói của Khổng Phu Tử quả thật hơn người. Không biết ông ấy từng nói qua những câu nào tuyệt diệu như thế nữa chăng?" Con báo nhẹ nhàng lay động chiết phiến trong tay.
"Tử viết: quân tử thái nhi bất kiêu, tiểu nhân kiêu nhi bất thái". (Quân tử thư thái mà không kiêu, tiểu nhân kiêu mà không thư thái. ) Con báo lơ đễnh cười, không biết có nghe ra được là tôi đang giáo huấn hắn không.
"Tử viết: phù đạt dã giả, chất trực nhi hảo nghĩa. Sát ngôn nhi quan sắc, lự dĩ hạ nhân."
(Người đạt thì chất phác, ngay thẳng, mà ưa làm việc nghĩa; biết lắng nghe người ta nói, mà xem sắc mặt; biết liệu định mà nhường nhịn người. Người như vậy trong nước, trong nhà đều đạt. )
"Tử viết: quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa"
(Người quân tử hòa thuận với nhau mặc dù không giống nhau, kẻ tiểu nhân tuy giống nhau nhưng không hòa thuận với nhau được)
"Tử viết: nhân giả bất ưu, tri giả bất hoặc, dũng giả bất cụ."
(Người trí thì không còn nghi ngờ; người nhân thì còn lam ưu tư; người dũng thì không còn sợ hãi)
"Tử viết: ..."
Chỉ thấy con báo, Tiểu Thập Lục, Triệu Chi Hàng càng nghe càng nhập tâm, thỉnh thoảng cùng tán thưởng mà vuốt cằm. Chỉ khổ cho tôi, tuôn ra một đống, yết hầu đã nhanh chóng khô khốc, cứ một ngụm lại một ngụm trà. May sao đúng lúc đó, Vương Lão Cát ở bên ngoài điện báo Hoàng thượng tuyên Ngự sử đại phu Triệu Chi Hàng yết kiến, Triệu Chi Hàng dù lưu luyến không muốn vẫn phải cáo từ rời đi. Vốn tưởng rằng con báo cũng sẽ đi, ai ngờ hắn vẫn còn ngồi ở kia, sai người thay một bình trà hoa cúc, tiếp tục tư thế chờ đợi tôi.
Tôi nhất thời sinh khí, vừa đặt mông xuống liền nói: "Tử viết: ta muốn xuất cung."
Con báo nhất thời ngạc nhiên không nói nên lời, không rõ là gì, nhíu mày hỏi: "Cái này cũng là lời
"Không phải! Đây là thần thiếp nói"
"Ồ? Ái phi vì sao lại tự xưng là "Tử" vậy?" Con báo cười nhìn về phía tôi.
"Thần thiếp là nương tử của bệ hạ, là tẩu tử của Tiểu Thập Lục, vì sao lại không thể xưng là tử chứ?" Tôi nổi giận nói, cả ngày ngây ngốc ở trong cung, nếu thỉnh thoảng không trêu đùa, tra tấn Tiểu Thập Lục thì tôi đã sớm buồn đến nẫu ruột ra rồi, Vân phủ vẫn là tốt nhất, nơi đó có Tiểu Bạch có thể khi dễ.
"Ha ha, bản vương thật không thể nghĩ ra rằng Nương tử cũng có thể gọi chung là Tử"
"Nương tử không thể gọi chung là Tử, chẳng lẽ còn có thể giản lược đi xưng là nương(8) hay sao?" Tôi tức giận, người này cố tình trêu đùa tôi chắc.
Một câu vừa nói xong, cung nữ, thái giám bốn phía đều hoảng sợ nhìn tôi, Tiểu Thập Lục tuy rằng muốn cười nhưng vẫn lo lắng nhìn tôi. Làm sao vậy? A! Tôi đã phản ứng thái quá rồi, bản thân bị trúng một kích của con báo nhưng lại nói là mẹ con báo, mẹ con báo không phải là hoàng hậu sao? Thế này chẳng phải phạm vào tội phạm húy sao!
"Người đâu!" Con báo thu chiết phiến lại, xong rồi, xong rồi, tiếp theo không phải là muốn cho người lôi tôi ra ngoài, ra sức đánh cho hai mươi đại côn đấy chứ? Tôi khẩn trương nhắm mắt lại. Chợt nghe Sprite được con báo triệu hồi tới, tiến lên run giọng trả lời: "Có nô tỳ, điện hạ có gì phân phó?"
"Không nghe thấy nương nương nói muốn đi ngoài(9) sao? Còn không mau hầu hạ nương nương đi nhà xí!" Con báo này... Dám xuyên tạc ý tứ của tôi. Tôi đâu có muốn đi tiểu.
Mở mắt ra, chỉ thấy trong mắt con báo lóe ra ý cười, khóe miệng nhếch lên trêu tức, nhìn về phía tôi. Sprite tiến lên muốn nâng tôi: "Nô tỳ tuân chỉ, hầu hạ nương nương đi ngoài." Dường như thấy con báo không trách cứ tôi mà thở dài một hơi nhẹ nhõm.
"Chậm đã. Bản cung một chút cũng không nghĩ đến xuất cung." Tôi xấu hổ ngồi xuống.
"Có nghe thấy không, nương nương nói nàng không muốn xuất cung, các ngươi phải thay ta hầu hạ nương nương cho tốt, nếu có chút sơ xuất, thì ta sẽ hỏi tội các ngươi!" Con báo đột nhiên đổi sắc mặt, răn dạy hạ nhân. Cảnh báo uy nghiêm làm cho bọn hạ nhân nơm nớp lo sợ, nhất loạt quỳ xuống, luôn mồm vâng dạ.
Hay cho con báo nhà ngươi, thật quá giảo hoạt, ngay cả ta mà cũng bị ngươi quấy rối, chỉ một chút mà lại biến thành tự mình nói không muốn xuất cung! Đúng là tự bê đá ném vào chân mình. Tôi buồn bực đến cực điểm, quả nhiên là gừng càng già càng cay.
Bài học thứ hai khi xuyên qua: không nên so bì sự xảo quyệt, giả dối với hoàng thất. Con đường tu đạo còn dài rộng phía trước, cùng con báo đấu trí, đấu dũng, con đường cách mạng này còn gập ghềnh, hiểm trở, gánh nặng đường xa a...
Chú thích:
1- Nữ hồng: người phụ nữ tề gia nội trợ
2- Bát quái: buôn chuyện
3- Trọng thương khinh sĩ: coi trọng việc buôn bán, coi nhẹ việc làm quan.
4- Thương vương: Vương gia thương nhân.
5- Long kim mãng tử: rồng vàng, rắn tía
6- Tựa tiếu phi tiếu: Cười như không cười
7- Ý tại ngôn ngoại: ý vượt ra ngoài lời. Tức là lời nói thì ít nhưng chuyển tải nhiều ý tứ sâu xa.
8- Nương: mẹ
9- Xuất cung: Dung nhi nói muốn xuất cung, tức là đi ra ngoài cung, nhưng thái tử xuyên tạc thành đi ngoài.
← Ch. 11 | Ch. 13 → |