Truyện:Đức Phật Và Nàng – Hoa Sen Xanh - Chương 64 (cuối)

Đức Phật Và Nàng – Hoa Sen Xanh
Trọn bộ 64 chương
Chương 64 (cuối)
Phần kết - Không phụ Như Lai, không phụ nàng
0.00
(0 votes)


Chương (1-64)
Hot!!! Pi Network đã chính thức lên mainnet! Đừng bỏ lỡ cơ hội như bitcoin!


Mùa đông năm 2020, tại một hẻm núi sâu, vắng người qua lại, trên dãy Côn Luân.

Tôi ngẩng lên nhìn qua khung cửa sổ, một dải màu đỏ rực đang hiện trên dãy núi phía xa, mây đen nhuốm vàng tươi làm nền cho màu xanh sẫm nơi đường chân trời. Tôi đứng lên, chầm chậm cất bước về phía cửa sổ, tủm tỉm cười:

- Trời sáng rồi!

Quay đầu lại thấy chàng trai trẻ đang run rẩy, nhìn mình đăm đắm, đôi mắt ngấn nước, rưng rưng rồi tuôn trào, vỡ òa. Tôi mỉm cười, ngóng đợi:

- Chàng nhớ ra rồi, phải không?

Người đó đứng lên, chao đảo, ấp úng:

- Ta... ta là... ta là...

Tôi tháo viên ngọc Linh hồn đeo trước ngực, ánh sáng bảy màu lấp lánh tỏa rạng, quầng sáng xoay nhiều vòng quanh chàng trai rồi đột ngột thâm nhập vào vùng ngực chàng, viên ngọc Linh hồn trên tay tôi lập tức biến mất. Chàng trai đặt tay lên ngực, thở gấp, giọng chàng nức nở:

- Ta nhớ ra rồi, nhớ ra tất cả rồi. Đây là kiếp luân hồi thứ bao nhiêu?

- Thứ mười lăm đó chàng.

Chàng run rẩy vuốt ve gương mặt tôi:

- Em vẫn chờ ở đây như mọi khi ư?

- Vâng. Em không đi đâu hết, em chỉ ở đây chờ chàng, chờ được ở bên chàng. Ngắn thì hai mươi năm, dài thì trăm năm. Có lần nửa đêm chàng đã thiếp đi, lúc tỉnh lại, chẳng còn nhớ gì cả, rồi chàng từ biệt em và ra đi mãi mãi. Từ đó em mới biết rằng, mỗi lần chàng đến tìm em, em phải kể hết toàn bộ câu chuyện trước khi trời sáng. Nếu không, chàng sẽ không thể nhớ ra và em sẽ phải chờ kiếp sau nữa. – Tôi mỉm cười mãn nguyện. – Nhưng tuổi thọ của em rất dài, em không ngại chờ đợi. Lúc chàng không đến, em dành thời gian suy nghĩ xem nên kể câu chuyện theo cách nào thì hấp dẫn nhất để chàng không thấy tẻ nhạt mà thiếp đi giữa chừng...

Chàng siết chặt tôi thêm nữa, như thể chỉ cần khẽ buông lơi là tôi sẽ biến mất khỏi cuộc đời này. Giọng chàng nghẹn ngào:

- Sau khi ta chết, em lại tiếp tục chờ đợi như vậy sao?

- Chàng nghĩ em sẽ trường sinh bất tử chắc? – Tôi phì cười, đập khẽ vào ngực chàng. – Không đâu! Đây là lần cuối cùng. Em chỉ sống được mấy chục năm nữa thôi, chàng xem, tóc em đã bạc trắng cả rồi này. Vả lại, ngọc Linh hồn sắp cạn linh khí, chàng cũng không thể đầu thai chuyển thế được nữa.

Chàng đẩy tôi ra xa một đoạn, đón lấy một lọn tóc của tôi, mái tóc màu lam mềm mượt như rong biển nay đã biến thành màu trắng toát. Tôi bật cười khi nhìn vẻ mặt kinh ngạc xem lẫn xót xa của chàng:

- Chàng sao vậy? Có phải chàng chê em già nua không? Hay chàng đang nuối tiếc vì không thể đầu thai chuyển thế được nữa?

Chàng vội vã thanh minh:

- Làm gì có chuyện đó! Dù dung mạo của em có thay đổi thế nào đi nữa, em vẫn mãi là bông hoa đẹp nhất trong lòng ta.

- Chàng nói đấy nhé! – Tôi nắm chặt tay chàng trong niềm hạnh phúc vô bờ. – Đời người ngắn ngủi xiết bao, chúng ta hãy trân trọng từng khoảnh khắc bên nhau, để không phải tiếc nuối, cũng không mong cầu được chờ nhau hết kiếp này đến kiếp khác.

Chàng gật đầu cả quyết, lồng tay chàng vào tay tôi.

- Em nói đúng, chúng ta hãy sống thật vui vẻ, không chờ đợi kiếp sau, không nuối tiếc.

Ánh ban mai tràn vào căn phòng nhỏ, nắng vàng rực rỡ bao phủ lấy hai chúng tôi. Chàng giơ cao đôi bàn tay siết chặt của chúng tôi, chiếc vòng tay hình hoa sen lấp lánh muôn sắc dưới ánh mặt trời. Chúng tôi nhìn nhau và cười, bóng đôi lứa in trên tấm rèm lụa cửa sổ.

HẾT

Đôi lời tâm sự của tác giả về

ĐỨC PHẬT VÀ NÀNG: HOA SEN XANH

Tôi đã nghiền ngẫm cốt truyện Đức Phật và nàng: Hoa sen xanh suốt bốn năm. Đây là câu chuyện mà tôi rất thích. Để viết nên cuốn tiểu thuyết này, tôi đã đọc, tìm hiểu và nghiên cứu rất nhiều tài liệu về Tây Tạng, về dân tộc Tạng và về triều Nguyên – Trung Quốc. Sau khi cuốn sách ra đời, tôi nhận được không ít thư của bạn đọc bày tỏ những thắc mắc về cuốn truyện. Vậy nhân đây, tôi xin được viết đôi dòng chia sẻ cùng các bạn:

1. Vì sao Đức Phật và nàng: Hoa sen xanh lại có đến hai nhân vật nam chính?

Sự thực là tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này. Các tiểu thuyết "ngôn tình" được xem là "chính tông" thường chỉ có một nhân vật nam chính, vì các nhân vật nữ chính của chúng ta đều ước mong: "suốt đời suốt kiếp chỉ hai ta". Bản thân tôi cũng vậy.

Bởi vậy, lúc đầu tôi dự định để Kháp Na xuất hiện trong tiểu thuyết đúng như sự thực lịch sử: kết hôn với Kangtsoban và qua đời khi chưa thấy mặt con. Nhưng nếu làm vậy thì thật tàn nhẫn với Kháp Na. Khi tìm hiểu về cuộc đời Bát Tư Ba, tôi cứ hoài trăn trở: vấn đề nối dõi tông đường vô cùng quan trọng với phái Sakya, vậy thì vì sao mãi đến năm hai mươi chín tuổi, Kháp Na mới sinh hạ người con đầu? Cách lý giải duy nhất là: cậu ấy không hạnh phúc, vì đó là cuộc hôn nhân chính trị thuần túy. Và còn điều này nữa, rốt cuộc Kháp Na đã chết như thế nào? Sử sách ghi chép rất mơ hồ. Kháp Na qua đời khi mới hai mươi chín tuổi, lại chết một cách không rõ ràng, điều này cho thấy Tây Tạng vào thời kỳ đó phức tạp và hỗn loạn vô cùng. Vì thế, tôi rất đỗi cảm thương cho Kháp Na. Tôi càng viết càng thấy thích nhân vật này. Nếu tôi nhất định phải tông trọng sự thật lịch sử, vậy thì tôi chỉ có thể mang lại cho cậu ấy chút hạnh phúc nhỏ nhoi hư cấu trong tiểu thuyết mà thôi.

2. Vì sao trong truyện có rất ít tình tiết "yêu đương" của Bát Tư Ba?

Bát Tư Ba là nhân vật nam chính của Đức Phật và nàng: Hoa sen xanh nhưng sử sách không ghi chép bất cứ chi tiết nào về sự tồn tại của "bóng hồng" trong cuộc đời ngài. Vậy nên, kể chuyện tình yêu về ngài khó hơn Rajiva rất nhiều. Nhưng nếu tôi chỉ viết về công đức và thành tựu chính trị của ngài, chắc chắn không ai buồn ngó tới cuốn tiểu thuyết này và tôi sẽ không thể đạt được mục đích: muốn ngày càng có nhiều người biết đến ngài. Tôi vô cùng sùng bái ngài và vai trò lịch sử của ngài. Tôi lại là người tôn trọng sự thật lịch sử nên không thể tùy tiện hư cấu chuyện ngài phá giới rồi kết hôn. Chi tiết nụ hôn duy nhất vào thời khắc cuối cùng của cuộc đời Bát Tư Ba đã là giới hạn tối đa mà tôi cho phép mình được viết về chuyện tình ái của ngài.

Tôi cũng luôn dặn lòng rằng, tôi là "mẹ ruột", tôi yêu tất cả các nhân vật của mình nên dù tôi nhất định phải tôn trọng lịch sử khi viết về Kháp Na và Bát Tư Ba, một người qua đời năm hai mươi chín tuổi, một người lìa thế năm bốn mươi sáu tuổi nhưng tôi cũng muốn họ được toại nguyện trước lúc ra đi.

3. Vì sao nhân vật nữ chính lại là hồ ly?

Bạn đọc có thể không thích nhân vật nữ chính là một hồ ly, nhưng tôi xây dựng nhân vật này là có dụng ý riêng. Bạn biết không, cả Tiểu Lam và Ngải Tình đều là những nhân vật hư cấu, họ giúp tôi kể chuyện về Bát Tư Ba và Kumarajiva. Lần này, tôi không viết truyện vượt thời gian nữa mà sáng tạo ra nhân vật hồ ly có phép thuật. Bởi vì tôi nghĩ rằng, không người phụ nữ nào trong số chúng ta có thể chịu đựng số phận nghiệt ngã như Tiểu Lam: người yêu qua đời, con trai và cháu trai mất sớm, tất cả người thân đều trở thành vật hy sinh của ván bài chính trị. Số phận ấy quá ư bi thảm, nó khiến người ta tuyệt vọng. Tôi muốn được sống dưới ánh dương rạng rỡ, cho dù số phận có trớ trêu dường nào đi nữa, tôi vẫn tin rằng, còn hy vọng là còn tương lai. Thế nên, Đức Phật và nàng: Hoa sen xanh mới có kết thúc như vậy, thế nên nhân vật nữ chính mới chờ đợi hết kiếp này đến kiếp khác, chờ cho đến khi niềm hy vọng của cô ấy trở thành hiện thực.

4. Vì sao ở cuối mỗi chương truyện đều ngồn ngộn những kiến thức lịch sử?

Bát Tư Ba sống vào đầu thời nhà Nguyên, đây vốn là giai đoạn lịch sử được xem là "lạ lẫm" với phần đông người Trung Quốc nói riêng, bạn đọc khắp nơi nói chung. Bát Tư Ba lại là một nhân vật chính trị, một người Tạng. Tôi tin rằng, không nhiều người trong số chúng ta có thể phân biệt một cách rành rẽ các giáo lý và giáo phái của Phật giáo Tây Tạng, tôn giáo vốn hết sức phức tạp. Bởi vậy, nhiệm vụ tất yếu của Đức Phật và nàng: Hoa sen xanh là phải tập trung viết về lịch sử triều Nguyên và văn hóa đất Tạng. Tôi hiểu rằng, đa phần bạn đọc ngày nay không mấy hứng thú với những tri thức lịch sử khô khan, cứng nhắc nên sau khi cân nhắc kĩ càng, tôi đã quyết định tách riêng một phần dữ kiện lịch sử, đặt vào cuối mỗi chương truyện, truyền tải đến bạn đọc thông qua cuộc đối thoại giữa Tiểu Lam và chàng trai trẻ. Nếu bạn không thích đọc về lịch sử, bạn hoàn toàn có thể lướt qua phân đoạn này mà không hề ảnh hưởng đến phần nội dung chính của truyện. Khi nào bạn đã thật sự yêu thích Đức Phật và nàng: Hoa sen xanh, chắc chắn bạn sẽ đọc lại và nghiền ngẫm phần lịch sử đó. Cũng giống như nhiều bạn say mê Đức Phật và nàng đã miệt mài tìm đọc kinh Phật và các sách lịch sử liên quan đến câu chuyện. Và thế là, những điều tôi tâm huyết, những điều tôi muốn các bạn hiểu, sẽ như "mưa dầm thấm lâu", dần lắng lại trong tim các bạn, có phải vậy không các bạn của tôi?

Cả Đức Phật và nàng và Đức Phật và nàng: Hoa sen xanh đều là những cuốn sách lịch sử khoác trên mình chiếc áo "ngôn tình". Tất nhiên, tôi biết rằng, phần lớn bạn đọc yêu mến hai cuốn tiểu thuyết này không phải vì những tri thức lịch sử và Phật pháp hàm chứa trong đó mà là câu chuyện tình yêu đẹp đẽ mà tôi sáng tác nên. Nhưng nếu tôi chỉ viết truyện ký thông thường về Kumarajiva hay Bát Tư Ba, hẳn rằng sẽ không ai buồn đọc.

Vậy tôi phải làm sao để truyền tải thông điệp của mình, phải làm sao để ngày càng nhiều bạn đọc biết đến những nhân vật vĩ đại với những cống hiến to lớn trong lịch sử nhưng lại được rất ít người biết đến? Tôi quyết định chọn cách thức thông dụng nhất: tiểu thuyết ngôn tình để thu hút bạn đọc. Chỉ khi lôi cuốn được bạn đọc và câu chuyện, tôi mới có thể truyền tải những thông điệp mà tôi muốn truyền tải. Bằng không, mọi nỗ lực của tôi sẽ chỉ là vô ích.

Và tôi tin rằng, dù bạn chỉ yêu thích phần "ngôn tình" của truyện, nhưng theo một cách rất tự nhiên, bằng một lẽ rất tự nhiên, bạn sẽ nhận được nhiều hơn thế từ cuốn sách của tôi. Vậy là tôi đã thành công rồi, phải không các bạn?

Chương Xuân Di

*****

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Truyện kể về đế sư Bát Tư Ba, Trần Khánh Anh, Nhà xuất bản Tạng học Trung Quốc

2. Bàn về triều Nguyên, Lê Đông Phương, Nhà xuất bản Nhân dân Thượng Hải

3. The Empire of the Steppes (Đế quốc trên thảo nguyên), René Grousset

4. 15 vị hoàng đế triều Nguyên, Chu Diệu Đình, Nhà in Trung Hoa

5. Lịch sử các thế hệ Sakya, Awanggonggasuonan, Nhà xuất bản Nhân dân Tây Tạng

6. Tư liệu lịch sử về xã hội Tây Tạng – Trung Quốc, Nhà xuất bản Truyền thông Ngũ Châu

7. Lịch sử Tây Tạng trong tranh Thangka, Qiongna Nuobuwangdian, Nhà xuất bản Đại học sư phạm

8. Hình thái xã hội nông nô phong kiến Tây Tạng, Duojiecaidan (chủ biên), Nhà xuất bản Tạng học Trung Quốc

9. The handbook of Tibetan Buddhist symbols (Sổ tay giải mã các biểu tượng của Phật giáo Tạng truyền), Robert Beer

10. Lịch sử về dân tộc Tạng, Nhà xuất bản Nhân dân Tây Tạng

11. Mật Tông – văn hóa thần bí của Phật giáo Tạng truyền, Gazangjia, Nhà xuất bản Tạng học Trung Quốc

12. Dân tộc Tây Tạng, Lý Đào, Giang Hồng Anh, Nhà xuất bản Truyền thông Ngũ Châu

13. Gia tộc quyền quý ở Tây Tạng, Cirenyangzong, Nhà xuất bản Tạng học Trung Quốc

14. Phật sống chuyển thế trong Phật giáo Tạng truyền, Sái Chí Thuần, Hoàng Hạo

15. Potalaka: Cung Bố Đạt La, Lý Xuân Sinh (chủ biên), Nhà xuất bản Trùng Khánh

Crypto.com Exchange

Chương (1-64)