Lễ cưới linh đình của Hoàng tử
← Ch.26 | Ch.28 → |
"Học giả sẵn sàng sửa sai,
Kẻ ngu khó lòng là vậy;
Đại bàng mổ chết rắn độc,
Quạ con sao dám liều thân."
(Cách ngôn Sakya)
*****
- Tiểu Lam à, ta mang sữa bò và thịt gà cho em này, mau lại đây ăn đi. – Chân Kim ngồi xổm, một tay cầm bát sữa, tay kia cầm con gà quay thơm phức dụ dỗ tôi. – Em nhìn này, thịt gà thơm phức, nóng hôi hổi nhé! Đây là món gà quay của quán Đức Thắng nức tiếng thành Yên Kinh này đấy.
Hứ, ngươi cho rằng dùng món gà quay mà ta thích ăn nhất thì có thể sai bảo được ta ư? Lại còn xưng hô thân mật "ta" với "em" nữa chứ. Nếu xét tuổi tác thì ta có thể là tổ tiên của ngươi được đấy. Tôi nuốt nước bọt, quay đầu kênh kiệu, tỏ vẻ không thèm. Nhưng thực lòng mà nói, mùi thơm ấy quả rất hấp dẫn. Bụng dạ kêu ọc ọc, tôi dịch từng bước lại gần Chân Kim, mặt vẫn vênh váo, kiêu kỳ nhưng ánh mắt thì dán chặt vào con gà quay béo ngậy.
Chân Kim phì cười, ôm tôi vào lòng, cho tôi thưởng thức món gà mà tôi thích ăn nhất. Tôi thong thả nhấm nháp, chốc chốc lại quay sang giải khát bằng món sữa bò nóng hổi, ngon hết sẩy! Thôi được, tôi thừa nhận là mấy năm qua Chân Kim đã đối xử với tôi rất ân cần, tử tế. Nếu cậu ta không lăm le muốn độc chiếm tôi, khiến tôi nảy sinh ác cảm thì cũng có thể coi là chỗ bạn bè.
Đang sung sướng thưởng thức, bỗng tôi nghe thấy tiếng thở dài ảo não lướt trên đầu mình:
- Màu tóc của cô ấy giống hệt màu lông của em, đôi mắt cũng đẹp như mắt em vậy.
Tôi hốt hoảng, sặc sữa bò, ho khụ khụ. Cậu ta rút chiếc khăn bằng lụa mềm ra lau miệng cho tôi, rồi lại thở dài:
- Nhưng ta không sao tìm được cô ấy, như thể cô ấy đã biến mất khỏi thế gian vậy! Có lẽ cô ấy là tiên nữ trên trời, vì người phàm sao có thể có được mái tóc và đôi mắt màu lam như thế!
Không phải chứ, trí tưởng tượng của cậu ta thật phong phú! Tôi ngước nhìn, thấy Chân Kim đang ngắm nghía bộ lông của tôi không chớp mắt, bàn tay đặt lên ngực:
- Cho đến tận bây giờ, trái tim ta vẫn đập thình thịch mỗi khi nhớ lại dung nhanh tuyệt mỹ của cô ấy. Xưa nay chưa từng có người con gái nào khiến ta xúc động sâu sắc đến vậy.
Tôi há hốc miệng, chúng tôi gặp nhau có được lâu đâu, sao cậu ta lại nảy sinh tình cảm sâu đậm như thế chứ? Con người quả đúng là loài động vật kỳ lạ!
Hàng lông mày dày rậm của cậu ta xô lại, vẻ mặt ủ dột, cậu ta tiếp tục đắm chìm trong tưởng tượng:
- Tối hôm đó, lúc cô ấy lao ra ngoài cửa sổ, tim gan ta như vỡ tan, vì ta cứ ngỡ cô ấy muốn quyên sinh. Nhưng sau đó, ta lại thấy cô ấy mở ô, nhẹ nhàng bay xuống. Động tác mềm mại, thanh thoát ấy không thể là của người phàm.
Tôi lè lưỡi xấu hổ, thật không ngờ cuộc tháo chạy cuống quýt của tôi trong mắt cậu ta lại trở nên thi vị đến vậy. Có lẽ cậu ta chưa bao giờ nhìn thấy người phụ nữ nào nhảy xuống từ lầu cao hoặc chạy như bay trên đường nên mới càng nghĩ càng thấy kỳ lạ chăng?
Cậu ta cứ rủ rỉ tâm tình với tôi như thế, hai mắt như phát sáng:
- Cô ấy là tiên nữ ham chơi, đã lẻn xuống trần gian, chẳng may để ta bắt gặp. Nếu như Phật Tổ thương tình cho ta được gặp lại cô ấy, ta nguyện cả đời mình cúng dường dầu đốt đèn cho nhà chùa, à không, ta tình nguyện cúng dường bất cứ thứ gì.
Tôi cảm thấy bức bối, khó chịu, cố giãy giụa đòi cậu ta thả tôi xuống. Chỉ còn vài ngày nữa cậu ta sẽ kết hôn, có rất nhiều việc cần đến sự có mặt của chú rể, vậy mà cậu ta lại trốn trong phủ Quốc sư, chơi đùa với một tiểu hồ ly, còn lảm nhảm những lời có cánh ấy nữa chứ, lỡ Khabi biết được, thể nào cũng bị mắng cho một trận, và tôi cũng không tránh khỏi bị vạ lây.
Nhưng cậu ta cứ giữ chặt, không cho tôi thoát ra, o ép tôi phải nghe cho bằng hết tâm sự của cậu ta. Khi mối tương tư đã được giải bày, cậu ta mới chịu quay trở về hiện thực, vẻ mặt buồn rầu, lắc đầu:
- Nhưng nếu gặp lại cô ấy thì sao? Chuyện hôn nhân của ta không do ta quyết định, ta buộc phải cưới người con gái chưa từng gặp mặt làm vợ bởi vì cô ấy có thể mang lại cho ta quyền lực.
Tôi bực mình kêu ư ử, cuối cùng cậu ta cũng chịu thả tôi xuống. Tôi cuống cuồng nhảy ra xa, giữ khoảng cách với cậu ta. Cậu ta nheo mắt nhìn tôi, rồi lại thở dài thườn thượt:
- Ta ghen tị với em quá, được tự do tự tại, không chịu sự trói buộc của thân phận, địa vị.
Cậu ta chừng như rất đỗi nuối tiếc, rầu rĩ. Ngọn gió oi nồng ngày cuối hạ thổi bay vạt áo dài dệt từ lụa tơ tằm sang trọng, quý phái của cậu ta, bóng dáng cao lớn đổ dài trong nắng, hắt lên không gian vẻ cô liêu, đơn độc.
Cuối hạ, đầu thu năm đó, Hoàng tử Chân Kim mười tám tuổi lấy vợ đầu tiên là Công chúa Khoát Khoát Chân của bộ lạc Hoằng Cát Thích. Hoàng tử Khởi Tất Thiếp Mộc Nhi cũng đến Yên Kinh để chúc mừng hôn lễ của Chân Kim và tất nhiên, Bát Tư Ba đã bố trí để Thiếp Mộc Nhi lưu lại trong phủ Bạch Lan Vương.
Sau cuộc hàn huyên kéo dài với anh em Bát Tư Ba, Thiếp Mộc Nhi kéo em gái ra một chỗ để trò chuyện, vì tò mò, tôi đã hóa phép ẩn mình, lẻn vào phòng nghe trộm. Thiếp Mộc Nhi nhỏ nhẹ khuyên bảo em gái, nào ngờ vừa nhắc đến tên Dankhag, Mukaton đã nhảy dựng lên.
- Cô ta chỉ là vợ lẽ mà đòi ngang hàng với muội ư?
Mukaton hùng hổ nện một cú đấm xuống mặt bàn, chén trà rung bần bật, bắn lên rồi rơi xuống nền nhà, vỡ vụn:
Thiếp Mộc Nhi ôm đầu, vẻ khổ sở:
- Em gái ơi, đừng ngang ngược như vậy nữa! Hôn ước là do Đại hãn ban cho, muội phải học cách chấp nhận. Bằng không, Đại hãn mà nổi giận thì cả nhà ta sẽ phải gánh tai ương đó.
Mukaton bật dậy, lao ra ngoài:
- Vậy muội sẽ đi gặp Đại hãn để nói rằng...
- Nói gì? – Thiếp Mộc Nhi chặn cô em lại, nghiêm khắc ngắt lời. – Nói với ngài rằng, nửa năm qua muội đã ngăn cản không cho Kháp Na động vào người vợ mà cậu ta đường đường chính chính cưới về ư? Hay nói rằng, dù đã ba mươi mốt tuổi muội vẫn chẳng thể làm nên trò trống gì?
Mukaton đấm thùm thụp vào vai anh trai, gào khóc:
- Không làm nên trò trống gì là lỗi của muội à? Anh ta không thèm chạm vào người muội thì muội sinh con làm sao được?
Thiếp Mộc Nhi nhẫn nhịn những cú đấm không hề nhẹ của em gái, lắc đầu ngán ngẩm:
- Muội à, cũng không trách được Kháp Na. Hồi còn ở Lương Châu, muội ngang ngược, lộng hành, gây ra bao chuyện tàn nhẫn. Muốn trách, có lẽ nên trách cha và ta đã quá nuông chiều muội, khiến muội không coi ai ra gì!
Mukaton không chịu nhận sai, vênh mặt, cãi lại:
- Muội có làm gì xấu đâu! Muội chỉ muốn anh ta không gặp gỡ mấy con yêu tinh đó thôi! Ai bảo anh ta chẳng bao giờ chịu nhìn muội.
Thiếp Mộc Nhi xoay vai em gái lại, dịu giọng khuyên nhủ:
- Em gái à, nơi đây là Yên Kinh, không phải Lương Châu. Lương Châu là đất phong của ta, muội muốn làm gì tùy ý. Nhưng giờ đây, Hốt Tất Liệt đã lên ngôi Đại hãn, ông ấy chỉ là ông chú họ xa, cách chúng ta những hai thế hệ. Đất đai thuộc quyền cai quản của cha chúng ta đều đã bị lấy sạch, chỉ còn lại Lương Châu. Trước đây, khi quyền hành nằm trong tay chúng ta, phái Sakya phải dựa dẫm vào chúng ta nên Kháp Na không dám trái ý muội. Nhưng bây giờ thì khác, muội hãy mở to mắt ra mà xem, tình thế nay đã khác xưa rồi!
Mukaton khịt mũi coi thường:
- Tuy Đại hãn phong vương cho Kháp Na nhưng chỉ là hữu danh vô thực, anh ta không có đất đai, không có quyền hành gì. Nếu đòi so với cháu gái của Thành Cát Tư Hãn là muội đây, thân phận của anh ta còn kém xa!
*****
- Đồ đàn bà ngu muội! Muội nghĩ chúng ta vẫn đang sống ở thời kỳ mà Đại hãn Quý Do còn tại vị chắc? – Thiếp Mộc Nhi hết kiên nhẫn, cốc một cái thật đau vào trán cô em gái. – Quý Do là bác ruột chúng ta, những năm tháng ông ấy còn làm Đại hãn, chúng ta mới oai phong làm sao. Nhưng từ sau khi Mông Kha Hãn kế vị, đã trừ bỏ hết những người ở phe đối lập, ông ta đã giết hại hơn ba trăm người vốn là những người hầu cận thân thiết, con cháu, phi tần của bác chúng ta. Nếu không nhờ mối quan hệ thân thiết giữa cha chúng ta và Mông Kha Hãn, rất có thể chúng ta đã mất mạng từ lâu rồi. Giờ đây, Hốt Tất Liệt lên ngôi, ông ấy lại không có mối quan hệ giao hảo nào với chúng ta, đất phong ở Lương Châu có thể bị tước đi bất cứ lúc nào. Bởi vậy, nếu xét đến thân phận thì hiện nay Kháp Na là Bạch Lan Vương, anh trai cậu ấy là quốc sư được nhà vua rất mực sủng ái, địa vị của họ cao hơn muội rất nhiều, cô em công chúa hết thời của ta ạ!
Mukaton nhăn mặt xoa đầu kêu đau, Thiếp Mộc Nhi phớt lờ cô em đang nổi cơn tam bành, tiếp tục:
- Bát Tư Ba bây giờ là nhân vật quan trọng bậc nhất bên cạnh Đại hãn, ngay cả anh trai muội cũng phải bợ đỡ cậu ấy để gây dựng quan hệ với Đại hãn Hốt Tất Liệt. May mắn thay, tình bằng hữu tốt đẹp giữa ta và anh em họ vẫn được duy trì từ bấy lâu đến nay, nếu không, chỉ cần cậu ta mở lời cầu xin Đại hãn thì Kháp Na chắc chắn sẽ bỏ muội dễ dàng!
Mukaton lồng lên:
- Anh ta dám...
Nhưng vừa chạm phải ánh mắt sắc lạnh, nghiêm nghị của anh trai, ngọn lửa điên loạn của Mukaton lập tức xẹp xuống:
- Đủ rồi đấy, em gái à. Ta nói nhiều như vậy, chỉ vì muốn muội hiểu rằng, trước đây Kháp Na cưới được muội là phước của cậu ta, còn bây giờ, muội phải dựa vào cậu ta để có được vinh hoa phú quý. Lúc này cậu ta chưa thèm phản kháng là do thói quen đã hình thành từ hơn mưởi năm qua. Rồi một ngày nào đó cậu ta hiểu ra và muốn trả hận thì muội có hối hận cũng không kịp nữa đâu.
Ngó thấy những nếp nhăn hiển hiện nơi khóe mắt và trên trán của cô em, Thiếp Mộc Nhi cất giọng trầm buồn, lo lắng:
- Nếu muội bị Kháp Na bỏ, thử nghĩ xem, với tuổi tác của muội bây giờ, kiếm đâu ra người đàn ông danh giá hơn Kháp Na cho muội lấy làm chồng đây?
Câu nói ấy khiến Mukaton hoảng sợ, mồ hôi lấm tấm trên trán, ánh mắt khiếp hãi:
- Anh ta... anh ta... sẽ làm vậy thật ư? Anh ta sẽ xin với Đại hãn bỏ muội ư?
Thấy cô em gái đã bị dọa cho khiếp sợ, Thiếp Mộc Nhi không muốn em gái bị kích động thêm nữa, bèn ôn tồn động viên:
- Kháp Na và Bát Tư Ba đều là những người nặng tình, chỉ cần muội đừng cư xử quá đáng, cậu ấy sẽ không làm vậy. Nhưng muội đừng tiếp tục ngăn trở cậu ấy đến với những người phụ nữ khác nữa. Đàn ông năm thê bảy thiếp là chuyện thường tình, muội càng ngăn cản, người ta càng chán ghét muội. Muội bao dung, độ lượng hơn, biết đâu Kháp Na lại thích muôi. Hãy nhớ rằng, sinh con mới là thiên chức quan trọng nhất của người phụ nữ.
Mukaton buồn thiu, ôm mặt nức nở:
- Anh ta không chịu đâu. Anh ta từng nói cả đời sẽ không ở chung phòng với muội. Muội đã ba mươi mốt tuổi rồi, muội chờ sao đặng...
Thiếp Mộc Nhi sững sờ, rồi khoát tay:
- Vậy thì nghĩ cách để chia đều với người phụ nữ kia!
Mukaton giậm chân bình bịch, nền nhà rung lên theo cơ thể đồ sộ của cô ta:
- Không thể thế được! Muội yêu anh ta, muội yêu anh ta mà! Bao nhiêu năm qua muội vẫn luôn yêu anh ta nên muội trông chừng anh ta rất cẩn thận. Làm sao muội có thể chia sẻ anh ta với người phụ nữ khác được?
Thiếp Mộc Nhi chán nản xua tay:
- Dù sao cũng còn hơn là muội chẳng có được gì.
Mukaton bỗng ngây ra như phỗng rồi nước mắt trào ra như nước vỡ bờ, lăn dài trên gương mặt tròn trùng trục và trát bự phấn của cô ta.
Sau khi rời khỏi phòng Mukaton, tôi mang theo nỗi niềm chất chồng, lững thững trở về phòng Kháp Na. Tôi cảm thấy lòng đầy muộn phiền khi nhớ lại cuộc chuyện trò của hai anh em Mukaton. Thiếp Mộc Nhi nói không sai, giờ đây, Kháp Na có thừa quyền lực để có thể chống lại Mukaton. Chưa nói đến chuyện cô ta ngang ngược, hống hách, chi riêng việc không sinh con cũng đủ để Kháp Na xin với Hốt Tất Liệt ban thánh chỉ cho cậu được bỏ vợ, và khi ấy Mukaton cũng chỉ còn nước ngoan ngoãn chấp nhận.
Nhưng Thiếp Mộc Nhi cũng nắm bắt được điều này, rằng Bát Tư Ba và Kháp Na sẽ không bao giờ làm vậy.
Cháu con của Khoát Đoan ngày nay đã sa sút nhưng những năm tháng khi Quý Do còn tại vị, nắm trong tay quyền lực ngút trời thì cả vùng đất Tạng đã được ban cho Khoát Đoan cai trị. Phái Sakya thời kỳ đầu chỉ là một giáo phái nhỏ bé, thực lực yếu ớt, sau nhờ đại sư Ban Trí Đạt nhìn xa trông rộng, tìm đến nương tựa vào Khoát Đoan nên giáo phái này mới trở nên lớn mạnh ở đất Tạng. Khi ấy, Kháp Na cưới được công chúa Mông Cổ đã khiến không biết bao nhiêu thế lực lớn nhỏ ở đất Tạng phải ngưỡng mộ và ghen tị. Giờ đây, sau hơn mười năm, giáo phái Sakya đã có chỗ dựa lớn hơn, đó là Đại hãn Mông Cổ Hốt Tất Liệt nên rất nhiều người muốn kết thân với Bát Tư Ba. Có câu "uống nước nhớ nguồn", phái Sakya chắc chắn sẽ không bao giờ bỏ rơi gia đình Khoát Đoan. Nếu Kháp Na bỏ Mukaton, người không hiểu rõ nội tình sẽ chỉ trích anh em Bát Tư Ba là vong ân bội nghĩa. Bát Tư Ba chắc chắn không cho phép điều này xảy ra.
Thế nên, không phải Kháp Na đã quen với việc không thèm phản kháng, mà là cậu thấu hiểu tâm tư của anh trai.
Tôi chỉ biết thở dài, ngước nhìn nền trời chiều cuối hạ. Ráng chiều rực rỡ phía trời tây, giữa những tầng mây đỏ gắt và tím ngắt ấy, nền trời hồng hào đan cài trong khối sương khói mông lung, tạo ra cảnh tượng lung linh, huyền ảo tựa đèn trời ngũ sắc lộng lẫy, tráng lệ. Mặt trời lặn dần rồi khuất hẳn sau tầng mây trùng điệp. Những tia nắng cuối cùng hắt lên dãy núi phía xa xa, chiếu ra những dáng núi hùng vĩ nhuốm sắc xanh sẫm.
Có tiếng bước chân tới gần, không cần ngoảnh đầu lại tôi cũng có thể nhận ra Kháp Na. Giọng nói hân hoan vẳng bên tai, thân thể tôi bỗng nhẹ bẫng trong vòng tay cậu ấy:
- Tiểu Lam à, ta đi tìm em khắp nơi, thì ra em ở đây ngắm hoàng hôn.
Cậu ấy mặc chiếc áo mỏng vải bông, mùi thơm thoang thoảng trên cơ thể vừa được tắm gội thơm tho. Trong bóng chiều ảm đạm, đôi mắt cậu ấy sáng như vì sao đêm, sóng mắt long lanh, ngọt ngào, nụ cười với lúm đồng tiền tỏa rạng trên gương mặt điển trai:
- Sau nhiều ngày nghiên cứu bản đồ và các tấu chương trước kia để lại, hôm nay đại ca và ta đã chọn xong tất cả các địa điểm để xây dựng trạm nghỉ, tổng cộng hơn hai mươi trạm nghỉ. Sắp tới sẽ bẩm báo với Đại hãn, để người cử sứ giả đến đất Tạng. Sau khi hệ thống trạm nghỉ được hoàn tất, việc đi lại từ Yên Kinh đến Sakya sẽ thuận tiện hơn rất nhiều.
Kháp Na dồn toàn bộ tâm trí vào việc hỗ trợ Bát Tư Ba và coi đó là niềm vui duy nhất, hằng ngày cậu ấy đều kể cho tôi nghe chi tiếc công việc mà cậu ấy làm. Chúng tôi cùng nhau ngắm hoàng hôn dần buông, mãi đến khi màn đêm xâm chiếm toàn bộ không gian mới uể oải về phòng trong niềm tiếc nuối.
Tôi nói với Kháp Na:
- Thiếp Mộc Nhi đã nói chuyện với Mukaton và khuyên răn cô ấy. Tôi nghĩ sắp tới, Mukaton sẽ đến gặp cậu để làm lành.
- Đừng nhắc đến cô ấy, ta không muốn nghe. – Kháp Na khẽ sững lại, rồi nhanh chóng chuyển đề tài. – Ngày mai là đám cưới của Hoàng tử Chân Kim, em đi cùng ta nhé!
*****
Hôn lễ của Chân Kim rất linh đình. Tôi được ngắm cô dâu Khoát Khoát Chân mười lăm tuổi của Chân Kim. Nằm ngoài dự đoán của tôi, Khoát Khoát Chân không to cao, lực lưỡng, nước da thô ráp như hầu hết các thiếu nữ Mông Cổ. Cơ thể cô ấy gọn gàng, thanh thoát, dáng vẻ yêu kiều, tha thướt, làn da trắng trẻo, mịn màng, gương mặt xinh đẹp, đáng yêu. Tuy cô ấy thường hay đỏ mặt nhưng ứng xử rất tự nhiên, nho nhã. Người thân, bạn bè đồng loạt hô vang, đòi cô ấy uống rượu, cô ấy nâng chén uống cạn, rất thoải mái, phóng khoáng. Buổi tối, cô ấy còn nắm tay các chị em phụ nữ nhảy điệu Gouzhuang quanh đống lửa. Động tác mềm mại, điêu luyện và giọng ca cao vút, trong veo của cô ấy khiến Chân Kim chẳng thể rời mắt.
Tính cách hoạt bát, năng động, vẻ hồn nhiên, ngây thơ, không cầu kỳ, kiểu cách của cô ấy rất được lòng bố mẹ chồng, Khabi cười không khép nổi miệng.
Kháp Na thì đang mải mê chạm chén với viên quan Ahama, người rất được Hốt Tất Liệt sủng ái. Ông ta là người Hồi, xuất thân nghèo khó, vốn là người hầu của cha Khabi, được cử theo hầu Khabi khi cô đi lấy chồng. Ông ta thông minh, nhanh trí, lại giỏi ăn nói nên chỉ một thời gian ngắn đã giành được sự tín nhiệm của Hốt Tất Liệt. Trong suốt khoảng thời gian giao tranh ác liệt với A Lý Bất Ca đồng thời phải xây dựng đô thành, Hốt Tất Liệt cần rất nhiều tiền bạc. Ahama đã ra sức phát huy năng lực sở trường của mình giúp Hốt Tất Liệt thu gom tài sản. Con người này vô cùng nhạy bén và tinh nhanh, trong thời kỳ đầu Hốt Tất Liệt xây dựng đế quốc, cần đến một khối lượng tiền bạc khổng lồ, tài năng đặc biệt của Ahama đã phát huy tác dụng, và quan lộ của ông ta lên như diều gặp gió.
Lúc này, Ahama đang cầm bình rượu, rót hết chén này đến chén khác mời Kháp Na, nói lời bợ đỡ, nịnh hót. Kháp Na không từ chối ly rượu mời nào, cậu ấy cứ thản nhiên ngửa cổ dốc cạn. Chân Kim bước đến, kéo Kháp Na (lúc này đã lảo đảo) về bàn mình uống tiếp, cậu ta chỉ lạnh lùng liếc Ahama một cái rồi đi thẳng. Chân Kim xưa nay vốn cương trực, thẳng thắn nên không hợp với kiểu người ưa dùng thủ đoạn và hay nịnh hót như Ahama. Và thế là, viên đại thần được Hốt Tất Liệt trọng dụng lại bị Hoàng từ Chân Kim tỏ ra lạnh nhạt, thờ ơ. Ahama không biết giấu mặt vào đâu, đành ngượng ngùng kiếm cớ xin phép về trước.
Tiệc cưới kéo dài đến tận nửa đêm, khi đã cơm no rượu say và vui chơi hết cỡ, đoàn khách khứa lục đục chào tạm biệt chủ nhà. Hai cô vợ đến tìm Kháp Na, cậu ấy say bí tỉ nhưng kiên quyết không chịu về, vẫn ôm khư khư bình rượu, tiếp tục ngửa cổ tu.
Mukaton bước đến, giằng lấy bình rượu, xốc Kháp Na lên, nghiêm mặt:
- Kháp Na, đi về, say khướt thế này còn ra thể thống gì nữa!
Dankhag không chịu lép vế, cũng xong đến, túm chặt lấy cánh tay Kháp Na:
- Kháp Na chàng ơi, về thôi, để em dìu chàng.
Mỗi người kéo giật Kháp Na về một bên, bốn mắt mang hình lưỡi dao, bầu không khí nồng nặc mùi thuốc nổ. Những người chứng kiến cảnh tượng này đều che miệng cười thầm. May mà vừa lúc ấy Khabi tình cờ đi qua, khẽ chau mày.
Cuộc chiến giữa hai người phụ nữ chưa kịp lên đến cao trào đã bị đè bẹp, Hoàng hậu cho gọi cả hai người vào phòng. Hốt Tất Liệt nghiêm nghị ngồi trên ngai cao, Khabi đứng bên cạnh Nhà vua. Nhận ra bầu không khí nghiêm trọng, hai người vợ vội quỳ xuống, dập đầu.
Hốt Tất Liệt đập tay vào thành ghế, nạt nộ:
- Những ngày qua, hai ngươi gây ra bao tai tiếng, khiến ta không thể nhắm mắt làm ngơ. Phụ nữ phải hiểu lẽ tam tòng tức đức, hai ngươi đều là con nhà danh gia vọng tộc, lẽ ra phải làm gương cho kẻ dưới, vậy mà giờ đây cả kinh thành đều biết chuyện cãi vã, tranh chấp của hai ngươi, còn ra thể thống gì nữa hả?
Nộ khí xung thiên của bậc thiên tử khiến hai người sợ hãi nằm rạp dưới đất, run lẩy bẩy không thốt được thành lời.
- Lẽ nào các ngươi không biết ghen tuông là một trong "bảy tội của người vợ"[1]! Phạt hai ngươi chép một trăm lần cuốn Nữ giới[2], một tháng sau nộp cho Hoàng hậu.
Hốt Tất Liệt hầm hừ giận dữ, giọng đầy uy hiếp:
- Nếu ta còn phải nghe những tin tức không mấy tốt đẹp về hai ngươi thì đừng trách ta can thiệp vào chuyện nhà của Bạch Lan Vương!
Hai người phụ nữ dập đầu tới tấp, run lập cập, ra về. Hốt Tất Liệt mỉm cười với Khabi:
- Hoàng hậu thấy ta xử trí như vậy có ổn không?
Khabi ngó lên xà nhà, điềm nhiên liếc mắt với tôi rồi dịu dàng bóp vai cho Hốt Tất Liệt, tươi cười duyên dáng:
- Rất ổn! Đại hãn chỉ muốn dọa cho họ một trận, đâu có ý can thiệp sâu vào việc nhà người ta. Đại hãn gọi riêng họ tới để răn dạy, không làm mất đi thể diện của quốc sư mà chỉ rung cây dọa khỉ.
Đêm đó, Kháp Na say mềm, đám hầu cận phải khiêng cậu ấy về phủ. Cả hai anh em họ đều không biết rằng Hốt Tất Liệt đã can dự vào chuyện nhà của Kháp Na theo lời đề nghị của Khabi. Và tôi chính là người đã thỉnh cầu Hoàng hậu.
~. ~. ~. ~. ~. ~
Chàng trai trẻ tấm tắc khen ngợi:
- Sáng tạo hệ thống chữ viết hoàn toàn mới, vừa có thể ghi lại tiếng nói của người Mông Cổ lại có thể dịch các ngôn ngữ khác, đây quả là một việc không hề dễ dàng. Điều đó chứng tỏ Bát Tư Ba là người có tầm tri thức uyên bác đến nhường nào!
Tôi tán đồng:
- Cậu có biết nguồn gốc của chữ Tạng không? Trước thế kỷ thứ bảy, người Tạng chỉ có lời nói, không có chữ viết. Chính vị vua vĩ đại nhất của Tufan khi đó, Tùng Tán Cán Bố, đã cho người sáng tạo ra chữ Tạng dựa trên chữ Phạn của Ấn Độ. Bởi vậy, người sử dụng có thể dễ dàng chuyển ngữ giữa chữ Tạng và chữ Phạn.
- Điều này có liên quan đến việc Bát Tư Ba sáng tạo ra chữ Mông Cổ ư?
- Có chứ. Ở Ấn Độ, kinh Phật được ghi chép hoàn toàn bằng chữ Phạn. Các giáo phái Phật giáo Tây Tạng đông đảo, đa dạng là thế, chỉ trong vòng vài trăm năm đã phiên dịch được một khối lượng kinh văn khổng lồ, bởi vậy họ đã tích lũy được vốn kinh nghiệm dịch thuật vô cùng phong phú. Phật giáo Tạng truyền còn giảng dạy môn "Thanh minh học", tức là môn học chuyên nghiên cứu, luận bàn về cách hành văn và văn tự học. Tổ tiên nhiều đời của Bát Tư Ba đều là các bậc thầy về Thanh minh học, nhất là người bác Ban Trí Đạt của cậu ấy.
Nhớ tới ông cụ thông tuệ, uyên bác ấy, tôi bất giác thở dài:
- Hồi sống ở Lương Châu, đại sư Ban Trí Đạt từng than phiền rằng người Mông Cổ không có chữ viết của riêng mình, họ cai trị bao nhiêu dân tộc khác nhau, ngôn ngữ, chữ viết lại phức tạp như thế, rất bất lợi cho việc ban bố sách lệnh. Bởi vậy, đại sư đã tiến hành cải tiến văn tự Uyghur mà người Mông Cổ sử dụng phổ biến lúc bấy giờ.
Chàng trai trẻ gật đầu:
- Tôi hiểu được rồi. Được sự truyền dạy chu đáo của người bác, Bát Tư Ba chắc chắn sẽ là hậu bối tài năng. Công cuộc tìm tòi, khảo cứu và cải tiến thử nghiệm của người bác sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự sáng tạo của Bát Tư Ba sau này.
- Đúng vậy. Bát Tư Ba đã suy nghĩ về vấn đề này: chữ Tạng có thể chuyển dịch sang chữ Phạn, vậy thì vì sao không thể áp dụng đúng nguyên tắc đó để chuyển dịch sang chữ Mông Cổ?
Chàng trai trẻ bật cười vì đã hiểu ra vấn đề:
- Kỳ diệu! Chỉ có bộ óc siêu phàm như ngài mới nghĩ ra được điều này.
- Đâu có dễ dàng như vậy. Dù Bát Tư Ba tinh thông cả chữ Phạn, chữ Tạng, chữ Uyghur và tiếng Mông Cổ, thậm chí cậu ấy còn nghiên cứu cả chữ Hán nữa, nhưng để có thể sáng tạo ra một hệ thống chữ viết hoàn chỉnh, không thể hoàn tất trong một thời gian ngắn.
Bát Tư Ba đã suy nghĩ về vấn đề này rất nhiều, thậm chí mất ăn mất ngủ. Tôi thở dài xót xa:
- Bát Tư Ba đã mất tám năm ròng không ngừng nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm, cuối cùng mới phát minh ra loại chữ viết mà người đời sau thường gọi là chữ Bát Tư Ba.
====== ====== ====== ====== ======
[1] Nguyên tác là "thất xuất", hay còn gọi là "thất xuất chi điều" nghĩa là bảy tội trạng của người làm vợ vào thời phong kiến, mà theo đó, chỉ cần người vợ phạm phải một trong bảy tội này thì người chồng có quyền bỏ vợ. Bảy tội đó là: Không con, dâm đãng, không thờ cha mẹ chồng, lắm điều, trộm cắp, ghen tuông, mắc bệnh khó chữa. (DG)
[2] Nữ giới hay Những điều răn dạy phụ nữ là cuốn sách của tác giả Ban Chiêu, thời Đông Hán, cuốn sách răn dạy phụ nữ đạo lý làm người. (DG)
← Ch. 26 | Ch. 28 → |