Vay nóng Homecredit

Truyện:Đức Phật Và Nàng – Hoa Sen Xanh - Chương 13

Đức Phật Và Nàng – Hoa Sen Xanh
Trọn bộ 64 chương
Chương 13
Lễ bái sư
0.00
(0 votes)


Chương (1-64)

Siêu sale Lazada


"Muốn lưu tiếng thơm cho mình,

Trước hết hãy làm việc thiện;

Muốn sửa dung nhan, hình vóc

Trước hết phải lau gương soi."

(Cách ngôn Sakya)

Những tháng cuối năm 1253, thời tiết giá buốt bất thường, đến nỗi hơi thở cũng bị đóng băng. Bát Tư Ba lưu lại trong doanh trại của Hốt Tất Liệt, giữa vùng núi non hiểm trở, heo hút ở Vân Nam, chờ mệnh lệnh tiếp theo của Mông Kha Hãn. Những lúc rảnh rỗi, Hốt Tất Liệt thường cho vời Bát Tư Ba đến để đàm đạo về Phật pháp. Nhà sư tuổi trẻ tài cao, kiến thức uyên thâm, tư duy sắc sảo lại khiêm tốn, nho nhã, lịch duyệt ngày càng được Hốt Tất Liệt yêu mến, nể trọng. Vương phi Khabi nhân dịp này lại đề nghị Bát Tư Ba truyền giảng nghi lễ quán đỉnh Hevajra độc đáo của phái Sakya.

Hốt Tất Liệt không những không phản đối mà còn rất đỗi háo hức muốn tiếp nhận nghi lễ này. Ngài lệnh cho thuộc hạ bày trí lại lán trại thật trang hoàng để chuẩn bị cho nghi lễ quán đỉnh. Các dòng cờ phướn được chăng khắp nơi. Người ta dựng một đài cao giữa lán trại, xung quanh xếp những cành thông và những bó hoa. Giữa mùa đông giá lạnh không kiếm được hoa tươi, Khabi cùng đám tỳ nữ đã miệt mài suốt ba ngày để tết những dải hoa lụa tuyệt đẹp, khó mà phân biệt được là hoa giả hay hoa thật. Sau khi bày biện tinh tươm, trang trí cầu kỳ và đặt thêm bếp lửa, cả lán trại trở nên rực rỡ, rạng ngời như trong ngày xuân nắng ấm.

Bát Tư Ba khoác áo cà sa trang trọng, đầu đội mũ ngũ sắc, vầng hào quang thánh khiết, chói lọi tỏa rạng từ người cậu. Cậu ấy đứng trước bục cao, phong thái đường hoàng, đĩnh đạc, lưng vươn thẳng như cây thông ngạo nghễ giữa mùa đông băng giá, nụ cười rạng rỡ tựa nắng mai ngày xuân. Cậu ấy khiêm cung vái Hốt Tất Liệt và Khabi một vái, cất giọng trầm ấm, giọng nói ấy có sức thu hút thật mãnh liệt:

- Nghi lễ quán đỉnh bắt nguồn từ Thiên Trúc. Vào ngày kế vị của tân quốc vương, thượng sư sẽ tưới lên đầu vị vua mới thứ nước biển được lấy về từ bốn phương, cầu chúc quốc vương an khang, hạnh phúc, quốc thái dân an, quốc gia phồn thịnh. Về sau, nghi lễ này được truyền vào đất Tạng, chia thành lễ quán đỉnh truyền pháp và lễ quán đỉnh kết duyên. Lễ quán đỉnh truyền pháp được tổ chức cho riêng những tín đồ đạo Phật, còn lễ quán đỉnh kết duyên được tổ chức cho những ai muốn tiếp nhận lễ quán đỉnh để từ đó phụng thờ thần Hevajra và tu tập theo phép tu của bản giáo.

Khabi gật đầu nhiệt thành, hôm nay cô ấy vận xiêm y lấp lánh ngọc ngà, châu báu, đài các, quý phái bội phần. Thị nữ thận trọng dâng lên một chiếc hộp bằng gấm, Khabi từ tốn mở nắp hộp, bên trong là một viên minh châu cực lớn, ánh sáng phát ra chói lòa, kỳ ảo.

- Pháp sư, khi ta đi lấy chồng, của hồi môn quý giá nhất mà cha mẹ tặng cho ta chính là viên dạ minh châu được vớt lên dưới lòng biển sâu ở tận Tây phương xa xôi. Viên minh châu này ban đêm phát quang rực rỡ, mang theo bên mình có thể tránh tà. Hôm nay, ta xin dâng tặng món quà này cho pháp sư để tỏ lòng tôn kính của đệ tử với sư phụ.

Hốt Tất Liệt ngồi trên tấm thảm Ba Tư quý hiếm, bật cười ha hả:

- Viên minh châu này là báu vật vô cùng quý hiếm, đáng giá hàng trăm nén vàng, hàng nghìn nén bạc, nó tượng trưng cho lòng thành hướng Phật của Vương phi, thế nên pháp sư hãy giúp nàng thỏa nguyện.

Bát Tư Ba nghiêm cẩn chắp tay lại, khiêm cung cúi đầu nhận lấy hộp lễ vật:

- Tạ ơn Vương phi... Xin mời Vương phi theo bần tăng lên quán đỉnh đàn dâng hoa, kết Phật duyên.

Bát Tư Ba chỉ dẫn Khabi bước đến quán đỉnh đàn dựng giữa lán trại, hướng dẫn Vương phi dâng hoa lụa và quả ngọt lên tượng Bồ Tát Văn Thù được đặt ở giữa quán đỉnh đàn. Sau đó, cậu ấy nhấc chiếc bình pha lê trong suốt ở phía trước tượng Phật lên, dõng dạc tuyên bố:

- Nước được dùng trong lễ quán đỉnh hôm nay vốn là tuyết trắng tinh khiết trên đỉnh núi tuyết, nơi không có dấu chân người. Tuyết trắng tan ra thành nước được đặt trước tượng Bồ Tát Văn Thù đã trải qua bảy bảy bốn mươi chín lần cúng tế. Tuy không phải là thứ nước được lấy về từ biển lớn bốn phương nhưng là thứ nước tinh khiết tuyệt đối, tan chảy từ băng tuyết vĩnh cửu. Dòng nước thánh khiết này sẽ mang lại phúc lộc dồi dào cho người chịu lễ.

Tôi niệm thần chú, trốn ở một góc khuất để quan sát, nghe đến đây, không khỏi vênh vang tự đắc. Tôi đã phải trèo lên ngọn núi cao nhất để lấy thứ tuyết tinh khiết về, không dễ dàng chút nào!

Khabi quỳ trước tượng Bồ Tát Văn Thù, chắp tay vái lạy thành khẩn. Bát Tư Ba vừa tụng kinh vừa tưới những giọt nước trong chiếc bình pha lê lên đầu Khabi, chỉ là tượng trưng vài giọt, rồi thôi. Sau đó, cậu ấy đặt vào tay Khabi một khay gỗ, bên trong đựng ấn vàng khắc bốn chữ "Bồ Tát Văn Thù" và một cuốn kinh bằng tiếng Mông Cổ do chính Bát Tư Ba biên soạn:

- Vương phi, bần tăng đã truyền kim ấn và chân ngôn mật chú[1] cho người, kể từ bây giờ, người có thể phụng thờ thần Hevajra và tu tập giáo lý của bản giáo. Ngày mai, bần tăng sẽ truyền giảng đạo quả pháp của phái Sakya cho người.

Khabi đón lấy khay gỗ, mặt mày rạng rỡ. Hốt Tất Liệt đứng bên quan sát, lấy làm thích thú, bèn ngồi xuống, đề nghị Bát Tư Ba làm lễ quán đỉnh cho cả mình nữa. Sau khi lặp lại tuần tự các bước của nghi lễ quán đỉnh cho Hốt Tất Liệt, Bát Tư Ba tuyên bố nghi lễ kết thúc. Cậu ấy tuyên đọc một số giới luật mà đệ tử tu hành tại gia cần tuân theo, rồi gương mặt cậu ấy bỗng nghiêm trang lạ lùng, cậu ấy chậm rãi nói:

- Tuy Đại vương và Vương phi có thân phận cao quý nhưng trước Phật Tổ, mọi chúng sinh đều bình đẳng như nhau, bởi vậy còn một quy định nữa, mong Đại vương và Vương phi tuân thủ.

Hốt Tất Liệt và Khabi tỏ ra rất đỗi ngạc nhiên, Bát Tư Ba dõng dạc nói tiếp:

- Sau khi tiếp nhận nghi lễ quán đỉnh, người chịu lễ phải tuân thủ lời thề trước Phật Tổ, lễ tạ bậc thượng sư của mình.

Khabi gật đầu:

- Đã tiếp nhận quán đỉnh, đệ tử tất phải tuân thủ pháp độ của giáo phái. Có điều, không biết nghi thức bái tạ thượng sư phải thực hiện ra sao?

Bát Tư Ba lặng lẽ liếc sang Hốt Tất Liệt, vẻ mặt bình thản, cất giọng trầm ấm:

- Thượng sư tọa trên đài cao, đệ tử vái lạy và lắng nghe thượng sư răn dạy, không được trái ý thượng sư.

Quả nhiên mặt Hốt Tất Liệt biến sắc:

- Sao có thể thế được! Ta đường đường là một vương gia, thống lĩnh đại quân phía nam, xưa nay chỉ bái lạy tổ tông và vị huynh trưởng hiện là Đại hãn, quyết không bái lạy người ngoài.

====== ====== ====== ====== ====== ====== ====== ====

[1] Chân ngôn mật chú là lời nói huyền nhiệm chứa đựng năng lực đưa đến một kết quả siêu nhiên nào đó. Vốn xuất phát từ đạo Bà-la-môn Ấn Độ, chân ngôn mật chú có thể là một âm tiết, một chữ, hoặc một câu kệ. Trong Phật giáo, người tu hành cho rằng, chân ngôn chứa đựng sức mạnh đặc biệt của vũ trụ hoặc biểu hiện một khía cạnh nào đó của Phật tính. Trong nhiều trường phái, chân ngôn mật chú được lặp lại trong các buổi tu tập, đặc biệt trong Kim cương thừa ở Tây Tạng, chân ngôn mật chú trở thành phương tiện trợ giúp tâm thức hành giả. Hành giả luôn luôn vừa đọc chân ngôn vừa quán tưởng một đối tượng và tay giữ kim ấn theo chỉ dẫn. Câu chân ngôn quan trọng và lâu đời nhất của Phật giáo Tây Tạng là: Úm ma ni bát ni hồng. (DG)

[2] Dogans: tiếng Trung Quốc cận đại gọi tắt là vùng Khang, chỉ phía đông bắc Xương Đô, Tây Tạng ngày nay, là một bộ phận của khu tự trị tộc người Tạng, huyện Ganzi và huyện Aba, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. (DG)

*****

Khi ấy Hốt Tất Liệt ba mươi tám tuổi, là một vương gia quyền cao chức trọng, một lời nói ra, vạn người phải tuân theo, vốn dĩ chỉ có kẻ khác phải vái lạy ngài, giờ đây buộc ngài phải vái lạy và nhận một người tuổi đời chỉ bằng nửa tuổi ngài làm sư phụ, e rằng ngài khó lòng chấp thuận.

Lúc này, Bát Tư Ba mới chắp tay, khẽ cúi người mà rằng:

- Từ xưa đến nay, các đệ tử đều hành lễ với sư phụ như vậy. Đại vương là người có thân phận tôn quý, không bằng lòng vái lạy cũng không sao, nhưng thượng sư nhất định phải được tọa trên ngai cao. Nếu như chút chuyện nhỏ này Đại vương cũng kiên quyết không chấp thuận, vậy xin chớ tôn bần tăng làm thượng sư của ngài và cũng không cần phải tiếp nhận chân ngôn mật chú của phái Sakya làm gì.

Hốt Tất Liệt chừng như tức nghẹn cổ, vì đây không phải lần đầu tiên Bát Tư Ba chống lại ý nguyện của ngài. Thái độ kiên quyết tuân thủ nguyên tắc của Bát Tư Ba khiến người ta vừa bực bội vừa buồn cười. Nhận thấy bầu không khí sắp có chiều hướng xấu đi, Khabi vội vàng bước đến, yêu kiều vái lạy Hốt Tất Liệt, thưa rằng:

- Bẩm Đại vương, thần thiếp có ý thế này.

Nàng đưa mắt quan sát thần sắc của hai người, dịu dàng cất tiếng:

- Lúc nghe giảng pháp và ở những nơi vắng người, thượng sư có thể tọa trên ngai cao. Khi các bậc vương tử, phò mã, quan viên và thần dân tụ họp, Đại vương cần thiết phải thể hiện sự tôn nghiêm, ngài sẽ ngự trên ngai cao. Pháp sư và Đại vương thấy sao?

Hốt Tất Liệt thở phào nhẹ nhõm, giọng nói cũng khoan hòa hơn nhiều:

- Vương phi nói phải lắm, cứ làm theo ý nàng!

Hốt Tất Liệt đã nhượng bộ như vậy, Bát Tư Ba cũng không có lý do gì từ chối. Cậu ấy suy nghĩ một lát, lại bước lên phía trước, tâu rằng:

- Bẩm Đại vương, bần tăng vẫn còn một thỉnh cầu.

Khabi sợ cậu ấy lại nêu ra "yêu sách" gì đó khiến Hốt Tất Liệt bực dọc, vội vàng nháy mắt ra hiệu, nhưng Bát Tư Ba vẫn vờ như không nhìn thấy, cúi gập người, cung kính thưa rằng:

- Những việc liên quan đến Tufan, cúi xin Đại vương thuận theo ý của bần tăng.

Hốt Tất Liệt nhìn chăm chăm vào Bát Tư Ba rất lâu, sau đó khẽ thở dài:

- Những ngày qua cùng thượng sư đàm đạo, ta rất mực nể phục phẩm cách thanh cao và kiến thức sâu rộng của thượng sư. Nay thượng sư đã mở lời thỉnh cầu, vậy ta quyết định thế này, phàm những việc liên quan đến Tufan, ta sẽ nghe theo sự chỉ dạy của thượng sư, nếu thượng sư không đồng ý, ta quyết không ban chiếu chỉ. Còn những việc lớn nhỏ khác, xin thượng sư chớ vì thiện tâm mà cầu xin cho kẻ khác, làm khó cho ta, vì như vậy sẽ khiến ta khó lòng thu phục kẻ dưới.

Bát Tư Ba khẽ giật mình, cậu hiểu một người tôn quý như Hốt Tất Liệt lại hứa hẹn với mình như vậy quả không dễ dàng gì. Bởi vậy, Bát Tư Ba ngước đôi mắt sáng rạng rỡ lên, gật đầu bày tỏ sự đồng ý tuyệt đối.

Khi các vấn đề "gai góc" đều đã được giải quyết ổn thỏa, tâm trạng của Hốt Tất Liệt trở nên hân hoan hơn nhiều, ngài khoát tay ra lệnh cho đám tùy tùng dâng rất nhiều lễ vật quý báu: ngọc ấn mỡ cừu, áo cà sa đính trân châu, ngoài ra, còn có những bộ y phục của tăng sĩ được cắt may rất kỳ công, những tấm đệm dát vàng, v. v... chất đầy cả lán trại.

Hốt Tất Liệt đắc ý nhìn núi lễ vật chất ngất, cười sảng khoái:

- Thượng sư, ta định ban bố một sắc lệnh, chỉ cho phép vùng Wusi được tu tập giáo pháp của giáo phái Sakya, ngài thấy sao?

- Đại vương, tuyệt đối không thể được! – Bát Tư Ba biến sắc mặt, vội bước lên phía trước can gián. – Đất Tạng có rất nhiều giáo phái, các giáo phái lớn đều đã trải qua hàng trăm năm lịch sử với số lượng tín đồ đông đảo, thực lực tương đương nhau. Nếu Đại vương ép buộc họ tin theo giáo phái Sakya, chỉ e sẽ phản tác dụng, khiến cho đất Tạng rối loạn. Sau khi vương triều Tufan sụp đổ, vùng Wusi đã ly loạn suốt mấy trăm năm, không thể để tình trạng này ngày càng trầm trọng. Các giáo phái lớn tuy có nhiều điểm khác biệt nhưng đều phụng thờ Phật Tổ, mỗi giáo phái đều có nét đặc sắc, độc đáo của riêng mình. Sakya đã học hỏi được rất nhiều điều bổ ích từ các giáo phái đó.

Hốt Tất Liệt chừng như rất cảm động, lòng tôn kính đối với Bát Tư Ba lại được dịp tăng thêm:

- Thượng sư không vì lợi ích của giáo phái mình mà suy tính cho đại cục, quả là người có tấm lòng quảng đại.

Sau khi bái Bát Tư Ba làm thượng thư, Hốt Tất Liệt lập tức trao cho Bát Tư Ba một chiếu thư với thân phận vương gia. Chiếu thư mô tả quá trình Hốt Tất Liệt và Khabi quy y cửa Phật và tiếp nhận nghi lễ quán đỉnh. Vương gia Mông Cổ ban chiếu thư vốn là sự kiện hết sức bình thường vào thời điểm đó, hơn nữa Hốt Tất Liệt còn tuyên bố trong chiếu thư rằng, chiếu thư được ban bố là nhờ phúc đức của Thành Cát Tư Hãn và Mông Kha Hãn. Điều đáng nói là, đối với giáo phái Sakya đang trong tình thế khốn đốn, chiếu thư này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì nó tuyên bố với mọi tăng nhân ở đất Tạng rằng, Hốt Tất Liệt và Bát Tư Ba đã kết thành quan hệ thượng sư và đệ tử, và giáo phái Sakya chính thức nằm dưới sự bảo hộ của Hốt Tất Liệt.

Đây là chiếu thư chính thức đầu tiên mà Hốt Tất Liệt ban tặng cho Bát Tư Ba nên cậu ấy xem nó như một món quà quý giá, luôn mang theo bên mình. Về sau, khi cậu ấy trùng tu đền Sakya, bức chiếu thư này đã được cất giữ trong đại điện của ngôi đền, đến tận ngày nay.

Ngày thứ ba sau khi Bát Tư Ba được thụ phong làm thượng sư cũng là ngày người Hán đón năm mới. Tuy là người Mông Cổ nhưng Hốt Tất Liệt đón nhận văn hóa truyền thống của người Hán hết sức cởi mở. Từ khi tiếp nhận trọng trách thống lĩnh quân đội miền Nam, ngài đã chiêu nạp hàng loạt nho sĩ người Hán, thực thi luật pháp của người Hán tại các khu vực mình cai quản. Các quý tộc Mông Cổ khác thường chê trách ngài về điều này nhưng Hốt Tất Liệt bỏ ngoài tai hết thảy.

Vào ngày cuối cùng của năm cũ, Hốt Tất Liệt ban phát rượu thịt cho toàn quân, Khabi cùng với những người hầu gái nô nức dán câu đối và chữ "phúc" khắp các lán trại theo phong tục của người Hán. Đêm Giao thừa, tuyết rơi ào ạt nhưng tiếng cười nói vẫn rộn ràng khắp doanh trại. Vì là đoàn quân viễn chinh nên mọi thứ đều khá đơn sơ, mộc mạc, nhưng không khí ngày Tết không vì thế mà kém phần náo nhiệt. Sau khi yến tiệc kết thúc, Bát Tư Ba trở về lán trại của mình, lập tức ngồi vào bàn viết. Tôi sáp lại, dò hỏi:

- Cậu viết gì thế?

Cậu ấy tặng cho tôi nụ cười rạng rỡ tựa gió xuân, cọ cọ cán bút vào chiếc mũi nhọn hoắt của tôi:

- Viết lời chúc mừng năm mới Đại vương.

Viết xong, cậu ấy nhẩm đọc một lượt, rồi mới thận trọng gập lại, bỏ vào túi gấm, quay lại nhìn tôi, mắt sáng long lanh như sao mai, vành môi uốn cong quyến rũ:

- Lam Kha, zhaxidele, chúc mừng năm mới!

Lòng tôi phơi phới, tôi ngước nhìn nụ cười ấm áp của cậu ấy, khẽ nói:

- Chúc mừng năm mới!

*****

Không hiểu sao tôi chẳng thể hân hoan nổi. Mỗi khi nghĩ đến việc sang năm mới cậu ấy sẽ hai mươi tuổi, nghĩ đến số phận không thể khác đi được của cậu ấy, nghĩ đến những thanh quy giới luật mà cậu ấy phải tuân thủ suốt kiếp là lòng tôi lại phiền muộn, không yên.

Trong cung điện nhỏ bé của Hốt Tất Liệt từ lâu đã hình thành thông lệ: vào ngày đầu năm mới theo lịch của người Hán, Hốt Tất Liệt sẽ tiếp nhận lời chúc mừng của triều thần. Bát Tư Ba là người Tạng, vốn chỉ ăn Tết của người Tạng, nhưng sau khi náu thân nơi phủ đệ của Hốt Tất Liệt, cũng nhập gia tùy tục.

Tết năm 1254, Bát Tư Ba dâng lên Hốt Tất Liệt một áng thơ dài, cung chúc đại gia đình Hốt Tất Liệt an khang, hạnh phúc, trường thọ.

Về sau, viết lời chúc Tết trở thành thông lệ, hằng năm, vào ngày đầu tiên của năm mới, dù đang ở nơi nào, Bát Tư Ba cũng đều gửi thư chúc Tết cho Hốt Tất Liệt và việc này đã được duy trì cho đến năm cuối cùng trước khi Bát Tư Ba viên tịch.

Tết của người Hán qua không lâu, sau nhiều tháng trời đóng quân chờ đợi giữa vùng núi non Vân Nam hiểm trở, cuối cùng Hốt Tất Liệt cũng nhận được mệnh lệnh của Mông Kha Hãn: rút quân. Lý do rất nực cười: Hốt Tất Liệt đánh trận nhiều năm, vết thương ở chân chưa lành, bởi vậy Mông Kha Hãn lệnh cho Hốt Tất Liệt dẫn quân lên phía bắc, đến Cam Túc nghỉ ngơi, dưỡng thương. Sau khi mệnh lệnh được chuyển đến doanh trại, Hốt Tất Liệt đã ở lại trong lán một mình rất lâu, ngày hôm sau, ngài ra lệnh nhổ trại, rút quân.

Sau này tôi mới biết, đã có rất nhiều quý tộc Mông Cổ dựng chuyện kể tội Hốt Tất Liệt trước mặt Mông Kha Hãn. Họ nói với Đại hãn rằng, Vương gia đã chiêu nạp rất nhiều mưu sĩ người Hán, ngài đi khắp nơi học hỏi phương cách trị quốc, ngài dùng lịch của người Hán, học tiếng Hán, áp dụng luật pháp của người Hán, ngài tăng gia sản xuất, tích trữ lương thực, hẳn là ngài đã nuôi dã tâm sau khi chiếm đất Hán sẽ lên ngôi vua từ lâu. Mông Kha Hãn vốn rất kiêng nể và đề phòng người em trai tài ba, nắm giữ binh quyền trong tay này nên khi nghe những lời sàm tấu kia, lại càng không muốn Hốt Tất Liệt tiếp tục lập công trạng nữa, hạ lệnh cho Vương gia rút quân về Nội Mông Cổ. Mông Kha Hãn thậm chí đã sắp xếp ổn thỏa đất phong của Hốt Tất Liệt ở Nội Mông Cổ.

Giã từ những ngọn núi tuyết trắng bao phủ, đoàn quân lập tức lên đường hướng về phía bắc. Khi tới Nội Mông Cổ thì đã là mùa xuân ấm áp, cây cỏ tốt tươi, chim chóc bay lượn, vạn vật hồi sinh. Sau khi đại quân đến đất phong, Hốt Tất Liệt lúc ấy mới hay mình đã được ban cho thứ gì. Đó là mảnh đất xa xôi gồm hai thành trì là Hoàn Châu và Phủ Châu. Nhà cửa lụp xụp, tường thành đổ nát, chẳng có nổi một cung điện tươm tất cho Hốt Tất Liệt náu thân. Thuộc hạ của Hốt Tất Liệt, ai nấy đều bất bình, cho rằng Mông Kha Hãn làm vậy thật quá đáng, nhưng Hốt Tất Liệt không hề tỏ ra bất mãn, ngài là người con của thảo nguyên mênh mông, ngài thích được ngắm nhìn những thảm cỏ hoa rực rỡ màu sắc hơn là chui rúc trong những ngôi nhà thấp lè tè ở thành Phủ Châu, vì vậy ngài đã quyết định dựng trại giữa thảo nguyên bao la.

r

- Hốt Tất Liệt đã bái Bát Tư Ba làm thượng sư, giữ nghi lễ sư phụ và đệ tử. Sau khi ngài xưng đế, phương thức mà Vương phi Khabi nêu ra về sự xuất hiện và vai vế của hai người luân phiên trong các bối cảnh khác nhau vẫn tiếp tục được duy trì. Về sau, triều Nguyên tôn Lạt Ma giáo làm quốc giáo, thiết lập chế độ đế sư. Quy định mà Hốt Tất Liệt đặt ra đã được các triều đại nhà Nguyên tuân thủ nghiêm ngặt.

- Tôi thật lòng khâm phục Bát Tư Ba! Sau vài lần khiến Hốt Tất Liệt phải tức giận, có thể nhận thấy tính cách cương trực, thái độ cương quyết và tính nguyên tắc vững vàng ở cậu ấy rất rõ. Tôi đoán rằng, Hốt Tất Liệt cũng nhận thấy hiếm có người nào dám cự lại ông ta như thế.

Chàng trai trẻ hơ tay bên lò sưởi, quay đầu mỉm cười với tôi:

- Vậy thì bằng cách nào cậu ấy có thể chiếm được lòng tin của Hốt Tất Liệt và được ông ta yêu mến như thế?

- Dựa vào nhân cách của chính cậu ấy. – Tôi thấy khóe mắt mình ươn ướt, dường như bóng dáng khiêm nhường, nho nhã, cụ cười rạng rỡ, ấm áp tựa đóa tuyết liên thánh khiết trên miền đất tuyết của người đó lại thấp thoáng đâu đây. – Cậu ấy thông minh, mẫn tiệp, cần cù, hiếu học, kiến thức uyên thâm, lại rất mực khiêm tốn, hòa nhã, không quá câu nệ các nghi lễ giáo điều của nhà Phật. Tuy là bậc thượng thư của Hốt Tất Liệt nhưng cậu ấy không khi nào tỏ ra kiêu ngạo, luôn giữ thái độ điềm đạm, khoan hòa, nho nhã trước mặt nhà vua. Mỗi khi Hốt Tất Liệt phạm phải sai lầm, Bát Tư Ba sẽ tìm cách can gián thật khéo léo, không khiến ngài mất thể diện.

- Bởi vậy, tôi cũng hết sức thán phục Hốt Tất Liệt. Vì ông ta chịu lắng nghe những lời can gián của bậc trung thần nên ông ta trở thành bậc đế vương cũng là lẽ đương nhiên. Đâu là lời a dua nịnh hót, những kẻ bề tôi kia hay dở ra sao, hẳn trong lòng ông ta đều hiểu rõ.

Tôi khẽ gật đầu:

- Mối quan hệ giữa Bát Tư Ba và Hốt Tất Liệt ngày càng khăng khít. Đối với một bậc đế vương, mối quan hệ bằng hữu thân tình không có bất cứ sự xung đột nào về lợi ích này là điều rất đáng quý. Bát Tư Ba rất được lòng Hốt Tất Liệt nên cậu được ban thưởng rất nhiều của cải. Ngoài nhu cầu tối thiểu hằng ngày của bản thân và tùy tùng, Bát Tư Ba không bao giờ lãng phí quân lương. Những lễ vật mà Hốt Tất Liệt ban tặng, Bát Tư Ba đều cất giữ cẩn trọng, sau này, số của cải đó đã được cậu dùng vào việc trùng tu ngôi đền Sakya.

Chàng trai trẻ nghiêng đầu nhìn tôi, mỉm cười:

- Vậy còn những việc liên quan đến Tufan thì sao, Hốt Tất Liệt có giữ đúng lời hứa, trước khi đưa ra quyết định phải xin ý kiến của thượng sư không?

- Lúc này Hốt Tất Liệt vẫn chỉ là một vương gia có thế lực, Đại hãn Mông Cổ là Mông Kha, Hốt Tất Liệt không có quyền phán quyết những việc liên quan đến Tây Tạng. Nhưng Hốt Tất Liệt hứa hẹn như vậy cũng cho thấy rằng ông ấy không hề bằng lòng với việc phân chia đất phong ở Tây Tạng cho các anh em của Mông Kha Hãn. Và dã tâm của ông ấy còn lớn hơn thế rất nhiều. Sau này, khi Hốt Tất Liệt trở thành hoàng đế, ông ấy mới có cơ hội thực hiện lời hứa với Bát Tư Ba.


Stickman AFK: Liên Minh Bóng Đêm

Chương (1-64)