Truyện:Đức Phật Và Nàng - Chương 35

Đức Phật Và Nàng
Trọn bộ 98 chương
Chương 35
Pusyseda ngoại truyện
0.00
(0 votes)


Chương (1-98)
Hot!!! Pi Network đã chính thức lên mainnet! Đừng bỏ lỡ cơ hội như bitcoin!


Có lẽ phần lớn mọi người đều không nhớ được nhiều chuyện diễn ra khi mình bốn tuổi. Tôi thì khác, con số ấy đã hằn lên trong kí ức của tôi một đường ranh giới rất rõ rệt. Vì trước bốn tuổi, gia đình tôi có mẹ và anh trai, sau bốn tuổi, gia đình chỉ còn lại tôi và cha.

Còn nhớ hôm ấy, anh trai không chơi đùa với tôi như mọi ngày mà dắt tay tôi, nín thở nép vào một góc, ngó vào căn phòng của cha mẹ. Hồi đó, cứ có thắc mắc gì tôi lại đem ra hỏi anh trai. Trong mắt tôi, anh ấy là người biết mọi thứ, có thể trả lời mọi câu hỏi. Anh trai nói với tôi rằng, mẹ đã nhịn ăn nhịn uống sáu ngày rồi, vì mẹ muốn đi tu.

Đi tu nghĩa là sao?

Đi tu nghĩa là mẹ muốn dọn đi khỏi nhà.

Thừa lúc anh trai lơ đễnh, tôi chạy vào phòng cha mẹ, tôi muốn cầu xin mẹ đừng đi. Nhưng tôi không thấy mẹ đâu, chỉ có cha đang ngồi khóc với một nắm tóc dài màu hung trên tay. Thấy tôi, cha vội vã giấu nắm tóc ra sau lưng, cuống cuồng lau nước mắt và kêu anh trai đưa tôi ra ngoài.

Tôi hỏi anh, vì sao đi tu lại phải cắt bỏ mái tóc đẹp như vậy?

Anh tôi bảo, đi tu thì không cần bất cứ thứ gì nữa cả.

Mẹ đã dọn đi thật và không mang theo gì hết. Lúc ra khỏi nhà, mẹ được người ta khiêng trên kiệu, mẹ dựa vào thành ghế, sắc mặt rất kém, mái tóc bồng bềnh ngày nào không còn nữa. Đột nhiên tôi thấy sợ, tôi cảm thấy mẹ tôi thật xa lạ. Mấy ngày sau, cha dẫn tôi và anh trai đến chùa thăm mẹ. Tôi đã quen với hình ảnh mẹ trong những bộ trang phục đẹp đẽ, hôm đó nhìn mẹ mặc áo cà sa, hình ảnh đẹp đẽ trong tôi bỗng nhiên biến mất.

Kể từ hôm đó, cứ cách năm ba ngày cha lại đưa tôi và anh trai đến chùa. Mẹ đã thay đổi hoàn toàn, trước kia mỗi khi cha chạm vào người mẹ, mẹ sẽ cười duyên dáng, nhưng bây giờ, hễ cha định chạm vào người mẹ là mẹ né tránh, rồi mẹ chắp tay lại hành lễ với cha (mãi về sau tôi mới hiểu nghi lễ đó nghĩa là gì). Còn tôi, tôi khao khát được mẹ ôm vào lòng, nhưng mẹ chần chừ, do dự. Những lúc như thế, cha lại ôm chầm lấy tôi, những giọt nước mắt tôi không bao giờ muốn thấy lại lăn dài trên gò má cha. Lớn lên tôi mới biết, như thế gọi là đau khổ. Và kể từ đó, tôi không đòi mẹ ôm nữa.

Lần nào đến chùa, ba cha con cũng ở lại cả ngày liền, ngồi nghe những người mặc bộ trang phục giống hệt mẹ và cũng không có tóc như mẹ lầm rầm đọc những câu gì đó tôi không hiểu được. Cha muốn tôi ngồi yên, nhưng tôi cảm thấy bứt rứt, khó chịu nên lăn ra ngủ lúc nào không biết. Nhưng anh trai tôi thì khác. Anh ấy lắng nghe rất chăm chú, sau đó đọc lại cho một cụ già những gì anh ấy nghe được. Cụ già hình như rất mến anh ấy, rì rầm trò chuyện rất lâu với cha mẹ tôi. Thế rồi, anh tôi nói rằng anh ấy cũng muốn đi tu.

Anh trai cũng dọn ra khỏi nhà ư? Vậy ai sẽ chơi đùa với tôi?

Tôi gào khóc ầm ĩ nhưng vẫn không ngăn được anh tôi ra đi. Tôi và cha đành bất lực đứng nhìn anh ấy khoác lên người bộ quần áo giống hệt mẹ, quỳ dưới đất, để cụ già đó cạo từng lọn tóc màu đồng dài đến ngang vai của anh ấy. Cha nắm tay tôi rất chặt khiến tôi muốn kêu đau, nhưng nhìn ánh mắt rầu rĩ, buồn thảm của cha, không hiểu sao, tôi lại nén được cơn đau ấy.

Anh em tôi chơi trò đuổi bắt trên mảnh sân nhỏ trong chùa. Anh trai bịt mắt lại, quờ quạng tìm tôi, tôi nhảy bên nọ nhảy bên kia né tránh. Đã rất lâu rồi tôi mới lại được chơi vui như thế. Anh trai túm được một người, hớn hở reo lên: bắt được rồi! Chưa kịp thông báo với anh ấy không phải là tôi, thì anh ấy đã phát hiện ra. Người đó là sư phụ Phật Đồ Thiệt Di của anh trai tôi, một cao tăng trong chùa Tsio – li. Thấy sư phụ, khuôn mặt anh trai tôi biến sắc, anh ấy cúi đầu lắng nghe ông cụ giảng giải về sự tĩnh tâm tọa thiền gì đó. Hôm ấy là lần cuối cùng anh trai chơi đùa cùng tôi.

Kể từ đó, mỗi lần đến chùa, tôi lại thấy mẹ và anh trai cầm những cuốn sách rất dày trên tay, họ chỉ khẽ hé môi cười với cha con tôi. Không ai ôm tôi vào lòng, cũng không ai chơi với tôi cả, tôi bắt đầu thấy ghét khi phải đến chùa. Nhưng cha vẫn muốn đi, được thôi, tôi sẽ vờ như mình cũng muốn đi. Từ năm bốn tuổi tôi đã biết cách đóng kịch để cha vui lòng.

Khi tôi lên sáu, mọi nơi trong thành Khâu Từ, người ta không ngớt lời bàn tán, khen ngợi anh trai tôi vì anh ấy đọc thuộc được rất nhiều kinh văn Phật giáo. Mẹ nói với cha, không thể để anh trai tôi bị vây bọc trong những lời ca tụng ấy, mẹ nói sẽ đưa anh đi học đạo ở nơi xa. Tôi không nhớ tên địa danh, chỉ biết đó là một nơi rất xa xôi và phải mấy năm sau họ mới quay về. Cha dắt tay tôi đi tiễn, nỗi buồn u ám lại hiện lên trong mắt cha. Tôi nghĩ, hẳn là cha rất muốn tôi khóc tiễn họ, nên tôi đã khóc. Nhưng trong lòng thì tôi rất lấy làm hân hoan vì từ nay sẽ không phải đến ngôi chùa đó nữa.

Không đến chùa, cha như mất đi điểm bám víu, ông thường ôm tôi vào lòng, ngồi rất lâu trong sân nhà, ngước mắt nhìn trời. Sau đó, ông hào hứng kể cho tôi nghe giờ này họ đang ở đâu, làm gì. Suốt bốn năm, ngày nào cha cũng nói với tôi về việc anh trai được mọi người khâm phục như thế nào, anh ấy đã nhận một vị cao tăng làm thầy và anh ấy đã được khen ngợi, tán thưởng ra sao. Người anh trai ngày càng trở nên mờ mịt trong kí ức của tôi hình như đã trở thành nhân vật nổi tiếng.

Năm tôi lên mười thì họ trở về. Đức vua (tức cậu ruột tôi) đã đích thân đi đón họ. Nghe nói, anh trai đã giành chiến thắng trong một cuộc luận chiến quan trọng ở Wensu và không ai không biết đến danh tiếng của anh ấy, người ta nói về anh ấy ở mọi nơi mọi lúc. Lẽ ra tôi phải lấy làm tự hào chứ nhỉ? Tôi có người anh ưu tú như vậy kia mà? Nhưng khi ai nấy đều chỉ vào tôi thì thào: "Em trai của thần đồng Kumarajiva kìa", tôi lại cảm thấy khó chịu vô cùng. Tôi là Pusyseda, nhớ lấy, tôi không chỉ là em trai của Kumarajiva, tôi còn là tôi, Pusyseda!

Tại buổi lễ nghênh đón long trọng, tôi đã gặp lại mẹ và anh trai sau bốn năm xa cách. Thực tình thì đối với tôi, họ thậm chí không thân thuộc bằng những người hầu trong phủ, nhưng vì muốn cha vui lòng, tôi vẫn nhào vào lòng mẹ. Bốn năm trời thiếu vắng vòng tay mẹ, nhưng lần đoàn tụ đó không hề khiến tôi vui vẻ. Mẹ vẫn lạnh lùng như ngày nào. Tôi ngả đầu vào lòng mẹ, tự hỏi không biết phải ôm đến bao giờ nữa? Đúng lúc đó thì một đôi mắt sáng long lanh chĩa về phía tôi, đôi mắt ấy trong vắt như nền trời Khâu Từ.

Chỉ nhìn thoáng qua cũng biết chị ấy không phải người Khâu Từ, dáng vóc nhỏ bé, thanh thoát. Tôi đã từng gặp những người tóc đen, da vàng như chị ấy trong thành Khâu Từ, cha tôi bảo họ là người Hán, họ đến từ một nơi rất xa xôi, vượt qua những sa mạc mênh mông và phải mất một năm dài mới tới được đây.

Tôi quan sát chị ấy, chị ấy cũng nhìn ngó, rồi cười với tôi. Nụ cười đó rất đẹp, vành môi khẽ uốn lên, hiện rõ má lúm đồng tiền xinh xắn. Nhưng không hiểu sao, tôi cảm thấy nụ cười ấy rất ngây ngô, thuần khiết một cách ngây ngô, giống hệt đôi mắt của chị ấy. Sau đó, chị ấy chu mỏ, làm mặt ngoáo ộp chọc ghẹo tôi. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy người này rất thú vị.

Chị ấy quả rất thú vị, không giống bất cứ ai tôi từng gặp. Kể từ lúc chị ấy vào sống trong phủ, ngày nào tôi cũng chờ mong hết giờ học bài trong cung để được về nhà. Trước đó thì ngày nào tôi cũng mải mê chơi đùa, luyện võ với các anh chị em họ trong cung, chẳng thiết về. Tôi thích chọc ghẹo khiến chị nổi giận. Chị ấy nói tiếng Tochari trọ trẹ, làm tôi mắc cười, mỗi lần bị tôi cười nhạo, chế giễu, chị ấy lại nổi trận lôi đình, trợn mắt, cau mày, mím môi, khác hẳn vẻ tiểu thư đỏng đảnh, giả tạo của các cô gái trong cung.

Chị ấy có một cái túi rất lớn, bên trong chứa rất nhiều thứ kỳ lạ. Chị ấy vẽ rất nhiều tranh bằng chiếc bút và tờ giấy có thể xóa đi vẽ lại nhiều lần, có điều chị ấy vẽ không đẹp. Chị ấy từng bắt tôi ngồi yên trên ghế rất lâu để chị vẽ, nhưng bức vẽ rất xấu, chẳng giống tôi tẹo nào. Chị ấy còn thường xuyên nhét đủ mọi thứ vào chiếc túi đó, thậm chí cả một mảnh giấy rách, cũng nâng niu như đồ vật quý hiếm, rồi cẩn trọng đút vào túi. Thế nên, tôi thường xuyên lượm lặt những thứ linh tinh, nói dối rằng đó là những vật dụng mà đức vua, mẹ tôi hoặc anh trai tôi từng sử dụng, lúc đó, mắt chị ấy sáng lên, lập tức dùng bút và giấy để trao đổi với tôi. Điều khiến tôi kinh ngạc là, cái túi đó như thùng không đáy, có thể nhét tất cả mọi thứ vào bên trong.

Chị ấy dạy anh trai tôi tiếng Hán, cha tôi muốn tôi học theo. Trước đó, cha đã từng mời một giáo viên người Hán về dạy tôi, nhưng người đó bị tôi chọc giận mà bỏ đi. Chị ấy thì khác, chị ấy không bắt tôi đọc bài cả ngày như người kia. Học bài mà thú vị như chơi đùa vậy! Chị ấy dạy tôi trò "oẳn tù tì ra cái gì ra cái này", tôi mà thua sẽ phải học thuộc một chương trong sách "Luận ngữ", viết một trang chữ Hán. Nếu chị mà thua, thì hôm sau sẽ phải đóng vai quân lính dưới trướng của tôi. Hàng ngày, cứ đến lúc chúng tôi chơi vui vẻ nhất thì anh trai tôi lại xuất hiện, sau đó tất cả chúng tôi đều yên lặng. Anh trai tôi có thể trò chuyện với chị ấy bằng tiếng Hán, có thể bàn luận với chị ấy về những đạo lý to tát, tôi không hiểu nổi. vì thế tôi rất giận, tôi thầm nhủ nhất định sẽ học thật tốt, để sau này có thể chơi đùa với chị ấy bằng ngôn ngữ của chị ấy.

Lúc vào cung học bài, mấy người anh họ cứ chỉ trỏ vào tôi, cười cợt mỉa mai. Thì ra, họ để ý thấy tôi thường xuyên bỏ về rất sớm, nên đã theo dõi tôi và bắt gặp chị ấy trong phủ quốc sư. Họ trêu chọc tôi, nói rằng chị ấy là bà cô già của tôi.

- Thì đã sao? Tôi cứ thích như thế đấy! Mấy cô công chúa chảnh chọe, đỏng đảnh, suốt ngày giả bộ khóc mếu thì có gì hay ho?

- Chị ta là mẹ của cậu à?

Hoàng tử thứ tư nhảy loi choi trước mặt tôi.

- Mẹ cậu đi tu không cần cậu nữa, nên cậu cưới một bà cô già về làm vợ chứ gì?

Tôi lao vào đấu đá với bọn họ một hồi, họ lớn tuổi hơn tôi, tôi đánh không lại, kết quả là tôi bị lãnh những vết bầm tím trên trán.

Về đến nhà, chị ấy cuống cuồng băng bó cho tôi. Tôi muốn nói với chị ấy, tôi là nam nhi, vết thương cỏn con này có đáng gì, nhưng lời vừa ra đến miệng đã lại trôi ngay vào. Vì tôi rất thích bàn tay chị ấy xoa vuốt trên mặt mình, cảm giác mềm mại, âm ấm. Đột nhiên, tôi muốn thử xem vòng tay của chị có ấm áp như thế không, nên đã sà vào lòng chị ấy, giả vờ gào khóc. Chị ấy rất dễ mắc lừa, vội ôm lấy tôi, vỗ về tôi. Chị ấy quả nhiên rất ấm áp, rất mềm mại, ngay cả giọng nói lướt trên đầu tôi cũng ấm áp như vậy. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy sung sướng khi được ai đó ôm vào lòng. Khi đó, chỉ muốn được chị ấy ôm như thế mãi, đừng ai đến quấy rầy, nhất là anh trai tôi.

Cha có việc phải đi Gumo, mấy ngày liền không về. Tôi mừng lắm, giả vờ sợ hãi, đòi chui vào trong chăn ngủ cùng chị. Chị vỗ nhẹ lưng tôi, hát cho tôi nghe các bài hát thiếu nhi của người Hán. Tôi tủm tỉm cười, người ta có còn là trẻ con nữa đâu mà phải ru ngủ? Nhưng giọng hát của chị ấy trong trẻo, êm ái, ấm áp tựa mảnh chăn bông đã được hong khô dưới nắng vào mùa đông. Tôi chìm dần vào giấc ngủ say sưa trong hơi ấm ngọt ngào ấy. Trước lúc mê đi, tôi đã thầm nhủ, sau này người mà tôi lấy làm vợ nhất định phải có được hơi ấm đó.

Kể từ hôm ấy, tôi đã có thêm lí do để quấn chị: tôi muốn chị hát cho tôi nghe những bài hát không giống nhau. Chị rất cưng chiều tôi, liên tục thay đổi bài hát, hát đến khi tôi đã thiếp đi mới dừng lại. Tôi phát hiện ra, khi tôi ngủ say, chị sẽ nhẹ nhàng kéo chăn cho tôi, còn quệt tay vào mũi tôi, khe khẽ trách móc tôi bằng tiếng Hán. Điều đó thật thú vị, nên tôi thường xuyên vờ ngủ say. Nhưng, tối hôm đó, trò đùa của tôi đã bị anh trai lật tẩy. Sau khi phụng phịu ra khỏi phòng chị ấy, tôi đã nấp vào một góc tường, chị đang hát cho anh trai tôi nghe, chọc anh ấy cười vang, điều mà tôi chưa từng thấy trước đây. Tôi rất giận. Vì sao chị lại hát cho anh ấy nghe. Chị chỉ được hát cho mình tôi nghe thôi chứ!

Ngày hôm sau, tôi lại càng bực mình hơn, khi hết giờ học, tôi lao như bay về nhà mà không thấy chị đâu. Người trong phủ nói chị đi tham quan thành Khâu Từ cùng anh trai tôi. Sao lại như vậy? Nếu chị muốn thăm quan, tôi cũng có thể đưa chị đi kia mà? Anh ấy giành mất mẹ của tôi, bây giờ lại muốn tranh cả chị với tôi ư? Tôi trút giận lên con chó vàng canh phủ và ngồi lì một chỗ ngóng chị về.

Trước giờ cơm buổi tối chị mới về đến nhà. Lẽ ra tôi muốn phơi bày nỗi tức giận của mình, nhưng chị đã kéo tôi chơi trò đuổi bắt, chị chọc tôi cười, khiến cục tức trong tôi tan biến như mây khói. Dường như chỉ khi vui đùa cùng chị, tôi mới được khóc được cười thoải mái, không mệt mỏi như khi tôi phải giả vờ khóc, cười để lấy lòng cha.

Một hôm, chị nhìn chiếc đồng hồ kỳ quặc trên tay mình, rồi đột ngột thốt lên:

- Ngày mai là năm mới!

Rồi chị bảo muốn đón tết của người Hán, hôm sau sẽ tặng quà cho tôi và anh trai. Chị tặng anh ấy chuỗi tràng hạt bằng gỗ đàn hương, còn tặng cho tôi bức tranh vẽ một con vật kì dị, không giống mèo cũng chẳng giống chó và cả cái tên của nó cũng rất lạ: Doraemon. Chị nói con vật kỳ lạ này có một chiếc túi thần kỳ, nó có thể lôi từ trong túi ra bất cứ thứ gì nó muốn. Tôi không thích món quà đó lắm, tôi có phải trẻ con nữa đâu mà chị tặng tôi thứ đồ dành cho con nít vậy? Nhưng vì là bức tranh do chính tay chị vẽ, nên tôi đành nhận vậy!

Tôi biết tin chị sắp ra đi, chị sẽ đến Trường An trên hành trình kéo dài một năm trời. Nhưng tôi không muốn vậy, tôi phải nghĩ ra cách gì để giữ chị ở lại.

Tôi nghĩ đến chiếc vòng tay kỳ lạ của chị. Chiếc vòng đó biết động đậy, tôi từng nhìn thấy. Nhưng lần đó, chị đã nghiêm mặt cảnh cáo tôi không được động vào bất cứ thứ gì trên chiếc vòng ấy. Chị đeo nó cả ngày, đi ngủ cũng nhét xuống dưới gối, chỉ khi đi tắm chị mới tháo ra để một chỗ. Càng ngày tôi càng cảm thấy chiếc vòng đó có điều gì rất kỳ lạ. Thế là, hôm đó, nhân lúc chị đi tắm, tôi đã lẻn vào phòng chị, kiểm tra đồ vật kì quái ấy.

Không biết tôi đã chạm vào đâu mà chiếc vòng đột nhiên phát ra thứ ánh sáng màu xanh và những tiếng tích tắc lạ lùng. Khi tôi chưa hết kinh ngạc thì chị đã bước vào phòng. Không muốn bị chị mắng vì tôi đã lẻn vào lấy trộm chiếc vòng, tôi vội vàng thanh minh:

- Ngải Tình, chiếc vòng này thú vị quá, biết kêu tích tắc tích tắc, chị cho em nhé?

Nhiều năm sau tôi vẫn nhớ như in cảnh tượng hôm ấy. Tôi thường tự hỏi, nếu tôi không bày trò lấy trộm chiếc vòng đó, mọi thứ liệu có khác đi? Sau khi chị biến mất trong chùm sáng kỳ quái, tôi đã đi tìm chị khắp nơi, một tháng sau mới chịu bỏ cuộc. Trên đời này có thần thánh thật ư? Chị là tiên nữ thật ư? Tôi không tin Phật, điều duy nhất tôi tin là tôi đã gặp tiên nữ năm lên mười. Chỉ có tiên nữ mới xinh đẹp, thông minh, đáng yêu như vậy, mới khác biệt như vậy.

Tôi đã không truyền đạt lại cho anh trai lời dặn dò của chị, chị nói anh phải đến Trường An truyền bá đạo Phật. Chị nói anh sẽ trở thành một con người vĩ đại. Vậy còn tôi thì sao? Chị là tiên nữ, vì sao không cho tôi biết tương lai của tôi? Tôi bực mình khi thấy anh trai đi đi lại lại trong phòng chị như kiếm tìm điều gì. Tôi bực mình khi anh ấy bao bọc rất cẩn thận những bức vẽ chị lưu lại. Tôi bực mình khi anh ấy dặn dò người hầu giữ nguyên trạng căn phòng của chị và thường xuyên dọn dẹp sạch sẽ. tôi càng bực mình hơn khi anh ấy luôn nghĩ ra cần phải làm gì trước tôi.

*****

Càng trưởng thành, càng có nhiều chuyện khiến tôi phiền lòng. Căn nhà trống trải khiến tôi buồn chán, vì cha thường xuyên đến chùa, nói rằng muốn dự pháp hội, nhưng kỳ thực là đến thăm hai người đó. Tiếng tăm của anh trai tôi ngày càng vang xa, anh ấy đi khắp nơi truyền bá giáo lý Đại Thừa, tham gia không biết bao nhiêu cuộc luận chiến, cố gắng thuyết phục mọi người tin theo giáo phái Đại Thừa bằng triết lý "có có không không" gì đó. Đại Thừa, Tiểu Thừa gì chứ, tôi chẳng tin. Nhưng vì muốn cha vui, tôi vẫn thường thắp nhang trên điện thờ trong nhà và cùng cha đến chùa thăm họ, nếu gặp dịp nhà chùa tổ chức pháp hội, tôi cũng kiên nhẫn ngồi nghe cùng cha đến cuối buổi.

Những chuyện xảy ra năm mười tuổi, tuy vẫn nhớ nhưng vì chỉ vẻn vẹn vài tháng nên tôi đã quên đi rất nhanh. Nhưng khi nghe các hoàng tử kể chuyện chơi bời bên ngoài cung, họ nói đã "thử" đủ mọi loại phụ nữ, chỉ chưa biết "mùi vị" của tiên nữ thế nào thôi, những lúc như thế, tim tôi lại vô cớ đập rất nhanh. Tôi từng gặp tiên nữ, nhưng tiên nữ không lưu lại quá lâu dưới trần gian, làm sao đám người thô thiển kia gặp được nàng chứ! Nhưng tôi, dù cố gắng thế nào cũng không nhớ nổi tiên nữ trông ra sao. Chỉ có vòng tay ấm áp và giọng hát êm ái của nàng vẫn xuất hiện trong giấc mơ của tôi, những lúc như thế, tôi không muốn tỉnh giấc chút nào.

Mười lăm, mười sáu tuổi tôi bắt đầu đua theo đám vương tôn công tử kia gây ra bao chuyện thị phi. Hài hước nhất là một lần tôi cùng hoàng tử thứ tư đi cướp dâu. Chiều muộn hôm đó, sau khi đã quá chén, chúng tôi gặp một đám rước dâu trên đường. Hoàng tử đột nhiên nảy ra ý định cướp cô dâu, liền kéo tôi trà trộn vào đám cưới gia đình nọ. Khi trời bắt đầu sẩm tối, hoàng tử la lên: Có trộm! Khách khứa tới dự hôn lễ ồ ạt kéo ra ngoài. Theo sự phân công của hoàng tử, tôi lẻn vào buồng tân hôn cắp cô dâu đi. Cô gái đó ban đầu rất sợ hãi, nhưng vừa nhìn thấy tôi đã lặng thinh không gào tiếng nào. Thì ra vì thế hoàng tử mới sai tôi đi làm cái việc chẳng đàng hoàng chút nào này!

Trời tối đen như mực, trong lúc gấp vội lại không thấy đường, tôi bị sa vào bãi lầy đầy gai nhọn, không sao nhấc nổi chân. Hoàng tử vội đến cứu nguy, nhưng chưa lôi được tôi ra khỏi bãi lầy thì đám người nhà cô dâu đã kéo đến. Điều tôi không ngờ là hoàng tử đột nhiên trở mặt, gào to: Trộm ở đây này! Tôi hoảng hốt, cố sức bật ra khỏi bãi lầy, bỏ lại cô dâu, hai chúng tôi tháo chạy tán loạn.

Cứ ngỡ mọi chuyện sẽ kết thúc ở đấy, nào ngờ mấy ngày sau, một vài người xuất hiện ở nhà tôi, kéo theo một cô gái khóc lóc nức nở, họ nổi giận đùng đùng, gào thét đòi gặp tôi. Thì ra cô dâu hôm đó không muốn lấy chồng nữa, nằng nặc đòi đi tìm tôi, cô ta thậm chí đã theo dõi và biết được nơi tôi ở. Gương mặt cha biến sắc khi nghe lời phân trần của cô gái, tôi có giải thích thế nào cũng vô ích. Tranh cãi hồi lâu, cha phải trả một khoản tiền, đám người kia mới chịu ra về. Cô gái đó về sau vẫn tiếp tục đi theo tôi. Không chịu nổi, tôi đã mắng nhiếc cô ta một trận thậm tệ, cuối cùng cũng được yên thân. Nhưng chuyện này đã nhanh chóng bị đồn ra ngoài, mọi người trong thành Khâu Từ không ai không biết là con trai út của quốc sư là một tên phóng đãng. Hoàng tử ẩn mình một chỗ vờ không hay biết, ý rằng muốn tôi gánh chịu mọi hậu quả. Anh ta là hoàng tử, nếu để đức vua biết, sẽ phải chịu hình phạt nặng nề.

Tôi mặc kệ! Là tên phóng đãng thì đã sao! Nhưng tôi thấy khinh bỉ loại người như hoàng tử, nên kể từ đó đã tuyệt giao với anh ta.

Sinh nhật lần thứ mười bảy của tôi vào đúng ngày anh trai thọ đại giới. Mặc dù danh tiếng của anh trai tôi đã lan xa khắp vùng Tây Vực, nhưng anh ấy vẫn phải tuân thủ quy định, đến năm hai mươi tuổi mới được thọ đại giới, từ một Sa di, trở thành một Tỷ Khâu thực sự. Đức vua đặc biệt ưu ái anh ấy như thể lo rằng các tiểu quốc xung quanh không biết Kumarajiva là quốc bảo của Khâu Từ vậy!

Tôi thả bộ trong chùa, vẫn chưa tới giờ làm lễ, tôi chưa muốn vào trong điện, trước đây tôi vốn không thích tham dự những nghi lễ kiểu này.

Anh trai đi qua, thấy tôi bèn dừng lại. Hôm nay anh ấy mặc chiếc áo cà sa mới, khí chất toát lên vẻ thanh tao, thoát tục. Nhưng trên tay anh ấy đeo gì thế kia? Bao nhiêu năm rồi anh ấy vẫn không chịu tháo bỏ nó.

Tôi cười mỉa, gào lên:

- Bạc cả màu rồi, còn đeo làm gì?

Anh ấy không đáp, lẳng lặng rủ tay áo che đi, vẻ mặt vẫn bình thản như thường ngày:

- Hôm nay là sinh nhật tuổi mười bảy của em.

Anh ấy cười với tôi, sau đó như chợt nhớ ra điều gì đó, vội vàng nói với tôi bằng tiếng Hán:

- Chúc mừng sinh nhật!

Tôi sững người. Không phải vì anh ấy nhớ ngày sinh nhật của tôi, mà vì câu chúc mừng sinh nhật bằng tiếng Hán trong khoảnh khắc đã đưa tôi trở về với những kỉ niệm xa xưa. Có một cô gái với nụ cười trong trẻo đã dạy tôi giai điệu dễ thương, dễ thuộc của một bài hát mà cô ấy bảo phải hát vào ngày sinh nhật. Như thế nào nhỉ? Tôi vừa lục lọi trong kí ức, vừa đưa mắt nhìn theo bước chân anh ấy tiến vào nơi thọ giới.

Buổi sáng thọ giới, buổi chiều anh trai tôi lại tiếp tục thuyết giảng kinh văn Đại Thừa cho hoàng thân quốc thích và đám quý tộc Khâu Từ nghe. Tôi không đủ kiên nhẫn, liền vờ mắc tiểu, một mình lẻn đến căn phòng dành cho khách khứa nghỉ ngơi. Bài hát đó, như thế nào nhỉ? Ký ức đôi lúc giống như: rõ ràng ta nhìn thấy cánh diều bay lơ lửng ở nơi cách ta không xa, nhưng ta không sao tìm được đầu sợi dây nối với cánh diều ấy.

Cửa phòng đột nhiên bật mở, tôi giật mình khi thấy người vừa bước vào. Đó là công chúa người Khoái Hồ, thê thiếp mới của đức vua. Không biết đức vua toan tính điều gì mà liên minh với người Khoái Hồ ở mãi vùng Issyk- Kyl phía tây xa xôi. Cô công chúa này chính là một trong những điều kiện của giao kèo kết thân. Cô ta còn cao lớn hơn cả phụ nữ Khâu Từ, tôi đứng bên cũng chỉ cao hơn cô ta nửa đầu. Mắt xanh, tóc vàng, trông cũng không đến nỗi nào. Có điều kể từ khi vào cung, cô ta không được lòng các phi tần Khâu Từ vì tính cách đáo để, ghê gớm của mình.

Cô ta nói tiếng Khâu Từ không được lưu loát cho lắm, khiến tôi nhớ đến nhiều năm trước cũng từng gặp một cô gái như thế. Nhưng cô ta lại liếc mắt đong đưa, khiến tôi chột dạ. Trong phòng chỉ có hai chúng tôi, không muốn gặp phiền phức, tôi xin phép ra ngoài.

Nhưng cô ta đã kéo tay tôi lại, áp sát thân mình vào người tôi, tôi đã lùi bước đến tận cùng, lưng chạm vào vách tường. Cô ta nói bằng giọng lơ lớ rằng đã đem lòng yêu mến tôi từ lâu.

Tôi lúng túng, khuôn mặt nóng bừng. Lúc trước, cô ta từng nhiều lần liếc mắt đưa tình, đong đưa trước mặt tôi, nhưng tôi chẳng thèm để ý. Tôi không thích, cũng không dám. Nhưng hôm nay, có lẽ cô ta nghĩ rằng cơ hội đã đến.

Cô ta đưa đẩy bộ ngực vĩ đại của mình trên cánh tay tôi, khuôn mặt trắng nõn nà, gò má lốm đốm tàn nhan sáp lại gần tôi. Trong khoảnh khắc, tôi như bị mê hoặc bởi cảm giác đê mê, êm ái của sự tiếp xúc da thịt.

Cô ta tiếp tục kể lể về chuyện đã phải lòng tôi ngay lần gặp đầu tiên như thế nào. Rồi khuyên tôi đừng lo lắng về thân phận của hai người, vì cô ta hứa sẽ không nói ra. Sau đó cô ta đã nói một câu mà tôi vô cùng chán ghét:

- Chàng là lãng tử nức tiếng, không ngại cướp cả vợ người ta, em tin chàng không phải kẻ nhát gan!

Lại là chuyện đó! Tôi bị mang tiếng xấu là kẻ phóng đãng, dù chưa từng làm chuyện phóng đãng bao giờ. Thậm chí, ngay cả khi cùng các vương tôn công tử đến kỹ viện vui chơi, tôi cũng chưa bao giờ nảy sinh ham muốn động vào đám con gái đáng ghét ấy. Cô gái của tôi phải là một cô gái thuần khiết như bầu trời xanh, tuy nàng chưa xuất hiện, nhưng tôi sẵn sàng chờ đợi...

Lợi dụng lúc tôi phân tâm, cô ta càng tiến sát hơn, cặp môi đỏ chót chừng muốn đỗ xuống, nhưng tôi đã kịp nghiêng đầu, dấu ấn của cô ta đậu lại trên sườn má bên phải. Bỗng nhiên tôi cảm thấy buồn nôn, liền đẩy cô ta ra. Cô ta loạng choạng, đổ người xuống chiếc bàn gỗ thấp, hình như phần eo va đập rất mạnh vào cạnh bàn, vẻ mặt trở nên dữ tợn.

Có tiếng bước chân vang lên ngoài cửa, một đám người đang sắp bước vào đây. Tôi hoảng hốt, vội chạy đến đỡ cô ta dậy, nhưng ánh mắt thù hằn dữ dằn của cô ta khiến tôi sợ hãi.

Bên ngoài là đức vua, cậu út Bạch Chấn, cha tôi và mấy người họ hàng khác. Người phụ nữ đó sà vào lòng đức vua, kêu gào thảm thiết, buộc tội tôi giở trò trăng hoa.

Một trận khẩu chiến xảy ra và tôi, tất nhiên, là người thua cuộc. Không ai tin tôi cả. Vết son trên má là bằng chứng trực tiếp, tiếng xấu trong quá khứ là bằng chứng gián tiếp. Đức vua vô cùng tức giận, nhưng vì nể mặt cha nên đã không hạ lệnh trừng phạt tôi ngay lúc đó. Những người còn lại, kẻ lắc đầu người thở dài, nhìn cha tôi ngao ngán. Kể từ lúc xảy ra chuyện, sắc mặt cha đã tái nhợt đi. Tôi chẳng thèm quan tâm người khác nghĩ gì, kể cả người đó có là đức vua đi nữa, nhưng tôi không thể chịu nổi khi thấy cha đau lòng.

Bởi vậy, sau khi về phủ, tôi đã giải thích để cha hiểu và hỏi ông:

- Cha tin con chứ?

Cha nói tin tôi, nhưng vẻ u buồn vẫn hiển hiện trong mắt khi cha nhìn tôi.

- Pusyseda, giá như con có thể noi gương anh con, luôn biết giữ mình, thì đâu đến nỗi ngoài cha con ra, không ai chịu tin lời con cả.

Tôi mở miệng định thanh minh, nhưng không thốt lên lời. Vậy là cha luôn cảm thấy thất vọng về tôi!

Người hầu vào thông báo mẹ đã về, cha vô cùng mừng rỡ. Tôi theo cha ra đón mẹ vào phòng khách. Mẹ có vẻ rất tức giận, vừa vào nhà đã hỏi chuyện xảy ra hôm nay. Tôi kiên nhẫn (mặc dù không vui chút nào) giải thích lại lần nữa với bà.

Bà trách móc tôi:

- Hôm nay là ngày anh con thọ đại giới, vậy mà con lại gây ra chuyện động trời như thế!

Mẹ thậm chí không nói có tin lời tôi hay không, bà chỉ nghĩ đến anh trai. Hôm nay là ngày anh trai thọ đại giới, vậy còn tôi? Liệu mẹ còn nhớ hôm nay là sinh nhật lần thứ mười bảy của tôi không?

Tự nhiên, tôi cảm thấy vô cùng buồn tủi, liền lao ra ngoài, mặc cho cha quát gọi phía sau.

Màn đêm buông xuống, cơn gió mang theo hơi lạnh se sắt của mùa thu ào đến. Một mình lang thang trên đường phố vắng lặng, tôi bỗng nhận ra: từ trước đến nay, tôi vẫn luôn cô độc. Bao nhiêu bạn bè anh em, nhưng họ chỉ xuất hiện khi có hội nhậu, hay những cuộc đánh lộn. Tôi thấy mình như sắp hóa điên, bao điều nhức nhối dồn tụ trong lòng, không sao giải tỏa nổi.

- Pusyseda!

Tôi ngẩng lên, thì ra là cô chủ quán ăn Khotan trong thành, một góa phụ trẻ tuổi lẳng lơ. Đã bị tôi cự tuyệt nhiều lần, nhưng cô ta chưa bao giờ chịu từ bỏ.

Tôi "diễn" một nụ cười phong tình, kéo cô ta vào lòng.

- Đến chỗ cô em nhé!

Tôi không muốn tiếp tục mơ mộng nữa, khổ sở theo đuổi những điều mơ hồ, không có thực ấy để mà làm gì? Dù sao trong mắt người đời tôi chỉ là một tên phong lưu không hơn không kém, vậy thì một tên phong lưu nên làm những việc xứng với danh xưng của hắn.

Tôi khá hồi hộp khi ở trong căn phòng của cô ta, cố gắng trấn tĩnh, tôi quay lại người đàn bà đã trút bỏ gần hết xiêm y:

- Nói cho ta biết phải làm thế nào?

Cô ta phá lên cười dâm đãng, nắm lấy tay tôi kéo lê trên thân thể cô ta. Mùi nước hoa nồng nồng trên người cô ta khiến tôi lảo đảo.

Dưới sự dẫn dắt của cô ta, tôi ngày càng trở nên thành thục, ngày càng trở nên cuồng bạo, tôi muốn trút bỏ mọi thứ đang dồn nén trong lòng ra ngoài. Tôi phải thừa nhận rằng, tôi đã cảm thấy thực sự hân hoan khi lên đến cao trào.

Sau khi kết thúc, tôi lẳng lặng ngồi dậy, đưa mắt nhìn mọi thứ xô lệch, nhàu nhĩ xung quanh và người đàn bà lõa lồ vẫn đang thở hổn hển cạnh tôi. Chẳng phải rất đơn giản sao? Vậy mà trước kia tôi cứ khiến nó trở nên nghiêm trọng. Rốt cuộc là tôi muốn bảo vệ thứ gì? Có đáng không? Chỉ là lên giường thôi mà, tôi có mất gì đâu!

- Chàng thật mạnh mẽ! Không giống là lần đầu tiên.

Cô ta trườn lên vai tôi, đổ cả thân hình mềm nhũn lên người tôi. Thân thể cô ta ướt át, mùi nước hoa trộn lẫn với thứ mùi hôi không thể giấu giếm xông lên mũi tôi. Ruột gan tôi như muốn lộn tùng phèo, tôi thấy buồn nôn. Đẩy cô ta ra xa, tự mình mặc quần áo, rồi lạnh lùng rời khỏi cái nơi đáng ghét ấy, tiếng cô ta gọi với phía sau:

- Khi nào chàng lại tới?

Tôi sẽ không bao giờ quay lại đó nữa, vì tôi không muốn hành hạ khứu giác với thứ mùi hôi kinh khủng ấy. Tôi lang thang trên đường cho đến khi tiếng mõ của người phu đi tuần đêm báo hiệu đã sang canh năm. Sinh nhật tuổi mười bảy của tôi đã qua đi như thế đó.

Tôi chính thức trở thành tên công tử chơi bời thực thụ, không nhớ nổi tôi đã lên giường với bao nhiêu người phụ nữ nữa. Tôi có thể tiếp nhận bất cứ ai, miễn là tôi cảm thấy hứng thú, chỉ với một điều kiện duy nhất: trên người họ không được có thứ mùi hôi khiến tôi buồn nôn ấy.

Ánh mắt cha khi nhìn tôi ngày càng chất chứa vẻ tuyệt vọng, mẹ thì không cần phải nói cũng biết bà khinh ghét tôi thế nào. Mặc kệ, dù sao thì họ chỉ cần có anh trai tôi là đủ...

Không lâu sau, mẹ và anh trai tôi chuyển đến ngôi chùa Cakra, cách nhà bốn mươi dặm. Như thế lại hay, tôi sẽ không phải ép mình đóng kịch, vờ thích thú mỗi lần phải cùng cha đến chùa thăm họ nữa. Anh trai trở thành trụ trì chùa Cakra, tuyên bố hùng hồn rằng sẽ dốc sức truyền đạo để toàn bộ người Khâu Từ tin theo giáo phái Đại Thừa. Sao cũng được, thích thay đổi điều gì xin mời cứ việc. Dù sao thì, đức vua rất mực sủng ái anh ấy, mọi người kính nể anh ấy, anh ấy muốn làm gì, ai nấy đều hưởng ứng.

Năm tôi hai mươi tuổi, mẹ quyết định rời khỏi Khâu Từ để đến Thiên Trúc, bà muốn chứng tam quả gì đó. Hai cha con tôi đến chùa Cakra tiễn bà. Chúng tôi lưu lại trong ngôi nhà của anh trai ở Subash. Vì không đủ phòng nên tôi phải ngủ trong phòng của anh trai.

Buổi tối rỗi rãi, nhàm chán, tôi định bụng tìm đại một cuốn sách trong tủ sách của anh ấy để giết thời gian. Nhưng tôi tình cờ phát hiện ra một hốc nhỏ kín đáo phía sau tủ sách. Tôi tò mò đẩy nắp đậy ra và thấy một chiếc hộp gỗ hình chữ nhật.

Bên trong chiếc hộp gỗ là một xấp những bức vẽ. Cánh cửa ký ức trong tôi bỗng mở tung khi tôi nhìn thấy đôi mắt long lanh, trong sáng ấy, nụ cười tươi tắn rạng rỡ ấy, lúm đồng tiền duyên dáng ấy và suối tóc mượt mà, bồng bềnh, ơ hờ thả trên vai ấy. Chính là cô gái ấy! Đây đúng là dung nhan của nàng. Trong chốc lát, hơi ấm và giọng hát trong veo của cô gái ấy sống dậy trong tâm trí tôi, rõ ràng, sống động, như thể mọi thứ mới diễn ra ngày hôm qua. Tôi thật đáng trách! Tôi đã quên bẵng dung nhan ấy suốt mười năm trời.

Tôi lật mở ráo riết bức vẽ như kẻ đói khát lâu ngày được cho ăn. Cô ấy cưỡi trên lưng lạc đà, nhưng vì không quen nên ngồi không vững, suýt nữa thì ngã, điệu bộ rất nực cười. Cô ấy nghiêng đầu, há miệng, đúng rồi, đó là các động tác vũ đạo cô ấy tự biên tự diễn khi hát cho tôi nghe. Cô ấy nằm bò trên bàn ngủ gật. Tư thế ấy tôi đã được chứng kiến vài lần, ngờ nghệch mà đáng yêu vô cùng. Tôi cảm thấy tâm trạng trở nên nhẹ nhõm, thoải mái hơn khi ngắm nhìn những bức vẽ này, mọi buồn bực dường như đã tan theo mây khói. Tôi không nhịn nổi, bật cười sảng khoái, trong lòng chợt dâng lên một cảm giác ấm áp lạ thường. Lúc ấy tôi đã mong gặp lại cô gái đó biết chừng nào!

Những trang cuối cùng là chân dung của anh trai tôi thời niên thiếu. Tôi bừng tỉnh, thì ra những bức họa đủ mọi tư thế khác nhau của cô gái ấy đều do anh trai tôi vẽ. Không biết anh ấy đã vẽ trong bao nhiêu năm? Không biết hình ảnh cô gái ấy đã xuất hiện trong trái tim anh ấy bao nhiêu lần mới có thể giúp anh ấy phác họa được một chân dung tự nhiên, sinh động đến vậy. Thì ra, anh ấy vừa tụng kinh niệm Phật vừa lén lút cất giấu tiên nữ trong tim mình. Lục căn của anh ấy cũng đâu có thanh sạch, tôi nhếch môi cười, đột nhiên nảy ra một ý định.

- Hãy trả lại cho ta!

Quả nhiên anh ấy đã đến tìm tôi, thừa lúc vắng người, liền ghé vào tai tôi thì thầm, giọng nói có vẻ sốt ruột. Chẳng phải người tu hành nội tâm thanh tĩnh như mặt nước hay sao? Anh ấy mà cũng có lúc cuống quít như vậy ư?

- Trả lại gì?

Tôi lì lợm giả bộ không hiểu, nhướn mày thách thức. Anh ấy sững người, nhìn tôi hồi lâu, không nói thêm câu nào, xoay người bước đi.

- Cô ấy là tiên nữ, nhớ thương cũng chẳng ích gì đâu!

Tôi gào lên phía sau:

- Tôi đang giúp anh đó! Trong lòng nhiều vướng bận như thế làm sao chuyên tâm phụng sự Phật tổ được?

Anh ấy dừng bước, bờ vai rung động, không quay đầu lại, ngập ngừng một lúc lại tiếp tục bước đi. Nhìn theo anh ấy, tôi bỗng cảm thấy buồn bực vô chừng.

*****

Mỗi khi buồn bực tôi lại đi kiếm phụ nữ, sau một hồi "vận động", tâm trạng tôi khá lên rất nhiều. Nhưng không hiểu sao, hôm đó, ôm cô ba trong phủ tướng quân mà tôi lại chẳng có chút cảm hứng nào.

- Sao thế?

Bàn tay cô ta ve vuốt thân thể tôi.

- Chàng thường ngày hào hứng lắm kia mà, hôm nay sao vậy? Hay là chàng buồn vì mẹ chàng ra đi?

- Ai bảo thế?

Tôi xoay người lại, đè cô ta xuống, những ý nghĩ vẩn vơ vụt tan biến, nhiệt tình "đền bù" cho người đẹp. Khuôn mặt của cô ta chợt nhòa đi, một nụ cười tươi tắn, thuần khiết chập chờn hiện ra hiện ra trước mắt tôi, toàn thân hừng hực như lửa đốt và tôi, đã gọi tên cô ấy khi lên đến đỉnh cao hoan lạc.

"Xong việc", cô ba nhà tướng quân hỏi tôi từ đó nghĩa là gì, tôi cười chống chế, nói rằng một câu tiếng Hán vu vơ nghe được ở đâu đó. Rồi bất chấp sự chèo kéo, nài nỉ của cô ta, tôi nhanh chóng đóng bộ, ra về.

Dù có chơi bời, lêu lổng đến đâu, tối nào tôi cũng về nhà ngủ và không bao giờ có chuyện tôi đưa phụ nữ về nhà. Đêm đó, tôi nằm dài trên giường ngắm từng bức vẽ. Tôi say mê đôi mắt trong veo, long lanh ấy, phụ nữ quanh tôi không ai có đôi mắt thuần khiết như thế. Bỗng nhiên, cảm thấy nỗi cô đơn rợn ngợp, tôi thấy nhớ cô ấy, lần đầu tiên trong đời, tôi thấy nhớ một người con gái da diết như vậy. Tôi muốn cô ấy trở về.

Tôi bật dậy, lục tìm cuốn "Kinh thi", cô ấy nói rằng khi nào tôi đọc thuộc tập thơ này, cô ấy sẽ quay lại. Tôi lôi bức tranh con vật kì dị do chính tay cô ấy vẽ ra và không nhịn nổi cười khi ngắm nghía bộ dạng của nó. Tôi búng tay vào bộ mặt béo tròn của chú mèo kỳ quái, thì thầm:

- Ta học thuộc "Kinh thi" thì nàng sẽ quay về, phải không?Vậy thì ta sẽ học.

Từ hôm đó, tối nào tôi cũng đến phòng của cô ấy đọc "Kinh thi". Mọi thứ trong căn phòng này vẫn được giữ nguyên như mười năm về trước. Bỏ bẵng tiếng Hán trong một thời gian dài, nay phải học lại, quả thực rất mệt. Những lúc bí bách, tôi thường ngả lưng trên chiếc giường của cô ấy, ngắm nhìn chân dung cô ấy, vuốt ve chiếc gối của cô ấy, tưởng tượng ra từng cử chỉ, điệu bộ của cô ấy. Chỉ thế thôi, cũng giúp tôi hân hoan cả một buổi tối. Đã lâu tôi không còn thiết tha tìm kiếm đàn bà nữa, nhưng tôi không hề thấy cô đơn, ngược lại, trong lòng lúc nào cũng ắp đầy niềm vui. Người ta trở nên phấn chấn hơn khi có cái gì đó để mà chờ đợi.

Thấy tôi không lêu lổng nữa, cha nghĩ rằng tôi đã phải lòng con gái nhà ai rồi. Cha đem thắc mắc đó hỏi tôi, tôi chỉ cười, bảo rằng, tôi sẽ lấy một cô gái độc nhất vô nhị trên đời, rằng mặc dù hiện nay cô ấy chưa xuất hiện, nhưng tôi sẽ đợi. Tôi cảm nhận được niềm vui chộn rộn khi nói lên điều đó và tôi chợt nhớ lại cảm giác khi tôi ôm chầm lấy cô ấy hồi nhỏ.

Ngày tháng lặng lẽ trôi qua, tôi đã học "Kinh thi" tròn một năm, đã chờ đợi suốt một năm. Tôi đã thuộc lòng và cô ấy sắp trở về! Ngày nào tôi cũng lang thang trên phố, quan sát kỹ tất cả những thiếu nữ người Hán xuất hiện trên đường, tôi không muốn để lạc mất cô ấy. Nhưng điều đó khiến tôi gặp không ít phiền phức. Nếu là trước kia, tôi sẽ không do dự, lập tức đồng ý lên giường với họ, nhưng giờ đây, tôi không còn hứng thú với chuyện đó nữa. Tâm tư tôi chỉ dành cho duy nhất một việc là chờ đợi cô ấy trở về.

Tôi có linh cảm là cô ấy sẽ trở về vào ngày hội Sumuzhe. Cô ấy vốn thích náo nhiệt, lễ hội lớn như vậy, sao có thể bỏ lỡ? Tôi mê mải tìm kiếm, quan sát kỹ lưỡng từng khuôn mặt người, vì tôi sợ ai nấy đều đeo mặt nạ, khó mà nhận ra cô ấy. Bỗng từ xa xuất hiện một cô gái người Hán, đang đứng ăn thịt dê nướng ở một góc đường, dầu mỡ dính đầy trên mép vẫn thản nhiên ngó nghiêng, ngắm nghía phố xá và người đi đường. Tim tôi đập rộn ràng, cô gái chân chất, không màu mè đó, có phải cô ấy?

Tôi chầm chậm bước tới, nhìn thấy đôi mắt long lanh trong sáng tôi đã chờ đợi suốt một năm qua, đột nhiên nhớ đến lần đầu gặp cô ấy năm lên mười, cũng chính đôi mắt đó đã lôi cuốn tôi. Ngần ấy năm trôi qua mà dung mạo của cô ấy vẫn giống hệt trong các bức vẽ, không thay đổi chút nào. Người phàm đâu thể như thế. Tiên nữ của tôi quay về thật rồi!

Cô ấy nhìn tôi chăm chú, như thể đã nhận ra tôi, ánh mắt lộ vẻ chờ đợi.

- Ngải Tình, có phải chị đấy không?

Giọng nói của tôi có vẻ run run, là cô ấy, chắc chắn là cô ấy, nhưng tôi không dám tin vào mắt mình, biết đâu chỉ là ảo giác thì sao?

- Tất nhiên là tôi rồi!

Cô ấy lắc lắc xiên thịt nướng trên tay, vẫn nụ cười ngây ngô ấy, nhưng sống động hơn nhiều so với tranh vẽ.

Tôi ôm xốc cô ấy lên, xoay vài vòng trên không, thân thể cô ấy vẫn ấm áp như ngày nào. Lần đầu tiên trong đời tôi thầm cảm tạ Phật tổ, tôi bằng lòng quy y, chỉ cần cô ấy ở bên cạnh tôi.

Tôi đưa cô ấy đi ăn, tôi không thấy đói, nhưng cô ấy có vẻ rất háo hức. Tôi rất thích ngắm vẻ thuần phác của cô ấy, chỉ thế thôi cũng đủ khiến tôi hân hoan, vui sướng rồi. Tôi càng vui hơn khi cô ấy bảo cô ấy vừa trở về. Lần đầu tiên, tôi đã nhanh hơn anh trai mình một bước. Tôi sẽ cố gắng để cô ấy không có quá nhiều ràng buộc với anh ấy. Anh ấy nên làm tốt bổn phận nhà sư của mình. Còn tôi, tôi sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc tiên nữ.

Tôi đưa cô ấy về phủ, đọc "Kinh thi" cho cô ấy nghe, nhìn cô ấy cảm động. Đêm đó, tôi trằn trọc, không sao ngủ được. Tim tôi đập liên hồi mỗi khi nghĩ đến cô ấy đang ở cách mình không xa. Sao thế nhỉ? Tôi như thể cậu bé mười lăm, mười sáu tuổi lần đầu biết yêu vậy!

Tôi đã không hề chợp mắt, miên man ngóng chờ trời sáng. Không kìm chế nổi, tôi bật dậy, lén đến phòng cô ấy, ngồi ngắm cô ấy ngủ. Cô ấy nằm nghiêng, hơi thở đều đặn làm bay bay những sợi tóc lòa xòa trước mặt. Tôi xếp gọn những lọn tóc cho cô ấy, đột nhiên rất muốn hôn cô ấy. Ý nghĩ ấy khiến tôi toát mồ hôi, tôi lén lút sáp lại, làn môi cô ấy đã gần trong gang tấc, làn môi đỏ thắm tự nhiên ấy có sức hấp dẫn hơn bất cứ người phụ nữ chải chuốt nào. Nhưng cô ấy đột nhiên xoay người, miệng lẩm bẩm câu gì đó. Tôi giật mình suýt bổ nhào xuống đất. May mà cô ấy không thức giấc. Tôi phì cười, Pusyseda mà cũng có lúc muốn hôn trộm phụ nữ ư? Và lại còn cảm thấy tội lỗi khi trong đầu nảy sinh ý định đó nữa chứ.

Những ngày diễn ra lễ hội Sumuzhe là những ngày vui vẻ nhất, bởi vì tôi có cô ấy ở bên. Tôi thích trêu đùa cô ấy, chọc tức cô ấy. Mỗi khi nhắc đến chuyện nam nữ, cô ấy lại đỏ mặt. Đó là phản ứng tự nhiên của những cô gái trinh trắng. Tôi vui mừng khôn tả, cô ấy giống như nụ hồng sắp nở, hy vọng, tôi sẽ hái được nụ hồng đó. Nếu là những cô gái khác, dù thời gian ve vãn, tán tỉnh có kéo dài bao lâu thì hạ màn vẫn là cảnh lên giường. Nhưng tôi không muốn lập tức "ra tay" với cô ấy như với họ. Có lẽ vì tôi không dám? Những tâm tình của cô ấy về sự gặp gỡ, yêu thương, gắn bó mang lại cho tôi những dư vị xúc cảm mới mẻ. Thì ra, hoan lạc không khó, thương yêu mới khó. Và càng khó hơn nếu muốn gắn bó với nhau tới khi đầu bạc răng long. Trước kia, tôi không hiểu thế nào là yêu, tôi chỉ có ham muốn xác thịt. Nhưng sự thật là, tôi khát khao một sự ngọt ngào, ấm áp, sâu sắc và bền vững chứ không phải niềm hoan lạc trong thoáng chốc. Vậy, tình cảm của tôi dành cho cô ấy là tình yêu ư?

Tôi không rõ như thế có gọi là yêu không, nhưng tôi biết rằng, trên đời này chỉ có cô ấy mới đem lại cho tôi sự ấm áp mà tôi muốn, chỉ có nụ cười của cô ấy mới khiến tôi say đắm. Kể từ lúc tình cờ nhìn thấy những bức tranh vẽ cô ấy, tôi đã chờ đợi cô ấy trở về để lấp đầy nỗi trống vắng trong trái tim cô đơn của tôi. Nếu cô ấy muốn, tôi có thể tặng cô ấy cả cuộc đời mình. Có điều, càng ở bên cô ấy, tôi càng cảm thấy căm ghét bản thân mình trước kia. So với tâm hồn thánh thiện, thuần khiết như nước của cô ấy, tôi quá ư tệ hại. Nếu cô ấy chịu tha thứ, tôi hứa sẽ không tiếp tục cuộc sống như trước kia nữa.

Những dự định tươi đẹp đó đã nhảy múa trong đầu tôi suốt trên đường đến Subash đón cô ấy. Thậm chí, tôi đã suy nghĩ xem nên cầu hôn cô ấy như thế nào, để cô ấy không cảm thấy đường đột. Tôi đã chờ đợi một năm ròng, tôi không muốn chờ đợi thêm nữa. Khi tôi đến nơi thì cô ấy không có ở đó. Dò hỏi Mavasu mới biết, cô ấy đã trở về và sống ở đây suốt ba tháng.

Tôi chao đảo, mất thăng bằng. Cô ấy gạt tôi ư? Cô ấy lừa đảo tôi ư? Hai người đó có quan hệ gì? Họ đã ở cạnh nhau ba tháng trời, tối nào anh ta cũng ghé về thăm cô ấy, bọn họ liệu còn trong sạch không? Anh ta muốn hoàn tục ư? Có thể lắm chứ, cha tôi cũng hoàn tục sau khi gặp mẹ tôi đấy thôi. Cứ nghĩ ít ra lần này, tôi đã đi trước một bước, nào ngờ! Không lẽ, anh ta định cướp luôn cả nguồn hạnh phúc duy nhất của tôi hay sao? Anh ta đã có mọi thứ rồi kia mà...

Vậy nên khi nhìn thấy cô ấy, tôi đã mất hết lí trí, điều duy nhất tôi nghĩ được vào lúc đó, là kéo cô ấy lên giường, như thế anh ta sẽ không thể tranh giành với tôi được nữa. Sự xuất hiện của anh ta càng kích động tôi. Tôi hôn cô ấy trước mặt anh ta, tôi có thể làm được như vậy, anh ta thì sao? Nhưng sau cái hôn đó, tôi biết mình đã trách lầm cô ấy. Phản ứng dữ dội của cô ấy chứng tỏ giữa hai người họ chưa xảy ra chuyện gì cả, có nghĩa là tôi vẫn còn thời gian để giành lại cô ấy.

Cô ấy cắn vào môi tôi, giúp tôi bình tĩnh trở lại. Tôi gào lên với anh ta:

- Anh đã có mọi thứ, đừng tranh giành cô ấy với tôi nữa!

Tôi còn có thể nói những lời cay độc hơn thế, nhưng tôi không làm vậy, tôi chỉ muốn nói với anh ta điều này: Tôi cần cô ấy!

Sau đó nghĩ lại, tôi đã rất hối hận về sự thô bạo của mình hôm ấy. Tôi biết cô ấy bị thương và hành động lỗ mãng của tôi đã gây ra phản tác dụng. Trở về phủ quốc sư, cô ấy tránh tôi như tránh tà. Tất cả là lỗi của tôi. Lẽ ra cô ấy đã gần như chấp nhận những cử chỉ thân mật của tôi. Nhưng tôi không có thời gian để nghĩ về những việc đó nữa vì cha tôi đổ bệnh. Tôi định bụng sẽ xin lỗi cô ấy sau khi cha bình phục.

Nhưng cha đã không qua nổi trận ốm đó. Người cha thương yêu nhất của tôi đã mang theo nỗi nhớ nhung người mẹ của tôi lìa xa thế giới này. Tôi đã không quá đau buồn khi mẹ mất, nhưng nỗi đau khi cha qua đời khiến tôi suy sụp suốt một thời gian dài. Khi trái tim biết rung động, tôi mới thấu hiểu nỗi tương tư vò xé tâm can mà cha phải chịu đựng. Lẽ ra lúc trước tôi nên ngoan ngoãn nghe lời cha, không nên làm những việc khiến cha đau lòng. Xót xa thay, đến khi nhắm mắt xuôi tay, cha đã không được thấy sự hối cải của tôi.

Dù hơn một tháng qua, tôi đã hiểu rõ tôi không có chỗ trong trái tim cô ấy, nhưng tôi vẫn ngỏ lời cầu hôn. Vì tôi muốn mang lại cho cô ấy những thứ anh ta không thể. Nhưng đã quá muộn, tôi không thắng nổi và thực tế là chưa bao giờ thắng. Trái tim tôi trống rỗng khi nghe cô ấy thừa nhận tình yêu với anh ta. Ngải Tình, chị đã dạy cho tôi biết tình yêu là gì, nhưng khi tôi học được cách yêu, chị lại nói với tôi rằng, chị chưa từng yêu tôi.

Trong những ngày chờ đợi cô ấy từ Subash trở về, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Cô ấy ra đi vì muốn anh ta hoàn thành lý tưởng vĩ đại của mình. Tôi thì không vĩ đại như vậy. Tôi yêu cô ấy nên sẽ tìm mọi cách để giữ cô ấy lại bên mình, thời gian có thể thay đổi mọi thứ.

Nghĩ vậy, tôi lấy trộm chiếc vòng của cô ấy. Truyền thuyết của người Hán kể rằng, có một nàng tiên xuống trần gian dạo chơi và đến tắm ở một hồ nước. Chàng trai người phàm đã trộm xiêm y của tiên nữ, khiến nàng không thể về trời. Nàng đành lưu lại nhân gian, kết thành vợ chồng với chàng trai đó. Tôi hy vọng truyền thuyết đó là có thật.

Đúng là cô ấy đã không thể trở về trời. Tôi sắp xếp đưa cô ấy tới tham quan thành cổ Taqian. Nhưng tôi không ngờ cô ấy lại bị thương một lần nữa. Tôi đã rơi nước mắt khi quan ngự y nói rằng cánh tay của cô ấy sẽ bị hoại tử và rằng nếu muốn giữ mạng sống thì phải cắt bỏ nó đi. Trái mệnh trời, cố ý níu giữ tiên nữ sẽ phải chịu sự trừng phạt, nhưng vì sao sự trừng phạt không rơi vào tôi? Tôi sẵn sàng phế bỏ cánh tay của mình thay cô ấy. Tôi chỉ không chịu đựng nổi khi chứng kiến cô ấy quằn quại, đau đớn.

Tôi đã suy nghĩ rất lâu và quyết định cử người đi tìm anh ta. Thực ra khi cô ấy ngắm nhìn những bức vẽ đó, tôi đã biết mình không còn cơ hội nào nữa. Mười năm trước tôi đã thua rồi. Đã vậy, tôi sẽ giúp cô ấy toại nguyện, chỉ cần cô ấy không phải chịu đau khổ nữa...

Không thể kéo dài thời gian, vết thương của cô ấy chỉ có thể được chữa khỏi khi trở về trời. Tôi trả lại chiếc vòng cho cô ấy, giúp cô ấy mặc bộ trang phục kỳ lạ vào người, giúp cô ấy thu dọn đồ đạc vào chiếc túi "không đáy". Từ đây, trời đất cách biệt, không còn cô ấy nữa, tôi biết tìm hạnh phúc nơi đâu?

Nhưng tôi vẫn phải từ bỏ, vì tiên nữ vốn không thuộc về tôi. Tôi lưu lại trên trán nàng dấu ấn cuối cùng. Tôi đứng ngoài cửa phòng nhìn nàng lần cuối, một ngày trên trời bằng mười năm dưới trần gian. Lần chia biệt này, tôi sẽ không quên dung nhan của nàng. Chờ khi nàng quay lại, có lẽ tôi đã tóc bạc da mồi, răng rụng mắt mờ, mong là nàng vẫn có thể nhận ra tôi.

Đóng cửa lại, tôi bước ra ngoài sân, ngước lên nhìn trời, nơi mà nàng sẽ trở về. Nước mắt chan hòa, tôi nhủ lòng, nhất định phải sống hạnh phúc, vì tôi đã thực sự trưởng thành.

Cánh cổng chợt mở toang, anh ấy lảo đảo bước vào, gương mặt biến sắc, chỉ nhìn tôi một cái, định lao vào phòng cô ấy. Tôi gắng sức giữ anh ấy thật chặt, cô ấy dặn dò không ai được nhìn chùm sáng phát ra khi cô ấy ra đi.

Anh ấy không vượt qua được tôi, đành hướng vào phòng gào to tên của cô ấy, tiếng kêu như xé ruột xé gan, nỗi đau đớn, tuyệt vọng tột độ ấy, khiến tôi cũng phải hoảng sợ. Khoảnh khắc đó, tôi không còn cảm giác ghen ghét, đố kỵ với anh ấy nữa, anh ấy cũng giống như tôi, đều là những người đáng thương vì không thể có được tình yêu.

Khi chúng tôi bước vào phòng, tôi đã thực sự hoảng hốt, rốt cuộc cô ấy có thực sự tồn tại? Hay chỉ là một ảo ảnh trong trái tim tôi? Đức Phật nói rằng, mọi thứ đều không tồn tại, vậy, cô ấy thì sao?

Bàn tay anh ấy run run khi cầm những bức vẽ trên bàn. Vệt máu đã khô lại, nhưng không thể che đi nụ cười tươi tắn, thuần khiết của cô ấy. Anh ấy đổ người xuống giường, vùi đầu vào những bức vẽ, đôi vai rung động. Tôi lặng lẽ ra khỏi phòng, ngước mặt lên trời, hít một hơi thật sâu, rồi rảo bước đi tìm cậu út Bạch Chấn. Tôi phải sống thật vui vẻ để chờ cô ấy trở về.

Anh ấy ngồi thiền trong căn phòng của cô ấy suốt ba ngày, tôi đã dặn dò người hầu chỉ mang đồ ăn đến cho anh ấy, không được làm phiền. Người trong cung và trong chùa đến tìm, tôi kiếm cớ nói rằng anh ấy bị ốm, cần được tĩnh dưỡng. Giờ đây, tôi đã là chủ gia đình, tôi phải lo toan mọi việc trong nhà, bao gồm cả việc chăm sóc anh ấy.

Sau ba ngày anh ấy mới ra khỏi phòng, người gầy đi trông thấy, nhưng đôi mắt vẫn rất sáng. Hai người họ, tuy màu mắt khác nhau, nhưng thần thái và vẻ thánh thiện trong đôi mắt thì giống hệt nhau. Vóc dáng và tướng mạo tôi không thua kém anh ấy, nhưng tôi chẳng thể nào có được ánh mắt tinh khôi, thuần khiết của anh ấy.

Cứ nghĩ anh ấy sẽ gục ngã, sẽ chẳng còn lòng dạ nào với Phật pháp, kinh kệ nữa. Thật không ngờ, một thời gian sau, tôi đến chùa Cakra thăm anh ấy, vẫn thấy anh ấy say mê truyền bá giáo lý Đại Thừa, anh ấy làm việc hăng say hơn trước rất nhiều.

Khi chỉ có hai chúng tôi trong phòng, tôi nhìn khuôn mặt bình thản của anh ấy, khẽ hỏi:

- Anh lấy lại tinh thần rất nhanh thì phải?

Anh ấy nhìn thẳng vào tôi, bình tĩnh đáp:

- Mười năm có là bao, chỉ cần chuyên tâm truyền bá đạo Phật, mười năm sẽ qua rất nhanh.

- Nếu mười năm cô ấy không trở lại thì sao?

- Thì ta sẽ đến Trung Nguyên. Dù không phải đến để tìm cô ấy, ta cũng cần tới đó để cứu độ nhiều người thoát khỏi bể khổ. Việc truyền bá rộng rãi đạo Phật không thể chỉ giậm chân tại Khâu Từ.

Nét cương nghị, kiên định trên gương mặt anh ấy khiến cho tôi có cảm giác mười năm thời gian chớp mắt sẽ qua. Cánh tay đưa lên, để lộ chuỗi hạt sờn bạc, anh ấy vẫn muốn đeo nó mười năm nữa ư? Không thể không nói lời cảm phục anh ấy. Nếu đổi lại là tôi, chắc chắn tôi chẳng thể sống trong sự chờ đợi mỏi mòn và gần như vô vọng như thế. Đột nhiên cảm thấy, so với anh ấy, tôi chưa thực sự biết yêu. Tôi chỉ là kẻ thứ ba xen vào giữa hai người họ, tôi chẳng là gì cả.

Anh ấy đột nhiên hỏi tôi:

- Sao em lại gây chuyện khiến đức vua tức giận, đuổi ra khỏi cấm vệ quân như vậy?

Đến phiên trực đêm của mình, tôi dẫn theo mấy anh em đưa cô ấy đến thành cổ Taqian. Lúc quay về, tôi lại chỉ lo lắng cho bệnh tình của cô ây, không thèm vào cung lấy một ngày. Đức vua cho gọi nhiều lần nhưng tôi không buồn để tâm. Sau khi cô ấy ra đi, tôi mới vào cung, nhận tội thay các anh em.

- Ông ấy làm vậy vì muốn trả hận, vì nghĩ tôi ve vãn người đàn bà của ông ấy.

Tôi nhếch môi cười:

- Cha mẹ đều đã qua đời, ông ấy chẳng cần phải kiêng nể gì cả.

- Ta sẽ thử thuyết phục đức vua xem sao.

- Không cần!

Tôi đứng lên, khoát tay:

- Tôi chán làm lính từ lâu rồi.

- Vậy sau này...

- Chưa biết chừng tôi lại trở thành một thương nhân tài ba ấy chứ.

Tôi bước ra khỏi chùa Cakra, mùa đông đã tới, gió lạnh tê tái. Bầu trời xám xịt, tôi hít một hơi thật sâu. Giờ này chắc chị đang ở trên trời phải không? Cánh tay của chị đã lành lại chưa? Có lúc nào nhớ đến tôi không?

Tôi dựng lại cổ chiếc áo khoác lông cừu, bước vào xe ngựa và nói với phu xe:

- Đến nhà cậu út ta!

Crypto.com Exchange

Chương (1-98)