Chua đuổi bay cơn buồn ngủ
← Ch.036 | Ch.038 → |
"Chỉ vì một câu nói của người khác mà mày cảm thấy sẽ khôi phục kỳ thi đại học hả?" Quách Chí Cường hơi khó tin, đồng thời cũng cảm thấy Tạ Trường Du thế này hơi buồn cười, nói làm là làm ngay được.
Quách Chí Cường nghe Tạ Trường Du kể chi tiết chuyện đã xảy ra hôm đó, đương nhiên điều mấu chốt là thái độ của ông cụ sau khi người đàn ông trung niên kia nói. Đó chỉ là một câu nói thuận miệng mà thôi, Quách Chí Cường cảm thấy người ta chỉ nói một câu như vây, sao đến chỗ Tạ Trường Du đã biến thành "bằng chứng" cho việc sắp khôi phục kỳ thi đại học rồi. Anh chàng chỉ cảm thấy Tạ Trường Du quá nhạy cảm. Đương nhiên, nếu không phải vì Tạ Trường Du không có suy nghĩ muốn đi học thì có lẽ anh chàng sẽ cảm thấy ông bạn mình hơi điên rồi.
Tạ Trường Du sờ mũi mình. Ngoại trừ chuyện đó, anh còn nghĩ vậy vì thái độ của Lâm Tố Mỹ nữa. Anh nhớ lại phản ứng của cô, cô đã quyết định đi học rồi, nếu đã như thế, việc khôi phục kỳ thi đại học chính là một chuyện vô cùng kích động với cô, dẫu anh chỉ thuận miệng nhắc đến thì hẳn cô cũng sẽ phấn khích, nhưng cô lại kinh ngạc nhiều hơn, như thể rất bất ngờ vì anh lại biết tin tức này.
Theo suy nghĩ của anh, trong trạng thái mơ màng khi bị thương, Lâm Tố Mỹ đã nhìn thấy vài tin tức. Vậy thì kỳ thi đại học này chắc chắn là một chuyện lớn, điều đó cũng có thể lý giải cho việc vì sao cô kiên trì đi học.
Đương nhiên, suy đoán đầy màu sắc huyền ảo này, bản thân anh sẽ không nói cho Quách Chí Cường biết. Anh dám khẳng định, nếu mình thật sự nói lời đó, Quách Chí Cường nhất định sẽ dùng ánh mắt như nhìn kẻ điên để nhìn mình.
"Cũng không hoàn toàn là vậy."
"Thế là sao?" Quách Chí Cường không kích động chút nào, bởi dù sao cũng chẳng liên quan chút gì đến anh chàng. Với kiểu người học tiểu học còn chưa xong, còn bị thầy cô bám riết bắt nộp học phí như anh chàng, việc học quả thực là bóng ma ám ảnh có được không.
Quách Chí Cường rót một cốc nước cho Tạ Trường Du, đẩy qua bàn cho anh, rất rõ ràng là không mấy hứng thú với chuyện này.
Tạ Trường Du cầm cốc qua, nhưng anh lại không uống nước."Tao cảm thấy thế này, bỏ thi đại học nhiều năm như thế thì cũng nên khôi phục rồi, dù sao hồi đó cũng là tình huống đặc biệt, nhưng bây giờ đã không còn như lúc đó nữa, đương nhiên là phải khôi phục chứ."
"Vì sao lại phải khôi phục? Bây giờ không có thi đại học chẳng phải mọi người vẫn sống ngon lành đấy sao."
Tạ Trường Du nhìn Quách Chí Cường hồi lâu bằng ánh mắt rất thẳng thừng."Thi đại học là vì sao? Đương nhiên là để chọn ra một vài người tương đối ưu tú rồi. Nếu thi đại học là một cách thức quan trọng để lựa chọn nhân tài thì đương nhiên phải khôi phục chứ. Nhất là bây giờ khi cuộc sống đã tốt đẹp hơn thì càng phải coi trọng phương diện này. Mày nghĩ xem, ngay cả thời cổ cũng phải có chế độ khoa cử, thời tụi mình chắc chắn cũng phải có thi đại học chứ, chẳng lẽ còn không bằng người cổ đại hả?"
"Tao vẫn cảm thấy không đáng tin. Mày thật sự định đến thành phố Vân kiếm sách à?"
Tạ Trường Du gật đầu. Anh từng tìm trên huyện rồi, chỉ có hai hiệu sách, trông nghèo nàn thiếu thốn, sách cũng chẳng tìm được mấy quyển, càng đừng nói là có thể làm tài liệu ôn thi đại học.
Huống hồ, cho dù có thể tìm được, anh cũng không định tìm ở huyện này. Mọi người đều khó khăn cả, nếu kì thi đại học thật sự được khôi phục, mọi người nhất định sẽ tìm sách ngay trên huyện đầu tiên. Nếu anh lấy chỗ sách đó đi thì không phải là tuyệt đường của mọi người hay sao?
Quách Chí Cường cũng nhíu mày."Dù mày thật sự tin vào trực giác của mày như thế thì cũng phải đợi sau khi vụ mùa kết thúc đã chứ, cũng đâu vội gì thời gian này."
Tạ Trường Du kiên quyết lắc đầu."Nếu bây giờ đã có phong thanh truyền ra thì những người biết cũng không ít rồi, quan hệ hay tài lực của những người đó những người như bọn mình có thể bì được à? Đến lúc ấy người ta sẽ lấy hết sách đi, bọn mình còn có thể kiếm được sách gì nữa?"
Suy nghĩ của Tạ Trường Du rất đơn giản, nếu muốn làm thì phải dứt khoát làm luôn, cứ dề dà chắc chắn sẽ bỏ qua cơ hội lần này.
Quách Chí Cường thở dài."Thế thì tao không thể đi cùng mày rồi."
Tạ Trường Du ngẩn người, trầm mặc xoay xoay cốc nước."Mày nghĩ kĩ chưa? Tao cảm thấy thật sự kiếm được đấy. Dù bây giờ không khôi phục thi đại học thì sau này ắt sẽ khôi phục thôi. Bọn mình kiếm sách, cùng lắm là để không đấy một thời gian, rồi chắc chắn cũng sẽ bán được thôi. Nói không chừng người ta còn tranh nhau mua ấy chứ."
Quách Chí Cường vẫn lắc đầu.
Tuy cảm thấy tiếc, nhưng Tạ Trường Du vẫn tôn trọng suy nghĩ của Quách Chí Cường.
Quách Chí Cường hoàn toàn khác Tạ Trường Du. Đối với những thứ có mối nguy, anh chàng suy nghĩ cũng phải thận trọng hơn, bởi nếu xôi hỏng bỏng không thì đến lúc đó thật sự phải cạp đất rồi. Huống hồ tiếp theo còn là lúc thu hoạch lúa gạo, cũng có thể coi là mùa vụ quan trọng nhất. Nếu thật sự đánh giá theo mức độ quan trọng thì lúa gạo còn quan trọng hơn ngô và lúa mì, bởi đó mới là lương thực quan trọng nhất.
Ngay cả trẻ con cũng biết, sau khi thu hoạch lúa gạo xong thì sẽ nhặt bông lúa, cũng tích thêm chút lương thực cho gia đình.
Nếu Quách Chí Cường thật sự đi kiếm sách với Tạ Trường Du, có kiếm được hay không là một chuyện, nhưng điểm công chắc chắn không có nữa rồi. Anh và bà nội được chia lương thực nhờ vào chút điểm công đó, nếu không có điểm công nữa thì bà nội sẽ đau lòng biết mấy.
Quách Chí Cường vẫn muốn khuyên Tạ Trường Du. Không nói đến chuyện khôi phục kỳ thi đại học là thật hay giả, cho dù là thật đi chăng nữa, nếu những người đó đã biết tin tức trước rồi thì chắc chắn sẽ đi kiếm sách trước, sao còn có phần của hai người họ cho được.
Nhưng Quách Chí Cường biết tính cách của Tạ Trường Du, nếu đã quyết định làm thì sẽ không chùn bước. Hơn nữa nếu không thử một lần, Tạ Trường Du nhất định sẽ ngày nhớ đêm mong chuyện này.
......
Thấy thái độ của Quách Chí Cường, Tạ Trường Du cũng không nói thêm gì nữa. Ngay cả người khá "tự do" như Quách Chí Cường còn có thái độ này, càng đừng nói đến những người khác. Vì thế anh không định đi tìm những người khác.
Nếu Tạ Trường Du thật sự đi tìm những người khác để đến thành phố Vân kiếm sách, anh chắc chắn sẽ bị phụ huynh nhà họ mắng chết, làm việc còn chẳng kịp, lại còn bày trò vớ vẩn.
......
Tạ Trường Du nói làm là làm. Anh mang theo toàn bộ số tiền của mình, sau đó đi tìm trưởng thôn Lâm Kiến Quốc nhờ viết giấy giới thiệu để đi xe. Lâm Kiến Quốc lập tức viết giấy giới thiệu ngay.
Với những người giúp thôn bán kén tằm mà không cần tiền như Tạ Trường Du, Lâm Kiến Quốc đương nhiên không làm khó.
Nhưng rốt cuộc Lâm Kiến Quốc cũng không vui lắm."Sao lại đi lúc này? Không thể đợi đến lúc hết mùa vụ rồi đi làm chuyện của cháu sao?"
Tạ Trường Du cười."Hết cách rồi ạ, cháu phải đi ngay bây giờ."
Lâm Kiến Quốc bĩu môi."Được rồi, về sớm mà gặt lúa đấy, đừng có nghĩ đến chuyện lười biếng."
"Dạ, nhất định sẽ về sớm ạ."
......
Từ huyện Định Châu đến thành phố Vân không hề xa, ngồi xe đường dài cũng khoảng bốn năm tiếng, đi tàu hỏa thì khoảng hai tiếng. Tạ Trường Du lựa chọn đi tàu hỏa. Đi tàu hỏa không chỉ nhanh hơn một chút mà còn rẻ hơn rất nhiều, nhưng khá rắc rối, lên huyện rồi còn phải đi một đoạn xa mới đến được ga tàu hỏa.
Mùa này, mọi người đều đang bận chuyện đồng áng nên ra ngoài khá ít. Tạ Trường Du mau chóng mua được vé, rồi vào ga, đợi lên tàu.
Sau khi đến thành phố Vân, Tạ Trường Du không trì hoãn chút nào mà lập tức đi tìm hiệu sách trong thành phố. Vừa vào hiệu sách, anh đã nghe thấy ông chủ than thở: "Sao nhiều người đến mua sách thế nhỉ..."
Tạ Trường Du phấp phỏng. Tuy đã đoán được là như vậy, nhưng rốt cuộc anh vẫn hơi ảo não. Anh đi dạo một vòng trong hiệu sách, phát hiện một vài loại sách phổ cập tri thức đã bị mua. Anh cũng chọn chọn lựa lựa ra mấy quyển sách rồi mua.
Tuy ông chủ than thở nhưng thấy có người mua sách thì vẫn rất vui. Dù sao cũng kiếm được tiền, đồng thời ông cũng vui vì bây giờ mọi người lại thích đọc sách rồi.
Tạ Trường Du cầm sách, không có ý định đến hiệu sách khác, vì ắt hẳn tình hình những hiệu sách khác cũng tương tự.
Tạ Trường Du vốn muốn cầm phiếu đến tiệm cơm quốc doanh ăn. Nhưng sau thoáng nghĩ ngợi, anh lại thay đổi chủ ý. Sau khi đi được một đoạn xa, anh gõ cửa một hộ gia đình, xin ăn nhờ một bữa ở đó với thái độ ôn hòa, cần phiếu hay cần tiền đều được.
Nghe anh nói muốn trả phiếu và tiền, đối phương lập tức nhiệt tình chào đón anh vào.
Cơm canh hơi đạm bạc, nhưng mục đích của anh không nằm ở đó nên anh cũng không chê.
Ban đầu, sau khi thấy tình hình ở hiệu sách, anh còn hơi tiếc nuối và cảm thấy mình đã đến muộn. Nhưng tiếp đó, anh lại cảm thấy vui. Vì điều này chứng tỏ phán đoán của anh không sai, quả thực đã có dấu vết của việc khôi phục kỳ thi đại học.
Nếu anh không thể đi con đường chính quy để kiếm được sách, vậy thì đi con đường khác.
Luôn có một vài người giấu một ít sách trong tay, nhất là những người đảm nhiệm công việc giảng dạy ở trường học hồi ấy. Đối mặt với tình huống bị hủy sách, họ nhất định còn đau lòng hơn bất cứ ai, sau đó sẽ cố hết sức giữ một ít sách lại, cho dù không công khai được thì cũng còn tốt hơn nhiều so với việc bị người ta hủy đi. Mà bây giờ, những cuốn sách đó không phải là sự tồn tại không thể công khai nữa.
Tạ Trường Du càng nghĩ càng cảm thấy có thể đi được con đường này. Những người đó giữ gìn sách không phải để giấu sách, mà là hy vọng có càng nhiều người có cơ hội đọc được những cuốn sách đó. Cho nên, nếu anh xin sách từ đối phương để đưa đến tay những người yêu mến và cần chúng, anh tin rằng đối phương sẽ không từ chối.
Đương nhiên, muốn tìm những người đó thì phải nghe ngóng tin tức.
Tạ Trường Du trả phiếu, trả tiền cho đối phương rất hào phóng. Chủ nhà đương nhiên vui vẻ, không biết thì không nói mà đã nói thì thao thao bất tuyệt, anh cũng có được không ít tin tức hữu dụng.
......
Phiếu và tiền trong tay Tạ Trường Du đều không ít, những thứ đó đều là những thứ anh đổi với người khác từ trước, lần này vừa khéo có chỗ dùng.
Sau khi dùng phiếu và tiền đổi chỗ ở, anh bèn bắt đầu đi loanh quanh nghe ngóng xem những người nào có thể giấu sách. Mà cho dù nghe ngóng được thì cũng còn phải đi tìm người, bởi vì nhiều lần gõ cửa đều có khả năng là không gặp được chủ nhà.
Tạ Trường Du đi lòng vòng hai ngày, cuối cùng mới lấy được sách từ chỗ một người. Sau khi đối phương biết anh tìm sách hộ mọi người, một xu tiền cũng không lấy, muốn đưa tất cả sách cho anh.
Thấy đưa tiền đối phương cũng không nhận, Tạ Trường Du để lại một ít phiếu. Cũng nhờ người này giới thiệu mà anh lại lục tục cầm được những cuốn sách khác.
......
Trong quá trình tiếp xúc với những người đó, Tạ Trường Du hơi hổ thẹn. Anh thật sự không phải người yêu học tập và thích đọc sách như họ tưởng, nhưng anh lại không thể phủ nhận. Anh luôn cảm thấy mình hơi phụ sự kỳ vọng của những người đó. Trong mắt họ, sách là báu vật; còn trong mắt anh, chúng chỉ là hàng hóa mà thôi.
Nhưng Tạ Trường Du không lấy hết sách đi mà để lại cho họ một ít.
Anh nghĩ, đợi sau khi tin tức về việc khôi phục kỳ thi đại học được công bố, họ có thể thay đổi cuộc sống nhờ vào những cuốn sách đó. Cho dù họ không muốn bán sách thì cũng có thể tặng cho người khác làm ân tình hoặc giữ lại cho con cháu của họ hàng sắp tham gia kỳ thi đại học...
- ----------------------------
Khi Tạ Trường Du bận bịu ở thành phố, đội sản xuất số Chín cũng hoàn toàn trở nên bận rộn.
Từ sau lần Lâm Tố Mỹ làm nước bạc hà, mọi người trong thôn đều đua nhau làm, nhà nào cũng bắt đầu làm nước bạc hà. Có điều, một vài nhà sẵn sàng cho đường vào, còn vài nhà thì không nỡ cho.
Hơn nữa, phong trào đó còn truyền đến các đội sản xuất khác, khiến Lâm Tố Mỹ hoàn toàn hưởng thụ niềm vui của người tiên phong.
Bây giờ, Lâm Tố Mỹ lại bắt đầu táy máy mấy món không có chút tác dụng nào trong mắt Trần Đông Mai. Nhưng có thể cho con gái tìm chút chuyện để làm, đồng thời cũng thay đổi cuộc sống của mọi người theo hướng tốt hơn, Trần Đông Mai không phản đối Lâm Tố Mỹ cho đường bừa bãi nữa.
Ngày nào cũng uống nước bạc hà thì cũng phát ngấy, đương nhiên, so với uống nước trắng thì vẫn tốt hơn.
Sau khi dỗ Tiểu Thần Thần ngủ, Lâm Tố Mỹ bèn rảo bước ra khỏi nhà, đi đến khu đất canh tác nhà mình, hái mấy quả cam to từ trên cây cam xuống.
Cam mùa này vẫn còn rất lâu nữa mới chín, vỏ vẫn xanh thẫm, dù chỉ bóc một miếng vỏ ra đã sực mùi chua loét, hoàn toàn không cần nếm đã có thể biết được vị của nó.
Lâm Tố Mỹ cầm mấy quả cam về nhà, dùng dao cắt vỏ cam, sau đó ép nước cam ra. Nước cam lúc này chua đến độ khiến người ta phải hoài nghi cuộc đời. Cô đổ nước cam vào trong lá bạc hà đã ngâm, lại bỏ thêm chút đường rồi hòa chúng với nhau.
Cô tự nếm thử, ngoại trừ hơi tốn đường thì hương vị thật sự khá ngon.
Hương vị này hơi giống nước chanh mà sau này cô được uống.
Sau khi Tiểu Thần Thần dậy, cô bế cu cậu lên, dùng đũa chấm vào nước. Tiểu Thần Thần vui vẻ mở to mắt, sau đó không ngừng khua khoắng chân tay, muốn uống nữa.
Lâm Tố Mỹ chỉ đành bế Tiểu Thần Thần, cầm thìa bón nước cho cu cậu. Lúc này, Tiểu Thần Thần mới không khua khoắng tiếp nữa.
Sau khi dỗ dành Tiểu Thần Thần, Lâm Tố Mỹ lại đi đưa nước cho hai chị dâu, còn mấy người Lâm Kiến Nghiệp đều tự về nhà lấy.
Chuyện Lương Anh và Ngô Hoa làm bây giờ nhìn chung khá nhẹ nhàng, đó là xử lý thóc đã phơi khô. Rơm rạ lẫn trong thóc đã dùng cào cào đi rồi, nhưng trong thóc vẫn có bụi. Sân có rộng hơn nữa cũng không chứa được thóc của cả đội sản xuất, bởi thế không thể dùng gió mặt đất được vì quá chiếm chỗ. Lúc này phải dùng quạt thổi. Đổ thóc xuống từ giữa, sau đó không ngừng quay tay cầm, cánh quạt trong đó sẽ xoay liền một mạch, thóc sẽ rơi xuống, bụi trong thóc sẽ bay sang hướng khác, thế là đạt được hiệu quả chia tách.
Lương Anh và Ngô Hoa không ngừng quay tay cầm, còn một người khác thỉnh thoảng cất thóc ở bên trên đi, tuy nóng nhưng nhìn chung đã thật sự tốt hơn rất nhiều rồi.
"Chị dâu ơi đến uống chút nước đi!"
"Ấy, được."
Tiểu Thần Thần nhìn mẹ mình, giơ tay ra muốn nhào qua, dọa Lương Anh hết hồn, chị vội lùi hai bước về sau.
"Thằng nhóc thối này, cách xa mẹ một chút." Lương Anh nhìn con trai rồi cười, mồ hôi trên mặt vẫn chảy ròng ròng. Trước không nói là người chị bẩn thế nào, chỉ cần nói đến bụi dặm trên thóc thôi, rất "cắn" người, một khi dính vào da thì vừa ngứa vừa đau, vô cùng khó chịu.
Ngô Hoa cười híp mắt nhìn chị dâu và cô em chồng, cầm nước lên uống một ngụm rồi mở to mắt."Thứ này làm bằng gì vậy, chua chua ngọt ngọt uống ngon quá."
Lâm Tố Mỹ nói tỉ mỉ cách làm cho Ngô Hoa, các bước khá đơn giản.
Nhưng Ngô Hoa lại không nghĩ vậy."Tiểu Mỹ, em giỏi thật đấy, thế mà cũng nghĩ ra được."
"Đúng đấy, bọn chị chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện đi hái cam đâu." Lương Anh tán đồng.
Cho dù nước uống có ngon hay không, Lương Anh và Ngô Hoa đều thống nhất bảo Lâm Tố Mỹ mau chóng về nhà. Chỗ nào trên sân cũng đều là thóc đang phơi, còn cả lúa chưa đập nữa, bụi dặm nhiều, dính vào người thì gay to.
Lâm Tố Mỹ bế Tiểu Thần Thần về nhà, còn Lương Anh và Ngô Hoa tiếp tục bận rộn.
Mấy đứa trẻ chơi đùa quanh sân. Chúng cũng biết lương thực quan trọng đến nhường nào nên không dám chạy đi chơi xa, cố gắng trông coi chỗ thóc đang phơi, một khi có gà chạy đến mổ trộm thì chúng sẽ lập tức phát huy tác dụng của bản thân mà đuổi gà đi. Những đứa trẻ hung hãn hơn còn đuổi gà đi rất xa, sau đó còn cầm hòn đá ném lũ gà.
Trông thấy lũ trẻ, Lâm Tố Mỹ cười nhìn một cô bé trong đó."Tiểu Lâm, sao chân em lại dính thóc thế?"
"Ha ha ha, thế này không phải là bị dính thóc."
"Đây là thóc em tự xâu đấy."
Lũ trẻ lập tức rì rào, đứa nào đứa nấy đều vô cùng tự hào vì lại "lòe" được thêm một người lớn nữa. Sau đó chúng hi hi ha ha, vui vẻ khỏi nói.
Đây là một cách chơi vô vị của lũ trẻ. Thực ra phía dưới cùng của hạt thóc có một cái lỗ, nhưng cái lỗ đó vô cùng nhỏ, chỉ đầu sợi tóc mới có thể xâu qua được. Một vài bạn nhỏ bèn dùng sợi tóc xâu qua mấy hạt thóc, sau đó quấn vào mắt cá chân.
Sợi tóc đó quá nhỏ, nếu không chú ý thì hoàn toàn không nhìn thấy được, những gì người ta thấy chỉ là trên chân bị bám một chút thóc.
Một khi có ai nhắc lũ trẻ rằng trên chân chúng có thóc thì chúng sẽ vô cùng vui vẻ, muốn phổ cập cho mọi người là không phải vô tình dính vào đâu, mà là thành quả của sự cố ý đấy. Chúng cảm thấy một vài người lớn bị chúng "lừa" nên cực kỳ phổng mũi.
Lâm Tố Mỹ không nhịn được cười."Thì ra là thế hả, chị thật sự không biết luôn đấy."
"Vậy bây giờ chị đã biết chưa."
Lâm Tố Mỹ gật đầu."Biết rồi, cảm ơn mấy đứa nhé!"
Một người đàn ông gánh lúa về đi ngang qua vừa khéo nghe thấy màn đối thoại của họ, thấy trong đó có con trai mình, anh ta không nhịn được nói: "Cả một đám ngốc, người ta trêu mấy đứa bay thôi mà mấy đứa bay còn tưởng thật đấy à."
"Dạ?" Lũ trẻ lập tức ngây ra.
Nhìn thấy dáng vẻ đờ đẫn của chúng, Lâm Tố Mỹ bật cười.
"Chị biết thật ạ?" Một bạn nhỏ vẫn còn ôm một tia hy vọng.
"Đúng đó, bởi vì lúc bằng mấy đứa chị cũng từng xâu thóc mà!"
"Thôi được rồi!"
......
Lâm Tố Mỹ bế Tiểu Thần Thần về nhà thì gặp ngay Lâm Kiến Nghiệp vừa về. Thời tiết nóng nực, quần áo của Lâm Kiến Nghiệp đã ướt đẫm, song ông cũng mặc kệ, múc luôn nước từ giếng lên lau mặt. Sau khi bớt nóng dần, ông lại chuẩn bị đi ra ruộng.
"Mẹ con nói nước con pha cứ là lạ thế nào, vừa chê nhưng vẫn vừa uống, hai ngụm là đã uống hết sạch rồi." Lúc nói vậy, Lâm Kiến Nghiệp cũng thấy buồn cười.
"Hôm nay không pha mấy, ngày mai con pha nhiều thêm một chút."
Lâm Kiến Nghiệp cười gật đầu, cuối cùng không nói ra chuyện Trần Đông Mai mắng là tốn đường.
Nhưng với việc Lâm Tố Mỹ pha loại nước đó, hai vợ chồng ông đều vui mừng. Bởi vì bây giờ, nước bạc hà Lâm Tố Mỹ pha đã phổ biến khắp cả thôn rồi. Điều này khiến họ tự hào khỏi nói.
Lá bạc hà mọc ở đó, mọi người đi qua sẽ thuận tay hái mấy nắm, cũng có người dùng để ngâm nước uống, nhưng không có ai tạo ra hẳn phong trào như Lâm Tố Mỹ. Cảm giác ấy rõ ràng rất khác biệt.
Bây giờ Lâm Tố Mỹ còn biết tạo ra món mới, lại bỏ thêm thứ khác vào, chắc chắn sẽ được người ta học theo.
Lúc này, Lâm Tố Mỹ vẫn còn chưa biết, loại nước cho thêm cam này còn dấy lên chút tranh luận ở ruộng. Phán đoán của mọi người với loại nước dễ uống này rất nhất trí. Điều không nhất trí là có người cảm thấy uống thứ này quá xa xỉ, phải cho thêm không ít đường thì quá tốn kém, người mày mò thứ này không quản lý gia đình nên không biết được củi gạo dầu muối đắt thế nào.
Quan điểm đó khiến Trần Đông Mai nghe mà thấy khó tả.
"Bây giờ nóng nực như thế, nóng đến mức cơm còn chẳng ăn được, cứ như thế trong thời gian dài thì cơ thể sao chịu nổi? Nếu có thể uống được chút nước đương nhiên là tốt rồi, tốn chút đường có đáng là gì. Thời gian này cực khổ như thế, cũng nên thưởng công cho mình chứ." Người nói lời này là Trần Tư Tuyết.
Trần Đông Mai nhìn Trần Tư Tuyết, hơi bất ngờ vì Trần Tư Tuyết lại nói giúp mình, bèn dành cho Trần Tư Tuyết một ánh mắt cảm kích.
Nhân duyên của nhà họ Tạ trong thôn rất tốt. Không nhắc đến việc Tạ Trường Bình thường chơi cùng đám trẻ trong thôn, chỉ riêng việc mọi người phải mua thịt từ nhà họ Tạ đã khiến mọi người có mấy phần khách sáo với nhà họ Tạ rồi, càng đừng nói tới chuyện Trần Tư Tuyết khá biết đối nhân xử thế.
Thỉnh thoảng, khi ra ngoài mò cua, Tạ Trường Du sẽ mang về chút ốc. Xử lý ốc khá rắc rối, không chỉ phải ngâm mấy ngày cho chúng nhả bùn đất ra, còn phải dùng kéo cắt từng phần đuôi đi, thêm nữa là phần thịt ốc ít, cho nên thường thì chẳng mấy ai muốn mò nó. Dẫu sao bây giờ vẫn lấy số lượng làm trọng, còn về những thứ ngon miệng thì hiện nay mọi người vẫn chưa đến mức độ theo đuổi chúng.
Nhà họ Tạ cũng cảm thấy rắc rối, nhưng không nỡ vứt đi, cho nên dứt khoát nấu lên. Họ nấu hẳn một nồi to, bày ra làm tận mấy chậu, đặt ở sân trước nhà, người trong thôn có thể đến ăn. Một đám người quây trước nhà họ Tạ, vừa ăn ốc vừa cười nói, tình cảm đương nhiên là có, dù sao cũng ăn của người ta mà!
Cho nên Trần Tư Tuyết vừa nói vậy, những tiếng xì xào trước đó cũng biến mất, nhiều thêm không ít âm thanh hòa thuận.
Trần Tư Tuyết nói tiếp: "Tôi cảm thấy nước này cũng được đấy, đợi lát nữa bảo Bình Bình theo Tiểu Mỹ nhà bà học xem làm thế nào, tôi và lão Tạ cũng được hưởng ké một chút."
"Tiểu Mỹ đang ở nhà đấy, Bình Bình đến lúc nào cũng được."
......
Lâm Tố Mỹ ở nhà không chỉ phải chuẩn bị cơm nước mà còn phải đun một nồi nước lớn cho mọi người. Bởi sau khi phơi nắng về, chuyện đầu tiên họ làm chính là tắm rửa.
Tắm nước nóng trong thời tiết này đương nhiên không thoải mái, nhưng tiếp xúc với chỗ thóc đó mà không dùng nước nóng để tắm thì người sẽ càng ngứa. Cho nên không chỉ phải dùng nước nóng mà nhiệt độ nước còn phải rất nóng mới được.
Sau khi tắm bằng nước nóng, mấy người Lâm Bình, Lâm An sẽ lập tức dùng nước lạnh dội xuống cả người.
Mọi người đều tắm xong thì cả nhà mới ngồi xuống cùng ăn cơm.
Vẫn là cháo. Chỗ cháo đó đã được nấu xong từ trước, lúc húp thấy man mát, khiến người ta thoải mái. Lâm Kiến Nghiệp còn có một thói quen đặc biệt. Đó là thời tiết này ông thích húp cháo chua, để cháo lên men, ông cảm thấy húp càng thích hơn.
Ăn cơm xong, mọi người dùng thanh tre ghép thành một chiếc giường lạnh trải ra sân, vừa phe phẩy quạt cho mát vừa tám chuyện với hàng xóm.
Lâm Tố Mỹ cũng ngồi trên chiếc giường tre này. Nhưng cô không nói chuyện với người khác, mà là nhìn đom đóm đang bay quanh sân.
Chúng bay lượn trong bóng đêm và không ngừng nhấp nháy, mang đến cho cuộc sống nhàm chán, bất lực này thứ hy vọng nào đó, rằng rồi thì cuộc sống sẽ ngày một tốt lên thôi.
......
Mọi người đi ngủ khá sớm. Vì thời tiết nóng bức nên thậm chí bố con Lâm Kiến Nghiệp còn ngủ ngay trên sân, sau đó họ dậy vào lúc sáng sớm.
Nhiệt độ ban ngày quá cao, cơ thể không chịu được, cho nên mọi người đều nhân lúc trời vẫn còn tối bèn ra ngoài gặt lúa. Ngày hôm sau thì thu lúa, buộc lúa, gánh lúa về.
Lâm Bình xuề xòa, cắt cam Lâm Tố Mỹ không dùng hết thành miếng rồi bỏ vào miệng. Cảm nhận đó, chua đến mức thần kinh người ta đều run rẩy theo, cơn buồn ngủ thoáng chốc chạy mấy tiêu, cần bao nhiêu tinh thần thì có bấy nhiêu.
Ba bố con đều ngậm một miếng cam, tinh thần còn cao hơn gấp trăm lần húp hai bát cháo, sau đó ra khỏi nhà.
Vì thế, Lâm Tố Mỹ lại có thêm một chỗ khiến người ta khen ngợi. Bởi vì sau mấy ngày này, dường như nhà nào trong đội sản xuất số Chín cũng đều chuẩn bị một quả cam. Sau khi ngủ dậy buổi sáng, họ cắt một miếng cam chua loét để đuổi bay cơn buồn ngủ.
Sau khi Lâm Tố Mỹ lại nghe thấy những lời bàn tán trong thôn – Chuyện này thật sự không liên quan đến mình mà?
← Ch. 036 | Ch. 038 → |